Trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” của các loại hình tôn giáo tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam hiện nay, có một loại tín ngưỡng mới đang nở rộ đến mức vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người, thậm chí, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng nên đang bị nhiều kẻ gian trục lợi bất chính, đó là hiện tượng “săn linh vật cầu may.” Theo đó, “nhiều người đang đổ xô đi săn những loại hàng “độc” được cho là có khả năng trừ tà, diệt quỷ, đem lại may mắn, tiền tài như nhau mèo, lông đuôi voi, nanh cọp, vuốt cọp, nanh heo rừng... Với giá cao ngất ngưởng.”1
1 Sơn Bình (2010),“Săn linh vật cầu may” trong: http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/20100301/san-linh- vat-cau-may.aspx
Sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các linh vật đã mang đến những hệ lụy “tiền mất tật mang” với những câu chuyện khó tin. Một trong những câu chuyện điển hình là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam -BIDV) đã ban hành một công văn (232/CĐNHĐT&PT ngày 21.9.2009) yêu cầu cán bộ công nhân viên góp tiền mua linh vật thiềm thừ (Cóc ba chân) trị giá hàng trăm cây vàng.1 Vì sao một đơn vị kinh doanh lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia lại có những “niềm tin” phi lí đến mức như vậy? Có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hiện đã mua và trưng bày những linh vật tiền tỷ này? Nguồn tiền để mua các linh vật đắt đỏ đó đến từ đâu? Dòng tiền thu được (có thể tới hàng nghìn tỷ đồng) từ việc bán các linh vật này đi đâu? Có lọt lưới thuế quan hay không? Đó là những câu hỏi cần được trả lời.
1 “Theo tính toán của Ban Thường vụ Công đoàn BIDV: “Để mua được vật linh thiêng này, mỗi cán bộ CNVC-LĐ cần tham gia đóng góp kinh phí, với mức 250.000 đồng/người. Với tổng số CB-NV khoảng 13.000 người sẽ góp được ước chừng 3,2 tỉ đồng, tương đương 147 cây vàng. Ban Thường vụ Công đoàn BIDV đề nghị các đồng chí chủ tịch công đoàn cơ sở báo cáo cấp ủy, ban Giám đốc đơn vị để có sự hỗ trợ và phổ biến đến đoàn viên - lao động trong đơn vị nội dung việc làm có ý nghĩa này, tiếp nhận sự tham gia, đóng góp của đoàn viên - lao động tại công đoàn cơ sở và gửi về Công đoàn BIDV trước ngày 5.10.2009, để Ban Thường vụ Công đoàn BIDV tiến hành phối hợp cùng chuyên môn mua linh vật và lắp đặt đúng dịp khánh thành tòa tháp BIDV.” Theo Lê Nga (2009), “Chuyện lạ ở Ngân hàng BIDV: Huy động tiền tỉ mua “linh vật” trong: http://www.thanhnien.com.vn/news1/pages/200941/20091010231851.aspx
Sự thiếu quan tâm của các cơ quan chức năng cộng với sự thiếu hiểu biết của một bộ phận quan chức và người dân đã khiến cho “thị trường linh vật” cực kỳ béo bở này1 rơi vào tay những thầy “phong thủy” rởm và những kẻ “cò mồi” ranh ma hốt bạc tỷ. Để hạn chế người dân cũng như các doanh nghiệp đổ tiền cho một thứ nằm ngoài tầm hiểu biết và tầm kiểm soát như vậy, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan quản lý (như các chế tài với sư tử “lạ” gần đây2) thì việc nâng tầm nhận thức của các quan chức và người dân (đối với những gì được gọi là “linh vật”) là vô cùng cần thiết. Việc nhận thức đúng giá trị của một sản phẩm cụ thể giúp cho người dân tự đề kháng với những trò “bịp” trong một thị trường hỗn loạn và mất kiểm soát như thị trường mua bán “linh vật phong thủy” hiện nay. Khi đó, người dân và các doanh nghiệp sẽ tự bảo vệ mình và doanh nghiệp của mình trong thương trường bằng chính năng lực kinh doanh của mình mà không cần đến một linh vật cầu may nào cả. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn,” thay vì chờ hòn đất “nói năng” thì chúng ta hãy lên tiếng vì chính quyền lợi của mình. Những thứ hàng giả, hàng “nhái” mang danh linh vật phong thủy cần phải dẹp bỏ, những người tự xưng là “thầy phong thủy” cần được các cơ quan chức năng thẩm định… Từ đó, giúp cho năng lực của doanh nghiệp phát triển và trình độ của doanh nhân được nâng cao thay cho những trò may rủi trong kinh doanh.
1 D. Anh, T. Linh (2014), “Linh vật đá vàng trấn yểm nhà đại gia,” trong: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/179037/linh-vat-da- vang-tran-yem-nha-dai-gia.html
2 Văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL cảnh báo về sự xâm lăng của các yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thuật ngữ linh vật là danh từ dùng chỉ con vật được thiêng hóa trong tôn giáo tín ngưỡng mà hoàn toàn không phải là các đồ vật (object). Do đó, những gì được gọi là linh vật như “nhau mèo, lông đuôi voi, nanh cọp, vuốt cọp, nanh heo rừng...” kể trên hoàn toàn là một sự nhầm lẫn của “thầy phong thủy” hoặc một sự đánh tráo khái niệm của những kẻ “cò mồi.” Cùng với rồng, nghê, rùa, hạc… đã được đề cập đến trong những nghiên cứu trước, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu một linh vật biểu tượng có liên quan mật thiết đến các linh vật cầu may đó là tỳ hưu bên cạnh một số “linh vật phong thủy” khác.
