Cuộc nói chuyện thứ năm ở rừng sồi
Ngày 20 tháng Tám năm 1955
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà phần đông chúng ta lẽ ra đã phải nghĩ đến là sự kiểm soát hoàn toàn trí não, bởi vì ta có thể thấy rằng nếu không có sự kiểm soát trí não một cách sâu sắc, hợp lý, cân xứng thì không có sự bảo tồn năng lượng, vốn rất cần thiết nếu ta muốn làm bất cứ điều gì, nhất là trong các vấn đề có liên quan với cái gọi là công cuộc tìm kiếm - tìm kiếm sự thật, thực tại, Thượng đế hay điều gì bạn muốn. Tôi nghĩ người ta nhận thức được rằng sự ổn định của trí não là cần thiết để thâm nhập vào các vấn đề nền tảng mà một trí não nông cạn không thể chạm tới được. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ làm sao để kiểm soát trí não, phải không? Có nhiều phương pháp tu tập kỷ luật, nhiều giáo phái và hội đoàn tu viện khác nhau, tất cả luôn nhấn mạnh vào việc kiểm soát tuyệt đối trí não, và chiều hôm nay, tôi muốn thảo luận xem một việc như thế có thể thực hiện được không, và làm sao để có được sự ổn định tuyệt đối của trí não. Tôi dùng từ tuyệt đối theo nghĩa chính xác của nó, nghĩa là kiểm soát hoàn toàn, trọn vẹn trí não. Như tôi đã nói, nhất thiết phải có sự ổn định như thế, bởi vì trong trạng thái đó không có xung đột, không có sự phân tán, xao lãng theo bất cứ loại nào. Do đó, nó đem lại nguồn năng lượng to lớn và một trí não hoàn toàn ổn định như vậy có thể thâm nhập vào tận gốc rễ của thực tại.
Vậy, một trí não nhỏ mọn có bao giờ ổn định được không, dù nó có thể kiểm soát, chế ngự, kỷ luật chính mình đến mức nào đi nữa? Phần lớn trí não của chúng ta đều nông cạn, hạn chế, đầy thành kiến, nhỏ mọn, mà một trí não nhỏ mọn, không ngừng bận rộn với những điều vô cùng nông cạn - với công việc, với những bất hòa, với sự oán hận, với việc rèn luyện đạo đức, với việc cố gắng hiểu điều gì đó, với những chuyện tầm phào, với sự tiến triển và các vấn đề của riêng nó. Một trí não như thế, dù có thể tự kiểm soát, tự kỷ luật mình nhiều đến mức nào đi nữa, thì liệu có bao giờ được tự do để ổn định? Bởi vì nếu không tự do, rõ ràng trí não không thể ổn định.
Nghĩa là, một trí não cố gắng chạy theo sự thành đạt, chạy theo một kết quả, cố gắng nắm giữ điều mà nó không thể có, về cốt lõi đều nông cạn, bị quy định, hạn chế, biến mình thành nhỏ mọn vì chính sự cố gắng đó. Và dù nó có nỗ lực đến đâu để trở nên ổn định bằng cách kiểm soát chính mình, liệu một trí não như thế có bao giờ tạo ra được năng lượng cần thiết để tiếp cận với sự ổn định căn cơ ở sâu bên trong, hay nó sẽ chỉ dựng lên hàng loạt những giới hạn khác, những toan tính nhỏ mọn khác? Tôi hy vọng tôi đã nói rõ vấn đề.
Nếu trí não tôi theo chủ nghĩa dân tộc, bị trói buộc bởi vô số niềm tin, những điều mê tín, sợ hãi, bị vướng mắc trong sự ganh tị, oán hận, trong sự tàn bạo ở lời nói, cử chỉ, tư tưởng, dù nó có thể cố gắng suy nghĩ nhiều đến đâu đi nữa về điều gì đó vượt lên chính nó, thì nó vẫn bị hạn chế. Vì thế, vấn đề là làm sao phá vỡ được tính nhỏ mọn của trí não, đúng không? Đó là một trong những vấn đề nền tảng, và nếu sự thể đã rõ, ta có thể tiến hành tìm hiểu xem kiểm soát hoàn toàn trí não nghĩa là gì.
