Trong thực tại, chúng ta thật yếu đuối.
Vì thế mà những người hùng trong chuyện cổ tích lại rất mạnh mẽ và không thể đánh bại
Một điều đã được chỉ ra là: Tâm lí học trong những câu chuyện cổ tích, như được diễn giải bằng phân tâm học từ góc độ nguồn cội và hệ biểu tượng, có một mối quan hệ thân mật gần gũi với thế giới của những giấc mơ. Tạm thời chưa nói đến ý nghĩa thực sự ở bề mặt, thì chuyện cổ tích – cũng giống như giấc mơ – là một sản phẩm (i) được biểu tượng hóa và (ii) có nguồn gốc từ rất sâu nơi thế giới tinh thần của con người. Ở mỗi câu chuyện cổ tích, “Chúng ta di chuyển trong một thế giới đầy các hoạt động siêu nhiên, phù thủy và ma quỷ, các hành động anh hùng và được phóng đại, thậm chí đôi khi có cả giết người vô cảm – một cơ chế giống hệt mơ.”84
84 Isador H. Coriat, The Hysteria of Lady Macbeth (Chứng cuồng loạn của quý bà Macbeth), Phiên bản thứ hai, 1920.
CỔ TÍCH – NGUYỆN ƯỚC BUỔI BAN SƠ, QUYỀN NĂNG THƯỞ ẤU THƠ
Trong các câu chuyện cổ tích – giống như trong thế giới của các giấc mơ – xuất hiện dưới dạng biểu tượng hóa (vì hệ biểu tượng là ngôn ngữ thực sự của vô thức) các ý niệm và hành động chỉ được tìm thấy duy nhất ở thời thơ ấu của cá nhân, hay trong giai đoạn còn rất non trẻ của các chủng tộc. Như Freud nói:
“Hãy lấy chuyện thần thoại làm ví dụ, chúng là những mảnh vỡ còn sót lại của những ảo tưởng, nguyện ước của tất cả các dân tộc, là những giấc mơ buổi ban sơ của cả nhân loại.”
Chính vì lí do này mà trẻ em say mê chuyện cổ tích, chúng thấy ở đó cái thế giới những ý niệm và mong muốn của chúng. Người lớn cũng cảm thấy vui khi đọc chuyện cổ tích, vì trong vô thức họ được quay trở lại thời tuổi thơ vàng son.
Với những đứa trẻ, mong muốn của chúng được cha mẹ, bảo mẫu hay những người thân yêu thỏa mãn ngay lập tức dựa trên những hành vi, biểu hiện hay cử chỉ bắt chước của nó. Đứa trẻ sống trong thế giới hạnh phúc đó với quyền năng tuyệt đối. Thế giới đó hình thành nền tảng và cấu trúc ước nguyện của mọi câu chuyện cổ tích. Đứa trẻ thực sự nghĩ rằng mình sở hữu khả năng vô biên có thể làm cho mọi ước nguyện được thỏa mãn, rằng nó không chỉ sở hữu các ý niệm và lời nói thần thông, mà còn cả những hành động màu nhiệm. Khi đứa trẻ lớn hơn và tiếp xúc trực tiếp hơn với thực tại người lớn và thế giới quanh nó, cảm giác quyền lực tuyệt đối này bị nén trong vô thức, chỉ xuất hiện trở lại dưới dạng biểu tượng hóa trong các giấc mơ, hay trong cấu trúc nghệ thuật của những câu chuyện cổ tích.
Mọi chuyện cổ tích đều phác họa những nỗ lực khác nhau của tâm trí người lớn để trở nên hòa hợp với các mong muốn được thỏa mãn ngay lập tức và phi lí của thời thơ ấu. Do vậy chủ đề chính của mọi câu chuyện cổ tích đều liên quan đến những cảm xúc thơ ấu về quyền năng tuyệt đối. Ở mọi câu chuyện cổ tích, động lực ước nguyện không chỉ rất uy lực, mà còn có quyền năng vô hạn. Người anh hùng – giống trí tưởng tượng phong phú của đứa trẻ – được trời phú cho thần thông; thời gian và không gian đối với anh ta là không còn tồn tại; quyền lực tuyệt đối trong ý niệm của anh dẫn đến quyền năng tuyệt đối trong hành động của anh.
