1 Xem: Đinh Hồng Hải, “Các linh vật họ rồng,” Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 5, 2015.
Rồng là một linh vật huyền thoại có mặt trong rất nhiều nền văn hóa từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây. Để truy nguyên nguồn gốc của rồng, các nhà khoa học đã phải sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như văn bản học, khảo cổ học, lịch sử mỹ thuật, niên đại học, khu vực học... Trong các nghiên cứu khoa học xã hội có một ý kiến khá thống nhất về sự hình thành biểu tượng rồng là quá trình kết hợp những nét đặc trưng của nhiều con vật có thực để tạo nên một con vật hư cấu có tên gọi là rồng. Như vậy, con vật huyền thoại này được sản sinh từ nghệ thuật hư cấu, tuy nhiên, nó sinh ra như thế nào và bản thân nó sinh ra cái gì thì lại là một câu hỏi ít được chú ý.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam có câu thành ngữ “trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu.” Với một linh vật huyền thoại như rồng thì cách mà nó ra đời và “sản sinh” ra “những đứa con” cũng đầy màu sắc hư cấu qua các huyền thoại. Giải mã những huyền thoại này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những mối liên hệ giữa biểu tượng rồng và các linh vật họ rồng trong nền văn hóa mà nó tồn tại.
Linh vật họ rồng ở đây là những con vật hư cấu ít nhiều có liên quan đến các huyền thoại và biểu hiện của rồng. Tạm thời chúng tôi chưa đi sâu vào việc phân tích, đánh giá về nguồn gốc thực sự của con rồng bắt nguồn từ đâu mà sẽ tìm hiểu về một tập hợp các đặc tính của rồng Việt Nam trong sự kết nối với các linh vật trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa để hình thành nên con vật hư cấu có tên gọi là rồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng so sánh với các linh vật “cùng họ” tại các quốc gia Ấn Độ hóa vùng Đông Nam Á.
Vì vậy, tiêu chí để xác định linh vật họ rồng ở đây là những linh vật hư cấu gắn với huyền thoại rồng hoặc có nhiều thành phần được sử dụng trong “cấu trúc/cấu tạo” của con rồng. Phương pháp nghiên cứu đối sánh này nhằm tìm hiểu biểu tượng và huyền thoại về con rồng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa châu Á nói chung, từ đó tìm ra những gạch nối giữa hai nền văn minh lớn nhất châu Á thông qua biểu tượng con rồng trong văn hóa Việt Nam.
Đối chiếu những linh vật họ rồng trong văn hóa Ấn Độ với những “đứa con của rồng” trong văn hóa Trung Hoa, chúng tôi phát hiện ra khá nhiều điểm tương đồng của chúng với các linh vật trong hệ thống các vị thần Hindu ở Ấn Độ, đặc biệt là Naga, Makara, Rahu và Kertimukha. Những linh vật này cũng xuất hiện ở Việt Nam với nhiều dạng thức khác nhau khiến cho việc gọi tên các linh vật này trở nên “hỗn loạn.” Chẳng hạn, biểu tượng xi vẫn trên nóc các kiến trúc cổ ở Việt Nam được gọi là đầu rồng trong khi biểu tượng sư tử thường lẫn với con nghê…
Để có thể phân biệt đâu là rồng, xi vẫn, toan nghê trong văn hóa Trung Hoa, đâu là Naga, Makara trong văn hóa Ấn Độ, và đâu là hổ phù, nghê, kìm trong văn hóa Việt Nam, chúng ta cần phân biệt các lớp văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam đan xen nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử. Từ đó mới có thể gọi đúng tên sự vật mà chúng ta cần tìm hiểu và từ đó mới có thể có những nghiên cứu thực sự có chiều sâu đối với các linh vật này.
1, Các linh vật họ rồng trong văn hóa Ấn Độ
Naga
Naga là một linh vật đặc biệt trong văn hoá Ấn Độ cũng như ở các nền văn minh Ấn Độ hoá. Biểu tượng Naga được thể hiện dưới nhiều dạng ứng thân khác nhau, bắt nguồn từ những truyền thuyết khác nhau, nhưng tựu trung, chúng đều có nguồn gốc từ sử thi Mahabharata và nền văn hóa Hindu giáo. Trong sử thi Mahabharata, Naga mang tính phản diện nhưng trong tiếng Sanskrit và Pali, Naga lại là sự thể hiện lòng tôn kính với thần rắn và những ứng thân của nó, có lẽ vì vậy mà thuật ngữ này chủ yếu được sử dụng trong Phật giáo và Hindu giáo.
Cũng theo sử thi Mahabharata, Naga là kẻ thù của vua đại bàng khổng lồ - Garuda cho dù họ là những người anh em cùng cha khác mẹ. Naga là con của Kasyapa và Kadru (vị thần được coi là tổ mẫu của rắn). Kadru sinh ra 1000 trứng, trứng này nở ra rắn.1Một người vợ khác của Kasyapa sinh ra 2 trứng, nở ra thần Mặt trời (Surya) và Garuda. Ngoài ra, Naga còn là hiện thân của thần Shiva - vị thần hủy diệt và tái tạo trong văn hóa Ấn Độ. Có lẽ, đặc tính hủy diệt của nọc rắn và sự tái tạo của hiện tượng rắn lột đã khiến cho người Ấn Độ coi Naga là một trong những ứng thân của Shiva. Nếu không hiểu rõ nguồn gốc của Naga trong sử thi và trong văn hóa Ấn Độ chúng ta sẽ khó có thể xác định được vai trò và vị trí của nó trong mỗi tác phẩm nghệ thuật.
