Cuộc nói chuyện thứ nhất ở rừng sồi
Ngày 6 tháng Tám năm 1955
Khắp nơi trên thế giới, ta có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và ngay cả khi có được những trạng thái hạnh phúc và các chính trị gia có thể đem lại một nền hòa bình trên bề mặt của sự chung sống - với sự thịnh vượng kinh tế trong một đất nước kiểu này, nơi có sự sản xuất bùng nổ và hứa hẹn một tương lai hạnh phúc - tôi cũng không nghĩ rằng các vấn đề của chúng ta có thể dễ dàng được giải quyết. Ta muốn các vấn đề được giải quyết và ta trông mong người khác giải quyết chúng - các bậc thầy tôn giáo, các nhà phân tích, các lãnh tụ - nếu không, ta dựa vào truyền thống, hoặc ta quay sang các loại sách vở, các triết lý khác nhau. Và tôi cho rằng vì thế nên bạn mới có mặt ở đây - để được bảo ban phải làm gì. Hoặc bạn hy vọng rằng nhờ nghe những lời giải thích, bạn sẽ thấu hiểu những vấn đề mà mỗi người chúng ta đều phải đối mặt. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ mắc phải một sai lầm nghiêm trọng nếu trông mong rằng bằng việc ngồi nghe một cách thoải mái một, hai cuộc nói chuyện, không cần phải chú tâm nhiều lắm, bạn sẽ được hướng dẫn để thấu hiểu vô số vấn đề của ta. Tôi hoàn toàn không có ý định đơn thuần giải thích bằng ngôn từ hoặc về mặt kiến thức các vấn đề mà ta đang đối mặt; trái lại, nỗ lực ta sẽ thực hiện xuyên suốt các cuộc nói chuyện này là thâm nhập sâu hơn vào yếu tố nền tảng đã khiến cho tất cả các vấn đề này trở nên quá phức tạp, gây đau đớn và phiền não vô tận.
Xin các bạn hãy nhẫn nại lắng nghe, đừng để bị cuốn theo từ ngữ, hoặc phản đối một vài cách nói hay ý tưởng. Ta phải hết sức nhẫn nại để khám phá cái gì là chân thực. Phần đông chúng ta không nhẫn nại để đi tiếp, để tìm thấy kết quả, để đạt được một thành công, một mục đích, một trạng thái hạnh phúc nào đó, hay để trải nghiệm điều gì đó mà trí não có thể bám vào. Nhưng tôi nghĩ điều cần thiết là sự nhẫn nại và kiên trì tìm kiếm mà không nhắm vào một đích đến. Đa số chúng ta đang tìm kiếm, thế nên ta mới có mặt ở đây, nhưng trong cuộc tìm kiếm, ta muốn thấy điều gì đó, một kết quả, một mục tiêu, một tâm thái sống mà trong đó ta có thể hạnh phúc, bình an. Vậy là công cuộc tìm kiếm của ta đã được xác định trước rồi, phải không? Khi tìm kiếm, ta tìm điều ta muốn, đã được thiết lập, xác định trước, cho nên nó không còn là một sự tìm kiếm. Tôi nghĩ rất cần phải hiểu điều này. Khi trí não tìm kiếm một trạng thái cụ thể nào đó, một giải pháp cho vấn đề, khi trí não tìm kiếm Thượng đế, sự thật hay muốn đạt được một trải nghiệm nào đó, dù là một trải nghiệm thần bí hay một kiểu nào khác, nó đã hình dung ra trước điều nó muốn; và bởi vì nó đã hình dung, đã hình thành trước điều nó tìm kiếm, nên cuộc tìm kiếm đó hoàn toàn chẳng đem lại kết quả. Một trong những điều khó khăn nhất là giải thoát trí não khỏi ham muốn tìm kiếm kết quả.
