Ngày 28 tháng Tám năm 1955
Tôi nghĩ thật khó để phân biệt giữa tập thể và cá nhân, và thật khó để biết được đâu là chỗ tập thể chấm dứt và cá nhân bắt đầu, cũng như thấy được ý nghĩa của tập thể, và khám phá xem liệu có bao giờ thoát được khỏi tập thể để tạo ra sự toàn vẹn của cá nhân hay không. Tôi không biết bạn có nghĩ gì về vấn đề này không, nhưng theo tôi đây là một trong những vấn đề nền tảng khi đối mặt với thế giới, nhất là ở thời điểm hiện tại, khi người ta quá nhấn mạnh vào tập thể. Ngay cả ở những nước mà phúc lợi xã hội đang được thiết lập như Anh quốc, tập thể cũng ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn; có những trang trại tập thể và những hợp tác xã dưới nhiều hình thức, và nhìn vào đó, ta tự hỏi đâu là vị trí cho cá nhân trong bức tranh ấy và liệu còn có cá nhân hay không.
Bạn có phải là một cá nhân không? Bạn có một tên gọi riêng, một tài khoản riêng ở ngân hàng, một ngôi nhà riêng, một diện mạo nào đó và những khác biệt về tâm lý, nhưng bạn có phải là một cá nhân không? Tôi nghĩ ta rất cần phải đi sâu vào đó, bởi vì chỉ khi nào cá nhân hoàn toàn thanh khiết, điều mà tôi sẽ trao đổi ngay bây giờ đây, thì mới có thể có một thứ hoàn toàn mới mẻ diễn ra. Điều đó hàm ý tự ta khám phá xem nơi nào tập thể chấm dứt, liệu nó có chấm dứt không, và nơi nào cá nhân bắt đầu, tức là bao gồm toàn bộ vấn đề thời gian. Đây là một đề tài vô cùng phức tạp, và vì phức tạp, ta phải tấn công nó một cách đơn giản, trực tiếp, không vòng vo. Nếu được, sáng nay tôi sẽ đi sâu vào đó.
Xin đề nghị bạn hãy quan sát tư duy của chính bạn trong khi tôi nói, và đừng chỉ nghe với thái độ ủng hộ hay phản đối những gì đang được nói ra, nếu bạn chỉ nghe với ý ủng hộ hoặc phản đối, với cái nhìn nông cạn, thuần kiến thức, thì cuộc nói chuyện này và các cuộc nói chuyện vừa qua sẽ cực kỳ vô ích. Trái lại, nếu ta có thể quan sát trí não của mình vận hành như tôi đang mô tả, thì chính sự quan sát đó sẽ tạo ra một hành động đáng ngạc nhiên mà không do áp đặt hay cưỡng bách.
Tôi nghĩ điều vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta là tìm hiểu xem nơi nào tập thể chấm dứt và nơi nào cá nhân bắt đầu. Hay dù có được giảm bớt nhờ tính khí, đặc tính cá nhân, vân vân, nhưng phải chăng toàn bộ tư duy của ta, con người ta, là tập thể? Tập thể là một khối kết tập những sự quy định khác nhau do hành động và phản ứng của xã hội, do những ảnh hưởng của giáo dục, do niềm tin, tín điều, giáo lý tôn giáo, vân vân. Toàn bộ quá trình hỗn tạp này là tập thể. Và nếu bạn xem xét, nhìn vào trong chính mình, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ bạn nghĩ, những điều bạn tin hay không tin, những lý tưởng hoặc chống lại lý tưởng, những nỗ lực, ganh tị, những thôi thúc, ý thức về trách nhiệm xã hội của bạn - tất cả đều là kết quả của tập thể. Nếu bạn là người theo chủ nghĩa hòa bình, chủ nghĩa hòa bình của bạn là kết quả của một sự quy định cụ thể.
Cho nên, nếu nhìn vào chính mình, ta sẽ ngạc nhiên khi thấy ta hoàn toàn tập thể ra sao. Rốt cuộc, trong thế giới Tây phương, nơi mà Kitô giáo đã tồn tại nhiều thế kỷ, bạn lớn lên trong sự quy định cụ thể đó. Bạn được giáo dục hoặc như một người Công giáo hoặc một người Tin Lành, với tất cả những nhánh phái của đạo Tin Lành. Và một khi bạn được giáo dục như một tín đồ Kitô, một tín đồ Hindu hay bất cứ gì, niềm tin vào những điều kiểu đó - địa ngục, tội đày địa ngục, chuộc tội, Đấng Cứu Chuộc duy nhất, tội tổ tông và vô số những niềm tin khác - đã quy định bạn, và dù bạn có thể đi chệch hướng, nhưng tàn dư của sự quy định vẫn còn trong vô thức. Bạn sẽ mãi mãi sợ hãi địa ngục, hoặc sợ việc không tin vào một đấng cứu chuộc nào đó.