1 Hiện nay chúng tôi chưa tìm được bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa “truyền thuyết trăm trứng” của người Việt và “truyền thuyết nghìn trứng” này trong văn hóa Ấn Độ. Tuy nhiên, đây là một chi tiết đáng lưu ý để chúng ta có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu về những yếu tố đã hình thành nên những truyền thuyết và huyền sử về cội nguồn dân tộc Việt.
Trong nền nghệ thuật Ấn Độ, Naga là biểu tượng của sức mạnh tự nhiên, là vị thần bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, giếng… Naga là vị thần mang tới những cơn mưa giúp cho mùa màng bội thu nhưng cũng là vị thần mang đến những thảm họa như lũ lụt hay hạn hán để trừng phạt con người. Naga là vị thần được biểu hiện trong hình dạng của con người, thường là một đôi rắn (một đực, một cái) quấn vào nhau ở phần đuôi, chân dung của rắn đực chính là biểu hiện của thần Shiva. Về mặt tạo hình, biểu tượng Naga trong văn hóa Ấn Độ có mối liên hệ mật thiết với các truyền thuyết Hindu giáo.
Bên cạnh các biểu hiện đặc trưng của chân dung thần Shiva, biểu hiện của Naga thường được gắn thêm một chiếc “tán” ở phía sau đầu tạo nên một chiếc lọng che hay một vầng hào quang đang tỏa sáng. Chiếc tán này được tạo bởi bảy chiếc đầu rắn tỏa ra thành một hình nan quạt trên đầu của vị thần.
Hình thức trang trí này được lặp lại y nguyên trong nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo mà chúng ta có thể bắt gặp trong nền nghệ thuật của các quốc gia theo Phật giáo Nam tông như Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Cambodia, Lào… Điều đó cho thấy, nghệ thuật Phật giáo ở các quốc gia nói trên mang đậm những ảnh hưởng của nghệ thuật Hindu bắt nguồn từ Ấn Độ. Trong các tác phẩm đề cập đến cặp đôi Naga trong Hindu giáo, phần đuôi rắn quấn vào nhau tạo thành hình dây thắt nút, hình thức trang trí này được biểu tượng hóa ở một mức độ cao tạo thành mô típ chữ “vạn” trong nghệ thuật Phật giáo.
Không chỉ đóng vai trò là hiện thân của thần Shiva trong Hindu giáo hay vị thần bảo vệ đức Phật trong Phật giáo, Naga còn là một biểu tượng mang tính vũ trụ gắn với núi vũ trụ Meru - ngọn núi biểu tượng của Hindu giáo và Phật giáo và là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của những nền văn minh Ấn hóa. Biểu tượng Naga ở đây chính là vị thần bảo vệ núi vũ trụ Meru (Meru là ngọn núi biểu tượng đặc biệt, thắt vào ở giữa và tỏa rộng ở trên, phần tỏa rộng đó chính là nơi “cư ngụ” của các vị thần). Dưới sự bảo trợ của Naga, sẽ không kẻ nào có thể đột nhập vào thế giới của các vị thần trên đỉnh núi Meru.
Theo truyền thuyết Hindu, Naga chính là đầy tớ của một trong “tứ Thiên vương” (Four Heavenly Kings) có tên là Virupaksa. Trong tranh Thangka của người Tây Tạng hay trong các biểu tượng vũ trụ (Mandala) ở khu vực Hymalaya (Tây và Nam Á), Naga được đặt ở vị trí trung tâm của núi Meru, thường là một Linga, biểu tượng của thần Shiva. Điều đó cho thấy tầm quan trọng “số 1” của Naga trong thế giới quan của người Ấn Độ cũng như các nền văn minh Ấn hóa.
Makara
Makara là một linh vật bắt nguồn từ nền tảng Hindu, phổ biến trong văn hóa Ấn Độ và lan tỏa hầu khắp các nền văn minh Ấn Độ hóa ở châu Á. Makara là một linh vật hư cấu được tạo bởi nhiều bộ phận của những con vật có thực khác nhau như voi, cá sấu, hươu, cá, chim… Là vật cưỡi (kamadeva) của thần biển Varuna và nữ thần sông Hằng (Ganga). Thậm chí Makara còn được coi như tước hiệu của vị thần tình yêu và là một trong 12 cung hoàng đạo theo quan niệm thiên văn cổ đại Ấn Độ. Trong văn hóa và nghệ thuật Phật giáo, Makara được trang trí ở hai bên cửa ra vào, các cấu kiện kiến trúc góc, bệ tượng, góc mái… Thường gọi là thủy quái Makara. Trong tiếng Sanskrit, Makara có nghĩa là rồng biển hay thủy quái và có nghĩa là cá sấu trong tiếng Hindi. Theo truyền thống Veda, Indra là vị chúa tể của bầu Trời còn vị Chúa tể của Biển cả là Varuna, vị thần này thường cưỡi trên lưng Makara, đây chính là lí do chúng tôi xếp Makara vào nhóm các linh vật họ rồng trong văn hóa Ấn Độ.
