1 Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VIII1.3- 2012.01
Con rồng là một đề tài hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới từ trước tới nay với hàng trăm công trình khoa học đã công bố, tìm hiểu nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử khác nhau bao quanh con vật này. Việc lý giải về nguồn gốc lịch sử và sự hình thành con rồng trong các nền văn hóa châu Á dựa trên nhiều cơ sở khác nhau nhưng đa số các nghiên cứu đó đều đi đến một kết luận chung: Rồng là một con vật hư cấu. Một trong những khía cạnh đặc sắc nhất của con rồng là tính huyền thoại, có thể nói, những huyền thoại về con rồng chính là nguồn “nguyên liệu” vô tận tạo tác nên biểu tượng rồng như chúng ta thấy ngày hôm nay.
Vì vậy, để tìm hiểu về con rồng trong các nền văn hóa, bên cạnh việc tìm hiểu và phân tích những huyền thoại về con rồng thì hướng tiếp cận cụ thể nhất chính là tìm hiểu những biểu tượng rồng ở mỗi nền văn hóa.
Nhiều công trình nghiên cứu về con rồng từ trước tới nay ở Việt Nam thường tập trung vào các yếu tố lịch sử và nghệ thuật có liên quan đến rồng, tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu chuyên sâu về biểu tượng rồng ở tầm mức khu vực châu Á. Điều này khiến cho con rồng Việt Nam luôn bị lấn át bởi con rồng Trung Hoa, thậm chí, một số ý kiến cho rằng rồng Việt Nam là một sản phẩm lịch sử của Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam thông qua quá trình “cưỡng bức” văn hóa.
Vậy ý kiến nói trên đúng hay sai? Con rồng Việt Nam có gì khác biệt với con rồng Trung Hoa và những con rồng khác trên thế giới? Căn cứ nào để chúng ta tìm hiểu những khác biệt đó? Con rồng Việt Nam có xứng đáng được đưa vào sử sách để muôn thế hệ người Việt nhận mình là “con rồng cháu tiên" hay không? Có vô số câu hỏi cần được đặt ra và cần được giải quyết qua biểu tượng này.
Tuy nhiên, để có thể lý giải được phần nào những câu hỏi đã đặt ra, chúng ta cần đặt đối tượng nghiên cứu này trên nền tảng văn hóa mà nó hình thành, cụ thể ở đây là văn hóa Việt Nam trong bối cảnh văn hóa chung của châu lục mà chúng tôi gọi là cơ tầng văn hóa châu Á.1 Xem xét từ bình diện chung đó, chúng ta có thể nhìn nhận một cách khách quan đối với biểu tượng rồng Việt Nam (vốn luôn bị lấn át bởi rồng Trung Hoa) và xác định được vai trò và vị trí của nó trong nền văn hóa châu Á và thế giới. Về phạm vi tiếp cận, biểu tượng rồng Việt Nam được nêu ở nghiên cứu này sẽ tập trung vào giai đoạn nhà Lý xây dựng nền độc lập và chính thức lấy con rồng làm một biểu tượng cho quốc gia Đại Việt độc lập của mình.
1 Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “cơ tầng” của GS. Phạm Đức Dương trong bài “Giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới” đăng ngày 18/11/2009 trên tạp chí Văn hóa Nghệ An.
1. Hướng tiếp cận mới đối với biểu tượng rồng Việt Nam
Để tiếp cận một thành tố đặc trưng như biểu tượng rồng trong văn hoá Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã khảo sát khá kĩ lưỡng về văn bản cũng như các yếu tố nghệ thuật. Cách làm này tuy đi sâu vào việc mô tả đối tượng nhưng lại dễ bỏ qua một vấn đề quan trọng, đó là chiều kích xã hội của biểu tượng rồng. Đây chính là khoảng trống cần được lấp đầy trong quá trình nghiên cứu con rồng Việt Nam. Hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu này của chúng tôi nhằm tránh sự lặp lại công việc của những người đi trước và tránh những tranh cãi “vô tiền khoáng hậu” do những bất đồng về quan điểm khoa học mà không có đủ cơ sở lý thuyết để giải quyết vấn đề.
Hướng nghiên cứu này tập trung vào một biểu tượng cụ thể (rồng Việt Nam, mà trọng tâm là con rồng thời Lý) để tiếp cận các vấn đề có liên quan đến văn hoá truyền thống Việt Nam và bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc tìm hiểu biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á có thể giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn vai trò và vị trí của biểu tượng rồng Việt Nam trong nền văn hóa châu Á. Xa hơn, thông qua nghiên cứu này, chúng ta cũng có thể nhìn nhận rõ hơn vai trò và vị trí của văn hoá Việt Nam ở châu lục này trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Do có rất nhiều nền văn hóa ở châu Á tồn tại các biểu tượng về một linh vật hư cấu như rồng nên sự bóc tách các lớp văn hóa khác nhau trong cùng một biểu tượng ở đây là hết sức cần thiết. Muốn làm được điều đó thì chúng ta cần phải đặt đối tượng nghiên cứu này trong một cái nhìn hệ thống để có thể bao quát được đối tượng nghiên cứu này ở cả khu vực châu Á. Trong khi ở Việt Nam, các nghiên cứu về con rồng từng được các nhà khoa học tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng chưa có một công trình nghiên cứu ở khu vực (châu Á) tính đến thời điểm hiện tại.
