Cuộc nói chuyện thứ tư ở rừng sồi
Ngày 14 tháng Tám năm 1955
Đối với tôi, một trong những điều khó hiểu nhất là vấn đề thay đổi. Ta thấy sự tiến bộ ở những hình thức khác nhau, cái gọi là tiến hóa, nhưng có chăng sự thay đổi nền tảng trong quá trình tiến bộ? Tôi không biết bạn có ấn tượng chút nào với vấn đề này, hay bạn có bao giờ nghĩ đến nó không, nhưng có lẽ ta nên đi sâu vào nó trong buổi sáng nay.
Ta thấy rằng có sự tiến bộ theo nghĩa rõ ràng của từ đó; có những sáng chế mới, xe hơi, máy bay, tủ lạnh tốt hơn, hòa bình trên bề mặt của một xã hội tiến bộ, vân vân. Nhưng sự tiến bộ đó có đem lại đổi thay triệt để trong con người, trong bạn và tôi không? Tiến bộ chỉ làm thay đổi một cách hời hợt cung cách ứng xử trong cuộc sống, nhưng liệu nó có bao giờ chuyển hóa được tận nền tảng tư tưởng của ta không? Và làm sao để công cuộc chuyển hóa tận nền tảng này diễn ra? Tôi nghĩ đó là vấn đề đáng để xem xét. Trong sự tự cải thiện có sự tiến bộ: Ngày mai tôi có thể tốt hơn, tử tế hơn, rộng lượng hơn, bớt ghen tị, bớt tham vọng. Nhưng liệu sự tự cải thiện có đem lại thay đổi hoàn toàn trong cách tư duy của con người không? Hay chẳng có thay đổi nào cả, mà chỉ có sự tiến bộ? Tiến bộ hàm nghĩa thời gian, đúng không? Hôm nay tôi là thế này và ngày mai tôi sẽ là cái gì đó tốt hơn. Tức là trong sự tự cải thiện hay tự chối bỏ hay tự quên mình, có sự tiến bộ, dần dần hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nghĩa là điều chỉnh trên bề mặt để thích nghi với môi trường, để tuân thủ theo một khuôn mẫu đã được cải tiến, bị quy định theo một cung cách cao quý hơn, vân vân. Ta luôn luôn thấy quá trình đó diễn ra. Và bạn phải tự hỏi, giống như tôi, rằng liệu sự tiến bộ có tạo ra một cuộc cách mạng tận nền tảng hay không.
Theo tôi, điều quan trọng không phải là tiến bộ mà là cách mạng. Xin đừng khiếp sợ từ cách mạng giống như đa phần con người sống trong xã hội tiến bộ thế này. Nhưng đối với tôi, trừ khi ta thấu hiểu sự cần thiết phi thường của việc tạo ra không chỉ một sự cải thiện xã hội mà còn là một sự thay đổi triệt để trong cách nhìn của ta; tiến bộ đơn thuần là tiến bộ trong phiền não, nó có thể xoa dịu, giảm nhẹ phiền não, nhưng không chấm dứt được phiền não, vốn luôn âm ỉ. Rốt cuộc, tiến bộ theo nghĩa dần tốt lên theo thời gian thật ra là quá trình của cái “tôi”, cái ngã. Rõ ràng có sự tiến bộ trong sự tự cải thiện, vốn là quyết tâm nỗ lực trở nên tốt đẹp, nhiều hơn ở mặt này và ít hơn ở mặt khác, vân vân. Giống như sự cải thiện trong lĩnh vực sản xuất tủ lạnh và máy bay, cũng có sự cải thiện trong cái “tôi”, nhưng sự cải thiện đó, sự tiến bộ đó không giải thoát trí não khỏi phiền não.
Vì thế, nếu muốn thấu hiểu vấn đề phiền não và có lẽ chấm dứt nó, ta không thể suy nghĩ ở góc nhìn của sự tiến bộ, bởi vì một người suy nghĩ ở góc nhìn của sự tiến bộ, của thời gian, nói rằng ngày mai anh ta sẽ hạnh phúc, thì hiện giờ đang sống trong phiền não. Và để thấu hiểu vấn đề này, ta phải đi sâu vào toàn bộ vấn đề ý thức, phải không? Chủ đề này có quá khó không? Tôi sẽ tiếp tục và chúng ta sẽ thấy.
Nếu tôi thật sự muốn thấu hiểu phiền não và chấm dứt phiền não, tôi phải khám phá không chỉ những điều hàm chứa trong sự tiến bộ, mà còn phải hiểu thực thể muốn cải thiện chính mình đó là gì, và tôi cũng phải biết động cơ nào khiến thực thể đó tìm cách cải thiện. Toàn bộ những điều ấy là ý thức. Có ý thức nông cạn trên bề mặt của hoạt động sống thường nhật: công việc, gia đình, sự điều chỉnh không ngừng để thích nghi với môi trường xã hội, hoặc một cách hạnh phúc và dễ dàng, hoặc đầy mâu thuẫn và đi kèm với chứng loạn thần kinh. Và còn có cấp độ sâu hơn của ý thức vốn là sự kế thừa xã hội mênh mông của con người qua hàng bao thế kỷ: mong muốn tồn tại, mong muốn thay đổi, mong muốn trở thành. Nếu tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng triệt để trong chính tôi, chắc chắn tôi phải thấu hiểu toàn bộ sự tiến bộ của ý thức.
