Cuộc nói chuyện thứ ba ở rừng sồi
Ngày 13 tháng Tám năm 1955
Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là truyền đạt. Tôi muốn nói điều gì đó, đương nhiên với ý định rằng bạn sẽ hiểu nó, nhưng mỗi người chúng ta lại diễn dịch những lời lẽ mình nghe được theo nền tảng riêng biệt của chính mình, và vì thế với một cử tọa lớn thế này, rất khó mà truyền đạt chính xác những gì ta định nói.
Chiều nay, tôi muốn thảo luận điều mà theo tôi là hết sức quan trọng, đó là toàn bộ vấn đề về sự rèn luyện đạo đức. Ta có thể thấy, nếu không có đạo đức, trí não sẽ hoàn toàn hỗn loạn, mâu thuẫn. Và không có một trí não tĩnh lặng, trật tự, không xung đột, rõ ràng ta không thể tiến thật xa. Nhưng đạo đức tự nó không phải là mục tiêu. Việc rèn luyện đạo đức dẫn về một hướng và sống đạo đức lại dẫn về một hướng khác. Phần đông chúng ta quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, bởi vì ngay cả khi chỉ trên bề mặt nông cạn, đạo đức cũng cho ta một sự cân bằng nào đó, một sự tịch lặng nào đó cho trí não, trong đó không có sự xung đột không ngừng của những khao khát mâu thuẫn nhau. Nhưng với tôi thì thật rõ ràng rằng chỉ đơn thuần rèn luyện đạo đức sẽ không bao giờ có thể mang đến sự tự do, mà chỉ dẫn đến một sự yên lặng đáng kính trọng, cảm giác trật tự, kiểm soát được, khởi sinh từ việc định hình trí não tuân thủ theo một khuôn mẫu xã hội được gọi là đạo đức.
Vậy, vấn đề của chúng ta là tốt đẹp mà không cố gắng tốt đẹp. Tôi nghĩ có sự khác biệt rất lớn giữa hai điều đó. Tốt đẹp là một trạng thái không cố gắng, nhưng ta không ở trong trạng thái đó. Ta ganh tị, tham vọng, ngồi lê đôi mách, nhẫn tâm, hẹp hòi, nhỏ nhen, vướng mắc vào nhiều hình thái ngu muội khác nhau, vốn không tốt đẹp; và khi là tất cả những điều đó, làm sao ta có thể đạt đến một trạng thái trí não tốt đẹp mà không cố trở nên tốt đẹp? Chắc chắn một người cố gắng đạo đức thì không đạo đức, đúng không? Một người cố gắng khiêm nhường rõ ràng không hiểu tí nào về tính khiêm nhường. Và khi không khiêm nhường thì liệu có thể ý thức được tính khiêm nhường mà không rèn luyện để khiêm nhường không?
Tôi không biết liệu bạn có nghĩ về vấn đề này chút nào không. Ta có thể thấy hết sức rõ ràng rằng cần phải có đạo đức. Giống như giữ cho căn phòng ngăn nắp, nhưng bản thân việc có một căn phòng ngăn nắp không phải là quan trọng nhất. Biến đạo đức thành một mục đích, tự thân nó hiển nhiên có những lợi ích về mặt xã hội; nó giúp bạn thành cái gọi là một công dân tề chỉnh, sống theo một khuôn mẫu nào đó, dù là ở đây, ở Ấn Độ hay ở Nga. Nhưng chẳng phải trí não cần phải sống trật tự mà không do ép buộc, không do kỷ luật và quên đi điều đó, sao cho nó không bị kiềm chế mọi lúc mọi nơi, không bị khép vào kỷ luật và rèn luyện sự tuân thủ?
Tóm lại, ta đang tìm kiếm điều gì? Mỗi người chúng ta tìm kiếm gì, không phải về mặt lý thuyết, tưởng tượng, mà là trên thực tế? Và có khác biệt nào giữa cuộc tìm kiếm của một người đang tìm sự thỏa mãn thông qua kiến thức, thông qua Thượng đế, với một người đang tìm sự giàu có, thực hiện tham vọng hoặc tìm sự thỏa mãn bằng cách uống rượu? Về mặt xã hội thì có sự khác biệt. Một người tìm cách thỏa mãn bằng rượu hiển nhiên là một phần tử đi ngược lại xã hội, trong khi một người tìm sự thỏa mãn bằng cách gia nhập một tổ chức tôn giáo, trở thành một nhà tu, vân vân, lại có ích về mặt xã hội - nhưng chỉ thế thôi.
