Trong những ngày cuối tháng 8 năm 2014, báo chí quốc tế liên tục đưa tin phiến quân IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) cưỡng hiếp và tàn sát nhiều người thiểu số Yazidi. Điều này khiến cho Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc buộc phải có biện pháp khẩn cấp và mạnh tay để “ngăn chặn nạn diệt chủng đối với người Yazidi.” Vậy người Yazidi là ai? Vì sao Hoa Kỳ và Liên Hợp quốc cần phải có sự trợ giúp ngay lập tức đối với họ? Xin bỏ qua các vấn đề chính trị, chúng tôi chỉ xin đề cập đến văn hóa của người Yazidi như một “hiện vật sống” về một tôn giáo độc thần lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày hôm nay, đó là Đạo Thờ lửa.
Đạo Thờ lửa (Zoroastrianism) được sáng lập bởi nhà tiên tri Zoroaster/Zarathustra từ 3.500 năm trước tại một vùng thuộc Iran ngày nay. Đây là tôn giáo chính thống của đế quốc Ba Tư hùng mạnh trong hơn 1000 năm (từ 600 Tr.CN đến 650 SCN) nhưng hiện nay số lượng tín đồ chỉ còn khoảng 190.000 người (theo số liệu của Thời báo New York/The New York Times, 2006). Tôn giáo này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hình thành tín ngưỡng Đấng Cứu thế Phật giáo (qua biểu tượng Di Lặc - Maitreya) mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong phần nghiên cứu về Di Lặc trong cuốn sách này. Tuy nhiên, trong tín ngưỡng đa thần, Thần lửa/Thần bếp chỉ là một trong số các vị thần sơ khai của nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa Việt Nam. Vì vậy, để tìm hiểu về Thần Bếp của người Việt, chúng ta cần bắt đầu từ loại tín ngưỡng sơ khai này.
1. Tín ngưỡng thờ lửa ở các nền văn hóa
Việc thờ cúng hoặc thần thánh hóa lửa đã được biết đến ở nhiều nền văn hóa trên thế giới. Điều này dễ hiểu bởi vì lửa là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của con người từ Sơ kỳ Đồ đá cũ, khi họ biết dùng lửa để nướng chín thức ăn, sưởi ấm và xua đuổi thú dữ. Các dấu vết sớm nhất của lửa đã được tìm thấy tại Gesher Benot Ya'aqov, Israel cách ngày nay khoảng 790.000 năm.1 Bằng chứng khảo cổ học sớm nhất về loại tín ngưỡng này được tìm thấy ở người Ấn – Ba Tư (Indo - Iranian)2 khoảng 1500 Tr.CN. Đây cũng là nơi các nhà khảo cổ học tìm ra vết tích đầu tiên của tục hỏa táng.
1 Goren-Inbar et al.(2004), Evidence of Hominin Control of Fire at Gesher Benot Ya`aqov, Israel (Chứng cứ về linh trưởng sử dụng lửa ở Gesher Benot Ya`aqov, Israel), Science, 304, 725-7.
2 Đây là nhóm cư dân thuộc một chi nhánh lớn của gia đình ngôn ngữ Aryan, cư trú ở vùng thảo nguyên Âu-Á giáp sông Ural ở phía tây và dãy Thiên Sơn ở phía đông.
Về sau, khi hỏa táng trở nên phổ biến trong Ấn Độ giáo thì nó lại bị chối bỏ trong tôn giáo của những người theo Đạo thờ lửa. Trong kinh Veda của người Hindu, lửa là một yếu tố trọng tâm của lễ Yajna, với thần Agni – thần lửa. Vị thần này đóng vai trò là trung gian kết nối và hòa hợp các tín đồ với nhau và với các vị thần khác. Trong nhánh Vaishnav của đạo Hindu, thần lửa Agni được coi như chiếc lưỡi của Đấng tối cao Narayana, vì vậy tất cả những sự hiến tế được thực hiện đều là sự hy sinh cho Đấng tối cao Narayana.1
Ở Trung Hoa, vết tích của tín ngưỡng thờ lửa muộn nhất cũng đã được phát hiện từ đời Hán qua các bằng chứng ngôn ngữ gắn với chiếc bếp lò bằng đất, chữ Táo(灶/竈) trong Táo Công (Ông Táo) có nghĩa là “bếp lò.” Vì vậy, Táo Quân mang hàm nghĩa là Vua bếp. “Tư liệu đầu tiên có ghi chép về Táo Quân là thi tuyển Thạch Hồ Từ của thi sĩ Phạm Thành Đại sống dưới triều vua Cao Tông (1127-1126) của nhà Tống (960-1280). Trong tập thi tuyển, Phạm có bảo mỗi gia đình dân chúng thường cúng ông Táo vào dịp cuối năm để ngài bay về trời báo cáo cho Ngọc Hoàng Thượng Đế biết việc thiện ác của gia chủ đã làm.”2 Còn ở Hàn Quốc, tên gọi của vị thần có liên quan đến bếp núc được gọi là Táo Vương Thần (Jowangshin 조왕신 / 竈王神 – H1). Đây là vị thần chủ về sức khỏe, đặc biệt là đối với những người phụ nữ trong gia đình.
1 Madhulika Sharma (2002), Fire Worship in Ancient India (Thờ lửa ở Ấn Độ cổ đại), Jaipur Publication Scheme.
2 Lê Anh Minh (2010), “Táo quân Việt Nam và Táo quân Trung Quốc” trong Vietsciences số tháng 2/2007. Xem: http://vietsciences.free.fr. Trong nhiều gia đình ở Trung Quốc hiện nay thường dán đôi câu đối Thượng thiên ngôn hảo sự (上天 言好事) - Hạ giới bảo bình an (下界保平安) với hàm nghĩa lên Trời báo cáo tốt để dưới hạ giới được bình an.
H1. Thần Bếp Hàn Quốc
Nguồn: http://www.naewon.or.kr
Trong khi đó, ở Nhật Bản lại phổ biến vị thần bếp có tên gọi là Kamado-no-kami (竈の神 – H2) có nghĩa là Táo thần - Thần lò. Thần lò Nhật bản có hai loại, một đại diện cho thuyết Âm-dương (lửa/nước, nóng/lạnh,…) và một có liên quan đến Phật giáo với tên gọi Sambo-Kojin (Tam bảo hoang thần - 三宝荒神). Đặc điểm nhận dạng của vị thần này là có hai đôi tay và ba chiếc đầu.
