Theo lời mời của người bạn họa sĩ, tôi lại ngược đèo lên Tây Bắc. Những quả đồi xanh tươi, vạt rừng bên đường vắng giờ không còn lảnh lót tiếng chim như mươi năm trước. Có phải những âm thanh của rừng núi đã vắng lặng hay con người thực sự đã quay lưng lại với thanh âm diệu kỳ vỗ về cha ông từ thuở lên miền Tây vỡ đất khỏi ngã lòng trước rừng thiêng, nước độc.
Ngày bé tôi còn nhớ có những bụi tre rậm rạp, những đồi sắn, rừng lát xanh tít tắp. Trong con mắt bé thơ mỗi mảng màu xanh ấy có thanh âm và màu sắc riêng. Ngọn tre vút cao là tiếng chào mào lảnh lót, vườn mía nhập nhòa trong sương sớm bởi tiếng chòe than, rừng lát yên ả bởi tiếng chim khướu ban trưa… Tiếng chim điểm khắc cho tháng ngày của đời sống nông nghiệp, là tiếng nói của mỗi khu rừng. Người công nhân nông trường trần lưng cuốc đất đồi đưa tay quệt dòng mồ hôi trên mặt ngước nhìn tiếng chào mào trong veo trên ngọn cao như uống từng giọt nước suối trong mát mà quên đi lời than cực nhọc. Tụi trẻ con đến trường học có tiếng chòe than, chòe lửa đưa lối, mải theo tiếng chim mà quên mất đường xa, gió lạnh. Có một thời người ta sống bằng sự thăng bằng, sâu thẳm của hồn thiên nhiên qua những tiếng chim trời. Thứ chẳng của riêng ai và dành cho tất cả.
Mười năm sau, người bạn đất nông trường xưa giờ đã thành trụ cột của một gia đình nhỏ. Căn hộ xinh xắn như một tổ chim nhỏ đủ giúp người họa sĩ vẽ và mơ nốt những giấc mơ dang dở. Ngày trước, anh có thể bắt giọng từng loài chim, vẽ lại trong trang vở học trò những cánh chim đủ màu sắc. Giờ ngoài ban công cũng lủng liểng mấy lồng chim quý nhưng mắt người con trai miền đồi đã đượm buồn. Trong đáy mắt như thoáng một cánh chim chiều lạc lối. Anh trầm tư kể:
- Thực ra tôi chỉ muốn nghe tiếng chim trời, nhưng vì nhiều sự éo le, cực chẳng đã mới phải chơi chim lồng cá chậu…
Anh kể, một lần đang mải mê bên giá vẽ về những cánh chim trời bỗng anh nghe tiếng chim kêu thảm thiết trên sân thượng. Sao mà linh nghiệm thế. Thương cánh chim sáo sổ lồng trúng đạn súng cao su, anh đem về chăm sóc. Sau nhiều tháng chú sáo cứ ngúc ngắc cái chân, anh thì ngập ngừng không nỡ mở cửa lồng lần nữa. Biết là chỉ về với đại ngàn nó mới tìm được thứ thuốc chữa lành đôi chân. Nhưng, chỉ sợ chưa kịp về với rừng lại bị trúng thương hay bị bắt vào lồng sắt của lái buôn ngoài chợ.
Có lần, về một chợ chim dưới đồng bằng, anh như bị bủa vây bởi trăm ngàn cái lồng chim với những tiếng hót, tiếng kêu than inh ỏi. Nhưng điều làm anh choáng váng nhất là những đôi mắt bé nhỏ trong như chấm nước mưa trên kẽ lá lấp ló sau những song lồng sắt. Anh lo sợ và tìm kiếm, liệu con sáo mà đứa con trai vô ý để quên cửa lồng để nó bay đi có bị lạc vào chốn này không. Một kiếp chim trời ngao du bốn biển mà có lúc sa cơ cũng tủi lắm chứ. Thế là anh cố gắng tìm đường thoát khỏi khu chợ đó như một kẻ có lỗi. Anh muốn thoát khỏi một đôi mắt chim muông hận thù vô hình nào đó đang nhìn mình trong ngàn vạn tiếng hót bị giam cầm kia.
Lại một lần khác anh bỏ ra không ít tiền chỉ để mua lại một chú chim mồi xơ xác trong chiếc lồng bẫy bé nhỏ và cáu bẩn. Anh bảo suốt những năm tuổi thơ đã chứng kiến những kiếp chim mồi bị giam cầm trong khoảng lồng chật hẹp, nhảy nhót để đánh lừa chính đồng loại mình rơi vào bẫy. Chú chim nghe tiếng hót tự do bên ngoài nên thích thú nhảy nhót hay đang lồng lộn cố gửi một lời báo hiệu cho đồng loại hãy tỉnh ra mà tránh xa cạm bẫy của loài người. Còn ngoài kia, những cánh chim tự do lại lầm tưởng đấy là sự mời gọi, thách thức mà sa chân vào chốn ấy. Anh quyết mua chú chim đó để chăm bẵm, tắm táp cho lông chú mọc lại, để chấm dứt một bi kịch muôn đời của những tiếng hót mua vui cho con người.
Khi rượu đã cạn, nhìn bóng chiều nhòe trong đáy cốc anh mới buông một lời gan ruột:
- Từ thuở bé tôi đã mê tiếng hót các loài chim. Nhưng là tiếng hót của chim trời có cái bao la của trời xanh, tít tắp của đồng lúa thấm vào trong đó. Nhưng bạn biết đấy, giờ tiếng chim trời bị nhốt vào những chiếc lồng sắt cả rồi. Rừng núi giờ hoang vắng và buồn tẻ. - Ngập ngừng một lát rồi anh tiếp - Chỉ ước gì có một phép màu nào đó để ngàn vạn chú chim kia được sổ lồng thì chỉ một năm, một năm thôi, núi rừng sẽ đầy ắp tiếng chim non tơ và đầy sức sống.
Phải chăng, khi con người cố giam cầm tiếng hót ấy để riêng mình được tận hưởng, để kiếm tìm sự thanh thản sau những căng thẳng lo toan thì chúng ta đâu biết ta đang tiến dần đến sự tàn khốc. Biết bao giờ ta mới nhận ra phải làm và nên làm một điều thật xưa cũ mà mới mẻ: Phải trả những tiếng chim trời về với trời xanh.