Biểu hiện cụ thể của Makara trong nghệ thuật Ấn Độ là một linh vật nửa thú nửa cá. Ở nhiều ngôi đền Hindu, biểu tượng Makara được thể hiện với hình ảnh của một con cá với chiếc đầu voi, trong khi ở một số nơi khác chúng được biểu hiện bằng con vật có hàm cá sấu nhưng lại có vòi của voi, thân có vảy giống cá và đuôi của con công. Đôi khi chúng được thể hiện với chân của sư tử, mắt của khỉ (khỉ được coi như một vị thần có con mắt tinh tường trong văn hóa Ấn Độ - Hanuman) cùng tai của lợn và đuôi của công. Thậm chí một số học giả Ấn Độ còn liên hệ hình thức của Makara với cá heo sông Hằng. Khi nền văn minh Ấn Độ lan tỏa ra khắp châu Á, những biểu tượng thần thoại Ấn Độ (trong đó có Makara) được đưa đến nhiều vùng đất mới. Tại đây, hình thức của chúng đã được biến đổi để thích nghi với văn hóa bản địa và hình thức của Makara cũng dần biến đổi. Trong nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng, Makara được thể hiện bằng chân sư tử, bờm ngựa, vây và mang cá, sừng hươu. Những đặc tính này sau đó được lặp lại ở các biểu tượng Makara đã được “rồng hóa” trong văn hóa Trung Hoa.
1a. Makara ở đền Khajuraho. Nguồn: Bảo tàng Jain, Ấn Độ
1b.Varuna cưỡi trên lưng Makara. Nguồn: Bảo tàng Aihole, Ấn Độ
1c. Makara, Bắc Tề (550-577), Trung Quốc. Nguồn: Saiko
Biểu tượng Makara
Với vai trò là con vật cưỡi nên tại các ngôi đền Hindu, Makara thường được trang trí trên các cấu kiện kiến trúc ở dưới tượng thần. Cũng có khi chúng tách ra khỏi các vị thần nhưng vị trí thì vẫn luôn là ở phía dưới. Điều này được thấy rõ hơn trong nghệ thuật Phật giáo khi Makara trở thành con vật “cõng” bệ tượng của đức Phật. Có khi là một con vật cõng cả tòa sen và đức Phật ở trên, nhưng cũng có khi là các con vật được trang trí ở 4 góc của bệ tượng. Tuy nhiên, vị trí phổ biến của Makara trong nghệ thuật Phật giáo là ở hai bên lối vào của các kiến trúc Phật giáo với hàm nghĩa bảo vệ Phật pháp. Trong Phật giáo Tiểu thừa có một mô típ khá phổ biến là rắn thần Naga chui ra từ miệng của Makara. Sự kết hợp giữa Makara và Naga trong nghệ thuật Phật giáo Tiểu thừa có sự tương đồng với hiện tượng “rồng hóa” của Makara và Naga trong văn hóa Phật giáo Đại thừa ở Trung Hoa và Đại Việt. Makara cũng được sử dụng trong các cấu kiện kiến trúc máng nước, vòi nước với hình thức miệng của nó phun nước khi trời mưa. Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này trong chuyên mục sau.
Rahu và Kertimukha
Bên cạnh Naga và Makara còn có Rahu và Kertimukha là những linh vật trong văn hóa Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng với các linh vật họ rồng ở Trung Hoa và Việt Nam, đặc biệt là “chính diện long” (hình thức rồng nhìn thẳng từ phía trước) cũng như bệ ngạn trong văn hóa Trung Hoa và hổ phù trong văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa Hindu, Rahu mang bộ mặt (phần đầu) của vị thần chiến tranh Asura với truyền thuyết nuốt mặt trời tạo nhật thực. Rahu /羅怙 /La hầu cũng là một trong chín vì tinh tú trong thiên văn học cổ đại Ấn Độ, thường đi thành cặp với Ketu /計都/ Kế đô1 biểu hiện phần thân của Asura khi bị thần Visnu cắt đầu. Theo đó, Rahu và Ketu biểu thị cho hai điểm giao nhau của các đường di chuyển của mặt trời và mặt trăng trên bầu trời. Vì vậy, Rahu và Ketu được gọi là điểm cực bắc và điểm cực nam trong vũ trụ luận của nền văn hóa Hindu.
1 Cặp đôi này cũng là hai vì tinh tú trong chiên tinh học của người Trung Hoa cùng với Thái Dương, Thái Âm, Thái Bạch, Mộc Đức, Thủy Diệu,Vân Hán, Thổ Tú… Phải chăng người Trung Hoa đã “học mót” thiên văn học cổ đại Ấn Độ? Đây là một vấn đề cần được tìm hiểu một cách kĩ lưỡng hơn. Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này trong một nghiên cứu khác.
Nhật thực xảy ra khi mặt trời, mặt trăng và trái đất nằm trên cùng một đường thẳng chính là căn nguyên để huyền thoại nuốt mặt trời của quỷ ra đời ở Ấn Độ. Theo huyền thoại này, quỷ Atula đã uống nước cam lồ (amrita) để trở nên bất tử, nhưng khi nuốt đến cổ họng thì bị thần Vishnu cắt ngang cổ. Tuy nhiên, phần đầu này vẫn trở nên bất tử và nó biến thành Rahu. Rahu là vị ác thần, là biểu tượng của sức mạnh, nó có quyền cai trị và ban phát sự sống và sức mạnh cho kẻ khác. Rất có thể truyền thuyết này đã ảnh hưởng tới văn hóa Trung Hoa sau này để biến thành con hiến chương trong văn hóa Trung Hoa.
Kirtimukha trong tiếng Sanskrit có nghĩa là "bộ mặt vinh quang", là tên của một con quái vật nuốt mặt trời, thường được gọi là Kala ở các nền văn minh Ấn Độ hóa ở Đông Nam Á. Kirtimukha có nguồn gốc huyền thoại từ Skanda Purana khi Jalandhara, một con quái vật mồm to được tạo bởi Shiva, nó tự ăn cơ thể của mình bắt đầu từ đuôi, khi chỉ còn lại bộ mặt, Shiva đặt tên cho nó là “bộ mặt vinh quang.” Kirtimukha thường được sử dụng như một mô típ trang trí chạm khắc ở vòm cửa của các ngôi đền hoặc tồn tại độc lập trong hình tượng của một vị thần. Do hình thức và vị trí của Rahu và Kertimukha trên các cấu kiện trang trí kiến trúc là ở vị trí chính diện nên dễ bị nhầm lẫn, đôi khi bị đánh đồng với nhau. Thậm chí còn dễ nhầm lẫn với Simhamukha (bộ mặt sư tử).