H2. Thần Bếp Nhật Bản
Nguồn: http://www.kirari1000.com
Ở châu Âu, trong truyền thống văn hóa Hy - La (Graeco-Roman) thờ lửa có hai hình thức riêng biệt: Lửa lò sưởi và lửa lò rèn. Thờ lửa lò sưởi được duy trì ở Roma với Đức bà đồng trinh Vestal, vị hộ thần của Nữ thần Vesta và cũng là vị hộ thần của các gia đình. Ở Hy Lạp, vị nữ thần trong nền văn hóa này có tên gọi là Hestia. Những gì có liên quan đến khói lửa cũng có mối liên hệ với thần Hephaestus của người Hy Lạp và thần Vulcan của người La Mã. Tuy nhiên, hai vị thần này dường như là các vị thần bảo vệ phường hội và chống hỏa tai ở các thành phố hơn là những vị “Thần Lửa” thực thụ.
Một chi tiết khác có liên quan đến tục thờ lửa là sự mê hoặc thần Prometheus trong văn hóa Hy Lạp, người đã đánh cắp lửa cho con người từ các vị thần ở trên trời. Hầu hết các hình thức thờ phụng lửa trong các tôn giáo Hy - La đều có liên quan đến công việc nấu hoặc nướng chín con vật trước bàn thờ của một ngôi đền. Ngoài ra, trong các nền văn hóa khác ở châu Âu cũng có các vị thần liên quan đến tín ngưỡng thờ lửa hoặc các huyền thoại về lửa như thần Belenus của người Celtic, thần Svarog của người Sla-vơ (Slavic),…
Ở Việt Nam, mặc dù chưa tìm thấy vết tích của tín ngưỡng thờ lửa qua các hiện vật khảo cổ học, nhưng trong đời sống văn hóa các tộc người thì lửa luôn là một thành tố quan trọng trong mọi nghi lễ. Chẳng hạn, các nghi lễ của người thiểu số luôn được thực hiện bên đống lửa, còn trong văn hóa của người Mường có cả một huyền thoại về Buil Mòong (một loại ruồi to) nhờ “Cặm-cọt-vót-nhui” học cách làm ra lửa cho Lang Tá Cần bằng cách dùng máng cây khô và lạt giang già cọ xát tạo ra lửa.1 Riêng người Kinh, mặc dù xã hội đã phát triển ở một mức độ cao, nhưng dường như di vết của một loại hình tín ngưỡng có liên quan đến lửa vẫn tồn tại qua việc đốt các đỉnh trầm và cây hương/nhang trong các nghi lễ cúng tế hiện nay.
1 Theo lời kể của ông Bùi Huy Vọng, người Mường, ở Lạc Sơn, Hòa Bình.
Đặc biệt, tín ngưỡng Vua Lửa vẫn tồn tại trong văn hóa của người Tây Nguyên tới đầu thế kỷ 20. “Ba ông vua là Vua nước, Vua lửa và Vua gió, dẫu không hề là một thể chế pháp trị, chỉ đơn thuần mang tính chất thần quyền, nhưng sự chi phối của họ trong đời sống tâm linh của những cư dân bản địa, với nền văn minh lúa nước vẫn có ảnh hưởng khá lớn từ xa xưa. Đại Nam liệt truyện chính biên khắc họa khá rõ những vùng đất của Thủy xá (Vua nước) và Hỏa xá (Vua lửa). Trong những khảo cứu của các nhà dân tộc học người Pháp cũng như trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã từng nhắc đến vùng đất này. Những người kế tục Hỏa xá theo truyền thống là phải mang họ Siu. Vì thế, ngôi vị của các Pơtao Apuih không phải là cha truyền con nối mà là sự lựa chọn những người trong họ. Nếu người được chọn ưng thuận, người trong vùng sẽ chuẩn bị lễ cúng gồm trâu, heo, gà, rượu,… tuyệt nhiên không có bò. Và đặc biệt, những người mang họ Siu cũng không được nuôi bò. Vua cũng chỉ được lấy một vợ như người bình thường. Con của vua đều phải lăn lưng trên rẫy, vật lộn với thiên nhiên, muông thú để kiếm cái ăn.”1
1 Trần Hiếu (2014), Huyền thoại những Pơtao Tây nguyên - Kỳ 2: Về đất Hỏa xá, trên báo Thanh Niên ngày 18/7/2014. Có thể xem lại trong: http://www.thanhnien.com.vn
H3. Mũ Ông Táo Việt Nam
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật
Có thể thấy tín ngưỡng thờ lửa ở các nền văn hóa nói trên hầu hết đều có liên quan đến bếp lò và công việc bếp núc, và hầu hết đều là các tín ngưỡng dân gian. Chỉ riêng người Ba Tư xưa (hay người Yazidi hiện nay) sở hữu một tôn giáo độc thần có liên quan đến lửa đó là Đạo thờ lửa và ở Việt Nam có tồn tại tín ngưỡng Vua Lửa ở Tây Nguyên. Trong văn hóa của người Việt, tín ngưỡng thờ lửa hoặc có liên quan đến lửa đã dung hợp với tín ngưỡng thờ Táo Quân của người Trung Hoa và phát triển thành một loại hình tín ngưỡng mang tính phổ quát khắp ba miền bắc-trung- nam, trở thành một nghi lễ tín ngưỡng không thể thiếu trước dịp Tết âm lịch.
Đặc biệt, trong hơn một thập niên qua, với sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông, còn xuất hiện một chương trình giải trí có liên quan đến Ông Táo – Táo Quân của Đài truyền hình Việt Nam có tên Gặp nhau cuối năm vào buổi tối Giao thừa. Đây là một trong những một chương trình đặc sắc không chỉ được người dân yêu thích dưới góc độ giải trí mà còn được nhiều người quan tâm dưới góc nhìn xã hội.
