Cuộc nói chuyện thứ bảy ở rừng sồi
Ngày 27 tháng Tám năm 1955
Theo tôi, một trong những vấn đề lớn nhất của chúng ta là bạo lực và khao khát tìm kiếm hòa bình về phía chúng ta. Tôi không nghĩ có thể tìm thấy hòa bình mà không thấu hiểu toàn bộ cấu trúc giải phẫu của bạo lực. Và hòa bình không phải là cái đối lập với bạo lực, nó là một trạng thái hoàn toàn khác; do đó một trí não bị vướng mắc trong bạo lực sẽ không thể hình dung ra nó. Phần lớn cuộc đời ta cố thủ trong bạo lực và phần lớn suy nghĩ của ta được rào giậu che chắn bởi bạo lực, nên tôi cho rằng rất cần phải hiểu vấn đề vốn cực kỳ phức tạp và cần đào sâu, tìm hiểu thấu suốt này. Trong buổi chiều hôm nay, nếu được thì tôi muốn đi sâu vào đó.
Lạ thay, không một tôn giáo có tổ chức nào, có lẽ ngoại trừ Phật giáo và Hindu giáo, từng ngừng gây chiến và chấm dứt sự đối kháng lạ lùng giữa người và người này. Trái lại, một số tổ chức gọi là tôn giáo còn xúi giục chiến tranh và chịu trách nhiệm cho những cuộc tàn sát con người quy mô lớn. Cuộc sống của ta, như ta đang xem xét mỗi ngày, vốn đầy rẫy bạo lực, và tại sao ta bạo lực? Bạo lực khởi phát từ đâu và ta có thể thật sự chấm dứt nó được không? Theo tôi, ta có thể chấm dứt bạo lực - dứt điểm nó một cách quyết liệt, triệt để - chỉ khi nào ta hiểu được cội nguồn nào mà bạo lực sinh ra. Tôi xin bạn đừng chỉ lắng nghe những lời tôi mô tả về bạo lực mà tốt hơn là trong khi nghe tôi nói, hãy quan sát đường đi nước bước tư duy của chính bạn, rồi thông qua sự mô tả ấy để trải nghiệm trực tiếp vấn đề ẩn đằng sau từ bạo lực.
Tại sao ta bạo lực, không chỉ với tư cách một chủng tộc, mà còn với tư cách những cá nhân? Tôi không biết bạn đã bao giờ tự đặt ra cho mình câu hỏi đó chưa. Và thái độ tiếp cận bạo lực của ta là gì khi ta nhìn vào nó, khi ta nhận thức về nó, khi ta nghĩ về nó? Rõ ràng, phần đông chúng ta nói vấn đề này không thể cứu vãn được; ta lớn lên trong một xã hội cụ thể quy định, khuyến khích ta sống bạo lực, vì thế ta chỉ lướt qua vấn đề này thật nhanh gọn. Nhưng hãy xem liệu ta có thể đi vào bên dưới tìm hiểu vấn đề để khám phá tại sao mỗi người chúng ta lại có cái cảm giác về bạo lực lạ thường này và liệu có thể nào chấm dứt nó, không phải trên bề mặt, mà tận nền tảng, sâu thẳm.
Rõ ràng nền văn hóa này, nền văn minh này được xây dựng trên nền tảng bạo lực, không chỉ ở thế giới phương Tây mà cả ở phương Đông. Xã hội khuyến khích bạo lực, toàn bộ cấu trúc kinh tế, xã hội và tôn giáo đều dựa trên nó. Tôi dùng từ bạo lực không chỉ với ý nghĩa bề mặt là sự căm giận và thù địch, mà bao hàm toàn bộ vấn đề tích lũy, cạnh tranh, khao khát tìm kiếm quyền lực ở từng cá nhân cũng như tập thể. Chắc chắn, dục vọng đó nuôi dưỡng bạo lực, đúng không? Tất nhiên phải có bạo lực chừng nào tôi còn tranh đua với người khác, chừng nào tôi còn tham vọng, tích lũy - không chỉ tích lũy theo nghĩa vật chất, tham lam nhiều thứ, mà còn theo nghĩa sâu xa hơn, tức là bị điều khiển bởi thôi thúc được trở thành điều gì đó, được thống trị, có được sự an toàn và một địa vị không thể lung lay.
Vậy, chừng nào ta còn tìm kiếm quyền lực dưới bất kỳ dạng nào, thì chắc chắn còn phải có bạo lực. Xin đừng nói: “Trong nền văn hóa dựa trên bạo lực, một cá nhân như tôi sẽ phải làm gì?”. Tôi nghĩ câu hỏi đó sẽ được giải đáp nếu bạn lắng nghe những điều được nói ở đây chứ đừng hỏi phải làm gì. Việc làm gì không quan trọng. Tôi nghĩ hành động sẽ xuất hiện khi ta hiểu được toàn bộ vấn đề bạo lực đầy phức tạp này. Hăm hở giải quyết bạo lực mà không hiểu được khao khát trở thành điều gì đó, khao khát được thừa nhận, được thống trị, được trở thành, thì quả thực là hoàn toàn ấu trĩ. Trái lại, nếu ta có thể thấu hiểu toàn bộ quá trình bạo lực và nhìn ra sự thật về nó, thì tôi nghĩ điều đó sẽ tạo ra một hành động không suy tính trước, nên sẽ chân thực. Tôi không biết bạn có theo kịp điều này không.