Khi ta nhìn vào hiện tượng lạ thường này, có vẻ hơi vô lý khi tự gọi mình là một cá nhân. Bạn có thể có những thị hiếu cá nhân, tên và gương mặt bạn hoàn toàn khác với tên và mặt người khác, nhưng chính quá trình tư duy của bạn lại hoàn toàn là kết quả của tập thể. Các bản năng chủng tộc, truyền thống, các giá trị đạo đức, việc sùng bái sự thành công quá mức, khao khát quyền lực, địa vị, của cải, thứ nuôi lớn bạo lực - chắc chắn tất cả những điều đó là kết quả của tập thể, được kế thừa qua nhiều thế kỷ. Và từ toàn bộ sự kết tập này, ta có thể tách ra tính cá nhân được không? Hay đó là điều hoàn toàn bất khả thi? Nếu ta thật sự nghiêm túc trong việc tạo ra một thay đổi triệt để, một cuộc cách mạng, chẳng phải điều hết sức quan trọng là phải cân nhắc vấn đề này ở tận nền tảng của nó sao? Bởi vì chỉ có người nào là một cá nhân theo nghĩa tôi đang sử dụng, tức là người không bị tập thể làm cho ô uế, một người hoàn toàn đơn độc, chứ không phải cô đơn, bơ vơ, chỉ là hoàn toàn đơn độc từ bên trong, chỉ có ở một cá nhân như thế, thực tại mới hiện hữu.
Nói cách khác, ta bắt đầu cuộc sống của mình bằng những sự thừa nhận, mặc nhận: rằng có hoặc không có Thượng đế, rằng có Thiên đường, địa ngục, rằng phải có một dạng thức quan hệ, đạo đức nào đó, rằng một hệ tư tưởng cụ thể nào đó phải được truyền bá, vân vân. Với những sự thừa nhận vốn là sản phẩm của tập thể đó, ta xây dựng một cấu trúc gọi là giáo dục, là tôn giáo, và ta tạo ra một xã hội mà trong đó cái chủ nghĩa cá nhân thô kệch hoặc không thể kiềm chế hoặc bị khống chế. Xã hội này dựa trên sự thừa nhận là cần phải và không thể tránh được sự cạnh tranh, rằng phải có tham vọng và sự ganh tị. Và nó có thể nào không xây dựng theo bất kỳ sự thừa nhận nào mà xây dựng theo những gì ta tìm hiểu, khám phá? Nếu công cuộc khám phá là của người nào khác, thì ta sẽ lập tức bước vào phạm vi tập thể, tức là phạm vi quyền lực; nhưng nếu mỗi người chúng ta bắt đầu với việc thoát khỏi mọi sự thừa nhận, mặc nhận, thì lúc đó bạn và tôi sẽ xây dựng nên một xã hội hoàn toàn khác, và theo tôi đây là lối thoát căn cơ nhất ở thời điểm hiện tại.
Bây giờ, khi đã thấy được toàn bộ quá trình này, không chỉ ở cấp độ ý thức, mà cả ở cấp độ vô thức - vô thức cũng chính là tàn dư của tập thể - liệu có thể tách cá nhân ra khỏi đó được không? Nghĩa là có thể suy nghĩ không nếu việc suy nghĩ bị tước bỏ tính tập thể? Không phải mọi suy nghĩ của bạn đều mang tính tập thể sao? Nếu bạn được giáo dục như một tín đồ Công giáo, một tín đồ Giám lý, một tín đồ Báp-tít hay gì khác, thì suy nghĩ của bạn là kết quả của tập thể, dù cố ý hay vô ý. Suy nghĩ của bạn là kết quả của ký ức, mà ký ức mang tính tập thể. Điều này hơi phức tạp, ta phải thâm nhập thật chậm, dù đồng ý hay không; ta đang cố gắng khám phá.
Khi ta nói có sự tự do trong suy nghĩ, theo tôi nói thế là vô nghĩa, bởi vì khi bạn và tôi suy nghĩ thì suy nghĩ đó là phản ứng của ký ức, mà ký ức là kết quả của tập thể - tập thể Kitô giáo, tập thể Hindu giáo và những điều như thế. Vậy, không bao giờ có tự do trong suy nghĩ chừng nào suy nghĩ còn dựa trên ký ức. Đây không phải là lý luận suông. Đừng vội gạt đi và nói rằng: “Ôi chà, chỉ là lý luận sách vở thôi”. Không phải đâu. Nghe thì có vẻ là lý luận, nhưng tôi đang mô tả một thực tế. Chừng nào suy nghĩ còn là phản ứng của ký ức, tức là tàn dư của tính tập thể, thì trí não còn phải hoạt động trong phạm vi thời gian - thời gian là sự nối tiếp liên tục của ký ức như hôm qua, hôm nay và ngày mai. Với một trí não như thế, luôn có chết chóc, hư hoại và sợ hãi, và dù nó có ra sức tìm kiếm nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không bao giờ tìm thấy cái bất hoại, cái vượt thời gian, bởi vì suy nghĩ của nó là kết quả của thời gian, của ký ức, của tập thể.
Vậy, một trí não mà tư tưởng của nó là kết quả của tập thể, tư tưởng của nó là tập thể, có thể nào tự tách mình ra khỏi đó được không? Nghĩa là, liệu trí não đó có thể biết cái phi thời gian, cái bất hoại, cái gì đó đơn độc, không chịu ảnh hưởng của bất kỳ xã hội nào không? Đừng khẳng định hay phủ nhận, đừng nói rằng “Tôi đã trải nghiệm điều đó”. Những điều đó đều vô nghĩa, bởi vì đây thật sự là một vấn đề vô cùng phức tạp. Ta có thể thấy rằng sẽ luôn có sự hư hoại chừng nào trí não còn hoạt động trong tập thể. Nó có thể nghĩ ra một quy tắc đạo đức tốt hơn, làm ra nhiều cải cách xã hội hơn, nhưng tất cả vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của tập thể và do đó đều bị hư hoại. Chắc chắn rằng để tìm ra một trạng thái không thể hư hoại, phi thời gian, bất diệt, trí não phải hoàn toàn thoát khỏi tập thể. Và nếu có thể hoàn toàn thoát khỏi tập thể, liệu cá nhân có chống lại tập thể không? Hay cá nhân sẽ không chống lại tập thể, mà sẽ hoạt động ở một cấp độ hoàn toàn khác, cấp độ mà tập thể có thể không biết đến? Bạn theo kịp điều này chứ?