2. Thần lò trong văn hóa Trung Hoa
Vị “thần lò” mang tên Táo quân trong văn hóa Trung Hoa khi được đưa vào văn chương đã hình thành nên vô số huyền thoại như Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân nên khi chết được thờ làm thần bếp (theo Hoài Nam Tử), Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết người dân thờ làm thần lửa (theo Lã Thị Xuân Thu), Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị (theo Ngũ Kinh Di Nghĩa),… Những truyền thuyết này nhiều tới mức các nhà khoa học đã thống kê “có ít nhất là 40 truyền thuyết về nguồn gốc của Táo Quân. Truyền thuyết phổ biến nhất như sau: Có người tên là Trương Táo Vương lấy vợ tên Quách Đinh Hương, một người đức hạnh và giỏi giang. Một thời gian sau, Trương chán chê vợ, bèn dan díu với một ả kỹ nữ tên là Lý Hải Đường. Lý xúi giục Trương bỏ vợ theo ả. Đinh Hương ra đi với hai bàn tay không, rồi trở về nhà bố mẹ ruột. Trương và Lý chung sống với nhau, gia đình dần dần suy sụp, Lý quay trở lại nghề bán phấn buôn hương, Trương nghèo đói, mù lòa, bèn đi ăn xin. Tình cờ, Trương lạc bước đến nhà vợ. Đinh Hương nhận ra chồng ngày xưa, đau lòng thấy chồng mù mắt, xin ăn, bèn dọn cho chồng cũ món mì sợi mà ngày xưa chàng rất thích. Trương ăn, bỗng sững sờ, sao món ăn này giống món ăn ngày xưa vợ anh từng nấu. Bèn khóc. Đinh Hương gọi: “Trương Lang! Trương Lang! Mở mắt ra!” Trương mở mắt ra, mắt sáng trở lại, nhìn thấy vợ cũ, lòng hổ thẹn bèn chạy trốn, nào ngờ chạy tọt vào bếp lò cháy chết. Đinh Hương cố sức kéo chân chồng ra, ai ngờ chân lìa ra. Kể từ đó người đời gọi dụng cụ để cào than trong bếp là “Trương Lang Túc” (chân Trương Lang.) Đinh Hương thương xót chồng và thờ tại bếp lò nơi chồng mất mạng. Tục thờ Táo Quân có lẽ từ đó.”1
1 Theo Lê Anh Minh (2010), tlđd.
Bỏ qua những nội dung hoang đường từ các truyền thuyết về thần lò Trung Hoa có thể tóm lược tín ngưỡng này như sau: Tín ngưỡng thần lò đã ra đời trong văn hóa Trung Hoa từ hơn 2000 năm qua. Loại tín ngưỡng này mang đến cho người Trung Hoa một niềm tin rằng vị thần lò trong gia đình sẽ “ghi chép” lại mọi việc làm của gia chủ trong cả năm và sẽ bẩm báo lên Ngọc Hoàng vào cuối năm. Ngày vị thần lò này lên báo cáo với Ngọc Hoàng là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Trước khi vị thần lò đi lên Thiên đình để báo cáo, gia chủ phải chuẩn bị mọi hành trang để vị thần này lên đường và không thể thiếu cá chép (vật cưỡi của thần).1 Người Trung Hoa tin rằng, việc cúng thần bằng các thực phẩm có vị ngọt sẽ mang lại những lời ngọt ngào từ vị thần lò tới Ngọc Hoàng. Sau khi báo cáo với Ngọc Hoàng, vị thần lò này sẽ trở về với gia đình vào ngày đầu tiên của năm mới.
1 Các tài liệu viết về truyền thuyết hay biểu tượng cá chép trong văn hóa Trung Hoa không dẫn nguồn nhưng cá nhân tôi “ngờ ngợ” rằng motif “cưỡi cá chép” của Táo Quân ở Trung Hoa và Việt Nam khá giống với motif “cưỡi Makara” của Nữ thần sông Hằng. Phải chăng người Trung Hoa xưa đã lấy motif này từ văn hóa Ấn Độ? Cần có chuyên khảo nghiên cứu riêng về vấn đề này.
Như vậy, từ khi hình thành tín ngưỡng có liên quan đến lửa, thay vì một vị Thần lửa như như một tôn giáo độc thần của người Ba Tư, người Trung Hoa đã sáng tạo nên một vị thần lò. Vị thần này đã được Đạo giáo hóa thành Táo Vương của người Trung Hoa (H4). Từ đây, tín ngưỡng Táo vương phát triển thành bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ và ảnh hưởng tới các nền văn hóa đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Ở mỗi nền văn hóa du nhập tín ngưỡng này, biểu hiện của vị thần lò lại có những biến đổi văn hóa để thích nghi với tín ngưỡng thần bếp hay tín ngưỡng thờ lửa bản địa đã tồn tại trong nền văn hóa tiếp nhận nó.
Chính sự biến đổi này đã tạo nên những khác biệt trong tín ngưỡng Thần Bếp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và khác với Thần Bếp Trung Hoa. Dưới đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu những khác biệt của loại tín ngưỡng này cũng như những biểu hiện của nó trong văn hóa Việt Nam.
H4. Thần lò Trung Hoa
Nguồn: http://english.eastday.com
3. Thần Bếp trong văn hóa Việt Nam
Mặc dù tiếp nhận tín ngưỡng Táo Quân từ văn hóa Trung Hoa, nhưng khi vào Việt Nam, vị thần này đã không còn là thần lò mà thực tế lại là vị Thần Bếp. Gọi là Thần Bếp vì, trong văn hóa Việt Nam ở miền bắc cũng như miền nam hầu như không sử dụng lò đất1 mà thay và đó là chiếc kiềng (theo cách gọi ở miền bắc) hay cà-ràng (theo cách gọi của miền nam). Còn các vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ trong văn hóa Trung Hoa khi du nhập vào Việt Nam được gọi là Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp. 2
1 Chữ Táo (灶) trong văn hóa Trung Hoa gồm bộ Hỏa đặt cạnh chữ Thổ (Lửa và Đất).
2 Theo Huỳnh Ngọc Trảng thì người Trung Hoa có năm đối tượng thờ chính gọi là Ngũ tự gồm: Trung lựu thần (thần trong nhà), Táo thần (thần bếp), Tỉnh thần (thần giếng), Môn thần (thần cửa chính), và Hộ thần (thần cửa trong). Tuy nhiên, người Việt hầu như chỉ sử dụng tên gọi Táo thần/Táo quân, còn các vị khác rất ít được nhắc tới.
Như vậy, tín ngưỡng Thần Bếp trong văn hóa Việt Nam có sự đan xen (hay lẫn lộn) giữa các vị thần nói trên trong văn hóa Trung Hoa và cũng thiếu sự rạch ròi giữa tín ngưỡng Thần Đất và Thần Bếp trong văn hóa Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các nghi lễ thờ cúng Ông Táo của người Việt. Theo đó, vai trò của vị thần lửa không rõ ràng trong khi vai trò của vị Thần Bếp thì hết sức mờ nhạt. Dường như vai trò của Ông Táo trong văn hóa Việt Nam giống như một vị thần chuyên trách việc giám sát hành vi và sinh hoạt của gia chủ để báo cáo với “cấp trên” ở Thiên đình (!).