Tuy nhiên, nếu đi sâu vào chi tiết chúng ta sẽ phân biệt được các đặc điểm nhận dạng của chúng như sau: Rahu thường có biểu tượng mặt trời và mặt trăng khuyết đi kèm (vì mối liên hệ với nhật thực và nguyệt thực). Trong khi đó Kertimukha thường được mô tả gắn với động tác “nuốt” rắn, nhưng cũng có thể là nuốt những vật khác. Còn Simhamukha thì dễ phân biệt hơn, bởi bộ mặt hổ/sư tử với hai nanh nhọn chìa hẳn ra ngoài và cái mũi sư tử đặc trưng. Có lẽ vì mối tương đồng của các thành tố trang trí này mà người Trung Hoa dễ bị nhầm lẫn khi sử dụng lại các mô típ trang trí này trong nền nghệ thuật của họ. Sự thiếu thống nhất giữa các đặc tính căn bản trong “chín con của rồng” thể hiện rất rõ điều này.
Rahu. Nguồn: Bảo tàng Anh (Bristish Museum)
Kirtimukha tại đền Kasivisvesvara, Karnataka, India. Nguồn: http://www.indotemple.com/
Simhamukha. Nguồn: http://www.kamat.com/
Rahu, Kertimukha và Simhamukha
2. Những “đứa con”của rồng trong văn hóa Trung Hoa
Theo thuyết Long sinh cửu tử (龙生九子) của người Trung Hoa thì rồng sinh ra mười con nhưng có chín con không phải là rồng (long sinh cửu tử bất thành long - 龙生九子不成龙). Mặc dù con rồng duy nhất đó cũng có muôn hình vạn trạng với nhiều loại khác nhau (xem phân loại rồng trong phụ lục) nhưng chúng vẫn được coi là rồng. Trong khi đó, những anh chị em của nó cho dù có vị trí quan trọng nhưng cũng không thể được coi là rồng theo quan niệm Trung Hoa. Yếu tố tạo nên sự “dị dạng” của chín đứa con nói trên là do các hữu sở hiếu (各有所好 mỗi con đều có sở thích riêng - theo Hán - Việt từ điển trích dẫn). Hiện nay có rất nhiều tài liệu dẫn nguồn từ các truyền thuyết Trung Hoa về chín con vật này nhưng về tên gọi thì có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, theo "Hoài Lộc Đường Tập"(懷麓堂集), tên của "Long sinh cửu tử" lần lượt là: Tù ngưu, nhai xải, trào phong, bồ lao, toan nghê, bí hí, bệ ngạn, phụ hí, li vẫn. Còn theo "Thăng Am Tập"(升庵集) thì đó là: bí hí, li vẫn, bồ lao, bệ ngạn, thao thiết, công phúc, nhai xải, toan nghê, tiêu đồ.1 Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ (trong Tham khảo tạp ký), đối chiếu với Tiềm xác loại thư của Trung Hoa, thì “chín con của rồng” và ý nghĩa của chúng như sau:
1 Theo Dương Tuấn Anh, Những đứa con của rồng trong http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Vanhoa/tabid/107/news tab/197/Default.aspx
1. Bồ lao có tiếng kêu lớn nên được khắc chạm lên chuông mõ. 2. Tù ngưu có khiếu thẩm âm nên được khắc chạm lên trục lên dây đàn. 3. Bí sí yêu thích văn chương nên được khắc lên đỉnh hoặc chân bia đá. 4. Bá hạ có thể mang vác nặng nên được khắc ở chân cột, chân các công trình kiến trúc. 5. Triều phong thích đương đầu nguy hiểm như giông gió nên được khắc chạm lên nóc đền miếu (ngụ ý chống sụp đổ). 6. Si vẫn thích nước nên được khắc chạm ở chân cầu hay nóc đền đài (ngụ ý chống hỏa hoạn). 7. Toan nghê thích nghỉ ngơi (thường bị đồng hoá với sư tử) nên được khắc chạm vào ngai, trường kỷ. 8. Nhai xải thích giết chóc nên được chạm trên chuôi gươm. 9. Bệ ngận dáng giống hổ cọp, rất uy mãnh nên thường được chạm ở cửa ngục để răn đe tù nhân.1 | 1. Một con tên là bị hý, trông giống một con rùa lớn, thích mang những vật nặng. 2. Con thứ hai là li vẫn, có bốn chân, thích nhìn ngắm. 3. Con thứ ba là bồ lao, giống cá voi, thích kêu. 4. Con thứ tư là can bê, giống con hổ, canh gác giỏi. 5. Con thứ năm là thao thiết, thích ăn uống. 6. Con thứ sáu là công hạ, hay công phúc, thích uống nước. Hình của nó được chạm trên các trụ cầu. 7. Con thứ bảy là nhai tí, thích giết người. 8. Con thứ tám là kim nghé, thích nuốt lửa - nhả khói, là con vật để cưỡi. 9. Con thứ chín là tiền đồ, giống vỏ ốc, thích âm nhạc. 2 |