Câu hỏi là: Trí não đã bao giờ vượt ra khỏi được tập thể chưa? Nếu không thể vượt ra khỏi tập thể, ta sẽ phải bằng lòng với việc trang trí lại tập thể, mở thêm cửa sổ cho tù ngục, gắn thêm đèn chiếu sáng, thêm nhà tắm, vân vân. Đó là những gì thế giới này quan tâm, gọi là tiến bộ, là tiêu chuẩn sống cao hơn. Tôi không chống lại một tiêu chuẩn sống cao hơn; làm thế là ngốc nghếch, nhất là khi ta đến từ Ấn Độ, nơi người ta thấy rõ nạn đói hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Vì thế không có người hiểu biết nào có thể chống lại một tiêu chuẩn sống cao hơn, nhưng nếu chỉ có thế, cuộc sống thuần là vật chất. Khi đó đau khổ là điều không thể tránh; khi đó tham vọng, tranh đua, thù địch, tính hiệu quả tàn nhẫn, chiến tranh và toàn bộ cấu trúc của thế giới hiện đại, với những cuộc săn lùng, khủng bố lẫn nhau và cải cách xã hội thi thoảng xảy ra, là hoàn toàn thỏa đáng. Nhưng nếu ta bắt đầu đào sâu vào vấn đề đau khổ - đau khổ vì sự chết, đau khổ vì thất vọng, đau khổ vì sự tối tăm ngu dốt - thì ta phải thắc mắc về toàn bộ cấu trúc này, không chỉ phần nào của nó, không chỉ quân đội hay chính quyền, để tạo ra một cuộc cải cách nào đó. Ta phải chấp nhận toàn bộ xã hội này hoặc chối bỏ nó hoàn toàn - không phải chối bỏ theo nghĩa chạy trốn nó, mà là phải tìm ra ý nghĩa của nó.
Thế nên, nếu trí não không thể tự tách nó ra khỏi tù ngục tập thể, thì nó chỉ có thể quay lại để sửa sang nhà ngục mà thôi. Nhưng đối với tôi, điều đó là có khả năng, bởi vì cứ đấu tranh mãi trong tù ngục thì thật quá ngu ngốc. Và làm thế nào trí não có thể tự tách mình ra khỏi mớ hỗn tạp những giá trị và mâu thuẫn, theo đuổi và thôi thúc ấy? Chừng nào bạn còn chưa làm được việc đó, thì vẫn chưa có tính cá nhân. Bạn có thể tự gọi mình là một cá nhân, bạn có thể nói bạn có một linh hồn, một bản ngã cao hơn, nhưng tất cả đều là chuyện bịa đặt của một trí não vốn vẫn thuộc về tập thể.
Ta có thể thấy những gì đang diễn ra trên thế giới. Một nhóm tập thể mới đang phủ nhận rằng có linh hồn, có sự bất tử, vĩnh hằng, rằng Jesus là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, vân vân. Khi thấy được toàn bộ cái khối hỗn tạp gồm những khẳng định và bác bỏ khẳng định này, một câu hỏi chắc chắn phải được đặt ra là: Trí não có thể tự thoát ra khỏi đó không? Tức là, có thể nào thoát khỏi thời gian - thời gian với tư cách là ký ức, mà ký ức vốn là sản phẩm của một nền văn hóa, văn minh hay sự quy định cụ thể nào đó - được không? Trí não có thể thoát khỏi toàn bộ những ký ức này không? Không phải ký ức về cách xây một cây cầu, về cấu trúc của nguyên tử hay đường về nhà; đó là ký ức thực tế mà nếu không có nó ta có thể trở nên ngu ngơ hoặc rơi vào trạng thái mất trí. Nhưng trí não có thể thoát khỏi ký ức tâm lý không? Chắc chắn, nó chỉ có thể thoát khỏi được khi không còn tìm kiếm sự an toàn. Tóm lại, như chiều hôm qua tôi đã nói, chừng nào trí não còn tìm kiếm sự an toàn, dù với một tài khoản ngân hàng, một tôn giáo hay nhiều hình thức hành động xã hội và mối quan hệ khác nhau, thì tất phải có bạo lực. Con người nuôi dưỡng nhiều bạo lực, rồi họ nhìn thấy điều đó và trở thành một nhà tu ẩn dật, thì họ cũng vẫn nuôi dưỡng bạo lực, bởi vì họ đang tìm kiếm sự an toàn, không phải trong thế giới mà trong những ý tưởng.
