Cuộc nói chuyện thứ hai ở rừng sồi
Ngày 7 tháng Tám năm 1955
Có lẽ điều đáng làm hơn hết là cùng nhau bàn qua xem ta hiểu lắng nghe là gì. Bạn có mặt ở đây rõ ràng là để lắng nghe và thấu hiểu điều đang được nói ra. Và tôi nghĩ quan trọng là tìm hiểu xem ta lắng nghe như thế nào, bởi vì việc thấu hiểu tùy thuộc vào cung cách lắng nghe. Khi lắng nghe, ta có thảo luận với chính mình những điềụ đang được nói không, diễn dịch nó theo ý kiến, kiến thức và khí chất riêng của ta không, hay ta chỉ chú tâm lắng nghe mà không hề có ý diễn dịch? Và chú tâm nghĩa là gì? Theo tôi, điều hết sức quan trọng là phân biệt giữa chú tâm và tập trung. Ta có thể lắng nghe với một sự chú tâm mà không hề diễn dịch, không hề chống đối hay chấp nhận, sao cho ta thấu hiểu được trọn vẹn những gì đang được nói không? Tôi nghĩ điều hiển nhiên là nếu ta có thể lắng nghe với một sự chú tâm hoàn toàn, thì khi ấy chính sự chú tâm đó sẽ mang lại một kết quả phi thường.
Chắc chắn có hai cách lắng nghe. Ta có thể theo dõi trên bề mặt về ngôn từ, thấy được ý nghĩa của chúng, và đơn thuần theo đuổi ý nghĩa bên ngoài của sự mô tả; hoặc ta có thể lắng nghe sự mô tả, lắng nghe sự phát biểu thành lời, và theo đuổi sự mô tả trong nội tâm - tức là nhận thức về những gì đang được nói như một thứ mà ta đang trực tiếp trải nghiệm trong chính mình. Nếu ta có thể lắng nghe sự mô tả - tức là, nếu thông qua sự mô tả, ta có thể trải nghiệm trực tiếp điều đang được nói - thì tôi nghĩ nó sẽ có một ý nghĩa lớn lao. Có lẽ bạn sẽ chứng nghiệm điều đó nếu như bạn đang lắng nghe.
Trên khắp thế giới, có nơi chìm đắm trong nghèo khó, như ở châu Á, và cũng có nơi giàu có vô cùng, như ở đất nước này; có sự tàn bạo, đau khổ, bất công, một cảm giác sống mà không có tình yêu. Khi thấy được tất cả điều này, ta phải làm gì? Thái độ tiếp cận đúng đắn cho vô số những vấn đề ấy là gì? Các tôn giáo ở khắp nơi đã nhấn mạnh việc cải thiện bản thân, rèn luyện đạo đức, chấp nhận uy quyền, tuân thủ các giáo điều, tín điều, nỗ lực hết sức để tuân thủ. Không chỉ trong tôn giáo, mà cả về xã hội và chính trị, luôn luôn có sự thôi thúc cải thiện bản thân: Tôi phải cao quý hơn, lịch thiệp hơn, chu đáo hơn, ít bạo lực hơn. Xã hội, với sự hỗ trợ của tôn giáo, đã tạo ra một nền văn hóa cải thiện bản thân theo nghĩa rộng nhất của từ này. Đó là những gì mà mỗi người chúng ta luôn luôn cố gắng thực hiện - ta đang cố gắng tự cải thiện, nghĩa là sự nỗ lực, kỷ luật, tuân thủ, tranh đua, chấp nhận uy quyền, ý thức cầu an, sự biện minh cho tham vọng. Và việc cải thiện bản thân đã thật sự sinh ra một vài kết quả rõ ràng nào đó; nó khiến ta thiên về xã hội hơn; nó chẳng có gì ngoài ý nghĩa xã hội, bởi vì việc cải thiện bản thân không làm bộc lộ được thực tại tột cùng. Tôi nghĩ rất cần phải hiểu điều này.
Các tôn giáo mà ta có không giúp ta hiểu được đâu là cái chân thực, bởi vì về cốt lõi, tôn giáo được xây dựng không phải trên sự từ bỏ cái “tôi”, mà trên sự cải thiện, tinh chế thêm cái “tôi”, tức là sự tiếp nối liên tục của cái “tôi” dưới các hình thức khác nhau. Chỉ có rất ít người thoát ra ngoài xã hội, không phải những thứ biểu hiện bên ngoài của xã hội, mà thoát khỏi tất cả những gì hàm chứa trong một xã hội vốn dựa trên sự tích trữ, dựa trên sự ganh tị, so sánh, cạnh tranh. Xã hội này quy định trí não rập theo một khuôn mẫu tư duy cụ thể, khuôn mẫu cải thiện bản thân, tự điều chỉnh, dâng hiến bản thân, và chỉ có những người đủ khả năng thoát khỏi mọi sự quy định mới có thể khám phá cái mà trí não không thể đo lường.
