“Nếu ta có thể khám phá được ý thức thống trị xuất phát từ đâu, thì khám phá đó có thể giải đáp được cho câu hỏi tại sao ta lại bạo lực.”
Ngày 21 tháng Tám năm 1955
Có một thực tế rõ ràng là con người đòi hỏi phải có điều gì đó để sùng bái. Bạn và tôi và nhiều người khác khao khát có được điều gì đó thiêng liêng trong cuộc sống, thế là ta đến đền thờ, thánh đường hoặc nhà thờ, hoặc ta sùng bái các biểu tượng, hình ảnh và ý niệm. Nhu cầu được sùng bái điều gì đó dường như hết sức khẩn thiết, bởi vì ta muốn thoát ra khỏi chính mình để nhập vào điều gì đó vĩ đại hơn, to lớn hơn, sâu sắc và trường cửu hơn, vì thế ta bắt đầu tạo ra các đức thầy, sư tổ, các đấng linh thiêng trên Thiên đường hoặc ở cõi trần; ta nghĩ ra những biểu tượng khác nhau: thánh giá, trăng lưỡi liềm, vân vân. Hoặc, nếu không thỏa mãn với điều gì trong số đó, ta lại suy đoán về những gì vượt ra ngoài trí não, khăng khăng rằng đó là cái linh thiêng, cái đáng được phụng thờ. Đó là những gì vẫn xảy ra trong cuộc sống thường ngày mà tôi nghĩ phần đông chúng ta ý thức rất rõ. Luôn luôn có nỗ lực này trong phạm vi cái đã biết, trong phạm vi trí não, ký ức, và dường như ta không bao giờ có thể thoát ra để tìm thấy điều gì đó thiêng liêng, không do trí não tạo ra.
Sáng nay tôi muốn, nếu có thể, đi sâu vào vấn đề rằng có điều gì thật sự thiêng liêng, điều gì không thể đo lường, bất khả lượng, mà trí não không thể thăm dò nổi. Để làm điều đó, hiển nhiên phải có một cuộc cách mạng trong tư duy của ta, trong các giá trị của ta. Tôi không có ý nói một cuộc cách mạng kinh tế hay xã hội, những thứ ấu trĩ đơn thuần, chỉ có thể tác động một cách nông cạn lên đời sống của chúng ta nhưng về căn bản thì không phải là cách mạng gì cả. Tôi muốn nói đến cuộc cách mạng do sự tự biết mình sinh ra - không phải thông qua sự tự biết mình một cách nông cạn, hời hợt, có được nhờ xem xét các tư tưởng trên bề mặt của trí não, mà thông qua những tầng sâu thẳm của sự tự biết mình.
Chắc chắn, một trong những khó khăn lớn nhất của ta là thực tế rằng mọi nỗ lực của ta đều diễn ra trong phạm vi của sự nhận diện. Ta dường như chỉ vận hành trong giới hạn của những gì ta có thể nhận diện, tức là trong phạm vi của ký ức. Vậy liệu trí não có thể vượt ra khỏi phạm vi đó hay không? Ký ức rõ ràng là cần thiết ở một mức độ nào đó. Tôi phải biết đường từ đây về nơi tôi sống. Nếu bạn hỏi tôi về điều gì đó hết sức quen thuộc với tôi, tôi sẽ có phản ứng tức thời.
Xin phép đề nghị bạn hãy quan sát trí não của chính bạn trong lúc tôi đang nói, bởi vì tôi muốn đi sâu hơn vào vấn đề này, và nếu bạn chỉ đơn thuần theo dõi những lời diễn giải mà không áp dụng nó ngay lập tức thì sự diễn giải sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nếu bạn lắng nghe và nói: “Mai hoặc sau buổi gặp, tôi sẽ suy nghĩ về điều này”, thì lúc đó nó đã chấm dứt, nó không còn giá trị gì nữa. Nhưng nếu bạn hoàn toàn chú tâm vào điều tôi đang nói và có thể áp dụng nó thì nghĩa là bạn đang nhận thức về quá trình lý trí và cảm xúc của chính bạn, lúc đó bạn sẽ thấy rằng điều tôi đang nói lập tức có ý nghĩa.
Như tôi đã nói, có một phản ứng tức thời với bất cứ điều gì mà bạn biết rõ. Khi một câu hỏi quen thuộc được đặt ra, bạn sẽ trả lời dễ dàng, phản ứng tức khắc. Nhưng nếu bạn được hỏi một câu không hề quen thuộc thì điều gì xảy ra? Bạn bắt đầu tìm kiếm trong những ngăn kéo của ký ức, bạn cố gắng hồi tưởng lại những gì đã đọc hay nghĩ đến, những điều bạn đã trải nghiệm. Tức là, bạn sẽ quay lại và nhìn vào một số ký ức nào đó đã thu thập được, bởi vì điều mà bạn gọi là kiến thức về bản chất chính là ký ức. Nhưng nếu bạn được hỏi một câu mà bạn không biết gì cả để có thể tham khảo từ ký ức, và nếu bạn có thể trả lời một cách trung thực rằng bạn không biết, thì lúc đó chính trạng thái không biết sẽ là bước đầu tiên trong cuộc tìm hiểu thật sự cái chưa biết.