Vậy thì vấn đề là: Trí não có thể thoát khỏi ký ức được không - không phải ký ức của thông tin, của kiến thức, của các sự kiện, mà là ký ức tập thể được bồi đắp qua nhiều thế kỷ của niềm tin? Nếu bạn tự đặt câu hỏi này với sự chú tâm trọn vẹn mà không đợi tôi trả lời, bởi vì làm gì có câu trả lời, thì bạn sẽ thấy rằng chừng nào trí não còn tìm kiếm sự an toàn dưới bất cứ hình thức nào, chừng đó bạn còn phụ thuộc vào tập thể, vào ký ức của nhiều thế kỷ. Nhưng thật khó mà không tìm kiếm sự an toàn, bởi vì ta có thể chối bỏ tập thể, nhưng lại phát triển một tập thể với kinh nghiệm của riêng mình. Bạn hiểu chứ? Tôi có thể chối bỏ xã hội cùng tất cả sự thối nát của nó, với tham vọng, sự tham lam, cạnh tranh của tập thể; nhưng khi đã chối bỏ nó, tôi lại có những trải nghiệm và mỗi trải nghiệm sẽ lưu lại một tàn dư. Tàn dư đó cũng lại trở thành tập thể bởi vì tôi đã thu thập nó; nó trở thành sự an toàn cho tôi, rồi tôi truyền lại cho con trai tôi, hàng xóm của tôi, vậy là tôi lại tạo ra một tập thể theo một khuôn mẫu khác.
Trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi ký ức của tập thể được không? Nghĩa là thoát khỏi tính ganh tị, cạnh tranh, tham vọng, sự phụ thuộc, thoát khỏi việc mãi mãi đi tìm cái vĩnh cửu như là phương tiện để được an toàn. Chỉ khi có sự giải thoát đó thì mới có cá nhân. Khi đó, một trạng thái hoàn toàn khác của trí não và của sự sống tồn tại. Khi đó, không thể có sự hư hoại, không thể có thời gian. Và với một trí não như thế, có thể gọi là cá nhân hay cái tên nào khác, thực tại sẽ hiện diện. Bạn không thể đuổi theo thực tại. Nếu làm thế, nó sẽ trở thành sự an toàn cho bạn, do đó nó hoàn toàn sai lầm, vô nghĩa, cũng giống như việc bạn theo đuổi tiền bạc, tham vọng, thỏa mãn. Thực tại phải đến với bạn và nó không thể đến chừng nào còn có sự thối nát của tập thể. Thế nên trí não phải hoàn toàn đơn độc, không bị ảnh hưởng, không bị ô uế, nhờ vậy mà nó phi thời gian, chỉ khi đó, cái không thể đo lường, cái phi thời gian mới hiện diện.
Nhiều câu hỏi đã được gởi đến nhưng rất tiếc là không thể được giải đáp hết. Nhưng chúng tôi đã chọn lọc những câu hỏi tiêu biểu và tôi sẽ cố gắng trả lời càng nhiều càng tốt trong sáng nay.
Tôi hy vọng rằng các bạn không bị tôi mê hoặc. Những gì tôi nói đều có ý nghĩa cả; tôi không nói năng ngẫu hứng. Các bạn lắng nghe bằng sự yên lặng. Nếu sự yên lặng đó đơn thuần là kết quả từ sự áp chế bởi tính cách hay ý tưởng của người khác, thì nó hoàn toàn không có giá trị gì cả. Nhưng nếu sự yên lặng của bạn là kết quả tự nhiên nhờ bạn chú tâm quan sát tư tưởng của chính mình, trí não của chính mình, thì không phải bạn đang bị mê hoặc, không phải bạn đang bị thôi miên. Lúc đó bạn không tạo một tập thể mới, một sự tuân thủ mới, một lãnh đạo mới - những thứ khủng khiếp; việc đó thật vô nghĩa và gây hủy hoại bậc nhất. Nếu bạn thật sự tỉnh táo, tinh ý quan sát từ bên trong, bạn sẽ thấy rằng các buổi nói chuyện này thật xứng đáng bởi vì chúng sẽ làm lộ rõ cách trí não của chính bạn vận hành. Vậy là bạn không học gì từ người khác cả, cho nên không có thầy, không có trò, không ai theo ai. Toàn bộ những điều này đều nằm trong tâm thức của bạn, và người mô tả tâm thức đó không tạo thành một người lãnh đạo. Bạn không việc gì phải sùng bái một tấm bản đồ, một chiếc điện thoại hay tấm bảng đen có viết đôi điều trên đó. Vậy, đây không phải là sự tạo thành một nhóm mới, một lãnh đạo mới, một sự tuân phục mới, ít nhất không phải là với tôi. Nếu bạn tạo ra điều đó, nó sẽ trở thành nỗi đau khổ của chính bạn. Nhưng nếu bạn quan sát trí não của mình, tức là điều được ghi trên tấm bảng đen, thì sự quan sát đó sẽ dẫn đến một khám phá phi thường, và chính khám phá đó đem đến hành động của chính nó.
Người hỏi: Nhiều người đã trải qua sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh dường như không thể tìm thấy chốn dung thân cho mình trong thế giới hiện đại. Bị tung lên hất xuống bởi những đợt sóng của cái xã hội hỗn loạn này, họ trôi dạt hết bờ bến này đến bờ bến khác và cố lê thân trong một cuộc sống khốn khổ. Tôi là một người như thế. Tôi phải làm gì đây?