Vậy, ta có ý gì khi nói đến nỗ lực? Tất cả chúng ta đều luôn nỗ lực; khuôn mẫu xã hội của ta được xây dựa trên nỗ lực đạt được, hiểu được nhiều hơn, có nhiều kiến thức hơn nữa, và ta hành động từ nền tảng kiến thức đó. Luôn luôn có nỗ lực cải thiện bản thân, điều chỉnh, sửa chữa bản thân, thôi thúc muốn thành công, đi kèm với những thất bại, sợ hãi và đau khổ. Theo khuôn mẫu mà tất cả chúng ta đều biết và là một phần trong đó, ta được biện minh một cách hoàn hảo để sống trong tham vọng, tranh đua, ganh tị, theo đuổi một kết quả; và xã hội chúng ta, dù là ở Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, về cốt lõi đều dựa trên điều đó.
Vậy liệu xã hội, liệu văn hóa theo nghĩa rộng nhất có giúp cá nhân tìm thấy sự thật không? Hay xã hội vốn gây bất lợi cho con người, ngăn con người khám phá sự thật? Chắc chắn, xã hội như ta biết, nền văn hóa mà ta sống và hoạt động trong đó, luôn giúp con người tuân thủ theo một khuôn mẫu cụ thể, để được tôn trọng, và đó là sản phẩm từ ý chí của số đông. Chúng ta đã tạo ra xã hội này, nó không tự sinh ra. Và liệu xã hội này có giúp cá nhân tìm ra đâu là sự thật, Thượng đế - bạn gọi là gì cũng được, ngôn từ không quan trọng - hay cá nhân phải gạt bỏ hết toàn bộ văn hóa, các giá trị của xã hội, để tìm thấy đâu là sự thật? Như thế không có nghĩa là - xin nhớ kỹ điều này - cá nhân trở thành chống lại xã hội, làm theo ý mình. Mà ngược lại.
Cấu trúc hiện tại của xã hội được xây dựng trên sự ganh tị, trên sự tích lũy, trong đó hàm ý có sự tuân thủ, chấp nhận quyền lực, không ngừng thỏa mãn tham vọng, mà về cốt lõi chính là cái “tôi”, cái ngã đang nỗ lực để trở thành điều gì đó. Xã hội được tạo nên từ chất liệu đó và nền văn hóa của nó - vui và khổ, đẹp và xấu, toàn bộ phạm vi nỗ lực của xã hội - quy định trí não con người. Bạn là kết quả của xã hội. Nếu bạn được sinh ra và nuôi dạy bằng một hình thức giáo dục nào đó, bạn sẽ phủ nhận Thượng đế, bạn sẽ chấp nhận một vài khuôn mẫu nào đó, giống như ở đây bạn chấp nhận những khuôn mẫu khác vậy. Ở đây bạn tin vào Thượng đế; bạn sẽ thấy thật khủng khiếp khi không tin Thượng đế; bạn sẽ không được kính trọng.
Vậy, mọi xã hội đều đang quy định cá nhân, và sự quy định này diễn ra dưới dạng cải thiện bản thân, vốn thật sự là duy trì bất tận cái “tôi”, cái ngã, dưới nhiều hình thức khác nhau. Cải thiện bản thân có thể biểu hiện ra rõ ràng hay vô cùng tinh vi khi nó trở thành rèn luyện đạo đức, cái thiện, cái gọi là thương yêu đồng loại, nhưng về cốt lõi nó vẫn là sự nối tiếp liên tục của cái “tôi”, tức là sản phẩm từ những ảnh hưởng do quy định của xã hội. Tất cả nỗ lực của bạn đều đi đến chỗ trở thành cái gì đó, hoặc ở đây, nếu có thể, hoặc nếu không thì ở một thế giới khác; nhưng vẫn là sự thôi thúc đó, vẫn là động cơ duy trì và tiếp nối cái “tôi” đó.