Vì vậy mà những tranh cãi về mối quan hệ giữa biểu tượng rồng Việt Nam với biểu tượng rồng trong các nền văn hóa khác ở châu Á, đặc biệt là Trung Hoa, vẫn luôn là một đề tài nóng bỏng. Vậy làm cách nào để chúng ta có thể phân biệt biểu tượng rồng Việt Nam với biểu tượng rồng ở các nền văn hóa khác? Để thực sự “tìm” được những đặc trưng của biểu tượng rồng Việt Nam thì một điều bắt buộc là chúng ta phải đặt đối tượng nghiên cứu này trong bối cảnh hình thành và không gian ra đời của nó, đó chính là cơ tầng văn hóa châu Á, đặc biệt là hai nền văn hóa lớn Trung Hoa và Ấn Độ.
Vậy cơ tầng văn hóa châu Á của con rồng Việt Nam là gì? Theo GS. Phạm Đức Dương thì “Cấu trúc bề mặt (được gọi là biểu tầng) là những biểu hiện bên ngoài và biến đổi liên tục, ta gọi là biến số, là yếu tố động của văn hóa. Vì vậy, văn hóa được bao chứa trong các hoạt động xã hội cũng như hoạt động chính trị, kinh tế. Trên bình diện đó, các sáng tạo và hoạt động văn hóa mang tính xã hội và thường xuyên biến đổi. Nó như là phương thức sống của con người trong một xã hội nhất định. Cấu trúc chiều sâu (được gọi là cơ tầng) là cấu trúc bên trong của văn hóa, ít biến đổi, ta gọi là hằng số, là yếu tố tĩnh của văn hóa. Nó là cái gốc điều chỉnh mọi sinh hoạt đời sống, giữ cho xã hội tính liên tục và tính ổn định và nằm sâu trong tâm thức, trong đức tin tâm linh của con người, khắc họa nên bản sắc văn hóa của tộc người này với tộc người khác” (Phạm Đức Dương 2009).
Theo quan điểm trên, chúng ta có thể coi biểu tượng rồng đời Tống ở Trung Hoa là những biểu hiện cụ thể của con rồng trên biểu tầng văn hóa Trung Hoa ở giai đoạn nhà Tống. Trong khi rồng thời Lý ở Việt Nam là biểu hiện cụ thể của con rồng trên biểu tầng văn hóa Việt Nam giai đoạn nhà Lý nhưng những thành tố văn hóa cấu thành của con rồng thời Lý có cả yếu tố Trung Hoa và Ấn Độ, đó chính là biểu hiện của rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á. Vô hình trung, biểu tượng rồng Việt Nam chính là nét gạch nối hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ.
Trong một cuốn sách xuất bản gần đây chúng tôi đã đưa ra nhận định: Từ biểu tượng một linh vật có tên gọi ảnh hưởng Trung Hoa và ngôn ngữ nghệ thuật ảnh hưởng Ấn Độ, rồng thời Lý đã được các nghệ nhân xưa hội tụ những tinh hoa nghệ thuật để biến thành một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. “Biểu tượng rồng thời Lý là sự khẳng định nhân quyền, vương quyền và chủ quyền của người Việt với niềm tự hào là người dân của một nước độc lập. Tiếp theo nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều sử dụng rồng như một biểu tượng của quốc gia thông qua uy quyền của nhà vua. Cho đến nay, con rồng vẫn được xem như “thuỷ tổ” của người Việt từ kỷ Hồng Bàng với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và người Việt hiện nay vẫn tự nhận mình là con rồng cháu tiên” (Đinh Hồng Hải 2012, tr.48).
Có thể nói, nghiên cứu biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á không chỉ để khẳng định những giá trị đặc sắc của một biểu tượng nghệ thuật đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, mà còn là sự khẳng định vai trò và vị trí của văn hóa Việt Nam đối với văn hóa châu Á. Ở đây, biểu tượng rồng Việt Nam (thời Lý) chính là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của văn hóa Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam được hình thành trên cơ tầng văn hóa châu Á. Và chúng ta có thể khẳng định rồng thời Lý không phải là một sự sao chép con rồng đời Tống của Trung Hoa mà là một sự tiếp thu có chọn lọc các yếu tố văn hóa châu Á (của cả Trung Hoa và Ấn Độ đặt trên nền tảng văn hóa bản địa) để hình thành nên con rồng Việt Nam.1
1 Ở Việt Nam, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc đã được đặt ra từ lâu và cũng đã có nhiều nghiên cứu lý thuyết đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, vốn là những thành tố cấu thành quan trọng nhất của bản sắc văn hóa dân tộc, lại ít được quan tâm tới. Đặc biệt, một yếu tố nổi bật như biểu tượng rồng lại chưa tìm được một cách lý giải có hệ thống, vì thế nên rồng Việt Nam thường được xem như một “hậu duệ” của rồng Trung Hoa (!).
2. Con rồng Việt với quá trình giao lưu văn hóa Hoa - Ấn
Trong quá trình nghiên cứu biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á, chúng tôi tạm phân chia các hướng tiếp cận như sau: 1) Nguồn gốc của rồng Việt Nam; 2) Tên gọi của rồng Việt Nam; 3) Quá trình giao thoa văn hóa của biểu tượng rồng từ giai đoạn độc lập của nhà Lý (1010). Ở đây chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình giao lưu văn hóa Hoa - Ấn của biểu tượng rồng Việt Nam từ 1010 đến nay. Xét về nguồn gốc, rồng Đông Á “mang nguồn gốc Bách Việt cổ (cộng đồng cư dân cổ thuộc ngữ hệ Austro- asiatic cư trú từ hạ lưu Dương Tử đến Bắc Đông Dương, trong đó có tổ tiên Lạc Việt) trên cơ sở của sự kết hợp rắn, cá sấu và nhiều loài vật khác.