Ta có thể thấy sự tiến bộ đó rõ ràng không tạo ra một cuộc cách mạng. Tôi không nói đến cách mạng xã hội hay kinh tế - điều đó quá nông cạn, như tôi nghĩ phần đông chúng ta sẽ đồng ý. Việc lật đổ một hệ thống kinh tế hay xã hội và dựng lên một hệ thống khác làm thay đổi một vài giá trị nhất định, như các cuộc cách mạng trong lịch sử cho thấy. Nhưng tôi đang đề cập đến một cuộc cách mạng tâm lý, vốn là cuộc cách mạng duy nhất và một con người tôn giáo phải sống trong trạng thái cách mạng đó, trạng thái mà tôi sẽ đào sâu ngay bây giờ.
Để tiếp cận vấn đề tiến bộ và cách mạng, cần phải có một sự nhận thức, một sự thấu hiểu toàn bộ tiến trình của ý thức. Bạn hiểu chứ? Chừng nào tôi chưa thật sự thấu hiểu ý thức là gì, mà chỉ đơn thuần điều chỉnh trên bề mặt, dù điều đó có thể có ý nghĩa về mặt xã hội học và có lẽ đem lại một lối sống tốt hơn, bớt đi tình trạng nghèo đói, thiếu ăn ở châu Á, bớt đi các cuộc chiến tranh, thì nó cũng không bao giờ giải quyết được vấn đề nền tảng là phiền não. Không thấu hiểu, không giải quyết và vượt qua được sự thôi thúc, ham muốn gây ra khổ đau, thì việc chỉ đơn thuần điều chỉnh để thích nghi với xã hội là sự tiếp nối của mầm mống đau khổ tiềm tàng. Vì thế tôi phải hiểu ý thức là gì, không rập khuôn theo triết học, tâm lý học nào hay bất kỳ sự mô tả nào, mà bằng cách trực tiếp trải nghiệm trạng thái thật sự của ý thức, toàn bộ nội dung của nó.
Vậy thì, có lẽ sáng nay bạn và tôi có thể thử nghiệm điều này. Tôi sẽ mô tả ý thức là gì, nhưng khi tôi đang mô tả, đừng tuân theo sự mô tả đó, mà hãy quan sát quá trình tư duy của chính bạn, lúc đó bạn sẽ tự mình biết ý thức là gì mà không cần đọc những lời giải thích đầy mâu thuẫn của các chuyên gia. Bạn hiểu chứ? Tôi đang mô tả điều gì đó. Nếu bạn đơn thuần lắng nghe lời mô tả thì sẽ chẳng ích gì, nhưng nếu thông qua sự mô tả, bạn trực tiếp trải nghiệm sự nhận thức của chính bạn, quá trình tư duy của chính bạn, thì điều đó sẽ vô cùng quan trọng ngay lúc này, chứ không phải ngày mai, không phải một ngày nào khác khi bạn có thời gian để nghĩ đến nó - điều này tuyệt đối vô nghĩa bởi vì nó chỉ đơn thuần là sự trì hoãn. Nếu thông qua sự mô tả bạn có thể trải nghiệm trạng thái thực tại của ý thức của chính mình, khi bạn đang ngồi im lặng ở đây, lúc đó bạn sẽ thấy rằng trí não có thể tự giải thoát bản thân khỏi sự kế thừa quy định mênh mông, tất cả những gì xã hội tích lũy và ra lệnh, và có thể vượt qua sự tự ý thức. Vậy, sẽ rất xứng đáng nếu bạn muốn thử nghiệm điều này.
Ta đang cố gắng tự mình khám phá xem ý thức là gì và liệu trí não có thể thoát khỏi phiền não hay không - không phải thay đổi khuôn mẫu phiền não, không phải trang trí tô điểm cho tù ngục phiền não, mà là hoàn toàn thoát khỏi mầm mống, gốc rễ của phiền não. Khi đào sâu vào đó, ta sẽ thấy chỗ khác biệt giữa tiến bộ và cuộc cách mạng tâm lý vốn là điều cốt lõi nếu muốn thoát khỏi sự phiền não. Không phải ta đang cố gắng thay đổi hoạt động của ý thức, ta không cố gắng làm điều gì như thế, ta chỉ đang nhìn vào nó. Chắc chắn, nếu ta có chút nào tinh ý, nhận thức sơ qua về bất cứ điều gì, ta sẽ biết được những hoạt động của ý thức nông cạn. Ta có thể thấy trí não ta luôn hoạt động trên bề mặt, bận rộn với sự điều chỉnh, với công việc, với việc kiếm sống, với việc thể hiện những khuynh hướng, năng khiếu, tài năng nào đó, hoặc thu thập những kiến thức khoa học kỹ thuật nhất định. Và phần lớn chúng ta thỏa mãn với việc sống trên bề mặt như vậy.