Khi ta thấy được mọi điều này - và tôi không cần phải đi sâu vào chi tiết - ta chắc chắn phải tự hỏi: Phải chăng xã hội hay nền văn hóa này tồn tại để giúp con người khám phá điều có thể được gọi là sự thật hay Thượng đế? Vấn đề chính yếu chắc chắn là khám phá, thật sự trải nghiệm, điều gì đó vượt qua khỏi trí não, chứ không đơn thuần là có niềm tin, điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Và phải chăng cái gọi là tôn giáo, việc đi theo các đạo sư, tuân thủ giới luật, gia nhập các giáo phái, hệ phái, tất cả những điều đó, nếu bạn quan sát, đều nằm trong phạm vi được xã hội tôn kính - có phải khi làm bất cứ điều gì như thế, bạn sẽ tìm ra hạnh phúc phi thời gian, thực tại phi thời gian không? Nếu bạn không chỉ lắng nghe những gì đang được nói ra, đồng ý hay không đồng ý, mà tự vấn bản thân rằng liệu xã hội có giúp đỡ bạn, không phải theo nghĩa hời hợt là có cái ăn, cái mặc và chỗ ở, mà ở mức nền tảng; nếu bạn thật sự đặt ra câu hỏi đó cho mình một cách trực tiếp, có nghĩa là bạn áp dụng những điều đang được nói ở đây vào bản thân mình, để nó trở thành một trải nghiệm trực tiếp, chứ không đơn thuần là lặp lại điều bạn đã nghe hay học, lúc đó bạn sẽ thấy rằng nỗ lực chỉ tồn tại trong phạm vi cải thiện bản thân. Và nỗ lực về cơ bản là một phần của cái xã hội đã quy định trí não theo một khuôn mẫu, mà trong đó nỗ lực được coi là thành phần thiết yếu.
Tương tự như thế. Nếu tôi là một nhà khoa học, tôi phải nghiên cứu, tôi phải biết toán học, tôi phải biết tất cả những điều đã được nói trước đó, tôi phải có một sự tích lũy kiến thức khủng khiếp. Bộ nhớ của tôi phải được nâng cao, củng cố và mở rộng. Nhưng một bộ nhớ như vậy, một kiến thức như vậy sẽ thật sự ngăn chặn việc khám phá xa hơn. Chỉ khi nào tôi có thể quên đi hoàn toàn những kiến thức tích lũy được, xóa bỏ mọi thông tin tôi đã thu thập được để có thể sử dụng sau này - chỉ khi đó tôi mới có thể tìm thấy điều gì đó mới mẻ. Tôi không thể tìm thấy bất cứ điều gì mới mẻ với gánh nặng của quá khứ, gánh nặng của kiến thức, điều này một lần nữa là thực tế tâm lý hiển nhiên. Và tôi nói điều này bởi vì ta tiếp cận thực tại, cái trạng thái sáng tạo phi thường, với tất cả gánh nặng của xã hội, với sự quy định của một nền văn hóa nào đó, và vì thế ta không bao giờ khám phá được điều gì mới mẻ. Chắc chắn, cái siêu phàm, cái vĩnh hằng phải luôn luôn mới, phi thời gian, và để cái mới xuất hiện, không thể có bất kỳ cố gắng nào trong phạm vi mà nỗ lực được vận dụng để cải thiện hay thỏa mãn bản thân. Chỉ khi nào sự nỗ lực như thế hoàn toàn chấm dứt thì cái mới mới có thể xuất hiện.
Thưa các bạn, điều này hết sức quan trọng. Vấn đề không phải là chăm chăm nhắm vào tâm điểm của bạn và đi vào một dạng ảo tưởng nào đó, mà là thấu hiểu toàn bộ quá trình nỗ lực trong xã hội - cái xã hội mà bạn là sản phẩm của nó, mà bạn đã xây dựng và trong đó nỗ lực là điều thiết yếu, bởi vì nếu không bạn sẽ bị lạc lõng. Nếu bạn không tham vọng, bạn bị hủy diệt; nếu bạn không tích lũy, bạn sẽ bị giẫm đạp lên; nếu bạn không ganh tị, bạn không thể làm người lãnh đạo hay đạt được thành công lớn. Do đó, bạn không ngừng nỗ lực để là thế này hay không là thế kia, để trở thành cái gì đó, để thành đạt, thỏa mãn tham vọng của bạn. Và với tâm thế đó, tâm thế của một sản phẩm của xã hội, bạn cố tìm ra điều gì không thuộc về xã hội.