Tức là, về mặt kỹ thuật công nghệ ta phát triển thật phi thường, ta đã trở nên hết sức khéo léo với những thứ máy móc. Ta đến trường và học những kỹ thuật khác nhau, biết cách ráp máy, sửa đường, chế tạo máy bay, vân vân, nhưng tất cả những điều đó chẳng là gì ngoài sự bồi đắp ký ức. Với cùng tinh thần đó, ta mong tìm thấy điều gì vượt ra khỏi trí não, thế là ta rèn luyện kỷ luật, tuân thủ theo một phương pháp, hoặc tham gia vào một tổ chức tôn giáo ngốc nghếch nào đó, mà tất cả các tổ chức kiểu ấy về cơ bản đều ngốc nghếch cả, dù tạm thời chúng có giúp ta thỏa mãn và hài lòng đến đâu đi nữa.
Bây giờ, nếu chúng ta có thể cùng nhau đi sâu vào vấn đề này - và tôi nghĩ ta có thể nếu đặt sự chú tâm vào đó, tôi muốn cùng các bạn tìm hiểu xem liệu trí não có thể gạt bỏ mọi ký ức về kỹ thuật, mọi sự tìm kiếm cái ẩn giấu trong những gì đã biết không. Bởi vì khi ta tìm kiếm - đó là điều ta đang làm, chẳng phải sao? - ta tìm kiếm cái ta chưa biết trong phạm vi những gì ta đã biết. Khi ta tìm kiếm hạnh phúc, hòa bình, Thượng đế, tình yêu, hay bất cứ điều gì, việc đó luôn nằm trong phạm vi cái đã biết, bởi vì ký ức đã cho ta một gợi ý, một chỉ dẫn về điều gì đó, rồi ta tin vào nó. Vì thế, sự tìm kiếm của ta luôn luôn diễn ra trong phạm vi cái đã biết. Ngay cả trong khoa học cũng vậy, chỉ khi nào trí não hoàn toàn không còn nhìn vào cái đã biết thì điều mới mẻ mới xuất hiện. Nhưng việc ngừng tìm kiếm trong những gì đã biết không phải là một quyết tâm; ta không thể làm thế bằng bất cứ hành động nào của ý chí. Nói rằng: “Tôi sẽ không nhìn vào cái đã biết mà sẽ chào đón cái chưa biết” là cực kỳ ấu trĩ, nói thế chẳng có ý nghĩa gì cả. Lúc đó, trí não sẽ hư cấu, suy đoán; nó sẽ trải nghiệm điều gì đó tuyệt đối vô nghĩa. Trí não chỉ thoát khỏi cái đã biết thông qua sự tự biết mình, thông qua cuộc cách mạng hình thành khi mỗi ngày bạn hiểu được ý nghĩa của bản ngã. Bạn không thể hiểu được ý nghĩa của bản ngã nếu còn có sự tích lũy ký ức để giúp bạn hiểu bản ngã. Bạn hiểu điều đó chứ?
Bạn thấy đó, ta nghĩ rằng ta hiểu được mọi thứ bằng cách tích lũy kiến thức, bằng cách so sánh. Nhưng chắc chắn ta không hiểu theo cách đó. Nếu so sánh thứ này với thứ khác, bạn sẽ chỉ lạc lối trong sự so sánh thôi. Bạn chỉ hiểu được điều gì đó khi bạn dành cho nó toàn bộ sự chú tâm, và mọi hình thức so sánh hay đánh giá đều gây xao lãng.
Khi đó tự biết mình không phải là tích lũy, và tôi cho rằng đây là điều rất cần phải hiểu. Nếu tự biết mình mang tính tích lũy, thì nó chỉ đơn thuần máy móc. Giống như kiến thức của một bác sĩ đã học được một kỹ thuật và vĩnh viễn áp dụng hiểu biết chuyên môn của mình vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Một nhà phẫu thuật có thể trở thành một thợ máy tuyệt vời trong nghề giải phẫu, bởi vì anh ta đã học được các kỹ thuật, anh ta có kiến thức và năng khiếu về nghề, cùng với kinh nghiệm tích lũy hỗ trợ. Nhưng ta không bàn về loại kinh nghiệm tích lũy này. Trái lại, bất kỳ hình thức tích lũy kiến thức nào cũng đều triệt tiêu mọi sự khám phá xa hơn, nhưng khi ta khám phá thì có lẽ ta có thể sử dụng kỹ thuật tích lũy này.