1. Nguồn gốc, tên gọi và tín ngưỡng tỳ Hưu
Tỳ hưu là một linh vật ngoại nhập có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa được sử dụng ít nhiều ở các gia tộc giàu có trước đây và đang trở nên phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo một vài truyền thuyết trong văn hóa Trung Hoa thì tỳ hưu là một trong chín con của rồng nhưng trong một số truyền thuyết khác lại không thấy có tên tỳ hưu. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất trong việc xác định nguồn gốc của tỳ hưu (cũng như nhiều linh vật khác) qua truyền thuyết vì chúng là những sản phẩm của huyền thoại nên thông tin rất khác nhau, thậm chí có thể trái ngược nhau, đó là chưa kể đến tính hư cấu của linh vật này. Cũng giống như rồng hay kỳ lân trong văn hóa Trung Hoa, tỳ hưu là một linh vật hư cấu nên biểu hiện của nó cũng mang tính “bất nhất.” Tuy nhiên, có một đặc điểm hoàn toàn khác biệt của tỳ hưu so với tất cả các linh vật khác trong văn hóa Trung Hoa là tỳ hưu không có hậu môn. Đây chính là một đặc điểm phân loại quan trọng để chúng ta có thể phân biệt tỳ hưu với các linh vật đồng dạng như kỳ lân, nghê, sư tử,...
Tì hưu đồng, Huế
Về tên gọi tỳ hưu, theo Hán - Việt từ điển trích dẫn thì tỳ (貔 - phiên âm: pí) là một loại mãnh thú, giống như hổ, lông màu trắng tro. Còn hưu (貅 – phiên âm: xiū) là một giống mãnh thú theo truyền thuyết. Danh từ tỳ hưu 貔貅 theo Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu, là con gấu trắng (bạch hùng), một giống thú rất mạnh cho nên đời xưa gọi các dũng sĩ là tỳ hưu. Theo một số truyền thuyết thì tỳ hưu còn được gọi là hươu trời (thiên lộc) nên được coi như loại linh vật chủ về thu giữ của cải, tài lộc. Trong văn hóa Trung Hoa được chia làm hai loại: Tỳ hưu một sừng gọi là thiên lộc, và tỳ hưu hai sừng gọi là tịch tà. Thiên lộc chủ về tài lộc còn tịch tà chủ về đuổi tà trừ ma. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam thì vấn đề phân loại đực – cái hay một sừng và hai sừng cũng bị bỏ qua (tương tự như kỳ và lân) và người Việt cho tới nay chỉ dùng một tên gọi chung là tỳ hưu. Theo quan niệm của người Trung Hoa xưa, thức ăn của tỳ hưu là vàng bạc châu báu và do con vật này không có hậu môn nên nó cũng được xem như một loại “thần giữ của.”
Tín ngưỡng tỳ hưu được du nhập vào văn hóa Việt Nam ít nhiều trong giai đoạn phong kiến và chỉ thực sự bùng nổ trong giai đoạn phát triển kinh tế ở Việt Nam từ sau giai đoạn “mở cửa” - 1986. Trên thực tế, việc sử dụng các linh vật hoặc các vật phẩm trang trí khác để trưng bày là một nét văn hóa khá phổ biến và đã tồn tại lâu đời trong các nền văn hóa phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… Dĩ nhiên, việc trưng bày những vật phẩm đắt tiền thường chỉ có ở tầng lớp giàu có.
Khi nhu cầu “sắp đặt” này ngày càng cao và ngày càng nhiều thì vấn đề sắp xếp cho có tính hệ thống và hợp lý là vô cùng cần thiết. Từ đây, sự bài trí theo “phong thủy” được coi như một chuẩn mực, một tín ngưỡng riêng của tầng lớp giàu có mới nổi mà đa phần là giới trọc phú trong xã hội Việt Nam đương đại. Từ đây, biểu tượng tỳ hưu đã trở thành một linh vật phong thủy quan trọng của dạng “tín ngưỡng mới” này. Tuy nhiên, dạng tín ngưỡng này hiện đang có nguy cơ “biến thái” thành một “bệnh dịch” tràn lan tương tự như “sư tử” đã buộc cơ quan quản lý là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ra công văn chấn chỉnh tình trạng này.1
2. Một số truyền thuyết về tỳ hưu trong văn hóa Trung Hoa2
1 Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL của Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tlđd.
2 Xem: “Truyền thuyết về tỳ hưu - Con vật linh thiêng,” Do TS. Phạm Văn Long sưu tầm, trong: http://khanhhoathuynga.wordpress.com
Tương truyền, thời vua Minh Thái Tổ khi lập nghiệp gặp lúc ngân khố cạn kiệt, vua rất lo lắng. Trong giấc mơ vàng, vua thấy có con vật đầu lân mình to, chân to, lại có sừng trên đầu xuất hiện ở khu vực phía trước cung điện nuốt nhanh những thỏi vàng ròng sáng chói mang vào trong cung vua. Theo thầy phong thủy tính toán, khu vực xuất hiện con vật ấy là cung tài và đất ấy là đất linh, như vậy, theo đó giấc mơ đã ứng với việc trời đất muốn giúp nhà vua lập nghiệp lớn. Sau đó vua Minh Thái Tổ cho xây một cổng thành to trên trục Bắc Nam, đường dẫn vào Tử Cấm thành, ngay tại cung tài ấy. Con linh vật ấy có mặt giống con lân đực nhưng lại có râu, mình to, mông to như mông bò, đuôi dài, có chùm lông đuôi rậm. Con vật này không ăn thức ăn bình thường mà chỉ ăn vàng, bạc, đặc biệt nó không có hậu môn, do vậy vàng bạc nó ăn vào không bị thoát đi đâu, cho dù no căng bụng.
