Đã ba năm trôi qua kể từ khi Tập 1 của bộ sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam” mang tên “Các bộ trang trí điển hình” phát hành, cho tới nay, chúng tôi mới có thể hoàn thành Tập 2 “Các vị thần” theo mong muốn của nhiều bạn đọc.
Nguyên do của sự chậm trễ này là vì chúng tôi muốn có một hướng tiếp cận hoàn toàn mới so với Tập 1. Thay vì tập hợp hệ thống tư liệu, khảo tả và diễn giải các đối tượng nghiên cứu trong văn hóa truyền thống Việt Nam, ở Tập 2 này, chúng tôi đặt đối tượng nghiên cứu trong bối cảnh văn hóa Việt Nam xưa và nay trong sự đối sánh với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ để bạn đọc có một cái nhìn tổng thể và khách quan nhất về các biểu tượng đó. Xa hơn, chúng tôi muốn hướng đến những biến đổi của đối tượng nghiên cứu qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những biến đổi của chúng trong xã hội đương đại. Hướng tiếp cận mới này giúp chúng tôi tích hợp được nhiều hơn các khía cạnh lịch sử, văn hóa và cũng khiến cho nội dung tập sách này có thêm chiều sâu. Nhưng chính việc ‘đi sâu’ này khiến cho thời lượng của mỗi chương mục ở đây phải kéo dài hơn gấp đôi so với “Các bộ trang trí điển hình”ở Tập 1.
Việc tiếp cận một đối tượng nghiên cứu đặc biệt như “Các vị thần” hoàn toàn khác với “Các bộ trang trí điển hình” ở Tập 1, bởi vì, các đối tượng nghiên cứu ở Tập 2 này không chỉ để “trang trí” mà quan trọng hơn là để thờ cúng. Trong khi việc tìm hiểu giá trị nghệ thuật của các đối tượng nghiên cứu chỉ là những nghiên cứu biểu tầng thì nhiều yếu tố quan trọng của các đối tượng nói trên lại nằm ẩn sâu bên trong cơ tầng văn hóa. Điều này khiến cho chúng tôi phải đào sâu hơn các yếu tố văn hóa, xã hội tồn tại trong đời sống của con người, được biểu hiện thông qua các hoạt động sống và hành vi của con người. Đó chính là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận theo chiều kích này đòi hỏi phải có các công cụ lý thuyết và phương pháp nghiên cứu phù hợp. Vì vậy, trước khi tiến hành Tập 2 của bộ sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam,” chúng tôi đã thực hiện chuyên khảo: Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết (Nhà xuất bản Thế giới 2014). Đây chính là một “công cụ” quan trọng để chúng tôi tiến hành các nghiên cứu trong Tập 2 này.
Trên cơ sở các công cụ lý thuyết nghiên cứu biểu tượng hiện có, chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu cụ thể đối với các vị thần trong văn hóa Việt Nam. Nhưng một thách thức mới lại đặt ra trước mắt, đó là việc chọn lựa vị thần nào để đưa vào công trình nghiên cứu này.
Đây là một công việc hết sức khó khăn, bởi tôn giáo và tín ngưỡng trong văn hóa Việt Nam vô cùng phức tạp do đặc tính nguyên hợp. Ngoại trừ Thiên Chúa giáo có vị trí khá độc lập, còn tuyệt đại đa số các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở Việt Nam đều có sự hỗn dung ít nhiều. Từ Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo trước đây đến Cao Đài, Hòa Hảo hiện nay, từ các tôn giáo chính thống đến các loại hình tín ngưỡng dân gian đều có sự hòa trộn hay đan xen giữa các biểu tượng trọng tâm của tôn giáo với thần, thánh, ma, quỷ,... Chẳng hạn, trong một ngôi chùa hiện nay, chúng ta vừa thấy các pho tượng của Phật giáo vừa thấy tượng thần của tín ngưỡng dân gian chẳng hạn như thần canh cửa, thần đất, thần tài…; lại vừa có tượng thánh của Đạo giáo; hoặc có thêm các ban thờ cô hồn hay ma quỷ. Vì vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi chủ trương lựa chọn các vị thần, thánh được thờ cúng nhiều, được nhắc đến nhiều hoặc có ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, với các điều kiện:
- Có cơ sở dữ liệu tốt nhất về đối tượng nghiên cứu;
- Có sự phổ biến rộng của đối tượng nghiên cứu trong lịch sử;
- Có sự biến đổi mạnh mẽ của đối tượng nghiên cứu trong xã hội đương đại.
Trước khi tập hợp nội dung của tập sách này, chúng tôi đã tiến hành đăng tải một phần các nghiên cứu đã thực hiện trên các tạp chí chuyên ngành và trên trang cá nhân (https://harvard-yenching.academia.edu/HaiDinh) để có một quá trình “tiền thẩm định.” Sau khi nhận được nhiều ý kiến từ các độc giả trong cũng như ngoài nước, chúng tôi tiến hành rà soát và điều chỉnh lại các nội dung đã được thực hiện. Mặc dù vậy, việc hoàn thiện một cách ‘tuyệt đối’ về nội dung của tập sách này là điều không tưởng. Vì vậy, mong muốn của chúng tôi chỉ là tiếp cận đến gần nhất thực tại của mỗi đối tượng được nghiên cứu được nêu ở đây.
Do phải tiếp cận các đối tượng nghiên cứu này theo chiều sâu nên chúng tôi không đưa ra đây quá nhiều vị thần mà chỉ chọn ra những vị thần quan trọng và có ảnh hưởng nhiều nhất trong văn hóa Việt Nam. Từ thực tế nêu trên, ở Tập 2 này, chúng tôi đã lựa chọn Thần Đất, Thần Bếp, Thần Tài, Thánh Gióng, Di Lặc và Ông Trời làm các đối tượng nghiên cứu trọng tâm. Các vị thần khác như Thần Núi, Thần Nước, Thần Canh Cửa,… sẽ được bổ sung trong các lần tái bản tiếp theo.
Việc lựa chọn Thần Đất, Thần Bếp, Thần Tài khá ‘suôn sẻ’ vì đây là những vị thần hết sức gần gũi và thân quen đối với mọi gia đình người Việt. Trong khi đó, Thánh Gióng, Di Lặc và Ông Trời lại có sự tích hợp vô cùng phong phú giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và quá trình biến đổi văn hóa diễn ra hết sức phức tạp qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong xã hội đương đại. Quá trình biến đổi này hiện vẫn đang tiếp tục diễn ra nên chúng tôi cũng phải liên tục cập nhật qua thời gian.
Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị học giả, các đồng nghiệp ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu để nội dung cuốn sách được hoàn thiện. Đồng thời, chúng tôi gửi lời tri ân tới bạn đọc đã luôn đồng hành trong quá trình thực hiện Tủ sách nghiên cứu biểu tượng với một hành trình đầy gian nan vất vả. Bộ sách này sẽ không thể thành công nếu không có những người bạn đồng hành đó. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc gần xa để các lần tái bản sau và các tập tiếp theo của bộ sách ngày càng được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, Xuân Ất Mùi 2015
Tác giả
Đinh Hồng Hải