Thật sự những gì tôi đang nói đến hoàn toàn đơn giản. Nếu có thể nghiên cứu, quan sát chính mình, ta sẽ bắt đầu khám phá cách ký ức tích lũy tác động lên mọi thứ ta nhìn thấy; ta không ngừng đánh giá, loại bỏ hoặc chấp nhận, lên án hoặc biện minh, do đó kinh nghiệm của ta luôn nằm trong phạm vi cái đã biết, những gì bị quy định. Nhưng nếu không có ký ức tích lũy đóng vai trò định hướng, phần đông chúng ta sẽ cảm thấy lạc lối, ta cảm thấy sợ hãi, và vì thế ta không thể quan sát chính mình như ta là. Khi có quá trình tích lũy, tức là trau dồi ký ức, thì việc ta quan sát chính mình trở nên hết sức nông cạn. Ký ức giúp định hướng, cải thiện bản thân, nhưng trong sự tự cải thiện không bao giờ có một cuộc cách mạng, một sự chuyển hóa triệt để. Chỉ khi nào ý thức tự cải thiện hoàn toàn chấm dứt, nhưng không phải nhờ ý chí, thì điều gì đó siêu việt, điều gì đó hoàn toàn mới mẻ mới có thể xuất hiện.
Vậy nên tôi cho rằng chừng nào ta chưa hiểu được quá trình tư duy, thì trí tuệ, tinh thần, sẽ chẳng có giá trị gì cả. Tư duy là gì? Hãy quan sát chính mình khi tôi đang nói. Tư duy là gì? Tư duy là phản ứng của ký ức, phải không? Tôi hỏi bạn sống ở đâu và bạn lập tức phản hồi, bởi vì đó là điều quá quen thuộc với bạn; bạn nhận diện ngay số nhà, tên đường, vân vân. Đó là một hình thức tư duy. Nếu tôi hỏi bạn một câu phức tạp hơn đôi chút, trí não bạn sẽ do dự; trong khoảnh khắc do dự đó, nó đang tìm kiếm trong vô số những ký ức, trong quá khứ được lưu lại, để tìm ra câu trả lời đúng. Đó là một hình thức tư duy khác nữa, phải không? Nếu tôi đặt cho bạn một câu hỏi phức tạp hơn nữa, trí não bạn sẽ trở nên lúng túng, bối rối. Và vì không thích bị bối rối, trí não sẽ cố gắng bằng mọi cách tìm ra câu trả lời, tức là một hình thức tư duy khác nữa. Tôi hy vọng bạn nắm được những điều này. Và nếu tôi hỏi bạn điều gì đó bao la, sâu thẳm, như bạn có biết sự thật là gì, Thượng đế là gì, tình yêu là gì không, thì trí não sẽ tìm kiếm bằng chứng từ những người khác mà bạn nghĩ đã trải nghiệm điều ấy, rồi bạn bắt đầu trích dẫn, lặp lại lời họ. Cuối cùng, nếu ai đó chỉ ra sự vô ích của việc lặp lại những gì người khác nói, của việc phụ thuộc vào bằng chứng của người khác, vốn có thể vô nghĩa, thì chắc chắn bạn phải nói rằng: “Tôi không biết”.
Vậy, nếu ta có thể thật sự đạt đến trạng thái nói rằng “Tôi không biết”, điều đó cho thấy một ý thức khiêm nhường khác biệt; không có sự ngạo mạn của kiến thức; không có câu trả lời tự khẳng định để tạo ấn tượng. Khi bạn có thể thật sự nói: “Tôi không biết”, điều mà rất ít người đủ khả năng nói ra, thì trong trạng thái đó, mọi nỗi sợ đều chấm dứt, bởi vì mọi ý thức nhận diện, sự lục lọi trong ký ức, đều đã chấm dứt; không còn sự truy tìm trong phạm vi những gì đã biết nữa. Lúc đó điều phi thường xuất hiện. Nếu cho đến giờ phút này bạn nắm được điều tôi đề cập, không chỉ ở bình diện ngôn từ, mà bạn thật sự trải nghiệm nó, bạn sẽ thấy rằng khi bạn có thể nói: “Tôi không biết”, mọi sự quy định đều chấm dứt. Lúc đó trạng thái của trí não là gì? Bạn hiểu điều tôi đang nói chứ? Tôi trình bày rõ chứ? Tôi nghĩ bạn cần phải chú tâm một chút đến điều này, nếu có quan tâm.