Sau khi có linh vật ấy, ngân khố nhà Minh ngày càng đầy. Sau đó, vua cho tạc tượng con linh vật trên bằng ngọc phỉ thúy và đặt trên lầu cao của khu “Tài môn”. Từ đấy, nhà Minh ngày càng mở rộng địa giới và trở thành triều đại giàu có. Khi nhà Mãn Thanh lên ngôi vua, họ vẫn rất tin vào sự mầu nhiệm của con vật linh kia và đặt tên cho nó là con kỳ hưu hay cũng gọi là tỳ hưu. Nhà Thanh cho tạc nhiều tượng con tỳ hưu đặt tại cung vua và hoàng hậu. Các cung công chúa, hoàng tử đều không được đặt con tỳ hưu. Các quan càng không được dùng cho nhà mình, bởi quan không được giàu hơn vua. Thời ấy, ai dùng thứ gì giống vua dùng là phạm thượng. Nhưng với sự linh nghiệm của con vật này khiến các quan lại lén lút tạc tượng con tỳ hưu đặt trong phòng kín, ngay cung tài nhà mình để “dẫn tiền vào nhà”. Muốn tạc tượng phải gọi thợ điêu khắc và thế là thợ điêu khắc cũng tự tạc cho mình một con để trong buồng kín, cầu tài. Cứ thế, các đời sau, con, cháu thợ khắc ngọc cũng biết sự linh nghiệm ấy mà tạc tượng tỳ hưu để trong nhà, cầu may. Tại sao tỳ hưu tạc bằng các loại đá quý tự nhiên thì mới linh? Người Trung Quốc quan niệm rằng chữ Vương có một dấu chấm (.) thành chữ Ngọc, nghĩa là ai dùng ngọc là người vương giả, giàu sang. Do vậy phải tạc bằng ngọc quý thì mới linh nghiệm mà ngọc tự nhiên thì mới quý.
Chuyện tỳ hưu với Hoà Thân
Thiếu thời nhà Hòa Thân rất nghèo, nghèo đến nỗi không có đủ 10 lượng bạc nộp cho quan để xin nhận lại chức quan nhỏ của cha truyền lại. Nhờ ông Liêm (sau này là cha vợ) cho 10 lạng bạc mà Hòa Thân có cơ hội bước vào quan trường. Thời vua Càn Long, Hòa Thân là nhân vật “dưới một người trên triệu triệu người”. Ngân khố nhà vua ngày càng vơi mà nhà Hòa Thân ngày càng giàu với câu nói nổi tiếng “những gì nhà vua có thì Hoà Thân có, còn những gì Hòa Thân có thì vua chưa chắc đã có.” Đến khi Hòa Thân bị giết, quan quân đã tá hỏa khi thấy tài sản Hòa Thân bị tịch thu nhiều gấp 10 lần ngân khố nhà vua đang có.
Hòa Thân có 2 vật trấn trạch được cất giấu trong hòn giả sơn trước nhà, đó là con tỳ hưu và chữ Phúc do chính vua Khang Hy viết tặng bà nội, nhân ngày mừng thượng thọ. Khi đập vỡ hòn giả sơn, các quan mới phát hiện trong núi đá ấy có con tỳ hưu, mà con tỳ hưu của Hòa Thân to hơn tỳ hưu của vua. Ngọc để tạc con tỳ hưu của Hòa Thân là ngọc phỉ thúy xanh lý mát rượi, trong khi vua chỉ dám tạc bằng bạch ngọc. Bụng và mông con tỳ hưu của Hòa Thân to hơn bụng, mông con tỳ hưu của vua và như thế khiến Hòa Thân nhiều vàng bạc hơn vua. Sau khi tịch thu con tỳ hưu, nhà vua không thể tịch thu chữ “Phúc” kia được bởi chữ Phúc đã được gắn chết vào đá hồng ngọc; nếu đập đá ra lấy chữ thì đá sẽ vỡ, như thế thì phúc tan. Mà chữ thì do vua Khang Hy viết nên không ai dám phạm thượng. Thế là đành để “Phúc” lại cho nhà Hòa Thân, có lẽ vì thế nên dù phạm nhiều tội tày đình nhưng Hòa Thân chỉ chết một mình, thay vì phải bị tru di tam tộc.
Chuyện tỳ hưu với nhà Thanh
Trước khi quân đội nhà Thanh nhập quan ải tiến chiếm giang sơn Đại Minh (hồi đó còn là Mãn Châu - tộc Nữ Chân dòng Đại Kim) đã nghiên cứu rất kĩ về văn hóa, phong thủy, biết rằng nhà Đại Minh long mạch đế vương còn thịnh lắm, nếu không phá được phong thủy của Bắc Kinh thì không thể nào chiếm chọn Trung Nguyên được, mà có chiếm được cũng không thể giữ được vì Trung Nguyên rộng lớn, Mãn Châu sẽ nhanh chóng bị nuốt chửng và bị đồng hóa. Trong truyền thuyết, Lưu Bá Ôn đã từng để lại lời dặn cho nhà Minh rằng muốn Đại Minh trường tồn thì phải giữ gìn đặt con tỳ hưu trên lầu thành Đức Thắng Môn, mặt ngoảnh về phía Vạn Lý trường thành để trấn áp dân Hung Nô, dân Nữ Chân. Chừng nào mặt tỳ hưu còn ngoảnh về phương ấy thì Đại Minh còn.