Do vậy, trong mọi câu chuyện cổ tích, tất cả những chướng ngại của không gian, thời gian, cảnh nghèo nàn bần cùng, tình yêu, địa vị xã hội đều bị gạt sang một bên trong vô tận các cuộc phiêu lưu của người anh hùng quyền lực vô tận. Chuyện cổ tích là những biến thể của các mâu thuẫn vô thức liên quan đến cái gọi là lãng mạn gia đình diễn ra trong tâm lí của mỗi đứa trẻ đang lớn, chẳng hạn như những vụ giết người vô cảm, các hệ biểu tượng đa dạng và những hình ảnh về xung năng ái dục (sex motive).
Tôi có thể đặc biệt liên hệ vấn đề này đến những câu chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm, chẳng hạn như “Vua Ếch” (Frog King), hay “Nàng Bạch Tuyết” (Little Snow White). Trong câu chuyện về Bạch Tuyết, khi hoàng hậu đâm kim vào ngón tay và những giọt máu rơi xuống, rồi từ đó người con gái Bạch Tuyết ra đời, hệ biểu tượng tính dục và thỏa mãn ước nguyện rất rõ ràng, tương tự như sự cô đọng các sự kiện thành cái tên và vẻ ngoài của Bạch Tuyết – một sự cô đọng kết hợp điển hình của những giấc mơ.
“Trong khi đang khâu vá và ngắm tuyết rơi, nữ hoàng đâm kim vào ngón tay, thế là ba giọt máu rơi xuống. Bà nghĩ rằng màu đỏ nhìn thật là đẹp trên nền tuyết trắng nên đã thốt lên: ‘Ôi! Giá mà ta có một đứa con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun!’ Sau đó bà quả thực sự sinh hạ một cô con gái rất xinh đẹp, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, đôi má hồng ửng và tóc đen láy như gỗ mun, nàng được đặt tên là Bạch Tuyết. Nhưng sinh hạ đứa trẻ xong thì nữ hoàng qua đời.”
Như Ricklin nói:
“Thật ngạc nhiên, vai trò của tính dục trong chuyện cổ tích mới lớn làm sao. Và hệ biểu tượng tính dục trong chuyện cổ tích thật hợp làm sao với hệ biểu tượng tính dục trong các giấc mơ và bệnh học tâm thần. Khi một người nhận ra và thừa nhận rằng, tính dục – bên cạnh sự đói ăn và các yếu tố xã hội – đóng vai trò chính trong cuộc sống và liên tục tác động đến suy nghĩ, hành động của chúng ta từ lúc thơ trẻ trở đi, thì nó cũng không là điều gì đáng ngạc nhiên quá nữa, cho dù câu chuyện cổ tích xuất hiện trước ta trong một bộ quần áo mới, ít trẻ con hơn. Chúng không vì điều đó mà đánh mất chút nào sự hấp dẫn và sức quyến rũ.”85
85 Franz Ricklin, Wishfulfillment and Symbolism in Fairy Tales (Thỏa mãn ước nguyện và Hệ biểu tượng trong chuyện cổ tích), Sđd.
Vậy là một câu chuyện cổ tích là một giấc-mơ-ngày của thời thơ ấu được phóng chiếu thành văn chương - nghệ thuật. Những người viết chuyện cổ tích có một khả năng lớn đó là, có thể mang vào cuộc sống người lớn những giấc-mơ-ngày từ thời thơ ấu của riêng họ, mà không hề dồn nén nhiều vào vô thức. Người bình thường không có khả năng này, hoặc chỉ có ở mức độ hạn chế, và nó chỉ xuất hiện khi cơ chế kiểm duyệt dồn nén bị loại bỏ, hoặc ở tình trạng yếu kém nhất của nó là khi ngủ và trong những giấc mơ.
Tuy nhiên trong quá trình phân tâm, rất hiếm khi một người gặp một giấc mơ mà trong từng chi tiết và yếu tố đều là một câu chuyện cổ tích. Những giấc mơ như thế được gọi là các câu chuyện cổ tích từ vô thức.
Giấc mơ kiểu đó chính là quá trình mà mơ ước về uy quyền tuyệt đối vốn ám ảnh thời thơ ấu bùng cháy thành cuộc sống.