Ở Việt Nam, sự tích Ông Táo có khá nhiều “phiên bản” (thuật ngữ thường dùng trong nghiên cứu văn hóa dân gian gọi là dị bản) và đã được Nguyễn Đổng Chi ghi lại khá đầy đủ trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam từ trang 207 đến trang 214 như sau:
Sự tích ông đầu rau
Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.
Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu. Túng thiếu hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình thế vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:
- Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở nhà được.
Nghe chồng nói, người đàn bà đòi đi theo để sống chết cho có bạn. Nhưng người chồng bảo:
- Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt bó mo về đây nuôi nàng cũng nên! Chao ôi! Số mệnh! Nàng hãy chờ tôi trong ba năm, nghe! Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác.
Người vợ khóc lóc thảm thiết như đứng trước cảnh tang tóc thực sự. Nhưng không biết làm thế nào cả, nàng đành phải để chồng ra đi. Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày ảm đạm. Ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lẹn và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.
Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Nhưng cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng. Giữa lúc ấy, người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đói vừa chết vợ. Sẵn có cảm tình với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:
- Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.
Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không một nét chữ, một lời đồn về người xấu số. Hằng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:- Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập một gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và của cải của tôi đủ bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.
Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.
Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm: "Thế là hết. Bởi số cả!". Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi vợ chồng mới cưới không biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám giáp mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ.
- Tôi đi vắng lâu quá. Cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút. Thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi nơi này mãi mãi.
Mặc dầu người vợ nài nỉ hết sức, mặc dầu người chồng mới đoan xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.
Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không ráng chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.
Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà. Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to: "Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác". Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.
Lúc xuống đến thế giới bên kia, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật ôm ấp trong lòng. Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất sâu xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Khi Diêm vương hỏi tình của chàng đối với người vợ cũ như thế nào thì chàng giơ ngón tay so sánh rằng một bên mười, một bên chưa được một. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.
Diêm vương ngồi nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi lâu suy nghĩ, Diêm vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời vua còn phong cho họ chức Táo quân trông nom từng bếp một, nghĩa là từng gia đình một trên trần thế.
Khảo dị
Xưa có hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau, đã lâu mà không có con. Một hôm vợ chồng cãi nhau, chồng giở thói vũ phu đánh vợ. Vợ bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với một người khác tên là Phạm Lang. Về phần Trọng Cao khi vợ bỏ đi rồi thì mới thấy hối hận, bèn cũng bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không được, hết tiền ăn đường, đành phải ăn xin lần hồi.
Một hôm Trọng Cao tình cờ đến xin tại nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ra chồng cũ: nhân chồng mới đi vắng, đưa vào thết đãi, rồi vì sợ chồng mới về bắt gặp, mới dắt Trọng Cao ra nằm ở một đống rơm ngoài đồng. Nhưng nàng không ngờ rằng chỉ một lúc sau, đống rơm ấy lại bị Phạm Lang đốt đi để lấy tro bón ruộng. Cũng như truyện trên, thấy chồng cũ chết, Thị Nhi cũng nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang, rồi người đầy tớ lần lượt xông vào cứu cũng đều chết nốt. Họ đều được Ngọc Hoàng cho làm thần Bếp.
Một truyện khác do người Sơn-Tây kể:
Có hai vợ chồng nghèo, chồng làm nghề buôn hương, vợ làm ruộng. Chồng thường xa vợ thi thoảng mới về một lần. Có lúc ông ta đi suốt năm chỉ gửi tiền về cho vợ tiêu mà thôi. Một chuyến chồng đi biền biệt không tiền nong tin tức gì cả, người vợ chờ mãi đến gần mười năm mà vẫn không thấy tăm dạng.
Rồi đó, người vợ nối duyên với một người khác chuyên nghề săn bắn và làm ruộng. Người này có nuôi một người đầy tớ tên là Lốc. Người chồng mới rất yêu quý vợ.
Một hôm, trong khi chồng mới và đầy tớ đi săn vắng thì người chồng cũ đột nhiên trở về sau bao nhiêu năm cách biệt. Ông bị giặc bắt lưu lạc trong rừng núi mãi đến nay mới trốn thoát được. Người vợ chỉ còn biết ôm lấy chồng cũ khóc than rồi dọn cơm rượu cho ăn. Khi chồng mới sắp về, vợ đưa chồng cũ ra ngoài đống rơm để tránh tiếng không hay.
Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén. Trong khi người đàn bà đi vắng thì người đầy tớ đốt đống rơm để thui con cầy. Lửa vô tình đã đốt chết người bán hương đang lúc ngủ say.
Giữa lúc đó thì vợ về. Thấy thế, nàng rất đau đớn, tự coi như mình phạm tội giết chồng cũ, vội nhảy vào đống lửa. Người chồng mới thương vợ đâm đầu vào đó thiêu nốt. Người đầy tớ thương chủ, lại thêm hối hận vì tay mình đốt chết người nên cũng nhảy vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm vương cho hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, người ta quen gọi là thằng Lốc. Trong những bức tranh Táo quân người ta không bao giờ quên về người đầy tớ có nghĩa đứng bên cạnh ba người.
Một truyện thứ tư thấy chép trong Dân Việt-nam (l948):
Người chồng cũ mắc bệnh như bệnh hủi. Chồng khuyên vợ bỏ đi nhưng người vợ không nghe. Một hôm vợ đưa tiền gạo ra cho một người ăn mày, chồng giả cách vu cho vợ có tình ý với người đó. Vợ tức mình nhảy xuống sông tự tử nhưng sau lại được người ăn mày kia cứu thoát. Nỗi oan lại càng khó tỏ, người vợ đành bỏ đi theo người cứu mình và lấy anh ta làm chồng.
Người chồng cũ một thân một mình không ai giúp đỡ, phải đi hành khất. Tình cờ một hôm đến gõ cửa nhà vợ cũ, vợ vô tình đem tiền gạo ra cho. Thấy vợ, hắn bỏ chạy rồi đâm đầu vào một đống lửa. Vợ đuổi theo không cứu kịp cũng nhảy vào để chết theo. Người chồng mới cũng đuổi theo và nhảy luôn vào lửa khi thấy vợ chết. Xuống âm phủ họ đều được làm thần Bếp.