Ta thấy được điều gì đang xảy ra trên thế giới. Tất cả các nhà chính trị đều nói về hòa bình và mọi việc họ làm đều nhằm gây ra chia rẽ, thù địch, chiến tranh. Và theo tôi, điều hết sức quan trọng là những ai trong chúng ta thật sự nghiêm túc về các vấn đề này đều phải thấu hiểu sự thật của vấn đề, chứ đừng hỏi phải làm gì. Bởi vì nếu ta hiểu sự thật của vấn đề, thì chính việc nhìn ra đâu là sự thật sẽ thúc giục một hành động, không phải của bạn hay của tôi, và hành động mà ta không thể tiên liệu hay dự tính trước tất cả những tác động của nó.
Một thực tế hiển nhiên là mọi việc ta làm trong thế giới này - về xã hội, kinh tế và tôn giáo - đều dựa trên bạo lực, tức là dựa trên khao khát có được quyền lực, địa vị, uy thế, trong đó hàm chứa tham vọng, thành tựu, thành công. Những tòa nhà cao ngất mà ta dựng lên, những nhà thờ khổng lồ, tất cả đều cho thấy ý thức về quyền lực đó. Tôi tự hỏi bạn có bao giờ để ý đến các tòa nhà lạ thường đó không và bạn phản ứng thế nào khi nhìn thấy chúng? Có thể chúng đẹp đấy, nhưng với tôi cái đẹp là điều hoàn toàn khác. Để đẹp thì phải có tính chân phương và hoàn toàn buông bỏ, mà không thể buông bỏ nếu còn có bất kỳ ý thức nào về tham vọng, tự biểu hiện như là một thành tựu. Khi có tính chân phương thì sẽ có sự giản dị, và chỉ có một trí não giản dị mới có thể buông bỏ chính nó, rồi từ sự buông bỏ đó, tình yêu sẽ xuất hiện. Trạng thái như thế là cái đẹp. Nhưng ta hoàn toàn không nhận thức được về nó. Nền văn minh của ta, nền văn hóa của ta vốn dựa trên sự kiêu ngạo, trên ý thức về thành tựu, và sống trong xã hội, ta gây gổ với nhau, cạnh tranh bằng bạo lực để đạt được, để thành công, để thống trị, trở thành ai đó. Đấy là những thực tế tâm lý rõ ràng.
Vậy, tại sao trạng thái bạo lực này lại tồn tại? Và khi nhận ra trạng thái ấy, liệu ta có thể vượt ra khỏi nó được không? Nếu được thì tôi nghĩ ta sẽ có thể thâm nhập vào điều gì đó hoàn toàn khác. Lấy ví dụ về khao khát thống trị. Tại sao ta muốn thống trị? Trước hết, ta có nhận thức được chút nào, trong các mối quan hệ và thái độ đối với cuộc sống của ta, ý thức thống trị, ý thức mong muốn địa vị, quyền lực này không? Nếu ta nhận thức được thì ý thức đó bắt nguồn từ đâu? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Nếu ta có thể khám phá ý thức thống trị xuất phát từ đâu, thì khám phá đó có thể giải đáp được cho câu hỏi tại sao ta lại bạo lực. Tất cả chúng ta đều bạo lực theo nghĩa là chúng ta đều muốn thành ai đó bằng cách này hay cách khác; ta tranh giành, tham vọng, muốn tích lũy; ta muốn thống trị. Đó là các biểu hiện bên ngoài của một trạng thái bên trong, và ta đang cố gắng tìm ra trạng thái bên trong đó là gì mà khiến ta làm những việc ấy. Và liệu ta có nhận thức được trạng thái đó chút nào không, hay ta chỉ đơn thuần điều chỉnh để thích nghi với một khuôn mẫu đạo đức, không bạo lực, không tham vọng trong tư tưởng, mà không thật sự xử lý được tận gốc rễ căn nguyên khiến ta làm những việc ấy? Nếu ta có thể đi sâu vào đó, thì có lẽ cách ta tiếp cận vấn đề bạo lực sẽ hoàn toàn khác. Vậy hãy lắng nghe, không phải với một thái độ “Ồ, thế thôi sao?”, mà tốt hơn là để nó trở thành một cuộc tự khám phá. Nếu thông qua cuộc nói chuyện của tôi, bạn có thể tự mình khám phá, thật sự trải nghiệm, thì sẽ có một hiệu quả phi thường.
Tại sao tôi bạo lực? Tôi muốn tìm lý do. Tôi thấy rằng tôi bạo lực bởi vì về mặt xã hội, tôn giáo, có sự thôi thúc lạ thường để được trở thành điều gì đó. Đó là một thực tế. Trong thế giới kinh doanh, tôi muốn giàu hơn, có năng lực hơn, lên tới đỉnh vinh quang, còn trong cái gọi là thế giới tinh thần, tôi đi theo một thế lực giúp tôi trở thành điều gì đó trong thế giới ấy. Vậy, tôi thấy rằng các hoạt động, tư duy, mối quan hệ của tôi đều dựa trên sự thống trị, sự phụ thuộc. Khi tôi phụ thuộc, tôi phải tuân theo một thế lực sinh ra bạo lực.