Để tìm ra đâu là sự thật, đâu là Thượng đế, hay bất cứ cái tên nào bạn thích, rõ ràng người ta phải có một năng lượng khổng lồ, và trong công cuộc tìm kiếm năng lượng đó, ta làm đủ mọi thứ vô nghĩa. Ta thường lui tới các tu viện hoặc bận tâm quá mức về chuyện ăn uống, hoặc ta cố gắng kiểm soát những đam mê, dục vọng, hy vọng, hòng điều hướng nguồn năng lượng để tìm ra điều gì đó vượt thoát trí não. Rốt cuộc, đó là những gì đa phần chúng ta vẫn đang nỗ lực thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Ta cố gắng kiểm soát tư tưởng, khao khát của ta, rèn luyện đạo đức, chú ý đến lời nói, hành động, vân vân, nhằm hướng đến sự tốt đẹp, trở thành những công dân đáng kính, hoặc hy vọng điều hướng được sức mạnh phi thường của khao khát để tìm ra điều gì nằm ở bên kia. Nhưng ta không thể tìm ra điều đó, dù có cố gắng đến đâu đi nữa, chừng nào ta còn chưa hiểu được sự nhỏ mọn của trí não. Khi một trí não nhỏ mọn tìm kiếm Thượng đế, Thượng đế của nó dĩ nhiên cũng nhỏ mọn, những đức hạnh của nó sẽ chỉ là tư cách đáng tôn trọng đơn thuần. Vậy thì nó có thể phá vỡ tính nhỏ mọn này không? Câu hỏi đã rõ ràng rồi chứ? Tốt, bây giờ ta hãy tiếp tục.
Trí não của ta nhỏ mọn, đầy ganh tị, luôn tích lũy, sợ hãi, dù ta có thừa nhận hay không. Vậy, điều gì khiến cho trí não nhỏ mọn? Chắc chắn, trí não còn nông cạn, hạn chế, hời hợt, nhỏ mọn chừng nào nó còn tích lũy. Nó có thể từ bỏ những thứ trần tục và hăng say tích lũy trong quá trình theo đuổi kiến thức, trí tuệ, nhưng nó vẫn cứ nhỏ mọn, bởi vì trong khi thu thập, nó sẽ nảy sinh ý muốn đạt được, giành lấy. Và chính ý muốn đạt được ấy tạo ra tính nhỏ mọn.
Tôi có thể nói đôi chút về sự chú tâm được chứ? Chú tâm rất quan trọng, nhưng chú tâm lại hoàn toàn khác với tập trung hay bị thứ gì đó thu hút. Một đứa bé bị thu hút bởi một món đồ chơi; món đồ chơi ấy hấp dẫn nó và nó dành hết trí não cho món đồ chơi. Đó là sự việc vẫn xảy ra phải không? Vật ấy lôi cuốn trí não, hấp dẫn trí não hoặc nếu không thì trí não hấp dẫn vật ấy. Nếu bạn quan tâm đến điều gì, đối tượng được quan tâm lôi cuốn đến mức nó thu hút bạn; còn khi bạn cố ý tập trung vào điều gì, một hình thức thu hút khác, thì đó là bạn thu hút đối tượng, phải không?
Bây giờ, tôi đang nói về điều gì đó hoàn toàn khác. Tôi đang nói đến sự chú tâm, trong đó không có đối tượng nào, không có sự căng thẳng, không có xung đột, một sự chú tâm mà trong đó bạn không bị thu hút, cũng không cố gắng tập trung vào điều gì. Trong khi lắng nghe những gì tôi đang nói ở đây, bạn cố gắng hiểu, sự lắng nghe của bạn có một đối tượng, do đó, có nỗ lực và sự căng thẳng, không có sự chú tâm thoải mái nào cả. Đó là một thực tế, phải không? Nếu bạn muốn lắng nghe điều gì thì không được có sự căng thẳng, không có nỗ lực, không có đối tượng thu hút sự chú tâm của bạn và lôi cuốn bạn, nếu không, bạn chỉ đơn thuần bị thôi miên bởi điều bạn đang nghe, bởi một tính cách và mọi điều vô nghĩa khác. Nếu bạn quan sát thật kỹ quá trình thu hút này, bạn sẽ thấy rằng trong đó luôn có một sự xung đột, luôn có cảm giác căng thẳng và nỗ lực đạt được điều gì đó. Trái lại, khi chú tâm thì sẽ không có một đối tượng cụ thể nào, bạn chỉ lắng nghe giống như bạn đang lắng nghe tiếng nhạc vọng lại từ xa, hoặc nghe từng nốt nhạc trong một bản nhạc. Trong trạng thái đó, bạn thoải mái và chú tâm, không có sự căng thẳng.