Tôi cho rằng nhiều vấn đề của ta không thể giải quyết được, trừ khi có một cuộc cách mạng nền tảng của trí não, bởi vì chỉ có một cuộc cách mạng như thế mới có thể đem lại nhận thức rằng đâu là sự thật. Cho nên điều quan trọng là phải thấu hiểu sự vận hành của trí não chúng ta, không phải bằng cách phân tích chính mình hay quan sát bên trong, mà bằng cách nhận thức toàn bộ tiến trình của trí não. Và đó là điều tôi muốn đưa ra thảo luận trong các cuộc nói chuyện này. Nếu ta không thấy chính mình như ta là, nếu ta không thấu hiểu người tư duy - cái thực thể tìm kiếm, không ngừng yêu cầu, đòi hỏi, chất vấn, ra sức khám phá, cái thực thể tạo ra vấn đề, cái “tôi”, cái ngã, cái ta - thì khi đó tư tưởng của ta, cuộc tìm kiếm của ta, sẽ là vô nghĩa. Chừng nào công cụ tư duy của ta còn chưa sáng tỏ, còn lầm lạc, còn bị quy định, thì bất cứ suy nghĩ nào của ta cũng bị hạn chế, nhỏ hẹp.
Vì thế, vấn đề của ta là làm sao giải thoát trí não khỏi mọi sự quy định chứ không phải làm sao để quy định nó tốt hơn. Bạn hiểu chứ? Phần lớn chúng ta đều tìm kiếm một sự quy định tốt đẹp hơn. Những người Công giáo, Tin Lành và những giáo phái khác nhau trên khắp thế giới, kể cả Hindu giáo và Phật giáo, đều đang tìm cách để quy định trí não theo một khuôn mẫu cao quý hơn, đạo đức hơn, bao dung hoặc tôn giáo hơn. Chắc chắn tất cả mọi người trên khắp thế giới đều đang cố gắng quy định trí não theo một cách tuyệt vời hơn, và không bao giờ thắc mắc về việc giải phóng trí não khỏi mọi sự quy định. Nhưng đối với tôi, khi nào trí não còn chưa thoát khỏi mọi sự quy định, tức là chừng nào trí não còn bị quy định là một tín đồ Công giáo, tín đồ Phật giáo, Hindu, hay bất cứ gì, thì còn phải có vấn đề.
Chắc chắn, chỉ có thể khám phá cái gì là thực tại, hoặc liệu có điều gì là Thượng đế hay không khi nào trí não thoát khỏi mọi sự quy định. Sự bận tâm đơn thuần của một trí não bị quy định với Thượng đế, với sự thật, với tình yêu thật sự không có ý nghĩa gì cả, bởi vì một trí não như thế chỉ có thể vận hành trong phạm vi sự quy định của nó. Người không tin vào Thượng đế nghĩ một đằng, còn người tin vào Thượng đế, đầu óc chứa chấp tín điều của mình, thì nghĩ một nẻo; nhưng cả hai trí não ấy đều bị quy định, cho nên không trí não nào có thể suy nghĩ một cách tự do, và mọi phản kháng, lý thuyết hay tín điều của họ đều chẳng có ý nghĩa gì. Thế nên, tôn giáo không phải là đến nhà thờ, đền, chùa, chấp nhận một số tín điều và giáo điều. Tôn giáo có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác; tôn giáo có thể là sự giải phóng hoàn toàn trí não khỏi cái đầm lầy truyền thống mênh mông tồn tại hàng mấy trăm năm, bởi vì chỉ có một trí não tự do giải thoát mới có thể tìm thấy sự thật, thực tại, điều gì đó vượt ra khỏi những dự phóng của chính nó.
Đây không phải là lý thuyết của riêng tôi, nếu ta có thể thấy những gì đang diễn ra trên thế giới. Những người Hindu giáo muốn giải quyết vấn đề của cuộc sống theo cách này, còn người Kitô giáo muốn giải quyết theo cách khác, vậy là trí não họ đều bị quy định. Trí não bạn bị quy định như một tín đồ Kitô giáo, dù bạn có thừa nhận hay không. Dù bạn có thể phá bỏ truyền thống Kitô giáo trên bề mặt, nhưng những tầng lớp sâu thẳm của vô thức vẫn tràn ngập truyền thống đó, chúng đã bị quy định bởi nhiều thế kỷ giáo dục theo một khuôn mẫu cụ thể. Và chắc chắn một trí não muốn tìm thấy điều gì vượt ra khỏi đó, nếu quả thật có điều đó, thì trước hết nó phải thoát khỏi mọi quy định.