Rồng mang một số đặc trưng quan trọng liên quan đến văn hóa Bách Việt như: (1) Nguyên mẫu chính từ rắn hoặc cá sấu, tức các loài động vật phổ biến của phương Nam; (2) Tính cách thích nước và sinh sống ở môi trường sông nước; và (3) Rồng là sản phẩm tổng hợp của tư duy âm dương phương Nam. Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn (2000), tên gọi rồng vốn xuất hiện trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt - Chứt; từ Thìn trong thập nhị địa chi là tên gọi do người Hán vay mượn từ ngôn ngữ Bách Việt cổ. Người Bách Việt, mà cụ thể là Lạc Việt (với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ) tự nhận mình là “con Rồng cháu Tiên” (Nguyễn Ngọc Thơ 2012). Trên thực tế, vấn đề nguồn gốc và tên gọi của rồng trong văn hóa Việt Nam là một vấn đề lớn và hết sức phức tạp nên chúng tôi sẽ có các chuyên khảo nghiên cứu riêng.1 Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào sự hình thành con rồng Việt Nam với quá trình giao lưu văn hóa Hoa - Ấn để tìm hiểu vai trò và vị trí của nó trên cơ tầng văn hóa châu Á.
1 Rồng trong tiếng Việt có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng tập trung vào hai hướng chính: 1) ảnh hưởng từ tiếng Hán; 2) ảnh hưởng từ ngôn ngữ bản địa (chẳng hạn t’luông hay thuồng luồng…). Trong ngôn ngữ Phương Tây, các từ dragon, drago,dragón, drake, drache trong các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Đức đều xuất phát từ chữ Hy Lạp drákōn (δράκων), phái sinh từ drakeîn (δρακεĩν), là thể quá khứ bất định (aoriste) của động từ dérkomai (δέρκομαι) có nghĩa là “nhìn bằng cặp mắt sắc” (xem thêm Đỗ Tuyết Khanh trong thư mục tài liệu tham khảo).
Sau giai đoạn “nghìn năm Bắc thuộc” trong thiên niên kỷ thứ nhất, rất nhiều thành tố trong văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Hoa. Vì vậy, nếu đặt giả thiết có một con rồng mang yếu tố Việt (hay Bách Việt) từng tồn tại ở giai đoạn này thì sẽ rất khó để chúng ta có thể chứng minh nó hoàn toàn tách bạch khỏi con rồng Trung Hoa. Vì lí do đó, chúng tôi tập trung tìm hiểu con rồng Việt Nam từ giai đoạn nhà Lý khẳng định nền độc lập, tự chủ. Bởi vì, kể từ đây, mọi thành tố văn hóa ra đời trong không gian của một quốc gia độc lập (Đại Việt) mới được khẳng định trước các quốc gia lân bang khác. Từ đó có thể khẳng định các yếu tố “phi Hán” của con rồng Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định lại rằng, dù được ra đời trong không gian văn hóa của một quốc gia Đại Việt độc lập nhưng con rồng thời Lý là một sản phẩm được tạo ra từ quá trình giao lưu văn hóa Hoa - Ấn trên đất Việt. Tạm thời bỏ qua các yếu tố bản địa (giao long, cá sấu) của con rồng Việt Nam mà một số tác giả khác từng đề cập, nghiên cứu này sẽ chỉ ra các yếu tố Trung Hoa và Ấn Độ của con rồng Việt thời Lý. Bóc tách các lớp văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ ở đây chúng ta sẽ nhìn thấy rõ hơn tính độc lập của con rồng thời Lý, từ đó đánh giá lại vai trò và vị trí của của nhà Lý nói chung và Lý Công Uẩn nói riêng với nền độc lập của dân tộc và tính độc lập của nền văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài của lịch sử.
Dễ dàng nhận thấy yếu tố Trung Hoa của con rồng thời Lý ở tên gọi, hình thức biểu hiện bên ngoài, vị trí của nó trong đời sống xã hội, v.v… được mô phỏng theo mô hình Trung Hoa. Có điều đó là do thể chế chính trị của Đại Việt được mô phỏng theo Trung Hoa. Có thể thấy, tại thời điểm nhà Lý xây dựng nền độc lập thì thể chế chính trị của Trung Hoa được coi là văn minh nhất và phù hợp nhất nên nhà Lý đã sử dụng khá triệt để mô hình này trong việc trị nước an dân. Tuy nhiên, để thoát li khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Hoa sau nghìn năm chịu ách nô dịch, triều đình nhà Lý cần khẳng định những yếu tố khác biệt với Trung Hoa. Vị vua nhà Lý đã hết sức sáng suốt khi tìm ra được những yếu tố tạo nên sự khác biệt (hay tính độc lập) đó là văn hóa mà con rồng thời Lý là một trong những thành tố tiêu biểu. Để tạo nên sự khác biệt giữa văn hóa Đại Việt với văn hóa Trung Hoa của nhà Tống đương thời, Lý Công Uẩn đã tìm ra một “đối pháp” đặc biệt quan trọng đối với văn hóa Đại Việt trước sự lấn át của văn hóa Trung Hoa, đó là thế đối trọng văn hóa.1
1 Đối pháp này đã giúp cho nước Đại Việt của nhà Lý tồn tại và phát triển qua 10 thế kỷ tới ngày hôm nay. Đại lễ Nghìn năm Thăng Long được tổ chức năm 2010 tại Hà Nội đã ghi nhận công lao to lớn của Lý Công Uẩn với nền độc lập của dân tộc và luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chiếu dời đô, nhưng trên thực tế, tầm nhìn “thiên niên kỷ” của Lý Công Uẩn không chỉ có chiếu dời đô mà quan trọng hơn, đó là việc ông tìm ra thế đối trọng văn hóa cho quốc gia Đại Việt độc lập của nhà Lý.