Điều ta tìm kiếm có thật sự mang lại sự mãn nguyện, dù ta nghiêm túc tìm kiếm ra sao đi nữa? Và ta nghiêm túc, phải không? Ẩn sĩ, tu sĩ, người đang theo đuổi những hình thức mang lại niềm vui khác nhau, mỗi người đều rất nghiêm túc đi theo con đường của riêng mình. Điều đó có tạo nên sự chân thành? Có chăng sự chân thành khi tìm cách đạt được điều gì đó? Bạn hiểu câu hỏi của tôi chứ? Hay chỉ có sự chân thành khi không tìm kiếm một mục đích nào cả?
Tóm lại, bạn có mặt ở đây thì phải phần nào nghiêm túc thôi, nếu không bạn đã không chịu khó đến đây. Bây giờ, tôi tự hỏi và tôi hy vọng bạn cũng đang tự hỏi, chân thành nghĩa là gì, bởi vì tôi nghĩ những gì tôi sẽ giải thích một lúc nữa đây sẽ tùy thuộc vào điều đó. Nếu bạn ở đây để tìm kiếm sự mãn nguyện, để hiểu một trải nghiệm nào đó trong quá khứ, để rèn luyện một trạng thái trí não nào đó mà bạn nghĩ sẽ cho bạn sự yên tĩnh, bình an, hoặc để trải nghiệm điều mà bạn gọi là thực tại, Thượng đế, bạn có thể vô cùng chân thành; nhưng liệu bạn có nên đặt nghi vấn chính sự chân thành đó không? Có chân thành không khi bạn tìm kiếm điều gì đó sẽ cho bạn niềm vui hay sự yên tĩnh?
Nếu ta có thể thật sự thấu hiểu toàn bộ quá trình tìm kiếm, hiểu được tại sao ta tìm kiếm và ta tìm kiếm cái gì - và quá trình này chỉ có thể hiểu được qua sự tự biết mình, qua sự nhận thức về chuyển động của tư tưởng trong bản thân ta, về những phản ứng và hồi đáp của chính ta, về nhiều thôi thúc trong ta - thì có lẽ ta sẽ tìm ra thế nào là sống đạo đức mà không tự khép mình vào kỷ luật để trở nên đạo đức. Bạn thấy đó, tôi cảm thấy rằng chừng nào trí não tôi còn bị giam giữ trong xung đột, dù ta có thể kìm nén nó, dù ta có thể lẩn tránh nó, kỷ luật nó, kiểm soát nó, định hình nó theo những khuôn mẫu khác nhau, thì sự xung đột đó vẫn âm thầm tồn tại trong trí não, và một trí não như thế không bao giờ có thể thật sự tịch lặng. Và với tôi, điều cần thiết là phải có một trí não tịch lặng, bởi vì trí não là công cụ duy nhất của ta để thấu hiểu, để tri giác, để truyền đạt. Chừng nào công cụ đó chưa hoàn toàn rõ ràng và đủ khả năng tri giác, đủ khả năng theo đuổi mà không có một mục đích, thì chừng đó còn chưa thể có tự do, chưa có sự yên tĩnh, và do đó chưa thể khám phá bất cứ điều gì mới mẻ.
Vậy, liệu có thể sống trong thế giới quá nhiều hỗn loạn, âu lo, bất an này mà không cố gắng được không? Đó là một trong các vấn đề của ta, không phải sao? Đối với tôi, đó là câu hỏi cực kỳ quan trọng bởi vì sự sáng tạo chỉ xuất hiện khi trí não ở trong trạng thái không nỗ lực. Tôi không dùng từ sáng tạo theo nghĩa học thuật như học cách viết lách sáng tạo, hành động sáng tạo, suy nghĩ sáng tạo và tất cả những thứ đại loại như thế; tôi dùng từ này theo một nghĩa hoàn toàn khác. Khi trí não ở trong một trạng thái mà quá khứ, nhờ rèn luyện đạo đức thông qua kỷ luật, đã hoàn toàn chấm dứt, chỉ lúc đó mới có sự sáng tạo phi thời gian - có thể được gọi là Thượng đế, sự thật hay tên gì tùy bạn. Vậy, làm sao để trí não có thể ở trong trạng thái sáng tạo không ngừng đó?