Do đó, nếu được, hãy cố gắng chỉ chú tâm trong lúc bạn lắng nghe những gì được nói ở đây. Điều tôi đang nói có thể khó khăn và khá mới mẻ nên sẽ gây bối rối, nhưng nếu bạn có thể lắng nghe với một sự chú tâm thoải mái, thì tinh thần của bạn sẽ không bị xao động dù bạn có bối rối theo một kiểu khác, mà có lẽ lại tốt. Tôi đang nói một điều rất cần phải hiểu. Tôi đang nói rằng trí não phải hoàn toàn ổn định. Nhưng sự ổn định này không thể có được nếu trí não cố gắng tự khiến mình ổn định, bởi vì trí não, thực thể nỗ lực, về bản chất cực kỳ nhỏ mọn. Trí não có thể đầy ắp kiến thức bách khoa, nó có thể tranh luận rất khôn khéo và tích lũy rất nhiều kiến thức công nghệ, nhưng về cốt lõi nó vẫn nhỏ mọn chừng nào nó còn dựa trên ý thức tích lũy và do đó dựa trên sự rèn luyện ý chí, tức là chừng nào còn có cái “tôi”, cái thực thể thu thập, nỗ lực, vứt bỏ và gom góp. Trí não có thể nghĩ về Thượng đế, tự khép mình vào kỷ luật, cố gắng kiểm soát những dục vọng khác nhau để trở nên đạo đức, để có thêm nhiều năng lượng nhằm tìm kiếm sự thật, vân vân. Nhưng một trí não như thế vẫn nông cạn và đầy hạn chế - nó không bao giờ tự do nên không thể ổn định.
Bây giờ vấn đề của ta là làm sao phá vỡ được sự nhỏ mọn này của trí não? Câu hỏi đã rõ rồi chứ? Nếu vậy, bạn sẽ làm gì? Ta thấy được sự cần thiết của một trí não thật sự ổn định, sâu sắc, thanh tịnh, một trí não được kiểm soát hoàn toàn, nhưng không phải bởi một thực thể tách biệt lên tiếng rằng: “Tôi phải kiểm soát nó”. Bạn theo kịp chứ? Nghĩa là, tôi thấy được tầm quan trọng của một trí não ổn định. Vậy, làm sao để có được sự ổn định ấy? Nếu một phần khác của trí não nói “Tôi phải có một trí não ổn định” thì lúc đó nó sẽ sinh ra xung đột, kiểm soát, nô dịch, phải không? Một bộ phận của trí não ra lệnh cho phần còn lại, cố gắng ngăn chặn nó đi lang thang, kiểm soát nó, định hình nó, kỷ luật nó, triệt tiêu các hình thức khác nhau của dục vọng, vì thế xung đột luôn luôn diễn ra, phải không?
Vậy, một trí não ở trong tình trạng xung đột thì về bản chất đã nhỏ mọn rồi, bởi vì nó khao khát có được điều gì đó. Khi muốn có một trí não ổn định, bạn nói: “Tôi phải kiểm soát trí não của mình, tôi phải định hình nó, tôi phải xua đuổi hết mọi khao khát mâu thuẫn nhau”, nhưng chừng nào còn có quá trình phân đôi này trong tư duy của bạn, thì chừng đó còn phải có xung đột, và chính sự xung đột đó cho thấy tính nhỏ mọn bởi vì xung đột là kết quả của khao khát có được điều gì đó. Vậy, trí não có thể nào xóa sạch, quên đi toàn bộ quá trình thu thập, quá trình có được một trí não ổn định để tìm thấy Thượng đế hay bất cứ điều gì không? Tức là, khi bạn lắng nghe, liệu bạn có thể lập tức thấy được sự thật của điều đang được nói không? Tôi đang nói rằng trí não phải có sự ổn định hoàn toàn và tuyệt đối, và rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được trạng thái đó cũng cho thấy một trí não bị phân chia, một trí não nói rằng: “Trời ơi, tôi phải có sự ổn định đó, nó thật tuyệt vời”, rồi theo đuổi trạng thái đó thông qua kỷ luật, thông qua sự kiểm soát, thông qua các hình thức thưởng phạt khác nhau, vân vân. Nhưng nếu trí não có thể lắng nghe sự thật của phát biểu đó, nếu nó thấy được sự cần thiết tuyệt đối của việc kiểm soát hoàn toàn, lúc đó bạn sẽ thấy rằng không có sự nỗ lực để đạt được một trạng thái.