Bảng 1. So sánh “chín con của rồng” qua Tiềm xác loại thư và Tham khảo tạp ký
1 Lê Minh Anh Tlđd.
2 Dẫn theo Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội 1998.
Các tài liệu thống kê về “chín con của rồng” có nhiều điểm khác nhau về chi tiết, nhưng tựu trung vẫn là chín con vật linh mang tính huyền thoại bao gồm bị hí, li vẫn, xi vẫn, bồ lao, bệ ngạn, thao thiết, công phúc, nhai xế, toan nghê, tiêu đồ. Ngoài các ghi chép của Phạm Đình Hổ và các nguồn từ Trung Hoa, trong thời gian gần đây còn có thêm các tác giả mới như Dương Tuấn Anh, Lê Minh Anh, Trần Trọng Dương, Nguyễn Ngọc Thơ… Nghiên cứu về các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật, xã hội bao quanh những linh vật này và những biến đổi của chúng trong văn hóa Việt Nam. Theo Nguyễn Ngọc Thơ, “chín con của rồng” gồm những linh vật sau:
1 Con trưởng của rồng | Bị hí/bá hạ/bát phúc/thạch long quy - linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Bị hí có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá, v.v... |
2 Con thứ hai của rồng | Li vẫn/ si vẫn/xi vẫn - linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn. Tương truyền, li vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài, v.v. ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ sự bình yên cho công trình. |
3 Con thứ ba của rồng | Bồ lao - linh vật thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông đồng với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn. |
4 Con thứ tư của rồng | Bệ ngạn/bệ lao/hiến chương - có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, bệ ngạn rất thích lý lẽ và có tài cãi lí đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay ở pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện. |
5 Con thứ năm của rồng | Thao thiết - linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kì lạ. Thao thiết có tính khí tham ăn vô độ, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng quá háo ăn mà trở nên bất lịch sự. |
6 Con thứ sáu của rồng | Công phúc - là linh vật thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè, v.v… Với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ muôn dân. |
7 Con thứ bảy của rồng | Nhai xế - linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh, thường được chạm khắc trên các loại vũ khí như đao, búa, kiếm, mâu, v.v… Ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc. |
8 Con thứ tám của rồng | Toan nghê/kim nhê - linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút. Toan nghê được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát. |
9 Con thứ chín của rồng | Tiêu đồ/phô thủ - linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu đồ được đúc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở cửa, ngụ ý răn đe kẻ lạ, bảo vệ sự bình yên cho chủ nhà. |
Bảng 2. Thống kê về “chín con của rồng”
Ngoài chín con nói trên, gia đình rồng còn có một số linh vật khác như: tù ngưu (囚牛 qíu’níu) - linh vật giỏi về âm nhạc; trào phong (嘲风 cháo’feng) - linh vật được gắn trên nóc nhà ngụ ý chống cháy và thị uy kẻ xấu (giống li vẫn); phụ hí (负屃 fùxì) - linh vật bảo vệ bia mộ, li hổ (螭 虎 lihu), điêu đa (叼 多 diaoduo), vọng thiên khổng (望天孔 wàngtiankong - còn gọi là thần trụ đạo 神柱道), đấu ngưu (斗牛 dòuníu), hải trãi (獬 豸 xièzhì), đặc biệt là tỳ hưu linh vật mang đến tài lộc. 1
1 Xem Nguyễn Ngọc Thơ, “Chín con của rồng”, Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 20/09/2007.
Tập hợp các tài liệu đã được thống kê ở trên, chúng tôi lập bảng phân loại chín con vật linh này như sau:
Bảng 3. Phân loại “chín con của rồng”
2 Các hình minh họa ở bảng này là của Diệp Ứng Toại, dẫn lại theo Nguyễn Ngọc Thơ.
3. Các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam
Thật khó để tập hợp một cách đầy đủ những linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam không chỉ vì số lượng và chủng loại hết sức đa dạng mà còn vì tính phức tạp và sự đan xen các thành tố văn hóa Việt - Hoa - Ấn ngay trong biểu hiện của mỗi linh vật. Điều này khiến cho việc tìm hiểu các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam trở nên hết sức thú vị nhưng cũng trở nên đặc biệt khó khăn. Thú vị là vì chúng ta có thể tìm thấy các yếu tố văn hóa bản địa và du nhập ngay trong mỗi biểu tượng này. Khó khăn là ở việc phân biệt các thành tố văn hóa nói trên trong sự đan xen (đôi khi là lẫn lộn) khiến cho chúng ta có cảm giác chúng hỗn loạn và rối bời.
Tuy nhiên, nếu đặt các biểu tượng này trên một phổ nhìn rộng lớn hơn (trên cơ tầng văn hóa châu Á) và phân loại các lớp văn hóa Việt - Hoa - Ấn, chúng ta có thể khu biệt những đặc điểm tạo hình gắn với các đặc tính văn hóa riêng của Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Trong chuyên mục này chúng tôi chọn ra bốn nhóm khu biệt như vậy để giới thiệu về các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam.
Sấu/giao long/thuồng luồng
Sấu, giao long, thuồng luồng là những cái tên phổ biến nhất khi đề cập đến nguồn gốc con rồng ở Việt Nam. Nhiều tác giả đi trước như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tài Cẩn, Ngô Thành Khôi, Trần Quang Trân… đã căn cứ vào các di vật văn hóa bản địa trong văn hóa Đông Sơn, Giao Chỉ để tìm hiểu nguồn gốc con rồng Việt Nam. Chẳng hạn hình giao long trên thạp đồng Đào Thịnh, mũi giáo núi Voi, hay những con “sấu đá” ở đền bà Tấm hoặc chùa Dâu… Những di vết đó được các nhà nghiên cứu sưu tầm coi như những chứng cứ đầu tiên về con rồng Việt Nam. Một con vật hư cấu nổi tiếng không kém là thuồng luồng còn được đưa vào chính sử (như Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký toàn thư,…).1 Ngoài ra, còn có các truyền thuyết về thuồng luồng đầu thai làm hoàng tử nhà Lê hay học trò Chu Văn An hóa thuồng luồng, v.v… Đây đều là những huyền thoại về các loài vật hư cấu ít nhiều có liên quan đến đặc tính của con rồng nên chúng tôi chọn đưa vào tập hợp những linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam.