Vậy thế đối trọng văn hóa được thể hiện như thế nào qua con rồng thời Lý? Để tìm cách “giải Hán” cho con rồng Đại Việt cần có các thành tố văn hóa tạo thế cân bằng với văn hóa Trung Hoa, Lý Công Uẩn đã tìm được một nền văn minh đương thời “đủ lớn” để tạo sự cân bằng với Trung Hoa, đó là Ấn Độ. “Chọn văn hóa Ấn Độ để chấn hưng nền văn hóa Đại Việt chính là cách tạo thế đối trọng văn hóa cần thiết đối với văn hóa Trung Hoa. Bên cạnh những hiểu biết kinh viện về xứ Tây Trúc thông qua kinh sách Phật giáo, Lý Công Uẩn còn có một lợi thế khác là những tù binh Chiêm vốn có nền tảng văn hóa Ấn Độ. Họ đã mang đến Đại Việt của nhà Lý một kho tàng văn hóa và nghệ thuật Ấn Độ đã được bản địa hóa với vô số kiệt tác được tạo ra thông qua những đôi bàn tay khéo léo của họ vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay” (Đinh Hồng Hải 2014, tr.113) và con rồng thời Lý đã ra đời trong bối cảnh như vậy.
Dễ dàng nhận thấy hình thức uốn lượn hình sin của thân rồng thời Lý gần với thân rắn Naga hơn là thân rồng đời Tống của Trung Hoa, đặc biệt, các chi tiết bờm, râu được “khuôn” lại trong một hình lá đề - đặc trưng của Ấn Độ. Có thể thấy rất nhiều đồ án trang trí rồng thời Lý - Trần khác được đặt trong hình lá đề. Đây chính là quá trình Ấn Độ hóa có chủ đích của nhà Lý đối với con rồng của Đại Việt. Sự kết hợp hài hòa các yếu tố Hoa - Ấn của con rồng thời Lý đã đưa đồ án trang trí này lên tầm mức một trong những mô típ nghệ thuật đặc sắc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Mặc dù có rất nhiều nhà nghiên cứu ca ngợi con rồng thời Lý là một kiệt tác nghệ thuật (điều này là hiển nhiên!) nhưng ít ai đề cập đến bối cảnh ra đời, hoàn cảnh lịch sử của nó và “tầm nhìn thiên niên kỷ” của người đã có công tạo dựng nên biểu tượng đó - Lý Công Uẩn. Thực tế cho thấy con rồng thời Lý chính là “sự khẳng định nhân quyền, vương quyền và chủ quyền của người Việt” của vị vua nhà Lý bên cạnh việc đặt tên cho quốc đô của Đại Việt là Thăng Long. Với tầm nhìn thiên niên kỷ của mình, Lý Công Uẩn đã không độc chiếm con rồng cho riêng mình hay cho triều đại của mình như các triều đại Trung Hoa mà khéo léo biến nó thành biểu tượng của quốc gia Đại Việt độc lập, biến con rồng của nhà Lý thành con rồng của dân/của dân tộc chứ không phải con rồng độc tôn của nhà vua và hoàng tộc.1
1 Có lẽ vì lí do này mà chỉ ở Việt Nam mới có hình tượng “tiên cưỡi rồng” trong khi Trung Hoa thì tuyệt nhiên không có.
Điều này cũng tạo nên một thế đối trọng khác đối với con rồng Trung Hoa. Điều đó càng khẳng định tầm nhìn vượt thời gian của Lý Công Uẩn bởi chính ông là người có công lớn trong việc biến con rồng - một biểu tượng của triều đình Trung Hoa - thành một biểu tượng quốc gia của Đại Việt thông qua quá trình “Ấn hóa con rồng Việt.” Nói cách khác, chính ông là người đã kết nối con rồng từ biểu tầng văn hóa Trung Hoa với cơ tầng văn hóa châu Á để hình thành nên con rồng của Đại Việt. Điều đó cũng khẳng định vai trò và vị trí của con rồng Việt trước các quốc gia lân bang. Xa hơn là khẳng định tính độc lập của quốc gia Đại Việt trước đại Hán.
3. Biểu tượng con rồng Việt với tinh thần độc lập của quốc gia Đại Việt
Nói đến tinh thần độc lập của một quốc gia/dân tộc, chúng ta cần hiểu chủ nghĩa quốc gia (nationalism)1 và chủ nghĩa biểu tượng dân tộc (đúng hơn là dân tộc biểu tượng luận - ethnosymbolism). Chủ nghĩa quốc gia theo quan điểm Phương Tây là (1) lòng trung thành và niềm tự hào của người dân đối với đất nước thường gắn với niềm tin rằng nó tốt hơn và quan trọng hơn nước khác, (2) khát vọng của đại bộ phận người dân (chẳng hạn những người có chung văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ,v.v...) cùng nhau xây dựng một quốc gia riêng biệt và độc lập của chính họ (theo Từ điển Merriam Webster). Còn theo Bách khoa thư triết học Standford thì đó là (1) quan điểm chung của người dân một nước về bản sắc của họ, và (2) hành động chung của người dân một quốc gia nhằm đạt được (hoặc lưu giữ) quyền tự quyết.2
1 Thuật ngữ “nationalism” trong tiếng Anh thường được dịch là chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia trong tiếng Việt. Ở cách dịch thứ nhất, tuy không sai về mặt ngữ pháp nhưng dễ bị nhầm lẫn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan (chẳng hạn chủ nghĩa Đại Hán - Great Hanism), có hàm ý tiêu cực. Vì vậy, theo chúng tôi nên dùng chủ nghĩa quốc gia hoặc tinh thần dân tộc để tránh bị hiểu lầm theo hàm nghĩa tiêu cực.