Bạn thấy đó, ta đang tìm kiếm một thứ vĩnh hằng - vĩnh hằng theo nghĩa thời gian, điều gì đó bền lâu, vĩnh cửu. Bạn thấy rằng mọi vật liên quan đến ta đều chóng tàn, thay đổi liên tục, mới sinh đó rồi héo tàn và chết đi, và cuộc tìm kiếm của ta luôn là để thiết lập nên điều gì đó tồn tại lâu dài trong phạm vi những gì đã biết. Nhưng điều thật sự thiêng liêng lại vượt khỏi hạn độ của thời gian, không thể tìm ra nó trong phạm vi cái đã biết. Cái đã biết chỉ vận hành thông qua tư tưởng, vốn là phản ứng của ký ức trước thách thức. Nếu tôi thấy điều đó và muốn tìm ra cách chấm dứt tư duy thì tôi phải làm gì? Chắc chắn, tôi phải nhận thức về toàn bộ quá trình tư duy của tôi bằng cách tự biết mình. Tôi phải thấy rằng mỗi tư tưởng, dù tinh tế, cao quý hay thấp hèn, ngu muội ra sao, cũng đều bắt nguồn từ cái đã biết, từ ký ức. Nếu tôi thấy được điều đó thật rõ thì trí não, khi đối mặt với một vấn đề rộng lớn, có thể nói: “Tôi không biết”, bởi vì nó không có câu trả lời. Lúc đó, mọi câu trả lời của Đức Phật, Đức Chúa, các đức thầy, các tôn sư, đạo sư đều vô nghĩa, bởi vì nếu chúng có một ý nghĩa thì ý nghĩa đó cũng sinh ra từ những hồi ức, tức là sự quy định của tôi.
Vậy, nếu tôi thấy được sự thật của những điều đó và thật sự dẹp hết mọi câu trả lời, điều mà tôi chỉ có thể làm khi có được tính khiêm nhường mênh mông của sự không biết này, thì trạng thái của trí não là gì? Trạng thái của trí não là gì khi nói: “Tôi không biết liệu có Thượng đế, có tình yêu hay không”, tức là khi không có phản ứng của ký ức? Xin đừng vội trả lời ngay câu hỏi dành cho bạn, bởi vì nếu làm thế, câu trả lời của bạn sẽ chỉ đơn thuần thừa nhận điều bạn nghĩ là nên hay không nên. Nếu bạn nói: “Đó là một trạng thái phủ định”, bạn đang so sánh nó với điều đã biết; cho nên, trạng thái mà bạn nói “Tôi không biết” đó không tồn tại.
Tôi đang cố đi sâu vào vấn đề này bằng cách nêu lên để bạn cũng có thể theo dõi nó thông qua việc quan sát trí não của chính mình. Cái trạng thái mà trí não nói “Tôi không biết” không phải là phủ định. Trí não đã hoàn toàn ngừng tìm kiếm, nó chấm dứt mọi động thái, vì thấy rằng bất kỳ động thái nào xuất phát từ cái đã biết hướng đến điều mà nó gọi là cái chưa biết thì cũng chỉ là một sự phóng chiếu ra của cái đã biết. Vì thế, trí não mà có thể nói “Tôi không biết” đang nằm trong một trạng thái duy nhất mà ở đó bất cứ điều gì cũng có thể được khám phá. Nhưng người nói rằng “Tôi biết”, người đã nghiên cứu tường tận nhiều trải nghiệm khác nhau của con người với một trí não nặng trĩu thông tin, với vốn kiến thức như bách khoa toàn thư, có bao giờ trải nghiệm được điều gì không phải do tích lũy mà có? Anh ta sẽ thấy điều đó là cực kỳ khó khăn. Khi trí não hoàn toàn gạt bỏ mọi kiến thức đã thu thập, thì với nó không có những Đức Phật, Đức Chúa, đức thầy, đạo sư, không có tôn giáo, không có trích dẫn ai nữa. Khi trí não hoàn toàn đứng một mình, vô nhiễm, tức là sự chuyển động của cái đã biết không còn, chỉ khi đó mới có khả năng diễn ra một cuộc cách mạng lớn lao, một sự đổi thay tận nền tảng. Một thay đổi như thế rõ ràng là cần thiết, và chỉ một số ít người - bạn và tôi hay một X nào đó đã mang lại trong chính mình cuộc cách mạng này - mới có thể tạo ra một thế giới mới, chứ không phải những người theo chủ nghĩa lý tưởng, các nhà trí thức, không phải người đầy ắp kiến thức hay người làm việc thiện. Họ đều là những nhà cải cách. Con người tôn giáo là con người không thuộc về bất kỳ tôn giáo nào, không thuộc về bất kỳ quốc gia, chủng tộc nào, người hoàn toàn đơn độc bên trong, ở trong trạng thái không biết và diễm phúc của cái thiêng liêng xuất hiện cho riêng họ.