Mãn Châu biết được truyền thuyết ấy, biết được Sùng Chinh rất tin tưởng vào con tỳ hưu này, nên nghĩ ra 1 kế, cho 1 đại sư về phong thủy của mình, lập kế chiếm được lòng tin tưởng của Sùng Chinh, sau đó mới xui Sùng Chinh xoay lại con tỳ hưu vào, hướng về nội đô. Vận khí nhà Minh đã hết, Sùng Chinh đã nghe lời xui khiến, và giặc giã nổi lên khắp nơi, đầu tiên là Sấm Vương Lý Tự Thành (cũng là 1 anh hùng áo vải), và sau đó là sự cố Ngô Tam Quế mở ải Sơn Hải Quan, dẫn quân Thanh nhập quan ải. Nhà Minh tuyệt diệt, Sùng Chinh phải tự tay chém Trường Bình công chúa rồi treo cổ tự vẫn.
3. Phân loại tỳ hưu ở Việt Nam
Ngoài cách phân loại tỳ hưu đơn giản giữa đực và cái trong văn hóa Trung Hoa, thì với những gì đang diễn ra ở Việt Nam, chúng ta cần có những cách phân loại khác để có thể nhận thức rõ hơn thực chất của tỳ hưu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng cũng như trong đời sống kinh tế xã hội của người Việt. Từ đó có những nhận thức đúng đắn về các linh vật phong thủy nói chung và tỳ hưu nói riêng. Trong chuyên mục này, chúng tôi sẽ đưa ra một số cách thức phân loại biểu tượng tỳ hưu trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu dựa trên công năng và chất liệu.
Phân loại theo mục đích sử dụng
Đồ lưu niệm. Đây là một trong những mục đích sử dụng phổ biến nhất của người dùng. Người mua chỉ mua một vài vật phẩm nhỏ để lưu niệm với số tiền không lớn. Loại sản phẩm này giúp người bán lẻ ở các khu du lịch, các làng nghề phát triển và đóng góp chung vào sự phát triển của một xã hội. Các quốc gia phát triển về du lịch như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… Rất mạnh về dòng sản phẩm này, thậm chí Trung Quốc không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đồ trang trí. Với mục đích làm vật phẩm trang trí trong gia đình, trong văn phòng… người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này như những đồ vật để trang trí. Với tính chất như vậy, người mua thường chọn các sản phẩm đẹp và không quá đắt tiền. Sản phẩm này cũng giúp cho các làng nghề đá mỹ nghệ phát triển, đặc biệt là phát triển về tay nghề tạo tác. Đây chính là lợi thế của các sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam so với các nước khác.
Đồ phong thủy. Sử dụng tỳ hưu như một loại vật phẩm phong thủy là một dạng tín ngưỡng du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày, tỳ hưu nói riêng hay các linh vật nói chung gắn với tín ngưỡng thờ động vật hơn là thuật phong thủy. Như chúng ta đã biết, thuật phong thủy (風 水) là một trường phái nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống của con người bắt nguồn từ Trung Hoa. Thuật này chủ yếu đề cập đến các yếu tố tự nhiên như địa thế, hình thái núi sông… Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu gốc nào về phong thủy đề cập đến các con vật. Có thể đây là một cách “đánh tráo” từ ngữ hoặc khái niệm của một số doanh nhân Trung Quốc để bán hàng của họ với giá cao hơn, thậm chí cao gấp hàng trăm hàng nghìn lần giá trị thực. Những yếu tố được gọi là “tâm linh” hay phong thủy ở đây hoàn toàn mơ hồ và không có căn cứ khoa học.
Phân loại theo “đẳng cấp” người dùng
Ngoài cách phân loại theo mục đích sử dụng đã đề cập ở trên, chúng ta cũng có thể phân loại các vật phẩm phong thủy và tỳ hưu theo “đẳng cấp” của người dùng trong xã hội từ đồ bình dân, đồ “thửa”, đồ “độc”, đồ “cực độc” đến đồ “siêu độc.” Trên thực tế, cái gọi là “đẳng cấp” ở đây không thể hiện trí tuệ, trình độ nhận thức hay tầng lớp xã hội (như sĩ-nông-công- thương-binh) mà chỉ thể hiện mức độ “chịu chơi” của một số người chơi tỳ hưu mà thôi. Mặc dù vậy, người chơi có “đẳng cấp” cao đôi khi vẫn rước về những món hàng “siêu độc” với giá “siêu đắt” nhưng là hàng giả với kỹ nghệ làm giả “siêu phàm” của Trung Quốc. Chúng tôi gọi kĩ thuật làm giả của người Trung Quốc là “siêu phàm” vì nhiều sản phẩm trong số đó không chỉ lừa được mắt thường của các chuyên gia mà thậm chí còn “qua mắt” được cả các loại máy móc tối tân như máy chụp cắt lớp theo không gian ba chiều (3D) hiện nay.1
1 Bạn đọc có thể xem thêm một số chương trình giới thiệu về hàng giả “siêu phàm” của Trung Quốc bằng cách gõ từ khóa (googling) “faking China” của một số nhà báo và học giả Phương Tây nghiên cứu về vấn đề này.
Phân loại theo chất liệu sử dụng
Một cách phân loại thông dụng nữa có thể áp dụng đối với tỳ hưu là cách phân loại theo chất liệu sử dụng. Mặc dù tỳ hưu có thể được chế tác từ nhiều loại chất liệu khác nhau, nhưng có ba chất liệu phổ biến nhất để tạo tác linh vật này là đá, kim loại và ngọc.