Vậy, nếu ao ước tìm ra sự thật, ta phải hoàn toàn thoát khỏi mọi tôn giáo, thoát khỏi mọi sự quy định, thoát khỏi mọi giáo điều, mọi niềm tin, mọi quyền lực xui khiến ta phải tuân thủ, nghĩa là về cốt lõi, phải hoàn toàn đứng một mình, và việc đó vô cùng khó khăn; nó không phải là một thú vui dành cho một buổi sáng Chủ nhật, khi bạn hào hứng lái xe đến ngồi dưới một tán cây, lắng nghe những lời vô nghĩa. Để khám phá sự thật, ta phải có một sự nhẫn nại khôn cùng, một sự nhẹ nhàng, thận trọng. Chỉ nghiên cứu sách vở thì chẳng có giá trị gì cả, nhưng nếu khi lắng nghe, bạn có thể hoàn toàn chú tâm, lúc đó bạn sẽ thấy chính sự chú tâm này giải thoát bạn khỏi nỗ lực, để khi không còn một động thái theo bất kỳ phương hướng nào nữa, trí não mới có thể tiếp nhận điều gì đó đẹp đẽ và sáng tạo phi thường, điều mà kiến thức, quá khứ không đo lường được. Chỉ có những người như thế mới thật sự mang tinh thần tôn giáo và cách mạng, bởi vì người ấy không còn là một phần của xã hội nữa. Chừng nào ta còn tham vọng, ganh tị, tích lũy, cạnh tranh, giành giật, thì ta còn là xã hội. Với tâm thế mà ta cực kỳ khó thoát ra đó, ta tìm kiếm Thượng đế. Sự tìm kiếm ấy không có ý nghĩa gì cả, bởi vì nó cũng chỉ là một nỗ lực nữa để trở thành, để đạt được điều gì đó. Thế nên, điều vô cùng quan trọng là phải thấu hiểu mối quan hệ của ta với xã hội, nhận thức được tất cả những tín điều, giáo điều, chủ thuyết, những điều mê tín mà ta đã thu thập, rồi vứt bỏ hết đi - mà không phải cố gắng, bởi vì như thế bạn sẽ lại mắc kẹt trong nó, mà chỉ đơn giản là thấy mọi thứ như chúng là và để chúng ra đi, như những chiếc lá thu úa tàn bay theo gió, để lại thân cây trơ trụi. Chỉ một trí não như thế mới có thể tiếp nhận điều gì đó mang lại thứ hạnh phúc không thể đo lường cho cuộc sống.
Khi thảo luận với các bạn về một số trong những câu hỏi này, rõ ràng tôi không giải đáp chúng bởi vì ta đang cố gắng cùng nhau tìm ra ý nghĩa của câu hỏi. Nếu bạn chỉ đơn thuần lắng nghe vì muốn có một câu trả lời cho câu hỏi, tôi e rằng bạn sẽ thất vọng bởi vì lúc đó bạn không quan tâm đến vấn đề mà chỉ quan tâm đến câu trả lời, như phần đông chúng ta vẫn thế. Tôi cảm thấy rất cần phải đặt ra những câu hỏi nền tảng và tiếp tục hỏi mà không cố tìm ra câu trả lời, vì bạn càng kiên trì đặt ra những câu hỏi nền tảng, đòi hỏi, truy vấn, thì trí não bạn càng trở nên sắc bén và nhận thức rõ hơn. Vậy câu hỏi nền tảng là những câu hỏi nào? Có ai đó có thể nói cho bạn biết chúng là gì không, hay tự bạn phải khám phá? Nếu tự bạn có thể tìm ra các câu hỏi nền tảng là gì, thì trí não bạn đã biến đổi rồi; nó đã trở nên có ý nghĩa hơn nhiều so với khi nó đặt ra một câu hỏi tầm thường và đi tìm câu trả lời tầm thường.
Người hỏi: Tình trạng phạm tội ở tuổi thanh thiếu niên tại đất nước này đang gia tăng ở mức độ đáng báo động. Làm sao giải quyết vấn đề ấy?
Krishnamurti: Có một sự phản kháng rõ rệt trong khuôn mẫu xã hội. Một số phản kháng đáng tôn trọng, nhưng một số thì không, nhưng chúng luôn xảy ra bên trong phạm vi xã hội, bên trong những giới hạn của hàng rào xã hội. Và chắc chắn, một xã hội được xây dựa trên sự ganh tị, tham lam, tàn bạo, chiến tranh, thì tất phải chờ đợi sự phản kháng diễn ra bên trong nó. Những bộ phim chiếu ở rạp có quá nhiều cảnh bạo lực. Đã từng có hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp, tượng trưng cho toàn bộ bạo lực của nhân loại. Một quốc gia duy trì quân đội tất phải gây ra tính hủy diệt cho các công dân của chính nó. Xin hãy lắng nghe điều này. Không có quốc gia nào hòa bình chừng nào nó còn có quân đội, dù là để phòng vệ hay tấn công. Quân đội vốn mang cả hai chức năng ấy, nó không mang lại hòa bình. Khi một nền văn hóa thiết lập và duy trì quân đội là lúc nó đang tự hủy diệt mình. Đây là một thực tế trong lịch sử. Và về mọi khía cạnh, ta đều được khuyến khích cạnh tranh, tham vọng, thành đạt. Cạnh tranh, tham vọng và thành đạt là những thần thánh của một xã hội thịnh vượng như thế này, bạn còn trông mong gì nữa? Bạn