Khi bạn có một vấn đề, điều gì xảy ra? Bạn suy nghĩ về nó, bạn đắm chìm trong đó, bạn rối rít lên vì nó, bạn bị kích động mạnh mẽ vì nó. Và càng phân tích, đào sâu vào nó, đánh bóng nó, bạn càng âu lo về nó, càng hiểu nó ít hơn. Nhưng ngay khi tách rời khỏi nó, bạn sẽ hiểu nó, toàn bộ vấn đề sẽ đột nhiên sáng tỏ. Tôi nghĩ đa phần chúng ta đều từng trải qua điều đó. Trí não không còn ở trong trạng thái hỗn loạn, xung đột, nên nó có thể tiếp nhận hay tri giác điều gì đó hoàn toàn mới. Và liệu trí não có thể ở trong trạng thái đó, để nó không bao giờ lặp lại mà luôn luôn trải nghiệm cái mới? Tôi nghĩ điều đó tùy thuộc vào việc ta hiểu vấn đề rèn luyện đạo đức này như thế nào.
Ta rèn luyện đạo đức, ta khép mình vào kỷ luật để tuân thủ theo một khuôn mẫu luân lý cụ thể. Tại sao? Không chỉ để xã hội kính trọng, mà còn bởi vì ta thấy được sự cần thiết phải mang lại trật tự, để kiểm soát trí não, lời nói, tư tưởng của ta. Ta thấy điều đó quan trọng phi thường, nhưng trong quá trình rèn luyện đạo đức, ta dựng lên ký ức, ký ức vốn là cái “tôi”, cái ngã. Đó là nền tảng mà ta có, nhất là những người nghĩ họ thuộc về tôn giáo - với nền tảng là không ngừng tu tập theo một kỷ luật cụ thể, là thuộc về những giáo phái, những nhóm người, cái gọi là những đoàn thể tôn giáo. Phần thưởng của họ có thể ở một nơi nào khác, trong kiếp sau, nhưng đó vẫn là một phần thưởng. Và khi theo đuổi đạo đức, nghĩa là trau chuốt, khép vào kỷ luật, kiểm soát trí não, người ta đang phát triển và duy trì ký ức ý thức tự ý thức (hay ý thức tự ngã), do đó, không bao giờ có một khoảnh khắc nào họ thoát khỏi quá khứ.
Nếu có bao giờ bạn thật sự tự khép mình vào kỷ luật, tu tập mà không ganh tị, không giận dữ, vân vân, tôi tự hỏi liệu bạn có để ý rằng chính sự tu tập, chính sự kỷ luật trí não đã để lại hàng loạt ký ức về những thứ đã biết? Vấn đề ta đang thảo luận khá khó khăn và tôi hy vọng tôi giải thích đủ rõ. Toàn bộ quá trình nói rằng “Tôi không được làm thế này” đã sản sinh và nuôi lớn thời gian, mà một trí não bị vướng mắc trong thời gian rõ ràng không bao giờ trải nghiệm được cái phi thời gian, tức là cái không biết. Tuy trí não phải trật tự - không có những khao khát đầy mâu thuẫn - nhưng không có nghĩa là phải tuân thủ, chấp nhận, vâng lời.
