(Influenza)
I. Nguyên nhân và dịch tễ
1. Mầm bệnh
Là virus cúm. Có 3 týp:
Týp A thường gọi tắt là cúm A gây nên đại dịch. Týp B thường gọi tắt là cúm B gây dịch ở khu vực.
Týp C Thường gọi tắt là cúm C gây bệnh tản mát ít thành dịch. Virus cúm có 3 kháng nguyên:
- Kháng nguyên S (Solube) là kháng nguyên hòa tan. Người ta căn cứ vào kháng nguyên S để phân loại virus cúm A, B, C.
- Kháng nguyên H (Hemagglutinin) là kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu, giúp virus dễ bám vào tế bào.
- Kháng nguyên N (Neuraminidase) là kháng nguyên có tính chất men, giúp virus chui được vào tế bào.
Nhiều công trình đã chứng minh rằng Virus cúm A có khả năng thay đổi kháng nguyên H và N để tạo ra những týp virus mới.
Đến nay người ta phát hiện virus cúm A có 15 kháng nguyên H đánh số từ 1 đến 15: H1, H2, H3… H15 và 9 kháng nguyên N đánh số từ 1 đến 9: N1, N2, N3… N9.
2. Nguồn bệnh
- Trong thời kỳ có dịch là Người bệnh.
- Ngoài vụ dịch là động vật: lợn, ngựa, chồn đặc biệt là gia cầm gà, vịt.
3. Đường lây
Đường hô hấp qua các hạt nước bọt li ti mang rất nhiều virus.
4. Cơ thể cảm thụ
- Mọi người, mọi lứa tuổi đều nhạy cảm với virus cúm, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Người già, người có bệnh mãn tính ở đường hô hấp dễ bị nặng, nhiều biến chứng, tỷ lệ tử vong cao.
- Sau khi nhiễm virus, cơ thể có miễn dịch đặc hiệu. Thời gian miễn dịch phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây.
- Khi xuất hiện týp virus cúm mới, mọi người, mọi lứa tuổi đều có khả năng bị bệnh như nhau.
II. Bệnh sinh
- Virus có ái tính đặc biệt với tế bào biểu mô hô hấp. Nhờ kháng nguyên H và kháng nguyên N chúng giúp virus bám vào tế bào và chui vào tế bào một cách dễ dàng. Sau khi chui vào tế bào biểu mô hô hấp, chúng nhân lên và phát triển rất nhanh, chúng phá hủy tế bào đó rồi lại tiếp tục chui vào và phá hủy hết tế bào này đến các tế bào khác.
- Virus vượt qua hàng rào miễn dịch không đặc hiệu ở đường hô hấp trên (như dịch mũi họng, dịch phế nang, IgA tiết…) chúng sẽ vào máu. Khi ở máu chúng bám vào bề mặt hồng cầu theo hồng cầu đi khắp cơ thể gây nên tình trạng nhiễm virus huyết. Cuối cùng virus xâm nhập vào các cơ quan tổ chức.
- Ở các cơ quan tổ chức chúng gây ra các tổn thương như: gây phù nề, xung huyết, hoại tử tế bào biểu mô hô hấp, tổn thương mạch máu dẫn đến xung huyết, xuất huyết. Các cơ quan như tim, gan, thận, màng não cũng bị tổn thương ở mức độ khác nhau. Các cơ quan ngoài việc bị tổn thương do virus trực tiếp gây nên, còn bị ảnh hưởng bởi độc tố virus.
III. Triệu chứng
A. Thể thông thường
1. Thời kỳ nung bệnh
Từ 2 - 4 ngày, ngắn nhất là 24h.
2. Thời kỳ khởi phát
Thường khởi phát đột ngột, sốt cao 39 - 400C, rét run, nhức đầu, choáng váng, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi không muốn làm việc.
3. Thời kỳ toàn phát
Có 3 hội chứng nổi bật:
(+) Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc:
- Sốt cao 39 - 400C liên tục 3 - 4 ngày. Có khi sốt cao ngắn ngày rồi nhiệt độ hạ nhanh (loại này hay gặp). Có khi sốt hình chữ V đang sốt cao tự nhiên nhiệt độ hạ xuống, rồi lại sốt cao lên.
- Bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn. Mạch nhanh, huyết áp dao động, nước tiểu vàng, có albumin.
(+) Hội chứng hô hấp:
- Viêm long đường hô hấp trên: ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi, rát họng, ho khan. Mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
- Viêm thanh quản làm cho bệnh nhân ho khàn tiếng.
- Có thể lan xuống phế quản gây viêm phế quản cấp, bệnh nhân ho khạc đờm, đau ngực, khó thở. Khám phổi có ran rít, ran ngáy.
(+) Hội chứng cơ năng:
- Đau đầu vùng thái dương, vùng trán, hoa mắt chóng mặt, ù tai.
- Đau mình mẩy toàn thân, nhất là cơ bắp, khớp xương, đau dọc sống lưng. Các triệu chứng đau làm cho bệnh nhân càng mệt mỏi.
- Thăm khám bệnh nhân không thấy gì đặc biệt, mạch, huyết áp bình thường, gan lách không to. Số lượng bạch cầu bình thường, tỷ lệ Lymphocyt tăng nhẹ.
B. Các thể lâm sàng khác
1. Cúm nhẹ
Bệnh nhân chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt, triệu chứng nổi bật là viêm long đường hô hấp trên, ho khan, đau mỏi toàn thân nhẹ. Thể này thường gặp trong các vụ dịch.