Đá. Đá là một trong những chất liệu phổ biến nhất trong tạo tác các sản phẩm nghệ thuật tạo hình từ xưa đến nay. Từ những kiệt tác kiến trúc đá khổng lồ như Kim tự tháp ở Ai Cập, Stonehenge ở Anh đến các pho tượng đá trên đền đài ở Ấn Độ, Angkor… có thể nói, đá là một trong những vật liệu quan trọng nhất đối với đời sống của con người. Với tỳ hưu, đá thường được dùng để tạc những vật phẩm cỡ to đặt ngoài trời. Những loại đá mỹ nghệ đẹp hơn thường để tạc các vật phẩm đặt trong nhà, trong khi đá đúc (là một hỗn hợp bột đá nghiền trộn với phụ gia) là loại nguyên liệu rẻ tiền nhưng lại dễ “lừa” những người không biết. Nhìn bề ngoài đá đúc mịn màng và được tạo vân màu đẹp hơn đá tự nhiên nhưng mềm và tự phân hủy trong môi trường muối, a-xít…
Kim loại. Mặc dù tỳ hưu ít được chế tác bằng kim loại (so với đá và ngọc) nhưng cũng có khá nhiều người “chơi” tỳ hưu chọn loại chất liệu này. Có lẽ đây là cách “chơi” của những người khôn ngoan trong một thị trường hỗn loạn và mất kiểm soát như hiện nay. Người sử dụng có thể dùng vàng, bạc hay đồng tùy thuộc vào túi tiền của mình để thỏa mãn nhu cầu sử dụng. Lợi thế của kim loại là chúng không bị mất giá và khó làm giả. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là một loại kim loại tổng hợp được gọi là “mĩ kí” trông khá bắt mắt nhưng vô cùng độc hại (vì thường được nhuộm Cadimi) ồ ạt nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc trong những năm qua. Loại sản phẩm này không chỉ có tỳ hưu và linh vật mà còn có nhiều vòng đeo cổ, đeo tay, nhẫn, kẹp tóc… giá cực rẻ và bán tràn lan từ chợ quê đến cửa hàng trên phố. Những vật này không những không mang đến bất cứ một may mắn nào cho gia chủ mà còn mang đến tai họa: Nhiễm độc kim loại nặng, thậm chí gây bệnh ung thư! 1
1 Xem thêm: “Nữ trang Trung Quốc độc hại tái xuất” trong http://hoachatdetnhuom.net/tin-tuc/nu-trang-trung-quoc-doc- hai-tai-xuat/
Ngọc (玉). Theo quan niệm của người Trung Hoa, nói đến ngọc là nói đến sự quý giá vô song và vật gì quý giá cũng được gọi là quý như ngọc. Nhưng ngọc là gì? Theo chuyên trang Ruby Lục Yên (http://www.rubylucyen.vn) thì ngọc “đã xuất hiện hàng ngàn năm nay tại Việt Nam trong ngôn ngữ thường nhật và cả trong văn chương thi phú. Tuy nhiên vào những năm đầu của thập kỷ 1980 về sau thì trên thị trường Việt Nam “ngọc” được gọi phổ biến là “đá quí” (precious stone) hoặc “đá bán quý” (semi- precious stone). Lúc đầu từ “ngọc” để chỉ tất cả các loại vật liệu cứng rắn gặp thấy trong tự nhiên có màu sắc đẹp đẽ bắt mắt được con người đem về làm đồ trang sức, trang trí cho mình và cộng đồng. Vì thế, “ngọc” bao gồm các loại khoáng vật (mineral), tinh thể đá (crystal), nham thạch (rock) hay các vật liệu tự nhiên khác (natural material) có nguồn gốc vô cơ hay hữu cơ trong thiên nhiên. Ngày nay, do tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì ngọc còn có nguồn gốc nhân tạo do con người làm ra hoặc ngọc có nguồn gốc từ vũ trụ.” Như vậy, có thể thấy danh từ ngọc trong nghĩa Hán - Việt chỉ là một loại đá mà thôi! Tuy nhiên, yếu tố để phân biệt giữa ngọc và đá là sự khác biệt về vẻ đẹp và độ cứng của chúng.
Trước khi nền văn minh phương Tây du nhập vào Trung Hoa và Việt Nam, việc phân loại ngọc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của các chuyên gia mà hầu như không có thiết bị khoa học hiện đại nào hỗ trợ. Cách làm này đã khiến cho ngọc được huyền thoại hóa thành những báu vật có thể tự phát sáng, có khả năng chữa bệnh, trường sinh bất lão, trừ tà, thậm chí, có thể dùng để điều khiển thiên nhiên và con người… những câu chuyện hay truyền thuyết này đã được người Trung Hoa “thổi” lên thành những huyền thoại về ngọc. Dựa vào đó, những kẻ “cò mồi” và thầy phong thủy “rởm” ở Việt Nam hiện nay lại tiếp tục thổi lên nữa thành những “định nghĩa” như “vàng có thể mất giá nhưng ngọc chỉ lên giá” hay “vàng có giá còn ngọc thì vô giá”…
Đặc biệt, gần đây người ta luôn nhắc đến “ngọc phỉ thúy” với những công dụng “siêu nhiên” của nó với giá đắt khủng khiếp. Sự đắt đỏ đó là do loại ngọc này thường nằm ở trung tâm của các khối ngọc lớn, tức lõi ngọc và có thể tích rất nhỏ. “Những món đồ bằng phỉ thúy rất bé, thường được làm đồ trang sức như hạt xoàn, mặt nhẫn... chứ chưa từng được thấy những khối phỉ thúy lớn.”1 Vậy nguồn gốc của vô số con tỳ hưu ngọc phỉ thúy ở Việt Nam với kích thước lớn từ đâu ra? Điều này có thể phân loại theo khoa học, và việc phân loại này đã được các nhà khoa học phương Tây sử dụng từ lâu, đó là thang phân loại đá quý Mohs.2. Thế nhưng ở Việt Nam, những người chơi tỳ hưu dường như đã “quên” mất công cụ quan trọng này và dường như họ cũng “quên” rằng việc thẩm định đá quý phải do các chuyên gia địa chất - khoáng sản thẩm định chứ không phải do “thầy phong thủy” hay kẻ cò mồi(!). Thiết nghĩ, việc phân loại theo khoa học và thẩm định bởi chuyên gia cần được làm càng sớm càng tốt để lập lại trật tự cho thị trường sôi động này.