Xin đừng chỉ theo dõi những gì tôi đang nói mà hãy quan sát chính mình, đường lối tư duy của chính bạn. Tôi đang mô tả những gì đang diễn ra trên bề mặt trong cuộc sống thường nhật của ta - những sự xao lãng, trốn tránh, đôi lúc sa vào sợ hãi, sự thích nghi với vợ, chồng, với gia đình, xã hội, với truyền thống, vân vân - và phần lớn chúng ta thỏa mãn với sự nông cạn đó.
Vậy, ta có thể đi vào bên dưới bề mặt đó và nhìn thấy động cơ của sự điều chỉnh nông cạn này hay không? Một lần nữa, nếu bạn có chút nào nhận thức về toàn bộ quá trình này, bạn sẽ biết rằng sự thích nghi với quan niệm, các giá trị, sự chấp nhận quyền lực, vân vân, được thúc đẩy bởi khả năng tự tiếp nối, tự bảo vệ của cái “tôi”. Nếu bạn vẫn tiếp tục đi xuống sâu hơn, bạn sẽ thấy có một dòng chảy ngầm mênh mông của những bản năng mang tính chủng tộc, quốc gia và nhóm, tất cả những tích lũy có được từ sự đấu tranh, kiến thức, nỗ lực của nhân loại, những giáo điều và truyền thống của Hindu giáo, Phật giáo, Kitô giáo, và thứ tàn dư gọi là giáo dục qua hàng bao thế kỷ - tất cả đều quy định trí não dựa trên một khuôn mẫu được kế thừa. Và nếu bạn có thể đi sâu hơn nữa, có một khao khát căn cơ để được là ai đó, để thành đạt, để trở thành, vốn tự biểu hiện trên bề mặt thành nhiều dạng thức hoạt động xã hội khác nhau và tạo ra những nỗi âu lo, sợ hãi bắt rễ ăn sâu. Nói thật ngắn gọn, toàn bộ những điều này là ý thức của chúng ta. Nói cách khác, tư duy của ta dựa trên thôi thúc căn cơ để được là ai đó, được trở thành ai đó, và ở bên trên, nó được biểu hiện thành nhiều tầng lớp truyền thống, văn hóa, giáo dục và sự quy định nông cạn của một xã hội nhất định - tất cả cưỡng ép chúng ta phải tuân thủ theo một khuôn mẫu để có thể tồn tại. Có quá nhiều chi tiết và những thứ tinh vi, nhưng về cốt lõi thì đó là ý thức của chúng ta.
Vậy, bất kỳ sự tiến bộ nào nằm trong ý thức đó đều là tự cải thiện, và tự cải thiện là tiến bộ trong phiền não, chứ không phải chấm dứt phiền não. Điều này sẽ hết sức rõ ràng nếu bạn nhìn vào đó. Và nếu trí não quan tâm đến việc thoát khỏi mọi phiền não, thì trí não sẽ làm gì? Tôi không biết bạn đã bao giờ nghĩ đến vấn đề này chưa, nhưng ngay lúc này hãy nghĩ đi.
Ta đau khổ, đúng không? Ta đau khổ không chỉ vì những bệnh tật thân thể, mà còn vì nỗi cô độc, vì sự nghèo nàn của con người chúng ta; ta đau khổ vì không được yêu thương. Khi ta thương yêu một người nào mà tình yêu không được đáp lại thì sẽ có phiền muộn. Theo mọi chiều hướng, có suy nghĩ là sẽ đầy phiền não; do đó, có vẻ tốt hơn cả là đừng suy nghĩ gì, nên ta cứ chấp nhận một niềm tin và sống trì trệ trong niềm tin mà ta gọi là tôn giáo đó.
Nếu trí não thấy rằng phiền não không thể chấm dứt thông qua sự tự cải thiện, thông qua sự tiến bộ, rõ ràng là vậy, lúc đó nó sẽ làm gì? Liệu trí não có thể vượt lên ý thức, vượt ra khỏi mọi thôi thúc và những khao khát đầy mâu thuẫn? Và vượt thoát ra có phải là một vấn đề của thời gian? Hãy theo dõi điều này, không phải chỉ nghe lời nói mà thật sự nhận thức. Nếu là vấn đề của thời gian, thì bạn đã quay lại với cái kia, tức là sự tiến bộ. Bạn có thấy điều đó không? Trong khuôn khổ của ý thức, bất kỳ động thái nào theo bất kỳ chiều hướng nào cũng đều là sự tự cải thiện, cho nên nó là sự nối tiếp phiền não. Phiền não có thể được kiểm soát, kỷ luật, khuất phục, hợp lý hóa, điều chỉnh cực kỳ tinh vi, nhưng cái tính chất tiềm năng của phiền não thì vẫn còn đó. Để thoát khỏi phiền não, ta phải thoát khỏi tiềm năng này, thoát khỏi mầm mống của cái “tôi”, cái ngã, thoát khỏi toàn bộ quá trình trở thành. Để vượt thoát ra, quá trình này phải chấm dứt. Nhưng nếu bạn nói: “Làm cách nào để vượt thoát được đây?” thì lúc đó “cách nào” trở thành phương pháp, sự rèn luyện, vốn vẫn còn là sự tiến bộ, cho nên không có vượt thoát mà chỉ có sự điều chỉnh tinh vi của ý thức trong phiền não. Tôi hy vọng bạn nắm được điều này.
