I. Nguyên nhân và dịch tễ học
Cúm gia cầm (còn gọi là cúm gà) là bệnh do virus cúm A (H5N1) gây ra. Cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm.
1. Mầm bệnh
- H5N1 lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997, cũng là tác nhân gây dịch cúm trên gia cầm ở Hồng Kông lúc đó. Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
- Những virus cúm này ký sinh ở tế bào ruột non của các loài chim di cư, khi đó chúng là những chủng H5N1 không gây chết người. Tuy nhiên, những chủng virus này có thể bị đột biến và trở thành chủng cúm gia cầm có độc tính cao nhất từ trước đến giờ. Điều này cũng tương tự như cơ chế của chủng virus H1N1 đã gây ra đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918.
- Virus cúm type A, chủng H5N1, thuộc họ Orthomyxoviridae. Virus cúm A (H5N1) có thể sống trong phân các loài chim, gia cầm, thủy cầm ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4oC và 6 ngày ở nhiệt độ 37oC. Đặc biệt, virus này sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ từ 70oC trở lên. Hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virus cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.
2. Nguồn bệnh
- Cúm gia cầm xuất hiện tự nhiên trong thủy cầm hoang dã và có thể lây lan vào gia cầm, như gà, gà tây, vịt và ngỗng.
- Các chủng của virus cúm gà có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi và con người. Chim bị nhiễm virus phóng thích H5N1 trong nước bọt, dịch mũi và phân. Những con khác có thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết trên hoặc khi gián tiếp qua các bề mặt bị ô nhiễm bởi các chất trên.
- Các loài chim di trú là một trong những nguồn phát tán H5N1, nên virus này có nguy cơ lan rộng trên thế giới. Những đợt bùng phát cúm gia cầm thường xuất phát từ những khu vực đông đúc ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi mà người, lợn, gia cầm sống rất gần gũi. Trong những điều kiện như vậy, virus có thể đột biến thành một dạng khả dĩ lây sang người.
3. Đường lây truyền
- Đầu tiên và cũng dễ dàng nhất là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh hoặc gia cầm khỏe nhưng đã mang virus A (H5N1). Đó có thể là khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của một con chim bị nhiễm bệnh, hoặc dịch tiết từ mũi, miệng hoặc mắt của nó.
Thị trường ngoài trời, trứng và các loài chim được bán trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, là hang ổ nhiễm trùng và có thể lây lan bệnh vào cộng đồng rộng lớn hơn.
- Tiết canh là một sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín cũng là một mối nguy. Trứng, thịt và các chế phẩm khác chưa nấu chín cũng vậy.
- Qua đường không khí, những giọt nước li ti từ những cái hắt hơi, dịch nhày mũi… chứa virus cúm lan truyền rất nhanh. Bệnh cúm A (H5N1) lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với gia cầm bị nhiễm virus.
4. Người cảm thụ
Cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho mọi đối tượng, tuy nhiên, lứa tuổi thanh niên có tỷ lệ nhiễm và tử vong cao hơn. Đặc biệt, cúm gia cầm dễ gây biến chứng ở người già, người mắc bệnh mạn tính như bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh hen suyễn… Trẻ em là đối tượng gần gũi và thân thiện với các loại gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi tại hộ gia đình. Trẻ em thường hiếu động, tò mò, nên chưa có ý thức phòng tránh bệnh như người lớn.
II. Triệu chứng
Người bệnh nhiễm cúm A (H5N1) thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Khi bị cúm thông thường, người bệnh sẽ sốt cao dần lên 380C, kèm theo các triệu chứng ho, đau họng, có chảy nước mũi, ngoài ra không có bất cứ biểu hiện gì khác. So với cúm người thông thường thì cúm gia cầm có thời gian ủ bệnh lâu hơn, kéo dài từ 2 - 14 ngày, khi bị mắc cúm A (H5N1), người bệnh sẽ sốt đột ngột trên 380C, ho khan (ít có đờm rãi), khó thở.
Mùa đông thời tiết trở lạnh là dịp cao điểm dễ bùng phát thành dịch. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2 - 5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:
- Bệnh nhân bị sốt cao đột ngột, sốt liên tục với nhiệt độ trên 38oC, đôi khi rét run, mặt ửng đỏ.
- Bệnh nhân bị đau đầu nhiều, đau mỏi các cơ ở vùng chân, vùng cánh tay, vùng cổ. Đau đầu tăng lên khi ho hoặc sốt cao, có thể đau quanh hốc mắt và nổi hạch vùng cổ.
- Bệnh nhân thường bị ho nhất là vào giai đoạn khởi phát. Có khi ho có đờm thường gặp trong tình huống bội nhiễm vi khuẩn.
- Bệnh nhân có thể bị thở nhanh hoặc đôi khi có cảm giác khó thở.
- Một số bệnh nhân có thể viêm kết mạc, buồn nôn.
- Ngoài ra bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh.
- Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.
Biến chứng nguy hiểm từ bệnh cúm A (H5N1)
- Viêm phổi, xẹp phổi, suy hô hấp. Biến chứng phổi thường gặp là tắc nghẽn đường thở (ở trẻ em), viêm phổi do virus cúm, nhiễm trùng thứ phát.
