Hai mươi năm trước, khi xây dựng nhà hàng xóm, mấy bác thợ hồ vô ý làm vỡ một chậu hoa quý, họ nhanh tay nhét vào cái ô đất thừa phía sau nhà tôi để “phi tang”. Giá đất tăng vọt, đường mới mở thông những đất hoang, nhà cao lấp kín ao, đầm, cái gốc cây quý ấy bỗng trưng ra mặt phố. Thế là thi thoảng tôi lại tưới cho nó ít nước, tỉa cái lá già rụng, vun ít mùn rác… Rồi chẳng biết từ hôm nào, cạnh gốc cây có bàn cờ thế, ấm trà. Có mùa xuân cây ấy ra hoa, những nụ hoa bé, chúm chím thoảng chút hương hồn nhiên giữa khói bụi.
Có một dạo, sáng thức dậy, thấy nơi ấy trơ lại một cái lỗ đất thì cây hoa nhài mới được gọi tên khi mấy bà cụ ở phố đi tập thể dục về kể với nhau. Chị gái tôi thấy rách việc, đem trồng vào đó một gốc hồng, nghe nói có màu hoa đẹp lắm. Phụ nữ khi còn son rỗi thường hay mơ về những chân trời. Cái gốc hồng kẹt cứng giữa bê tông, cốt thép cách thế giới hoa Đà Lạt xa lắm. Chị tôi lên xe hoa, gốc hồng cũng bám đầy bụi rồi chết lụi. Tôi kê một viên đá ốp bóng loáng, vân vi đặt lên ô trống ấy làm ghế ngồi mỗi khi đi chơi thể thao về. Những buổi chiều hè cứ thế qua đi, hè năm thứ hai, thứ ba, thứ tư của thời sinh viên. Tôi ra trường, vẫn chơi thể thao sau khi đi làm ở công ty gần nhà, có những lúc gió thổi mạnh, vẫn thấy chút lá khô từ dưới “nấm mồ” chỗ mình ngồi cuộn lên trong gió. Tôi quyết định kiếm nhúm cát thừa, ít xi măng sót lại trong cái bao xi nhà bên vừa mua về sửa cái bếp để gắn chặt viên đá lại trên cái ô vuông ấy. Đời người đến lúc phải làm những việc lớn, gói gọn lại những băn khoăn vặt vãnh. Xi đã đông kết, miếng đá của tôi cũng như muôn vàn miếng đá ốp lát khác, cũng lạnh lùng mỗi khi tôi đi qua. Có lúc, nhà chật, khách từ quê tôi, quê vợ lên chơi, định bụng xem nhà khác ý tứ thế nào, nới ra chút để kê thêm được cái chỗ nằm. Thế rồi mấy bữa nghe rục rịch phường sẽ có giải phóng vỉa hè. Nhìn những cái cây cổ thụ “tay xách nách mang” đầy những biển bảng, nhìn những bậc thềm chờm ra gần mép đường lại thấy ngài ngại.
Một bữa chị tôi về, bảo giờ ngồi tạm cái bậc thềm bán chén trà kiếm sống còn hơn kéo dài thêm mấy năm công tác mà lương bổng èo ọt. Bao nhiêu ước mơ, dự định của chị như mây gió, giờ là mặt đất ngổn ngang những cái cốc cóc két cặn trà, mùi ống điếu thuốc lào. Tôi hăm hở giúp chị quét dọn hàng ngày, cái mặt đá vân bi sáng bóng ngày nào giờ trầy xước và cáu bẩn, một góc nhỏ bị vỡ do va đập vào vật gì đó. Có hôm phố mưa to, đường ngập mấp mé bậc thềm, cái ngấn nước tràn cả vào mép cái ô vuông ấy, đứa cháu gái tôi cứ mon men ra bậc thềm ngó nghiêng. Có hôm thấy cháu ngồi ngắm cái khe nhỏ bị nứt mà chẳng nói gì.
Một hôm, tôi nhẩn nha ra hãm trà sớm với chị, nước tráng ấm tôi định bụng đổ vào cái lỗ nhỏ, chẳng biết từ bao giờ, tôi bắt đầu thích cái khe rãnh đến vậy. Bỗng dưng đứa cháu thét lên và túm tay tôi lại. Nhìn kìa, thì ra một cái cây nhỏ bé đang gắng sức nhô lên khỏi miệng khe vỡ đó để vươn ra ngoài. Một cây chanh, tôi nhận ra ngay những thùy lá và mùi thơm từ trực giác. Thế rồi mấy năm trôi qua, cháu tôi mải miết vượt “vũ môn” trường chọn, trường điểm nên hàng ngày ít có dịp xuống nhà ông bà ngoại. Đêm tôi mở hé cửa sổ, tiếng xe thưa dần trong mưa, hương hoa chanh thoang thoảng đi vào giấc mơ mới chớm. Tôi thức dậy, dường như ở mỗi một điểm dừng trước khi sang một độ tuổi mới, con người ta luôn cố sống chậm lại. Mỗi loài cây đều gợi một ký ức, từ cái ô vuông bé nhỏ hiếm hoi trên phố ấy, tôi đã chứng kiến những đổi thay của cuộc đời mình. Ô vuông bé nhỏ chỉ vừa một chỗ ngồi, một chấm nhỏ khi nhìn từ tầng cao xuống nhưng cũng đầy ắp những kỷ niệm trong những năm tháng cuộc đời mình.