Trí não nghĩ suy ở góc nhìn của sự tiến bộ, cải thiện, thời gian; và một trí não như thế, thấy được cái gọi là tiến bộ chính là tiến bộ trong phiền não, có thể nào đi đến chỗ chấm dứt - không phải trong thời gian, không phải ngày mai, mà là ngay lập tức? Nếu không, bạn sẽ quay lại với toàn bộ những thói thường, rơi vào cái guồng phiền não cũ. Nếu vấn đề được tuyên bố rõ ràng và được hiểu rõ, lúc đó bạn sẽ thấy câu trả lời tuyệt đối. Tôi dùng từ tuyệt đối theo đúng nghĩa của nó. Không có câu trả lời nào khác.
Tức là, ý thức của ta luôn luôn gắng sức điều chỉnh, sửa đổi, thay đổi, thu hút, loại bỏ, đánh giá, lên án, biện minh, nhưng bất cứ chuyển động nào như thế của ý thức thì vẫn là nằm trong khuôn mẫu của phiền não. Bất kỳ động thái nào trong vòng ý thức đó như những giấc mơ hay như sự vận dụng sức mạnh của ý chí đều là động thái của cái “tôi”. Và bất kỳ động thái nào của cái tôi, dù hướng về cái tối thượng hoặc về cái trần tục nhất, đều sinh ra phiền não. Khi trí não thấy được điều đó, việc gì xảy đến với nó? Bạn hiểu câu hỏi chứ? Khi trí não thấy được sự thật của điều đó, không phải đơn thuần ở lời nói, mà hiểu trọn vẹn, thì lúc đó còn có vấn đề nữa không? Còn có vấn đề không khi tôi quan sát một con rắn chuông và biết nó là rắn độc? Tương tự, nếu tôi có thể đặt trọn sự chú tâm vào quá trình chịu đựng đau khổ, thì chẳng phải trí não đã vượt ra khỏi đau khổ sao?
Xin hãy theo dõi điều này. Trí não ta hiện đang bận rộn với phiền não và với việc né tránh phiền não, cố gắng khắc phục, giảm bớt, điều chỉnh, sửa đổi nó, cố tránh xa nó bằng nhiều cách. Nhưng nếu tôi thấy được, không chỉ trên bề mặt, mà thấy được toàn vẹn, rằng chính sự bận rộn của trí não với nỗi phiền não ấy lại là động thái của cái tôi làm sinh ra phiền não, thì chẳng phải lúc đó trí não sẽ vượt ra khỏi được điều mà ta gọi là tự ý thức sao?
Nói cách khác, xã hội của ta được xây dựng trên sự ganh tị, trên sự tích lũy, không chỉ ở nước Mỹ này, mà ở cả châu Âu, châu Á. Ta là sản phẩm của xã hội đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm đó. Vậy, hãy làm ơn theo dõi điều này. Tôi nhận ra rằng tôi ganh tị. Tôi có thể điều chỉnh nó, tôi có thể kiểm soát, kỷ luật nó, tìm ra một cách thay thế nó, như tham gia các hoạt động từ thiện hay cải cách xã hội, vân vân, nhưng lòng ganh tị vẫn luôn ở đó, mai phục, sẵn sàng nhảy ra. Vậy làm thế nào trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi tính ganh tị? Bởi vì sự ganh tị chắc chắn sẽ đem lại xung đột, ganh tị là một trạng thái mà trong đó không có sự sáng tạo và người nào muốn tìm ra sáng tạo là gì thì rõ ràng phải thoát khỏi mọi sự ganh tị, thoát khỏi mọi so sánh, mọi thôi thúc được là hoặc trở thành ai đó.
Ganh tị là cảm giác mà ta nhận diện bằng một từ. Ta nhận diện cảm giác đó bằng cách gọi tên nó, gắn cho nó từ ganh tị. Tôi sẽ đi thật chậm, làm ơn theo dõi nhé, bởi vì đây là sự mô tả ý thức của chúng ta. Có một trạng thái cảm giác và tôi gắn cho nó một cái tên. Tôi gọi nó là ganh tị. Chính từ ganh tị mang tính lên án, từ đó có ý nghĩa về mặt xã hội, đạo đức và tinh thần, thuộc về truyền thống mà tôi đã được giáo dục. Vậy là bằng cách sử dụng từ đó, tôi đã lên án cảm giác ấy và quá trình lên án là sự tự cải thiện. Trong sự ganh tị có ý lên án đó, tôi đang tiến bộ theo hướng đối lập, tức là không ganh tị, nhưng động thái này vẫn xuất phát từ cái trung tâm là tính ganh tị.
