Né bão Pakhar, đoàn chúng tôi lẳng lặng xuyên đêm bằng Đường Hồ Chí Minh. Như đàn kiến rì rầm bò qua chiếc đòn gánh hai đầu mật mỡ, miền Trung hiện ra trong nắng sớm tinh khôi. Suốt thời trai trẻ mải quẩn quanh với xứ Đoài mây trắng, Tây Bắc mù sương, giờ miền Trung ào ạt gió biển, hun hút đường dài như là một câu hỏi thật khó trả lời: Hỡi “người sống trong bao”, sao bây giờ anh mới tới?
Tảng sáng thì đã là Thanh Hóa - dải đất của người thợ xứ Thanh tài hoa, của dòng họ Nguyễn đất Hà Trung thuần khiết. Giọng con trai đất Thanh lạ lẫm làm tỉnh ngủ những đôi mắt con gái miền sơn cước. Tô bún bù nóng hổi và vội trong mưa dầm, lát chanh mỏng như miếng trầu ngoài Bắc. Thôi lát nữa lại lên đường.
Có lẽ phải gần tám giờ tối chúng tôi mới đặt chân lên Cố đô Huế - mảnh đất nghe xa xăm như chỉ có trong thơ của người đàng ngoài. Kinh đô một thuở, hồn vía cha ông vẫn trầm tư như thế. Phải! Người Huế điềm tĩnh thật. Đêm nay khai mạc Festival, cấm đường nhiều tuyến phố, xe cộ ùn tắc nhưng người ta vẫn điềm tĩnh “dạ”, “thưa” tìm lối đi riêng. Sức nóng đô thị hóa của mảnh đất này có lẽ chỉ vừa đủ để làm ấm những phố dài cổ kính. Bao nhiêu bon chen, bức bối đã có dòng Hương hạ nhiệt. Mỗi nhịp Tràng Tiền giữ một nhịp sống bình yên cho mỗi con tim người dân đất Cố đô. Đêm, tất cả lại yên lặng như một đêm ngày xưa của cánh đồng Châu Hóa. Bàn chân thiếu nữ men theo đập đá tìm đến những quán ăn bình dị. Tô bún hến thẫm màu bột ớt, không nước dùng mà ngọt ngào. Hình như món Huế không bao giờ để người khách tha hương thấy ngầy ngà. Chỉ vừa đủ ấm bụng, đủ thèm và đủ nhớ.
Rời Huế trong đêm ánh đèn còn ngái ngủ, đường Huế sạch trơn, gió hiu hiu se lạnh như lời tạ từ đầy ngỡ ngàng của người chủ nhà tiễn chân tân khách. Biển Lăng Cô bất ngờ phóng khoáng đến ngỡ ngàng. Biển đẹp đến mức người miền rừng khó tính nhất - chỉ ưa cảnh sắc núi đồi bản quán - cũng phải thốt lên:
- Là sông hay là hồ, là nước biếc trời pha hay lòng người bị bỏ bùa một cõi?
Sóng cứ thế lẫn vào từng mép cát thân quen như ngấn nước men chân ruộng. Ngày gió bão đâu thì không biết, nhưng hôm nay biển thật dịu hiền. Khuất nẻo hầm Hải Vân hẹn sớm mai gặp lại Lăng Cô nhé. Hội An bề ngoài như muôn vàn thị xã tỉnh lẻ. Những công sở, hàng quán, xe cộ không để lộ ra chút gì bí ẩn. Nhưng, thật lạ, dường như tất cả chỉ cao vừa tầm, rộng vừa đủ để nhường lại cho nét cổ xưa thấp thoáng sau những chiếc đèn lồng. Nắng tháng tư xứ Bắc mới hanh vàng như múi cam. Trời xứ Quảng nắng đã chói chang hoa mắt. Từng dãy nhà của người Minh Hương xưa còn đây như không hề biết tuổi: Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu. Cái chất Trung Hoa trong từng nét gỗ hình như đã bị cái thâm trầm xứ Quảng chế ngự mà chân phác đi nhiều. Cánh cửa gỗ thâm nghiêm phải nhún nhường cho sự hào phóng của văn hoá phương Nam đón bàn chân khách tứ phương quanh chiếc bàn trà. Phố Hội một thuở, hồn thương nhân muôn kiếp như còn phảng phất đâu đây quanh những ghế đôn, gác mái, từng bậu cửa, lối mòn. Điểm đến xa nhất của miền Trung mà đoàn chúng tôi có mặt là đây. Đường về khuất nẻo, lòng người miền núi đã nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Đất nước mình một dải trên tấm hoạ đồ mà mênh mang sóng nước. Đâu đâu cũng xóm thôn làng mạc dựa vào nhau mà chắt chiu văn hoá. Con tép, con tôm bé mọn dưới làn nước Hương giang làm thành vị mắm rất Huế, chấm với lát măng đắng miền Tây Bắc chợt thấy đậm đà, hợp vị lạ thường. Xa cách mà gần gũi, không hẹn mà nên bởi đó là cái duyên tương phùng của dân tộc Việt. Thế mới là nước Nam mình. Một lần theo chân cô thôn nữ đồng rừng về miền cát trắng hay một lần phiêu diêu, đắm mình qua những miền văn hoá. Có lẽ cả hai!