- Biến chứng ngoài phổi gồm viêm cơ, viêm cơ tim, viêm não, tổn thương gan và hệ thần kinh… rối loạn chức năng thận.
III. Xét nghiệm
- Chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng có thể dùng làm mẫu xét nghiệm tìm bằng chứng của virus cúm gia cầm. Những mẫu này phải được thực hiện trong vòng vài ngày đầu sau khi triệu chứng xuất hiện. Tùy thuộc vào loại xét nghiệm, kết quả có thể mất vài tuần, hoặc chỉ một vài giờ. Hiện nay, các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H5N1 đáng tin cậy đều phải yêu cầu sử dụng virus sống để tương tác với những kháng thể có trong máu của bệnh nhân. Vì lý do an toàn sinh học, các xét nghiệm đều phải được tiến hành trong các phòng thí nghiệm độ an toàn cao.
- Các xét nghiệm chẩn đoán:
Nuôi cấy virus. PCR với ARN của virus cúm AH5N1. Test miễn dịch huỳnh quang sử dụng kháng thể đơn clon với H5. Hiệu giá kháng thể đặc hiệu tăng 4 lần với H5 ở huyết thanh mẫu.
- Kiểm tra hình ảnh: X-quang có thể hữu ích trong việc đánh giá tình trạng của phổi, có thể giúp xác định chẩn đoán thích hợp và lựa chọn điều trị tốt nhất cho các dấu hiệu và triệu chứng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có biểu hiện mắc cúm A (H5N1) cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra. Tại đây bệnh nhân sẽ được chụp X-quang phổi hàng ngày từ 1 - 2 lần để theo dõi những diễn biến tổn thương của phổi.
- Xét nghiệm máu: có dấu hiệu bạch cầu hạ.
IV. Điều trị
A. Nguyên tắc chung
- Khi phát hiện bệnh, người bệnh phải được cách ly và thông báo kịp thời cho các cơ quan y tế dự phòng.
- Dùng thuốc kháng virus độc lập hoặc kết hợp với (oseltamivir, zanamivir) càng sớm càng tốt trong vòng 48 tiếng. Kể cả những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và có bị sốt.
- Điều trị tại chỗ với những trường hợp nặng.
- Điều trị tại chỗ với những cơ sở thích hợp và yêu cầu tuyến trên giúp đỡ nếu tình trạng bệnh nặng.
B. Thuốc
- Các chất ức chế neuraminidase là loại thuốc tác động lên protein bảo tồn của tất cả các loại virus influenza A. Các thuốc loại này bao gồm zanamivir và oseltamivir, loại sau vừa được cấp chứng chỉ để dùng làm thuốc điều trị dự phòng ở Anh. Oseltamivir được hãng Roche thương mại hóa dưới tên gọi Tamiflu, và dòng thuốc này đã trở thành loại thuốc chọn lựa của các chính phủ và tổ chức để chuẩn bị cho khả năng đại dịch H5N1 xảy ra.
- Các chất ức chế hemagglutinin là một nhóm thuốc khác, gồm amantadine và rimantadine. Không như zanamivir và oseltamivir, các thuốc này rẻ hơn và có sẵn rộng rãi, TCSKTG cũng đã bước đầu lập kế hoạch sử dụng chúng trong các nỗ lực chống chọi với đại dịch H5N1. Tuy nhiên, tiềm năng của các thuốc này suy giảm đáng kể; hậu quả nhãn tiền là chủng virus hiện lưu hành tại Đông Nam Á đã kháng thuốc. Tuy vậy, chủng H5N1 lan truyền bởi các loài chim hoang dại ở miền bắc Trung Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan và Nga trong hè năm 2005 không kháng amantadine.
Hiện có 2 loại thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenga) đang được sử dụng để điều trị cúm A (H5N1) ở người. Điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ từ khi có triệu chứng đầu tiên. Liều đề nghị hiện nay cho người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.
Tuy nhiên, hiện người ta đang nghiên cứu hiệu quả của liều cao gấp đôi liều đề nghị hiện nay và kéo dài ngày hơn.
C. Biện pháp khác
Sử dụng thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh. Hồi sức hô hấp.
Điều trị suy đa tạng (nếu có).
D. Dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp. Cần phải đảm bảo một chế độ ăn hợp lý, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng dành cho người bệnh. Người bị nhiễm cúm A (H5N1) thường bị sốt, các chức năng phủ tạng bị suy yếu nên thực phẩm khuyên dùng là dạng lỏng như cháo, bột, sữa… Đối với người bệnh nhẹ và còn tỉnh táo chúng ta vẫn cho người bệnh ăn bằng đường miệng. Còn người bị bệnh nặng thì phải kết hợp đưa thực phẩm dinh dưỡng qua ống thông dạ dày và qua đường tĩnh mạch.
Chăm sóc hô hấp: giúp người bệnh ho, khạc; vỗ rung vùng ngực; hút đờm.