Một ngày năm cũ, sau khung cửa kính đã cũ, trên tầng cao của một ngôi nhà cổ, chợt tiếng ve non đầu mùa lọt qua khe gỗ đã mòn. Cái thanh gỗ chèn tấm kính ấy, ít ra cũng đã được gắn vào đó mấy chục năm. Nghe thanh âm đầu tiên của mùa hạ, tôi tự nhủ, vậy là mùa này, khu phố tôi không mất mùa ve.
Tôi đã từng được xem nhiều bộ sưu tập ảnh của những nhà nhiếp ảnh phương Tây chụp lại quang cảnh phố phường Hà Nội và một số thành phố khác vào những năm đầu thế kỷ hai mươi. Dường như những cột điện, vỉa hè, biệt thự theo kiến trúc người Pháp… đang quyết liệt xóa nhòa những lối xe ngựa. Lại có những cây xà cừ, cây phượng, cây sấu… “bước vào” khuôn viên kiến trúc của phố phường, trường học, biệt thự. Tôi vẫn còn nhớ có lần nhìn thấy trên song cửa của Trường Đại học Đông Dương vẫn có hoa văn biểu tượng bút nghiên và hai chữ “Đại học” ghi bằng chữ Hán… Theo thời gian, dấu ấn của hiện đại ngoài trăm năm cũng thành xưa cũ.
Năm nay, đã vào mùa hạ được khá lâu, tôi ngồi ở hành lang của một bệnh viện chờ kết quả ca phẫu thuật của một người bạn thì chợt một “dàn đồng ca” của những tiếng ve bùng nổ trong trưa. Thì ra, suốt những ngày qua, bỏ mặc bao dãy phố vắng lặng trong nắng lửa, lũ ve về vòng xanh um của bệnh viện để ngân nga. Có người bệnh nhân già ngồi bên tôi bảo:
- Tôi đã sống ở thành phố này từ khi còn là một thanh niên làm công nhân cầu đường, ve mùa nào cũng ngân nhưng giờ nghe chúng gắt gỏng vì hình như những tán xanh đang bị thu hẹp dần chú ạ.
Tôi không nghe ra được điều ấy trong âm thanh ồn ã kia, nhưng thấy buồn vì phố tôi mất mùa ve, những con ve dồn về đây, tiếng ve dồn đống hỗn tạp trong không khí oi bức ở nơi này.
Một bữa, tôi đi theo con đường dọc sông Đà về thăm một người bạn ở cái thị tứ nhỏ nằm ở ngoại vi cái thành phố nhỏ bé của mình. Nhìn con đường rải nhựa đã lâu, những dãy nhà cũ lưa thưa trong nắng, bất giác tôi hỏi bạn:
- Đây trước là phố Thia phải không nhỉ?
Vẫn đợi tan khói thuốc, vẫn cái ngụm trà ướp sen trong cái chén men sứ, vẫn cái gật đầu đồng ý của một người đã từng được chôn nhau cắt rốn ở đất này như bạn tôi, thì có dăm bảy dãy nhà tranh úp mặt vào nhau hai bên đường. Nhà thì bán muối, nhà bán dầu hỏa, pin đèn, gói thuốc lào, cân chè Thái Nguyên… cũng là vẫn phố xá dẫu khiêm nhường le lói đèn dầu giữa vùng quê mênh mông. Thế mới biết, người ở phố cũng có những thói quen kiểu dân dã riêng dẫu đã xa dần bờ tre, giếng nước, đê làng… tiếng ve cũng theo về mà làm thành hồn vía của muôn vàn con phố. Tiếng ve là chút hơi hướng tự nhiên còn sót lại khi những cái bẫy chim đã lấy đi tiếng hót của trời xanh, những cột điện cao thế chồng chéo đan dây đã khai tử những cánh diều no gió để cơn gió quay cuồng cuốn đi lớp lá khô cong trên mặt đường.
Tôi nhớ ngày xưa, rất nhiều lứa học trò bắt tiếng ve ép vào cuốn sổ lưu bút. Giờ sau bao chuyến đi, sau bao lần thay đổi tổ ấm, không biết những cuốn sổ ấy còn được họ lưu giữ hay thất lạc? Tiếng ve của những phút dừng đợi đèn đỏ ngã tư, tiếng ve trong đĩa ve sầu rang trong quán nhậu có còn gợi được chút gì lưu luyến với ai đó không? Thì còn cây là còn bóng mát, còn tiếng ve, còn âm thanh trường tồn lọt qua những ô cửa kính. Dẫu sớm mai này, căn nhà ấy bị đập bỏ để xây lên ngôi nhà cao tầng thì vẫn có lúc, thanh âm ấy lọt vào tâm trí những ai vẫn còn vấn vương hồn phố.