Thần Đất, Thổ thần, Thổ công, Thổ địa, Ông Địa,… là những tên gọi hết sức quen thuộc trong văn hóa Việt Nam chỉ một dạng tín ngưỡng thờ vị thần có liên quan đến đất đai. Vị thần này có mặt cả trong văn hóa dân gian lẫn văn hóa cung đình, vừa đóng vai trò của gia thần vừa đóng vai trò của hộ thần. Với vai trò vừa là một vị thần của mỗi gia đình lại vừa là một vị thần của cộng đồng, Thần Đất là một trong những tín ngưỡng lâu đời nhất đã tồn tại trong văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn đang hiện hữu trong đời sống xã hội đương đại.
Ban thờ Thần Đất của người Mường
Ảnh chụp tại Hòa Bình năm 20121
1 Ghi chú: Các ảnh không ghi nguồn là ảnh do tác giả chụp.
Sau giai đoạn “mở cửa” – 1986 để chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường của các nước tư bản phát triển, kinh tế Việt Nam bắt đầu “cất cánh.” Giá nhà đất, bất động sản, theo đó, cũng tăng vùn vụt theo cấp số nhân (gấp hàng trăm lần so với giai đoạn cách đây 20 năm). Kể từ đây, những gì có liên quan đến đất đai đều trở thành những thứ cực kỳ quan trọng: Từ chiếc “sổ đỏ” vốn chỉ là tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà cửa để nhà nước quản lý (mà người sở hữu tài sản đương nhiên phải có và hầu như không mất phí) cho đến các thông tin quy hoạch đất đai, tất cả đều ngày càng trở nên đắt đỏ theo đà tăng của những cơn “sốt đất.”
Trong bối cảnh đó, Thần Đất - một vị thần tồn tại trong tín ngưỡng dân gian vốn ít được chú ý trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước đó do chủ trương vô thần (atheism) - đã trở thành một vị thần được chú ý đặc biệt. Các nghi lễ thờ cúng có liên quan đến vị thần này ngày càng trở nên phức tạp, ngày càng kéo dài ra và ngày càng trở nên tốn kém. Các thầy cúng, thầy “phong thủy” hành nghề xem đất và cúng Thần Đất đột nhiên xuất hiện nhiều như nấm sau mưa rào. Các loại “vật phẩm phong thủy” bày bán nhan nhản cả trên vỉa hè lẫn trên không gian mạng internet với giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ mà vẫn luôn đắt hàng,…
Câu hỏi cần đặt ra là tại sao người ta có thể bỏ ra tiền tỷ để cầu cúng, “trấn yểm” cho đất đai, nhà cửa, tài sản của mình nhưng rất ít người nghĩ xem mình có nhầm không khi chưa biết rõ tên gọi, nguồn gốc và “hành trạng” của vị thần mà mình đang cầu cúng, khấn vái? Liệu có việc đặt nhầm hoặc cúng nhầm vị thần nào khác không? Để trả lời cho những câu hỏi trên chúng ta cần phải tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của loại hình tín ngưỡng này trong chính nền văn hóa mà nó tồn tại, đó là văn hóa Việt Nam. Đây cũng là mục đích của chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu này. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi sự thay đổi không đến từ một lời giải thích hay một cuốn sách mà điều quan trọng hơn là ở nhận thức của mỗi con người đối với nền văn hóa và xã hội mà họ đang sống. Vì vậy, ở nghiên cứu này, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu một vị thần trong truyền thống bằng những tri thức khoa học hiện đại.
1. Đất đai với lịch sử, văn hóa và kinh tế
Theo Từ điển tiếng Việt, đất đai là “khoảng mặt đất” cụ thể trên bề mặt trái đất.1 Đất đai cũng là một loại tài sản đặc biệt, ít biến đổi về lượng trong hàng nghìn năm qua trong khi dân số của loài người đã tăng từ cấp số cộng lên cấp số nhân. Đây chính là lý do khiến cho đất đai – khoảng mặt đất bất biến đó – trở nên ngày càng quý hiếm, khó kiếm và đắt đỏ (!) trở thành một trong những loại tài sản phổ biến có giá trị lớn và cố định, được gọi là bất động sản.2
Bên cạnh giá trị của một loại tài sản cố định, đất đai còn liên quan đến lịch sử và văn hóa trong quá trình phát triển của đời sống con người. Vì vậy, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần. Đây là lý do tại sao trong cùng một thành phố, những khu vực đất đai gắn với lịch sử và văn hóa thường có giá trị cao hơn nhiều lần những khu vực khác. Đặc biệt, ở những vị trí trung tâm của các khu di tích lịch sử và văn hóa thì giá bán của nó trở nên cực kỳ đắt đỏ.3
1 Hoàng Phê chủ biên (1998), Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, tr.288.
2 Cũng theo từ điển trên thì bất động sản là “tài sản không chuyển dời đi được, như ruộng đất, nhà cửa,” tr.48.
3 Không phải chờ đến khi “đất đắt và hiếm” thì người ta mới quan tâm đến việc “giữ đất” mà vấn đề đất đai luôn gắn với lịch sử và văn hóa bên cạnh giá trị hàng hóa (tức yếu tố kinh tế). Đây chính là lý do khiến cùng một diện tích đất như nhau, nhưng giá trị của chúng có thể chênh lệch nhau hàng nghìn, hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ lần. Chẳng hạn, toàn diện tích bang Alaska diện tích 1.717.854km2 có 1.481.347km2 mặt đất, được nước Nga bán cho nước Mỹ với giá 7,2 triệu USD năm 1867 (tương đương 4,2 USD/km2). Trong khi đó, theo khung giá của nhà nước năm 2008, giá đất tại phố Bà Triệu, Hà Nội, đoạn từ điểm giao với phố Hàng Khay đến điểm giao với phố Trần Hưng Đạo ở vị trí số một theo khung giá đất của nhà nước năm 2008 là 60 triệu VND/m2(tương đương 3 tỷ USD/km2). Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị mua bán tại khu vực này thường cao gấp hàng chục lần khung giá của nhà nước.