Vì vậy, trong những buổi trò chuyện này, ta không thảo luận về việc cải thiện bản thân theo bất kỳ phương hướng nào, ta cũng không quan tâm đến việc cải thiện một khuôn mẫu nào, tức là ta không tìm cách quy định trí não theo một khuôn mẫu cao quý, có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn. Trái lại, ta đang cố gắng tìm ra cách nào để giải thoát trí não, toàn bộ tâm thức, khỏi mọi sự quy định, bởi vì nếu điều đó không xảy ra thì không thể có sự trải nghiệm thực tại. Bạn có thể nói về thực tại, bạn có thể đọc vô số sách vở nói về nó, đọc hết mọi kinh sách của phương Đông và phương Tây, nhưng chừng nào trí não còn chưa nhận thức được tiến trình của chính nó, chừng nào nó còn chưa tự thấy mình đang vận hành theo một khuôn mẫu cụ thể và thoát ra khỏi đó, thì rõ ràng mọi công cuộc tìm kiếm đều vô ích.
Thế nên đối với tôi, điều quan trọng nhất là phải bắt đầu với chính ta, nhận thức được sự quy định của chính ta. Và việc biết được rằng ta bị quy định là một việc khó khăn lạ thường! Trên bề mặt, ở các tầng lớp phía trên của trí não, ta có thể nhận thức rằng ta bị quy định; ta có thể phá vỡ một khuôn mẫu và thay bằng một khuôn mẫu khác, từ bỏ Công giáo và gia nhập một nhóm khác cũng chuyên quyền không kém, và nghĩ rằng ta đang tiến hóa, đang vươn đến thực tại. Nhưng ngược lại, đó chỉ là thay đổi nhà tù.
Tuy nhiên, đó lại là điều mà đa phần chúng ta muốn - tìm thấy một nơi chốn an toàn trong đường lối tư duy của ta. Ta muốn theo đuổi một khuôn mẫu cố định và không bị quấy nhiễu trong tư tưởng của ta, trong hành động của ta. Nhưng chỉ trí não nào đủ khả năng nhẫn nại quan sát sự quy định của chính mình và thoát khỏi sự quy định đó - một trí não như thế mới đủ khả năng có một cuộc cách mạng, một sự biến chuyển tận gốc và nhờ đó khám phá cái vượt lên trí não đến vô cùng, vượt lên mọi ham muốn, những thứ hư ảo, những sự theo đuổi. Nếu không tự biết mình, không biết bản thân ta như ta là - chứ không phải như con người ta muốn là, vốn chỉ là một ảo tưởng, một sự lẩn tránh duy tâm - không biết đường lối tư duy của mình, mọi động cơ, tư tưởng, vô số những phản ứng của chính ta, thì sẽ không thể thấu hiểu và vượt ra khỏi toàn bộ tiến trình tư duy.
Bạn đã trải qua nhiều khó khăn phiền phức mới đến được đây vào một buổi chiều oi bức để nghe nói chuyện. Và tôi tự hỏi không biết bạn có lắng nghe không. Lắng nghe là gì? Tôi nghĩ ta cần đi sâu vào đó một chút, nếu bạn không phiền. Bạn có thật sự lắng nghe không, hay bạn chỉ đang diễn dịch những điều đang được nói ra dưới dạng hiểu biết của riêng bạn? Bạn có thể lắng nghe ai đó không? Phải chăng trong chính quá trình lắng nghe, nhiều tư tưởng, ý kiến khác nhau khởi lên để chính kiến thức và kinh nghiệm của riêng bạn xen vào giữa điều đang được nói với điều bạn hiểu về nó?