Chúng là những câu chuyện cổ tích trực tiếp từ vô thức của người mơ được dàn dựng dưới dạng các giấc mơ ban đêm, chứ không phải thể vô thức thời thơ ấu được người nghệ sĩ vận dụng và sáng tạo trong những giấc-mơ-ngày của mình nữa. Song ngay cả những giấc-mơ-ngày này cũng cho thấy các suy nghĩ quyền lực tuyệt đối tái diễn đều đặn trong các câu chuyện cổ tích.
CHUYỆN CỔ TÍCH - MỘT BÙ TRỪ CHO MẶC CẢM TỰ TI PHÓNG CHIẾU DƯỚI DẠNG NGHỆ THUẬT NHỮNG MONG MUỐN BỊ DỒN NÉN MANG THEO TỪ ẤU THƠ
Như Ferenczi đã nói rất rõ:
“Cái óc tò mò mạnh mẽ muốn biết tất cả mọi thứ quyến rũ tôi vào những viễn cảnh mê hoặc của quá khứ, dẫn tôi vượt qua điều vẫn còn chưa thể nhận thức được với sự giúp đỡ của phân tâm học, đưa tôi quay trở lại điểm bắt đầu của những điều cần cân nhắc này – trở lại với đề tài: thời điểm đỉnh cao và suy thoái của cảm giác bất lực. Khoa học phải bác bỏ ảo tưởng này, hoặc ít nhất phải luôn biết khi nào nó đang đi vào giả thuyết và tưởng tượng.
Trong chuyện cổ tích thì ngược lại, tưởng tượng về quyền lực tuyệt đối đang và vẫn là những thứ chiếm ưu thế. Ngay khi chúng ta phải cúi mình trước sức mạnh thiên nhiên một cách nhún nhường nhất, chuyện cổ tích sẽ đến hỗ trợ ta với các kiểu mẫu điển hình của nó.
Trong thực tại, chúng ta thật yếu đuối. Vì thế mà những người hùng trong chuyện cổ tích lại rất mạnh mẽ và không thể đánh bại.
Trong các hoạt động và kiến thức, chúng ta bị ước thúc và cản trở bởi thời gian và không gian. Nên trong chuyện cổ tích, nhân vật bất tử, cùng một lúc xuất hiện ở hàng trăm nơi, nhìn vào tương lai và biết được quá khứ.
Trọng lượng, trạng thái vững chắc và không thể xuyên phá được của vật chất luôn cản trở con đường ta đi. Còn trong chuyện cổ tích, nhân vật có cánh, mắt nhìn xuyên được qua tường, cây đũa thần của anh mở được mọi cách cửa.
Thực tại là một cuốc chiến khốc liệt để tồn tại. Còn trong chuyện cổ tích, chỉ cần một lời “chiếc bàn ăn nhỏ đã được bày biện” là đã đủ cho một bữa thịnh soạn.
Người ta có thể sống trong nỗi sợ hãi không ngừng việc bị các con thú nguy hiểm và kẻ thù hung dữ tấn công. Trong chuyện cổ tích, chiếc mũ thần cho phép mọi sự biến đổi và bảo vệ ta trong vòng an toàn “không thể tới gần”.
Ở thực tại, thật khó làm sao để có được tình yêu có thể thỏa mãn mọi ước nguyện của chúng ta! Trong chuyện cổ tích, người anh hùng hấp dẫn không thể cưỡng lại, chàng bỏ bùa ta bằng một cử chỉ thần kì.
Thế nên người lớn rất thích kể chuyện cổ tích cho con họ, qua đó ngấm ngầm thể hiện những mong muốn bị dồn nén và không được thỏa mãn của riêng họ. Chuyện cổ tích rút cùng thực sự trở thành một màn trình diễn nghệ thuật của ước nguyện quyền năng tuyệt đối.”86
86 Sándor Ferenczi, Contributions to Psychoanalysis (Các bài viết cho phân tâm học), “Chương VIII: Stages in Development of the Sense of Reality” (Những giai đoạn phát triển của sự cảm nhận thực tại), 1916.
Chuyện cổ tích do vậy thực sự là một bù trừ mang tính tưởng tượng cho những mặc cảm tự ti, cũng như các hạn chế, khiếm khuyết về đầu óc và cơ thể; là một phóng chiếu dưới dạng nghệ thuật những mong muốn bị dồn nén mang theo từ ấu thơ của con người. Những mong muốn này bị dồn nén, vì trong quá trình trưởng thành, chúng mâu thuẫn với thế giới thực tại và chỉ có thể được thực hiện trong tưởng tượng, được thỏa mãn dưới dạng tác phẩm nghệ thuật.