Về cơ bản, sự khác biệt giữa một diện tích đất ở nơi này với nơi khác được tích hợp từ ba yếu tố căn bản: Văn hóa (VH), lịch sử (LS) và vị trí địa lý (ĐL). Ba yếu tố này cấu thành giá trị kinh tế/hàng hóa (HH) của đất đai. Có thể tổng hợp các giá trị nêu trên bằng công thức sau:
VH + LS + ĐL = HH
Do đất đai tích hợp nhiều giá trị như vậy nên vấn đề tranh chấp đất đai, lãnh thổ giữa các quốc gia, giữa các thể chế và giữa các cá nhân với nhau luôn là một vấn đề nóng trong lịch sử nhân loại cũng như trong giai đoạn hiện tại. Khi các yếu tố lịch sử và văn hóa của đất đai được tôn giáo hóa thì vấn đề tranh chấp càng trở nên nóng bỏng. Điều này giải thích nguyên nhân xảy ra cuộc chiến không có hồi kết giữa Israel và Palestine nhiều năm qua.
Nói tóm lại, đất đai không chỉ là một loại tài sản cố định mà nó còn chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo,… Các yếu tố này cấu thành giá trị hàng hóa của loại tài sản đặc biệt này.
Ở Việt Nam, vấn đề tranh chấp đất đai, lãnh thổ luôn là một đề tài xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm qua. Đặc biệt, sau giai đoạn “mở cửa,” đất đai đã trở thành một vấn đề vô cùng bức xúc trong xã hội với vô vàn hệ lụy xảy ra chỉ trong gần ba thập niên phát triển kinh tế của nước ta. Theo GS. Đặng Hùng Võ, tính từ đầu thập niên cuối của thế kỷ 20 đến cuối thập niên đầu thế kỷ 21, giá bất động sản ở Việt Nam đã tăng gấp hàng trăm lần và đắt gấp năm lần so với các nước phát triển.1 Riêng vùng ven Hà Nội thậm chí còn tăng gấp 5 - 10 lần mức tăng chung của cả nước. Với mức tăng “phi mã” như vậy, sẽ chẳng có gì là khó hiểu với hiện tượng “nhà nhà buôn đất, người người buôn đất.” Việc tăng giá bất động sản ở một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam là một vấn đề bình thường như mọi quốc gia đang phát triển khác, nhưng việc tăng giá cao đến mức “khủng khiếp” như vậy rõ ràng là một hiện tượng hết sức bất thường.
Sự bất thường nêu trên thể hiện ở chỗ bản thân những người làm nghề “cò mồi” hay buôn bán trao tay trong lĩnh vực bất động sản hoàn toàn không tạo ra sản phẩm cho xã hội.2 Khi hiện tượng “cò mồi” và những người “lướt sóng” bất động sản này tăng quá cao, nó không những không tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội mà còn tàn phá sức lao động của xã hội vì hầu hết những người này với những “chân rết” và đối tác của họ đều từ bỏ những nghề nghiệp sở trường để lao vào buôn đất. Hơn thế, nó còn góp phần “thổi giá” bất động sản “lên trời” vì giá càng cao thì thù lao càng lớn.
1 Thanh Hường (2012) “Giá nhà đất tăng hơn 100 lần trong 20 năm,” trong http://vef.vn/2012-01-31-trang-page-3
2 Loại hình lao động mang tính môi giới này thường chỉ chiếm tỉ lệ rất ít ở các nước có nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Hệ lụy của việc tăng giá bất động sản đến chóng mặt đã phá vỡ cấu trúc xã hội của đô thị và huỷ hoại đất canh tác ở các vùng ven đô. Một lượng lớn lao động nông nghiệp không còn đất canh tác mà không kịp chuyển đổi ngành nghề đã bị đẩy ra bên lề xã hội và “hết đất sống.” Những hiện tượng trộm cắp, cướp giật ngày càng trắng trợn diễn ra ở nhiều đô thị hiện nay cũng là hệ lụy không hề nhỏ từ các vấn đề có liên quan đến đất đai.
Trong bối cảnh giá đất bùng nổ, các dịch vụ tâm linh có liên quan đến đất đai, tài, lộc cũng có dịp bùng phát. Một vị thần dường như bị lãng quên từ sau Cách mạng tháng Tám, đến nay lại có cơ hội trở lại trong một vai trò đặc biệt quan trọng: Quản lý đất đai.Vị thần chỉ đóng vai trò bảo vệ làng và giữ nhà giữ đất khi xưa, nay lại được giao thêm một trọng trách mới: Giữ của cải - tài sản, đặc biệt là bất động sản cho con người.
Cùng với việc “chạy” sổ xanh, sổ hồng rồi sổ đỏ1 từ cơ quan quản lý địa chính, việc “cúng đơm” cho vị thần quản lý đất đai cũng được thực hiện ngày càng cẩn thận hơn, quy mô hơn, tốn kém hơn và rườm rà hơn, thể hiện tầm quan trọng của vị thần này ngày một lớn hơn. Nhưng thật trớ trêu, trong khi người ta có thể bỏ ra vô số thời gian và tiền bạc cho việc “chạy” sổ đỏ và cúng Thổ thần thì chẳng mấy ai bỏ thời gian và chi vài chục nghìn đồng để mua một vài cuốn sách tìm hiểu xem Luật đất đai có những vấn đề gì hay vị thần mà mình sắp cúng có nguồn gốc như thế nào.