Tôi nghĩ điều quan trọng là hiểu được sự khác biệt giữa sự chú tâm và tập trung. Tập trung hàm ý có chọn lựa, phải không? Bạn cố gắng tập trung vào điều tôi đang nói, vậy là trí não bạn hội tụ vào đó, trở nên hạn hẹp, và các tư tưởng khác xen vào. Do đó không có lắng nghe thật sự mà chỉ có cuộc chiến diễn ra trong trí não, sự xung đột giữa điều bạn đang nghe và khao khát diễn dịch nó của bạn, khao khát áp dụng điều tôi đang trình bày, vân vân. Trái lại, chú tâm là một điều hoàn toàn khác. Khi chú tâm, không có sự hội tụ vào một tiêu điểm, không có sự chọn lựa, chỉ có nhận thức hoàn toàn mà không hề diễn dịch. Và nếu ta có thể lắng nghe thật chú tâm, thật trọn vẹn điều đang được nói lên ở đây, thì chính sự chú tâm sẽ tạo ra một sự thay đổi mầu nhiệm trong bản thân trí não.
Những gì ta đang nói đến là vô cùng quan trọng, bởi vì tôi không thấy cách nào để có thể tạo ra một thay đổi rộng lớn, triệt để trong thế giới, trừ khi có một cuộc cách mạng nền tảng trong mỗi người chúng ta. Và chắc chắn sự thay đổi triệt để đó là thiết yếu. Một cuộc cách mạng kinh tế đơn thuần sẽ chẳng có gì quan trọng. Chỉ có thể có một cuộc cách mạng tôn giáo và cách mạng tôn giáo không thể diễn ra nếu trí não còn tuân thủ theo khuôn mẫu của sự quy định trước đó. Chừng nào ta còn là một tín đồ Kitô giáo hay Hindu giáo thì không thể có cuộc cách mạng nền tảng theo ý nghĩa tôn giáo đích thực của từ này.
Và ta cần một cuộc cách mạng như thế. Khi trí não thoát khỏi tất cả sự quy định, bạn sẽ thấy xuất hiện tính sáng tạo của thực tại, của Thượng đế, hay bất cứ điều gì bạn sẽ thấy và chỉ duy nhất. Một trí não như thế, một trí não không ngừng trải nghiệm tính sáng tạo này, mới có thể tạo ra một cách nhìn khác, những giá trị khác, một thế giới khác.
Và vì thế, quan trọng là hiểu chính mình, đúng không? Tự biết mình là khởi đầu của trí tuệ. Tự biết mình là không rập khuôn theo bất kỳ sách vở, triết gia, nhà tâm lý nào, mà là biết chính mình như ta là trong từng khoảnh khắc. Bạn hiểu chứ? Biết mình là quan sát những gì ta nghĩ, ta cảm nhận, không chỉ trên bề mặt, mà nhận thức thật sâu cái đang là nhưng không hề lên án, phán xét, đánh giá hay so sánh. Hãy thử làm đi và bạn sẽ thấy thật khó khăn biết bao đối với một trí não đã được đào tạo qua bao thế kỷ để so sánh, lên án, phán xét, đánh giá, để chấm dứt toàn bộ tiến trình đó và chỉ đơn giản quan sát cái đang là. Nhưng điều này phải diễn ra không chỉ ở cấp độ bề mặt mà là xuyên suốt toàn bộ nội dung của tâm thức, còn không thì có thể ta vẫn chưa đi vào chỗ sâu thẳm của trí não.
Nếu bạn thật sự đến đây để thấu hiểu những gì đang được nói thì đây chính là điều ta quan tâm chứ không gì khác. Vấn đề của ta không phải là bạn nên thuộc về xã hội hay tổ chức nào, nên dấn thân vào hoạt động loại nào, nên đọc sách gì và những việc nông cạn kiểu đó, mà là làm sao để giải phóng trí não khỏi sự quy định. Trí não không đơn thuần là cái tâm thức đang thức tỉnh, bận bịu với những hoạt động thường ngày, mà còn là các tầng lớp thâm sâu của vô thức, trong đó chứa toàn bộ tàn dư của quá khứ, của truyền thống, của những bản năng chủng tộc. Tất cả những điều đó là trí não, và nếu toàn bộ tâm thức đó không được tự do hoàn toàn, thì cuộc tìm kiếm, học hỏi, khám phá của ta sẽ bị hạn chế, nông cạn, nhỏ hẹp.