Điều này có quá khó không? Tôi e là có khó, bởi vì bạn thấy đó, phần đông chúng ta nghĩ suy theo phương diện cố gắng; luôn có một thực thể cố gắng đạt được một kết quả, vì thế mới có xung đột. Bạn nghe nói rằng trí não phải tuyệt đối ổn định, được kiểm soát, hoặc bạn đã đọc và nghĩ về điều đó, nên nói rằng: “Tôi phải có được trạng thái đó”, thế là bạn theo đuổi nó thông qua việc kiểm soát, kỷ luật, thiền, vân vân. Trong quá trình đó có sự cố gắng, có sự tuân thủ, tuân theo một khuôn mẫu, thiết lập quyền lực và nhiều điều phức tạp khác sẽ nảy sinh. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được một kết quả, bất kỳ hình thức dục vọng nào nhằm có được một trạng thái đều tạo nên một trí não nhỏ mọn, mà một trí não như thế không bao giờ có thể tự do để ổn định. Nếu ta thấy được sự thật đó thật rõ ràng thì chẳng phải sẽ có một sự ổn định tuyệt đối của trí não sao? Bạn hiểu chứ?
Nói cách khác, ta thấy rất rõ rằng năng lượng là điều cần thiết cho bất kỳ hình thức hành động nào. Ngay cả khi bạn muốn trở thành một người giàu có, bạn cũng phải dâng hiến cuộc đời mình cho nó, bạn phải tập trung năng lượng vào đó. Và để tìm thấy điều gì đó vượt lên trên mọi hoạt động, chuyển động của trí não, tức là một sự tự biết mình cực kỳ sâu sắc, thì tập trung năng lượng là điều thiết yếu. Vậy, làm thế nào để tập trung năng lượng? Khi thấy được sự cần thiết của nó, ta nói: “Tôi phải kiểm soát tính khí của mình, tôi phải ăn đúng loại thực phẩm, tôi phải vượt lên trên tình dục, tôi phải kiểm soát những đam mê, khao khát, dục vọng của mình”, khi đó ta đang đi chệch hướng rồi. Tất cả đều chệch hướng bởi vì cái trung tâm vẫn còn nhỏ mọn. Chừng nào trí não còn nghĩ suy theo hướng có được điều gì đó, đạt được một kết quả, thì nó vẫn còn tham vọng. Mà một trí não tham vọng thì về bản chất vẫn là nhỏ bé, hời hợt. Một trí não như thế, như trí não của một người đầy tham vọng trong thế giới này, rõ ràng vẫn có một năng lượng nhất định, nhưng những gì ta đang thảo luận lại đòi hỏi một năng lượng sâu thẳm hơn, mênh mông hơn, một năng lượng không giới hạn, trong đó hoàn toàn không có cái “tôi”.
Vậy, ta đã bị quy định qua hàng bao nhiêu thế kỷ - về mặt tôn giáo, xã hội và đạo đức - để kiểm soát, định hình trí não theo một khuôn mẫu cụ thể, hoặc tuân theo những lý tưởng nào đó, nhằm giữ gìn năng lượng của ta; một trí não như thế có thể nào thoát khỏi tất cả những điều ấy mà không cần cố gắng và lập tức có được trạng thái trí não hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn ổn định được không? Khi đó sẽ không còn có sự xao lãng nữa. Bạn chỉ xao lãng khi muốn đi theo một chiều hướng nào đó. Khi bạn nói: “Tôi phải nghĩ về duy nhất điều này thôi”, thì mọi thứ khác đều là thứ gây xao lãng. Nhưng khi bạn hoàn toàn chú tâm, với một sự chú tâm không có đối tượng, bởi vì không có quá trình đạt được, không rèn luyện ý chí để có được một kết quả, thì bạn sẽ thấy trí não ổn định kỳ lạ, tĩnh lặng từ bên trong. Và chỉ có một trí não tĩnh lặng mới tự do khám phá hoặc để cho thực tại hiện diện.
Người hỏi: Làm sao ta có thể chấm dứt thói quen?
Krishnamurti: Nếu ta có thể thấu hiểu toàn bộ tiến trình của thói quen, thì có lẽ ta sẽ chấm dứt được việc hình thành thói quen. Chỉ đơn thuần chấm dứt một thói quen cụ thể thì tương đối dễ, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Tất cả chúng ta đều có các thói quen khác nhau mà ta hoặc ý thức hoặc không ý thức được, vì thế ta phải tìm hiểu xem tại sao trí não lại bị vướng mắc trong thói quen và tại sao trí não tạo ra thói quen.