Người hỏi: Chức năng của trí não là tư duy. Tôi đã dành rất nhiều năm để suy nghĩ về những điều mà tất cả chúng ta đều biết - về kinh doanh, khoa học, triết học, tâm lý, nghệ thuật, vân vân - và giờ đây tôi suy nghĩ nhiều về Thượng đế. Từ chỗ nghiên cứu bằng chứng của nhiều nhà thần bí và các tác giả tôn giáo khác, tôi xác tín rằng Thượng đế có tồn tại, và tôi có thể đóng góp những suy nghĩ của chính tôi cho đề tài này. Vậy thì có gì sai chứ? Không phải nghĩ về Thượng đế giúp ta nhận biết Thượng đế sao?
Krishnamurti: Bạn có thể nghĩ về Thượng đế sao? Và bạn có thể xác tín về sự tồn tại của Thượng đế bởi vì bạn đã đọc toàn bộ bằng chứng? Những người vô thần cũng có bằng chứng của mình; họ có lẽ cũng nghiên cứu nhiều như bạn, và họ bảo rằng không có Thượng đế. Bạn tin là có Thượng đế, còn họ tin là không có. Cả hai đều có những niềm tin, cả hai đều bỏ thời gian nghĩ về Thượng đế. Nhưng trước khi bạn nghĩ về điều bạn không biết, bạn phải tìm hiểu xem nghĩ là gì đã, phải không? Làm sao bạn có thể nghĩ về điều bạn không biết? Bạn có thể đọc Kinh thánh, Bhagavad-Gita hay các kinh sách khác, mà trong đó nhiều học giả uyên bác đã khéo léo mô tả Thượng đế là gì, khẳng định điều này và phủ nhận điều nọ, nhưng chừng nào bạn còn chưa biết quá trình tư duy của chính mình, thì điều bạn nghĩ về Thượng đế có thể rất ngu ngốc và nhỏ mọn, nói chung là vậy. Bạn có thể góp nhặt nhiều bằng chứng về sự tồn tại của Thượng đế và soạn ra nhiều bài viết rất tài tình về đề tài đó, nhưng chắc chắn câu hỏi đầu tiên sẽ là: Làm sao bạn biết những gì bạn nghĩ là đúng? Và liệu tư duy có bao giờ trải nghiệm được điều gì bất khả tri không? Thế không có nghĩa là bạn phải chấp nhận về cảm xúc, về tình cảm một thứ nhảm nhí nào đó về Thượng đế.
Vậy, chẳng phải việc tìm hiểu xem trí não có bị quy định hay không quan trọng hơn là tìm kiếm cái gì đó không bị quy định sao? Thực vậy, nếu trí não bạn bị quy định, mà đúng là thế, thì dù nó có đào sâu vào thực tế về Thượng đế đến mức nào đi nữa, thì nó cũng chỉ có thể góp nhặt kiến thức hay thông tin theo sự quy định của nó mà thôi. Thế nên việc bạn nghĩ về Thượng đế hoàn toàn là phung phí thời gian; nó là một sự suy đoán vô giá trị. Tựa như tôi đang ngồi ở khu rừng nhỏ này và ao ước đang ở trên đỉnh ngọn núi kia. Nếu tôi thật sự muốn tìm xem có gì trên đỉnh núi và xa hơn nữa, tôi phải đi đến đó. Cứ ngồi đây suy đoán, xây đền, xây chùa, nhà thờ và sung sướng với điều đó chẳng có ích lợi gì cả. Điều tôi phải làm là đứng lên, bước đi, nỗ lực, gắng sức, đến được đó và khám phá; nhưng phần đông chúng ta không muốn làm như vậy, ta thỏa mãn với việc ngồi đây và suy đoán về điều gì đó mà ta không biết. Và tôi muốn nói rằng suy đoán kiểu đó là một chướng ngại, nó làm cho trí não hư hoại và nó không có giá trị gì cả; nó chỉ đem lại thêm nhiều hỗn loạn, đau khổ hơn cho con người.