Vậy, nếu bạn có chút nào chân thành, theo nghĩa tôi đang sử dụng, vấn đề này chắc chắn phải được nêu lên. Trí não bạn là kết quả của cái đã biết. Trí não bạn là cái đã biết, nó bị định hình bởi những ký ức, bởi những phản ứng, bởi những ấn tượng về cái đã biết, và một trí não bị giam cầm trong phạm vi của cái đã biết không bao giờ có thể thấu hiểu hay trải nghiệm cái không biết, một điều không nằm trong phạm vi thời gian. Trí não chỉ sáng tạo khi nó thoát ra khỏi cái đã biết, lúc đó nó có thể sử dụng cái đã biết, tức là kiến thức kỹ thuật. Tôi trình bày như vậy đã rõ ràng chưa, hay mọi thứ rõ như bùn nhỉ? [Cười]
Bạn thấy đó, ta buồn chán đến mức phải không ngừng đọc sách, không ngừng thu thập, học tập, đi nhà thờ, thực hành nghi thức lễ bái, và ta không bao giờ biết một khoảnh khắc nguyên gốc, ban sơ, hồn nhiên, hoàn toàn thoát khỏi mọi ấn tượng, và chính khoảnh khắc đó là sáng tạo, phi thời gian, vĩnh hằng, hay bất cứ cái tên nào bạn muốn dùng. Không có tính sáng tạo đó, cuộc sống trở nên quá nhạt nhẽo, ngu ngốc, khi đó tất cả đạo đức, kiến thức, những mưu cầu, những cuộc giải trí của ta, niềm tin và truyền thống của ta chẳng có ý nghĩa gì mấy. Như tôi đã nói hôm trước, xã hội chỉ vun bồi cái đã biết và ta là kết quả của xã hội đó. Để tìm ra cái không biết, ta nhất thiết phải thoát khỏi xã hội - thế không có nghĩa là ta phải rút vào một tu viện và cầu nguyện từ sáng đến tối, tự khép mình vào kỷ luật, tuân thủ theo một tín điều, giáo điều vĩnh viễn. Chắc chắn điều đó sẽ không giải phóng trí não khỏi cái đã biết.
Trí não là kết quả của cái đã biết, nó là kết quả của quá khứ, tức là sự tích lũy của thời gian. Một trí não như thế có thể nào thoát khỏi cái đã biết mà không phải cố gắng, để có thể khám phá điều gì đó ban sơ được không? Bất kỳ sự cố gắng nào của trí não để tự giải thoát chính nó, bất kỳ sự tìm kiếm nào để thấy, thì vẫn còn nằm trong phạm vi của cái đã biết. Chắc chắn Thượng đế hay sự thật phải là cái gì đó hoàn toàn không hình dung được, phải là cái gì đó hoàn toàn mới, không được định sẵn, chưa bao giờ được khám phá, chưa bao giờ được trải nghiệm trước đây. Và làm thế nào một trí não vốn là kết quả của cái đã biết có thể trải nghiệm điều đó? Bạn nắm được vấn đề chứ? Nếu vấn đề sáng tỏ thì bạn sẽ thấy được một cách đúng đắn để tiếp cận nó, chứ không phải là một phương pháp.
Thế nên điều quan trọng là tìm hiểu xem liệu ta có thể tốt đẹp, theo nghĩa trọn vẹn của từ này, mà không cố gắng tốt đẹp, không phải cố gắng loại bỏ tính ganh tị, tham lam, tàn nhẫn, không tự ép mình vào kỷ luật để ngừng nói chuyện tầm phào - bạn biết đấy, tất cả mớ chỉ trích, lên án, phê bình mà ta vẫn tự áp lên mình để trở nên tốt đẹp. Có thể tốt đẹp mà không nỗ lực để trở nên tốt đẹp không? Tôi nghĩ điều đó chỉ có thể có nếu mỗi người chúng ta biết cách lắng nghe, biết cách chú tâm, ngay bây giờ. Sự tốt đẹp chỉ có mặt khi có sự chú tâm hoàn toàn. Hãy nhìn ra sự thật rằng không thể có sự tốt đẹp thông qua nỗ lực, cố gắng, chỉ cần thấy được sự thật về điều đó thôi. Bạn chỉ có thể thấy được sự thật đó nếu dành hết sự chú tâm vào những gì đang được nói. Hãy quên hết tất cả những sách vở bạn đã đọc, những điều bạn đã nghe, hãy đặt hết sự chú tâm vào lời khẳng định rằng không thể có đạo đức chừng nào còn nỗ lực để trở nên đạo đức. Chừng nào tôi còn cố gắng để không bạo lực thì chừng đó còn có bạo lực, chừng nào tôi còn cố gắng không ganh tị thì tôi còn ganh tị, chừng nào tôi còn cố gắng để khiêm nhường thì tôi còn kiêu căng, ngạo mạn. Nếu tôi thấy được sự thật về điều đó, không phải dựa vào kiến thức hay ngôn từ, tức là không chỉ đơn thuần nghe lời nói và đồng ý, mà thấy một cách đơn giản và trực tiếp, thì từ đó sự tốt đẹp sẽ xuất hiện. Nhưng cái khó là lúc đó trí não sẽ nói: “Làm sao tôi giữ được trạng thái đó? Tôi có thể tốt đẹp trong lúc ngồi đây lắng nghe điều mà tôi cảm thấy đúng đắn, nhưng ngay khi rời khỏi đây, tôi lại mắc vào dòng chảy của sự ganh tị”. Nhưng tôi không nghĩ điều đó có gì quan trọng, rồi bạn sẽ thấy.
