I. Nguyên nhân và dịch tễ học
1. Mầm bệnh: Virus cúm A (H1N1) là virus cúm type A, có kháng nguyên S để phân biệt, và kháng nguyên H là H1, kháng nguyên N là N1. Virus cúm H1N1 có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm.
H1N1 tấn công sâu vào các tế bào phổi, nơi nó gây ra chứng viêm phổi và thậm chí dẫn tới tử vong trong trường hợp nghiêm trọng. Trái lại, virus cúm theo mùa thường chỉ tấn công các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp. Khả năng tấn công phổi là một khả năng rất đáng sợ, nó tương tự như ở các virus khác đã từng gây ra dịch bệnh lớn, như dịch cúm năm 1918 đã giết chết hàng chục triệu người. Virus cúm A (H1N1) tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang... tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.
2. Nguồn bệnh
Người bệnh.
Lợn (heo, vì thế người ta còn gọi là cúm lợn hay cúm heo).
3. Đường lây
Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Người mang virus cúm A (H1N1) có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Mặc dù bệnh lây truyền từ lợn nhiễm virus, nhưng khi ăn thịt lợn nấu chín thì không bị bệnh.
II. Lâm sàng
1. Triệu chứng
- Bệnh cúm A (H1N1) có nhiều triệu chứng giống với cúm thông thường: Bệnh có biểu hiện sốt trên 380C.
Viêm long đường hô hấp trên: ho, đau họng, sổ mũi. Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Có bệnh nhân nôn, tiêu chảy.
- Triệu chứng của viêm phổi (là triệu chứng khác với cúm thông thường): Bệnh nhân xuất hiện khó thở, có thể chuyển sang suy hô hấp cấp rất nhanh. Phổi xuất hiện ran nổ, có thể có ran rít, ran ngáy.
2. Xét nghiệm
- X-quang phổi là hình ảnh của viêm phổi không điển hình (viêm phổi do virus).
- Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.
- Xét nghiệm Real time PCR. Bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch mũi họng, dịch phế quản. Lấy càng sớm càng tốt. Đây là xét nghiệm xác định virus cúm A (H1N1).
- Nuôi cấy virus: thực hiện ở những cơ sở y tế tuyến trên.
III. Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và yếu tố dịch tễ. Ngoài các biểu hiện trên, một trong những yếu tố quan trọng nghi ngờ nhiễm virus H1N1 là từ vùng dịch trở về hay tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A (H1N1).
Chẩn đoán sơ bộ: Có triệu chứng lâm sàng, X-quang, xét nghiệm máu, yếu tố dịch tễ.
Chẩn đoán xác định: Real time PCR dương tính, nuôi cấy dương tính. Người lành mang trùng: Người không có biểu hiện lâm sàng cúm nhưng xét nghiệm có mang virus cúm A (H1N1). Những người này phải được quản lý chặt chẽ và theo dõi sát.
IV Điều trị
1. Nguyên tắc chung
- Cách ly bệnh nhân kịp thời, tuyệt đối. Báo cáo lên tuyến trên để thông báo, xin chi viện, và xin ý kiến chỉ đạo.
- Dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
- Điều trị hỗ trợ là rất cần thiết.
- Có cơ sở riêng thích hợp tại cơ sở y tế. Những trang bị còn thiếu phải yêu cầu tuyến trên chi viện. Không điều trị ở nhà.
2. Điều trị thuốc kháng virus
Oseltamivir (tamiflu)
- Trẻ dưới 1 tuổi: Dùng dung dịch uống tùy theo trọng lượng cơ thể. Dưới 3 tháng : 12mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
3 - 5 tháng : 20mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
6 - 11 tháng : 25mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
- Trẻ từ 1 đến 13 tuổi:
Dưới 15kg : 30mg x 2 lần/ngày x 5 ngày. 16 - 23kg : 45mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
23 - 40kg : 60mg x 2 lần/ngày x 5 ngày. Trên 40kg : 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
- Người lớn và trẻ trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
Zanamivir (Relenza: dạng hít, định liều sử dụng trong các trường hợp không có tamiflu, đáp ứng chậm hoặc kháng tamiflu.
- Trẻ em 5 - 7 tuổi: 2 nhát xịt 5mg x 1 lần/ngày.
- Người lớn và trẻ trên 7 tuổi: 2 nhát xịt 5mg x 2 lần/ngày.
Trường hợp nặng có thể kết hợp cả Oseltamivir và Zanamivir.
Cần theo dõi chức năng gan thận để điều chỉnh liều lượng cho thích hợp.
3. Điều trị bổ trợ
- Nuôi dưỡng: Bệnh nhân nhẹ vẫn cho ăn qua đường miệng. Bệnh nhân nặng không ăn được phải đặt ống sond dạ dầy, bơm sữa, bột, cháo loãng qua sond. Nếu cần phải truyền dịch, truyền đạm qua đường tĩnh mạch.
- Chăm sóc hô hấp: Lau đờm rãi, vỗ rung nhẹ giúp bệnh nhân khạc đờm. Nằm đầu cao 30 độ so với mặt giường. Thở ô xy, lưu lượng tùy mức độ khó thở, từ 2 - 4 l /phút (oxy hỗn hợp 50%). Khi cần phải mở khí quản, hoặc đặt nội khí quản, cho thở máy.
- Hạ sốt khi nhiệt độ trên 390C: paracetamol (không dùng aspirin và nhóm salicylat).
- Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm. Dùng kháng sinh phổ rộng.
- Phát hiện và điều trị sớm suy đa tạng.