Krishnamurti: Nếu bạn phản kháng lại xã hội, thì nhìn chung điều gì sẽ xảy ra? Vì sự cưỡng bách, vì nhu cầu thiết yếu, bạn phải tuân theo một khuôn mẫu xã hội cụ thể, do vậy, bạn không ngừng chiến đấu trong chính mình và với xã hội bên ngoài. Xã hội đã biến bạn thành người như bạn đang là; nó gây ra chiến tranh, hủy hoại. Nền văn hóa này được xây dựng trên sự ganh tị và hỗn loạn; các tôn giáo của nó không tạo ra một con người tôn giáo. Trái lại, chúng hủy diệt con người tôn giáo. Vậy một cá nhân phải làm gì? Vì bị chiến tranh hủy hoại, hoặc bạn trở thành một người loạn thần kinh, hoặc bạn tìm ai đó giúp bạn không bị loạn thần kinh và thích ứng với khuôn mẫu xã hội, bằng cách đó lại tiếp tục duy trì cái xã hội chỉ toàn sinh ra điên loạn, chiến tranh và suy đồi. Hoặc cách khác - cách này thật sự rất khó thực hiện, bạn sẽ quan sát toàn bộ cấu trúc của xã hội và thoát khỏi đó. Thoát khỏi xã hội ngụ ý là không tham vọng, không ham muốn, không cạnh tranh, nghĩa là không có gì liên quan đến cái xã hội luôn khao khát trở thành điều gì đó. Nhưng việc này thật khó chấp nhận, bởi vì bạn có thể bị giẫm đạp, bị gạt ra; bạn sẽ không có gì cả. Trong cái không đó mới xuất hiện sự sáng suốt, chứ không phải trong cái có. Khoảnh khắc bạn thấy được điều đó, khoảnh khắc bạn là cái không, cuộc sống sẽ chăm sóc bạn. Nó sẽ làm như vậy. Một điều gì đó sẽ xảy ra. Nhưng việc này đòi hỏi một cái nhìn thấu suốt mênh mông vào toàn bộ cấu trúc của xã hội. Chừng nào ta còn muốn là một phần của xã hội này, thì chắc chắn ta phải sinh ra điên loạn, chiến tranh, hủy diệt và khổ đau. Nhưng để tự giải thoát mình khỏi xã hội này - cái xã hội của bạo lực, của cải, địa vị, thành công - thì cần phải có sự nhẫn nại, tìm hiểu, khám phá, chứ không phải đọc sách, theo đuổi những bậc thầy, giáo chủ, nhà tâm lý học nào đó, vân vân.
Người hỏi: Tôi vẫn thấy rối vì cụm từ mà ngài sử dụng trong buổi nói chuyện ở tuần cuối cùng này: “một trí não bị kiểm soát hoàn toàn”. Chẳng phải một trí não bị kiểm soát đã bao hàm ý chí hay một thực thể kiểm soát rồi sao?
Krishnamurti: Đúng là tôi đã dùng cụm từ “một trí não bị kiểm soát” và tôi nghĩ tôi đã giải thích ý của mình rồi. Nhưng tôi thấy ý đó đã không được hiểu, thế nên tôi sẽ giải thích lại lần nữa.
Chẳng phải ta không cần một trí não bị kiểm soát, mà cần một trí não thật sự kiên định, một trí não không bị xao lãng hay sao? Xin hãy theo dõi điều này. Một trí não không bị xao lãng là trí não không có mối quan tâm của một trung tâm, chủ thể. Nếu có một mối quan tâm có chủ thể thì sẽ có sự xao lãng. Nhưng một trí não hoàn toàn chú tâm, không hướng đến một đối tượng cụ thể nào, mới là một trí não kiên định.
Bây giờ, ta hãy lướt nhanh qua toàn bộ vấn đề về kiểm soát này. Khi có sự kiểm soát thì phải có một thực thể kiểm soát, chế ngự, sàng lọc hoặc tìm ra thứ thay thế. Vì thế, trong sự kiểm soát luôn diễn ra một quá trình phân chia giữa người kiểm soát và thứ được kiểm soát. Nói cách khác là có sự xung đột. Chắc chắn bạn nhận thức được điều này. Có người kiểm soát, người đánh giá, người phán xét, người trải nghiệm, người có tư tưởng, và đối nghịch với người đó là thứ mà người đó xem xét, kiểm soát, triệt tiêu, sàng lọc, vân vân. Vậy, luôn luôn có một trận chiến diễn ra giữa hai bên: một bên là con người như thực tế và một bên là người nói “tôi phải là”. Sự mâu thuẫn, xung đột này gây lãng phí năng lượng. Có thể nào chỉ có thực tế và không có người kiểm soát được không? Có thể thấy được thực tế rằng tôi ganh tị mà không nói rằng ganh tị là sai, là chống lại xã hội, đi ngược lại tinh thần và phải thay đổi, được không? Thực thể đánh giá có thể hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại thực tế được không? Liệu trí não có thể nhìn vào thực tế mà không đánh giá, tức là không có ý kiến gì hay không? Khi có ý kiến về một thực tế thì lập tức có sự hỗn loạn, xung đột. Tôi hy vọng các bạn hiểu điều này.
Vậy, hỗn loạn là hoang phí năng lượng, mà trí não phải còn hỗn loạn chừng nào nó còn tiếp cận một thực tế bằng một kết luận, một ý tưởng, một ý kiến, phán xét, lên án. Nhưng khi trí não thấy được thực tế đúng như nó là mà không có ý kiến, thì sẽ chỉ có sự tri nhận thực tế mà thôi, rồi từ đó một sự kiên định và sự tinh tế lạ thường của trí não sẽ xuất hiện, bởi vì không còn sự chệch hướng, không còn sự lẩn tránh, phán xét, xung đột khiến trí não tự lãng phí mình vào đó nữa. Chỉ còn lại tư duy, chứ không có người tư duy, nhưng rất khó trải nghiệm được điều đó.