muốn tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên trở nên đáng kể, chỉ thế thôi. Bạn không giải quyết tận gốc vấn đề, tức là chấm dứt toàn bộ quá trình chiến tranh, chấm dứt việc duy trì quân đội, chấm dứt tham vọng, không khuyến khích cạnh tranh. Những điều này, đã cắm sâu gốc rễ vào tâm can ta, là những rào chắn của xã hội mà bên trong đó ý thức phản kháng luôn luôn diễn ra cả ở người trẻ lẫn người già. Vấn đề không chỉ là tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, nó liên quan đến toàn bộ cấu trúc của xã hội; và sẽ không có câu trả lời chừng nào bạn và tôi còn chưa hoàn toàn bước ra khỏi xã hội - cái xã hội tượng trưng cho tham vọng, tàn nhẫn, khao khát thành đạt, trở thành ông kia bà nọ, vươn đến đỉnh cao. Toàn bộ tiến trình đó về cốt lõi là theo đuổi sự thỏa mãn lấy cái tôi làm trung tâm, biến nó thành điều duy nhất đáng trọng. Bạn sùng bái một người thành đạt biết bao! Bạn tôn vinh một kẻ đã giết chết hàng ngàn người thế nào! Và trong đó có tất cả những sự chia rẽ của niềm tin, giáo điều - Kitô giáo và Hindu, Phật giáo và Hồi giáo. Đó là những thứ gây ra xung đột và khi ta tìm cách giải quyết tình trạng phạm tội ở thanh thiếu niên, bằng cách không cho chúng ra khỏi nhà hay khép chúng vào kỷ luật, đưa chúng vào quân đội hoặc nhờ cậy đến nhà tâm lý học và nhà cải cách xã hội, bạn chắc chắn đang xử lý hết sức hời hợt một câu hỏi nền tảng. Nhưng ta ngại giải quyết các câu hỏi nền tảng bởi vì ta có thể trở nên xa lạ với số đông, ta có thể bị gán cho những cái tên như kẻ theo thuyết không tưởng hay đại loại như thế, và tên gọi dường như quá sức quan trọng đối với phần đông chúng ta. Dù là ở Nga, Ấn Độ hay ở đây, vấn đề về cốt lõi vẫn chỉ có một, và chỉ khi nào trí não thấu hiểu toàn bộ cấu trúc của xã hội, ta mới tìm thấy một thái độ tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác, nhờ đó có thể thiết lập nền hòa bình thật sự, chứ không phải thứ hòa bình giả tạo của các chính trị gia.
Người hỏi: Tôi đã tìm kiếm hết vị thầy này đến vị thầy khác và giờ đây tôi đã đến với ngài trong cùng một tinh thần kiếm tìm đó. Ngài có điều gì khác biệt với tất cả những người khác không, làm sao tôi biết được chỗ khác đó?
Krishnamurti: Bạn thật sự đang tìm kiếm và tìm kiếm nghĩa là gì? Bạn hiểu câu hỏi chứ? Rõ ràng bạn tìm kiếm điều gì đó, nhưng nó là gì? Về cốt lõi, bạn đang tìm kiếm một trạng thái trí não không bao giờ bị nhiễu loạn và bạn gọi đó là bình an, Thượng đế, tình yêu hay gì đó. Chẳng phải thế sao? Cuộc sống ta bị nhiễu loạn, âu lo, sợ hãi tràn ngập, tăm tối, biến động, hỗn loạn và ta muốn trốn tránh tất cả những điều đó. Nhưng khi một con người hỗn loạn tìm kiếm thì cuộc tìm kiếm của anh ta cũng dựa trên hỗn loạn, cho nên những gì anh ta tìm thấy chỉ là hỗn loạn thêm nữa. Bạn nắm được điều này chứ?
Trước hết, ta phải khám phá xem tại sao ta tìm kiếm và ta đang tìm kiếm điều gì. Bạn có thể tìm đến hết vị thầy này đến vị thầy khác, mỗi người sẽ cung cấp cho bạn một phương pháp kỷ luật hoặc thiền khác nhau, một số cách có thể vô nghĩa đến mức ngu ngốc, do đó điều quan trọng chắc chắn không phải là vị thầy và những gì ông ta cung cấp, mà quan trọng là bạn đang tìm kiếm cái gì. Nếu bạn có thể biết rõ điều bạn đang tìm kiếm, thì lúc đó bạn sẽ tìm được vị thầy cho bạn điều đó. Nếu bạn tìm kiếm sự bình an, bạn sẽ tìm thấy người thầy sẽ cho bạn điều bạn tìm. Nhưng điều bạn tìm có thể không đích đáng chút nào. Bạn hiểu chứ? Tôi muốn có hạnh phúc hoàn hảo, nghĩa là một trạng thái trí não không bị nhiễu loạn, trong đó sẽ có sự tĩnh lặng hoàn toàn, không xung đột, không đau khổ, không tìm kiếm, không nghi ngờ. Tôi tu tập theo kỷ luật mà một vị thầy nào đó đã cung cấp, và có lẽ chính kỷ luật đó sản sinh kết quả riêng của nó, mà tôi gọi là bình an. Tôi có thể nhận được hiệu quả giống như khi uống một viên thuốc, chỉ có điều viên thuốc thì không đáng kính, trong khi việc kia thì có. [Có tiếng cười] Thưa các bạn đây không phải là việc để cười; đây thật sự là những gì ta đang làm.