Bây giờ, tôi muốn thấu hiểu toàn bộ quá trình của bạo lực, chứ không chỉ đơn thuần thích nghi với một khuôn mẫu xã hội - một điều thật nông cạn và chẳng đáng bận tâm. Tôi muốn tìm hiểu xem trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi bạo lực không, liệu toàn bộ quá trình ấy có thể được xóa sổ triệt để khỏi trí não không. Tôi thật sự quan tâm đến điều này, tôi muốn tìm ra nó. Tôi thấy rằng việc đơn thuần điều chỉnh những thôi thúc, đòi hỏi và ảnh hưởng trên bề mặt cho hợp với một khuôn mẫu khác sẽ không giải quyết được vấn đề. Thay thế cấu trúc xã hội này bằng cấu trúc xã hội khác sẽ không giúp thoát khỏi sự thống trị, thoát khỏi bạo lực. Tôi thấy được điều đó, nên tôi đào sâu vào trong chính tôi để tìm ra cội nguồn của tất cả những thôi thúc, đòi hỏi, mưu cầu lạ thường làm sinh ra thù địch và bạo lực này.
Tại sao tôi bạo lực, tranh đua, tham vọng, tích lũy? Tại sao trong tôi luôn có cuộc đấu tranh để trở thành, để là ai đó? Rõ ràng là tôi đang chạy trốn khỏi điều gì đó thông qua tham vọng, thông qua sự tích lũy, qua mong muốn được thành công. Tôi sợ cái điều khiến tôi làm tất cả những việc ấy. Sợ hãi là một trạng thái trốn tránh. Vậy tôi phải tìm xem điều gì khiến tôi thật sự sợ hãi. Tôi không có ý nói đến việc sợ bóng tối, sợ dư luận, sợ ai đó nói lời không hay về tôi, bởi vì những việc đó quá nông cạn. Tôi đang khám phá điều gì về cơ bản khiến tôi sợ hãi, khiến tôi tham vọng, ganh đua, tích lũy, ganh tị, từ đó gây nên sự thù địch và những điều như vậy.
Xin hãy suy nghĩ cùng tôi. Trước hết, tôi dường như thấy rằng chúng ta là những con người vô cùng cô độc. Tôi hết sức cô độc, nội tâm trống rỗng, và tôi không thích trạng thái đó; tôi sợ nó, vì thế tôi xa lánh nó, tôi chạy trốn nó. Chính sự lẩn trốn này gây nên sợ hãi, và để tránh né sự sợ hãi đó, tôi đắm chìm vào nhiều kiểu hành động. Rõ ràng có sự trống rỗng ấy trong tôi, trong bạn, và trí não lẩn trốn sự trống rỗng ấy bằng hành động, tham vọng, bằng thôi thúc được là ai đó, thu thập được thêm nhiều kiến thức nữa - bạn biết rồi đấy, đó là toàn bộ vấn đề bạo lực. Và bây giờ thay vì lẩn trốn, trí não có thể nào nhìn thẳng vào sự trống rỗng này, cảm giác cô độc lạ thường này, vốn là biểu hiện tận cùng của bản ngã không? - bản ngã là thực thể, sự tự ý thức vốn trống rỗng khi nó không hoạt động. Bạn hiểu điều tôi đang giải thích chứ? Nếu chưa rõ, tôi sẽ nói theo cách khác.
Tóm lại, cái ngã, cái “tôi”, tự biểu hiện thông qua tham vọng, tích lũy, ganh tị, bạo lực và cố gắng trở nên phi bạo lực, vân vân. Đó đều là những biểu hiện của cái “tôi”. Tôi thấy được tất cả và xem xét nó, tôi cũng thấy rằng sự hoạt động đó của cái “tôi” sinh ra từ chính cảm thức trống rỗng lạ thường ấy. Tôi không biết bạn có để ý rằng khi bạn dõi theo mọi động thái của cái “tôi”, bạn sẽ đi đến một điểm mà trí não hoàn toàn nhận thức về bản ngã là cái đang trống rỗng hoàn toàn không. Nhưng trí não chưa bao giờ thật sự nhìn vào sự trống rỗng này - nó luôn chạy trốn.
Vậy, nếu có thể hiểu được sự trống rỗng này là gì, thì có lẽ tôi sẽ giải quyết được vấn đề bạo lực, nhưng để hiểu được sự trống rỗng này, tôi phải nhìn vào nó, và tôi không thể nhìn vào nó chừng nào tôi còn chạy trốn. Chính việc chạy trốn gây ra sợ hãi và thôi thúc hành động ganh tị, tranh đua, bạo tàn, thù địch và những thứ kiểu đó. Vậy thì liệu trí não có thể nhìn vào điều mà khiến nó luôn phải trốn tránh trong hành động? Tôi hy vọng tôi đã nói đủ rõ.
Bạn có nhận thức được rằng bạn cô độc, bạn trống rỗng không? Ta không cân nhắc việc bạn nên làm gì với tình trạng đó. Việc “bạn nên làm gì với tình trạng đó” đã tạo nên cái thế giới ngu ngốc, hỗn loạn này. Tôi đang hỏi điều gì nằm phía sau khao khát làm gì đó, một việc rất khó khám phá bởi vì trí não đã luôn né tránh vấn đề chính yếu này. Nhưng nếu trí não có thể nhận thức trọn vẹn rằng bản thân nó trống rỗng, cô độc, tức là khám phá được hoàn toàn đường đi nước bước của cái “tôi” đã đẩy nó vào tình trạng đó, thì bạn sẽ thấy rằng bất kỳ hành động nào mà không có sự thấu hiểu như vậy chắc chắn đều thúc đẩy bạo lực ở dạng này hay dạng khác. Là một người theo chủ nghĩa hòa bình hay chủ nghĩa lý tưởng đơn thuần, ủng hộ điều này và phản đối điều nọ, thì không thể giải quyết được vấn đề. Một người thực hành lý tưởng phi bạo lực không hề giải quyết được vấn đề bạo lực, anh ta chỉ đơn thuần thực hành một ý tưởng, chứ chưa bao giờ giải quyết được vấn đề nền tảng sâu xa, nơi khởi phát mọi hành động.