Văn hóa của ta, xã hội của ta được xây dựng dựa trên tính ganh tị, trên các hình thức tích lũy khác nhau, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, của cải hay bất cứ thứ gì bạn muốn. Và muốn thoát khỏi tất cả những điều đó thì không cần cố gắng, nỗ lực gì cả, chỉ cần thấy được toàn bộ hàm ý của sự cố gắng. Một người thu thập kiến thức sẽ không yên ổn, người ấy bị mắc kẹt trong sự cố gắng. Chỉ khi nào trí não hoàn toàn không cố gắng thì nó mới yên ổn, đó thật sự là một trạng thái phi thường và tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể có được trạng thái ấy nếu đặt hết trái tim, dành trọn sự chú tâm vào vấn đề này. Một trí não không cực nhọc khổ sở, không cố gắng trở thành điều gì đó về mặt xã hội hay tinh thần, hoàn toàn trống không, một trí não như thế mới có thể tiếp nhận cái mới.
Người hỏi: Một số triết gia khẳng định rằng cuộc sống có mục đích và ý nghĩa, trong khi một số người khác lại xác quyết rằng cuộc sống hoàn toàn may rủi và phi lý. Ngài sẽ nói gì? Ngài phủ nhận giá trị của mục tiêu, lý tưởng và mục đích, nhưng nếu không có chúng thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì không?
Krishnamurti: Những gì các triết gia nói quá quan trọng với mỗi người chúng ta vậy sao? Các nhà trí thức nói rằng cuộc sống có ý nghĩa và quan trọng, trong khi một số khác lại cho rằng cuộc sống thật may rủi và phi lý. Chắc chắn, theo góc nhìn riêng của họ, dù tiêu cực hay tích cực, cả hai đều cho rằng cuộc sống có ý nghĩa, phải không? Người này xác nhận, người kia phủ nhận, nhưng về bản chất thì cả hai đều như nhau. Điều đó rất rõ ràng.
Bây giờ, khi bạn theo đuổi một lý tưởng, một mục tiêu hoặc tìm hiểu xem mục đích của cuộc sống là gì, thì chính sự tìm hiểu hay theo đuổi đó đang dựa trên khao khát gán cho cuộc sống một ý nghĩa, chẳng phải sao? Tôi không biết bạn có theo kịp tất cả những điều này không.
Cuộc sống của tôi không có ý nghĩa, giả sử thế, vậy nên tôi tìm cách gán cho nó một ý nghĩa. Tôi hỏi: “Mục đích của cuộc sống là gì?”, bởi vì nếu cuộc sống có một mục đích, thì tôi có thể sống theo mục đích đó. Do đó, tôi tạo ra hay tưởng tượng ra một mục đích, hoặc nhờ đọc sách, tìm hiểu, tìm kiếm, tôi thấy được một mục đích, rồi tôi gán cho cuộc sống một ý nghĩa. Người trí thức theo cách riêng của mình gán cho cuộc sống một ý nghĩa bằng cách phủ nhận hoặc xác nhận rằng cuộc sống có mục đích và ý nghĩa, ta cũng gán cho cuộc sống một ý nghĩa thông qua những lý tưởng của ta, thông qua việc tìm kiếm một mục tiêu, tìm kiếm Thượng đế, tình yêu, sự thật. Thực ra điều đó có nghĩa là nếu không gán cho cuộc sống một ý nghĩa thì cuộc sống của ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Sống chưa đủ tốt đẹp với ta, nên ta mới muốn gán cho cuộc sống một ý nghĩa. Tôi không biết bạn có thấy được điều đó không.
Ý nghĩa cuộc sống của ta là gì - cuộc sống của bạn và của tôi, chứ không phải của các triết gia? Nó có ý nghĩa nào không hay ta đang gán cho nó một ý nghĩa thông qua niềm tin, giống như nhà trí thức nọ trở thành tín đồ Công giáo và nhờ đó tìm thấy chỗ trú ẩn? Tri thức của người ấy đã xé nát mọi thứ thành những mảnh vụn; anh ta không thể đứng một mình, cô đơn, đại loại thế, vì vậy anh ta phải tin vào Công giáo hoặc vào điều gì khác nuôi dưỡng anh ta, điều mà anh ta nghĩ sẽ đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa.