1 Hoàng Phương (2012), “Sự thực về ngọc phỉ thúy,” trong http://giadinh.net.vn/xa-hoi/su-thuc-ve-ngoc-phi-thuy-20120210081742739.htm
2 Thang đo độ cứng và cũng là đo giá trị của đá quý do nhà khoáng vật học người Đức Friedrich Mohs đưa ra vào năm 1812. Hiện nay các chuyên gia về địa chất, khoáng sản ở Việt Nam đều sử dụng thang đo này.
4. Tỳ hưu trong xã hội Việt Nam đương đại
Chúng ta hãy xem qua một đoạn quảng cáo trên một trang mạng chuyên bán tỳ hưu (trong hàng trăm hàng nghìn trang tương tự) ở Việt Nam có tên http://www.phongthuydongphuong.com/ dưới đây: “Hệ thống Cửa hàng Vật-Phẩm-Phong-Thủy xin gửi đến bạn đọc hình ảnh, thông số, bảng giá của 8 cặp Tỳ-Hưu Ngọc-Phỉ-Thúy tuyệt đẹp và giá trị bậc nhất vừa về đến Việt Nam, có giá dao động từ vài chục triệu đến hơn 1.5 tỷ đồng một cặp. Hiện tất cả đang được trưng bày tại...” Nếu thử gõ từ khóa “bán tỳ hưu” trên trang google.com.vn chúng ta sẽ thu được gần 600.000 kết quả. Nếu gõ “tỳ hưu” thì sẽ thu được trên 1.000.000 kết quả. Hầu hết đều là các trang bán tỳ hưu qua mạng, mỗi trang bán hàng này có hàng trăm sản phẩm mẫu (chưa kể đến hàng trong kho và hàng đặt). Như vậy, số lượng các vật phẩm có liên quan đến tỳ hưu được bán qua mạng có thể lên tới hàng triệu sản phẩm.
Rõ ràng, đang có một dòng tiền rất lớn đổ vào loại “vật phẩm phong thủy” này (linh vật thiềm thừ của BIDV chỉ là một ví dụ) mà giá trị của nó lại chưa được thẩm định. Theo cảnh báo của các nhà chuyên môn thì “Các loại đá nhân tạo có giá cực kì rẻ. Nếu bạn đặt mua mặt dây chuyền thì 90% giá trị ở công người chế tạo ra mẫu đó, công thợ bạc, thợ inox làm khoen và tạo kiểu và lượng kim loại làm nên viên đá. Một viên đá nhân tạo đẹp lung linh đủ màu sắc chỉ có giá từ 20 nghìn đến 100 nghìn đồng.”1 Trong khi mỗi mặt đá “thật” có giá hàng chục đến hàng trăm triệu. Có nghĩa là nếu “lừa” được một sản phẩm “giả” thì người bán có thể lãi gấp hàng trăm thậm chí đến hàng nghìn lần. Với lãi suất này những kẻ buôn ma túy cũng chỉ biết nằm mơ.
1 Hoàng Phương (2012), “Sự thực về ngọc phỉ thúy,” trong http://giadinh.net.vn/xa-hoi/su-thuc-ve-ngoc-phi-thuy-20120210081742739.htm
Với một vấn đề lớn như vậy nhưng việc thẩm định các loại tỳ hưu bằng “ngọc” này hiện nay ở Việt Nam chưa hề có một cơ quan chuyên trách nào của Tổng cục Thuế hoặc Bộ Công an đứng ra quản lý. Vì vậy, người mua, thầy phong thủy, cò mồi… cứ làm việc trực tiếp với nhau. Với một dòng sản phẩm có giá trị cao và lượng giao dịch lớn như vậy mà không được kiểm soát, các cơ quan quản lý thuế Việt Nam dường như đã thất thu một khoản lớn. Ngoài ví dụ của BIDV, chúng ta còn có thể thấy rất nhiều trụ sở của các doanh nghiệp, nhiều tư gia của các quan chức và những người giàu có đều trưng bày ít nhiều các loại vật phẩm phong thủy.
Như vậy, có thể thấy số tiền mà các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân bỏ ra để mua linh vật này là một con số khổng lồ. Vậy xuất xứ các sản phẩm này đến từ đâu? Xin thưa rằng, tuyệt đại đa số đều đến từ Trung Quốc! Với hàng triệu sản phẩm, với khối lượng hàng “tấn” ngọc xuất sang Việt Nam hàng ngày, hàng tuần - không hiểu mỏ ngọc nào ở Trung Quốc có thể cung cấp một số lượng ngọc quý lớn đến vậy? Hay nó cũng giống như cao hổ Trung Quốc từng xuất khẩu hàng chục tấn mỗi năm, và để có được sản lượng “mỗi năm” đó thì phải tiêu diệt toàn bộ số lượng cá thể hổ trên thế giới không đủ!
Tì hưu gốm Bát Tràng, Hà Nội.
Vì sao một thú chơi lành mạnh, một tín ngưỡng phổ biến lại có thể biến thành một “bệnh dịch” và tiêu tốn một lượng tiền khổng lồ trong xã hội Việt Nam như vậy? Vấn đề này có liên quan đến một giai đoạn hết sức đặc thù của xã hội Việt Nam sau giai đoạn “mở cửa,” đặc biệt, trong xã hội hiện nay khi mà tính thực dụng, sự trục lợi và cách làm ăn may - rủi (có nguồn gốc của nghề cờ bạc) đang dần trở thành một hiện tượng “bình thường.” Một khi tính thực dụng, mục đích trục lợi và tư tưởng cầu may trở nên một đặc tính mang tính “phổ quát” của xã hội thì người ta không chỉ áp dụng đối với con người mà còn với cả thần linh. Sự “cầu tài, cầu lộc, cầu may” thái quá và mù quáng hiện nay chính là một bệnh dịch của xã hội, một sự biểu hiện của một xã hội suy đồi về đạo đức và thấp kém về tri thức.