2. Cúm có bệnh cảnh riêng
- Thể thần kinh: Sốt cao, nhức đầu. Dấu hiệu hô hấp mờ nhạt, hay có viêm dây thần kinh, dấu hiệu màng não (+), nhưng dịch não tủy lại bình thường. Thể này hay gặp ở trẻ nhỏ tuổi.
- Thể tiêu hóa: Bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, đi lỏng nhiều lần, đau hố chậu hai bên, nếu đau hố chậu phải dễ bị chẩn đoán nhầm viêm ruột thừa.
- Cúm ngoài da: Sốt kèm theo phát ban thành đám hoặc dạng nốt như sởi. Phải xét nghiệm vi trùng hoặc làm phản ứng huyết thanh mới chẩn đoán được.
3. Cúm nặng và biến chứng
a. Cúm ác tính (thể tối độc)
- Ngoài các triệu chứng thông thường, tiếp theo là hội chứng ác tính xảy ra rất nhanh. Bệnh nhân lo lắng, vật vã, mê sảng, co giật.
- Da xám xịt, môi tím tái, mắt thâm quầng.
- Mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Xuất huyết dưới da.
- Khó thở, ho nhiều, đôi khi có bọt mầu hồng.
- Khám phổi có thể đầy ran ẩm hoặc phổi im lặng không thấy gì.
- X-quang là hình ảnh viêm phổi diện rộng có khi cả hai bên.
Bệnh nhân thường tử vong sau 1 - 2 ngày do suy hô hấp, trụy tim mạch, mổ tử thi là hình ảnh của viêm phổi khối.
b. Cúm có bội nhiễm
* Bộ máy hô hấp là nơi rất hay bị bội nhiễm. Các vi khuẩn hay gặp là Streptococcus, Pneumococcus, trực khuẩn Pfeifer… Tình trạng bội nhiễm phổi càng làm cho bệnh cảnh cúm nặng lên rất nhiều.
Viêm phế quản là biến chứng rất hay gặp. Bệnh nhân ho tăng lên, tức ngực, khó thở, khám phổi có ran rít, ran ngáy. X-quang chỉ thấy rốn phổi đậm. Điều trị kháng sinh 1 - 2 tuần sẽ khỏi.
Phế quản phế viêm (Viêm phổi phế quản, viêm phổi đốm) là biến chứng rất nặng hay gặp vào ngày thứ 4 - 6 của bệnh. Sốt cao 39 - 400C bệnh nhân nặng lên nhanh, khó thở, vật vã, tím tái. Khám phổi ồn ào đầy ran rít, ran ngáy, ran ẩm ran nổ. X-quang có hình viêm phổi đốm. Đây là biến chứng rất nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Các biến chứng ở màng phổi như: viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi.
* Bội nhiễm tai mũi họng: viêm họng, viêm niêm mạc miệng, viêm tuyến mang tai, viêm xoang, áp xe hầu họng, viêm tai giữa, viêm thanh quản có giả mạc.
c. Các biến chứng khác: Viêm màng não mủ thường thứ phát sau viêm tai xương chũm. Viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim. Các biến chứng này nói chung ít gặp.
IV. Chẩn đoán
1. Lâm sàng bệnh khởi phát đột ngột. Sốt cao 39 - 400C. Nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Hội chứng hô hấp nổi bật viêm long đường hô hấp trên, và dưới, dễ biến chứng ở phổi.
2. Yếu tố dịch tễ
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, có nhiều người bị.
3. Xét nghiệm đặc hiệu
Phản ứng Hirst là phản ứng huyết thanh dựa trên nguyên lý kỹ thuật ức chế ngưng kết hồng cầu, tỷ lệ dương tính cao… Cần lấy máu càng sớm càng tốt. Lấy máu 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày. Dương tính khi hiệu giá 1/1280 hoặc biến động kháng thể lần 2 tăng gấp 4 lần trước.
Phản ứng kết hợp bổ thể.
Chẩn đoán miễn dịch huỳnh quang.
Phân lập virus: Người ta lấy dịch mũi họng cấy trên phôi gà hoặc tổ chức thận khỉ. Kết quả có giá trị chẩn đoán quyết định nhất, nhưng không thực tế vì kết quả chậm, chi phí tốn kém, phức tạp.
V. Điều trị
1. Điều trị chung
- Nghỉ ngơi, ăn nhẹ ăn lỏng, đủ dinh dưỡng, uống đủ nước.
- An thần seduxen, an thần thực vật.
- Giảm ho: terpin codein, toplexin.
2. Các biện pháp dân gian
Nhỏ mũi nước tỏi, ăn cháo hành tía tô, ngâm chân nước ấm, xông khi hết sốt.
3. Kháng sinh dùng kịp thời khi có bội nhiễm
4. Điều trị nguyên nhân
Gammaglobulin chống cúm.
Huyết thanh khô chống cúm.
Interferon.
Thuốc kháng virus Amantadin, Rimantadin, Ribavirin,Tamiflu.
5. Điều trị biến chứng nếu có
Nếu có bội nhiễm thì dùng kháng sinh theo mầm bệnh.
VI. Dự phòng
- Phát hiện sớm cách ly bệnh nhân. Đây là biện pháp quan trọng nhất. Cách ly cả những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Khi bệnh lan rộng cần khoanh vùng có dịch lại. Không để người lành tiếp xúc với người bệnh. Nhân viên y tế phải tuân thủ nội quy phòng dịch triệt để.
- Nhỏ mũi nước tỏi với trẻ em và người lành.
- Sử dụng vacxin. Có 2 loại:
3 điều kiện để một virus có thể gây dịch lớn
- Đột biến thành virus mới.
- Có khả năng nhân lên trong người.
- Có khả năng lây từ người sang người.