Thực tế: Chuyện cổ tích như một giấc-mơ-ngày được xây dựng dựa trên cơ chế của các giấc mơ ban đêm, chẳng hạn như các kiểu mẫu thường xuyên lặp lại: sự ngưng tụ (condensation)87 và chuyển dịch, bi kịch hóa và dàn dựng tình tiết phụ để gây chú ý, nhấn mạnh, củng cố ước nguyện chính bởi một loạt các hành động anh hùng, và sau cùng là cuộc chiến đấu với những chướng ngại – những việc này cũng thường xuyên diễn ra trong các giấc mơ lo âu.
87 Ngưng tụ/cô đọng (condensation): Trong phân tâm học, đó là sự hợp nhất các ý tưởng, suy nghĩ,… thành một biểu tượng, diễn ra đặc biệt trong giấc mơ. Rút gọn nhiều trải nghiệm thành một từ hoặc một hành động, như khi bị ám ảnh sợ hãi (phobia) (Chú thích của ND).
Freud và Brill đã chỉ ra:
Chuyện cổ tích có chức năng như các yếu tố quyết định, hay là “kẻ chủ mưu” không chỉ trong các giấc mơ và các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng, mà còn có vai trò trong các biểu hiện mang tính biểu tượng của các loại bệnh tâm thần khác nhau, đặc biệt là tâm thần phân liệt88.
88 A. A. Brill, “Fairy Tales as Determinants of Dreams and Neurotic Symptoms” (Chuyện cổ tích trong vai trò là các yếu tố quyết định của các giấc mơ và triệu chứng thần kinh), New York Medical Journal (Tập san Y học New York), Số tháng 3-1914.
Một giấc mơ diễn ra trong một ca cuồng loạn lo âu mô tả động lực thôi đẩy ác dâm Yêu Râu Xanh theo một lối biểu tượng úp mở, cho thấy rằng vô thức của tác giả truyện dân gian cổ đại và của người mơ hiện đại là giống hệt nhau.
Trong giấc mơ này, cô bắt đầu khám phá một căn phòng mà cô đã phát hiện ra nằm ở đầu kia của một gian phòng lớn dài. Cánh cửa ghi các chữ nhỏ mạ vàng “Holy of Holies” – Thứ thiêng liêng hơn hết thảy – ngay dưới lỗ khóa. Bất chấp lời phản đối kinh hoàng của mẹ, cô vẫn mở cửa và thấy ở trong phòng chỉ duy nhất một hòm rương bằng gỗ tuyết tùng đựng những tấm áo choàng làm lễ.
Trong trường hợp này lại xuất hiện kiểu mẫu xuyên suốt: Căn phòng bị cấm và khóa thường được bắt gặp trong chuyện dân gian, cũng như mô tả trong chuyện Yêu Râu Xanh. Nó biểu tượng hóa mong muốn tính dục bị cấm đoán trong vô thức, mang theo từ thời thơ ấu và được củng cố trong cuộc sống trưởng thành của cô bằng dòng nội dung rõ rệt khắc dưới lỗ khóa trong giấc mơ.
Giấc mơ cổ tích thú vị và có vẻ logic như vậy cũng xảy ra ở trường hợp sau đây:
Một người đàn ông trẻ tuổi mắc một chứng rối loạn thần kinh chức năng lo âu gắn với mâu thuẫn giữa những mặc cảm dữ dội về đầu óc và cơ thể.
Một cuộc phân tâm để tìm hiểu đã không thể hé lộ, ngay cả trong giai đoạn đầu thời thơ ấu của anh. Liệu anh đã từng đọc hay nghe một câu chuyện cổ tích tương tự? Có thể đã có một chứng quên thời còn bé về sự kiện này (đọc/nghe chuyện cổ tích tương tự) mà chứng quên này không thể nào được khắc phục ngay cả khi nhờ đến các phương pháp phân tâm. Trong trường hợp này, không có hành động mang vào cuộc sống người lớn (theo nghĩa đen) cái quyền lực tuyệt đối của những anh hùng cổ tích – đó đúng hơn là một nỗ lực bù trừ cho mặc cảm tự ti cá nhân, sử dụng cùng một ý niệm biểu tượng vô thức đã tạo nên chuyện cổ tích.