Người Cham-pa có truyện Vua bếp, trong kết cấu có sự trộn lẫn cốt truyện Sự tích thần Bếp với cốt truyện Ai mua hành tôi của ta (Số l35, tập III):
Một thầy địa lý sắp chết dặn ba đứa con: "Khi bố chết đừng chôn vội, cứ khiêng xác đi về phương Nam, hễ nơi nào bố tự ý hạ xuống thì chôn ở đó". Bố chết, các con vâng lời, ba ngày vượt đồi leo núi hết hơi, xác mới rơi trên một tảng đá. Không ngờ đấy là hàm con rồng. Đêm đến rồng lần lượt báo mộng cho ba người con và xin biếu người thứ nhất một lọ bạc, người thứ hai một là vàng, người thứ ba một lọ nước thần. Nhưng cả ba nhận của biếu mà không chịu dời mộ. Trong khi hai anh giàu có thì người em út treo lọ nước lên xà nhà. Như truyện của ta, người vợ một hôm vô tình lấy xuống đổ ra tay thấy tay trắng, bèn đem tắm, người bỗng đẹp như tiên, hành và ngò mọc gần chỗ tắm lớn vổng lên lạ thường. Thấy người vợ của anh đẹp, vua bắt về cung. Anh chàng nhớ vợ bèn nhổ hành và ngò làm một gánh tiến kinh, rao: - "Ai mua hành cao năm thước hai, ngò cao ba thước sáu". Vợ nghe, biết là chồng cũ, gọi vào tình tự. Mấy lần như thế, vua ngờ vực, dặn lính hễ thấy ai rao như thế là bắt. Khi bắt được người chồng, vua muốn thử vợ, bèn đổi áo quần cho người bán hành, rồi gánh gánh hành ngò đi rao. Không ngờ vua bị lính bắt. Kết cục khác với chuyện Ai mua hành tôi của ta là anh hàng hành đang mặc áo của vua liền ra lệnh đốt chết nhà vua trong bộ áo hàng hành, Hoàng hậu tưởng là vua giết mất chồng cũ nên nhảy vào lửa chết theo. Anh hàng hành thấy vậy cũng nhảy vào lửa chết nốt. Về sau họ được phong làm vua Bếp.
Người Quảng-đông (Trung-quốc) cũng thờ thần Bếp, và cũng cúng thần vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Họ có nhiều truyện thần Bếp khác với truyện của ta.
Sau đây là một truyện phần nào gần truyện của ta ở một vài tình tiết:
Xưa có Trương Lang lấy vợ là Đinh Hương. Chồng bỏ đi buôn xa không có tin về. Vợ ở nhà chăm nom bố mẹ chồng rất hiếu thảo. Sau mười năm, bố mẹ chồng lần lượt chết cả mà chồng vẫn không thấy về.
Đột nhiên một hôm chồng trở về với nhiều của cải. Vợ không ngờ chồng về đến nhà là viết tờ ly dị. Hắn cho vợ một cỗ xe, một con bò rồi đuổi đi. Vợ gạt nước mắt ra đi không biết về đâu vì bố mẹ thân thích chẳng còn ai, mới bảo bò:
- "Bò ơi! Mày đi đến đâu tao sẽ theo mày tới đó". Bò đi mãi, đưa đến nhà một bà lão. Bà lão thấy Đinh Hương tốt nết, bèn hỏi cho con trai làm vợ. Hai vợ chồng rất tương đắc. Trương Lang sau khi đuổi Đinh Hương, lấy vợ khác. Không may một hôm nhà cháy, của cải không còn lại tí gì, hơn nữa mắt lại bị lòa, đành phải đi ăn xin.
Tình cờ một hôm vào ngày 23 tháng Chạp, hắn đến nhà Đinh Hương. Người ta cho hắn một bát cơm. Ăn hết, hắn xin bát thứ hai, thứ ba. Lần thứ ba Đinh Hương nghe tiếng quen quen, nhìn ra mới biết là chồng cũ, liền đưa cho một bát miến, nhưng hữu ý bỏ cái trâm cài đầu của mình vào đáy bát. Trương Lang ăn đến đó tưởng là miếng bã đậu quẳng đi rồi xin bát khác. Đinh Hương mới lên tiếng cho hắn biết mình là ai.
Trương Lang hổ thẹn lăn ra chết. Sau đó, Ngọc Hoàng thấy hắn là người cùng họ với mình bèn phong cho làm Táo vương. Người ta nể Ngọc Hoàng đành phải cúng hắn, nhưng họ lấy lẽ rằng hắn chết sau khi ăn bát miến của Đinh Hương nên đến ngày đó chỉ cúng có mỗi một bát miến.
Một truyện của người miền Nam Ấn-độ về mặt hình tượng có thể xếp gần với truyện của ta:
Có hai người Sô-ma-ray-ia và Bi-ma-ray-ia trở thành bạn chí thiết, tuy họ chưa bao giờ đến nhà nhau. Một hôm Bi-ma-ray-ia thấy vợ bạn (nhưng không biết là vợ bạn) đẹp, mới tha thiết nhờ bạn giúp cho mình được sống một đêm với người đàn bà ấy. Đứng giữa hai quan hệ tình vợ và tình bạn, Sô-ma-ray-ia không dám nói thật với bạn đó là vợ mình, hắn đành hy sinh cho bạn. Vợ Sô-ma-ray-ia rất đau khổ nhưng không dám trái ý chồng, coi trái ý chồng là một tội lỗi. Nhưng lúc Bi-ma-ray-ia đến nhà thì biết người đàn bà ấy không phải là người trăng hoa, mà là một người có đức hạnh. Và sau đó, nhìn thấy gươm của Sô-ma-ray-ia treo ở buồng, hắn biết thêm nàng chính là vợ bạn.
Nhận ra lỗi lầm, hắn bèn tuốt gươm tự đâm cổ chết. Vợ Sô-ma-ray-ia thấy thế cho là mình cũng có tội, bèn cũng đâm cổ chết theo. Sô-ma-ray-ia khi nhìn thấy hai cái xác thì vô cùng hối hận cũng toan đâm cổ tự sát nhưng thần Xi-va đã xuất hiện và mang cả ba lên trời. 1
1 Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, quyển 1, tập 1-2-3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 207-214.