2 Chủ nghĩa biểu tượng dân tộc hay dân tộc biểu tượng luận (ethnosymbolism) là một trường phái lý thuyết trong các nghiên cứu về chủ nghĩa quốc gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các biểu tượng, huyền thoại, giá trị và truyền thống trong quá trình hình thành và tồn tại của một quốc gia với các nhà khoa học tiêu biểu như John A. Armstrong, Anthony D. Smith và John Hutchinson.
Theo các quan điểm trên thì nền độc lập của quốc gia Đại Việt phù hợp với khát vọng của đại bộ phận người dân có chung văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ Việt trong việc cùng nhau xây dựng một quốc gia riêng biệt và độc lập của chính họ. Trước nhà Lý, công cuộc chiến đấu để giành chiến thắng trước ngoại xâm trên lĩnh vực quân sự đã từng được Ngô Quyền, Lê Hoàn... thực hiện, nhưng để bảo vệ nền độc lập của quốc gia thì vấn đề quân sự chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Bên cạnh việc xây dựng một quốc gia mạnh về kinh tế và quân sự, Lý Công Uẩn đã đặt trọng tâm cho việc kiến thiết quốc gia độc lập của mình bằng một nền tảng văn hóa Đại Việt độc lập với văn hóa đại Hán của nhà Tống. Rõ ràng, tinh thần độc lập của người dân Đại Việt vốn luôn tồn tại trong văn hóa của người Việt nhưng để biến điều đó thành hiện thực thì sự xuất hiện của một nhân vật kiệt xuất như Lý Công Uẩn là điều hết sức quan trọng.
Cùng với việc rời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên cho quốc đô mới của Đại Việt là Thăng Long, “Lý Công Uẩn cũng ban hành nhiều chính sách mới về kinh tế - văn hóa - chính trị khiến cho nước Đại Việt trở nên hưng thịnh về nhiều mặt. Tầm nhìn chiến lược của vị vua nhà Lý với nền độc lập tự chủ không chỉ về mặt quân sự và kinh tế mà còn “nhìn xa trông rộng” tới văn hóa và nghệ thuật: Ông cùng các vị vua nhà Lý đã tìm được thế đối trọng văn hóa với Trung Hoa - đó là văn hóa Ấn Độ. Cụ thể, Lý Công Uẩn cùng các vị vua tiếp theo của nhà Lý đã đưa Phật giáo Đại Việt phát triển lên một tầm mức phổ biến toàn quốc gia, “hòa Đường - Phạn nhị âm” làm nhạc cung đình (theo Bia Sùng Thiện Diên Linh), xây dựng “biểu tượng rồng thời Lý” thành một kiệt tác nghệ thuật mang nhiều nét đặc trưng của Ấn Độ” (Đinh Hồng Hải 2014, tr.112).1 Việc sử dụng một linh vật hư cấu để có thể thêm/bớt các yếu tố mới so với nguyên mẫu là một lựa chọn vô cùng sáng suốt của vị vua đầu triều nhà Lý. Đây chính là một định hướng “giải Hán” quan trọng đối với con rồng thời Lý để tạo nên một biểu tượng quốc gia của Đại Việt mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong chuyên mục sau.
1 Chúng ta biết rằng vào thời điểm cách đây 10 thế kỷ thì việc tìm ra một loại nhạc cung đình phù hợp với Đại Việt của nhà Lý tương đương với việc có được một bản quốc ca ngày nay. Hơn thế, việc tạo một biểu tượng quốc gia như con rồng Việt có giá trị như lá cờ tổ quốc hiện nay. Nếu so sánh với sự lệ thuộc nhà đại Thanh từ âm nhạc đến mỹ thuật của triều đình nhà Nguyễn, chúng ta sẽ thấy được tầm nhìn vượt thời gian của Lý Công Uẩn.
Mặc dù đã được Việt hóa nhưng con rồng Việt của nhà Lý vẫn đảm bảo các yếu tố “nguyên mẫu” trong văn hóa Trung Hoa như rồng gắn với nhà vua và hoàng tộc, rồng là con vật có 4 chân và móng vuốt... Để phù hợp với thể chế chính trị theo mô hình Trung Hoa. Tuy nhiên, biểu tượng rồng thời Lý có thêm nhiều yếu tố “phi Hán” có tính đối lập với văn hóa Trung Hoa dựa trên nền tảng Phật giáo và văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là biểu hiện của Naga và Makara. Có thể nhận thấy, “biểu tượng rồng Lý là kết quả sự gặp gỡ và giao thoa giữa hai nền văn minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ ở Đại Việt... Nói một cách chính xác thì rồng Lý có các bộ phận cơ thể giống rồng Trung Hoa, còn chi tiết về nghệ thuật tạo hình là của rắn thần Ấn Độ. "1 (Đinh Hồng Hải 2012, tr.46-48).
1 Hình thức của Naga được đề cập ở đây có mặt ở hầu khắp các Phật viện ở các quốc gia Ấn Độ hóa vùng Đông Nam Á. Hình thức này có sự kếp hợp giữa Naga và Makara trong quá trình bản địa hóa các thành tố văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong phần sau.
Sự kết hợp hài hòa giữa một thành tố văn hóa Trung Hoa với các yếu tố văn hóa Ấn Độ để tạo nên một thành tố văn hóa mới mang đặc trưng riêng của Đại Việt là một thành công lớn của nhà Lý nhằm khẳng định vai trò và vị trí của nhà Lý với nền độc lập của quốc gia Đại Việt. Rồng thời Lý đã hội đủ các yếu tố văn hóa hoàng tộc của Trung Hoa với những đặc trưng tôn giáo của biểu tượng Naga và Makara trong Phật giáo Ấn Độ. Nói cách khác, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể chế Nho giáo và tinh thần Phật giáo đã ăn sâu, bám rễ trong cơ tầng văn hóa châu Á.