1 Các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những trường hợp thầy cúng không thuộc bài, cúng sai tên, cúng nhầm vị thần khác, đọc sai tên gia chủ,… thường xuyên xảy ra mà hầu như không bị phát hiện. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề đất đai không chỉ dưới góc độ kinh tế mà cần phải đặc biệt coi trọng các vấn đề lịch sử, văn hóa và xã hội. Và việc đầu tiên là phải tìm hiểu một cách thấu đáo về Thần Đất nói riêng và các vị thần nói chung trong văn hóa truyền thống của người Việt.
2. Thần Đất trong văn hóa dân gian của người Việt
Trong vô số vị thần có liên quan đến đời sống văn hóa của con người thì Thần Đất là một trong những vị thần quan trọng nhất và xuất hiện sớm nhất. Tín ngưỡng thờ Thần Đất là một trong những tín ngưỡng sơ khai của loài người ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Người La Mã có Tellus / Terra, người Maya có Ah Uuc Ticab, người Aztech có Tlaltecuhtli, người Ai Cập có Geb, người Ấn Độ có Vasudhara, người Trung Hoa có Thổ địa (Thổ Địa Công - Tu Di Gong), người Việt có Thổ thần hay Thần Đất.
Trên thực tế, mỗi nền văn hóa có nhiều vị thần có liên quan đến đất đai nhà cửa nên chúng ta có thể thấy nhiều hơn một vị thần có tên gọi là Thần Đất. Có lẽ, khi những cư dân Việt bắt đầu định cư thành làng thì khi đó cũng bắt đầu có các tín ngưỡng thờ Thần Đất bên cạnh Thần Núi, Thần Nước, Thần Rừng, Thần Sông, Thần Cây, Thần Đá,... Những loại hình tín ngưỡng sơ khai này, cho đến nay, vẫn tồn tại trong văn hóa của người Việt cũng như nhiều tộc người thiểu số anh em đang sinh sống ở Việt Nam.
Khi người Việt trải qua ách đô hộ nghìn năm của người Hán, nhiều yếu tố văn hóa bản địa của người Việt đã giao thoa với các yếu tố văn hóa của người Hán (đặc biệt là ngôn ngữ) tạo nên những tên gọi mới trên nền tảng những tín ngưỡng xưa. Kể từ đây, vị thần chủ về đất đai của người Việt được mang những cái tên Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ đều là những tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Hán. Mặc dù vậy, khi du nhập vào Việt Nam, những tên gọi gốc Hán đó lại được “gộp” chung vào tín ngưỡng thờ Táo quân hay Ông Công – Ông Táo thành một dạng tín ngưỡng riêng của người Việt và được huyền thoại hóa qua truyền thuyết “Hai ông một bà.” 1
1 Xem: Hồ Đức Thọ (2008), Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt, Nxb. Hồng Đức, tr.19-20.
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm, vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Khi Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:
- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi không gian bao quanh gia đình, có nơi quan niệm là coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân;
- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, đất đai. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần;
- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Không chỉ gộp chung các vị thần có liên quan đến đất đai bằng cách huyền thoại hóa các tín ngưỡng này, người Việt còn “gộp” thêm cả những vị thần khác trong văn hóa Việt Nam thành một loại tín ngưỡng nguyên hợp. Tính nguyên hợp1 của loại hình tín ngưỡng dân gian này được thể hiện rất cụ thể qua ban thờ Thần Tài – Ông Địa hiện nay. Thậm chí, loại ban thờ này dù đã có Thần Tài và Thần Đất (là hai biểu tượng của hai tín ngưỡng hoàn toàn khác khau) được thờ chung nhưng trong nội dung bài vị còn có cả tên Đông trù Tư mệnh Ngọc đế Táo quân (H1). Điều đó cho thấy một nét văn hóa khá đặc trưng của người Việt: Họ ít quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc của các biểu tượng tôn giáo tín ngưỡng. Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành,” họ chấp nhận các loại thần, thánh khác nhau trong cùng một ban thờ, miễn sao, các vị thần, thánh đó mang lại lợi lộc, may mắn, an lành,… cho họ và gia đình họ. Có lẽ vì vậy mà sau khi Đạo giáo Trung Hoa lụi tàn ở Việt Nam, các pho tượng trong thần điện Đạo giáo ở Việt Nam như Ngọc Hoàng, Đế Thích, Quan Công,… được “bê” cả vào chùa và sắp xếp cho một vài vị trí “khiêm tốn” phía dưới các tượng Phật và tượng Bồ Tát.
1 Tính nguyên hợp (syncretism) hay còn gọi là thuyết hổ lốn (cách gọi này dường như thiếu tính học thuật) là sự kết hợp của những niềm tin khác nhau, đôi khi có vẻ mâu thuẫn với nhau về tư tưởng, đặc biệt là những tư tưởng của con người trong giai đoạn sơ khai. Trong các tư tưởng thần học và thần thoại của các tôn giáo, tính nguyên hợp cho thấy một sự thống nhất cơ bản và cho phép một cách tiếp cận toàn diện cho mọi loại hình tôn giáo tín ngưỡng. Trong xã hội đương đại, tính nguyên hợp được thể hiện rõ nét qua các thành tố nghệ thuật dân gian. Đặc tính này dường như ngày càng bị thu hẹp trong các xã hội phát triển cao của phương Tây (duy lý) nhưng lại có xu hướng bảo tồn/bảo thủ trong các xã hội phương Đông (duy tình). Xem thêm: Đinh Hồng Hải, “Tính nguyên hợp trong văn hóa dân gian và kỷ niệm lần đầu gặp GS. Đinh Gia Khánh,” Văn hóa Nghệ An số 9 năm 2013.
H1. Biểu hiện của tính nguyên hợp trong tín ngưỡng dân gian của người Việt: Sự phối thờ Thần Tài, Thần Đất và Thần Bếp.
