(syphilis)
I. Nguyên nhân gây bệnh
- Do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum).
- Đường lây chủ yếu là qua đường tình dục. (trên 90%)
- Một số đường lây khác có thể có nhưng rất hiếm:
II. Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn 1
Khoảng 3 - 4 tuần sau khi bị lây nhiễm (trung bình 21 ngày).
- Đặc trưng của thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai sẽ xuất hiện tổn thương ở da nơi vi khuẩn đột nhập. Vết loét xuất hiện, thường là ở bộ phận sinh dục (như: môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung, quy đầu, dương vật). Vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, kích thước 0.5 đến 3cm, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, nền hơi rắn. Ngoài ra săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,…
- Thường kèm theo nổi hạch vùng bẹn, hạch chắc và cũng không đau, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch chúa”.
Các triệu chứng trên có thể tự biến đi sau 3 đến 6 tuần lễ kể cả không điều trị. Thực ra là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển.
Giai đoạn 2
Xảy ra từ 6 đến 8 tuần sau.
- Các đào ban: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình (nốt ban như hoa đào) thường khu trú hai bên mạng sườn, ngực, bụng hoặc tứ chi bao gồm cả lòng bàn tay, bàn chân. Hình ảnh đào ban màu đỏ hồng hoặc hồng tím, ấn vào thì mất, không nổi cao trên mặt da, không bong vảy và tự mất đi. Đào ban xuất hiện dần trong vòng 1 đến 2 tuần, tồn tại không thay đổi, sau đó nhạt màu dần rồi mất đi.
- Mảng niêm mạc: Hay gặp nhất ở vùng hậu môn, sinh dục.
Có thể làm xuất hiện các nốt sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc. Sẩn các loại, có nhiều kích thước khác nhau, như bằng hạt đỗ, đinh gim, ranh giới rõ ràng màu đỏ như quả dâu, không liên kết với nhau, thường hay bong vảy và có viền da ở xung quanh sẩn, nếu các sẩn có liên kết với nhau sẽ tạo thành các mảng, các sẩn ở kẽ da do bị cọ xát nhiều có thể bị trợt ra, chảy nước, trong nước này có chứa rất nhiều xoắn khuẩn nên rất dễ lây khi tiếp xúc với những bệnh nhân này.
- Sẩn mủ ít gặp hơn, chủ yếu ở những người nghiện rượu, trông giống như viêm da mủ nông và sâu, tại các khu vực ẩm ướt của cơ thể (thường là âm hộ hoặc bìu), hoặc các thương tổn giống như mụn cóc.
- Viêm hạch lan tỏa.
- Rụng tóc kiểu “rừng thưa”.
- Các triệu chứng khác thường gặp ở giai đoạn này bao gồm sốt, đau họng, mệt mỏi, sụt cân, đau đầu.
Các triệu chứng này thường tự biến mất sau 3 - 6 tuần.
Giai đoạn tiềm ẩn (còn gọi là giang mai kín)
Giang mai tiềm ẩn được xác định khi có bằng chứng huyết thanh của bệnh nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh.
- Giang mai tiềm ẩn sớm (dưới 1 năm sau giai đoạn 2) có thể tái phát các triệu chứng bệnh, (nên còn gọi là giai đoạn thứ hai tái hồi) như xuất hiện các sẩn quanh hậu môn và sinh dục, hoặc có một săng giang mai ở ngay trên sẹo của săng giang mai trước đây.
- Giang mai tiềm ẩn muộn (trên 1 năm sau giai đoạn 2) không có triệu chứng và không lây.
Giai đoạn tiềm ẩn này kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời.
Giai đoạn 3
Xảy ra khoảng năm thứ 3 của bệnh. Những người bị bệnh giang mai giai đoạn này không lây.
- “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương.
Có người gọi là củ giang mai có hình cầu hoặc phẳng, màu đỏ tím như mận chín, kích thước bằng hạt ngô, mật độ chắc, ranh giới rõ ràng. Các củ giang mai tiến triển hoại tử hoặc loét, sau khi khỏi thường để lại sẹo. Nếu củ gôm khu trú vào các tổ chức quan trọng và không được điều trị sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân.
- Giang mai thần kinh biểu hiện lâm sàng bằng viêm màng não hoặc tổn thương ngoài màng não như: mạch máu não, tổn thương não khu trú hoặc tổn thương thoái hóa ở não. Giang mai thần kinh thường xảy ra 4 năm sau khi nhiễm bệnh. Bệnh có thể gây suy nhược trầm cảm, rối loạn ý thức từng thời kỳ, động kinh, đột quỵ hay gây ra ảo giác đối với người bệnh.
- Giang mai tim mạch thường xảy ra 10 năm sau khi nhiễm bệnh. Các biến chứng thường gặp nhất là phình mạch. Nếu ở động mạch chủ sẽ rất nguy hiểm.
III. Xét nghiệm
a. Xét nghiệm tìm xoắn khuẩn giang mai
Lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn, hạch soi kinh hiển vi nền đen để tìm xoắn khuẩn. Hoặc có thể nhuộm Fontana Tribondeau thấy xoắn khuẩn dưới dạng lò xo. Sự có mặt của xoắn khuẩn đặc hiệu cho phép khẳng định chẩn đoán bệnh giang mai.
b. Xét nghiệm huyết thanh
- Phản ứng cổ điển (không đặc hiệu): Bao gồm các phản ứng: kết hợp bổ thể (BW) phản ứng lên bông (Kahl Citochol,…).
- Phản ứng đặc hiệu: Phản ứng bất động xoắn khuẩn (TPI), phản ứng miễn dịch huỳnh quang (FTA), (Fluorescent Treponemal Antibody Absorption'sTest). Phản ứng ngưng kết hồng cầu (TPHA)… (Treponema Pallidum Hemagglutination, s Test) xét nghiệm chẩn đoán nhanh thử nghiệm RPR (Rapid Plasma Reagin Card, s Test).
Chú ý: Nếu bị giang mai thần kinh hoặc giang mai tim mạch cần lấy thêm dịch não tủy để làm các xét nghiệm trên.
IV. Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
+ Điều trị sớm, đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian qui định. Phác đồ điều trị cụ thể như sau:
a. Giang mai sớm trong năm đầu (giang mai thời kỳ thứ nhất và năm đầu của giang mai thời kỳ thứ hai, giang mai kín sớm)
- Benzathin Penixilin G 2,4 triệu đơn vị: Tiêm mông liều duy nhất, mỗi bên mông 1,2 triệu đơn vị. Hoặc:
- Procain Penixilin G tan trong nước: Tiêm bắp 1,2 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 10 ngày.
Nếu dị ứng với Penixilin và bệnh nhân không có thai, thay thế bằng:
- Tetracyclin 500mg: uống 4 lần/ngày, trong 15 ngày, hoặc:
- Erythromycin 500mg: uống 4 lần/ngày, trong 15 ngày.
b. Giang mai muộn (giang mai đã tiến triển trên 1 năm, giang mai kín muộn)
- Benzathin Penixilin: Tiêm mông mỗi lần 2,4 triệu đơn vị, tổng liều: 4 lần (9,6 triệu đơn vị). Mỗi lần cách nhau một tuần. Hoặc:
- Procain Penixilin G tan trong nước: Tiêm bắp 1,2 triệu đơn vị mỗi ngày, trong 3 - 4 tuần.
+ Điều trị cả bạn tình.
- Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong thời kỳ có mang. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ có mang.
V. Phòng bệnh
- Giáo dục lối sống lành mạnh, thủy chung một vợ, một chồng.
- Giáo dục hành vi tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su).
- Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không tự mua thuốc điều trị.