Nếu tin vào những thông tin “tỳ hưu được xem như con vật chiêu tài tiến bảo cát tường có 26 loại tạo dáng, bảy bảy bốn mươi chín hoá thân, miệng lớn mông to, không có hậu môn, chỉ ăn không ỉa, tượng trưng hút tiền tài khắp nơi, tiền chỉ có vào không có ra, đồng thời có thể trấn trạch tịch tà, giúp chủ nhân giữ chắc tiền trong tay”1 thì chắc chắn rằng chúng ta đã bị lừa. Vì rõ ràng những gì mà linh vật này mang lại đều căn cứ vào các huyền thoại, truyền thuyết. Đó là những “câu chuyện huyền hoặc, kì lạ, hoàn toàn do tưởng tượng” và “có tính chất huyền hoặc, hoang đường” như định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt. 2 Những kẻ trục lợi từ sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân đã thu được những khoản tiền khổng lồ từ việc bán những thứ “hoang đường” này hơn là giá trị thực của vật phẩm. Còn những người mua linh vật phong thủy này cũng đã có khối kẻ táng gia bại sản và dính vòng lao lí mà ví dụ về “đại gia” Diệu Hiền3 chỉ là một trường hợp.
1 Xem: “Truyền thuyết về tỳ hưu” Bđd.
2 Hoàng Phê, sđd, tr.454 và 1018.
3 Đây là một vị “đại gia” nổi tiếng với việc tổ chức đám cưới “siêu sang” cho con bằng dàn “siêu xe” và “trấn yểm” trong biệt thự của mình bằng một dàn “siêu” linh vật nhưng nợ hàng nghìn tỷ đồng và dính vòng lao lý. Xem thêm: http://www.nguoiduatin.vn/tag/Di%E1%BB%87u- Hi%E1%BB%81n
5. Hệ lụy xã hội từ những “linh vật cầu may”
Khác với thú chơi tao nhã đối với bonsai (tạo dáng-thế cây cảnh), hay non bộ (tạo dáng đá cảnh)… việc sử dụng tỳ hưu phong thủy hiện nay không chỉ là một thú chơi, một sở thích cá nhân mà còn là một hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu khảo sát trên các khía cạnh văn hóa tín ngưỡng cũng như kinh tế xã hội. Ở mức độ thông thường, việc sử dụng tỳ hưu không gây ảnh hưởng lớn đến xã hội vì đây là một thú chơi, một sở thích cá nhân của người chơi. Nhưng khi vật phẩm này được lồng thêm yếu tố tín ngưỡng thì nó trở thành một linh vật (theo quan niệm của người sử dụng). Và khi tỳ hưu được các thầy phong thủy “rởm” và những kẻ cò mồi thổi lên thành những “siêu phẩm” có giá “siêu khủng” thì vô hình trung tỳ hưu đã biến thành một loại “hàng nóng” trong xã hội. Vấn đề này cần được các chuyên gia về đá quý thẩm định và các cơ quan quản lý kiểm soát.1
1 Thực ra việc này hoàn toàn khả thi với các nhà chuyên môn. Thậm chí, cá nhân tác giả đã tự thẩm định một sản phẩm được gọi là ngọc với màu sắc lung linh và sáng bóng bằng cách nhúng một phần viên ngọc vào vại nước cà. Kết quả là sau một tuần, phần bị ăn mòn lộ nguyên hình là một viên “ngọc” được đúc bằng bột đá. Rõ ràng một viên ngọc ruby trị giá 200 triệu đồng, một viên đá mỹ nghệ 200 nghìn đồng và một viên đá đúc 20 nghìn đồng có thể có kích thước bằng nhau nhưng hoàn toàn khác nhau về chất liệu và giá trị.
Với những linh vật cầu may thuộc loại “siêu độc” bằng ngọc phỉ thúy trị giá tiền tỷ theo quảng cáo đã nêu ở trên thì việc thẩm định chất liệu là một công việc không thể không làm. Vấn đề này không chỉ là để thẩm định giá trị thực sự của món hàng (giúp nhà nước thu thuế) mà còn là để tránh sự lừa đảo trên diện rộng (nếu có) của những kẻ gian lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi. Việc này không quá khó với cơ quan an ninh, họ chỉ cần lần theo địa chỉ của hàng ngàn trang bán hàng qua mạng để điều tra. Đặc biệt, với những vật phẩm đắt tiền, cơ quan an ninh sẽ phối hợp với các chuyên gia địa chất - khoáng sản để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Khi đã kiểm soát được các vấn đề nêu trên, các cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý chất lượng hàng, dòng tiền, thu thuế… người dân sẽ không bị lòe bịp và nhà nước sẽ có thêm một nguồn thu lớn.
Trong khi nạn “chảy máu cổ vật” đang nhức nhối mà vẫn chưa có cách nào “cầm máu,” nạn phá hoại di tích vẫn đang diễn ra thường xuyên mà chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh thì việc tiêu tốn một số tiền lớn cho một loại sản phẩm phi thẩm định như tỳ hưu và các linh vật phong thủy hiện nay là một sự phá hoại đối với nền kinh tế “ốm yếu, quặt quẹo” của Việt Nam.1 Ví thử số tiền nhiều tỷ đồng để mua linh vật cầu may như cóc ba chân, tỳ hưu phong thủy,… Nói trên được dùng vào mục đích kinh doanh, khuyến khích cá nhân và doanh nghiệp trong nước phát triển thì Việt Nam không đến nỗi phải nhập siêu tới gần 30 tỷ USD năm 20132 - và nhập tới cả chiếc tăm xỉa răng!