Vậy, tôi tự hỏi: Tại sao ta muốn có một ý nghĩa? Và thế nào là sống không có một ý nghĩa nào? Bạn hiểu chứ? Cuộc sống của chính ta trống rỗng, phiền nhiễu, cô đơn, nên ta muốn gán cho nó một ý nghĩa. Và ta có thể nào nhận thức được nỗi trống rỗng, cô đơn, đau khổ trong chính mình, mọi khó nhọc và xung đột trong cuộc sống của ta mà không cố gắng thoát khỏi đó, mà không giả tạo gán cho cuộc sống một ý nghĩa? Ta có thể nhận thức cái điều phi thường mà ta gọi là cuộc sống, tức là kiếm sống, ganh tị, tham vọng, tuyệt vọng - chỉ cần nhận thức về tất cả những điều đó mà không lên án hay biện minh, và vượt ra khỏi nó? Đối với tôi, chừng nào ta còn tìm kiếm hay gán cho cuộc sống một ý nghĩa, chừng đó ta còn bỏ lỡ những thứ sinh động phi thường. Giống như một người muốn tìm ra ý nghĩa của sự chết, không ngừng phân tích, lý giải về nó, anh ta không bao giờ trực tiếp trải nghiệm chết là gì. Ta sẽ đi sâu vào đó trong một cuộc nói chuyện khác.
Phải chăng tất cả chúng ta đều đang cố gắng tìm kiếm lý do cho sự tồn tại của ta? Khi ta yêu thương, ta có lý do gì không? Hay yêu là trạng thái duy nhất không có lý do nào cả, không lý giải, không nỗ lực, không cố gắng trở thành điều gì đó? Có lẽ ta không biết trạng thái đó. Vì không biết trạng thái đó, ta cố gắng hình dung ra nó, gán cho cuộc sống một ý nghĩa. Và bởi vì trí não ta bị quy định, bị hạn chế, nhỏ bé, nên ý nghĩa mà ta gán cho cuộc sống, cho những thần thánh, những nghi thức lễ bái, những nỗ lực của ta cũng nhỏ bé theo.
Vậy, việc tự ta tìm ra ý nghĩa mà ta gán cho cuộc sống lại chẳng quan trọng sao? Chắc chắn những mục đích, mục tiêu, những giáo chủ, thần thánh, những tín điều, những kết cục mà thông qua đó ta tìm kiếm sự thỏa mãn, tất cả đều do trí não tạo ra, tất cả đều là kết quả từ sự quy định của ta, và khi nhận ra điều đó, chẳng phải ta không cần giải thoát trí não khỏi sự quy định nữa sao? Khi trí não đã thoát khỏi sự quy định và do đó không còn gán cho cuộc sống một ý nghĩa, thì khi ấy cuộc sống là điều phi thường, điều gì đó hoàn toàn khác với khuôn khổ của trí não. Nhưng trước hết ta phải biết sự quy định của chính mình, phải không? Và có thể nào biết được sự quy định, những hạn chế, nền tảng tâm lý của ta mà không cưỡng ép, không phân tích, không cố gắng để sửa đổi hay triệt tiêu nó? Bởi vì toàn bộ tiến trình đó bao hàm cái thực thể quan sát và tự tách rời với vật được quan sát, phải không? Chừng nào còn có người quan sát và vật được quan sát, thì sự quy định còn phải tiếp tục. Dù người quan sát, người tư duy, người giám sát có cố gắng đến đâu đi nữa để loại bỏ sự quy định, thì họ vẫn còn bị vướng mắc trong sự quy định đó, bởi vì chính sự phân chia giữa người tư duy và tư tưởng, người trải nghiệm và trải nghiệm, sẽ kéo dài mãi mãi sự quy định. Và sẽ rất khó khăn để sự phân chia này biến mất, bởi vì nó liên quan đến toàn bộ vấn đề ý muốn.
