Tôi sinh ra ở vùng núi đồi trùng điệp, sương giăng, mưa núi, cây cối um tùm. Sau này có đôi lần tôi thấy những gì hao hao giống quê mình trong những bức tranh phong cảnh được bày bán cho khách du lịch nước ngoài. Vậy mà ngày đó tôi chả nghĩ ra, hay nói đúng hơn là chẳng có bao giờ kịp nghĩ, thời gian là những cái hạt, cái mầm, hòa vào không gian đất đai giữa đất trời mây, gió.
Nhưng bữa nay mở cánh cửa phòng ra tôi mới thấy nắng xuân đẹp thật. Căn phòng của tôi như một tâm hồn cũ kỹ với những thứ hoa giả, quạt sưởi, len, dạ… tất tật những cái ấp ủ, níu giữ một quá khứ mùa màng xanh tươi giờ đã khô héo. Trang viết của tôi cũng nghèo nàn bởi quanh quẩn dăm ba bông hoa đào, cánh én, hội làng… ép xác từ sách vở, ký ức giờ cũng đang thẹn thùng trước nắng.
Không còn một tấc đất để gieo trồng giữa phố xá, tôi mới thấy nắng nôi cũng lãng mạn, diệu kỳ chứ đâu chỉ là thứ để diệt sâu bệnh và cho cây tốt tươi. Nắng - mưa đâu có phải là cái nhịp đất trời thôi thúc mùa vụ. Người ta đi dạo dưới nắng, trổ những ô cửa sổ giữa vách tường chật hẹp để gọi nắng, trải những con đường nhựa phẳng phiu đón nắng… Bên vỉa hè, những ly cà phê đen dưới nắng, những bản nhạc trữ tình sâu lắng. Người ta đang tiếc nuối một nhạc sĩ vừa nhắm mắt, xuôi tay giữa mùa xuân, nắng xuân chắc đã nằm lại phía bên kia hàng mi, bất lực không đánh thức được một tâm hồn đã về phía bên kia đầy bóng tối. Bài hát còn ngân lên: “Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm/ Mùa xuân hái nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng” (Lời tỏ tình của mùa xuân - Thanh Tùng).
Nắng xuân gọi tôi đi tiếp. Giữa cái hồ nước mênh mang kia, một người đàn ông đang buông lưới. Mùa xuân, những ngón tay đen đúa của ông như chẳng thể nào gỡ được những mắt lưới bện sương, nắng từ những giọt nước bắt tung lên không trung. Mùa này cá đâu đã sinh sản, béo núc? Họa hoằn lắm người ta cũng chỉ buông câu, tôi mang cái thắc mắc ấy đi hỏi một ông cụ đang ngồi trên ghế đá ven hồ. Ông chỉ cười, ánh mắt như có tia sáng lóe ra từ chân trời, thả lưới bắt gì ư? Nắng xuân!
Nắng lên, những tiếng chim như mọc ra từ kẽ lá. Ở đây không phải miền rừng nên chỉ có tiếng chiu chít chứ đâu phải tiếng hót véo von cao vời trời xanh. Vậy mà chiều về, đã thấy những tiếng hót ấy hóa thành tiếng kêu chiêm chiếp lo âu trong những chiếc lồng của mấy anh đánh bẫy chim. Tôi cầm lòng bước qua, một chiếc lồng nan tre, có biết bao ánh mắt bé xíu đang soi vào tâm hồn tôi như lời cật vấn: Vì nắng xuân gọi chúng tôi đây?
Đâu đó, vẫn còn chút rét mướt ngày đông nương náu, ranh giới bốn mùa của xứ Bắc vẫn chưa rành rẽ trên sông núi. Trên ô cửa sổ đối diện với nhà tôi, một chàng trai đang ôm đàn say sưa hát một khúc xuân, ừ thì “nắng có còn xuân”. Phía ấy hình như là phía quê cậu ta, nơi có những dải đồi nằm thiêm thiếp dưới nắng. Mùa xuân mới là lộc, là nụ, biết đến bao giờ kết trái, đơm bông, tôi cất một câu thơ mỏng manh như cánh hoa vào túi áo mà vẫn thấy câu thơ ấy bay trên những cánh đồng, sông suối, non cao. Hay câu thơ cũng đã nhập vào nắng xuân tự lúc nào.