Kể ra, lần cuối cùng mẹ gọi điện giục tôi về bỏ ngô ở quả đồi sau nhà cũng đã ba năm. Ba năm ấy đã có bao nhiêu vụ ngô gối nhau xanh mướt mà vai áo cha mẹ tôi vẫn cứ bạc phơ bạc phếch chưa một lần tươi mới lại. Đồng này thuốc thang cho bà nội qua trận ốm, đồng kia góp vào bát cơm cho đứa cháu còm nhom miếng thịt, con cá. Dẫu có ngàn quả đồi như thế cũng chẳng đủ để cha mẹ tôi san sẻ tình thương cho con, cháu của mình.
Nhưng ba năm ấy, ba tháng Giêng cây cối ứ nhựa, mầm xanh nứt vỏ hạt khô chỉ chờ được bàn tay người chăm sóc để bung ra xanh mướt thì bàn tay tôi lại co ro trong túi áo, cóng lạnh trong găng tay khi lang thang qua nhiều con phố lạnh. Nhiều lúc tôi vẫn thèm bắp ngô nướng dẻo thơm, gói xôi ngô ngọt mềm nhưng tháng Giêng của tôi là những vắng lặng, chệch choạc của nhịp sống trở lại sau mấy ngày Tết. Các cụ ta bảo: “Phi thương mới bất phú, phi nông bất ổn” cũng chẳng sai.
Tháng Giêng, tôi gặp những cành đào mốc đổ gục bên đống rác. Chúng có tán rộng đến mấy cũng chỉ mang phận cành. Bị chặt đến sát gốc, cành vạm vỡ như bắp tay, cổ chân mà cũng chỉ để thưởng xuân vài ba ngày thì hoài phí quá. Chẳng biết trong mấy ngày ấy có bữa nào chủ khách cùng ngồi bên ấm trà mạn, cùng thưởng hoa hay cả cái Tết người ta mải quay cuồng với những bữa nhậu say bí tỉ, với những lời chúc tụng sáo rỗng, chỉ có lộc xuân đang thốt ra nghèn nghẹn trên cành. Tôi biết nếu gieo một hạt đào, phải mất đến mấy năm cây mới to khỏe được như thế. Trong khi giờ này, hoa mận, hoa mơ cùng lứa khéo đã kết thành quả non bé xíu vậy mà những gốc đào trên núi cao còn đang thâm nhựa từng vết cắt, chẳng biết năm sau có kịp nảy cành.
Tháng Giêng này, tôi đi du xuân trên những nắng ấm và tiếng trống hội ở các làng quê Bắc Bộ. Vậy mà nhìn xuống ruộng, mạ đã héo úa từ đợt sương tuyết lạnh giá vừa rồi. Dường như người ta tạm gác lại để vui Tết, hay còn lo sợ những đợt rét đậm ập đến hay vì cây lúa bây giờ không còn là chuyện sống còn của người dân quê? Tôi thấy mầm mạ cũng là lộc, là nụ, hoa lúa (đòng) còn ấm bụng hơn hoa đào, hoa mai thế mà chẳng mấy ai đoái hoài. Lân la hỏi ra mới biết, mùa này chẳng phải nhà nào trong làng tôi dám cấy lúa vì cuối vụ hạch toán lại may thì hòa vốn, chưa kể đến thiên tai thất bát. Hóa ra, người quê giờ dám cấy lúa cũng là chịu chơi chả kém gì người ngoài phố tậu đào, quất bạc triệu chơi Tết.
Tháng Giêng này, tôi không được đặt bàn chân mình xuống nền đất ấm để cảm nhận được từng mầm cỏ đang đâm nhói dưới chân mình, chỉ thấy những phố xá cứ chạy dài mãi về ngoại ô. Hết Tết, tôi gặp một người đàn ông lặng lẽ xách những giò phong lan, thồ hoa cảnh, măng rừng vào phố bán. Trước Tết, tôi đã nhìn thấy anh ta còn bán đào thế, hoa cảnh gieo trong chậu. Tôi cũng biết, ở phía bên kia đường, người vợ của anh ta làm công nhân môi trường đang đẩy cái xe rác đầy ứ những đào quất, hoa cảnh héo rũ. Họ đi ngược chiều nhau, lặng lẽ trước mắt mọi người như hai vai diễn trên sân khấu cuộc đời. Họ thừa biết số phận của những cây cảnh kia ngắn ngủi nhưng cứ lơ đi để người ham chơi cả tin ư? Âu cũng vì lẽ mưu sinh.
Bất giác, tôi nhận ra bàn tay mình đã không còn giấu trong túi áo. Mặc cho cái lạnh sẽ làm những ngón tay tím tái, tôi đưa tay xuống nhặt một cây hoa đang héo rũ dẫu còn nguyên rễ. Chắc có người sẽ bảo tôi khờ trước mánh lới của mấy anh làm hoa cảnh vì đem nó về cũng đâu có sống được nhưng dường như nó cũng đủ làm tôi thấy thanh thản hơn. Chứ không, mùa xuân này tôi sẽ có được điều gì khi bàn tay không gieo hạt, không biết yêu thương những mầm lộc nhỏ bé nhất để tích tụ những gì nhân bản nhất trong cuộc đời này.