Vậy là trí não bị quy định xuyên suốt; không có phần nào của trí não không bị quy định, và vấn đề của ta là: Liệu một trí não như thế có thể tự do, giải thoát không? Và ai là thực thể có thể giải thoát trí não? Bạn hiểu vấn đề chứ? Trí não là toàn bộ tâm thức cùng với tất cả những tầng lớp khác nhau của kiến thức, của việc thu thập, tích lũy, của truyền thống, của bản năng chủng tộc, của ký ức; liệu một trí não như thế có thể tự giải thoát chính mình không? Hay trí não chỉ tự do khi nó thấy rằng nó bị quy định và rằng bất kỳ động thái nào từ sự quy định này vẫn sẽ là một hình thái quy định khác? Tôi hy vọng bạn theo kịp điều này. Nếu không, ta sẽ thảo luận nó trong những ngày sắp tới.
Trí não hoàn toàn bị quy định - đó là một thực tế hiển nhiên, nếu bạn chịu quan tâm suy nghĩ. Nó không phải do tôi tưởng tượng ra, nó là một thực tế. Ta thuộc về một xã hội cụ thể, ta đã được nuôi dạy lớn lên trong một ý thức hệ cụ thể, kèm theo là những giáo điều, truyền thống nhất định; và tầm ảnh hưởng rộng lớn của văn hóa, xã hội không ngừng quy định trí não. Làm sao một trí não như thế có thể tự do, bởi vì bất kỳ chuyển động nào của trí não để được tự do cũng đều là kết quả từ sự quy định của chính nó, cho nên tất yếu phải tạo ra sự quy định thêm nữa? Chỉ có một câu trả lời duy nhất. Trí não chỉ có thể tự do khi nó hoàn toàn tĩnh lặng. Dù nó có nhiều vấn đề, vô số thôi thúc, xung đột, tham vọng, nếu - thông qua sự tự biết mình, thông qua động thái quan sát chính mình mà không chấp nhận hay lên án - trí não nhận thức mà không chọn lựa về tiến trình của chính nó, rồi từ sự nhận thức đó xuất hiện một sự tĩnh lặng lạ lùng, một sự yên tĩnh của trí não mà trong đó không có bất kỳ chuyển động nào. Chỉ khi đó trí não mới tự do, bởi vì nó không còn ham muốn bất cứ gì, không còn tìm kiếm, không còn săn đuổi một mục tiêu, một lý tưởng - vốn đều là những sự phóng chiếu của một trí não bị quy định. Và nếu bạn luôn luôn đạt đến sự thấu hiểu mà trong đó không thể có bất kỳ sự tự lừa dối nào, thì bạn sẽ thấy rằng có khả năng xuất hiện một điều phi thường được gọi là sáng tạo. Chỉ lúc đó trí não mới có thể thấy rõ cái không thể đo lường, có thể gọi là Thượng đế, sự thật hay bất cứ cái tên nào bạn muốn - ngôn từ chẳng có ý nghĩa gì cả. Bạn có thể thành công về mặt xã hội, bạn có thể có vô số của cải, xe hơi, nhà lầu, một sự an bình trên bề mặt, nhưng nếu cái không thể đo lường đó không hiện diện, thì sẽ luôn luôn có phiền não, đau khổ. Giải phóng trí não khỏi sự quy định là chấm dứt đau khổ, phiền não.
Có nhiều câu hỏi được nêu lên ở đây, và chức năng của việc đặt ra một câu hỏi và nhận một câu trả lời là gì? Liệu ta có giải quyết được vấn đề nào bằng cách đặt ra một câu hỏi không? Một vấn đề là gì? Làm ơn chú ý điều này, hãy suy nghĩ cùng tôi. Một vấn đề là gì? Một vấn đề chỉ hình thành khi trí não bận rộn với điều gì đó, phải không? Nếu tôi có một vấn đề, thế nghĩa là gì? Giả sử trí não của tôi bị bận rộn từ sáng tới tối với sự ganh tị, đố kỵ, với tình dục, với điều gì đó tùy bạn. Chính sự bận rộn của trí não với một đối tượng đã gây ra vấn đề. Sự ganh tị có thể là một thực tế, nhưng chính sự bận rộn của trí não với thực tế đó mới gây ra vấn đề, gây ra xung đột. Không phải sao?