Bảng 1. Sự hình thành con Rồng Lý với quá trình giao lưu văn hóa Hoa - Ấn
4. Biểu tượng rồng Việt với thể chế Nho giáo và tinh thần Phật giáo
Nghiên cứu về con rồng Việt Nam, các nhà nghiên cứu trước đây thường có xu hướng “nệ Hán” khi đề cập đến con rồng trong văn hóa Đại Việt. Chẳng hạn “những di tích có liên quan đến vua mới được chạm rồng” (Nguyễn Du Chi 2001, tr.538). Hoặc “Rồng là biểu trưng của vua đã được khẳng định” (Chu Quang Trứ 2012, tr.282). Thậm chí “Rồng đã bị nhà vua độc chiếm để làm vật bảo vệ và trang điểm cho uy lực của mình” (Trần Lâm Biền & Chu Quang Trứ, 1975, tr.12)...
Dễ dàng nhận thấy, những nhận định nói trên đều có phần khiên cưỡng vì xét trên thực tế biểu tượng rồng Việt Nam tuy là một sản phẩm của thể chế Nho giáo (phỏng theo mô hình chính trị Trung Hoa) nhưng lại chứa đựng tinh thần Phật giáo mà mô típ lá đề hay hình rắn Naga đã đề cập ở trên là những ví dụ điển hình. Trong một nghiên cứu hoàn thành năm 2014, Trần Trọng Dương cho rằng: “Mặc dù, không ai có thể phủ nhận yếu tố vương quyền trong hình tượng con rồng vào thời kỳ này. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, bản thân hình tượng rồng còn là biểu tượng trong văn hóa Phật giáo. Tức là trong biểu tượng này có sự hòa kết giữa hai luồng tư tưởng mỹ học của cả Nho lẫn Phật... Điểm chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là yếu tố Phật có phần nổi trội hơn yếu tố Nho”1 Ở đây, chúng tôi đặt thể chế Nho giáo (biểu hiện qua vai trò của con rồng Việt Nam) trên biểu tầng văn hóa Trung Hoa và tinh thần Phật giáo của nó trên cơ tầng văn hóa châu Á đã được thể hiện trong văn hóa Đại Việt kể từ giai đoạn nhà Lý.
1 Bản thảo bài viết này thuộc dự án nghiên cứu “Biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á” do Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia tài trợ, dự kiến đăng trên Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật.
Trên thực tế, thể chế Nho giáo không chỉ được mô phỏng ở các triều đại Việt Nam mà nó còn có ảnh hưởng rộng khắp khu vực Đông Á bao gồm Triều Tiên/Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam từ hàng nghìn năm qua với tên gọi “các nền văn hóa đồng văn Trung Hoa” (Confucian cultural sphere/Chinese cultural sphere). Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của thể chế này đối với các quốc gia lân bang, trong đó có Đại Việt.
Ở Việt Nam, tầm mức ảnh hưởng của thể chế này mạnh tới mức cơ cấu tổ chức của triều đình hầu như được rập khuôn theo mô hình Trung Hoa với các học thuyết Nho gia. Thậm chí, người Việt còn gọi chữ của người Hán là chữ Nho và những người biết sử dụng chữ Hán được gọi là nhà Nho.2 Mặc dù ảnh hưởng của thể chế Nho giáo có tác động vô cùng to lớn đến đời sống chính trị và thiết chế nhà nước phong kiến Đại Việt với sự xuất hiện của con rồng như một biểu tượng của vương quyền theo mô hình Nho giáo, nhưng ở một bình diện khác, văn hóa Đại Việt cũng đã hình thành một thế đối trọng văn hóa khác, đối lập với thể chế Nho giáo, đó là tinh thần Phật giáo. Điều này được thể hiện một cách rõ nét qua biểu tượng rồng ở các thiết chế Phật giáo Đại Việt - Việt Nam, cũng như biểu tượng Naga ở các thiết chế Phật giáo Đông Nam Á.
2 Theo Nguyễn Kim Sơn (2003), “từ thời Lý, Nho giáo được bảo trợ bởi chính trị đã tiến những bước dài trong quá trình ảnh hưởng so với thời kì trước độc lập. Ở thời kì này, Nho giáo đã từ thượng tầng của tư tưởng mà tác động xuống cơ địa văn hoá, nó có phần áp đặt. Sự tác động của Nho giáo theo chiều hướng đó qua nhiều thế kỉ đã làm thay đổi diện mạo của toàn bộ nền văn hóa, tác động vào phong tục tập quán, tín ngưỡng, đã diễn ra một quá trình “tông pháp hóa” gia tộc người Việt. Tuy nhiên ảnh hưởng ở phương diện chính trị vẫn nổi bật nhất.”
Trong nền văn hóa Trung Hoa, con rồng thường gắn với vương quyền hoặc chí ít là những gì có liên quan đến nhà vua và triều đình như long thể (thân thể nhà vua), long bào (áo vua), long sàng (giường của vua)… Thậm chí, chiếc máy chém dùng để chặt đầu những tội phạm thuộc hoàng tộc cũng được gọi là long đầu trảm. Vì vậy, biểu tượng rồng được sử dụng trên các kiến trúc Phật giáo Trung Hoa chỉ chiếm vị trí hết sức khiêm tốn và thường được thay thế bằng “tứ linh” hoặc các linh vật “phụ” như chín con của rồng1 thay vì chính con rồng như ở các thiết chế có liên quan đến nhà vua và hoàng tộc.