Nền văn hóa của ta dựa trên ý muốn - ý muốn tồn tại, trở thành, đạt được, thỏa mãn - cho nên, trong mỗi người chúng ta luôn luôn có một thực thể đang cố gắng thay đổi, kiểm soát, biến đổi điều mà thực thể đó quan sát được. Nhưng có chăng sự khác biệt giữa điều được quan sát và người quan sát, hay hai điều đó là một? Việc này không thể chỉ chấp nhận suông. Nó phải được nghĩ đến, phải được thâm nhập bằng một sự nhẫn nại to lớn, thật nhẹ nhàng, thật kiên nhẫn, sao cho trí não không còn tách rời với điều nó nghĩ, sao cho người quan sát và vật được quan sát là một về mặt tâm lý. Chừng nào tôi còn tách biệt về mặt tâm lý với điều mà tôi tri giác là sự ganh tị trong chính mình, chừng đó tôi còn cố gắng vượt qua sự ganh tị. Nhưng cái “tôi” đó, người nỗ lực vượt qua sự ganh tị có khác với sự ganh tị không? Hay hai điều đó là một, chỉ là cái “tôi” đã tự tách rời với sự ganh tị để vượt qua nó, bởi vì cái “tôi” thấy sự ganh tị thật đau khổ và vì nhiều lý do khác? Nhưng chính sự phân tách đó lại là nguyên nhân của sự ganh tị.
Có lẽ bạn không quen với lối suy nghĩ này và thấy nó hơi quá trừu tượng. Nhưng một trí óc ganh tị không bao giờ lặng yên, bởi vì nó luôn so sánh, luôn cố gắng trở thành cái gì đó không phải là nó. Và nếu ta thật sự đi vào vấn đề ganh tị một cách triệt để, thật sâu sắc, ta chắc chắn phải chạm đến vấn đề sau: Chẳng phải cái thực thể mong muốn loại bỏ sự ganh tị chính là sự ganh tị đó sao? Khi ta nhận ra rằng chính sự ganh tị muốn loại bỏ sự ganh tị, thì trí não sẽ nhận thức được cái cảm giác gọi là ganh tị đó mà không có ý lên án hay cố gắng loại bỏ nó. Rồi từ đó sẽ nảy sinh vấn đề sau: Liệu có một cảm giác nếu không có sự ngôn từ hóa không? Bởi vì chính từ ganh tị đã có tính lên án rồi, đúng không? Phải chăng tôi đang nói quá nhiều trong một lúc?
Liệu có cảm giác ganh tị không nếu tôi không gọi tên cảm giác đó? Khi gọi tên, chẳng phải tôi đang duy trì cảm giác đó sao? Cảm giác và việc gọi tên diễn ra gần như đồng thời, phải không? Có thể nào tách rời chúng, sao cho chỉ còn có cảm giác về sự phản ứng mà không gọi tên được không? Nếu bạn thật sự đi sâu vào đó, bạn sẽ thấy rằng khi không gọi tên cảm giác, sự ganh tị sẽ hoàn toàn chấm dứt, không chỉ sự ganh tị vì ai đó đẹp hơn hoặc có xe hơi đời mới hơn và tất cả những thứ ngu ngốc như vậy, mà cả sự ganh tị sâu thẳm bên trong, tận căn nguyên của sự ganh tị. Tất cả chúng ta đều ganh tị, không ai là không ganh tị, chỉ là khác nhau về cách thức thôi. Nhưng sự ganh tị không chỉ là một thứ nông cạn, nó là toàn bộ ý thức so sánh đã thâm nhập rất sâu và chiếm cứ một vùng rất rộng trong trí não ta, và để thoát khỏi nó một cách triệt để thì không được có người giám sát, không được có người quan sát đang cố gắng loại bỏ sự ganh tị. Ta sẽ tìm hiểu điều này vào lúc khác.
Người hỏi: Không lên án, biện minh hay so sánh là đang ở một trạng thái ý thức cao hơn, tôi chưa có được trạng thái đó, làm sao để đạt đến đó?
