Cô bạn học cùng phổ thông, giờ làm giáo viên chuyên dạy trẻ gặp vấn đề về phát triển dặn là anh phải cho con được sống đúng với lứa tuổi của mình. Thế là giật mình nghĩ lại cái thời nghịch ngợm, lấm lem ngày xưa vội hoảng hốt chạy xe đưa con ra ngoại ô.
Mùa này, vùng quê kề cận bên thành phố đã yên ả lúa xanh, ngô biếc cùng những con đường mới mở ngổn ngang ống cống, và những tấm biển hạn chế tốc độ. Mé bờ sông là những bãi khai thác cát tấp nập xà lan. Dường như mọi thứ đều có quy hoạch, tính toán, toát lên vẻ nghiêm nghị và thưa dần những thứ vu vơ, bông đùa. Tìm mãi mới thấy một đống cát bỏ hoang giữa mênh mông cỏ dại.
Thế là, sau mấy chục năm trời, lại được ùa vào cát để bàn chân mình lún dần, cát níu chân, ram ráp da thịt. Ngoảnh lại, thấy con vẫn đứng chôn chân, mắt vô cảm, lạnh lùng trước một cám dỗ muôn đời của tuổi thơ. Dường như với con, cái thứ xa lạ đang cuốn lấy cha kia chỉ là một ảo giác, một sự phù phiếm chăng? Mặc cát rằm rặm trên da, động viên mãi, con cũng chỉ bước vài bước chân miễn cưỡng chứ không ham hố như lúc chơi thú nhún hay nhảy tâng trên sô-pha mà chợt thấy lòng chua xót.
Lẽ nào, mới có bấy nhiêu năm đã xa cách hai thế hệ. Hay chúng ta có một cuộc sống bất thường trên những giá trị tốt đẹp, tiên tiến sao. Một căn nhà mà từ cánh cổng, thiết kế, gạch ốp lát, nội thất… đều sang trọng, hoàn hảo với con người, là “bộ mặt” sang chảnh của doanh nhân, văn nhân, trí thức… Nào là muôn vàn tri thức về vệ sinh, khoa học với bao công nghệ làm sạch, khử độc và vô số chất tẩy rửa theo kèm; nào những chiến lược đào tạo nhân tài… Nhưng ta vẫn “bỏ con” giữa cái “chợ” rối mù, tạp nham ấy. Bởi, ngôi nhà ấy nào đâu có chỗ thực sự cho trẻ chơi đùa, nghịch ngợm, bôi bẩn. Cái cổng nào cho chúng đánh đu, đùa cợt với chúng bạn hàng xóm, nào đôi tay lấm lem tự nặn ra những biểu tượng của tâm hồn như một sự cảm nhận về cuộc đời, nào những trò chơi bổ ích cho tư duy, não bộ chứ không phải thứ người lớn nhồi sọ… Con ta vẫn cô đơn, vẫn “đói” giữa tuổi thơ ngập ngụa sự đầu tư tiền bạc của người lớn.
Nhớ lại, đã bao lần ngó qua các trang báo, nhìn trên ti vi hay ngồi tâm sự với bạn bè, mọi người đều hoang mang, lo ngại trước sự dã man, vô cảm của lũ trẻ trước người thân, trước nỗi đau đồng loại.
Bất giác, chợt thấy cát xót dưới chân như tứa máu hay từng hạt cát đang cứa vào tim như sự trả giá ngọt ngào cho sự vô tâm bấy lâu phó mặc cho công nghệ. Nhìn nắm cát tuột qua kẽ tay con, bàn tay bé bỏng ngơ ngác, bất lực trước vật vô tri bé nhỏ mà thấy mình còn được an ủi phần nào. Mai đây, biết đâu những hạt cát bé nhỏ ấy sẽ dạy cho ý nghĩ của con khôn lên, con nào hay cuộc đời bắt đầu từ những trò vui tưởng như vô vị đó.
Ngẫm ra, cái trò chơi quen thuộc, bình thường của ngày thơ bé giờ lại thành một cách để cứu rỗi tuổi thơ của con mình. Nhớ ngày xưa từng bị cha mẹ đánh đòn vì mải nghịch ngợm mà quần áo dơ bẩn, tốn xà phòng… Còn giờ mình đang cố dạy cho con mình được lấm lem, được dơ bẩn áo quần nhưng có một tâm hồn trong sáng hơn tất thảy những game bạo lực, trước căn bệnh tự kỷ đang đe dọa bao đứa trẻ. Phải chăng, nghịch cát và rất nhiều trò nô đùa khác mới là con đường nghiêm túc nhất để trẻ hoàn thiện về tư duy và nhân cách như cách chúng ta đã trưởng thành. Một câu chuyện cũ nhưng lại rất mới trong cuộc sống hôm nay.