Vậy, rõ ràng bạn sẽ tìm thấy thứ mà bạn đang tìm kiếm nếu sẵn sàng trả giá cho điều đó. Nếu bạn giao phó mình vào tay kẻ khác, tuân theo quyền lực, kỷ luật, việc kiểm soát bản thân, bạn sẽ tìm thấy điều bạn muốn, nghĩa là khao khát của bạn ra lệnh cho bạn tìm kiếm, nhưng bạn không thật sự nhận thức được động cơ của việc tìm kiếm, và bây giờ bạn hỏi tôi vị trí của tôi là gì và làm thế nào bạn biết điều tôi nói là thực hay ảo. Sau khi đã đi gặp nhiều vị thầy khác nhau và đã bị vướng mắc, bị thiêu đốt, giờ đây bạn lại muốn thử lần nữa. Nhưng tôi sẽ không nói gì với bạn cả. Tôi thật sự không có gì để nói với bạn. Tất cả những gì tôi muốn nói là hãy tự biết mình sâu hơn và sâu hơn nữa, hãy nhìn bản thân như bạn thật sự đang là, điều mà không ai có thể dạy cho bạn. Và bạn không thể nhìn bản thân như bạn đang là nếu còn bị trói buộc bởi tín điều, giáo điều, bởi những mê tín, những sợ hãi.
Thưa các bạn, đối với một trí não không thể đứng một mình, việc tìm kiếm chẳng có ý nghĩa gì cả. Đứng một mình là trong sáng, hồn nhiên, thoát khỏi mọi truyền thống, giáo điều, quan điểm, những gì người khác nói, vân vân. Một trí não như thế không tìm kiếm bởi vì không có gì để tìm kiếm. Vì trí não ấy tự do nên nó hoàn toàn tĩnh lặng, không còn mong cầu, không còn chuyển động. Nhưng trạng thái này không thể đạt được, nó không phải là thứ mà bạn có thể mua được bằng kỷ luật, nó không sinh ra nhờ từ bỏ tình dục, hay tu tập theo một phương pháp yoga nào đó. Nó chỉ xuất hiện khi có động thái thấu hiểu mọi đường đi nước bước của cái “tôi”, vốn tự biểu hiện thông qua trí não ý thức trong hoạt động hằng ngày, cũng như trong vô thức. Vấn đề quan trọng là phải tự mình thấu hiểu, chứ không thông qua sự chỉ dẫn của người khác, toàn bộ nội dung của tâm thức, vốn bị quy định, là kết quả của xã hội, của tôn giáo, của nhiều tác động, ấn tượng, ký ức khác nhau - phải thấu hiểu tất cả sự quy định đó và thoát khỏi nó. Nhưng không có “cách” nào để tự do giải thoát cả. Nếu bạn hỏi làm cách nào để tự do giải thoát thì nghĩa là bạn không lắng nghe.
Ví dụ, tôi nói với bạn rằng trí não phải hoàn toàn không bị quy định. Bạn lắng nghe một phát biểu như thế bằng cách nào? Bạn lắng nghe với mức độ chú tâm thế nào? Nếu bạn quan sát trí não của chính mình, tôi hy vọng như thế, bạn sẽ thấy rằng trong đầu bạn đang nói: “Việc này mới bất khả thi làm sao” hay “Không thể làm được”, hoặc “Sự quy định chỉ có thể chỉnh sửa thôi”, vân vân. Nói cách khác, bạn không lắng nghe lời phát biểu một cách chú tâm, mà chống đối nó bằng quan điểm riêng của bạn, bằng kết luận riêng của bạn, kiến thức của bạn. Cho nên không hề có sự chú tâm.
