Ngày còn bé, ai đó nói với tôi: Con người được sinh ra từ cát bụi nên sẽ trở về với cát bụi. Tôi nghĩ nó trong những cuốn sách bởi mỗi ngày hai buổi sớm chiều, chỉ thấy người dân quê tôi đi về lầm lũi. Cái ách trên cổ trâu, cán cuốc, ngón tay xe sợi chỉ của bà đều nhẵn thín, mòn vẹt tháng năm.
Lớn lên, tôi lại chung sống với những thứ sinh ra từ bụi. Cái áo giũ hạt nắng trước một ngày làm việc, bát nước chè xanh cáu cạnh lạo xạo bụi đường, hớp chút hồn vía nước mây thoát một cơn khát, thiếu bụi cứ thấy giả tạo thế nào đó. Sống giữa nơi phố xá này, đến cả lời nói yêu thương trao cho nhau thấy rằm rặm mới dám tin.
Chừng ấy năm, cũng đôi lúc tôi nhớ đến hạt bụi một thuở rồi tự mỉa mai: hóa ra cát bụi là thứ không bị làm nhái. Suốt những năm tháng tôi lớn lên, hy vọng và thất vọng thay nhau đắp đổi nhưng cát bụi vẫn chừng đó. Nhiều lần định vân vê suy ngẫm thì bụi đã tuột khỏi tay, bụi siêu thoát vào khoảng vô cùng. Có lúc, tôi đuổi theo những dự định rồi kết cục là, đến cả hạt bụi cuốn theo những công trình xây dựng tôi cũng không với được. Có lúc, ngồi lặng yên sau cửa sổ nhớ nhà, có hạt bụi lạc lên tầng cao ốc, tôi chỉ muốn vớt bụi ra khỏi đôi mắt của mình, kẻo bụi làm đục ngầu cả bầu trời bé vụn riêng tư ấy.
Rồi một ngày, như bước sang một ngả rẽ khác, tôi lại được cắp sách đến trường, lững thững nhìn cái cổng rộng tưởng như không bao giờ bước chân vào. Học được vài bữa, tôi nhận ra trăm thứ giắt lưng của tôi lâu nay cũng vụn vặt như những vụn bánh mì, nhào nặn mãi trong đầu không thành một thứ gì hữu ích. Tần ngần trước hàng sách cũ bên hè phố, tôi đi vào cõi sách bụi.
Nhẹ tênh, đấy là cái giá tiền mà tôi nghe bà bán sách nhắc đến. Bà thuộc tên từng cuốn, nói oang oang từng tên tác giả, tóm tắt cả nội dung. Ừ, nhưng bà chẳng nghĩ gì về chúng. Tôi đọc ngấu nghiến, trang nào bụi cũng túa ra, bạn tôi bảo sách hàng chợ ế lâu, xào lại từ những cuốn gốc. Tôi cứ thế vừa lau vừa đọc, bụi bám lên áo và lên mặt, không hề gì, tôi thấm đẫm bụi từ lâu, đi học cũng chỉ nhăm nhăm có cái bằng tại chức kiếm miếng cơm to hơn làm công nhân.
Nhưng rồi từng ngày, những ý nghĩ bấy lâu của tôi như mủn ra trước cả những trang sách cũ ấy. Đó là nếp nghĩ đã trơn tru như cái cán cuốc đẫm mồ hôi tay bao người dân làng tôi. Tôi bắt đầu tìm cách nhào nặn những vụn vặt đó thành một mảng khối.
Bắt đầu là sự thắc mắc, khó chịu rồi phản đối lại một điều gì đó mà người thầy giáo già đã nói. Mắt ông lóe lên một tia sáng như hạt bụi của hy vọng rồi xa xẩn. Chắc vì sách tôi đọc chưa là bao, chưa thủng sách nhưng đã vội vàng chán đọc và thích kể về nó nhiều hơn. Rồi tôi bình tĩnh trở lại bằng sự bướng bỉnh của tôi, như dồn tụ lại trong một mớ chữ tôi viết. Đám chữ cứ tụ rồi tan, nhiều người bảo tôi thay đổi tính cách và suy nghĩ. Tôi viết văn, văn của tôi đơn giản nhưng dồn ứ đầu ngòi bút làm đôi tay run run mỗi khi kỳ cạch trên tờ giấy trắng. Tôi nhớ đến phù sa quê tôi, cũng là thứ bụi theo thời gian của con nước dồn về để làng tôi mọc lên, có mái đình cong cong, có điệu hát, có nhiều người hiển đạt. Bụi ấy từ đâu, nào ai để tâm, bụi của sự cũ kỹ, của sự bào mòn hay bụi của lắng đọng. Chỉ biết rằng, khi tôi đọc sách, tôi thấy cát bụi hư không như đang bay lượn quanh tôi. Sách dạy cho tôi một điều, sống để biết mình nhỏ bé nhưng không tan loãng giữa cuộc đời này.