Ảnh chụp tại số 42 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội năm 2013
Văn bản trong H1 được dịch là:
TỤ BẢO ĐƯỜNG
Câu đối hai bên:
- Châu cơ tòng địa khởi;
- Phúc lộc tự thiên thân.
Nghĩa:
Ngọc ngà từ đất dấy;
Phúc lộc tự trời sinh.
Các chữ nhỏ ở giữa (đọc từ phải sang trái):
- Chiêu tài đồng tử
- Ngũ phương ngũ thổ tài thần vị.
- Đông trù Tư mệnh Ngọc đế Táo quân Long thần vị.
- Bản gia địa chủ Phúc đức vượng tướng chi thần vị.
- Tiền hậu địa chủ Lộc thần vị.
- Tiến bảo tiên cung.1
Nếu so sánh với phần khảo luận của Toan Ánh cách đây nửa thế kỷ:
NGŨ PHƯƠNG NGŨ HỔ LONG THẦN
TIỀN HẬU ĐỊA CHỦ TÀI THẦN
THỔ NĂNG SINH BẠCH NGỌC
ĐỊA KHẢ XUẤT HOÀNG KIM
(Đất hay sinh ngọc trắng
Đất khá có vàng ròng)2
1 TS. Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán – Nôm dịch.
2 Toan Ánh (2000), Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.90.
Chúng ta có thể thấy rõ sự biến đổi của các yếu tố tín ngưỡng được biểu hiện qua nội dung bài trí trong các ban thờ.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, “sự thu gọn Táo quân, Thổ địa và Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức chính thần vào một bài vị như trên và việc đồng nhất cả ba vị gia thần là Định phúc Táo quân đã chỉ ra xu hướng giản lược sự thờ tự vào chức năng duy nhất của vị thần được coi là “Đệ nhất gia chi chủ: Đại diện cho Ngọc Hoàng ở mỗi gia đình để theo dõi việc tội phúc của gia chủ và các thành viên trong gia đình...”1 Điều này còn được thể hiện một cách rõ nét hơn trong tín ngưỡng thờ Thần Bếp và Thần Tài mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong các phần sau.
1 Huỳnh Ngọc Trảng (1993), Ông Địa – tín ngưỡng và tranh tượng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.27.
Trong khi tín ngưỡng thờ Thần Đất của người Việt được dung hợp với tín ngưỡng thờ Táo quân ở miền bắc thì ở phía nam (nơi hội tụ đa văn hóa Việt, Hoa, Chăm, Khmer) lại có thêm nhiều dạng khác nhau về tín ngưỡng thờ vị thần này. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Thần Đất của người Chăm tương đối “mờ” trong khi vị Thần Đất có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ của người Khmer (H2) lại phát triển thành dạng tín ngưỡng thờ nữ thần Prah Thorni, vốn bắt nguồn từ một vị nữ thần đất có nguồn gốc Ấn Độ tên là Vashudara. Trong khi biểu tượng tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Thần Đất của người Việt ở miền nam chính là Ông Địa.
Ông Địa lại kết hợp với Thần Tài thành một dạng tín ngưỡng đặc thù thờ chung cả hai vị thần trong cùng một ban thờ như đã đề cập ở trên (H3). Hiện nay, dạng tín ngưỡng này đã phổ biến rộng khắp cả trong nam, ngoài bắc tạo nên một trào lưu tín ngưỡng mang tính phổ quát trong xã hội Việt Nam: Thờ Thần Tài – Ông Địa. Khi loại hình tín ngưỡng này phát triển một cách rộng khắp thì nó đã dung hợp với Táo quân - Thần Bếp và thậm chí “gộp” luôn cả Di Lặc, có lẽ là vì vẻ ngoài giống nhau của Ông Địa và Di Lặc (H4).1
1 Đây chính là biểu hiện của Di Lặc – Thần Tài mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong phần sau.
H2. Nữ Thần Đất của người Khmer, Kiên Giang
H3. Một ban thờ Thần Tài - Ông Địa điển hình ở Tp. Hồ Chí Minh
H4. Tượng Di Lặc - Thần Tài đặt trên ban thờ Thần Tài – Ông Địa tại quán Phở Hòa, Tp.Hồ Chí Minh
Ảnh chụp năm 2014
Nhưng ít ai biết rằng, hình mẫu vị Thần Tài trong văn hóa Việt Nam lại được lấy từ nguyên mẫu Thổ Địa vùng nam Trung Hoa (H5) với bộ râu trắng.1 Trong khi Ông Địa ở Việt Nam là một vị thần béo tốt, đầu hói, vẻ mặt vui vẻ, tay cầm quạt, đầu quấn khăn “đầu rìu.” Như vậy, biểu hiện của Thổ Địa Công từ phía nam Trung Hoa khi đến Việt Nam đã “biến” thành Thần Tài Việt Nam còn biểu tượng Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng (hay Hòa Thượng Túi vải) thì được sử dụng làm “chất liệu” để tạo hình Ông Địa.