Vậy, Thượng đế là điều không thể bàn, không thể mô tả, không thể dùng ngôn từ để thể hiện, bởi vì Thượng đế phải luôn luôn là cái chưa biết. Ngay khi quá trình nhận diện diễn ra, bạn lại quay về phạm vi ký ức. Bạn hiểu chứ? Ví dụ, bạn trải nghiệm điều gì đó phi thường trong khoảnh khắc. Đúng ngay khoảnh khắc đó, không có người tư duy nói rằng: “Tôi phải nhớ lại điều đó”, mà chỉ có duy nhất trạng thái trải nghiệm. Nhưng rồi khoảnh khắc đó qua đi, quá trình nhận diện lại xuất hiện. Hãy để ý điều này. Trí não nói: “Tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời, và tôi ao ước có thêm nhiều trải nghiệm như thế nữa”, vậy là cuộc đấu tranh để có “thêm nữa” bắt đầu. Cái bản năng tích lũy, ý muốn chiếm hữu “thêm nữa” xuất hiện vì nhiều lý do khác nhau - vì nó cho ta niềm vui, thanh thế, kiến thức, bạn trở thành người quyền uy và những điều vô nghĩa kiểu đó.
Trí não theo đuổi điều nó đã trải nghiệm, nhưng điều gì nó đã trải nghiệm thì đã qua, đã chết, đã kết thúc, còn để khám phá cái đang là, trí não phải để chết đi những gì nó đã trải nghiệm. Đây không phải là việc có thể rèn luyện từ ngày này sang ngày khác, có thể được góp nhặt, tích lũy, cầm nắm, nói ra và viết ra được. Tất cả những gì ta có thể làm là thấy rằng trí não bị quy định, và hiểu được quá trình tư duy của chính mình thông qua sự tự biết mình. Tôi phải biết chính tôi, không phải là tôi như thế nào về ý thức hệ, mà là tôi thật sự là gì, dù xấu hay đẹp, dù ganh tị, đố kỵ, hay tích lũy. Nhưng rất khó để chỉ thấy được ta là gì mà không ao ước thay đổi nó, và chính khao khát thay đổi đó là một hình thức quy định khác. Và ta cứ tiếp tục như thế, đi từ sự quy định này đến sự quy định khác, không bao giờ trải nghiệm điều gì vượt ra khỏi vòng giới hạn.
Người hỏi: Tôi đã nghe ngài nói chuyện suốt nhiều năm qua, tôi đã trở nên thành thạo trong việc quan sát tư tưởng của chính mình và nhận thức về mọi điều tôi làm, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ chạm được đến những vùng nước sâu hoặc trải nghiệm sự chuyển hóa mà ngài nhắc đến? Tại sao thế?
Krishnamurti: Tôi nghĩ lý do tại sao không người nào trong chúng ta trải nghiệm được điều gì đó vượt ra khỏi sự quan sát đơn thuần đã quá rõ ràng. Có thể có những khoảnh khắc hiếm hoi của trạng thái cảm xúc mà ta thấy bầu trời quang đãng giữa những cụm mây, y như nó là, nhưng tôi không có ý nói đến bất kỳ điều gì kiểu đó. Tất cả những trải nghiệm như thế đều nhất thời và không có gì để nói. Người đặt câu hỏi muốn biết tại sao sau bao nhiêu năm quan sát mà ông ấy vẫn không thấy được những vùng nước sâu. Tại sao ông ấy nên tìm thấy chúng? Bạn hiểu chứ? Bạn nghĩ rằng bằng cách quan sát tư tưởng của chính mình, bạn sẽ nhận được phần thưởng - nếu bạn làm điều này, bạn sẽ có được điều kia. Nhưng thật sự bạn chẳng quan sát gì cả, bởi vì trí não bạn chỉ quan tâm đến việc nhận được phần thưởng. Bạn nghĩ rằng bằng cách quan sát, bằng cách nhận thức, bạn sẽ đáng yêu hơn, bạn sẽ ít đau khổ hơn, ít cáu kỉnh hơn, đạt được điều gì đó siêu việt; thế nên sự quan sát của bạn chỉ là một quá trình mua bán. Bạn dùng đồng xu này để mua vật kia, nghĩa là sự quan sát của bạn là một quá trình chọn lựa; cho nên nó không phải là quan sát, không phải là chú tâm. Quan sát là quan sát mà không chọn lựa, thấy chính bạn y như bạn thật sự là, không có bất kỳ động thái khao khát thay đổi nào - một việc cực kỳ khó khăn; nhưng không có nghĩa rằng bạn sẽ mãi ở trong trạng thái hiện tại. Bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn nhìn thấy chính mình như bạn đang là mà không mong ước thay đổi ở điều bạn nhìn thấy. Bạn hiểu chứ?