Ví dụ, tôi ganh tị, hoặc tôi có một thôi thúc bạo lực ở dạng này, dạng khác. Tính ganh tị tự biểu hiện ra; có sự xung đột, rồi trí não tôi bận rộn với sự xung đột đó - làm sao để thoát khỏi nó, làm sao giải quyết được nó, phải làm gì với điều đó. Chính sự bận rộn của trí não với tính ganh tị gây ra vấn đề, chứ không phải bản thân sự ganh tị - điều mà ta sẽ đi sâu vào ngay bây giờ đây, toàn bộ ý nghĩa của sự ganh tị. Vấn đề của ta khi đó không phải là thực tế mà là sự bận tâm đến thực tế đó. Và liệu trí não có thể thoát khỏi sự bận tâm đó không? Liệu trí não có thể ứng phó với thực tế mà không hề bận tâm về nó được không? Ta sẽ tiếp tục xem xét vấn đề về sự bận tâm này. Thật sự hết sức lý thú khi quan sát trí não của mình đang vận hành.
Vì thế, khi cùng nhau xem xét các vấn đề này, ta sẽ cố gắng giải phóng trí não khỏi sự bận tâm, tức là nhìn thẳng vào thực tế chứ không để bị bận tâm với nó. Nghĩa là, nếu tôi có một thôi thúc nào đó, liệu tôi có thể nhìn vào thôi thúc đó mà không bị bận tâm với nó không? Nào, bạn hãy quan sát chính thôi thúc cụ thể do cơn giận dữ của chính bạn hay bất cứ thôi thúc nào khác. Bạn có thể nhìn vào nó mà trí não không bị bận tâm với nó không? Bận tâm hàm ý cố gắng giải quyết thôi thúc đó, phải không? Bạn lên án nó, so sánh nó với điều gì đó khác, cố gắng thay đổi nó, khắc phục nó. Nói cách khác, cố gắng làm điều gì đó liên quan với thôi thúc của bạn là bận tâm, phải chứ? Nhưng bạn có thể nào nhìn vào thực tế rằng bạn có một thôi thúc cụ thể, một ham muốn mãnh liệt, một khao khát, nhìn vào nó mà không so sánh, không phán xét, và nhờ đó, không làm khởi động toàn bộ quá trình bận tâm được không?
Về mặt tâm lý, thật thú vị khi quan sát điều này - cái cách mà trí não không thể nhìn vào một thực tế, như sự ganh tị, mà không đưa vào đó một phức hợp rộng lớn những ý kiến, những phán xét, đánh giá khiến trí não hết sức bận rộn - chính vì thế, ta không bao giờ giải quyết được thực tế mà chỉ làm cho vấn đề tăng lên theo cấp số nhân. Tôi hy vọng đã làm rõ được vấn đề này. Và tôi nghĩ điều quan trọng đối với chúng ta là thấu hiểu tiến trình bận tâm này, bởi vì có một nhân tố sâu xa hơn nhiều đằng sau nó, tức là nỗi sợ không bận tâm. Dù một trí não bận tâm đến Thượng đế, đến chân lý, đến tình dục hay rượu, thì bản chất của nó về cốt lõi vẫn như nhau. Một người nghĩ về Thượng đế và trở thành ẩn sĩ có thể có ý nghĩa về mặt xã hội hơn một kẻ say xỉn, nhưng cả hai đều bị bận tâm và một trí não bị bận tâm không bao giờ được tự do để khám phá sự thật là gì. Xin đừng bác bỏ hay chấp nhận ngay điều tôi nói; hãy nhìn vào đó, hãy khám phá. Nếu mỗi người chúng ta có thể thật sự chú tâm vào điều duy nhất này, dành hết sự chú tâm cho toàn bộ quá trình bận tâm của trí não trước bất kỳ vấn đề nào mà không cố gắng giải thoát trí não khỏi sự bận tâm, vì như thế cũng chỉ là một cách bận tâm khác mà thôi, nếu ta có thể thấu hiểu một cách hoàn toàn trọn vẹn quá trình này, thì tôi nghĩ vấn đề tự nó sẽ không còn là vấn đề nữa. Khi trí não thoát khỏi sự bận tâm với vấn đề, tự do quan sát, nhận thức về toàn bộ sự việc, lúc đó bản thân vấn đề có thể được giải quyết tương đối dễ dàng.