1 Thần Tài ở khu vực nam Trung Hoa, từ Phúc Kiến, Quảng Đông đến Đài Loan, Hồng Kông, đều có biểu hiện bằng bộ râu đen.
H5. Thổ Địa Công thần vị. Ảnh chụp tại Hồng Kông năm 2013
Vậy đây là một sự nhầm lẫn hay “cố ý thay đổi” của người Việt khi hoán đổi vai trò và vị trí như vậy? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, “Đến cuối thế kỷ thứ 19, Thổ Địa với tín lý phồn thực vẫn còn được quan niệm là vị thần Tài Lộc. "Đại Nam Quốc âm tự vị", xuất bản năm 1896, định nghĩa: Thổ Thần là "Thần Đất, thần giữ tiền bạc" (T. II, tr.366). Rồi mãi đến khi kinh tế hàng hóa phát triển, công thương nghiệp trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường thì yêu cầu từ thực tiễn hồi đầu thế kỷ thứ 20 đòi hỏi phải có một vị thần chuyên trách việc tiền bạc – đó là Thần Tài. Tuy vậy, Thần Tài vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của Thần Đất, cụ thể là Thần Tài luôn được thờ bên cạnh thần Thổ Địa như một cặp đôi không thể tách rời nhau… Hình tượng Địa ngày càng đa dạng và thay đổi về mặt tạo hình, nhưng Địa và Phật Di Lặc lại càng lúc càng "giống nhau hơn" ở kiểu ngồi đế vương thanh nhàn (Maharaga-lilarana) cho nên trong dân gian đã có sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất giữa tượng Ông Địa và tượng Phật Di Lặc. Một số gia đình đã mua tượng Phật Di Lặc về thờ ở nơi thờ Thổ Địa và Thần Tài.”1 Hiện tượng người dân cắm thuốc lá vào mồm tượng hoặc đốt thuốc lá, cúng cà phê tại ban thờ Thần Tài – Ông Địa cũng ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, nhiều người còn cắm thuốc lá vào mồm hoặc nhét tiền vào tay các pho tượng khác trong chùa, đặc biệt là pho tượng Di Lặc.2
1 Huỳnh Ngọc Trảng (2010), “Tục thờ Ông Địa và Thần Tài” trong http://www.dulichtamlinh.net.
2 Hiện tượng tín ngưỡng này từng diễn ra ở Đài Loan, được Robert P. Weller gọi là một loại “tín ngưỡng vô luân lý” qua việc người dân cắm thuốc lá vào mồm tượng Di Lặc. Phải chăng ở đây có sự hoán đổi (hay tráo đổi) để tạo sự khác biệt với nguyên mẫu. Xem trong: Chủ nghĩa Tư bản, cộng đồng và sự phát triển một tín ngưỡng vô luân lý ở Đài Loan của Robert P. Weller do Nguyễn Thị Hiền dịch, trích trong Chương 6, “Capitalism, Community, and the Rise of Amoral Cults in Taiwan” in trong sách Asian Visions of Authority: Religion and the Modern States of East and Southeast Asia, do Charles F. Keyes, Laurel Kendall, Helen Hardace chủ biên, University of Hawaii Press, Honolulu, 1994.
Có thể nói, tính nguyên hợp (hay chính xác hơn là sự “nhập nhằng”) của các tín ngưỡng thờ Thần Đất/Ông Địa, Thần Tài và Di Lặc ở Việt Nam đã tạo nên một dạng tín ngưỡng cực kỳ phức tạp nhưng lại là một nét văn hóa hết sức đặc thù của người Việt, đó là tính “tương đối” trong quá trình tiếp nhận tôn giáo tín ngưỡng. Họ đã tạo ra cũng như tiếp nhận nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau trong đời sống tâm linh. Vì thế mà trong một cơ sở thờ tự chúng ta có thể thấy các biểu tượng của nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại một cách hòa bình.
Chẳng hạn, trong một ngôi chùa hiện nay có tượng Phật (Phật giáo), tượng Ngọc Hoàng (Đạo giáo), tượng Thánh Mẫu (Đạo mẫu),… song hành tồn tại, trong khi ở nhiều gia đình lại thờ Thần, Phật, gia tiên trên cùng một ban. Thậm chí, đạo Cao Đài còn tích hợp Thần- Thánh-Tiên-Phật với các giáo lý Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Ki-tô giáo để tạo nên một tôn giáo của riêng người Việt được quốc tế công nhận và được đưa vào trong các bộ từ điển tôn giáo thế giới. Để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc và quá trình phát triển của các loại hình tín ngưỡng này cũng như sự “nhập nhằng” của các biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam chúng ta cần có một chuyên khảo riêng.1
1 Hiện nay chúng tôi đang thực hiện chuyên khảo mang tên: “Thách thức trong vấn đề phân loại biểu tượng Di Lặc ở Việt Nam: Di Lặc, Thần Đất hay Thần Tài” trong chuỗi nghiên cứu về biểu tượng Di Lặc sẽ xuất bản trong tương lai. Trong nội dung nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ chứng minh sự ảnh hưởng về mặt tạo hình đối với các tín ngưỡng dân gian của người Việt hết sức mạnh mẽ, thậm chí có thể làm biến đổi diện mạo của tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam.
Ngoài Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ biểu hiện qua tín ngưỡng Ông Táo còn có Xã thần là vị Thần Đất mang tính cung đình Trung Hoa (chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở mục sau). Mặc dù các tên gọi nói trên đa phần đều dùng các danh từ gốc Hán nhưng biểu hiện và cách thờ phụng của người Việt cũng rất khác với cách thờ phụng của người Hán. Trên thực tế, đa phần người Việt thường chỉ quan tâm đến Thần Đất/Thổ thần mà không quan tâm nhiều đến một tập hợp các vị thần mang tính hệ thống và khá phức tạp trong văn hóa Trung Hoa như đã nêu ở trên. Tín ngưỡng này là một dạng niềm tin phổ biến thể hiện qua câu thành ngữ: “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá.”
Thổ công ở đây chính là Thổ Địa hay Thần Đất, vị thần hộ mệnh của gia đình, làng xã, chủ về đất đai và phù hộ cho con người. Tuyệt đại đa số các gia đình Việt Nam dù giàu hay nghèo cho đến nay khi chuyển nhà, xây nhà mới, tậu đất mới,… đều có một nghi lễ không thể thiếu là cúng Thổ công, dù đó là nhà được xây trên mặt đất hay chung cư cao tầng. Thậm chí, những pho tượng Thần Tài và Ông Địa còn được bày trên quầy hàng vỉa hè để tăng phần may mắn (H6). Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ Thần Đất là một trong những tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt cùng với tín ngưỡng thờ gia tiên đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa Việt Nam.