Về mặt từ nguyên, sấu/giao long/thuồng luồng là các linh vật được đề cập đến trong nhiều tư liệu và hiện vật có liên quan đến rồng.2 Tuy nhiên, trong các từ điển sinh học thì không thấy giao long và thuồng luồng, còn sấu thì có thể là cách gọi tắt tên của cá sấu (crocodile/aligator). Giao long là tên gọi Hán - Việt về các hình khắc của một loài vật tương tự cá sấu trên các hiện vật khảo cổ hoặc các di tích cổ.
1 “Thời Vua Hùng, dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa” (theo ĐVSKTT).
2 Xem thêm nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn trong thư mục tài liệu tham khảo.
Sấu đá, Đền Bà Tấm
Về mặt tạo hình, sấu và giao long có thể xếp vào làm một, còn thuồng luồng thì gắn với truyền thuyết hơn là đời thực. Tuy nhiên, khi tìm hiểu văn hóa các tộc người thiểu số thuộc nhóm Tày - Thái, chúng ta lại thấy nhiều biểu hiện của thuồng luồng trong đời sống các tộc người thiểu số này.
Chẳng hạn, trong một số lễ hội chúng ta có thể nhìn thấy vậy biểu tượng trọng tâm của nghi lễ là một con t’luông/thuồng luồng mà một học giả người Thái đã giải thích như sau: “Thuồng luồng là tổ tiên, có công chăm lo đến con người, trước hết là đem nước về cho vùng cày cấy hay phù hộ giúp đỡ con người. Nhân dân đều biết ơn thuồng luồng, coi thuồng luồng là thần linh hay tổ tiên của họ” (Hoàng Lương 2007, tr.49-55). Con vật được gọi là thuồng luồng này được tạo tác khá giống với Xà long (rồng có hình thức rắn - xem phụ lục) có thân rắn, đầu rồng. Điều này cho thấy cách giải thích của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn về nguồn gốc tên gọi của rồng có liên quan đến t’luông/thuồng luồng/rồng/long là rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Thuồng luồng trong văn hóa nhóm Tày - Thái
Nguồn: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Như vậy, sấu/giao long/thuồng luồng là những linh vật mang nhiều đặc tính bản địa và có có nhiều ảnh hưởng đến biểu hiện của con rồng Việt Nam sau này. Có lẽ cũng vì những lí do đó mà chúng được xem như nguồn gốc xa xưa nhất của con rồng Việt Nam, khác hẳn với một số linh vật “ngoại nhập” mà chúng tôi đề cập dưới đây.
Kìm
Khác với những linh vật mang tính bản địa đã nêu ở trên, kìm là con vật có tên gọi thuần Việt nhưng nguồn gốc và biểu hiện mang nhiều yếu tố ngoại nhập. Kìm là một linh vật được trang trí ở phần mái của các kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Vị trí của nó thường được đặt ở đầu nóc, bờ mái, góc mái, đầu đao… Hình thức biểu hiện là một đầu linh vật có miệng to như đang ngoạm chặt vào một cấu kiện kiến trúc (giống như một chiếc kìm đang kẹp chặt) kết cấu kiến trúc đó. Phải chăng vì thế mà nó được gọi làcon kìm(?). Con vật này hầu như không có thân (hoặc thân rất ngắn) và có đuôi giống đuôi cá, chính đặc điểm này khiến cho chúng ta có thể liên tưởng đến nguồn gốc Makara của con kìm ở Việt Nam. Đối chiếu với các linh vật họ rồng trong văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, chúng ta có thể nhận thấy hình thức biểu hiện của con kìm chính là sự mô phỏng hoặc sao chép lại xi vẫn trong văn hóa Trung Hoa và Makara trong văn hóa Ấn Độ.
Con kìm trên mái chùa Đông, phố Hàng Ngang, Hà Nội
Điểm khác biệt giữa con kìm trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam so với xi vẫn trong văn hóa Trung Hoa là ở sự linh hoạt (đôi khi là tùy tiện) ở vị trí đặt của nó. Trong chuyên mục trên chúng tôi đề cập đến xi vẫn là một “linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn. Tương truyền, li vẫn/xi vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài v.v... ngụ ý trấn hỏa, bảo vệ sự bình yên cho công trình” nên vị trí của nó là ở trên mái của công trình kiến trúc. Điều này giúp chúng ta có thể suy đoán con kìm chính là xi vẫn.
Tuy nhiên, trên các kiến trúc cổ Việt Nam như đình, chùa, đền, miếu, phủ… Chúng ta không chỉ thấy có con kìm mà còn thấy cả rồng (lưỡng long chầu nguyệt/tranh châu), nghê, hổ phù,…1 Điều đó cho thấy đặc tính dân gian hóa sâu đậm trong các kiến trúc này. Nó cho thấy một điểm đặc trưng trong văn hóa Việt Nam: Mặc dù có mô phỏng các thành tố trang trí kiến trúc Trung Hoa nhưng các nghệ nhân Việt Nam đã biến các thành tố đó thành một thành tố văn hóa mới mang đặc tính riêng của văn hóa Việt mà đặc tính dân gian là một trong những đặc điểm nổi trội. Yếu tố này sẽ được thấy rõ hơn trong phần bàn luận về con nghê.
