Dù ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có những phong tục Tết độc đáo riêng nhưng Tết không thể thiếu những loài hoa, hoa đào Tây Bắc là một vẻ đẹp riêng như thế. Vẻ đẹp của trời đất ban tặng, của lòng người hồ hởi đắm say và sắc hoa như một lời nhắn gửi của miền đất luôn mang vẻ đẹp níu chân du khách.
Từ những ngày cuối đông, du khách đã thấy háo hức hỏi thăm nhau cữ nào hoa đào, hoa mận sẽ nở. Cũng phải thôi, từ những thân cây khẳng khiu, mỗi lần đi qua chỉ thấy những cành khô mốc, cả một vùng núi đồi u ám. Trong gió lạnh, lá khô xào xạc, tưởng như mùa đông và cái lạnh sẽ mãi ngự trị ở vùng đất này.
Bắt đầu từ những ngày sương còn nặng, gió còn thôi tê buốt mọi cánh rừng, bàn chân của những người đi nương bị khô nẻ như đất đai ngày hạn. Sương gió cũng thấm sâu vào từng kẽ đá, vào lớp vỏ đào. Nhưng có lẽ, chính nhờ lớp vỏ mềm, xanh đậm tuy mỏng nhưng bền chắc như tấm áo che chở mà nguồn nhựa vẫn vẹn nguyên trong lớp vỏ khô cằn.
Gặp một cơn gió mang sinh khí mùa xuân, kỳ diệu thay, lớp vỏ ấy lại nhú lên những lộc xuân chúm chím, xanh biếc, lộc và nụ cùng tạo nên một giai điệu xanh trên cành đào. Dù là người bản địa cũng ít khi nhận ra bông hoa đào đầu tiên hé nụ, hoa đào như một điều bí mật được giấu kín cứ e ấp nở trong sương gió. Ở những vùng núi cao, bên những ngôi nhà sàn đơn sơ của người Mường, người Thái, ngôi nhà gỗ nhỏ của người Mông, người Dao, ngoài bếp lửa hồng nơi nấu nướng, ta nhận ra mọi vật rất đơn sơ, đông về, cảm giác ấy lại thêm rợn ngợp.
Vậy mà, khi những nụ hoa đào bung nở, người miền non cao như cũng được “mở mày mở mặt”, cảnh sắc núi rừng sang trọng vô cùng. Ai có thể vẽ nên bức tranh rộng lớn ấy, ai có thể tô điểm bằng cách trồng cấy màu hoa ấy khắp non cao vực sâu? Chỉ có mùa xuân, những trái đào chín được chim muông, gió mưa đưa đẩy tạo nên những cây đào mới. Cứ thế rừng đào nối nhau qua các bản làng, các tỉnh miền Tây Bắc tạo nên sắc xuân cho cả miền đất này.
Tôi nhớ có một mùa xuân cách đây hơn hai mươi năm, khi tôi xuôi về đồng bằng đúng độ hoa đào chớm nở. Trong cửa xe ô tô, tôi cứ ngóng mãi, một rồi hai ngày đường mới thấy hoa đào kết thúc ở những Mai Châu, Thung Khe rồi lại hiện ra ở những nơi con đường 6 đi qua dưới Hòa Bình và chỉ thực sự kết thúc khi về đến đất Hà Tây (cũ). Hoa đào tiễn tôi về xuôi, rưng rưng tiễn biệt bằng những cánh đào phai trong gió cuối đông, mùa xuân ấy tôi không được ăn một cái Tết trọn vẹn dưới rừng hoa mênh mông đẹp diệu kỳ và tinh khôi trong nắng xuân.
Hôm nay về lại mảnh đất thân quen, lại gặp hoa đào nở, đào phai với những thân cành rêu mốc, đón đợi gió xuân, hứng trọn mưa dầm, nắng gắt, sương muối bao năm tháng. Hoa đào bây giờ về đồng bằng được cấy ghép, ép nở đúng vụ, được uốn cành hình rồng, phượng, thế, cảnh. Hoa đào Tây Bắc lâu nay vốn chỉ hướng đến mặt trời, dẻo dai trong gió bão, giờ phải khom mình trong chậu hoa mới thấy thật tội nghiệp biết chừng nào. Có khi, những gốc đào già bị đốn hạ, bị bứng trọn cả gốc về trồng trong những chậu lớn. Hết Tết, cây khô cằn lại được chăm thuốc về hồi sức trong vườn để xuân sau lại được bứng vào chậu đến với những nhà cao cửa rộng. Cứ thế, hoa đào bị tước mất cuộc đời tiêu dao phóng túng với gió sương, hoa cũng nhạt dần theo năm tháng. Giờ đây, hoa đào Tây Bắc cũng không còn nhiều như trước nhưng vẫn còn đó sắc hoa hồng phai, một gam màu rất đặc trưng, màu của sự mới mẻ, không lòe loẹt nhưng cũng đủ đắm say, tha thiết. Hoa đào cứ thế chạy dọc những miền đất mà xe chúng tôi qua, đưa chân chúng tôi đến các mái nhà, bếp lửa ấm cúng. Ngồi trong cửa voóng nhà sàn, hoa vẫn ghé vào như nụ cười mùa xuân tươi tắn.
Tết hoa đào, hoa của mùa xuân, hoa như tin xuân báo một năm mới mưa thuận gió hòa với người dân vùng non cao. Hoa như người con gái đang độ xuân thì với tình yêu và những khát khao hạnh phúc. Sau bao gian lao vất vả, tâm hồn người Tây Bắc như hòa quện vào sắc hoa hồ hởi đón xuân về. Cứ thế, mỗi mùa hoa đào góp thêm một tuổi cho ta, một dấu ấn khó quên trong suốt cuộc đời mình được khắc ghi bằng màu hoa ấy.