Đã từ rất lâu, tôi được nghe một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) bảo: Một nhánh người Dao Tiền đã vượt sang bờ này sông Đà, định cư ở Thung Rếch. Thế mà mãi tận mùa xuân nay mới được ngược lên miền đất này. Một vùng đất mà đến cái tên cũng đã gợi vẻ nguyên sơ, hứa hẹn những vẻ đẹp chưa bị phai nhạt bởi cuộc sống hiện đại.
Xe chúng tôi lao nhanh trên tỉnh lộ 12B của đất mường cổ Kim Bôi, anh lái xe vẫn còn phân vân. Cũng phải, qua dốc Cun là đã vào sâu đất Mường. Ở vùng Mường gốc này ngữ âm, phong tục đã khác xa các vùng Mường ngoài, vậy thì sao lại đi tìm người Dao chứ, họ “Nam tiến” sâu lắm cũng mới ở trên mạn Bắc sông Đà cơ mà. Câu hỏi đó cứ mênh mang trong đầu tôi như bước chân “quá hải” của người Dao xưa vượt qua Vịnh Bắc Bộ mà vào đất Hoành Bồ xưa, hay khi họ vượt bến Thung Nai vào tới xứ Mường Động này.
Qua Tú Sơn, địa danh có cửu thác với khu du lịch nổi tiếng, xe chúng tôi giờ mới ngược lên Thung Rếch. Con đường nhỏ đã trải bê tông dẫn thẳng lên núi, anh tài xế phải liên tục bấm còi sợ gặp xe đi ngược khuất tầm nhìn. Ở đây sương mù đậm, những bông hoa xuyến chi, cây bông hôi nở dọc hai bên đường như một khu căn cứ kháng chiến xưa. Một bác đi cùng đoàn bảo, cách đây bốn mươi năm, bác đã từng qua đây, khi ấy làm gì đã có con đường này, bác phải trèo qua những mỏm đá để vào nơi này, núi rừng còn âm u hoang vắng lắm. Lúc này, tôi mới thấy có cảm giác về một không gian núi đồi của những bản người Dao thật.
Xe lên tới hết con dốc là thấy trời quang, hửng sáng hơn. Thật lạ, mải miết bám cua lên cao thế, ai ngờ lại như vừa chui xuống một cái thung sâu mà ngước nhìn lên. Trên kia là sương khói phủ kín những đỉnh núi, dưới này là mướt mát của cây lá rì rào trong gió xuân, cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Ở đây chỉ thấy mía xanh ngắt một màu, những thân mía vàng óng ả trong gió đọng từng giọt mật đất đồi. Chỉ ra Giêng, mía sẽ được ùn ùn chở về các nhà máy. Cũng lạ, dường như ở nơi cao vời này, ngày ngày mặt trời thức dậy muộn hơn, những tia nắng, sự ấm áp đến muộn hơn, trong khi phải đón hạt mưa, cơn gió lạnh trước đồng bằng, bởi thế mà thiên nhiên đã bù đắp cho Thung Rếch mùa xuân đến sớm. Thảo nào khi ngoảnh lại, đã thấy cây đào thưa lá đầu ngõ của bà con người Dao đã trổ hoa. Ở đây tuy cao nhưng không phải vùng đồi nên xung quanh những căn nhà gỗ là những đụn lõi ngô dùng làm chất đốt, những căn nhà ở đây được làm từ những cây gỗ quý mà khi mới chuyển về đây bà con đã xẻ ra thưng ván chắn gió núi, mưa rừng.
Theo những gì tôi biết thì những xóm người Dao ở đây thuộc một nhánh của đồng bào Dao Tiền từ bờ bên kia sông Đà vượt qua bến Thung Nai rồi ngược lên đây. Bước vào căn nhà gỗ của một gia đình, cuộc sống của bà con nơi đây đã có phần khá giả nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa riêng. Tình cờ, ngước lên tường nhà, xà nhà, tôi bắt gặp những nét vẽ mộc mạc của cách bài trí của thập niên 80 của thế kỷ trước. Vẫn là hình ảnh những cuốn thư đón xuân với khẩu hiệu như “Tổ quốc phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, hình ảnh đôi bồ câu và những chiếc đèn lồng… tất cả gợi nhớ ký ức về một thời xưa khi chưa dâng nước lòng hồ sông Đà. Ở đây, không có hang động, cảnh quan gì nổi bật nhưng chính vẻ đẹp hoang sơ lại là một sức hút. Dù chỉ thuộc một nhánh Dao Tiền nhưng bà con ở đây vẫn duy trì nghi thức Tết nhảy gợi lại hành trình vượt biển từ đảo Hải Nam, qua Vịnh Bắc Bộ vào vùng biển Quảng Ninh ở thế kỷ thứ mười ba. Những trận bão tố, đói khát và sự kiên cường bất khuất của cha ông đã được mô phỏng lại một cách sinh động như một sự tái hiện vừa chân thực vừa mĩ lệ. Được biết, mỗi năm ở đây thường có một vài gia đình sẽ tiến hành nghi lễ này. Được chứng dự một cái Tết nhảy của đồng bào Dao sẽ là điều may mắn với mỗi du khách.
Men rượu ngô đã lâng lâng, bước ra sân vẫn thấy màn mưa bụi bay trong một chiều áp Tết, dường như vẫn còn nhiều câu chuyện hay vẫn còn ấn giấu nơi Thung Rếch hoang sơ được ví như đặc khu mía đường đem đến vị ngọt cho cuộc đời. Hẳn là, mấy hôm nữa khi bước sang năm mới, trong những ngôi nhà gỗ sẽ vang lên tiếng cười vui chúc mừng may mắn, hạnh phúc. Trên những con đường, bên cạnh màu xanh ngút ngát của ngô, của mía là màu đỏ sắc đào tô thắm cho một vùng thung đậm sắc xuân này. Thung Rếch, hẹn một ngày trở lại!