Qua các câu chuyện kể trên, chúng ta có thể đi đến một nhận xét như sau: Truyền thuyết về Thần bếp ở Việt Nam có nhiều loại dị bản khác nhau. Kết cấu của cốt truyện thường có ba nhân vật chính gắn với một cuộc tình đau khổ, oan ức cho cả ba nhân vật này. Kết cục là các nhân vật đều chết nhưng cái chết của họ sau đó được giải oan và được đấng tối cao (như Ông Trời/Ngọc Hoàng,…) cứu rỗi và họ được phong thần. Các câu chuyện xoay quanh nội dung gia đình (mang tính bếp núc), có tình yêu, có bi thương nhưng kết thúc thường là “có hậu.”
Tìm hiểu các tình tiết lặp lại thường thấy ở các huyền thoại, truyền thuyết nói trên, chúng ta có thể nhận ra một biểu tượng trọng tâm ở đây là một “bộ ba” nhân vật gắn với một thực tại 1 được biểu hiện qua chiếc kiềng ba chân hay ông Đầu rau “ba cục” ở Việt Nam cũng như vị thần ba đầu ở Nhật Bản. Để hiểu hơn về quá trình phát triển của dạng tín ngưỡng này trong văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể mô hình hóa như sau:
1 Về vấn đề lý thuyết có liên quan đến “biểu tượng,” “thực tại” và “biểu tượng trọng tâm” xin tham khảo thêm: Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
Quá trình hình thành Thần Bếp trong văn hóa Việt Nam
Như vậy, Thần Bếp trong văn hóa Việt Nam là một biểu tượng được thiêng hóa từ các thành tố tự nhiên và văn hóa. Mặc dù có du nhập một số yếu tố văn hóa từ Trung Hoa nhưng tín ngưỡng Thần Bếp ở Việt Nam vẫn mang nhiều đặc trưng bản địa của người Việt, khác với văn hóa Trung Hoa. Những khác biệt này có thể nhận dạng qua bảng tổng hợp sau:
TÁO QUÂN VIỆT NAM | TÁO QUÂN TRUNG QUỐC |
Tương Đồng | |
- Thần bảo hộ cho gia đình, ảnh hưởng phúc thọ từng thành viên gia chủ do báo cáo hằng năm (23/Chạp) về trời. - Lễ Tống Táo (23/Chạp) – Lễ tiếp táo (30/Chạp hoặc ít ngày sau đó) - Cúng tế thành khẩn (Hoa quả, trà rượu, nhang, đốt pháo, vàng mã, xôi gà, cá chép ... Người Trung Quốc thường cúng mật ong và bánh nếp....) Lễ vật không bắt buộc, tùy gia đình. Táo Quân được thờ trong bếp mỗi gia đình. - Được dịch sang ngôn ngữ Tây phương: ANH (The God of the Stove, The God of the Hearth, The Kitchen-God) – PHÁP (Génie de l’âtre, Génie du fourneau) – ĐỨC (Herdgott). | |
Dị Biệt | |
- Ảnh hưởng tín ngưỡng thờ TRỜI, tin tưởng người và thần linh có thể giao cảm với nhau. - Có khoảng vài ba dị thoại (tức là huyền thoại ít bị cải biến) - Bộ Tam: Hai ông một bà (ngụ ý: chế độ mẫu hệ, nguyên tắc cấu tạo bếp lò) - Có từ thời rất xa xưa, phỏng định vào lúc người VN biết sống định cư nông nghiệp, theo chế độ mẫu hệ, biết sử dụng lửa nấu nướng ẩm thực. - Giải thích nguyên tắc cấu tạo bếp lò – Nhắc lại về lửa (bắt nguồn cho nền văn minh nhân loại) – Thể hiện óc thông minh sáng tạo của tổ tiên người Việt (chế tạo bếp lò, sử dụng lửa, đời sống nông nghiệp, săn bắn). - Tên gọi: ông Táo, Vua Bếp, Táo Quân, ông Công, Thần Bếp, Đông Thần (Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân), Đông Trù... | - Ảnh hưởng Đạo giáo (sản phẩm tưởng tượng của Lý Thiếu Quân) – Ảnh hưởng Phật giáo (luật nhân quả báo ứng đối với Trương Táo Vương.) - Có trên 40 dị thoại, phổ biến nhất là Trương Táo Vương và Quách Đinh Hương. - Một người (của Đạo giáo) hoặc hai người (vợ chồng Trương- Quách) - Có từ đời Hán (206 TCN- 220CN), thoạt đầu phổ biến trong giới Luyện Đan (alchemy) trong Lễ Tế Lò. Về sau (khoảng Đường, Tống phổ biến đại chúng thành thần bảo hộ gia đình). - Không giải thích nguyên tắc cấu tạo bếp lò – Nhắc lại về lửa – giải thích tên gọi của cái cào than (Trương Lang Túc) – Dấu vết ảnh hưởng của tôn giáo (Lão, Phật). - Tên gọi: Táo Quân, Táo Vương, Tư Mệnh Phủ Quân, Táo Thần, Viêm Đế, Hoàng Đế, Trọng Lê, Ngô Hồi, Tô Cát Lợi, Thần Tử Quách, Trương Đan, Nhưỡng Tử, Định Phúc Tài Thần... |
So sánh Táo quân Việt Nam và Trung Hoa1
Trong văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa đồng văn Trung Hoa, Thần Bếp thường có một ban thờ riêng và các nghi lễ thờ cúng thường diễn ra tại nơi này. 2 Tuy nhiên, trong văn hóa của người Việt, chúng ta hầu như không thấy ban thờ dành riêng cho vị thần này mà thường được đặt lẫn cùng các vị thần khác. Ở những nơi có sự giao thoa văn hóa giữa người Hoa và người Việt như khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn thì tùy thuộc vào tín ngưỡng của chủ nhân mỗi gia đình.3 Hiện nay, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng thì tín ngưỡng thờ cúng Ông Táo hay Thần Bếp ở Việt Nam vẫn được duy trì nhưng vị trí ban thờ thì đã có nhiều thay đổi. Một số kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất đã rất nhạy bén tạo nên một vị trí thờ dành cho vị thần này trong khi thiết kế hệ thống tủ bếp khiến cho những sản phẩm của họ trở nên “đắt hàng”(H5).
1 Lê Anh Minh (2010), tlđd.
2 Các nghi lễ thờ cúng và cách bố trí ban thờ Táo quân của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam được Đông Hồ mô tả khá chi tiết trong bài “Những lễ hội ở Hà Tiên trong ba tháng đầu năm” trong Tập san sử địa số 5-1967. Theo đó, nơi thờ Táo Quân nằm ở vách tường phía sau ban thờ chính của gia chủ.