Thực tế là trí não bị quy định, dù như một người Công giáo, một người Tin Lành, Hindu giáo hay bất cứ gì, và hoặc ta không nhận thức được sự quy định này hoặc ta chấp nhận nó hoặc ta tìm cách sửa đổi nó, biến nó thành cao quý, thay đổi nó; nhưng ta không bao giờ đặt câu hỏi: Liệu trí não có thể nào hoàn toàn thoát khỏi sự quy định không? Trước khi thật sự có thể đặt ra câu hỏi đó cho chính mình một cách chú tâm, trước hết bạn phải nhận thức rằng trí não bạn bị quy định, như rõ ràng nó đang như thế. Bạn có hiểu ý tôi muốn nói gì về sự quy định không? Không phải sự quy định nông cạn về ngôn ngữ, cử chỉ, ăn mặc, vân vân, mà là sự quy định thâm sâu hơn nhiều, có ý nghĩa nền tảng hơn nhiều. Trí não bị quy định khi nó tham lam, không chỉ ở thế giới này, mà tham lam trở thành điều gì đó mang tính tinh thần. Toàn bộ nỗ lực cải thiện bản thân là kết quả của sự quy định và liệu trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng quy định ấy không? Nếu bạn thật sự tự đặt ra câu hỏi đó cho chính mình, thật chú tâm, mà không tìm kiếm một câu trả lời, thì bạn sẽ tìm thấy câu trả lời đúng, không phải là có thể hay không thể, mà là điều gì đó hoàn toàn khác biệt sẽ diễn ra.
Vậy, biết được chúng ta chú tâm như thế nào vào các cuộc nói chuyện này là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không chú tâm, tôi cam đoan bạn đang lãng phí thời gian để đến đây mỗi tuần. Có thể thú vị khi lái xe đi đến Ojai, nhưng hơi nóng bức. Trái lại, nếu bạn trực tiếp chú tâm vào điều đang được nói ở đây, không phải nhớ lại điều bạn đã đọc hoặc dùng ý kiến chống lại ý kiến, hoặc ghi ghép và nói: “Tôi sẽ nghĩ về những điều này sau”, mà thật sự tự đặt câu hỏi cho chính bạn ngay trong lúc bạn đang lắng nghe, khi đó chính tính thực tại của sự chú tâm sẽ đưa đến một câu trả lời đúng.
Người hỏi: Hiện giờ, một thực tế đã được thiết lập rõ ràng và vững chắc là nhiều chứng bệnh của ta là do căng thẳng thần kinh, sinh ra từ những thất vọng và xung đột nội tâm thâm sâu mà ta thường không nhận thức được. Phải chăng bây giờ ta phải chạy ngay đến gặp các bác sĩ tâm thần như ta đã quen chạy đến gặp các bác sĩ khác, hay có cách nào để con người có thể thoát khỏi sự rối loạn nội tâm này không?
Krishnamurti: Điều này gợi lên câu hỏi: Vị trí của nhà phân tâm học là gì? Và vị trí của những người như chúng ta, đều bị bệnh tật hay đau yếu theo một kiểu nào đó, là gì? Có phải bệnh sinh ra từ những rối loạn cảm xúc trong ta, hay nó chẳng liên quan gì đến cảm xúc cả? Đa số chúng ta đều bị rối loạn. Đa số chúng ta đều hỗn loạn, rối loạn, ngay cả khi ta cực kỳ giàu có, có tủ lạnh, xe hơi và những thứ như thế. Vì ta không biết cách nào để xử lý sự rối loạn nên chắc chắn nó tác động lên thân thể và sinh ra bệnh tật, điều này quá rõ ràng. Cho nên câu hỏi là: Ta có cần chạy đến gặp các nhà phân tâm học để nhờ họ giúp giải tỏa sự rối loạn để lấy lại sức khỏe, hay ta có thể tự mình tìm ra cách để không bị rối loạn, cách để không còn rối loạn, âu lo, sợ hãi?
Tại sao ta bị rối loạn, nếu đúng là vậy? Rối loạn là gì? Tôi muốn điều gì đó, nhưng không đạt được, thế là tôi lâm vào một tâm trạng. Tôi muốn sự thỏa mãn thông qua con cái, thông qua vợ tôi, thông qua tài sản, thông qua địa vị, sự thành công, vân vân, nhưng bị ngăn chặn, nghĩa là tôi bị rối loạn. Tôi đầy tham vọng, nhưng người khác gạt tôi sang một bên và vượt lên trước; một lần nữa tôi rơi vào hỗn loạn, sự hỗn loạn gây nên những phản ứng vật lý của chính nó.