Vậy trí não có thể nào chấm dứt việc gọi tên không? Khi có cảm giác đố kỵ, thèm khát hoặc khao khát được là cái gì đó, liệu có thể nào trí não, vốn được giáo dục bằng những từ ngữ, bằng cách lên án, gọi tên, chấm dứt toàn bộ cái tiến trình đặt tên này không? Hãy thử đi, rồi bạn sẽ thấy việc không gọi tên một cảm giác khó khăn đến nhường nào. Cảm giác và gọi tên hầu như xảy ra đồng thời. Nhưng nếu không gọi tên thì lúc đó còn có cảm giác không? Liệu cảm giác có tiếp tục tồn tại khi không gọi tên? Bạn có nắm bắt những điều này không, hay nó quá trừu tượng? Đừng đồng ý hay không đồng ý với tôi, bởi vì đây không phải là cuộc sống của tôi, nó là cuộc sống của bạn.
Toàn bộ vấn đề của việc gọi tên một cảm giác, cho nó một từ ngữ, vốn thuộc vấn đề của ý thức. Lấy ví dụ từ yêu. Trí não bạn lập tức cảm thấy hân hoan với từ đó làm sao! Từ đó quá ý nghĩa, quá đẹp, quá dễ chịu, vân vân. Và từ ghét lập tức nói lên một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, thứ gì đó phải tránh né, phải loại bỏ, phải lánh xa, vân vân. Vì thế, ngôn từ có một tác động vô cùng lớn về mặt tâm lý lên trí não, dù bạn có ý thức được điều đó hay không.
Vậy, trí não có thể thoát khỏi mọi động thái ngôn từ hóa không? Nếu nó có thể - và nó phải làm thế, nếu không trí não không thể tiến xa hơn, lúc đó vấn đề khởi lên là: Có người trải nghiệm tách biệt với trải nghiệm không? Nếu có một người trải nghiệm tách biệt với trải nghiệm, thì lúc đó trí não bị quy định bởi vì người trải nghiệm luôn luôn tích lũy hoặc loại bỏ trải nghiệm, diễn dịch từng trải nghiệm theo hướng thích và không thích, theo nền tảng, theo sự quy định của người ấy. Nếu anh ta thấy một cảnh tượng, anh ta nghĩ đó là Chúa Jesus, Đức Thầy hay có Trời mới biết là gì, một thứ vô nghĩa ngốc nghếch nào đó. Vì vậy chừng nào còn có người trải nghiệm, chừng đó còn có sự tiến bộ trong đau khổ, tức là quá trình tự ý thức.
Vậy, để vượt ra, để thoát khỏi tất cả những điều đó, cần phải có sự chú tâm tột độ. Sự chú tâm hoàn toàn mà trong đó không có chọn lựa, không có ý muốn trở thành, thay đổi hay biến đổi này hoàn toàn giải phóng trí não khỏi quá trình tự ý thức. Lúc đó không còn có người trải nghiệm đang tích lũy nữa, và chỉ lúc đó trí não mới thật sự có thể được tuyên bố là đã thoát khỏi phiền não. Chính sự tích lũy là căn nguyên của phiền não. Ta không chấm dứt mọi thứ từ ngày này sang ngày khác, ta không chấm dứt vô số những truyền thống, gia đình, những trải nghiệm của riêng ta, khao khát làm tổn thương người khác của chính ta. Ta phải để chết đi tất cả những điều đó trong từng khoảnh khắc, để chết đi vô số ký ức đã tích lũy, chỉ lúc đó trí não mới thoát khỏi cái “tôi”, tức là thực thể làm công việc tích lũy.
Có lẽ khi cùng nhau xem xét vấn đề này, ta sẽ làm sáng tỏ những điều vừa nói.
Người hỏi: Vô thức là gì và nó có bị quy định không? Nếu nó bị quy định thì làm sao ta có thể thoát khỏi sự quy định đó?
Krishnamurti: Trước hết, chẳng phải ý thức của ta, ý thức đang thức tỉnh ấy, bị quy định sao? Bạn hiểu bị quy định nghĩa là gì chứ? Bạn được giáo dục theo một cách nào đó. Ở đất nước này, bạn bị quy định để là người Mỹ, dù điều đó có nghĩa là gì đi nữa, bạn được giáo dục theo lối sống người Mỹ, còn ở Nga, họ giáo dục bạn theo lối sống người Nga. Ở Ý, những người theo Công giáo dạy con cái suy nghĩ theo cách nào đó, một dạng quy định khác. Trong khi ở Ấn Độ, ở châu Á, ở các nước theo Phật giáo, con người lại bị quy định theo những cách khác nữa. Trên khắp thế giới, có một quá trình chủ tâm quy định trí não con người thông qua giáo dục, thông qua môi trường xã hội, thông qua nỗi sợ hãi, thông qua nghề nghiệp, thông qua gia đình. Bạn biết đấy, có vô số cách để tác động lên trí não trên bề mặt, tức là ý thức đang tỉnh thức.