3 Xin lưu ý là người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc từ khu vực Quảng Đông, Phúc Kiến là những người mang đến và bảo tồn các yếu tố văn hóa Trung Hoa nhưng hầu hết họ không phải người Hán.
H5. Ban thờ Táo quân thời hiện đại
Tìm hiểu cách thức thờ cúng và tên gọi của các vị gia thần hiện nay trong văn hóa Việt Nam, chúng tôi cho rằng tín ngưỡng thờ Thần Bếp của người Việt là một sự tích hợp văn hóa phức tạp của Thần Bếp với các vị gia thần khác như Thần Đất, Thần Tài,… Sự tích hợp này tạo nên một dạng tín ngưỡng nguyên hợp mà chúng tôi đã đề cập đến trong nội dung Thần Đất trong văn hóa Việt Nam ở phần trước. Trong ví dụ dưới đây chúng ta thấy ban thờ này chủ yếu dành cho Thần Tài và Thần Đất, được gọi bằng cái tên: Ban thờ Thần Tài – Ông Địa. Tuy nhiên, trong bài vị còn có tên Đông trù Tư mệnh Ngọc đế Táo quân chính là một minh chứng rõ nét cho sự hiện diện của ông Táo.
TỤ BẢO ĐƯỜNG
Châu cơ tòng địa khởi;
Phúc lộc tự thiên thân.
Chiêu tài đồng tử
Ngũ phương ngũ thổ tài thần vị
Đông trù Tư mệnh Ngọc đế Táo quân Long thần vị.
Bản gia địa chủ Phúc đức vượng tướng chi thần vị.
Tiền hậu địa chủ Lộc thần vị.
Tiến bảo tiên cung.1
Biểu hiện của Táo quân trong ban thờ Thần Tài – Ông Địa
1 Bản dịch của Trần Trọng Dương, tlđd. trong phần Thần Đất.
Có thể nói, quá trình hình thành Thần Bếp là một quá trình biến đổi của một loại tín ngưỡng thờ lửa cổ xưa. Tín ngưỡng này ngày càng trở nên phức tạp khi tồn tại ở một nền văn hóa “ngã tư đường” như văn hóa Việt Nam. Những biến đổi này diễn ra tương đối chậm trong quá khứ nên chúng ta khó nhận ra nhưng trong một vài thập niên vừa qua, những biến đổi của các biểu tượng có liên quan đến tín ngưỡng Thần Bếp của Việt Nam đã tạo nên vô số thành tố văn hóa mới và lạ trong văn hóa Việt Nam đương đại mà chúng tôi sẽ đề cập đến dưới đây.
1. Ông Táo1 trong xã hội Việt Nam đương đại
Khác với Đạo thờ lửa, tôn giáo độc thần của người Ba Tư, bắt buộc cộng đồng phải tuân theo,2 tín ngưỡng Thần Bếp của người Việt chỉ là một dạng tín ngưỡng dân gian nhưng lại phát triển đến một tầm mức phổ quát toàn xã hội. Nghi lễ tống tiễn Ông Táo ngày 23 tháng Chạp hằng năm là một nghi lễ không thể thiếu của hầu như mọi gia đình người Việt, được thực hiện một cách hết sức thành kính và tự nguyện. Vì sao một tín ngưỡng có tính “bình dân” lại có thể đóng một vai trò đặc biệt quan trọng như vậy? Điều này có thể lý giải thông qua một trong những nghi lễ lịch tiết quan trọng nhất của người Việt, đó là Tết Âm lịch.
1 Trong các mục trước chúng tôi đều sử dụng cụm từ “tín ngưỡng Ông Táo” nhưng ở mục này Ông Táo không chỉ còn là một dạng tín ngưỡng truyền thống mà còn được xem như một hiện tượng văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại.
2 Do người Yazidi ở Iraq hiện nay không chịu cải đạo sang Hồi giáo theo yêu cầu của phiến quân IS nên đó chính là lý do phiến quân IS tàn sát.
Tết Âm lịch còn được gọi là Tết Nguyên Đán (元 旦). Theo Hán Việt Từ điển trích dẫn thì Nguyên Đán là “Ngày đầu năm, tức mồng một tháng giêng âm lịch. Còn gọi là: nguyên chánh/chính (元正), nguyên sóc (元 朔), nguyên nhật (元日). Đây là ngày “tiết” đầu năm theo lịch trăng (Âm lịch) tồn tại ở các nước thuộc nhóm văn hóa đồng văn Trung Hoa như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ còn Việt Nam vẫn sử dụng Tết Âm lịch là ngày lễ tiết lớn nhất của mình. Ở Trung Quốc, sau Đại cách mạng văn hóa đã gọi Tết Dương lịch là Tết Nguyên Đán, còn ở Hàn Quốc và Nhật Bản thì không còn là một ngày lễ lớn nhất và quan trọng nhất. Do tầm quan trọng của Tết Âm lịch trong văn hóa Việt Nam nên công việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất trong năm trở nên hết sức đặc biệt, thông thường, công việc chuẩn bị bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp.
Ngày 23 tháng Chạp (trước Tết Âm lịch một tuần) trở thành một dấu mốc quan trọng cho mọi sự chuẩn bị để đón Tết Âm lịch (có lẽ vì thế mà còn được gọi là Tết Ông Táo) để mọi người dân hoàn tất các công việc trong năm, chuẩn bị cho ngày Tết chính. Khoảng thời gian từ Tết Ông Táo đến Tết Âm lịch là những ngày bận rộn nhưng vui vẻ cho mọi gia đình với việc mua sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng không gian sống,… Dường như con người được trở lại là “chính mình” trong những ngày này vì sự tập trung của họ chủ yếu dành cho gia đình sau một năm bôn ba, bận bịu. Vào ngày 23 tháng Chạp, người dân làm lễ cúng Ông Táo và chuẩn bị hành trang để Ông Táo lên chầu Trời.