Giờ làm ơn quan sát chính bạn, đừng chỉ nghe theo những lời mô tả của tôi. Trí não bạn có thể nhận thức được sự trống rỗng này mà không chạy trốn nó không? Chính vì bạn trống rỗng, cô độc, nên bạn muốn có bạn bè, muốn có ai đó để bạn dựa dẫm, và sự phụ thuộc đó nuôi dưỡng uy quyền, thứ mà bạn tuân theo; do đó, chính việc tuân theo uy quyền là một dấu hiệu của bạo lực. Khi thấy được sự thật của những điều đó, trí não có thể nào ngừng chạy trốn và nhìn thẳng vào sự trống rỗng ấy không? Bạn hiểu nhìn nghĩa là gì không? Bạn không thể nhìn vào sự trống rỗng này nếu bạn sợ nó, nếu bạn muốn tránh né nó; bạn chỉ có thể nhận thức nó trọn vẹn khi không có ý lên án. Xin hãy theo sát điều này. Tôi sắp phân tích nó thật chậm, thật chú tâm, sao cho sự truyền đạt và thấu hiểu của chúng ta có thể bằng nhau.
Tôi nhận thức được rằng tôi cô độc, trống rỗng, và tôi đang quan sát sự trống rỗng đó, nhưng tôi không thể quan sát nó nếu tôi lên án nó. Chính thái độ lên án khiến việc quan sát bị xao lãng. Vậy, tôi có thể nào quan sát, nhận thức về nó mà không gọi tên nó được không? Bạn hiểu chứ? Và khi tôi không gắn cho nó một cái tên, thì phải chăng người quan sát khác với điều được quan sát? Chỉ khi nào người quan sát gắn cho nó một cái tên thì mới có sự chia tách, phải không? Bạn theo kịp chứ? Ôi trời! Tôi sẽ trình bày đơn giản hơn.
Khi tôi nói: “Tôi giận”, chính việc gọi tên cảm giác đó, phản ứng đó gây ra tính hai mặt, không phải sao? Nhưng nếu tôi không gọi tên nó, thì điều đó chính là tôi. Bạn hiểu chứ? Nhìn đây, tôi gọi tên một cảm giác bởi vì trí não đã được đào tạo để nhận diện, để gắn nhãn; nhưng nếu trí não không gắn nhãn, thì khi đó sự phân cách, sự phân chia giữa người quan sát và điều được quan sát sẽ biến mất. Nói cách khác, khi không còn gọi tên thì chỉ còn một trạng thái, và trong trạng thái đó sẽ không có cái thực thể tách biệt làm gì với nó nữa. Trí não không còn tác động lên điều nó muốn hiểu; do đó có sự ngừng hoạt động của trí não, mà về bản chất là bạo lực.
Đây không phải là lý thuyết suông. Đừng cho rằng nó quá cao xa, quá trừu tượng, phi lý, vân vân. Tôi đang từng bước đào sâu, mổ xẻ bạo lực. Cấu trúc xã hội của chúng ta dựa trên bạo lực, không chỉ có bạo lực giữa các quốc gia, mà cả sự gây gổ lẫn nhau giữa các cá nhân. Chúng ta đầy tranh đua và tàn nhẫn. Vậy, nếu tôi muốn hiểu được toàn bộ vấn đề, tôi phải hiểu những hoạt động của trí não liên quan với điều mà ta gọi là sự trống rỗng, và ngay khi hiểu được điều đó, tôi sẽ không còn muốn trở thành bất kỳ điều gì nữa. Bạn theo kịp chứ? Chính khao khát trở thành điều gì đó đã nuôi dưỡng thù địch và bạo lực. Người theo chủ nghĩa duy tâm muốn tạo ra một thế giới không tưởng hoàn hảo là người bạo lực từ bản chất. Người thực hành lối sống phi bạo lực là người bạo lực, bởi vì người ấy đã không thật sự hiểu vấn đề, người ấy chỉ đối phó với nó một cách nông cạn.
Do đó, tôi thấy rằng chừng nào trí não còn vận hành theo hướng tham vọng hay không tham vọng, chừng đó trí não đó còn gây nên tình trạng hỗn loạn, đấu đá, khốn cùng cho chính mình và những người khác. Và nếu trí não, khi đi sâu hơn vào vấn đề này, hiểu được toàn bộ quá trình thôi thúc trở thành điều gì đó, thì chắc chắn phải đi đến chỗ nhìn thấy rằng nó đang tìm kiếm một lối thoát khỏi việc không là gì cả, tức là một trạng thái trống rỗng. Và liệu tôi có thể hiểu được sự trống rỗng đó không? Trí não có thể đi sâu vào đó, nếm trải nó, khám phá nó không? Chắc chắn rằng trí não không thể trải nghiệm và thấu hiểu cái điều lạ thường mà ta gọi là sự trống rỗng, cô độc, chừng nào nó còn lên án, chừng nào nó còn muốn chối bỏ, chế ngự, vượt qua được trạng thái đó bằng cách này hay cách khác. Trí não còn chối bỏ, chế ngự trạng thái đó chừng nào nó còn gọi tên; mà nhận diện, gọi tên chính là quá trình của trí não.