Người hỏi: Tất cả mọi rắc rối của ta dường như đều khởi lên từ dục vọng, nhưng liệu ta có bao giờ thoát được khỏi dục vọng không? Phải chăng dục vọng là thứ cố hữu trong ta, hay dục vọng là một sản phẩm của trí não?
Krishnamurti: Dục vọng là gì? Và tại sao ta tách dục vọng ra khỏi trí não? Và thực thể nào nói rằng: “Dục vọng gây ra các vấn đề, cho nên tôi phải thoát khỏi dục vọng”? Bạn theo kịp chứ? Ta phải thấu hiểu dục vọng là gì, chứ không phải hỏi làm sao để loại bỏ dục vọng bởi vì nó gây ra rắc rối hay liệu nó có phải là sản phẩm của trí não không. Trước hết, ta phải biết dục vọng là gì, rồi tiếp theo mới có thể thâm nhập vào nó sâu hơn. Dục vọng là gì? Dục vọng khởi lên như thế nào? Tôi sẽ giải thích và bạn sẽ thấy, nhưng đừng chỉ lắng nghe những lời tôi nói. Hãy thật sự trải nghiệm điều ta đang nói đến, rồi khi đó nó sẽ có ý nghĩa.
Dục vọng hình thành như thế nào? Chắc chắn, dục vọng hình thành thông qua tri giác hay sự thấy, tiếp xúc, cảm giác, rồi khi đó có dục vọng. Không phải thế sao? Trước hết, bạn nhìn thấy một chiếc xe hơi, rồi có sự tiếp xúc, cảm giác và cuối cùng là khao khát sở hữu chiếc xe hơi đó. Xin hãy nhẫn nại theo dõi điều này. Bấy giờ, trong cố gắng có được chiếc xe hơi đó, tức là dục vọng, có sự xung đột. Do đó, trong chính sự thỏa mãn dục vọng đã có xung đột, có đau khổ, phiền não, niềm vui, mà bạn chỉ muốn giữ niềm vui và loại bỏ đau khổ. Đây là thực tế xảy ra trong mỗi chúng ta. Cái thực thể do dục vọng tạo ra, cái thực thể đồng hóa mình với niềm vui thú nói rằng: “Tôi phải loại bỏ cái gì không vui, tức là đau khổ”. Ta không bao giờ nói: “Tôi muốn loại bỏ cả đau khổ và niềm vui thú”. Ta muốn giữ lại khoái lạc và loại bỏ đau khổ, nhưng dục vọng tạo ra cả hai, không phải sao? Dục vọng - hình thành thông qua tri giác, tiếp xúc và cảm giác - được đồng hóa với cái “tôi” muốn níu giữ niềm vui và loại bỏ những gì đau khổ. Nhưng đau khổ và vui thú đều là kết quả của dục vọng, vốn thuộc về trí não - nó không nằm ngoài trí não. Và chừng nào còn có cái thực thể nói rằng: “Tôi muốn giữ điều này và bỏ điều kia”, thì tất còn phải có xung đột. Bởi vì ta muốn loại bỏ tất cả những dục vọng gây đau khổ và giữ lại những dục vọng chủ yếu đem lại niềm vui, đáng giá, ta không bao giờ xem xét toàn bộ vấn đề của dục vọng. Và khi ta nói: “Tôi phải loại bỏ dục vọng”, thực thể nào đang cố gắng loại bỏ điều gì đó? Chẳng phải thực thể đó cũng là kết quả của dục vọng đó sao? Bạn hiểu tất cả những điều này chứ?
Nào, như tôi đã nói lúc bắt đầu buổi trò chuyện, bạn phải vô cùng nhẫn nại để thấu hiểu mọi điều này. Đối với những câu hỏi nền tảng, không có câu trả lời đúng hay sai nào tuyệt đối cả. Quan trọng là đặt ra được câu hỏi nền tảng, chứ không phải tìm ra câu trả lời, và nếu ta có thể nhìn vào câu hỏi nền tảng mà không tìm kiếm một câu trả lời, thì khi đó chính sự quan sát cái nền tảng sẽ mang lại sự thấu hiểu.