Chẳng phải đa phần chúng ta suy nghĩ theo thói quen sao? Từ ấu thơ ta đã được dạy suy nghĩ theo một đường lối nào đó, như một tín đồ Kitô, hoặc như một tín đồ Hindu và ta không dám đi chệch khỏi đường lối đó, bởi vì chính sự chệch hướng ấy là nỗi sợ. Vậy là về căn bản, suy nghĩ của ta bị quy định, gắn liền với thói quen; trí não ta vận hành theo những lối mòn đã được thiết lập sẵn, và lẽ dĩ nhiên cũng có những thói quen nông cạn mà ta cố gắng kiểm soát.
Nếu trí não chấm dứt toàn bộ việc suy nghĩ theo thói quen, lúc đó ta sẽ tiếp cận vấn đề về thói quen nông cạn theo hướng hoàn toàn khác biệt. Bạn hiểu chứ? Nếu bạn đang tìm hiểu, cố gắng khám phá xem liệu trí não của bạn có suy nghĩ theo thói quen không, nếu bạn thật sự quan tâm điều đó, thì thói quen hút thuốc lá, chẳng hạn, sẽ hoàn toàn mang một ý nghĩa khác. Tức là, nếu bạn quan tâm đến việc đào sâu vào toàn bộ quá trình của thói quen, ở một cấp độ sâu hơn, bạn sẽ xử lý việc hút thuốc theo một cung cách hoàn toàn khác. Bởi vì bên trong bạn hiểu rất rõ rằng bạn thật sự muốn chấm dứt không chỉ thói quen hút thuốc, mà cả toàn bộ quá trình suy nghĩ theo thói quen, bạn không chống lại cử chỉ tự động móc thuốc ra hút và những việc kiểu đó, bởi vì bạn thấy được rằng càng chống lại thói quen nào đó, bạn càng làm tăng thêm sức mạnh cho nó. Nhưng nếu bạn chú tâm, nhận thức được trọn vẹn thói quen mà không chống lại nó, bạn sẽ thấy thói quen đó chấm dứt khi đến lúc; nhờ đó, trí não không còn bận rộn với thói quen. Không biết các bạn có theo kịp điều này không.
Bên trong tôi thấy hết sức rõ rằng tôi muốn ngừng hút thuốc, nhưng thói quen này đã tiếp diễn nhiều năm. Tôi có nên chống lại nó không? Chắc chắn khi chống lại một thói quen, tôi chỉ làm tăng thêm sự sống cho nó. Xin hãy hiểu rõ điều này. Khi chống lại bất cứ điều gì, tôi chỉ đang tăng cường sức sống cho nó. Nếu tôi chống lại một ý tưởng, tôi chỉ tăng thêm sự sống cho ý tưởng đó. Nếu tôi chống bạn, tôi chỉ đang cho bạn thêm sức mạnh để chống lại tôi. Tôi phải thấy điều đó thật rõ, và tôi chỉ có thể thấy rõ nếu nhìn thẳng vào toàn bộ vấn đề thói quen, chứ không chỉ một thói quen đặc biệt nào. Lúc đó, sự tiếp cận của tôi với thói quen sẽ ở trên một cấp độ hoàn toàn khác.
Vậy, câu hỏi lúc này là: Tại sao trí não suy nghĩ theo hướng thói quen, thói quen của các mối quan hệ, thói quen của những ý tưởng, thói quen của niềm tin, vân vân? Tại sao? Bởi vì về cốt lõi, nó đang tìm kiếm sự an toàn, yên ổn, lâu dài, phải không? Trí não ghét tình trạng không chắc chắn, vì thế nó phải có những thói quen như là phương tiện để được an toàn. Một trí não an toàn không bao giờ có thể tự do thoát khỏi thói quen, mà chỉ có trí não hoàn toàn không an toàn mới như vậy - điều này không có nghĩa là kết thúc trong một dưỡng trí viện hay bệnh viện tâm thần. Một trí não hoàn toàn không an toàn, tức là không chắc chắn, luôn tìm hiểu, không ngừng khám phá, tức là để chết đi mọi kinh nghiệm, mọi thứ nó có được, và nhờ vậy luôn ở trong trạng thái không biết - chỉ một trí não như thế mới có thể thoát khỏi thói quen, và đó là hình thức tư duy cao nhất.