Rồi có vô thức, tức là tầng trí não nằm bên dưới phần bề mặt ấy, và người đặt câu hỏi muốn biết liệu nó có bị quy định không. Chẳng phải nó cũng bị quy định bởi tất cả những tư tưởng về chủng tộc, những động cơ thầm kín, những khao khát, những phản ứng mang tính bản năng của một nền văn hóa cụ thể nào đó sao? Tôi được cho là một tín đồ Hindu, sinh ra ở Ấn Độ, đi du học ở nước ngoài, vân vân. Chừng nào tôi còn chưa thâm nhập được vào vô thức và thấu hiểu nó, tôi vẫn là một tín đồ Hindu với tất cả những phản ứng gắn liền với mê tín, tôn giáo, văn hóa, biểu tượng, Bà-la-môn - tất cả đều ở đó, đang ngủ yên, chờ được đánh thức bất kỳ lúc nào, và nó đưa ra những cảnh báo, chỉ báo thông qua những giấc mơ, thông qua những khoảnh khắc mà tâm trí ý thức không bị bận rộn hoàn toàn. Vậy là vô thức cũng bị quy định.
Bạn sẽ thấy rất rõ ràng, nếu đi sâu vào đó, rằng toàn bộ tâm thức của ta đều bị quy định. Không một phần nào trong bạn, không có cái “tôi” cao hơn nào, không bị quy định. Chính sự tư duy của bạn là kết quả của ký ức, thuộc về ý thức hoặc vô thức, cho nên nó là kết quả của sự quy định. Bạn suy nghĩ như một người Mỹ, như một tín đồ Hindu, như một người Công giáo, Tin Lành, hay bất cứ gì, bởi vì bạn bị quy định theo cách ấy. Tất cả chúng ta đều bị quy định và ta không bao giờ hỏi: “Có thể hoàn toàn thoát khỏi sự quy định hay không?”. Tất cả những gì ta biết là một quá trình điều chỉnh trong sự quy định, tức là điều chỉnh trong phiền não.
Vậy, nếu tôi thấy được điều đó, không chỉ bằng lời nói, mà bằng tất cả sự chú tâm, thì lúc đó sẽ không còn xung đột nữa. Bạn có hiểu ý tôi không? Khi bạn chú tâm vào điều gì với toàn bộ con người bạn, tức là khi bạn dành trọn trí não để hiểu điều gì đó, thì sẽ không còn xung đột nữa. Xung đột chỉ khởi lên khi bạn phần thì quan tâm, phần thì lại ngó nghiêng sang thứ gì khác, và rồi bạn muốn khắc phục sự xung đột đó, bạn bắt đầu tập trung, nhưng không phải là chú tâm. Khi chú tâm, không có phân chia, không có xao lãng, do đó không có cố gắng, không có xung đột. Chỉ khi chú tâm như thế thì mới có thể có sự tự biết mình, tức là không tích lũy.
Làm ơn theo dõi điều này. Tự biết mình không phải là thứ có thể tích lũy, nó phải được khám phá trong từng khoảnh khắc. Và muốn khám phá thì không thể có sự tích lũy, không thể có một cái để tham chiếu. Nếu bạn tích lũy sự tự biết mình, thì khi đó tất cả những hiểu biết về sau đều bị sự tích lũy đó áp chế, vì vậy sẽ không có hiểu biết gì cả.
Vậy, trí não chỉ có thể vượt ra khỏi mọi sự quy định khi nó chú tâm hoàn toàn trong nhận thức. Khi chú tâm hoàn toàn, sẽ không có người sửa đổi, không có người kiểm duyệt, không có thực thể nói rằng “Tôi phải thay đổi”, tức là hoàn toàn không có người trải nghiệm nữa. Không có người trải nghiệm đóng vai trò là thực thể tích lũy. Đây là một điều rất quan trọng, cần phải hiểu. Bởi vì, rốt cuộc khi ta trải nghiệm điều gì đó thật đáng yêu - một buổi hoàng hôn, một chiếc lá đơn độc đang nhảy múa trên cây, ánh trăng loang loáng trên mặt nước, một nụ cười, một cảnh tượng, hay điều gì đó - trí não lập tức muốn nắm lấy nó, giữ chặt nó, tôn thờ nó, nghĩa là muốn lặp lại trải nghiệm đó. Và nơi nào có thôi thúc được lặp lại thì nơi đó tất phải có phiền não.
Vậy, có thể sống trong một trạng thái đang trải nghiệm mà không có người trải nghiệm được không? Bạn hiểu chứ? Trí não có thể nào trải nghiệm cái xấu xí, cái xinh đẹp hay bất cứ điều gì, mà không có thực thể nói rằng: “Tôi đã trải nghiệm” không? Bởi vì sự thật, Thượng đế, cái không thể đo lường không bao giờ có thể trải nghiệm được chừng nào còn có một người trải nghiệm. Người trải nghiệm là thực thể nhận biết, và nếu tôi có thể nhận biết đó là sự thật, thì tức là tôi đã trải nghiệm nó rồi, tôi đã biết điều đó, cho nên nó không phải là sự thật. Đó là cái đẹp của sự thật, nó vĩnh viễn vẫn là cái chưa biết, và một trí não là kết quả của cái đã biết thì không bao giờ có thể nắm bắt được nó.