1 Ngoại trừ Hoàng thành Thăng long có rất nhiều hiện vật có liên quan đến các linh vật này nhưng đã bị tàn phá, còn tuyệt đại đa số các kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam còn lại đến nay đều xếp lẫn các linh vật này.
Như vậy có thể xác định được rằng, con kìm chính là một linh vật họ rồng được du nhập từ văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ vào văn hóa Việt Nam. Trong quá trình giao thoa văn hóa với Trung Hoa và Ấn Độ, biểu tượng xi vẫn và Makara đã được Việt hóa thành biểu tượng con kìm trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, xi vẫn là linh vật Trung Hoa được rồng hóa từ Makara của Ấn Độ (như chúng tôi đã trình bày). Vì vậy, chúng ta có thể xếp con kìm trong văn hóa Việt Nam là một trong những hậu duệ của Makara Ấn Độ cùng với xi vẫn của Trung Hoa. Có thể coi đây là một quá trình dân gian hóa (hay Việt hóa) các biểu tượng ngoại nhập của văn hóa Việt Nam mà chúng ta sẽ được thấy rõ hơn trong các linh vật dưới đây.
Hổ phù
Trong khi sấu/giao long/thuồng luồng là những linh vật mang nhiều đặc trưng bản địa và con kìm mang nhiều đặc tính của xi vẫn ở Trung Hoa và Makara ở Ấn Độ thì biểu tượng hổ phù lại là một linh vật mang nhiều đặc tính của cả Rahu và Kertimukha trong văn hóa Ấn Độ. Hổ phù là linh vật thường được trang trí trên các vị trí chính diện của công trình kiến trúc như trán cửa, vòm cuốn, đầu hồi, đầu nóc, trụ cổng… Trong các kiến trúc cổ ở Việt Nam. Biểu tượng hổ phù biểu hiện bằng một bộ mặt của một linh vật mồm to, mắt lồi, có tay mà không có thân và chân. Chính đặc điểm hết sức độc đáo này mà chúng ta có thể nhận ra mối liên hệ của nó với Rahu hay Kertimukha trong văn hóa Ấn Độ và bệ ngạn hay hiến chương trong văn hóa Trung Hoa. Vì lí do này mà chúng tôi xếp hổ phù vào nhóm các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam.
Biểu hiện của hổ phù trong nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam khá đa dạng, chúng có thể là một “mặt rồng” kết hợp với các thành tố trang trí khác như lá cây, mây, nước, tre - trúc… Tạo nên những đồ án trang trí hết sức sinh động. Với hướng nhìn trực diện, mặt hổ phù có thể trang trí trên cửa, cổng, hay đầu hồi của kiến trúc với đầy đủ mặt và tay. Tuy nhiên, biểu tượng này cũng có thể được đặt ở những vị trí chật hẹp hơn như trụ cổng hoặc thậm chí là mặt đao.1 Ở các thành tố trang trí khác bên trong công trình kiến trúc hoặc các vật dụng trang trí khác, biểu tượng hổ phù thường được đặt chính giữa các cấu kiện.
1 Trước đây, khi nghiên cứu về đao đình, chúng tôi không thể lý giải các biểu tượng trang trí ở mặt đao là linh vật gì. Một số người gọi đó là mặt con nạ. Tuy nhiên, nếu so sánh với các linh vật họ rồng (là những biểu tượng chủ đạo trong trang trí kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam) chúng tôi đi đến một giả thuyết mới: Đây có thể là “bộ mặt vinh quang” của Kertimukha/Bệ ngạn hoặc mặt chằn/Yaksha, thậm chí là Makara hoặc Garuda… Bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ. Chúng tôi sẽ có một nghiên cứu riêng về đối tượng này trong một chuyên khảo khác.
Biểu tượng hổ phù tại đền Cổ Loa, Hà Nội
Biểu tượng hổ phù trên bức cửa võng tại lăng Gia Long, Huế
Biểu tượng hổ phù trong văn hóa Việt Nam
Vậy làm cách nào để chúng ta có thể xác định được biểu tượng hổ phù trong vô số biểu tượng linh vật nhìn chính diện? Theo chúng tôi, cách xác định rõ nhất của một biểu tượng hổ phù là “bộ mặt vinh quang” nhìn trực diện kết hợp với một đôi tay dài. Nếu có thêm thân, chân, hoặc đuôi của rồng thì đó là một biểu tượng chính diện long… Một số ý kiến cho rằng hổ phù là “mặt hổ,” nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi thì biểu tượng hổ phù trong các thành tố trang trí kiến trúc và nghệ thuật truyền thống Việt Nam không có liên quan đến con hổ hay mặt hổ mà là một linh vật họ rồng mang “bộ mặt vinh quang” của Kertimukha trong văn hóa Ấn Độ hoặc bệ ngạn trong văn hóa Trung Hoa.1 Rất có thể, tên gọi hổ phù là một dạng biến âm của Rahu hay la hầu mà thành, tương tự như kế đô trong âm Hán bắt nguồn từ sự phiên âm Ketu trong tiếng Sanskrit. Tuy nhiên, vấn đề này cần được tìm hiểu bằng một chuyên khảo riêng nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học.
1 Nếu như hổ phù có liên quan đến hổ hoặc sư tử thì nó phải là một “hậu duệ” của Simhamukha - một trong ba linh vật có nguồn gốc Ấn Độ (Rahu, Kertimukha và Simhamukha) như đã đề cập ở mục 1. Tuy nhiên, biểu tượng này ít thấy xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa hay Việt Nam và Simhamukha cũng không phải là một trong chín con của rồng.