Hãy xem việc gì xảy ra. Bạn nhìn ngắm một buổi chiều tà đáng yêu. Chính ngay lúc nhìn ngắm cảnh đó thì không có người trải nghiệm, đúng không? Chỉ có ý thức về vẻ đẹp tuyệt vời. Rồi trí não nói: “Cảnh này mới đẹp làm sao. Tôi muốn có nhiều hơn nữa”. Vậy là xung đột bắt đầu khi người trải nghiệm muốn nhiều hơn. Trí não có thể ở trong trạng thái đang trải nghiệm mà không có người trải nghiệm được không? Người trải nghiệm là ký ức, là tập thể. Bạn có thấy điều đó không? Và liệu tôi có thể nhìn cảnh hoàng hôn mà không so sánh, không nói “Cảnh này mới đẹp làm sao. Tôi ước gì có được nhiều hơn nữa”? Cái “nhiều hơn” là sản phẩm của thời gian, trong đó có nỗi sợ kết thúc, tức sợ chết.
Người hỏi: Có sự chia đôi giữa trí não và cái “tôi” không? Nếu không thì làm sao ta giải thoát trí não khỏi cái “tôi”?
Krishnamurti: Có sự chia đôi giữa cái “tôi”, cái ngã và trí não không? Chắc chắn là không. Trí não là cái “tôi”, cái ngã. Cái ngã, cái “tôi” là sự thôi thúc mãnh liệt của ganh tị, hung tàn, bạo lực, là thiếu tình thương, là không ngừng tìm kiếm thanh thế, địa vị, quyền lực, cố gắng trở thành điều gì đó - cũng chính là những gì trí não đang làm, phải không? Trí não luôn luôn suy nghĩ đến việc làm sao để cải thiện bản thân, làm sao để an toàn hơn, làm sao để có địa vị cao hơn, được tiện nghi hơn, giàu có hơn, quyền lực hơn, tất cả những thứ đó là cái “tôi”. Vậy, trí não là cái “tôi”; cái “tôi” không phải là một thứ tách biệt, dù ta thích nghĩ như vậy, vì khi đó trí não có thể kiểm soát cái “tôi”; nó có thể chơi trò này tới lui, khuất phục, cố gắng tác động đến cái “tôi” - tức là trò chơi ấu trĩ của một trí não được giáo dục, được giáo dục theo nghĩa sai lầm của từ này.
Vậy trí não là cái “tôi”; đó là toàn bộ cấu trúc của sự tích lũy, và vấn đề là: Làm thế nào trí não thoát khỏi chính nó? Hãy theo dõi điều này. Nếu trí não có bất kỳ động thái nào để tự giải thoát thì nó vẫn là cái “tôi”, không phải sao?
Nhìn đây, tôi và trí não của tôi là một; không có sự chia tách nào giữa bản thân tôi và trí não của tôi. Cái “tôi” đầy ganh tị, tham vọng, thật ra chính là cái trí não nói rằng: “Tôi không được ganh tị, tôi phải cao thượng”. Chỉ là trí não đó đã tự phân đôi chính mình. Vậy, khi thấy được điều đó, tôi phải làm gì? Chắc chắn bất kỳ động thái nào của nó để tự giải thoát thì vẫn thuộc về sự quy định đó. Đúng chứ? Bạn hiểu điều này không? Bất kỳ động thái nào về phía trí não nhằm giải thoát chính nó khỏi sự quy định cũng là một hành động của cái “tôi” muốn được tự do để hạnh phúc hơn, yên ổn hơn, gần với bên phải Thượng đế hơn. Tôi thấy được toàn bộ điều này, những cách thức và mánh khóe của trí não. Cho nên trí não yên lặng, hoàn toàn tĩnh lặng, không có bất kỳ động thái nào; và chính trong sự tĩnh lặng đó, trong sự yên lặng đó, có sự thoát khỏi cái “tôi”, thoát khỏi chính trí não. Chắc chắn cái “tôi” chỉ tồn tại trong động thái của trí não muốn đạt được điều gì đó, hoặc tránh né điều gì đó. Nếu không có động thái muốn đạt được hay lẩn tránh thì trí não hoàn toàn tĩnh lặng. Chỉ khi đó mới có khả năng thoát khỏi toàn bộ tâm thức với tư cách là tập thể và với tư cách là cái đối nghịch với tập thể.
Người hỏi: Tôi đã nghiêm túc thử nghiệm những lời dạy của ngài được nhiều năm, tôi đã nhận thức được trọn vẹn bản chất ký sinh của sự tự ý thức và thấy những xúc tu của nó chạm đến từng suy nghĩ, lời nói và việc làm của tôi. Kết quả là tôi đã đánh mất toàn bộ sự tự tin cũng như mọi động lực. Công việc trở thành một thứ lao dịch và thời gian nhàn rỗi thì lại buồn tẻ. Tôi gần như cứ sống trong nỗi đau tâm lý dai dẳng, nhưng tôi cũng thấy rằng ngay cả nỗi đau cũng là một công cụ của cái “tôi”, và tôi xin hỏi ngài cũng như đang tự hỏi chính mình: Giờ phải làm sao?