Tóm lại, bạn không thể tư duy mà không có các biểu tượng, ý tưởng, ngôn ngữ. Trí não có thể ngừng phát biểu thành lời không? Liệu nó có thể để cho quá trình đó chấm dứt và nhìn vào cái được gọi là sự trống rỗng mà không gắn cho nó một cái tên và tạo ra một biểu tượng trong tưởng tượng? Và một khi trí não làm thế, cái trạng thái mà nó gọi là trống rỗng có khác với bản thân nó không? Chắc chắn là không. Vậy thì chỉ còn lại duy nhất một trạng thái mà trong đó không có ngôn từ hóa, không có gọi tên, và do đó toàn bộ hoạt động của trí não vốn gây chia rẽ, tranh giành, thù địch, sẽ chấm dứt. Trong trạng thái đó có một chuyển động hoàn toàn khác diễn ra. Nó không còn bạo lực nữa. Có một sự dịu dàng mà trí não nói rằng “Tôi phải dịu dàng” không thể hiểu được. Mọi ý chí đã hoàn toàn chấm dứt, bởi vì ý chí cũng là kết quả của bạo lực.
Người hỏi: Những điều ngài nói dường như xa lạ và thiên về Đông phương quá. Liệu một giáo lý như của ngài có thể áp dụng cho nền văn minh Tây phương vốn dựa trên tính hiệu quả, tiến bộ và đang nâng cao tiêu chuẩn sống trên toàn thế giới được không?
Krishnamurti: Bạn nghĩ tư tưởng có Đông và Tây sao? Cách xử sự có thể khác nhau. Tôi có thể ăn bằng tay ở Ấn Độ, người khác ăn bằng đũa ở Trung Quốc, còn ở đây bạn ăn bằng cách khác nữa; nhưng điều gì làm cho quan điểm Đông phương khác với Tây phương? Có sự khác biệt sao? Nếu tôi sinh ra ở Mỹ và nói đúng những điều tôi đang nói ở đây, bạn có nói đó là Đông phương không? Có lẽ bạn sẽ gọi nó là thần bí, không thực tiễn hay lập dị. Nhưng vấn đề chỉ có một, dù ở Ấn Độ, ở Nhật, hay ở đây. Chúng ta là con người, chứ không phải người châu Á hay châu Mỹ, Nga hay Đức. Chúng ta đều có những vấn đề của con người giống nhau.
Vậy, những điều tôi đang nói chắc chắn có thể áp dụng cho cả ở đây và ở Ấn Độ. Bạo lực là vấn đề của bạn, cũng giống như nó là vấn đề ở Ấn Độ. Vấn đề mối quan hệ, tình yêu, cái đẹp, vấn đề tạo ra một trạng thái trí não có hòa bình, vấn đề kiến tạo một xã hội không hủy diệt chính nó cũng như những xã hội khác - tất cả những điều đó rõ ràng là mối quan tâm của mỗi người chúng ta, dù ta sống ở phương Đông hay phương Tây. Ở đây bạn có vấn đề về xây dựng quân đội, vốn là dấu hiệu cho thấy sự hư hoại ở bất cứ xã hội nào, bởi vì cơ sở cho quân đội chính là quyền lực, là chủ nghĩa quốc gia dân tộc, là sự an toàn. Và chính xác thì đó cũng là một vấn đề ở Ấn Độ, ở Nhật, ở châu Á. Vậy sự phân chia tùy tiện thành tư tưởng phương Đông và phương Tây không tồn tại đối với một người thật sự tìm hiểu. Người bị quy định bởi một quan điểm hay triết lý Á châu và bảo bạn sống như thế nào cho đúng với sự quy định đó thì rõ ràng đang phân chia tư tưởng thành Đông và Tây. Nhưng ở đây ta đang đề cập một điều hoàn toàn khác, tức là giải thoát trí não khỏi mọi quy định, không định hình nó theo một triết lý phương Đông, một việc làm quả là ấu trĩ.
Điều chúng ta đang cố gắng làm là cùng nhau tìm hiểu sự phức tạp lạ thường của cuộc sống và xem liệu ta có thể thật sự nhìn vào các vấn đề phức tạp ấy một cách hết sức đơn giản không, nhưng ta không thể nhìn vào các vấn đề ấy cho thật đơn giản nếu ta chưa hiểu được chính mình. Cái “tôi” là một thực thể cực kỳ phức tạp với vô số những khao khát mâu thuẫn nhau. Ta không ngừng gây chiến trong chính ta và cuộc xung đột nội tâm này đã tự thể hiện ra thành các hoạt động bên ngoài. Hiểu được cái “tôi” - ý thức cũng như vô thức - là một nhiệm vụ to lớn, và ta chỉ có thể hiểu nó qua từng ngày, từng khoảnh khắc. Cái tôi là một quyển sách bất tận, cho nên nó không có hồi kết.
Vậy, nếu ta có thể lắng nghe những điều được nói, không phải như một người Mỹ, một người châu Âu hay người phương Đông, mà như một con người quan tâm một cách trực tiếp tất cả những vấn đề ấy, lúc đó ta sẽ cùng nhau tạo nên một thế giới khác; lúc đó ta sẽ thật sự là những con người tôn giáo. Tôn giáo là tìm kiếm sự thật. Và một người tôn giáo sẽ không có quốc tịch, không có quốc gia, không có triết lý, anh ta không đi theo bất kỳ ai, cho nên anh ta là một nhà cách mạng theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này.
Người hỏi: Phải chăng sự giải thoát mà ta trải nghiệm bằng nhiều dạng thức tự biểu hiện khác nhau là một ảo tưởng, hay nó là ý thức thỏa mãn liên quan đến tính sáng tạo mà ngài đã nói đến?