Người hỏi: Có thể nuôi lớn con trẻ mà không quy định chúng được không, nếu được thì bằng cách nào? Nếu không thì có sự quy định tốt và quy định xấu không? Xin ngài trả lời câu hỏi này mà không quy định. [Cười]
Krishnamurti: “Có thể nuôi lớn con trẻ mà không quy định chúng không?” Có không nào? Tôi không nghĩ vậy. Làm ơn lắng nghe, ta sẽ cùng nhau đi sâu vào điều này. Nhưng trước hết, ta hãy xử lý câu hỏi sau: Có quy định tốt và quy định xấu không? Chắc chắn chỉ có quy định thôi, không tốt và không xấu. Điều bạn gọi là sự quy định tốt thì người khác có thể cho là xấu, rõ ràng là thế, ta có thể giải quyết câu hỏi đó rất nhanh.
Vậy thì câu hỏi là: Trẻ con có thể được nuôi dạy lớn lên mà không quy định, không tác động gì đến chúng không? Chắc chắn rằng mọi thứ quanh chúng đều tác động đến chúng. Thời tiết, thực phẩm, ngôn từ, cử chỉ, trao đổi, những phản ứng vô thức, lũ trẻ khác, xã hội, nhà trường, giáo hội, sách vở, tạp chí, phim ảnh - tất cả đều ảnh hưởng đến đứa trẻ. Bạn có thể ngăn chặn sự tác động đó không? Không thể, phải không nào? Bạn có thể không muốn gây tác động, quy định con cái của bạn, nhưng bạn lại đang vô thức ảnh hưởng đến chúng, không phải sao? Bạn có những niềm tin, giáo điều, những nỗi sợ hãi, luân lý đạo đức, những khuynh hướng, những ý niệm về cái tốt và cái xấu, thế nên dù cố ý hay vô ý, bạn cũng đang định hình con trẻ. Và nếu bạn không làm thế, nhà trường cũng sẽ làm với những quyển sách lịch sử dạy rằng bạn có những người anh hùng tuyệt vời ra sao, còn những kẻ tội nghiệp khác lại không có, vân vân. Mọi thứ đều đang ảnh hưởng đến đứa trẻ, vậy trước hết ta hãy thừa nhận điều đó là một thực tế hiển nhiên.
Vậy thì vấn đề là: Bạn có thể nào giúp con trẻ khi lớn lên sẽ chất vấn thật thông tuệ tất cả những ảnh hưởng ấy không? Bạn hiểu chứ? Nếu biết rằng trẻ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, ở nhà cũng như ở trường, bạn có thể giúp trẻ đặt câu hỏi về mọi ảnh hưởng và không bị vướng mắc vào bất kỳ sự ảnh hưởng nào? Nếu bạn thật sự có ý định giúp con tìm hiểu về mọi tác động thì sẽ rất khó khăn gian khổ, phải không? Bởi vì, nó có nghĩa là phải chất vấn không chỉ uy quyền của bạn, mà còn toàn bộ vấn đề quyền lực, vấn đề dân tộc chủ nghĩa, vấn đề niềm tin, chiến tranh, quân đội, tìm hiểu toàn bộ những điều đó, tức là rèn luyện trí thông minh. Và khi có trí thông minh, trí não không còn chỉ biết chấp nhận uy quyền hoặc tuân thủ vì sợ hãi, lúc đó mọi sự tác động đều được xem xét và loại bỏ, cho nên một trí não như thế sẽ không bị quy định. Điều đó chắc chắn có thể làm được, phải không? Và chẳng phải chức năng của giáo dục là nuôi dưỡng trí thông minh đó, có khả năng xem xét một cách khách quan mọi tác động, tìm hiểu bối cảnh, cả bối cảnh trước mắt lẫn bối cảnh sâu thẳm, để trí não không còn bị vướng mắc vào bất kỳ sự quy định nào đó sao?