Lân/lân mã/ long mã/ li/ nghê
Lân/lân mã/ long mã/ li/ nghê là những linh vật phổ biến trong văn hóa Việt Nam nhưng lại hết sức khó nhận dạng vì sự hình thành của chúng trong văn hóa Việt Nam cực kì phức tạp. Chính sự phức tạp đó đã dẫn đến những cách gọi tên hỗn độn cho nhóm linh vật này. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng phân biệt những điểm khác biệt của các linh vật trong nhóm để có thể nhận dạng rõ hơn cho từng loại.
Lân là con kỳ lân có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa với thành ngữ: Lân, phụng, quy, long vị chi tứ linh. “Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đời Hán, thì lân là tên gọi chung chỉ cặp đôi kỳ lân, trong đó, kỳ là con đực, và lân là con cái. Lân được coi là loài thú nhân từ, không dẫm đạp lên cỏ tươi và sinh vật sống. Nói chung lân là vật chỉ điềm lành, và cũng là con vật tưởng tượng không có thật (Kiều Thu Hoạch 2012, tr.26 - đã dẫn trong phần viết về nghê).
Lân mã là sự kết hợp lân - ngựa, còn long mã là sự kết hợp rồng - ngựa thành các linh vật hư cấu, còn li là một cách gọi khác của lân.1
Ngoài ra cũng cần tìm hiểu thêm về sự ảnh hưởng của biểu tượng sư tử trong nghệ thuật Phật giáo đến biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt Nam vì sư tử (Simhamukha) cũng là một linh vật quan trọng trong Phật giáo Ấn Độ. Biểu tượng sư tử được cho là linh vật có sức mạnh siêu việt trong văn hóa Ấn Độ nên nó đã được sử dụng khá phổ biến từ thời vua A Dục (Asoka) đặt trên đỉnh các cột kinh - thường được gọi là cột đá Asoka 2 từ giai đoạn hưng thịnh của vương triều Maurya tại Ấn Độ.
1 Trong văn hóa Phương Tây cũng có một con vật linh dạng này gọi là Unicorn, thường được dịch là kỳ lân.
2 Loại cột kinh này cũng được tìm thấy trong văn hóa Việt Nam từ giai đoạn Đinh - Tiền Lê.
Chó đá trong văn hóa Việt Nam
Nghê đá đời Lý và nghê gỗ đời Lê ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghê đất nung tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
Nghê đá tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghê gốm ở Hội An
Nghê đá tại đền Gióng, Hà Nội
Nghê đất nung tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghê gốm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghê đồng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nghê đá, chùa Kim, Nam Định
Một số dạng biểu hiện của nghê trong văn hóa Việt Nam
Có thể nói, các linh vật họ rồng là một phần không thể thiếu khi tiến hành nghiên cứu biểu tượng con rồng. Để tìm hiểu biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa châu Á, chúng ta cần phải kết nối biểu tượng này với các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam và rộng hơn là văn hóa châu Á. Thông qua nghiên cứu đối sánh này, chúng tôi xin được đưa ra một số kết luận bước đầu về quá trình hình thành con rồng và các linh vật họ rồng như sau:
- Rồng là một linh vật hư cấu được tạo bởi các huyền thoại, truyền thuyết và được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình.
- Nghệ thuật hư cấu không chỉ sáng tạo nên con rồng mà còn tạo nên các linh vật họ rồng từ các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết ở các nền văn hóa mà nó hiện hữu.
- Huyền thoại, truyền thuyết là những chất liệu giúp hình thành nên sự tưởng tượng về con rồng và các linh vật họ rồng và nghệ thuật tạo hình là yếu tố đã hoàn thiện biểu tượng rồng cũng như các linh vật họ rồng.
- Các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam đa phần là những linh vật có nguồn gốc từ văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa, được bản địa hóa thành các linh vật bản địa để phù hợp với văn hóa của người Việt.
- Các linh vật họ rồng trong văn hóa Trung Hoa (chín con của rồng) đa phần được sao chép từ văn hóa Ấn Độ và được Hán hóa thành các biểu tượng riêng của người Hán.
- Việc gọi tên các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam hiện nay còn nhiều điều bất cập do các tư liệu lịch sử của Việt Nam rất ít đề cập đến các thành tố văn hóa này.
Để có thể nghiên cứu sâu hơn về con rồng cũng như các linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam, chúng ta cần phải: Định danh đối tượng nghiên cứu (gọi đúng tên sự vật); Phân loại đối tượng nghiên cứu; Tìm hiểu nguồn gốc ra đời và hình thành mỗi biểu tượng trên một góc nhìn bao quát nhất của nền văn hóa châu Á; Đặt đối tượng nghiên cứu đúng vai trò và vị trí của nó. Từ đó mới có thể phân biệt các lớp văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam đan xen nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử như mục tiêu mà nghiên cứu này đã đặt ra. Đó cũng chính là những thao tác căn bản để chúng ta có thể phân biệt đâu là rồng, xi vẫn, toan nghê trong văn hóa Trung Hoa, đâu là Naga, Makara trong văn hóa Ấn Độ và đâu là hổ phù, kìm, nghê… trong văn hóa Việt Nam.1
1 Ngoài những linh vật kể trên còn có các linh vật khác ít nhiều liên quan đến con rồng nhưng vì chúng chưa hội đủ các yếu tố để có thể xếp vào “linh vật họ rồng” nên chúng tôi chưa đưa vào trong nội dung của nghiên cứu này như tỳ hưu, giải, li hổ… trong phần phụ lục bạn đọc có thể tham khảo thêm về các linh vật này.