1 Bao gồm: Bị hí, li vẫn, bồ lao, can bê, thao thiết, công hạ/công phúc, nhai tý, kim nghê, tiền đồ (theo Phạm Đình Hổ trong Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam - tập 1, Nxb. Khoa học xã hội 1998)
Trong khi đó ở các thiết chế Phật giáo ở Việt Nam, đặc biệt là các kiến trúc chùa - tháp, rồng là một trong những thành tố trang trí chủ đạo. Rõ ràng, tại các thiết chế này, biểu tượng rồng không hẳn là một thành tố đại diện cho nhà vua (như các thiết chế chính trị: Thành quách, cung điện, lăng tẩm…), cũng không phải là một yếu tố văn hóa mang tính đại chúng mà đại diện cho tinh thần Phật giáo. Tuy nhiên, trong nguồn gốc của Phật giáo Ấn Độ không hề có con rồng, vậy tại sao nó lại trở thành một thành tố chủ đạo trong nghệ thuật Phật giáo từ giai đoạn Lý - Trần? Ở trên chúng tôi đã đề cập đến quá trình “Ấn hóa con rồng Việt” trong giai đoạn nhà Lý. Dưới đây, chúng tôi xin được lý giải quá trình này bằng tinh thần Phật giáo trong văn hóa Đại Việt - Việt Nam.
Với tên gọi và mô thức rập khuôn theo mô hình Trung Hoa, con rồng Đại Việt của nhà Lý sẽ khó thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” của văn hóa Trung Hoa như trong quá khứ. Chắc hẳn các vị vua nhà Lý đã nhận thức rõ điều này nên đã tìm ra một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng nhưng không bị lệ thuộc Trung Hoa: Yếu tố tinh thần. Cùng với thế đối trọng văn hóa đối với Trung Hoa được định hình từ khi xây dựng nền độc lập cho quốc gia Đại Việt, nhà Lý đã chọn Phật giáo Ấn Độ làm bệ đỡ tinh thần cho con rồng của mình.
Kể từ đây, con rồng xuất hiện với tần suất dày đặc tại các ngôi chùa được dựng lên ở Đại Việt, đặc biệt là các ngôi chùa được hoàng gia công đức xây dựng (trong khi đó, tại Phật viện Đồng Dương của vương quốc Champa đương thời chúng tôi chưa tìm thấy di vết nào của biểu tượng rồng ngoại trừ Naga, Makara… là những “linh vật họ rồng”).1 Điều này khẳng định lại một lần nữa vai trò của nhà Lý với công cuộc chấn hưng văn hóa Đại Việt bằng một thế đối trọng dựa trên nền tảng văn hóa Ấn Độ.
1 Như chúng ta đã biết, các tù nhân người Chăm có công đóng góp rất lớn đối với các tác phẩm nghệ thuật thời Lý - Trần. Dấu ấn từ đôi bàn tay tài hoa của họ vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay trên các di vật khảo cổ thời Lý Trần đã khai quật được. Vẫn những đôi bàn tay đó đã tạo dựng nên các công trình nghệ thuật của Champa nhưng chỉ ở Đại Việt thì họ mới học cách chế tác rồng. Đó chính là dấu ấn của nhà Lý với quốc gia Đại Việt nói chung và biểu tượng con rồng Đại Việt thời Lý nói riêng.
Bằng tinh thần Phật giáo của Đại Việt, nhà Lý đã truyền cảm hứng cho người dân, mà cụ thể ở đây là các nghệ nhân chế tác biểu tượng rồng - trong đó có các tù nhân người Chăm. Chắc hẳn tinh thần khoan dung của Phật giáo cộng với sự anh minh của các vua Lý, đặc biệt là vị vua đầu triều nhà Lý, đã mang đến cho người dân và các nghệ nhân niềm cảm hứng sáng tạo tuyệt vời để họ tạo nên những kiệt tác nghệ thuật mà các triều đại tiếp theo khó có thể sánh bằng.
5. Con rồng Việt trong vai trò một biểu tượng quốc gia
Khi nói tới một biểu tượng quốc gia chúng ta thường nghĩ tới lá cờ, quốc huy, quốc ca... của một quốc gia, nhưng khi nhà Lý xây dựng nền độc lập thì các thiết chế này chưa được định hình. Tuy nhiên, vị vua nhà Lý với tầm nhìn vượt thời gian của mình đã sử dụng một thiết chế văn hóa có sẵn - đó là biểu tượng con rồng của hoàng tộc - theo mô hình Trung Hoa để tạo dựng nên một biểu tượng mới không phải cho riêng hoàng tộc của mình mà là cho quốc gia non trẻ của mình.
Sau khi định hình trong nền văn hóa Đại Việt, những kiệt tác nghệ thuật dựa trên tinh thần Phật giáo và văn hóa Ấn Độ của con rồng thời Lý đã phổ biến khắp nơi, từ cung điện của nhà vua đến chùa chiền của sư sãi, từ kiến trúc cộng cộng đến vật dụng tư gia… (hiện vật từ các cuộc khai quật khảo cổ gần đây tại Hoàng thành Thăng Long, chùa Phật Tích, chùa Dạm... đã chứng minh điều này). Sự thể hiện con rồng Đại Việt qua ngôn ngữ biểu tượng có sự khác biệt rất lớn với con rồng Trung Hoa cũng như Naga hay Makara của Ấn Độ, và càng khác xa với con rồng theo quan niệm và nghệ thuật Phương Tây. Vai trò một biểu tượng quốc gia của con rồng thời Lý được thể hiện qua các yếu tố sau:
- Rồng đại diện cho vương quyền của nhà vua (theo mô hình Trung Hoa) nhưng không độc tôn cho hoàng tộc;
- Tên gọi của rồng được lấy làm tên chính thức của quốc đô Đại Việt: Thăng Long;
- Rồng được sử dụng phổ biến trong các thiết chế Phật giáo Đại Việt;
- Rồng Đại Việt gắn với tinh thần Phật giáo tạo nên một thế đối trọng văn hóa với thể chế Nho giáo biểu hiện qua con rồng Trung Hoa;
- Rồng không bị độc chiếm bởi nhà vua mà được quốc gia hóa thành một linh vật của quốc gia Đại Việt;
- Huyền thoại về rồng được Việt hóa trong văn hóa Việt (con Rồng cháu Tiên)...