Krishnamurti: Có sự tự thỏa mãn không? Ta đã chấp nhận là có, phải không? Nếu tôi là một nghệ sĩ, tôi phải thỏa mãn; nếu bạn là một nhà văn, bạn phải thỏa mãn. Tất cả chúng ta đều ra sức thỏa mãn bản thân bằng nhiều cách khác nhau, qua gia đình, con cái, chồng hay vợ, qua tài sản, các ý tưởng. Nếu bạn đầy tham vọng, bạn phải thỏa mãn tham vọng của mình; còn nếu bạn bị ngăn cản thì trong sự ngăn cản ấy sẽ có nỗi đau khổ. Tất cả chúng ta đều đang cố gắng thỏa mãn bản thân, nhưng ta chưa bao giờ hỏi rằng có thứ như là sự tự thỏa mãn hay không. Chắc chắn một người đang tìm kiếm sự thỏa mãn sẽ bị sự thất vọng săn đuổi. Điều này đơn giản mà, phải không? Nếu tôi luôn luôn cố gắng thỏa mãn qua con trai, qua vợ tôi, qua một ý tưởng, hành động, thì sẽ luôn có cái bóng của thất vọng và sợ hãi ẩn núp đằng sau nó. Vì thế, nếu tôi muốn hiểu được sự sợ hãi, thất vọng, nỗi thống khổ của những phức tạp rắc rối trong tinh thần và cơ thể, thì tôi phải đặt nghi vấn về toàn bộ ý tưởng rằng có sự thỏa mãn bản thân hay không, tức cái “tôi” đang cố gắng trở thành điều gì đó. Chẳng phải cái “tôi” có thể là một ảo tưởng sao, dù đó là một thực tại theo nghĩa là nó vận hành bằng hành động? Đối với một người đầy tham vọng, ganh đua, tích lũy, ganh tị, cái “tôi” không phải là ảo tưởng; nó là một điều hoàn toàn có thật. Nhưng đối với một người bắt đầu tìm hiểu toàn bộ vấn đề này, người thật sự muốn hiểu hòa bình là gì - không phải hòa bình của những kẻ khủng bố, hòa bình của các chính trị gia, hòa bình của lòng tự mãn sau khi có được thứ gì đó ta mong muốn bấy lâu, mà là thứ hòa bình trong đó không có tranh chấp, không có đấu đá để trở thành điều gì - đối với một người như thế thì trải nghiệm trạng thái hoàn toàn không là gì sẽ xuất hiện, và trong trạng thái đó có tính sáng tạo phi thời gian. Điều mà ta gọi là sáng tạo là một quá trình học hỏi một kỹ thuật và thể hiện kỹ thuật đó, nhưng điều tôi đang nói lại hoàn toàn khác, ý tôi nói đến một trí não hoàn toàn vắng mặt cái “tôi”.
Người hỏi: Có phải tính sáng tạo mà ông đề cập đã tự hạn chế chính nó trong cảm giác mãn nguyện ngất ngây của sự chuộc tội cá nhân, hay nó cũng có thể giải phóng năng lượng cá nhân để tận dụng những thành tựu khoa học của chính cá nhân đó và của người khác nhằm giúp đỡ con người?
Krishnamurti: Rõ ràng chỉ có những người đang lắng nghe rất hời hợt mới đặt ra những câu hỏi kiểu như “nếu nó xảy ra thì tiếp theo sẽ là gì?”. Như tôi đã nói, hành động của một người đang tìm kiếm, và với họ thực tại đó hiện hữu, sẽ hoàn toàn khác với hành động của người chỉ nhìn thoáng qua trạng thái ấy và cố gắng diễn tả nó. Rốt cuộc, phần lớn chúng ta được dạy một loại kỹ thuật nào đó: hội họa, xây dựng, y khoa, vân vân. Tất nhiên điều đó cần thiết, nhưng chỉ học những kỹ thuật máy móc của một nghề chuyên môn thì sẽ không giải phóng được tính sáng tạo này. Thực tại sáng tạo - cứ gọi là Thượng đế, sự thật hay là gì tùy bạn - không hiện hữu nhờ một kỹ thuật, mà chỉ hiện hữu khi nào trí não đã thấu hiểu chính nó. Và bạn có biết việc hiểu được bản thân mình khó khăn đến chừng nào không? Khó khăn vì chúng ta chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”; ta không thật sự quan tâm. Nhưng nếu bạn thật sự nhận thức, nếu bạn dành trọn sự chú tâm để hiểu chính mình, lúc đó bạn sẽ tìm thấy một kho báu không thể phá hủy. Bạn không còn phải đọc một quyển sách nào về triết học, tâm lý, phân tích nữa, bởi vì bạn là toàn bộ nội dung của toàn thể nhân loại. Còn nếu không hiểu được chính mình, bạn sẽ tiếp tục gây ra vô số vấn đề, đau khổ triền miên bất tận. Để hiểu được chính mình, ta không cần những thôi thúc mãnh liệt, những kết luận, mà cần một sự kiên nhẫn to lớn. Ta phải đi chầm chậm, từng mi-li-mét, không bao giờ được bỏ qua một bước nào - điều này không có nghĩa là bạn phải luôn luôn tỉnh thức. Bạn không thể. Nó ngụ ý rằng bạn phải quan sát và buông bỏ những gì bạn đã quan sát được, buông nó rồi nhặt nó lên lại, sao cho trí não không trở thành một nơi đơn thuần tích lũy những điều đã học, mà có khả năng quan sát mọi thứ một cách mới mẻ. Khi trí não có thể nhìn vào chính nó và thấu hiểu chính nó, lúc đó mới có tính sáng tạo của thực tại và một trí não như thế có thể sử dụng kỹ thuật công nghệ mà không gây đau khổ.
