Tôi về nhà trong một cơn mưa dầm đầu đông. Ở phố phường mưa và nắng, bụi và bùn cũng chỉ từa tựa như nhau, nghĩa là vấn vít, dấp dính, khó chịu. Bước ra đường trong những ngày như thế, chỉ thấy thèm một cái lò sưởi, một món thật nóng, thật no, một cuốn truyện cổ tích Andersen, cổ tích Nhà anh em Grim, nghĩa là phiêu diêu khỏi cõi trời lẩn thẩn mưa gió này.
Vừa chùi giày xuống thảm, cảm giác bất ngờ đầu tiên là một đôi giày lấm bùn giấu trong góc cửa, một người lạ đang ngồi trong phòng khách trò chuyện với cha tôi. Hình như lâu lắm, từ khi về thành phố này, nhà tôi không có khách lạ như thế.
Đến bữa cơm thì chúng tôi nhận ra nhau là chả quen biết hay gặp nhau bao giờ nhưng lại từng được đặt chân lên những vùng đất đầy ắp kỷ niệm của nhau. Anh quê ở nơi khác nhưng lại được sinh ra ở quê gốc của ông bà tôi. Lớn lên, anh đến sống ở nơi tôi sinh ra sau khi tôi đã chuyển về sống ở thành phố này và vừa mới đến quê hương anh trong một chuyến công tác chưa lâu. Anh bảo, đã bảy năm nay chưa có dịp về thăm nhà. Thế đấy, chúng tôi đã thành những người thân quen sau khi chạy đi chạy lại trong một hình tam giác địa lý như thế.
Hình như ở nơi tôi sinh ra - Châu Thuận của tỉnh Sơn La cổ xưa, cuộc sống đã thay đổi quá nhiều. Tôi nghe anh nói về chuyện làm ăn kinh tế mà ngỡ như gặp một gã từ nước ngoài về chứ không phải ở nông thôn ra. Những câu chuyện cứ thế dẫn chúng tôi về cái mó nước chảy ra từ trong núi về trạm nước sạch, đến cái mảnh đồi đầy cỏ dại, cái hồ đầy vịt trời giờ thành khu nghỉ dưỡng… Thế rồi chẳng biết thế nào, trong phút cao hứng, anh rút từ dưới gầm bàn lên một bọc ni-lông to tướng. Ôi trời, toàn khoai sọ to như cái bát ăn cơm. Ờ khoai sọ Củ Cang đặc sản đấy, nếu mà người ta được ăn một lần, được mang về cho bà con láng giềng thì lại được suy tôn thành đặc sản của cả nước. Chúng tôi cùng cười, nhưng nụ cười mau tắt, cả hai đều lặng im, hình như nhớ cái vị bở của khoai sọ nghẹn nơi cuống họng, hình như ngậm ngùi nhớ một thời.
Ngày ấy, tôi còn bé lắm, lại càng nhỏ nhoi giữa bốn bề núi rừng Tây Bắc xa xôi. Sớm ra, ông mặt trời phải trèo qua những đỉnh núi người dân mới nhìn thấy mặt. Chiều về, ánh nắng vừa chênh chếch, mặt trời vừa quay lưng, núi sầm sập đóng cửa, buông màn, cả một vùng núi đồi đi ngủ sớm. Đường vào bản Củ Cang xa lắm. Tôi nhớ những ngày mưa rét, cha tôi vẫn lặn lội với chiếc xe đạp cũ, cái cặp da đã sờn, những cuốn sách đã quăn mép đến lớp dạy học. Cái lớp cắm bản, cái gian nhà tranh vách nứa chênh vênh sườn đồi, cái nhà mà lúc mưa lũ trâu bò hay trú ngụ… Nhưng dù mưa hay nắng, cha tôi vẫn đến lớp đều đặn, áo có thể ướt, nhưng chưa giọt mưa nào ướt được chiếc túi ni-lông đựng sách vở. Ngày đó ông chỉ có một mảnh ni-lông lành. Nhờ thế mà những con chữ luôn khô ráo, những con chữ luôn ấm áp như ngọn lửa ở nơi âm u, rét mướt này.
Thế rồi, trong một lần từ cái bản nhỏ ấy trở về, cha tôi mang theo những củ khoai, củ như chiếc bánh xe tròn có thể lăn được. Mới nhìn, ai cũng thấy nó đen đúa, nhưng khi luộc, chấm với đường, mùi vị không chỉ có thơm ngon mà đậm đà, cái hương vị đó không lẫn vào đâu được. Bữa ấy chúng tôi ăn thay cơm, nhiều bữa sau ăn thay cơm, từ ngon đến nghẹn, đến sợ. Nhưng, sợ nhất là phải nhìn vào đôi mắt cha mẹ, chúng tôi cứ gắng nuốt, cái vị thơm ngon không còn quyến rũ mà ám ảnh cả một thời tuổi thơ như thế. Miếng khoai nóng ran trong ruột qua mùa đông trong những năm đói đưa tôi đến trường.
Sau này, đọc các bài tản văn, thấy các tác giả hay viết về đặc sản quê hương, hình như với những gì mà ta yêu, ta gắn bó đều có thể trở thành món ăn nức tiếng, ký ức và kỷ niệm đã làm sang cho món đó. Cũng có khi, món ăn dân dã được tôn vinh sau vài chục năm chúng ta trót say mê với đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp của thời đại công nghiệp và nhận ra chúng chỉ là phù du. Với tôi, trong buổi tối mùa đông hôm nay, trong không gian ấm áp, chỉ đơn giản là cái hương vị đậm đà, thơm đến tận đáy lòng của một người xa quê, ít nhất là với hai chúng tôi, những người vừa gặp mặt đã thành quen. Anh bảo giờ đã có nhiều giống khoai mới len lỏi vào mảnh đất này và phát triển được. Khoai Củ Cang chắc sẽ không phải là loại cho năng suất cao, cái tên của nó có thể đã trở thành tên gọi chung cho một đống khoai hỗn độn, làm hoa mắt những du khách không sành về các nông sản nơi đây. Tôi chợt nghĩ, biết đâu, có thể ai đó sẽ ăn một giống khoai khác rồi tưởng nhầm đó là khoai Củ Cang. Có khi loại khoai ấy cũng bùi, cũng thơm, họ sẽ trở về thành phố với những hương vị và ấn tượng đó để mãi mãi nhầm lẫn và chôn vùi một cái tên khoai sọ Củ Cang trong những tháng năm trải nghiệm.
Người ta thường ví những con người hiền lành mộc mạc như củ khoai củ sắn bởi chính khoai sắn đã làm nền phẩm giá con người. Anh bạn từ miền quê xa xôi ấy bảo: “Tôi sẽ cố gắng giữ thương hiệu của giống khoai ấy để nó sống mãi giữa cuộc đời này”.