(Anthracosis)
I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh bụi phổi than là bệnh do hít phải bụi than (anthracose).Nhưng bụi than là bụi trơ lành tính, chỉ gây tích tụ, không gây phản ứng xơ, bệnh ít nguy hiểm.
Tuy nhiên, những công nhân khai thác than vẫn hít phải SiO2 tự do trong hầm mỏ, mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nồng độ SiO2 trong bụi. Do đó công nhân khai thác than vẫn có thể mắc bệnh bụi phổi silic (silicosis). Hoặc vừa hít phải bụi than vừa hít phải bụi silic nên mắc bệnh bụi phổi than silic (anthracosilicosis).
II. GIẢI PHẪU BỆNH LÝ
- Đại thể: Chủ yếu là các đám bụi than tích tụ ở phổi. Những hạt than mầu đen kích thước 2 - 3mm nổi lên mặt cắt và có thể sờ thấy, thường gặp ở phần trên và phần dưới của phổi. Vì vậy còn gọi là “bệnh phổi đen”. Các hạt bụi có mầu đen nên rất dễ phân biệt với hạt silicose.
- Vi thể: Ta thấy các đám bụi than tập trung quanh các phế quản nhỏ và tiểu phế quản tận, xung quanh huyết quản. Các chất tạo keo không bị xơ hóa. Có nhiều đại thực bào chứa bụi trong phế nang. Người ta còn thấy bụi tích chứa trong các tổ chức lympho ở chỗ các phế quản nhỏ chia nhánh. Có thể thấy các hạt gồm đại thực bào và chất tạo keo lẫn sợi lưới xếp lẫn lộn, không có hình đồng tâm như hạt silicose.
III. CƠ CHẾ BỆNH SINH
Bụi than xâm nhập vào đường hô hấp, nhưng những hạt bụi có kích thước lớn đều bị ngăn cản lại ở phế quản. Những hạt bụi nhỏ thì vào được phế nang. Nhưng vì là bụi trơ nên vào đến tận phế nang nó cũng không gây hiện tượng thực bào. Dù đại thực bào có nuốt bụi, thì khi đại thực bào chết cũng không kích thích sinh xơ. Vì thế bụi chỉ tích tụ tại chỗ hoặc theo hệ thống bạch huyết trôi đi. Phản ứng của cơ thể với bụi than chỉ tạo nên những viêm nhiễm mãn tính không đặc hiệu và những đường xơ không đáng kể.
IV. TRIỆU CHỨNG
1. Lâm sàng: Triệu chứng lâm sàng thực tế không có gì đặc biệt.
- Ho khạc đờm mầu đen lỏng là dấu hiệu mở đầu của bệnh và tương đối đặc trưng. Trong trường hợp có viêm phế quản mãn thì ho và khạc đờm kéo dài.
- Mức độ nặng hơn bệnh nhân có thể khó thở tùy mức độ.
2. Cận lâm sàng
- X-quang: Hình ảnh tương tự như silicosis và áp dụng bảng phân loại của ILO. Tổn thương là những nốt mờ 1 - 10mm bờ không rõ. Khác silicosis ở chỗ tổn thương ít thay đổi và khi ngừng tiếp xúc thì bệnh cũng ngừng tiến triển.
- Chức năng hô hấp: VC giảm nhẹ nói lên có rối loạn thông khí hạn chế nhẹ. Nếu có viêm phế quản mãn thì FEV1 giảm, tỷ số FEV1/ VC giảm.
V. CHẨN ĐOÁN
Dựa vào những căn cứ như chẩn đoán silicosis.
- Nghề nghiệp.
- Nồng độ bụi đo được ở môi trường làm việc.
- Thời gian tiếp xúc.
- Hình ảnh X-quang.
- Chức năng hô hấp.
VI. PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Phòng bệnh
Như dự phòng các bệnh bụi phổi nói chung. Hạn chế phát sinh bụi nơi sản xuất.
Bảo vệ người lao động. Theo dõi sức khỏe định kỳ.
Trong nghề than thì khai thác than lộ thiên ít nguy hiểm hơn so với khai thác trong hầm lò vì khả năng tiếp xúc với silic ít hơn
2. Điều trị
- Điều trị triệu chứng như giảm ho, giảm đau, chống khó thở.
Khi có viêm phế quản mãn thì dùng kháng sinh, nhất là trong các đợt cấp của viêm phế quản mãn.
- Phục hồi chức năng bằng tập thở bụng.