Người hỏi: Ý nghĩa của những giấc mơ là gì, làm sao ta có thể tự diễn giải chúng?
Krishnamurti: Tôi muốn đi vào vấn đề này thật sâu chứ không phải chỉ xử lý trên bề mặt, và tôi hy vọng các bạn đủ quan tâm để theo dõi từng bước một.
Phần lớn chúng ta đều mộng mị. Có những cơn ác mộng do ăn quá nhiều hoặc ăn những thức ăn xấu, nhưng tôi không bàn về các giấc mơ loại đó. Tôi đang nói về các giấc mơ có ý nghĩa về mặt tâm lý. Có nhiều trạng thái khác nhau khi mơ, phải không? Bạn nằm mơ, thức dậy rồi cố gắng tìm ra ý nghĩa của những gì bạn đã mơ - bạn diễn giải nó. Việc diễn giải phụ thuộc vào kiến thức của bạn, sự quy định của bạn, vào những gì bạn đã học được từ các triết gia, các nhà tâm lý học, vân vân. Nếu bạn diễn giải sai, toàn bộ kết luận của bạn sẽ sai theo. Vậy thì, ta có thể mơ, và khi ta đang mơ, sự diễn giải sẽ diễn ra đồng thời, để ta có thể thức dậy thật sáng rõ; ta đã hiểu giấc mơ và nó không còn ảnh hưởng tới ta nữa. Tôi không biết việc đó có xảy ra với bạn không.
Vậy, vấn đề không phải là làm sao để giải mộng, mà là tại sao ta mơ. Bạn hiểu chứ? Nếu bạn lý giải giấc mơ của mình theo bất kỳ nhà tâm lý học nào, thì cách diễn giải sẽ phụ thuộc vào sự quy định riêng của ông ấy, và nếu bạn cố gắng tự diễn giải chúng, sự diễn giải ấy sẽ bị định hình bởi chính sự quy định của riêng bạn. Dù trong trường hợp nào thì sự diễn giải đều có thể sai lầm và vì thế bất kỳ kết luận hay hành động nào dựa trên đó có thể được chứng minh là hoàn toàn sai lầm. Vậy, vấn đề không phải là làm sao diễn giải các giấc mơ mà là tại sao ta mơ. Nếu bạn có thể giải quyết vấn đề đó thì việc diễn giải sẽ không cần thiết. Nếu bạn có thể thật sự hiểu được toàn bộ tiến trình của mộng mị, bấy giờ sự thể sẽ trở thành vấn đề vô cùng đơn giản.
Tại sao ta mơ? Hãy cùng suy ngẫm về vấn đề này, chứ đừng nghe theo một người có uy quyền nào đó đã viết một quyển sách về nó. Hãy gạt bỏ hoàn toàn những thứ đó nếu có thể và hãy cùng nhau suy ngẫm về nó thật đơn giản. Tại sao ta mơ? Khi nói mơ, ý ta là gì? Bạn lên giường, chìm vào giấc ngủ, và trong khi bạn ngủ, hành động sẽ tiếp diễn dưới dạng những biểu tượng và cảnh tượng khác nhau, rồi khi thức dậy bạn nói: “Đúng, đó là giấc mơ của tôi”.
Vậy thì việc gì đã xảy ra? Hãy theo dõi, điều này hết sức đơn giản. Trong thời gian bạn thức ban ngày, trí não trên bề mặt bận rộn với nhiều thứ, với công việc, với con cái, tiền bạc, với chợ búa, việc nhà - bạn biết đấy, nó luôn bận rộn với hàng tá thứ. Nhưng trí não trên bề mặt không phải là toàn bộ trí não; còn có vô thức nữa, phải không? Bạn không cần phải đọc sách để khám phá được rằng có vô thức. Những động cơ ẩn giấu, những phản ứng bản năng, những thôi thúc từ chủng tộc, những mâu thuẫn, niềm tin được kế thừa - tất cả những thứ đó đều nằm trong vô thức. Vô thức rõ ràng muốn nói điều gì đó với trí não trên bề mặt, cho nên khi trí não trên bề mặt yên lặng khi nó ngủ, vô thức đã cố gắng nói chuyện với nó. Vô thức cũng không ngừng chuyển động, chỉ là nó không có cơ hội thể hiện bất cứ điều gì vào ban ngày, vì thế nó phóng chiếu ra nhiều biểu tượng khác nhau khi trí não ý thức ngủ yên. Rồi ta nói: “Tôi đã có một giấc mơ”. Chuyện này không phức tạp nếu ta đi sâu vào đó.
Bây giờ, tôi không muốn bận rộn suốt với việc giải mộng, tương tự như bị bận rộn với bếp núc, với Thượng đế, với rượu bia, với phụ nữ, hay bất cứ điều gì. Tôi muốn khám phá xem tại sao tôi mơ và liệu có thể không mơ được không. Các nhà tâm lý học nói rằng không thể nào không mơ, nhưng hãy mặc kệ các chuyên gia ấy đi và hãy cùng khám phá. [Cười] Không, không, xin đừng cười. Tại sao có các giấc mơ? Các giấc mơ có thể nào chấm dứt mà không phải đè nén hay cố gắng thoát khỏi việc mộng mơ, để trí não hoàn toàn tĩnh lặng trong giấc ngủ được không? Tôi muốn khám phá, nên đó là thắc mắc đầu tiên của tôi.