Ngoài hương hoa và cỗ cúng, lễ Ông Táo còn có một vật phẩm đặc biệt không thể không có, đó là cá chép - một loài có thực nhưng lại có vô số huyền thoại và biểu tượng được tạo ra như truyền thuyết “cá chép vượt vũ môn,” tranh “cá chép trông trăng,”…1Một điều khá thú vị đó là cá chép để cúng Ông Táo là cá chép tươi, còn sống. Những con cá này sau đó được thả xuống ao, hồ, sông, suối để phóng sinh (một quan niệm có liên quan tới Phật giáo). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do không gian sống ngày càng bị thu hẹp và hồ ao, sông ngòi dần bị lấp và “cống hóa” nên việc tìm nơi phóng sinh cho cá chép ngày càng khó khăn, đặc biệt là trong những ngày bận rộn cuối năm. Một giải pháp được đưa ra là cúng cá chép giấy (sau đó đốt cùng vàng mã). Thậm chí, thay vì cá chép, một số gia đình hiện nay chọn “phương tiện” cho Ông Táo bằng hàng mã như các loại xe sang SH (xe máy), Limousine (ô-tô) thậm chí cả máy bay,… (tất cả đều cúng xong rồi đốt!).
1 Các truyền thuyết này ít nhiều đều có dấu vết của văn hóa Trung Hoa, hoặc bắt nguồn từ truyền thuyết Trung Hoa.
Đi xa hơn trong việc biểu tượng hóa Ông Táo trong xã hội đương đại, Đài truyền hình Việt Nam (VTV), sau khi chấm dứt chương trình giải trí Gặp nhau cuối tuần khá “ăn khách”1 đã thay thế bằng chương trình Gặp nhau cuối năm. 2 Đây là một trong những chương trình được ưa thích nhất của VTV trong hàng chục năm qua và có lẽ đây cũng là chương trình có số lượng người xem đông nhất ở Việt Nam vì nó được phát sóng vào buổi tối cuối cùng của năm Âm lịch khi hầu hết mọi người đều có mặt tại nhà. Tại đây, Ông Táo không còn là một vị thần dân dã nữa mà đã “hóa thân” thành các nhân vật “tai to mặt lớn” nhưng có “trái tim” và “khối óc” bé nhỏ.
1 Chương trình này thực hiện từ năm 2000 đến năm 2007.
2 Gặp nhau cuối năm hay còn được gọi là Táo Quân là một chương trình truyền hình phát sóng vào 20 giờ ngày cuối năm (âm lịch) trên các VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam. Dựa theo truyền thuyết Táo Quân chầu Trời, thông qua buổi chầu nơi các Táo báo cáo với Ngọc Hoàng những việc mình đã làm được trong suốt một năm qua, Gặp nhau cuối năm đề cập đến những vấn đề nóng bỏng, nổi bật trong năm thuộc các lĩnh vực trong đời sống như kinh tế, văn hóa, xã hội như giao thông, điện lực, y tế,... bằng ngôn ngữ của hài kịch và thủ pháp nghệ thuật mang tính tượng trưng.
Có thể nói, hiệu ứng xã hội của chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV đã vượt quá đích đến của một chương trình hài kịch thông thường trên sóng truyền hình. Tại đây, Ông Táo (được đại diện bởi các Táo phụ trách các lĩnh vực quan trọng khác nhau trong xã hội như y tế, giáo dục, giao thông,…) được biểu tượng hóa thành những biểu tượng thời hiện đại. Mỗi vị Táo này thể hiện một bộ mặt của người đứng đầu lĩnh vực mà Táo làm đại diện như giao thông, giáo dục, y tế,... Việc bẩm báo của các Táovới Thiên đình trở thành việc công khai hóa những bất cập trong lĩnh vực mà mỗi Táo làm “tư lệnh” của một ngành. Những nội dung được phản ánh ở đây hết sức dí dỏm nhưng chân thực và sinh động thông qua ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại.
*
Có thể nói, từ tín ngưỡng thờ lửa đến việc thờ cúng và thần thánh hóa công cụ nấu bếp là một quá trình tích hợp văn hóa hết sức phức tạp từng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài sự tích hợp văn hóa giữa tín ngưỡng (Thần Bếp) với công cụ (lò/bếp/kiềng), còn có một đối tượng hết sức quan trọng đóng vai trò là một trong ba thành tố cấu thành không thể thiếu, đó là tính biểu tượng, một đặc tính không thể thiếu của mọi loại hình tôn giáo tín ngưỡng. Nếu thiếu đi thành tố thứ ba này thì chúng ta sẽ không thể nhìn thấy các biểu hiện của Đạo thờ lửa (Yazidi), Táo Vương (Trung Hoa), Táo Vương Thần (Hàn Quốc), Kamado-no-kami hay Tam Bảo Hoang Thần (Nhật Bản), Ông Táo (Việt Nam). Vì vậy, khi tìm hiểu loại hình tín ngưỡng này chúng ta cần xem xét cả ba thành tố cấu thành được chúng tôi mô hình hóa trong đồ hình dưới đây.
Ở Việt Nam, sự góp mặt của Ông Táo không chỉ thể hiện một loại tín ngưỡng, một nét văn hóa mà còn thể hiện một bộ mặt của xã hội qua Gặp nhau cuối năm. Việc “sắm sanh, lo lót” lễ vật với Ông Táo bằng tiền bạc, kẹo ngọt và các loại phương tiện đắt tiền – dù là hàng mã - để có được bản báo cáo tốt với Thiên đình đã thể hiện tình trạng “chạy chọt” và “báo cáo láo” phổ biến trong xã hội. Bản thân các Táo, dù có trong tay quyền lực, nhưng vẫn phải lo lót đối với các cấp cao hơn (các nhân vật Nam Tào và Bắc Đẩu).
H6. Các Táo đang chầu ở Thiên đình trong chương trình
“Gặp nhau cuối năm 2014”. Nguồn: vtv.vn
Vì vậy, nghiên cứu Ông Táo dưới góc độ xã hội không chỉ cho chúng ta thấy “cái biểu đạt”1 của ngôn ngữ biểu tượng mà còn thấy “cái được biểu đạt” trong xã hội mà chúng ta đang sống. Như vậy, thông qua việc tìm hiểu biểu tượng của một vị thần “bình dân” trong văn hóa Việt Nam, chúng ta không chỉ hiểu thêm được các giá trị truyền thống của các nền văn hóa khác nhau mà còn có thể nhận thức được những vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện đại. Đây chính là một hướng tiếp cận mới mà chúng tôi đang thực hiện để khám phá những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.2
1 Xem thêm thuật ngữ này trong: Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng: Một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
2 Các biểu tượng thời hiện đại này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong phần tiếp theo của bộ sách: “Những biểu tượng thời hiện đại”. Hy vọng, đó sẽ là một hệ thống chuyên khảo thú vị về các nhân vật, sự vật, hiện tượng,… đang tồn tại trong xã hội đương đại.