Người hỏi: Ngài đã nói rằng mọi thôi thúc về bản chất là như nhau. Phải chăng ý ngài muốn nói rằng nỗi thôi thúc của người theo đuổi Thượng đế cũng không khác gì thôi thúc của một người đàn ông theo đuổi phụ nữ hay chìm đắm trong bia rượu?
Krishnamurti: Các thôi thúc không giống nhau, nhưng tất cả chúng đều là thôi thúc. Bạn có thôi thúc hướng về Thượng đế, còn tôi có thôi thúc muốn nhậu nhẹt, nhưng cả hai chúng ta đều bị ép buộc, thúc bách, bạn theo hướng này, tôi theo hướng khác. Hướng đi của bạn đáng kính trọng, còn của tôi thì không, tôi là một kẻ phản xã hội. Nhưng ẩn sĩ, bậc tu hành, người được gọi là thuộc về tôn giáo, người mà trí não luôn bận rộn với đạo đức, với Thượng đế, về bản chất cũng không khác gì người mà trí não bận rộn với việc kinh doanh, với phụ nữ, với bia rượu, bởi vì cả hai trí não ấy đều bận rộn cả. Bạn hiểu chứ? Một bên có giá trị cho xã hội, trong khi bên kia, người mà tâm trí chỉ bận rộn với rượu, lại không thích hợp với xã hội. Vậy là bạn phán xét từ góc nhìn của xã hội, phải không? Một người khép mình trong đời sống tu viện, cầu nguyện từ sáng đến tối, làm vườn một chút mỗi ngày, trí não hoàn toàn bận rộn với Thượng đế, với việc tự trừng phạt, tự kỷ luật, tự kiềm chế - người như thế, bạn cho là vô cùng thánh thiện, là con người phi thường nhất. Trái lại, người theo đuổi việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa và suốt ngày chỉ bận tâm đến việc kiếm tiền, thì bạn bảo rằng: “À, thì anh ta cũng chỉ là người bình thường như phần đông chúng ta thôi”. Nhưng rõ ràng cả hai đều bận rộn. Với tôi, trí não bận rộn với điều gì không quan trọng. Người mà trí não luôn bận rộn với Thượng đế sẽ không bao giờ tìm thấy Thượng đế, bởi vì Thượng đế không phải điều gì để ta bận tâm đến, Thượng đế là điều chưa biết, là điều không thể đo lường. Bạn không thể bận tâm với Thượng đế. Thật nông cạn khi cứ nghĩ về Thượng đế.
Quan trọng không phải là trí não bận rộn với điều gì, mà là thực tế rằng trí não bận rộn, dù với việc bếp núc, với con cái, với việc giải trí, việc bạn nên ăn món gì, hay với đạo đức, với Thượng đế. Và trí não có cần phải bị bận rộn không? Bạn theo kịp không? Một trí não bận rộn có bao giờ thấy được bất cứ điều gì mới mẻ không, ngoại trừ chính sự bận rộn của nó? Và việc gì xảy ra với trí não nếu nó không bị bận rộn? Bạn hiểu chứ? Nếu không có sự bận rộn thì liệu có một trí não không? Nhà khoa học bận rộn với các vấn đề kỹ thuật, với những máy móc, với những thứ toán học của anh ta, thì cũng giống như một bà nội trợ bận rộn trong nhà bếp hay với con cái thôi. Tất cả chúng ta đều sợ không bận rộn, sợ những hàm ý xã hội ẩn chứa trong đó. Nếu không bị bận rộn, ta có thể khám phá chính mình như ta là, vì vậy bận rộn trở thành một cách để trốn tránh cái ta đang là.
Vậy, phải chăng trí não phải bận rộn mãi mãi? Và liệu có một trí não nào không bận rộn không? Nghe này, tôi đang đặt cho bạn một câu hỏi không có lời giải, bởi vì bạn phải tự mình tìm ra, và khi bạn đã thật sự tìm được, bạn sẽ thấy điều phi thường xảy ra.
Thật thú vị khi tự mình tìm ra trí não bạn bận rộn như thế nào. Người họa sĩ bận rộn với nghệ thuật, với tên tuổi, với sự tiến bộ của mình, với việc phối màu, với danh tiếng; người trí thức bận rộn với tri thức; còn người theo đuổi sự tự biết mình bận rộn với sự tự biết mình ấy, giống như một chú kiến nhỏ cố gắng nhận thức từng tư tưởng, từng động thái. Tất cả họ đều như nhau. Chỉ có một trí não hoàn toàn không bị bận rộn, hoàn toàn trống không mới có thể tiếp nhận điều gì đó mới mẻ, mà trong đó không có sự bận rộn. Nhưng cái mới mẻ đó không thể xuất hiện chừng nào trí não còn bị bận rộn.
Người hỏi: Ngài nói rằng một trí não bị bận rộn không thể tiếp nhận sự thật hay Thượng đế. Nhưng làm sao tôi có thể kiếm sống nếu không bận rộn với công việc của mình? Chẳng phải bản thân ngài cũng bận rộn với các buổi nói chuyện này đó sao, vì đây là phương tiện kiếm sống của riêng ngài?
