Nắng lên, người ta quên ngay những ngày mưa. Mưa xuống, ai còn nhớ con phố của mình từng lung linh dưới nắng. Nhiều người từng ngồi bên chén trà đầu phố mỗi độ thu về, ngắm cái cặp sách trĩu nặng sau lưng mấy đứa trẻ mà ngao ngán. Chẳng biết trong một ngày cũng có lúc nào chúng được nhìn mặt trời không, chứ đừng nói là ngắm trăng. Nhưng rồi, ngẫm ra, chính bản thân mình cũng chẳng thể nhớ ra thời khắc chuyển mùa giữa thời tiết biến đổi khí hậu này nữa. Mùa ở phố là một hỗn tạp của nóng và lạnh, khô khan và ngập lụt.
Con người ta lớn lên đâu chỉ bằng cơm gạo, sách vở và những lời khuyên bảo đã thành khuôn mẫu. Ai cũng cần có những chuyến đi xa bằng sự liều lĩnh ngây ngô và ngộ nhận. Họ bước đi trên những con đường đã mòn vẹt nhưng vẫn dẫm lên từng dấu chân nhau mà không hay. Đó là những tình yêu, hôn nhân, những đời ly thân… sau tất cả, họ trở về cái góc phố xưa lầm lũi, con ngõ đón họ bằng những cơn mưa nhạt nhòa. Năm tháng đi qua, đâu có phải lúc nào ta cũng nhận lại được những bài học của sự trải nghiệm.
Bên cuộc đời mỗi người vẫn luôn có một dòng sông đang chảy. Dòng trong xanh ấy cứ hết mình xuôi về biển, ắp đầy những giọt nước của rừng khiến người ta tưởng như sông vẫn đứng yên suốt bao năm tháng. Tôi đã từng ngắm xóm vạn chài mỗi độ thu về, thuyền và nước, sông và hồn tôi, bức tranh thủy mặc làm tôi an lòng đợi bình lặng, thời gian ngưng kết. Một thời hai mươi đã qua, tôi thấy mình vẫn mãi lặng câm bên bến sông như thế.
Ở cái tuổi sợi tóc nào trên mái đầu cũng muốn lấp lánh trong những đêm suy tư, cha tôi nhìn dòng sông và bảo: “Con biết không? Dòng sông của con chỉ là một khúc sông, một thời của sông, đâu đã nói lên điều gì”. Tôi lờ mờ hiểu ra, có lẽ người già hay lấy quá khứ làm khuôn thước, cái gì mất đi mới nguyên giá trị. Có đêm chúng tôi nằm dài trên sân thượng đón mưa sao băng, những khuôn mặt trẻ măng trong bóng đêm, mỗi đứa một chiếc điện thoại cầm tay mà như mỗi người đang ở một hoang đảo, dòng sông thì yên tĩnh lạ thường. Nghe thấy dưới nhà tiếng bố tôi húng hắng ho, chắc bố tôi vẫn thức. Đêm giao thừa đầu tiên thành phố bắn pháo hoa, những bông hoa ánh sáng như thông điệp của một miền đất đã kết thúc đói nghèo, ký ức những ngày mò cua, bắt ốc đã chìm sâu dưới những móng nhà cao tầng. Sáng hôm sau, ngày đầu tiên của năm mới, nhìn khuôn mặt cha, chúng tôi hiểu đêm ấy ông cũng thức để xem lũ trẻ sẽ còn phải lớn lên đến bao giờ. Bài học cuộc đời nhiều khi đâu phải đến từ những thứ lấp lánh ấy.
Rồi một ngày nghe tiếng sấm vang phía trời xa, những người trẻ tuổi lại tiếp tục lầm lũi lách bánh xe qua những điểm ùn tắc. Bao năm là vậy, đầu hạ hay cuối thu thì vẫn là dòng sông mỗi năm hai lần thay màu áo, mọi thứ dường như một vòng tròn lặp lại. Nhưng rồi, hôm ấy, người ta í ới nhau ngày mai con đập sẽ xả lũ. Lũ ở đâu về nhỉ? Không rõ. Có mấy ai lâu nay tìm hiểu về ngọn nguồn dòng sông đang chảy qua thành phố mình khởi thủy từ đâu? Thì cứ ngắm lũ đã, nhiều bạn trẻ đã ở thành phố này ngót chục năm bỗng giật mình nhận ra một điều đặc biệt. Những người già đã từng bơi chung với hổ qua sông Đà thì lặng lẽ nhìn dòng nước tung bọt trắng xóa. Sông lúc nào cũng lững lờ quen thuộc nhưng màu trắng tinh khôi ấy đi lâu quá, xa lâu quá. Nước sông Đà ngày nào còn đỏ ngầu dưới Thác Bờ mùa lũ như màu da trai tráng giờ trở về như mái tóc pha sương. Người ta ngắm lũ băng qua cửa xả nước mà nhớ thác ghềnh, hay vì sống lâu trong sự yên ả lại thèm một chút gì sôi động, dữ dội chăng? Đó là câu chuyện của những người còn trẻ. Với những người già ở bên dòng sông này, họ cần sông dạy cho con cháu một bài học tâm hồn.
Đời người sẽ chẳng có ý nghĩa gì dẫu dài miên man như dòng sông, đời đâu thể thiếu đi ghềnh thác. Mai này lại có những mùa thu khô hanh, những ngày “con sông không ốm mà gầy” như câu thơ của Phạm Công Trứ, nhưng bài học cuộc đời nào ta có thể lãng quên trong tâm trí mỗi người.