Tại sao tôi mơ? Tôi mơ bởi vì trí não ý thức của tôi bị bận rộn suốt ngày với quá nhiều thứ. Nhưng trí não ý thức có thể rộng mở suốt cả ngày trước tất cả những gợi ý và thôi thúc từ trong vô thức được không? Bạn hiểu chứ? Trí não trên bề mặt ấy có thể tỉnh táo suốt ngày đến mức nhận thức được những động cơ vô thức, những thứ ẩn kín, mà không cố gắng kìm nén chúng, thay đổi chúng, không làm điều gì đó tác động lên chúng được không? Nếu bạn có thể chỉ đơn thuần nhận thức toàn bộ sự xung đột này mà không phê phán, không chọn lựa; nếu bạn có thể cởi mở để đón nhận các gợi ý của vô thức trong từng khoảnh khắc suốt cả ngày, khi bạn đang trên xe buýt hay đang lái xe hơi, khi bạn đang ngồi ở bàn hay trò chuyện với bạn bè; nếu bạn có thể chỉ quan sát cách bạn nhìn người nào đó, cách bạn nói năng, cách bạn đối xử với người không cùng tư cách phẩm chất, lúc đó, nhờ quan sát sâu hơn, thấu đáo hơn, nên bạn sẽ thấy việc mơ mộng chấm dứt hoàn toàn. Khi đó, vô thức không cần đưa ra những chỉ dấu, gợi ý trong lúc ngủ để bảo bạn nên hay không nên làm gì, bởi vì toàn bộ mọi việc đang được bộc lộ trong khi bạn sống mỗi ngày.
Vậy là ta đã đi đến một điểm hết sức lý thú thế này: Trong suốt thời gian thức, trí não tỉnh táo một cách lạ thường, quan sát mà không phán xét, không lên án; rồi khi toàn bộ quá trình của ý thức đã được khám phá, xem xét và thấu hiểu, bạn sẽ thấy giấc ngủ của mình hoàn toàn tĩnh lặng, và nhờ hoàn toàn tĩnh lặng, trí não có thể đi vào nhiều tầng sâu mà cái ý thức không bao giờ chạm đến được khi đang thức. Bạn hiểu chứ? Tôi e là không. Tôi sẽ giải thích lại lần nữa và hy vọng các bạn không phiền vì bị trễ một chút.
Bạn thấy đó, chúng ta đi tìm hạnh phúc, bình an, Thượng đế, sự thật, vân vân. Ta không ngừng vật lộn để điều chỉnh, để yêu thương, để tử tế, bao dung, bỏ cái này và lấy cái kia. Nếu có nhận thức, ta sẽ biết rằng đó là một thực tế; luôn luôn có sự hành động náo loạn, vật lộn và thích nghi, và một trí não ở trong trạng thái đó rõ ràng không bao giờ có thể tìm được điều gì mới mẻ. Nhưng nếu tôi nhận thức được trong suốt cả ngày các suy nghĩ và động cơ khởi lên, nếu tôi nhận thức được rằng tôi tham vọng, hay chỉ trích, phán xét, phê phán và nhìn thấy toàn bộ hoạt động đó, thì việc gì xảy ra? Trí não của tôi không còn vật lộn, không còn thúc giục, không còn sự náo loạn do thôi thúc tìm kiếm gây ra. Khi đó, trí não hoàn toàn tĩnh lặng, không chỉ trí não trên bề mặt mà toàn bộ nội hàm của ý thức; và trong trạng thái đó, trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, không còn có bất kỳ động thái tìm kiếm nào, không còn cố gắng để là hay không là gì nữa, trí não có thể chạm tới những độ sâu mà nó chưa bao giờ có thể chạm tới trong khi đang cố tìm kiếm một điều gì đó. Đó là lý do tại sao rất cần phải nhận thức mà không lên án, nhìn mà không phê phán, không phán xét. Và bạn có thể làm việc đó suốt ngày, nghỉ rồi lại tiếp tục, để trí não không còn là công cụ để đấu tranh trong khi ngủ, không còn phải nắm bắt những gợi ý từ vô thức thông qua những biểu tượng và cố gắng diễn giải chúng, không còn nghĩ ra một cõi trung giới và những điều vô nghĩa kiểu đó nữa. Vì đã thoát khỏi mọi sự quy định, trí não trong giấc ngủ có thể thâm nhập vào những chiều sâu mà ý thức khi đang thức không bao giờ có thể với tới được, rồi khi tỉnh giấc, bạn sẽ thấy có một tính chất mới mẻ mà trước đây bạn hoàn toàn chưa được trải nghiệm. Giống như buông bỏ hết quá khứ và được sinh ra một lần nữa.
“Thoát khỏi xã hội ngụ ý là không tham vọng, không ham muốn, không cạnh tranh, nghĩa là không có gì liên quan đến cái xã hội luôn khao khát trở thành điều gì đó. Nhưng, bạn thấy đó, việc này thật khó chấp nhận, bởi vì bạn có thể bị giẫm đạp, bị gạt ra; bạn sẽ không có gì cả. Trong cái không đó mới xuất hiện sự sáng suốt, chứ không phải trong cái có... Chừng nào ta còn muốn là một phần của xã hội này, thì chắc chắn ta phải sinh ra điên loạn, chiến tranh, hủy diệt và khổ đau. Nhưng để tự giải thoát mình khỏi xã hội này - cái xã hội của bạo lực, của cải, địa vị, thành công - thì cần phải có sự nhẫn nại, tìm hiểu, khám phá, chứ không phải đọc sách, theo đuổi những bậc thầy, giáo chủ, nhà tâm lý học nào đó, vân vân.”