Với “vấn nạn sư tử ngoại lai” chúng ta dường như chỉ bị xâm lăng văn hóa3 nhưng chưa đến mức bị “tiêu diệt” về kinh tế. Nhưng với những gì mà các linh vật phong thủy như tỳ hưu, đặc biệt là tỳ hưu ngọc phỉ thúy, đã mang đến cho Việt Nam thì những linh vật này có sức “hủy diệt” lớn hơn nhiều. Chúng không chỉ tác động về mặt văn hóa và tri thức mà còn góp phần tàn phá nền kinh tế nội địa “èo uột” của Việt Nam.
1 Theo thông tin chính thức của các cơ quan truyền thông nhà nước thì hiện nay số nợ công của Việt Nam đã lên tới 83 tỷ USD.
2 Hương Loan (2013), Nhập siêu từ Trung Quốc tăng mạnh, trong http://vneconomy.vn/thi-truong/nhap-sieu-tu-trung-quoc-tang- manh-20131028114430890.htm
3 Đinh Hồng Hải (2014), Xâm lăng văn hóa, trong http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140818/xam-lang-van- hoa.aspx
Tì hưu phong thủy rao bán trên mạng
Nguồn: http://ngoctyhuu.com
Cùng với việc lấy đi những số tiền lớn của các cá nhân và doanh nghiệp, tỳ hưu cùng các linh vật cầu may, linh vật phong thủy… Đã gián tiếp hủy diệt niềm tin của người dân đối với những cơ quan đang nắm trong tay tiềm lực kinh tế của đất nước như BIDV. Bởi khách hàng của BIDV có thể nghĩ rằng, ngân hàng mà họ đang ký gửi tiền còn phải trông chờ vào việc “ăn may” như những “canh bạc” (nhờ cóc vàng ba chân) thì khoản tiền gửi của họ sẽ khó mà được bảo toàn.
Như vậy, cùng với nguy cơ xâm lăng văn hóa đã diễn ra và cuộc xâm lăng kinh tế đã được định hình bởi “nhập siêu” thì những linh vật ngoại lai hiện nay đã lộ nguyên hình là những chú ngựa gỗ thành Tơ-roa (Troy) đang “trấn yểm” nhiều cơ quan và doanh nghiệp đầu não về kinh tế và văn hóa của Việt Nam. Cái mà chúng mang đến Việt Nam là niềm tin vào sự may rủi trong kinh doanh và làm mất niềm tin vào ngân hàng, doanh nghiệp… Còn cái mà chúng mang đi là những khoản tiền lớn.
Hệ lụy này góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam trượt xuống bờ vực của chiếc “bẫy thu nhập trung bình” và dẫn nền kinh tế Việt Nam đi đến chỗ lệ thuộc. Rõ ràng, nếu nhìn dưới góc độ của một vật trang trí thì tỳ hưu hoàn toàn vô hại nhưng nếu nhìn dưới góc độ xã hội, và đặc biệt là kinh tế, thì tỳ hưu là một “sát thủ” đáng gờm. “Sát thủ” này thâm thúy hơn nhiều so với những con sư tử đá mà truyền thông đã đề cập trong thời gian vừa qua.
***
Có thể nói, tỳ hưu là một trong những linh vật cầu may, linh vật phong thủy được sử dụng nhiều trong xã hội Việt Nam hiện nay nhưng những hiểu biết của chúng ta về linh vật này (đúng hơn là những bức tượng con vật này) còn quá sơ sài. Xét về góc độ văn hóa, tỳ hưu là một linh vật mang tính hư cấu, ra đời từ các truyền thuyết với vô số huyền thoại gắn với thần thánh hay linh vật có chức năng giữ của. Xét về góc độ nghệ thuật tạo hình thì tỳ hưu là một linh vật được tạo dáng đẹp, có nhiều nét đặc trưng. Có lẽ vì những nét đặc trưng này mà trong văn hóa Trung Hoa cũng như trong văn hóa Việt Nam, tỳ hưu được sử dụng như một vật phẩm trang trí sang trọng, biểu hiện cho sự quyền quý, cao sang của những người giàu có.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ của một hiện tượng xã hội và kinh tế thì linh vật trang trí này lại đang được sử dụng để trục lợi từ chính sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Việc tìm hiểu về nguồn gốc cùng những huyền thoại về tỳ hưu giúp chúng ta hiểu sâu thêm về một linh vật hư cấu nổi tiếng tồn tại trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hiểu thêm về bản chất và sự thực của những huyền thoại này để tránh những sai lầm đáng tiếc. Hiện tượng “săn linh vật cầu may” như tỳ hưu hay các linh vật phong thủy hiện nay là một hiện tượng xã hội cho thấy sự “mê muội” của một bộ phận quan chức và người dân nắm trong tay nhiều tiền của nhưng lại thiếu những kiến thức văn hóa tối thiểu về đối tượng được họ sử dụng.
Bên cạnh sự tự nhận thức của người dùng đối với các linh vật này thì sự định hướng, thẩm định, giám sát… Từ các cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp cho người dân tránh “mất tiền oan” mà còn có thể giúp cho các doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung tránh được “trận đồ bát quái” mà những chú ngựa gỗ thành Tơ-roa dưới vỏ bọc linh vật phong thủy đang “trấn yểm” ở nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ quan, văn phòng.