Krishnamurti: Ơn trời là tôi không bận rộn với những cuộc nói chuyện của tôi! Tôi không bận rộn và đây không phải là kế sinh nhai của tôi. Nếu tôi bận rộn thì sẽ không có khoảng không giữa các tư tưởng, sẽ không có sự tịch lặng cần thiết đó để thấy được cái mới mẻ. Khi đó, việc trò chuyện sẽ trở nên hoàn toàn tẻ nhạt. Tôi không muốn bị các cuộc trò chuyện của mình làm cho chán nản, cho nên tôi không trò chuyện từ ký ức. Đó là điểm hoàn toàn khác biệt. Nhưng việc này không quan trọng, ta sẽ trở lại vào dịp khác.
Người đặt câu hỏi nói làm sao anh ấy kiếm sống nếu không bận tâm với công việc làm ăn của mình. Bạn có tự làm cho mình bận tâm với công việc không? Xin hãy nghe kỹ điều này. Nếu bạn bận tâm với công việc thì tức là bạn không yêu công việc của mình. Bạn có hiểu được chỗ khác biệt không? Nếu tôi yêu những gì mình đang làm thì tôi sẽ không bị bận tâm với nó, công việc không tách biệt với tôi. Nhưng ta được đào tạo ở đất nước này, và thật bất hạnh là việc thu thập các kỹ năng trong công việc mà ta không yêu mến đã trở thành thói quen trên khắp thế giới. Có thể có một vài nhà khoa học, một vài chuyên gia công nghệ, một vài kỹ sư thật sự yêu những gì họ làm theo toàn bộ ý nghĩa của từ này; tôi sẽ giải thích ngay bây giờ. Nhưng đa phần chúng ta không yêu công việc ta làm, thế nên ta mới bị bận tâm với kế sinh nhai. Tôi nghĩ có sự khác biệt giữa hai điều đó nếu bạn thật sự đi sâu vào. Làm sao tôi yêu công việc mình đang làm nếu tôi luôn luôn bị điều khiển bởi tham vọng, cố gắng sử dụng công việc để đạt được một mục đích, để trở thành ai đó, để đạt được thành công? Một họa sĩ quan tâm đến tên tuổi của mình, sự vĩ đại của mình, bận tâm với sự so sánh, thỏa mãn tham vọng, thì không còn là một họa sĩ nữa, anh ta chỉ còn là một kỹ thuật viên như bao người khác. Điều này thật sự có nghĩa là để yêu điều gì đó, ta phải hoàn toàn chấm dứt mọi tham vọng, mọi khao khát được xã hội công nhận, cái xã hội mà dù gì cũng đã thối nát rồi. [Cười] Đừng cười, thưa các bạn. Và ta không được đào tạo để sống như thế, ta đã không được giáo dục để sống như thế, nên ta phải sống cho vừa với một lối mòn nào đó mà xã hội hoặc gia đình đã vạch ra cho ta. Bởi vì tổ tiên của tôi là bác sĩ, luật sư hay kỹ sư, nên tôi cũng phải là một bác sĩ, luật sư hay kỹ sư. Và hiện nay phải có ngày càng nhiều kỹ sư hơn nữa, bởi vì đó là điều mà xã hội đòi hỏi. Thế là ta đánh mất tình yêu với bản thân điều ấy, nếu ta có từng yêu, mà tôi rất hồ nghi. Và khi bạn yêu một thứ, bạn sẽ không bận tâm với nó. Trí não không có ý đạt được điều gì đó, không cố gắng hơn người khác; mọi so sánh, tranh đua, mọi khao khát được thành công, thỏa mãn, đều hoàn toàn chấm dứt. Chỉ có một trí não đầy tham vọng mới bận rộn.
Tương tự vậy, một trí não bận rộn với Thượng đế, với sự thật, thì không bao giờ có thể tìm thấy điều đó, bởi vì trí não chỉ bận rộn với cái nó đã biết. Nếu bạn đã biết cái không thể đo lường, điều bạn biết là kết quả của quá khứ, cho nên đó không phải là cái không thể đo lường. Thực tại không thể đo lường được, cho nên không có sự bận rộn với thực tại. Chỉ có một sự tĩnh lặng của trí não, một sự trống không, trong đó không có bất kỳ chuyển động nào, chỉ khi đó cái chưa biết mới hiện hữu.
“Các nền văn hóa tạo ra tôn giáo nhưng không tạo ra con người tôn giáo. Con người tôn giáo chỉ hiện hữu khi trí não rũ bỏ văn hóa, tức là bối cảnh, và nhờ đó tự do khám phá cái chân thực... Một người như thế không phải là người Mỹ, người Anh hay người Hindu giáo, mà là một con người; con người đó không thuộc về bất kỳ nhóm, chủng tộc hay văn hóa cụ thể nào, nhờ vậy mới tự do khám phá đâu là cái chân thực, đâu là Thượng đế. Không nền văn hóa nào có thể giúp con người ấy tìm ra cái chân thực. Văn hóa chỉ tạo ra các tổ chức trói buộc con người.”