H6. Ông Địa. Ảnh chụp tại một hàng tạp hóa vỉa hè Số 5, Phan Đăng Lưu, Tp. Hồ Chí Minh
3. Thần Đất trong văn hóa cung đình của người Việt
Bên cạnh sự phát triển của tín ngưỡng thờ Thần Đất trong văn hóa dân gian thì vị thần này còn có một hướng phát triển khác trong văn hóa cung đình vốn ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa đó là Xã thần có từ đời Chu. Ở giai đoạn này “cứ 25 nhà thì gọi là một xã. Mà đã lập ra xã, thì hàm nghĩa là đã có “đất.” Thế nên sau khi lập thành xã, thờ vị thần đất gọi là “Thổ Địa Công.” Mỗi xã lập ra một cái “đàn” để cúng Thổ Địa, cầu cho trúng mùa no ấm. Theo truyền thuyết thì Thần Hậu Thổ là vị chưởng quản hết tất cả đất đai chung cả nước, vậy Thổ Địa Công là vị coi sóc vùng đất nhỏ của địa phương nào đó. Phàm người lúc sống mà có công đức với vùng đất nào đó, thì khi chết được phong làm Thần Thổ Địa. Sở dĩ Thổ Địa được tôn xưng là “Phước Đức Chính Thần” là vì lúc xưa, các tụ lạc gọi là “Xã” và gọi thần Thổ Địa là “Xã Công.” Lúc mới bắt đầu thờ thì còn rất là trừu tượng, về sau mới nhân cách hóa bằng hình ảnh hai vợ chồng, gọi là Xã Công và Xã Mẫu, cũng gọi là “Thổ Địa Công” và “Thổ Địa Bà.” Đó là vị thần tượng trưng cho đạo nghĩa của đất nước. Vì thế, Thổ Địa là vị thần đứng đầu trong hàng các thần được thờ cúng (…) trước khi vào vụ trồng cấy, cúng vái Thổ Địa phù hộ cho trúng mùa, đến lúc thu hoạch thì cúng Thổ Địa để tạ ơn được mùa. Lần đầu cúng gọi là “Xuân kỳ”, lần sau cúng gọi là “Thu báo.”1
1 Dẫn theo: “Phước đức chính thần – Thổ địa công” trong http://www.blogphongthuy.com. Thực ra, đây là một trong những dạng tín ngưỡng phổ quát ở nhiều nền văn hóa nông nghiệp.
Cùng với Xã thần, người Trung Hoa còn có Thần ngũ cốc (Tắc) sau gộp chung lại thành Xã Tắc và thờ ở Đàn Xã Tắc, “đích thân hoàng đế làm chủ tế.”1 Lâu dần, xã tắc biến thành một danh từ chỉ cương vực quốc gia (Xã tắc bao phen chồn ngựa đá – thơ Trần Nhân Tông). "Xã tắc" có nghĩa từ “thuở xưa dựng nước… dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia." Việc tế tự ở Đàn Xã Tắc tại kinh đô Thăng Long đã được ghi lại như sau: "Triều nhà Lý, lập đàn Phong vân để cầu mưa; đàn Xã tắc để cầu quanh năm được mùa; dùng ngày lập xuân làm lễ nghinh xuân."2 Tiếp theo triều Lý, các triều đại kế tiếp đều cho xây dựng Đàn Xã Tắc và tế lễ thường niên, đến Cách mạng tháng Tám thì nghi thức tế lễ này mới bị bãi bỏ. Di vết Đàn Xã Tắc ở Hà Nội đã được các nhà khảo cổ học khai quật năm 2006 khi “đoạn đường đắt nhất hành tinh” từ Ô Chợ Dừa đến Đại Cồ Việt được thi công nay gọi là đường Xã Đàn (H7).3
1 Theo Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, Trần Trọng Dương dịch, tr.404. Cùng với Đàn Xã Tắc là Đàn Nam giao để tế Trời.
2 Lê, Quý Đôn (2007), trong: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Kiến Văn Tiểu Lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 62.
3 Di tích Đình Đông (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đã được nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh (Viện nghiên cứu Hán Nôm) qua tư liệu tìm thấy chứng cứ là Đình Đông được xây trên nền đền Xã Tắc xưa. Nếu tiến hành khai quật khảo cổ tại vi trí Đình Đông (tức phần nền đồn công an Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) rất có thể chúng ta sẽ tìm thêm được các chứng cứ quan trọng. Đáng tiếc là các đơn vị thi công đoạn đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu đã san phẳng những vết tích cuối cùng.
H7. Nơi được cho là vị trí Đàn Xã Tắc, Hà Nội. Ảnh chụp năm 2013
4. Mối quan hệ giữa Thần Đất, Thần làng và Thành Hoàng làng
Không chỉ có sự “nhập nhằng” giữa các biểu tượng Ông Địa/Thần Đất, Thần Bếp, Thần Tài và Di Lặc đang diễn ra trong văn hóa Việt Nam khiến chúng ta “rối trí,” mà chỉ riêng một vài tên gọi của vị thần có liên quan đến đất đai (Thổ công/Thổ địa/Thành Hoàng) cũng đã khiến cho chúng ta “đau đầu.” Có điều đó là do mối quan hệ đan xen giữa Thần Đất, Thần làng và Thành Hoàng làng trong văn hóa Việt Nam cực kỳ phức tạp.