Tôi sẽ lấy một ví dụ và triển khai nó cho bạn thấy. Chẳng hạn tôi bạo lực, như phần lớn chúng ta là vậy. Toàn bộ văn hóa của ta bạo lực, nhưng bây giờ tôi sẽ không đi sâu vào mổ xẻ tình trạng bạo lực, bởi vì vấn đề mà ta đang xem xét không nằm ở đó. Tôi bạo lực, và tôi nhận thức rằng tôi bạo lực. Điều gì xảy ra? Phản ứng tức thì là tôi phải làm điều gì đó, phải không? Tôi nói tôi phải trở nên phi bạo lực. Đó là điều mọi bậc thầy tôn giáo đã dạy chúng ta suốt nhiều thế kỷ - rằng nếu ta bạo lực, ta phải trở nên phi bao lực. Thế là tôi rèn luyện, tôi làm đủ mọi thứ trong tư tưởng. Nhưng bây giờ tôi thấy việc đó mới ngớ ngẩn làm sao, bởi vì cái thực thể quan sát bạo lực và ao ước thay đổi nó thành phi bạo lực lại vẫn bạo lực. Vậy là tôi quan tâm không phải biểu hiện của thực thể đó, mà là bản thân thực thể. Các bạn vẫn đang theo kịp, tôi hy vọng thế.
Vậy, cái thực thể nói rằng “Tôi không được bạo lực” là gì? Thực thể đó có khác với tình trạng bạo lực mà nó đã quan sát không? Hay đó là hai trạng thái khác biệt? Các bạn hiểu chứ, hay điều này quá trừu tượng? Đã gần kết thúc buổi nói chuyện, hẳn các bạn cũng hơi mệt mỏi. Chắc chắn, tình trạng bạo lực và thực thể nói rằng “Tôi phải thay đổi bạo lực thành phi bạo lực” là một. Việc nhận ra thực tế đó sẽ chấm dứt mọi xung đột, không phải sao? Không còn sự xung đột để cố gắng thay đổi, bởi vì tôi thấy rằng chính việc trí não muốn trở nên không còn bạo lực là kết quả của bạo lực.
Người đặt câu hỏi muốn biết tại sao ông ấy không thể vượt lên những sự cãi vã nông cạn của trí não. Lý do đơn giản là trong vô thức hay ý thức, trí não luôn tìm kiếm điều gì đó, và chính công cuộc tìm kiếm đó làm sinh ra bạo lực, cạnh tranh, cùng cái cảm giác cực kỳ bất mãn. Chỉ khi nào trí não hoàn toàn tĩnh lặng, ta mới có thể tiếp cận những vùng nuớc sâu.
Người hỏi: Khi chết đi, liệu ta có tái sinh trên trái đất này không, hay ta sẽ chuyển qua một thế giới nào khác?
Krishnamurti: Tất cả chúng ta, dù già hay trẻ, đều quan tâm đến câu hỏi này, phải không? Vậy, tôi sẽ đi sâu vào đó và hy vọng bạn sẽ nắm bắt được không chỉ ngôn từ, mà còn thật sự trải nghiệm những gì tôi sẽ thảo luận với bạn.
Tất cả chúng ta đều biết rằng cái chết có tồn tại, nhất là những người lớn tuổi, và cả những người trẻ tuổi có quan sát nó. Người trẻ nói: “Hãy đợi đến khi nào cái chết tới, rồi chúng ta sẽ xử lý nó”, còn người già đã tiến đến gần cái chết, nên họ trông cậy vào các hình thức an ủi khác nhau.
Hãy theo dõi và áp dụng điều này cho chính bạn, đừng đùn đẩy nó cho người khác. Bởi vì bạn biết bạn sẽ chết, bạn có nhiều lý giải về cái chết, phải không? Bạn tin vào Thượng đế, bạn tin vào phục sinh hay tin vào nghiệp và luân hồi; bạn nói rằng bạn sẽ tái sinh ở thế giới này hoặc thế giới khác. Hoặc bạn hợp lý hóa cái chết, nói rằng chết là điều tất yếu, nó xảy đến với tất cả mọi người, rằng cây cối rồi cũng khô héo rụi tàn, làm phân nuôi dưỡng đất trồng, rồi một cái cây mới lại mọc lên. Hoặc bạn quá bận rộn với những việc băn khoăn, âu lo thường ngày, những sự đố kỵ, ganh tị, với sự đấu tranh và của cải, tài sản, nên không nghĩ gì đến cái chết. Nhưng nó vẫn nằm trong trí não bạn, dù bạn có ý thức được hay không thì cái chết vẫn ở đó.
Trước hết, bạn có thể thoát khỏi những niềm tin, những sự hợp lý hóa hoặc thái độ thờ ơ mà bạn đã nuôi dưỡng nhằm đối phó với cái chết? Bạn có thể thoát khỏi tất cả những điều đó ngay bây giờ không? Bởi vì điều quan trọng là bước vào ngôi nhà của sự chết ngay khi bạn đang sống, trong khi bạn còn đầy đủ ý thức, còn hoạt động, khỏe mạnh, chứ không phải đợi lúc cái chết đến, mang bạn đi tức khắc bằng một tai nạn, hay bằng một căn bệnh dần khiến bạn trở nên mất ý thức. Khi cái chết đến, nó phải là một khoảnh khắc đặc biệt, sinh động như chính sự sống.