Tất nhiên giấc mơ kia được thuật lại với đúng nội dung rõ rệt của nó. Cách duy nhất để hiểu ý nghĩa và hệ biểu tượng của nó là phân tích mạng lưới những ý niệm trong giấc mơ, nội dung ngấm ngầm của giấc mơ.
Anh dường như ở một đại dương đóng băng hay một cái hồ lớn. Tổ quốc của anh đang có chiến tranh với một nước khác. Kẻ thù của anh đang đóng quân trên băng. Anh đang nằm bị thương dưới một cây cầu, không mặc đồng phục lính mà mặc quần áo thường dân. Một vài tay lính bên đối phương đang ở đằng xa nhìn xem anh còn sống hay đã chết. Trước tiên anh khẽ di chuyển, và khi làm thế anh cảm thấy một cú đánh mạnh vào đầu bằng báng súng. Trong giấc mơ, anh đã ngất đi và tỉnh lại, những tay lính đối phương biến mất khỏi vùng lân cận xung quanh anh. Rồi anh bò bằng tay và đầu gối đến một nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà tranh, anh tìm thấy mẹ mình, bà đã băng bó đầu cho anh. Sau đó, anh mặc một bộ đồng phục lính chống đạn, nhưng nó dường như bơm đầy không khí, khiến anh trông to lớn kềnh càng.
Rồi anh bò chậm chạp trở lại hàng ngũ kẻ thù và tìm thấy đức vua của nước mình. Anh nói với ngài mà không hề cảm thấy do dự hay xấu hổ: “Ngài đang ở phe nào vậy?” và đức vua trả lời: Ngài đang giúp kẻ thù. Anh tức giận với nhà vua, nhưng không nói lời nào. Anh đi xa ra một chút trên băng và rút ra khỏi túi một vật dùng để cắt bằng kim cương dài chừng 90 cm. Rồi nhanh như chớp, anh đi ngang đại dương đóng băng, cắt xuống băng bằng vật cắt kim cương kia. Quân lính kẻ thù trông thấy anh và bắn anh. Dù bị trúng đạn một vài lần, anh vẫn không bị thương nhờ bộ áo chống đạn. Anh tiếp tục cắt băng, kẻ thù vẫn rượt đuổi và bắn anh, nhưng anh đã xoay sở vượt xa được chúng nhờ khả năng di chuyển nhanh phi thường. Đội quân rượt đuổi đến gần, giẫm lên băng đã bị anh cắt, rớt xuống biển và tất cả đều chết đuối.
Toàn bộ giấc mơ rất sống động, với khả năng như một người hùng có thể di chuyển nhanh và không bị thương – giống như Achilles, anh đã hoàn toàn bù đắp được cho những mặc cảm tự ti của mình. Anh cũng cảm thấy cân bằng về mặt xã hội với nhà vua trong thái độ của anh với ngài, mặc dù nhà vua cùng lúc rất có thể chính là nhà trị liệu – chuyện thường hay diễn ra trong phân tâm học. Trong trường hợp này, giấc mơ hé lộ một sự chuyển dịch, ở đây được biểu tượng hóa như một dạng mong muốn hay nỗ lực trở nên ngang bằng với nhà trị liệu.
Cũng trong giấc mơ này, xảy ra một dạng biểu tượng hóa sự tái sinh: Người mẹ buộc vết thương cho anh, tức là cho anh sự sống một lần nữa, theo cùng một cách mà trước đây bà cho anh sự sống khi sinh ra anh. Đây thực sự là một tưởng tượng cứu rỗi kiểu Oedipus – một biểu tượng về sự ra đời bằng hành động cứu sống. Sự tái sinh cũng được tượng trưng qua hành động bò vào mái nhà tranh, bất lực như một đứa trẻ. Ở đó, anh tìm thấy mẹ anh, được mẹ chăm sóc và xuất hiện trở lại mạnh mẽ, chuyển động thần tốc và không thể bị thương. Hệ biểu tượng được dùng ở đây cũng có thể là một dạng hướng nội dẫn đến hình ảnh lí tưởng của người mẹ (mother imago)89, bởi trong tình trạng hướng nội, anh rút khỏi thực tại, do vậy bảo vệ những cảm xúc mặc cảm, tự ti của mình.