H8. Ban thờ Thần Đất ở Đình So, Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh chụp năm 2012
Ở trên, chúng ta đã tìm hiểu Thần Đất qua tín ngưỡng thờ Thổ công /Thổ địa của Việt Nam. Đây chỉ là một trong những dạng biểu hiện phổ biến nhất của Thần Đất ở Việt Nam. Còn trên thực tế, các vị thần có liên quan đến đất đai, điền thổ luôn có sự tích hợp “công năng” của Thần Tài, Thần làng và Thành Hoàng làng. Trong số các vị thần nêu trên thì Thần Tài và Thành Hoàng làng được du nhập từ văn hóa Trung Hoa, sau đó Việt hóa thành các vị thần của người Việt, còn Thần Đất và Thần làng là các vị thần bản địa (H8).
Thần Đất là dạng tín ngưỡng có liên quan đến đất đai, vậy Thần làng là vị thần nào? có liên quan đến vấn đề gì trong đời sống của người Việt? và có liên quan gì đến Thành Hoàng làng? Để trả lời những câu hỏi này chúng ta cần phải xem xét mối quan hệ lịch sử, văn hóa của các vị thần này trong văn hóa Việt Nam.
Trong một nghiên cứu về vị Thành Hoàng Lý Phục Man, Nguyễn Văn Huyên (dẫn lại Tiểu luận về ngôi đình của Nguyễn Văn Khoan) cho rằng Thành Hoàng làng có hai loại thiên thần và nhân thần với lời giải thích “Thiên thần là những những nhân vật huyền thoại đã biểu hiện bằng phép lạ. Nhân thần được thờ cúng vì, lúc sinh thời, các vị đó đã có công giúp nước, giúp vua hoặc giúp làng, hay vì, sau khi chết các vị đó đã biểu hiện sức mạnh siêu nhiên của mình bằng những hành động tốt.”1
1 Nguyễn Văn Huyên (1995), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.289.
Trong cuốn Thần, người và đất Việt, Tạ Chí Đại Trường cho biết thêm: “Thổ thần mang tính bao quát, nhưng trong tôn giáo của nhà nước thì Thành Hoàng và Thổ địa là hai tước vị của thần linh cai quản đất theo thứ tự trên, dưới. Vì vai trò thấp kém của một thần chủ đất nhỏ, không quan trọng, nên Thổ địa cũng thường lẫn với Thổ công của các khu nhà, vườn.”1
Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục (phần: Nói về phong tục hương đảng) ghi: “Thần Hoàng – Mỗi làng phụng sự một vị Thần Hoàng, có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị… Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Hai là các vị Nhân thần như là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,v.v… Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước, lúc mất đi, hoặc nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ.”2 Sơn Nam trong nghiên cứu của mình đã sửa chữ Thần hoàng của Phan Kế Bính thành Thành hoàng khi trích lại,…3
1 Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, tr.268.
2 Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb. Đồng Tháp, tr.77.
3 Nhiều tác giả (2005), Thuần phong mỹ tục Việt Nam (sách in chung), Nxb Trẻ, tr. 317.
H9. Đình Thần Thành Hoàng, Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh chụp năm 2003
Các trích dẫn ở trên cho thấy tính phức tạp trong tín ngưỡng thờ Thần Đất ở làng xã của người Việt, nhưng dù phức tạp chúng ta vẫn nhận ra sự khác nhau của Thần Đất và Thành Hoàng làng: Một vị có nền tảng văn hóa dân gian bản địa và một vị “ngoại nhập”1 được chính quyền sử dụng như một công cụ của thần quyền.
1 Mặc dù tín ngưỡng thờ Thành Hoàng được du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa nhưng người Việt không thờ vị thần này theo cách của người Trung Hoa mà khoác lên vị thần làng của mình cái tên Thành Hoàng.
Thành Hoàng lại được chia làm hai loại Thiên thần và Nhân thần. Tuy nhiên, khi tìm hiểu Thần Đất và Thành Hoàng làng chúng ta thường cảm thấy bối rối. Có điều này là do chúng ta chỉ chú trọng đến vai trò của các vị thần1 mà ít chú ý đến vai trò và vị trí của các vị thần đó trong từng giai đoạn lịch sử.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần tập trung vào những gì mang tính “phi quan phương” của dạng tín ngưỡng làng xã này. Theo đó, Thần Đất là dạng tín ngưỡng lâu đời, mang tính “tự phát” của người dân nông nghiệp với đất đai, đồng ruộng của họ. Cùng với Thần Đất còn có vô số loại thần khác ở làng như thần rắn, thần chó, thần đá, thần cây, thần ăn mày, thần ăn cướp, thần ăn cắp, thần gắp phân, đặc biệt là các vị thần nghề hay tổ nghề của làng.2 Mỗi vị thần này, khi chưa chịu sự chi phối của chính quyền, là vị thần riêng biệt của mỗi làng mà chúng ta có thể gọi chung là Thần làng.
1 Như Tạ Chí Đại Trường đề cập, có hai vai trò chủ đạo ở đây là thần của dân và thần của chính quyền địa phương.
2 Thậm chí, cho đến nay một số làng vẫn thờ thần ăn cắp, thần gắp phân, dâm thần,… bên cạnh các vị Thiên thần và Nhân thần có tên trong sắc phong ở đình làng.
Khi chính quyền phong kiến muốn thâu tóm thần quyền về tay mình, họ đã loại dần các vị Thần làng nói trên và thay vào đó các vị Thiên thần và Nhân thần (có tính “cung đình” hơn các vị Thần làng dân gian). Các vị này sau đó đều được gọi là Thành Hoàng của làng mà không gọi là Thần làng (phải chăng vì tên gọi Thành Hoàng có vẻ cao sang hơn?).