Vậy thì, tôi và bạn có thể nào bước vào ngôi nhà của sự chết ngay khi đang sống không? Đó mới là vấn đề, chứ không phải có sự tái sinh hay một thế giới nào khác nơi bạn được sinh ra lần nữa hay không, những điều đó quá ấu trĩ, quá trẻ con. Một người đang sống không bao giờ hỏi “Sống là gì?” và anh ta không triết lý về sự sống. Chỉ có người nửa sống nửa chết mới nói về mục đích của cuộc sống.
Vậy, bạn và tôi, khi đang sống, có ý thức, chủ động, với tất cả năng lực ta có dù là gì đi nữa, có thể biết chết là gì không? Và nếu vậy thì chết có khác với sống không? Đối với phần đông chúng ta, sống là sự nối tiếp liên tục của cái gì đó mà ta nghĩ là vĩnh cửu. Tên tuổi của ta, gia đình, tài sản, những thứ mà ta có được quyền lợi bất di bất dịch về kinh tế và tinh thần, những đức hạnh mà ta đã tu dưỡng, những thứ mà ta đã góp nhặt về mặt cảm xúc - tất cả những gì mà ta muốn được nối tiếp liên tục mãi. Và khoảnh khắc mà ta gọi là chết là khoảnh khắc của cái chưa biết; thế nên ta sợ hãi, vậy là ta cố gắng tìm một sự an ủi để khiến ta an tâm. Ta muốn biết liệu có sự sống sau cái chết không và hàng tá những thứ khác. Tất cả đều là những vấn đề không thích đáng, là những vấn đề dành cho những người lười biếng, những người không hề muốn khám phá xem chết là gì trong khi đang sống. Vậy bạn và tôi có thể tìm ra hay không?
Chết là gì? Chắc chắn nó là sự chấm dứt hoàn toàn của tất cả những gì bạn từng biết. Nếu không phải là sự chấm dứt hoàn toàn của tất cả những gì mà bạn đã biết, thì đó không phải là chết. Nếu bạn đã biết sự chết rồi, bạn sẽ không phải sợ gì nữa. Nhưng bạn không biết cái chết, đúng không? Tức là, khi đang sống, bạn có thể chấm dứt cuộc đấu tranh bất tận này để thấy trong cái nhất thời có điều gì đó sẽ nối tiếp liên tục hay không? Bạn có thể biết cái không thể biết, trạng thái mà ta gọi là chết, khi đang sống không? Liệu bạn có thể gạt bỏ mọi sự mô tả về những gì xảy ra sau khi chết mà bạn đã đọc được trong sách vở, hoặc cái mà tiềm thức của bạn khao khát để được những lời khuyên đầy an ủi, và nếm trải hoặc trải nghiệm trạng thái hẳn phải rất phi thường đó, ngay bây giờ? Nếu trạng thái đó có thể được trải nghiệm ngay bây giờ, thì lúc đó sống và chết là một.
Vậy thì tôi, người có một học vấn và kiến thức mênh mông, có vô số những trải nghiệm, tranh đấu, yêu thương, thù hận, cái “tôi” đó có thể nào chấm dứt được hay không? Cái “tôi” là ký ức đã ghi lại những điều đó, cái “tôi” đó có thể nào chấm dứt không? Không phải chấm dứt vì một tai nạn hay bệnh tật, có thể nào bạn và tôi khi đang ngồi ở đây mà biết được sự chấm dứt đó không? Lúc đó, bạn sẽ thấy rằng bạn không còn đặt ra những câu hỏi ngốc nghếch về cái chết và sự nối tiếp liên tục nữa, không còn hỏi có một thế giới sau khi chết hay không. Lúc đó, tự bạn sẽ biết câu trả lời, bởi vì cái không thể biết sẽ hiện diện. Lúc đó, bạn sẽ gạt bỏ toàn bộ những thứ vô nghĩa về đầu thai và nhiều nỗi sợ khác - sợ sống và sợ chết, sợ già đi và khiến người khác gặp rắc rối vì phải chăm nom bạn, sợ cô độc và phụ thuộc - tất cả đều sẽ chấm dứt. Đây không phải là những lời sáo rỗng. Chỉ khi nào trí não ngừng suy nghĩ theo hướng nó sẽ nối tiếp liên tục, cái không thể biết mới hiện diện.
“Nếu ta có thể khám phá được ý thức thống trị xuất phát từ đâu, thì khám phá đó có thể giải đáp được cho câu hỏi tại sao ta lại bạo lực.”