Vậy, bạn và tôi có thể nào thoát khỏi mọi rối loạn và hỗn loạn không? Hỗn loạn là gì? Bạn có hiểu không? Hỗn loạn là gì? Hỗn loạn chỉ tồn tại khi có thực tế cộng thêm những gì tôi nghĩ về thực tế đó: ý kiến của tôi về thực tế, việc tôi lảng tránh thực tế, cách tôi đánh giá thực tế đó, vân vân. Nếu tôi có thể nhìn vào thực tế mà không hề thêm vào tính chất gì, thì khi đó sẽ không có sự hỗn loạn. Nếu tôi nhận ra thực tế rằng một con đường nào đó sẽ dẫn đến thành phố Ventura, thì sẽ không có sự hỗn loạn. Hỗn loạn chỉ sinh ra khi tôi nghĩ hoặc khăng khăng cho rằng con đường đó sẽ dẫn tới nơi nào khác - đây thật sự là tình trạng mà phần đông chúng ta đều mắc phải. Những quan điểm, niềm tin, những khao khát, tham vọng đều quá mãnh liệt, ta bị chúng đè bẹp, bởi chúng khiến ta không thể nhìn vào thực tế.
Vậy, thực tế cộng thêm quan niệm, phán xét, đánh giá, tham vọng, vân vân, tạo ra sự hỗn loạn. Và có thể nào bạn và tôi đang trong cơn hỗn loạn mà không hành động không? Chắc chắn, bất kỳ hành động nào sinh ra từ hỗn loạn cũng đều dẫn đến hỗn loạn hơn nữa, rối loạn hơn nữa, tất cả những điều đó tác động trở lại thân thể, hệ thần kinh và gây ra bệnh tật. Đang trong cơn hỗn loạn, việc tự biết rằng chính mình đang bị hỗn loạn đòi hỏi không phải sự can đảm, mà là một sự sáng suốt trong tư duy, sáng suốt trong tri giác. Đa số chúng ta sợ thừa nhận rằng ta đang bị hỗn loạn, do đó xuất phát từ sự hỗn loạn trong ta, ta chọn lựa các nhà lãnh đạo, các vị thầy, chính trị gia. Và khi ta chọn lựa điều gì trong tâm trạng hỗn loạn, thì chính sự chọn lựa đó cũng phải bị hỗn loạn, và do vậy, người lãnh đạo cũng phải bị hỗn loạn theo.
Vậy có thể nào nhận thức được sự hỗn loạn của ta và biết nguyên nhân của sự hỗn loạn đó mà không hành động không? Khi một trí não hỗn loạn hành động, nó chỉ có thể gây ra thêm nhiều hỗn loạn, nhưng một trí não nhận thức được rằng nó bị hỗn loạn và thấu hiểu toàn bộ tiến trình của sự hỗn loạn sẽ không cần phải hành động bởi vì chính sự hiểu rõ đó đã là hành động của nó rồi. Tôi nghĩ đây là điều khá khó hiểu với đa số mọi người, bởi vì ta đã quen với việc hành động. Nhưng nếu ta có thể quan sát hành động, thấy được kết quả của nó, quan sát những gì đang diễn ra trong thế giới về chính trị và ở mọi chiều hướng, thì sẽ thật rõ ràng rằng cái gọi là hành động cải cách chỉ sinh ra thêm nhiều hỗn độn, rối loạn, nhiều cải cách thêm nữa mà thôi.
Vậy với tư cách cá nhân, ta có thể nào nhận thức về sự hỗn loạn, rối loạn của chính mình và sống với nó, thấu hiểu nó, mà không muốn loại bỏ nó, đẩy nó ra xa hay lẩn trốn nó? Chừng nào ta còn chống lại nó, lên án nó, chạy trốn nó, thì chính sự lên án, chạy trốn là quá trình hỗn loạn. Và tôi không nghĩ có bất kỳ nhà phân tích, phân tâm nào có thể giải quyết vấn đề này. Họ có thể tạm thời giúp bạn tuân thủ theo một khuôn mẫu xã hội nào đó mà họ gọi là cuộc sống bình thường, nhưng vấn đề sâu xa hơn thế rất nhiều, và không người nào có thể giải quyết được nó ngoại trừ chính bạn. Bạn và tôi đã tạo ra xã hội này, nó là kết quả từ các hành động của chúng ta, từ tư tưởng của chúng ta, con người của chúng ta. Chừng nào ta còn đơn thuần cố gắng cải cách cái sản phẩm này mà không thấu hiểu thực thể tạo ra nó, thì chừng đó ta sẽ còn bệnh tật nhiều hơn, hỗn loạn nhiều hơn, tội lỗi nhiều hơn. Việc thấu hiểu cái “tôi” sẽ mang lại trí tuệ và hành động đúng.
“Vấn đề của chúng ta là tốt đẹp mà không cố gắng tốt đẹp. Tôi nghĩ có sự khác biệt rất lớn giữa hai điều đó... Một người cố gắng khiêm nhường rõ ràng không hiểu tí nào về tính khiêm nhường... Có thể ý thức được tính khiêm nhường mà không rèn luyện để khiêm nhường không?”