Krishnamurti: Bạn thử nghiệm giáo lý của tôi hay bạn thử nghiệm chính mình? Tôi hy vọng bạn thấy được chỗ khác biệt. Nếu bạn thử nghiệm những điều tôi nói thì bạn phải đi đến câu hỏi: “Giờ phải làm sao?” bởi vì khi đó bạn đang cố gắng đạt được một kết quả mà bạn nghĩ là tôi có. Bạn nghĩ tôi có điều gì đó mà bạn không có, và rằng nếu bạn thử nghiệm điều tôi nói, bạn cũng sẽ có được điều đó - đa phần chúng ta nghĩ thế. Ta tiếp cận những điều này với một tinh thần mua bán: tôi sẽ làm việc này để đạt được điều kia. Tôi sẽ sùng bái, thiền định, hiến tế để đạt được điều gì đó.
Vậy thì bạn không phải đang thực hành theo giáo lý của tôi. Tôi không có gì để nói cả. Hay đúng hơn, tất cả những gì tôi muốn nói là: Hãy quan sát trí não của chính bạn, hãy nhìn thấy những tầng sâu mà trí não có thể vươn tới; do đó, bạn mới quan trọng, chứ không phải giáo lý. Điều quan trọng đối với bạn là khám phá đường đi nước bước trong tư duy của chính bạn và tư duy đó hàm ý gì, như tôi đã cố gắng chỉ ra vào sáng nay. Và nếu bạn thật sự quan sát tư duy của chính mình, nếu bạn theo dõi, thử nghiệm, khám phá, buông bỏ, để chết đi mỗi ngày mọi điều mà bạn đã góp nhặt, thì bạn sẽ không bao giờ đặt câu hỏi “Giờ phải làm sao?”.
Bạn thấy đó, tin tưởng hoàn toàn khác với tự tin. Sự tin tưởng, xuất hiện khi bạn đang khám phá trong từng khoảnh khắc, hoàn toàn khác với sự tự tin khởi lên từ việc tích lũy những khám phá, mà rồi sẽ trở thành kiến thức và cho bạn tầm quan trọng. Bạn thấy chỗ khác biệt chứ? Do đó, vấn đề của sự tự tin hoàn toàn biến mất. Chỉ có hành động liên tục khám phá, liên tục đọc và thấu hiểu, không phải sách vở, mà trí não của chính bạn, toàn bộ cấu trúc mênh mông của tâm thức. Lúc đó bạn không còn tìm kiếm một kết quả. Chỉ khi nào bạn tìm kiếm một kết quả, bạn mới nói: “Tôi đã làm hết mọi thứ này, nhưng tôi chẳng có gì cả và tôi đã đánh mất sự tin tưởng. Giờ phải làm sao?”. Trái lại, nếu bạn xem xét, thấu hiểu đường đi nước bước trí não của chính mình mà không tìm kiếm một phần thưởng, một mục đích, không có động cơ kiếm chác điều gì, thì mới có sự tự biết mình và bạn sẽ thấy một điều lạ thường xuất hiện từ đó.
Người hỏi: Ta phải làm sao để nhận thức không bị trở thành một kỹ thuật mới, một kiểu thời thượng trong thiền?
Krishnamurti: Câu hỏi này hết sức quan trọng nên tôi sẽ đi sâu vào đó và tôi hy vọng các bạn không mệt mỏi đến mức không thể theo dõi những hoạt động trong trí não của chính mình với một sự tỉnh táo thật thoải mái.
Thiền rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn nữa là phải hiểu thiền là gì, nếu không trí não sẽ bị vướng mắc vào kỹ thuật thuần túy. Học một mẹo hít thở mới, ngồi ở một tư thế nhất định, giữ thẳng lưng, tập theo một trong nhiều phương pháp để nhằm làm cho trí não yên lặng - tất cả những thứ đó chẳng hề quan trọng. Điều quan trọng cho bạn và tôi là tìm hiểu xem thiền là gì. Chính khi tìm hiểu thiền là gì đó, tôi đang thiền. Bạn hiểu chứ? Hãy từ từ, thưa các bạn, đừng vội đồng ý hay không đồng ý.
Thiền là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không biết thiền là gì thì cũng giống như một bông hoa không có hương thơm. Bạn có thể có năng lực tuyệt vời khi nói, vẽ hay tận hưởng cuộc sống; bạn có thể có một kiến thức như bách khoa toàn thư và kết hợp được mọi kiến thức, nhưng tất cả những điều ấy cũng vô nghĩa nếu bạn không biết thiền là gì. Thiền là hương thơm của cuộc sống; thiền có một vẻ đẹp mênh mông. Nó mở ra những cánh cửa mà trí não không bao giờ mở được; nó đi vào những tầng sâu mà một trí não được giáo dục đơn thuần không bao giờ chạm tới được. Vì thế, thiền cực kỳ quan trọng. Nhưng ta lại luôn đặt ra câu hỏi sai và do đó mà nhận được câu trả lời sai. Ta nói: “Tôi phải thiền như thế nào?”, rồi thế là ta tìm đến một thầy giảng đạo nào đó, một gã ngốc nào đó, hoặc ta nhặt lấy một quyển sách, hoặc theo đuổi một phương pháp, với hy vọng học được cách thiền. Bây giờ, nếu ta có thể gạt bỏ tất cả những thứ đó, những thầy đạo, yogi, nhà diễn giải, người dạy thở, dạy ngồi yên, vân vân, thì tất yếu ta phải đi đến câu hỏi này: Thiền là gì?