Rốt cuộc, bạn bị quy định bởi bối cảnh của bạn; bạn chính là cái bối cảnh đã hình thành từ truyền thống Kitô giáo của bạn, từ sự tiến bộ, nguồn năng lượng, sức sống phi thường của nước Mỹ, từ vô số những ảnh hưởng của thời tiết, xã hội, tôn giáo, ăn uống, vân vân. Và lẽ nào bạn không thể nhìn vào đó một cách thông minh, đưa nó ra, đặt nó lên bàn và xem xét, mà không kinh qua cái quá trình phi lý là khư khư giữ lấy điều bạn nghĩ là tốt và vứt bỏ những gì bạn nghĩ là xấu sao? Chắc chắn ta phải nhìn nhận một cách khách quan mọi thứ được gọi là văn hóa. Các nền văn hóa tạo ra tôn giáo nhưng không tạo ra con người tôn giáo. Con người tôn giáo chỉ hiện hữu khi trí não rũ bỏ văn hóa, tức là bối cảnh, và nhờ đó tự do khám phá cái chân thực. Nhưng điều đó đòi hỏi sự cảnh giác phi thường của trí não, không phải sao? Một người như thế không phải là người Mỹ, người Anh hay người Hindu giáo, mà là một con người, con người đó không thuộc về bất kỳ nhóm, chủng tộc hay văn hóa cụ thể nào, nhờ vậy mới tự do khám phá đâu là cái chân thực, đâu là Thượng đế. Không nền văn hóa nào có thể giúp con người ấy tìm ra cái chân thực. Văn hóa chỉ tạo ra các tổ chức trói buộc con người. Cho nên, điều quan trọng là phải tìm hiểu tất cả những điều này, không chỉ sự quy định trong ý thức, mà quan trọng hơn là sự quy định trong vô thức của trí não. Và sự quy định trong vô thức không thể được xem xét trên bề mặt nông cạn bởi trí não ý thức. Chỉ khi nào trí não ý thức hoàn toàn tĩnh lặng, sự quy định ở vô thức mới lộ diện, không phải chỉ trong một khoảnh khắc nào đó mà là mọi lúc mọi nơi, khi bạn đang đi dạo, ngồi trên xe buýt hay đang nói chuyện với ai đó. Khi có ý định tìm hiểu, bạn sẽ thấy rằng sự quy định trong vô thức tuôn trào ra, vậy là mọi cánh cửa đều rộng mở để khám phá.
Người hỏi: Khi tôi lần đầu nghe ngài nói và được phỏng vấn ngài, tôi thấy vô cùng bối rối. Rồi tôi bắt đầu quan sát tư tưởng của mình, không lên án hay so sánh, và tôi đã phần nào thu thập được cảm giác tĩnh lặng. Nhiều tuần sau đó, tôi lại phỏng vấn ngài lần nữa và nhận được một sự xáo trộn, vì ngài chỉ rõ cho tôi thấy rằng trí não của tôi không tỉnh thức chút nào, mà tôi lại trở nên phần nào tự mãn với thành tựu của mình. Tại sao trí não ổn định sau mỗi sự xáo trộn, và quá trình này bị phá vỡ như thế nào?
Krishnamurti: Về mặt xã hội, tôn giáo và cá nhân, ta luôn tránh né bất kỳ hình thức thay đổi nào, phải không? Ta muốn mọi thứ cứ tiếp diễn như hiện tại, bởi vì trí não ghét bị bối rối. Khi nó đạt được điều gì thì nó ổn định ở đó. Nhưng sống là một quá trình thách thức và phản ứng, và nếu không có phản ứng thỏa đáng với thách thức thì sẽ có xung đột. Để tránh sự xung đột đó, ta ổn định theo những lối mòn dễ chịu và thế là bị phân rã. Đó là một thực tế về tâm lý.
Tức là, cuộc sống là một thách thức; mọi thứ trên đời đều đòi hỏi một phản ứng, nhưng bởi vì bạn có những giới hạn, những âu lo, những sự quy định, những niềm tin, lý tưởng về điều bạn nên và không nên làm, do đó bạn không thể phản ứng cho trọn vẹn. Từ đó mới có xung đột. Để trốn tránh hay vượt qua xung đột, bạn liền ổn định trở lại và làm điều gì khác khiến bạn thấy thoải mái. Trí não không ngừng tìm kiếm một trạng thái không hề có sự rối loạn, mà bạn gọi là bình an, Thượng đế, hay cái tên nào bạn thích; nhưng về cốt lõi là khao khát không bị khuấy động. Trạng thái không khuấy động mà bạn gọi là bình an thực ra lại là chết chóc. Trái lại, nếu bạn hiểu rằng trí não phải ở trong trạng thái liên tục phản ứng, và do đó không có khao khát được thoải mái, an toàn, không có nơi để neo buộc, neo giữ, không có nơi trú ẩn trong niềm tin, ý niệm, của cải tài sản, vân vân, lúc đó bạn sẽ thấy không cần phải xáo trộn gì cả. Lúc đó không có quá trình được đánh thức bởi một cơn xáo trộn chỉ để chìm vào giấc ngủ trở lại.