Như vậy, Thần Đất chỉ là một trong vô số các vị thần bản địa và là một trong số các vị Thần làng từng tồn tại trong văn hóa dân gian của người Việt. Có lẽ, các nhà nghiên cứu cần nhìn nhận lại vị trí của Thần làng trong tín ngưỡng dân gian làng xã của người Việt trước sự “áp đảo” của Thổ công và Thành Hoàng có nguồn gốc Trung Hoa, để từ đó có thể tái phân loại các vị thần bản địa của người Việt (chứ không thể chỉ có hai loại Thiên thần và Nhân thần theo một cách phân loại mang tính áp đặt của chính quyền phong kiến vốn “ưa thích” những mỹ tự “cao sang” sử dụng Hán tự). Điều này sẽ giúp chúng ta bóc tách các yếu tố Trung Hoa trong tín ngưỡng làng xã để khẳng định đặc tính văn hóa của người Việt. Xa hơn, sự nhìn nhận lại vị trí của Thần làng trong văn hóa Việt Nam sẽ giải mã “nghi vấn lịch sử” về lý lịch của các vị thần được vua quan nhà Hậu Lê “bịa ra” qua vô số thần phả, thần tích.1 Việc khẳng định sự tồn tại của các vị Thần làng Việt Nam cũng là một cách khẳng định bản sắc văn hóa của người Việt từng tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và vẫn đang tồn tại một cách sống động trong đời sống người dân Việt Nam ngày hôm nay.
1 Quá trình “bịa lý lịch” này có thể đã diễn ra từ lâu, nhưng giai đoạn cao điểm là 1572, với “ý muốn đồng nhất các lễ nghi trong nước cũng như ý chí thật sự kiểm soát công việc của làng xã đã khiến các vua nhà Hậu Lê tìm cách hủy bỏ các đặc điểm của địa phương… Bộ Lễ thời bấy giờ đặt ra tiểu sử chính thức cho những vị nào chưa có tiểu sử.” Xem thêm: Nguyễn Văn Huyên, sđd., tr. 289-290.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ Thần Đất trong văn hóa Việt Nam là một nét văn hóa đặc thù và cũng là một trong những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Tìm hiểu Thần Đất của người Việt trong quá khứ giúp chúng ta phân biệt được vai trò, vị trí, tên gọi,… của mỗi vị thần có liên quan đến tín ngưỡng này. Xa hơn, chúng ta có thể bóc tách các lớp văn hóa dân gian bản địa với các yếu tố văn hóa ngoại nhập. Từ đó xác định được những giá trị văn hóa tiêu biểu trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Trên thực tế, sự tìm tòi và hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa của dân tộc cũng là một cách khẳng định những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc và khẳng định giá trị của những yếu tố cấu thành bản sắc của dân tộc đó.
H10. Một nơi thờ Thổ thần giản dị. Ảnh chụp trong vườn nhà nhạc sĩ Dương Thụ ở Bắc Ninh năm 2015
Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ kinh tế ở Việt Nam từ sau “đổi mới,” đời sống văn hóa tinh thần của người dân có nhiều biến đổi. Những sự biến đổi này bao gồm cả yếu tố tích cực cũng như tiêu cực. Yếu tố tích cực là người dân được tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng những vị thần mà họ quan tâm, góp phần quan trọng trong đời sống tinh thần hay “đời sống tâm linh” của con người. Bên cạnh đó, những biến đổi mang tính chất mê muội cũng mang đến vô số hệ lụy đối với con người và xã hội.
Một trong những hệ lụy lớn nhất của loại tín ngưỡng này là góp phần làm “ngu muội hóa” đời sống tín ngưỡng truyền thống (vốn dĩ lành mạnh) của người dân. Sự sùng bái quá mức những tín ngưỡng mà bản thân mình thiếu hiểu biết đã khiến một bộ phận người dân trở nên mê muội. Chẳng hạn như ăn thịt ngỗng sẽ bị điểm 2, ăn trứng bị điểm 0, ăn thịt vịt đầu tháng sẽ rủi ro cả tháng, ra ngõ gặp đàn bà con gái sẽ xui xẻo,… là những niềm tin vô căn cứ và phi khoa học.
Việc tổ chức thờ cúng Thần Đất một cách thái quá hiện nay cũng là một trong những biểu hiện của sự mê muội được dẫn dắt bởi các thầy địa lý. Đặc biệt, niềm tin về “linh vật trấn yểm” hay “vật phẩm phong thủy” đang trở nên một miếng mồi béo bở cho những “thầy phong thủy rởm” và kẻ gian trục lợi bất chính từ sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Nhiều “đại gia” đã chi hàng trăm tỷ nhờ “thầy địa lý” chọn đất và trấn yểm cho ngôi mộ của gia đình hay ngôi mộ của mình1 mà quên mất một điều rằng họ có thể bị lừa hoặc chính cái sự xa hoa đó có thể dẫn đến nguy cơ bị “đào mả” (khai quật) trong tương lai.
1 Xem trong: http://vtc.vn/kinh-ngac-nhung-ngoi-mo-ca-tram-ty-dong- o-mien-dong.394.357181.htm
Vì sao rất nhiều người dù đã “trấn yểm” kỹ lưỡng bằng những vật phẩm hết sức tốn kém nhưng vẫn “tán gia bại sản,” vẫn phải vào tù, thậm chí lĩnh án tử hình? Phải chăng do họ cúng nhầm thần nọ với thần kia? Cha ông ta đã có câu: “Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.” Để tránh những tai họa đó, có lẽ, việc đầu tiên là chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ về vị thần của mình, và một vị thần quan trọng như Thần Đất thì càng nên được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn.
H11. Những ngôi mộ khổng lồ tiền tỷ tại nghĩa trang An Bằng, Thừa thiên – Huế. Ảnh chụp năm 2007
H12. Khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Nguồn: http://www.tienphong.vn/
H13. Khai quật lăng mộ Tùy Dạng Đế
Nguồn: http://vnexpress.net/
H14. Khai quật lăng mộ Tào Tháo
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/