Rõ ràng, con rồng thời Lý đã thể hiện rõ vai trò là một biểu tượng quốc gia (theo quan niệm về chủ nghĩa biểu tượng dân tộc mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên). Điều này hoàn toàn khác với việc sử dụng biểu tượng Naga của các quốc gia Ấn Độ hóa vùng Đông Nam Á. Với các thể chế quốc gia theo mô hình Ấn Độ đã được lập nên ở Đông Nam Á, việc sử dụng biểu tượng Naga làm một linh vật thiêng liêng trong văn hóa và tôn giáo khá phổ biến. Tuy nhiên, việc chọn Naga để làm biểu tượng quốc gia chưa từng xuất hiện ở các nền văn hóa đang tồn tại (hoặc từng tồn tại) ở khu vực này ngoại trừ Đại Việt - Việt Nam với huyền thoại “con Rồng - cháu Tiên.”
Vì sao biểu tượng Naga không thể trở thành một biểu tượng quốc gia của các thể chế theo mô hình Ấn Độ? Có thể thấy Naga là một trong những linh vật quan trọng nhất trong văn hóa Hindu nên nó chính là một biểu tượng trọng tâm của đạo Hindu (và sau này là Phật giáo Đông Nam Á) chứ không phải là một biểu tượng quốc gia của Ấn Độ. Các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á tuy được mô phỏng theo mô hình thể chế và văn hóa Ấn Độ nhưng không phát triển thành các quốc gia Hindu hóa (ngoại trừ một khu vực nhỏ ở đảo Bali, Indonesia phát triển theo hướng này) mà đa số phát triển thành các quốc gia Phật giáo hóa như Thái Lan, Myanmar, Lào, Cambodia,...1 trong bối cảnh đó, biểu tượng Naga dần được Phật giáo hóa thành một linh vật quan trọng trong Phật giáo (một biểu tượng của tôn giáo) ở các quốc gia này, nhưng không phát triển thành một biểu tượng quốc gia như con rồng của Đại Việt.
1 Các quốc gia theo mô hình Islam phát triển muộn sau này như Malaysia, Indonesia, Brunei Darussalam… ít nhiều đều có sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là Hindu giáo và Phật giáo.
Mặc dù có khá nhiều nét tương đồng về mặt tạo hình giữa biểu tượng Naga trong Phật giáo Đông Nam Á và biểu tượng con rồng thời Lý của Đại Việt, nhưng có những căn nguyên khiến cho con rồng thời Lý trở thành một biểu tượng quốc gia, đó là:
- Rồng Lý được định hình trên cơ sở sự hình thành một quốc gia - Đại Việt;
- Rồng Lý là một linh vật đại diện cho vương quyền của nhà vua ở quốc gia đó;
- Rồng Lý được quốc gia hóa bởi ý đồ của người đứng đầu - vua Lý;
- Rồng Lý được bản địa hóa thành một linh vật của riêng quốc gia đó (quá trình huyền thoại hóa con rồng Việt)...
Trong khi đó, Naga ở các quốc gia Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á lại là một biểu tượng tôn giáo chứ không phải một biểu tượng quốc gia vì những nguyên nhân sau:
- Naga được định hình trên cơ sở của một tôn giáo-Phật giáo;
- Naga đại diện cho thế lực bảo vệ Phật pháp (hộ pháp);
- Naga không được quốc gia hóa bởi một thế lực chính trị (ông vua) nào;
- Naga tuy được bản địa hóa thành một linh vật quan trọng của Phật giáo, nhưng không trở thành một linh vật riêng của một quốc gia nào mà được sử dụng chung cho Phật giáo ở cả khu vực này...
***
Rõ ràng, với việc tạo dựng nên một biểu tượng quốc gia (con rồng Lý), nhà Lý đã khẳng định được tính riêng, tính khác biệt, tính độc lập của mình với các quốc gia lân bang, đặc biệt là Trung Hoa. Chính cái riêng, cái khác biệt đó đã tạo nên nền độc lập của một quốc gia, nhưng có một điều quan trọng hơn là nó đã tạo dựng nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt (khác Hán, khác Ấn và khác các quốc gia khác ở Đông Nam Á).1 Điều đó một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của nhà Lý với vai trò đặc biệt quan trọng của vị vua đầu triều - Lý Công Uẩn với tầm nhìn vượt thời gian về sự tồn tại và phát triển của quốc gia Đại Việt.
1 Mặc dù bản sắc văn hóa (cultural identity) là một thuật ngữ mang tính học thuật mới được đưa vào Việt Nam gần đây nhưng có thể thấy sự tồn tại của cái riêng, cái khác biệt và tính độc lập của nhà Lý và nước Đại Việt chính là những tiền đề để nền văn hóa Đại Việt - Việt Nam tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
Bên cạnh thế đối trọng văn hóa với Trung Hoa, Lý Công Uẩn cũng đã thành công trong việc tạo nên sự khác biệt văn hóa, hay nói cách khác đó là tạo dựng nên bản sắc văn hóa của người Việt khác với các quốc gia lân bang ở Đông Nam Á, để xây dựng một quốc gia độc lập và tạo dựng nên một nền văn hóa độc lập có sức mạnh và có bản sắc riêng. Có thể nói, nền độc lập của một quốc gia chỉ có thể trường tồn khi nó được tạo bởi chính các thành tố văn hóa. Sự thất bại của các cường quốc duy quân sựcủa Alexandre Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn trong lịch sử là những bài học chung của nhân loại.