89 Hình ảnh lí tưởng (Imago): Là một hình ảnh được lí tưởng hóa về một người, thường là cha hoặc mẹ, xuất hiện trong thời thơ ấu và được mang vào vô thức trong cuộc sống sau này (Chú thích của ND).
Việc biểu tượng hóa sự tái sinh này đi đến một mức độ cao hơn, không chỉ trong các câu chuyện về anh hùng mà còn trong các nghi lễ tôn giáo và hệ thống thờ cúng tôn giáo khác nhau, chủ yếu liên quan đến các thần ngoại giáo (không thuộc Cơ-đốc giáo).
Kiểu mẫu và hệ biểu tượng dương vật được mô tả bằng phép cường điệu hóa và cương quyết quá mức về con dao kim cương thật đầy ý nghĩa. Nó giống như tục thờ cúng biểu tượng dương vật huyền bí của người thời xưa, tại đó tượng dương vật lớn có thể được vác theo trong những đám rước thiêng liêng90. Biểu tượng này cho thấy cơ chế giấc mơ vô thức có thể sử dụng cùng một hệ biểu tượng - ý niệm nguyên thủy như vô thức của xã hội. Hệ biểu tượng tính dục rất phức tạp, lắm vẻ đa dạng và được trình bày bằng ngôn ngữ vô thức của nhân loại thay vì ngôn ngữ vô thức của một cá nhân. Khi nói rằng: Vật cắt bằng kim cương kia cũng đại diện cho cây đũa thần thỏa mãn ước nguyện quyền lực tột cùng, vai trò biểu tượng của nó trở nên rất quan trọng.
90 Xem Richard Payne Knight, The Symbolical Language of Ancient Art and Mythology (Ngôn ngữ biểu tượng của nghệ thuật và thần thoại cổ xưa), 1892.
Do vậy, giấc mơ là một mảnh của vô thức trẻ thơ được biểu tượng hóa của anh, đó là một dạng cắt đứt với thực tại và lùi trở về vùng đất thần tiên màu nhiệm thời thơ ấu. Cảm xúc quyền lực tuyệt đối bị dồn nén này đã nằm ngủ im lìm từ lâu trong vô thức của người mơ và xuất hiện trong quá trình điều trị phân tâm. Giá trị của nó nằm ở sự tương phản giữa các cảm xúc tự ti mặc cảm có ý thức của anh và những khả năng quyền lực tuyệt đối tiềm tàng đã ngủ ngon trong vô thức của anh. Kết quả là, cuộc phân tâm đã giải phóng quyền lực tuyệt đối bị dồn nén này, biểu tượng hóa nó như một câu chuyện cổ tích, và lần đầu tiên đến với người mơ dưới dạng một phương tiện điều chỉnh lại cho đúng quá trình hình thành tính cách mặc cảm, tự ti của anh. Nó làm mất tác dụng và sau cùng đánh bại cảm giác mặc cảm tự ti bằng cách thay những khả năng tiềm tàng trong vô thức vào chỗ của phức cảm tự ti trong ý thức của anh.
Do đó, giá trị kiến tạo và giá trị xã hội khi phân tích một giấc mơ như thế này đối với người mơ là rất to lớn.
Cho phép anh lần đầu tiên trong đời sử dụng các sức mạnh đang ngủ say của mình để vượt qua chướng ngại quan trọng bậc nhất của cuộc đời: chướng ngại của mặc cảm tự ti về đầu óc và cơ thể.
Những giấc mơ như vậy, dù lố bịch và kì khôi, lại có giá trị lớn giúp hiểu được quá trình phát triển tính cách. Khi được phân tích, chúng có tầm quan trọng rất lớn, chúng giúp giải tỏa các hoạt động tiềm tàng ngầm ẩn.
Do vậy, phân tâm học – qua việc loại bỏ các cảm xúc bị dồn nén, phơi bày chúng rõ ràng trước ánh sáng của ý thức. Đó là một chất kích hoạt các động cơ thôi đẩy và ước nguyện bị dồn nén của con người. Mặc dù những cảm xúc đã trải qua, đã bị dồn nén là không thể thay đổi. Nhưng thông qua phân tâm học, việc chúng ngăn trở và khiến một người rơi vào tình trạng mâu thuẫn với thực tại cuộc sống có thể được hiểu rõ hơn, được giải phóng, và do đó được sử dụng hiệu quả hơn trong cuộc chiến sinh tồn.