Vì thế, vấn đề của ta không phải là làm thế nào để thoát khỏi dục vọng gây đau khổ trong khi vẫn níu giữ được những dục vọng đem lại niềm vui, mà là phải thấu hiểu toàn bộ bản chất của dục vọng. Điều này nêu lên câu hỏi: Xung đột là gì? Và cái thực thể luôn luôn chọn lựa giữa niềm vui và nỗi đau là gì? Thực thể mà ta gọi là cái “tôi”, cái ta, ngã, trí não, nói rằng: “Đây là niềm vui, kia là nỗi đau; tôi sẽ bám vào niềm vui và loại bỏ nỗi đau” - chẳng phải thực thể đó vẫn là dục vọng sao? Nhưng nếu ta có thể nhìn vào toàn bộ thế giới của dục vọng, mà không ở tâm thế tìm cách gìn giữ hoặc loại bỏ cái gì đó, thì ta sẽ thấy rằng dục vọng mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Dục vọng sinh ra mâu thuẫn, và trí não tỉnh táo ở mức độ nào đó không thích sống trong mâu thuẫn, cho nên nó cố gắng loại bỏ dục vọng. Nhưng nếu trí não có thể thấu hiểu dục vọng mà không cố gắng phủi sạch nó đi, không nói rằng: “Đây là dục vọng tốt và đó là dục vọng xấu, tôi sẽ giữ cái này và bỏ cái kia”; nếu trí não có thể nhận thức về toàn bộ phạm vi của dục vọng mà không chối bỏ, không chọn lựa, không lên án, thì bạn sẽ thấy rằng trí não là dục vọng; nó không tách rời với dục vọng. Nếu bạn thật sự thấu hiểu điều này, trí não sẽ trở nên hết sức tĩnh lặng. Dục vọng đến nhưng không còn tác động gì nữa, không còn ý nghĩa lớn lao gì nữa, chúng không còn cắm rễ trong trí não và gây ra các vấn đề. Trí não phản ứng, nếu không, nó không còn sống, nhưng phản ứng chỉ diễn ra trên bề mặt và không còn cắm rễ ăn sâu. Đó là vì sao cần phải thấu hiểu toàn bộ tiến trình của dục vọng mà đa phần chúng ta bị mắc kẹt trong đó. Vì bị mắc kẹt, ta cảm thấy mâu thuẫn, đau khổ vô cùng vì điều đó, thế là ta đấu tranh chống lại dục vọng, và cuộc đấu tranh đó gây ra tâm thức nhị phân, tính hai mặt. Trái lại, nếu ta có thể nhìn vào dục vọng mà không phán xét, đánh giá hay lên án, khi đó ta sẽ thấy rằng nó không còn cắm rễ nữa. Trí não cung cấp đất trồng nuôi lớn vấn đề sẽ không bao giờ thấy được cái gì là chân thực. Vì thế, điều quan trọng không phải là làm sao để giải quyết dục vọng, mà phải thấu hiểu nó, và ta chỉ có thể thấu hiểu dục vọng khi không còn lên án nó nữa. Chỉ một trí não không còn bị bận tâm với dục vọng mới có thể thấu hiểu dục vọng.
“Mọi xã hội đều đang quy định cá nhân, và sự quy định này diễn ra dưới dạng cải thiện bản thân, vốn thật sự là duy trì bất tận cái ‘tôi’, cái ngã, dưới nhiều hình thức khác nhau. Cải thiện bản thân có thể biểu hiện rõ ràng hay vô cùng tinh vi khi nó trở thành rèn luyện đạo đức, cái thiện, cái gọi là yêu thương đồng loại, nhưng về cốt lõi, nó vẫn là sự tiếp nối liên tục của cái ‘tôi’, tức là sản phẩm từ những ảnh hưởng do quy định của xã hội. Mọi nỗ lực của bạn đều đi đến chỗ trở thành điều gì đó, hoặc ở đây, nếu có thể, hoặc nếu không thì trong một thế giới khác; nhưng vẫn là sự thôi thúc đó, vẫn là động cơ duy trì và tiếp nối cái ‘tôi’ đó.”