Xin hãy lắng nghe thật kỹ. Ta không hỏi cách thiền là thế nào, hay kỹ thuật nhận thức là gì, mà ta hỏi thiền là gì. Đó mới là câu hỏi đúng. Nếu bạn đặt ra một câu hỏi sai, bạn sẽ nhận được một câu trả lời sai, nhưng nếu bạn đặt ra một câu hỏi đúng, thì chính câu hỏi đó sẽ tiết lộ câu trả lời đúng. Vậy, thiền là gì? Bạn có biết thiền là gì không? Đừng lặp lại những điều bạn đã nghe người khác nói, ngay cả khi bạn biết người nào đó, như tôi biết, đã dành cả hai mươi lăm năm để thiền. Bạn có biết thiền là gì không? Rõ ràng là bạn không biết, phải không? Bạn có thể đã đọc những gì các giáo sĩ, các vị thánh, những nhà ẩn tu nói về việc suy niệm và cầu nguyện, nhưng tôi không hề nói về những điều đó. Tôi đang nói về thiền - không phải theo nghĩa trong từ điển, bạn có thể tra cứu sau. Thiền là gì? Bạn không biết. Và đó là cơ sở để dựa vào mà thiền. [Cười] Xin hãy lắng nghe, đừng cười cho qua như thế. “Tôi không biết.” Bạn có hiểu được vẻ đẹp của điều đó không? Nó có nghĩa là trí não tôi đã trút sạch mọi kỹ thuật, mọi thông tin về thiền, mọi điều người khác đã nói về nó. Trí não tôi thật sự không biết. Ta chỉ có thể tiến hành khám phá xem thiền là gì khi bạn thành thật nói rằng bạn không biết. Và bạn không thể nói “Tôi không biết” nếu trong trí não bạn vẫn còn le lói một ý niệm mơ hồ của các thông tin thứ cấp, gián tiếp, của kinh Gita, Kinh thánh hay của những điều Thánh Francis đã nói về suy niệm hoặc kết quả của cầu nguyện - là kiểu thời thượng mà người ta đang nói đến trong mọi thứ tạp chí. Bạn phải gạt bỏ tất cả những thứ đó sang một bên, bởi vì nếu bạn sao chép, nếu bạn làm theo, thì bạn lại quay về với tập thể.
Vậy, trí não có thể ở trong một trạng thái mà nó nói rằng “Tôi không biết” được không? Trạng thái đó là khởi đầu và là kết thúc của thiền, bởi vì trong trạng thái đó mọi trải nghiệm - từng trải nghiệm - đều được hiểu mà không tích lũy. Bạn hiểu chứ? Bạn muốn kiểm soát tư duy của mình, và khi bạn kiểm soát tư duy của mình, giữ cho nó không bị xao lãng, năng lượng của bạn dồn cho sự kiểm soát chứ không phải cho tư duy. Bạn hiểu chứ? Chỉ có thể thu thập năng lượng khi năng lượng không bị lãng phí cho sự kiểm soát, cho sự chinh phục, cho việc đấu tranh với sự xao lãng, cho những giả thuyết, cho việc theo đuổi, hay những động cơ; và sự thu thập năng lượng, tư tưởng mênh mông này không hề có sự chuyển động. Bạn hiểu không? Khi bạn nói “Tôi không biết”, tư tưởng của bạn không động đậy gì cả, phải không? Tư tưởng chỉ chuyển động khi bạn bắt đầu truy vấn, tìm hiểu, và cuộc tìm hiểu của bạn đi từ cái đã biết này đến cái đã biết khác. Nếu bạn không theo kịp điều này, có lẽ bạn sẽ suy ngẫm về nó sau.
Thiền là một quá trình thanh lọc trí não. Việc thanh lọc trí não chỉ có thể diễn ra khi không còn người kiểm soát; khi kiểm soát, chính người kiểm soát làm tiêu mòn năng lượng. Sự tiêu mòn năng lượng bắt đầu từ sự va chạm giữa người kiểm soát và đối tượng mà người đó muốn kiểm soát. Vậy, khi bạn nói “Tôi không biết”, tư tưởng không còn chuyển động theo bất kỳ phương hướng nào để tìm một câu trả lời; trí não hoàn toàn tĩnh lặng. Và để trí não tĩnh lặng, cần phải có một năng lượng khủng khiếp. Trí não không thể tĩnh lặng nếu không có năng lượng - không phải thứ năng lượng bị tiêu mòn vì xung đột, đàn áp, thống trị, hoặc vì cầu nguyện, tìm kiếm, van nài, vốn bao hàm một chuyển động, mà là thứ năng lượng vốn là sự chú tâm hoàn toàn. Bất kỳ sự chuyển động nào của tư tưởng theo bất kỳ phương hướng nào cũng là tiêu mòn năng lượng, và để trí não hoàn toàn tĩnh lặng thì phải có năng lượng của sự chú tâm hoàn toàn. Chỉ khi đó mới xuất hiện cái mà không do mời gọi, không do tìm kiếm, cái mà không có gì phải tôn kính, không do theo đuổi thông qua đạo đức hay sự hy sinh dâng hiến. Trạng thái đó là sáng tạo, tức là cái phi thời gian, cái chân thực.