Bạn thấy đó, điều này đem lại một câu hỏi thật sự vô cùng quan trọng. Ta nghĩ ta cần đạo sư, sư phụ, người dẫn dắt để giúp ta giữ được sự tỉnh thức. Có lẽ đó là lý do khiến phần lớn các bạn có mặt ở đây - bạn muốn người khác giúp bạn giữ được sự tỉnh thức. Khi ai đó có thể giúp bạn giữ sự tỉnh thức, bạn liền dựa dẫm, rồi người đó trở thành thầy, người dẫn đường, người dẫn dắt của bạn. Người đó có thể tỉnh thức - tôi không biết, nhưng nếu bạn dựa vào anh ta thì bạn đang ngủ quên. [Cười] Xin đừng cười bởi vì đây là điều tất cả chúng ta đang làm trong cuộc sống. Nếu không phải là một người dẫn dắt, thì cũng là một nhóm người, hay một gia đình, hay một quyển sách, hay một cái máy hát.
Vậy thì liệu có thể giữ được sự tỉnh thức mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì, dù là một viên thuốc, một đạo sư, một kỷ luật, tranh ảnh hay bất cứ điều gì khác được không? Khi thử nghiệm điều này, bạn có thể phạm sai lầm, nhưng bạn nói: “Không sao cả, tôi sẽ giữ được sự tỉnh thức”. Tuy nhiên, đây là điều rất khó làm bởi vì bạn phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Bạn phải được kích thích bởi một người bạn, bởi một quyển sách, bởi âm nhạc, bởi nghi thức lễ bái, bởi việc đi họp mặt đều đặn và sự kích thích đó có thể tạm thời giữ bạn tỉnh thức, nhưng có lẽ bạn cũng chỉ như một người say. Bạn càng phụ thuộc vào sự kích thích, trí não bạn càng tối tăm mù mịt, và trí não tăm tối mù mịt phải được dẫn dắt, nó phải đi theo, nó phải tuân thủ một uy quyền, nếu không nó sẽ lạc lối.
Vậy, khi thấy được hiện tượng tâm lý lạ thường này, ta có thể nào thoát khỏi mọi sự phụ thuộc từ bên trong vào bất kỳ hình thức kích thích nào để giữ cho mình tỉnh thức không? Nói cách khác, chẳng phải trí não có khả năng không bao giờ để bị vướng mắc vào một thói quen sao? Điều này thực ra có nghĩa là từ giã bất cứ điều gì ta đã hiểu, bất cứ điều gì ta đã học, từ giã mọi thứ ta đã thu nhặt ngày hôm qua, để trí não tươi mới trở lại. Trí não sẽ không tươi mới nếu nó không để chết đi mọi thứ của ngày hôm qua, tất cả trải nghiệm, tất cả hờn ghen, oán hận, yêu thương, đam mê, sao cho trí não tươi mới trở lại, đầy hăm hở, tỉnh thức, và nhờ đó có thể chú tâm. Chắc chắn chỉ khi nào trí não thoát khỏi mọi cảm giác phụ thuộc từ bên trong, thì nó mới có thể thấy được cái không thể đo lường.
“Nếu có thể nghiên cứu, quan sát chính mình, ta sẽ bắt đầu khám phá cách ký ức tích lũy tác động lên mọi thứ ta nhìn thấy; ta không ngừng đánh giá, loại bỏ hoặc chấp nhận, lên án hoặc biện minh, do đó kinh nghiệm của ta luôn nằm trong phạm vi cái đã biết, những gì bị quy định. Nhưng nếu không có ký ức tích lũy đóng vai trò định hướng, phần đông chúng ta sẽ cảm thấy lạc lối, ta cảm thấy sợ hãi, và vì thế ta không thể quan sát chính mình như ta là. Khi có quá trình tích lũy, tức là trau dồi ký ức, thì việc ta quan sát chính mình trở nên hết sức nông cạn. Ký ức giúp định hướng, cải thiện bản thân, nhưng trong sự tự cải thiện không bao giờ có một cuộc cách mạng, một sự chuyển hóa triệt để. Chỉ khi nào ý thức tự cải thiện hoàn toàn chấm dứt, nhưng không phải nhờ ý chí, thì điều gì đó siêu việt, điều gì đó hoàn toàn mới mẻ mới có thể xuất hiện.”