Tây Bắc, nơi núi giăng thành võng trùng điệp, làng bản mờ nhòe trong sương khói, mưa ở đây đâu chỉ có miên man có khi đến vài tuần lễ mà còn làm nên tâm tính con người, tạo nên những nét văn hóa rất riêng.
Chuyện mưa ở miền nhiệt đới đâu có gì lạ. Ta có thể nhận ra giọt nước từ những lá dừa dại chênh vênh vách núi, lá ngô xanh mướt từ mùn hốc đá trút xuống những khe, rãnh xanh rêu núi để qua lớp lá mục thành những dòng suối. Ra đến biển khơi, những đám mây lại che phủ đỉnh núi trước khi tiếng sấm vang rền. Biết thế, nhưng khi đi trên con đường rừng gặp mưa, mưa như từ trong núi kéo ra, mưa che kín trời, mưa táp tối tăm mặt mũi. Ta nhận ra mái nhà sàn đủ rộng để náu mưa, đủ cao để tránh những lần nước suối dâng cao, ống măng ớt thơm và chua dịu từ những mầm măng nghe sớm đầu mùa thức dậy, bữa nay như níu chân ta.
Mưa tạnh, núi rừng lại tĩnh lặng lạ thường vào những đêm mùa hạ. Tưởng như có thể nghe được tiếng một quả trứng chim nứt vỏ, sớm mai một giọng hót rừng xanh sẽ chào nắng mới. Nghe tiếng con giun đất kêu sau mưa, mới hay ở nơi sương muối và gió lào cày ải này những loài côn trùng cũng khát những hạt mưa. Dù âm thầm làm tơi xốp đất đai, lặng lẽ dưới tầng đá núi hay vờn bay như cánh bướm trên những nương lúa nương ngô ngày nắng đẹp miền Tây Bắc này thì chúng đều tìm thấy sức sống từ mưa.
Tôi đã từng ở những bản của người Thái đất Tây Bắc mà nghe mưa dưới mái nhà sàn, nghe mưa trong mái lều nương, mưa trong đêm miên man như kể chuyện, mưa bất kể bình minh lên hay đêm xuống, nhiều nỗi lòng khắc khoải trong mưa. Những con đường ở Châu Thuận xưa được ước bằng quăng dao, giờ không thể bấm ngón chân mà gặp, trong mưa tiếng sáo không thể cất lên gọi bạn, chỉ còn nỗi nhớ nhung. Để một sớm mai những câu dân ca chín đỏ như trái yêu đầu cành, những tiếng khèn, tiếng sáo thiết tha, tất cả cũng nhờ có mưa như chất men ủ tình say đắm. “Mưa rơi” trong dân ca Khơ Mú chính là lời ước nguyện đời sống phồn thực khi chim ướt cánh mắc bẫy trong rừng, người trong bản dập dìu đơm cá suối theo nước về… Mưa đâu chỉ là mưa.
Hẳn là mưa cũng có khi là trận lũ dữ quét sạch làng bản, gãy nát những nương ngô, mưa làm bữa cơm đơn sơ hơn, gợi cho mái đầu bạc nhớ những ký ức buồn. Mưa làm cho những màu mỡ của đất trôi xuôi để lại những sườn núi bạc màu. Trời sinh ra cỏ dại, cây bụi để ngăn mưa rửa trôi, người đã giành đất từ cỏ để gieo trồng những cây trái nhưng người lại nhỏ bé trước cơn mưa. Quy luật ấy luôn bị tác động và được thiết lập lại trên vùng đất này. Nắng sớm và mưa chiều, đã gặp mưa thì chỉ còn cách tìm vào bản trú chân. Có thể một vài giờ, một ngày hay nhiều ngày mưa sẽ tạnh, đủ để ta làm bạn với người trong bản. Ở vùng đất này, dù là người khôn ngoan, kinh nghiệm đến đâu trong cuộc đời cũng không tránh được những cơn mưa bất chợt và huyền bí như thế. Nay ta đãi khách lạ, mai kia người bản khác đón ta như thế. Mưa núi dạy cho ta biết cho và nhận, đủ khôn và đủ những lý lẽ làm người.