Giấc mơ này chính là một nỗ lực giải quyết vấn đề mặc cảm tự ti; và vì mục đích này, nó đi xuống một tầng sâu hơn của vô thức: phần được cấu thành bởi các ước nguyện quyền lực tuyệt đối bị dồn nén của thời thơ ấu – mà khi lớn lên, chúng ta đã không thể hoàn thành vào lúc tỉnh thức.
Những ước nguyện thời trẻ con này thực sự hình thành nên động lực thôi đẩy và tạo nên hệ biểu tượng của giấc mơ. Điều trị phân tâm đã chạm đến chúng ở nơi các địa tầng rất sâu của vô thức, nơi chúng tồn tại như một cách sửa chữa các khuyết điểm tính cách của người mơ.
Khi người mơ tỉnh dậy, thế giới thực tại một lần nữa vây bọc lấy anh, và anh trở lại là con người mặc cảm tự ti. Nhưng, chắc chắn rằng:
Giá trị của việc phân tích giấc mơ cụ thể này nằm ở thực tế: nó giúp người mơ thấu hiểu những khả năng tiềm ẩn của anh và chuẩn bị để anh điều chỉnh lại trong cuộc chiến đấu sinh tồn.
“Tác phẩm” của vô thức – như hé lộ trong khi phân tích giấc mơ – đã được ý thức biết đến, dù chỉ là dưới dạng ước nguyện trong giấc mơ. Nhưng đó là năng lượng và kiến thức cần thiết để vượt qua cảm giác mặc cảm tự ti giữa đời này.
TÓM TẮT CHƯƠNG VII
Một câu chuyện cổ tích là một giấc-mơ-ngày của thời thơ ấu được phóng chiếu thành văn chương - nghệ thuật. Người bình thường không có khả năng này, hoặc chỉ có ở mức độ hạn chế, và nó chỉ xuất hiện khi cơ chế kiểm duyệt dồn nén bị loại bỏ, hoặc ở tình trạng yếu kém nhất của nó là khi ngủ và trong những giấc mơ.
Tuy nhiên trong quá trình phân tâm, rất hiếm khi một người gặp một giấc mơ mà trong từng chi tiết và yếu tố đều là một câu chuyện cổ tích. Những giấc mơ như thế được gọi là các câu chuyện cổ tích từ vô thức. Giấc mơ kiểu đó chính là quá trình mà mơ ước về uy quyền tuyệt đối vốn ám ảnh thời thơ ấu bùng cháy thành cuộc sống.
Do đó, giá trị kiến tạo và giá trị xã hội khi phân tích một giấc mơ như thế này đối với người mơ là rất to lớn. Cho phép chúng ta lần đầu tiên trong đời sử dụng các sức mạnh đang ngủ say của mình để vượt qua chướng ngại quan trọng bậc nhất của cuộc đời: chướng ngại của mặc cảm tự ti về đầu óc và cơ thể.
Những giấc mơ như vậy, dù lố bịch và kì khôi, lại có giá trị lớn giúp hiểu được quá trình phát triển tính cách. Khi được phân tích, chúng có tầm quan trọng rất lớn, chúng giúp giải tỏa các hoạt động tiềm tàng ngầm ẩn.
Do vậy, phân tâm học – qua việc loại bỏ các cảm xúc bị dồn nén – phơi bày chúng rõ ràng trước ánh sáng của ý thức. Đó là một chất kích hoạt các động cơ thôi đẩy và ước nguyện bị dồn nén của con người. Mặc dù những cảm xúc đã trải qua, đã bị dồn nén là không thể thay đổi. Nhưng thông qua phân tâm học, việc chúng ngăn trở và khiến một người rơi vào tình trạng mâu thuẫn với thực tại cuộc sống có thể được hiểu rõ hơn, được giải phóng, và do đó được sử dụng hiệu quả hơn trong cuộc chiến sinh tồn.
Giấc mơ này chính là một nỗ lực giải quyết vấn đề mặc cảm tự ti; và vì mục đích này, nó đi xuống một tầng sâu hơn của vô thức: phần được cấu thành bởi các ước nguyện quyền lực tuyệt đối bị dồn nén của thời thơ ấu – mà khi lớn lên, chúng ta đã không thể hoàn thành vào lúc tỉnh thức.