Krishnamurti: Bạn thấy đó, chính câu hỏi “Làm sao để đạt đến đó?” là ganh tị. [Cười] Không, thưa các bạn, hãy thật chú tâm. Bạn muốn đạt điều gì đó, thế nên bạn có các phương pháp, kỷ luật, các tôn giáo, nhà thờ, toàn bộ cái siêu cấu trúc này, được xây dựng trên sự ganh tị, so sánh, biện minh, lên án. Nền văn hóa của ta được xây dựng trên sự phân chia cấp bậc tôn ty giữa những người có nhiều và những người có ít, giữa những người biết và những người không biết, giữa những người ngu dốt và những người đầy trí tuệ, vì thế thái độ tiếp cận vấn đề của ta hoàn toàn sai lầm. Người hỏi nói: “Không lên án, biện minh hay so sánh là đang ở một trạng thái ý thức cao hơn”, phải không? Hay đơn giản là ta không nhận thức được rằng ta đang lên án, so sánh? Tại sao lúc đầu ta khẳng định rằng đó là trạng thái ý thức cao hơn và rồi từ đó ta tạo vấn đề làm sao để đến được đó và ai sẽ giúp ta đạt đến đó? Chẳng phải đơn giản hơn thế nhiều sao?
Tức là ta không nhận thức được gì về bản thân cả, ta không thấy rằng ta đang lên án, so sánh. Nếu ta có thể quan sát chính ta mỗi ngày mà không biện minh hay lên án bất cứ điều gì, chỉ nhận thức được việc ta không bao giờ suy nghĩ mà không phán xét, so sánh, đánh giá là đã đủ rồi. Ta luôn luôn nói: “Quyển sách này không hay bằng quyển sách kia”, “Anh chàng này tuyệt vời hơn anh chàng kia”, vân vân. Tiến trình so sánh không ngừng diễn ra và ta nghĩ rằng ta hiểu biết thông qua so sánh. Có đúng vậy không? Hay sự thấu hiểu chỉ đến khi ta không so sánh mà thật sự chú tâm? Có còn so sánh không khi bạn nhìn điều gì đó thật chăm chú? Khi bạn hoàn toàn chú tâm, bạn không còn thời gian để so sánh nữa, phải không? Nhưng ngay khi bạn so sánh, sự chú tâm của bạn đã di chuyển đến nơi khác. Khi bạn nói: “Buổi hoàng hôn này không đẹp bằng buổi hoàng hôn hôm qua”, thật ra bạn không nhìn vào buổi hoàng hôn, trí não của bạn đã chuyển đến ký ức về ngày hôm qua. Nhưng nếu bạn có thể nhìn vào buổi hoàng hôn một cách toàn diện, trọn vẹn, dành hết sự chú tâm của bạn, thì chắc chắn lúc đó sự so sánh sẽ chấm dứt.
Vì vậy, vấn đề không phải là làm sao để đạt được điều gì đó, mà là tại sao ta không chú tâm. Rõ ràng ta không chú tâm bởi vì ta không quan tâm. Đừng hỏi “Làm sao để quan tâm?”. Câu hỏi đó không thích hợp. Tại sao bạn nên quan tâm? Nếu bạn không quan tâm đến việc lắng nghe những gì đang được nói, thì tại sao phải bận lòng? Nhưng rõ ràng bạn thấy bận lòng bởi vì cuộc sống của bạn đầy sự ganh tị, đau khổ, do đó bạn muốn tìm ra một câu trả lời, bạn muốn tìm ra một ý nghĩa. Nếu bạn muốn tìm ra một ý nghĩa thì hãy chú tâm trọn vẹn. Điều khó khăn là bạn không thật sự nghiêm túc về bất cứ điều gì, nghiêm túc theo đúng nghĩa của từ này. Khi bạn dành hết sự chú tâm cho điều gì, bạn sẽ không cố gắng đạt được bất cứ thứ gì từ đó, phải không? Ngay khi bạn hoàn toàn chú tâm, sẽ không còn thực thể đang cố gắng thay đổi, sửa đổi, trở thành điều gì đó. Không còn cái “tôi” nữa. Ngay khi bạn chú tâm, cái “tôi”, cái ngã sẽ biến mất, và chính khoảnh khắc chú tâm đó là sự tốt đẹp, là tình yêu.
“Nếu muốn thấu hiểu vấn đề phiền não và có lẽ chấm dứt nó, ta không thể suy nghĩ ở góc nhìn của sự tiến bộ, bởi vì một người suy nghĩ ở góc nhìn của sự tiến bộ, của thời gian, nói rằng ngày mai người ấy sẽ hạnh phúc, thì hiện giờ đang sống trong phiền não.”
*
“Tự cải thiện là tiến bộ trong phiền não, chứ không phải chấm dứt phiền não.”