“Con người từ thời tiền sử vẫn sống tiếp – bất biến – trong vô thức của chúng ta”
- Sigmund Freud -
CÁC ĐỊA TẦNG VÔ THỨC
Phương pháp phân tâm cho thấy rằng, sau khi một khối nguyên liệu bị dồn nén được mang ra ánh sáng, chúng ta sẽ thấy các tầng bậc mới của những nguyên liệu này – tất cả đều cần được tìm hiểu. Do vậy cả từ góc độ lí thuyết lẫn thực tiễn – ít nhất vì mục đích có một mô tả rõ ràng dứt khoát, vô thức phải được nhìn nhận không phải như một mặt ngang, mà là một cấu trúc địa tầng.
TRONG MỘT CUỘC PHÂN TÂM:
1. Nguyên liệu ý thức phải được tìm hiểu trước tiên;
2. Sau đó nhà trị liệu chạm đến tầng tiền ý thức – tại đây phản kháng và dồn nén xảy ra ít nhất;
3. Cuộc khai quật phân tâm học lại tiếp tục đưa chúng ta đi đến vùng vô thức. Tại đây ta gặp các tầng sâu hơn nữa, đến được phần cổ xưa nhất của tinh thần con người, đó là tầng của ham muốn tính dục và dinh dưỡng – là tầng cần thiết để bảo tồn giống nòi. Phản kháng mạnh nhất nằm ở những tầng sâu nhất này. Tâm trí con người luôn trong tình trạng phòng vệ để không phản bội lại “con dấu” nguồn gốc thấp kém của mình.
Vô thức do vậy được hiểu là cấu thành từ các lớp trầm tích tinh thần tích tụ từ quá khứ, chồng chất lên nhau và cho thấy quá trình phát triển tinh thần của loài người từ thủa ban sơ.
Nghiên cứu về những lớp trầm tích tinh thần vô thức này đã được Smith Jelliffe82 đặt tên một cách khéo léo là Cổ-tâm lí học (Paleo-psychology). Đây là một nhìn nhận hữu ích, có tính giản đồ và cũng thực dụng về vô thức.
82 Smith Ely Jelliffe, một bác sĩ tâm thần người Mĩ (1866-1945). Ông học tại Học viện Bách khoa Brooklyn, sau đó tiếp tục học y khoa tại Đại học Columbia và lấy bằng tiến sĩ năm 1889. Jelliffe luôn sẵn mối quan tâm dành cho khoa học tự nhiên và tâm lí học (Chú thích của ND).
Khái niệm Cổ-tâm lí học này lần theo quá trình phát triển tâm thần của cá nhân từ góc độ nhìn nhận: Vai trò của dồn nén trong việc tạo ra các tầng vô thức khác nhau. Đây là môn khoa học nghiên cứu các dạng ý niệm “hóa thạch” trong vô thức con người, tương tự như Cổ-sinh vật bệnh học (Paleo-pathology) – môn khoa học nghiên cứu các loại bệnh tật của động vật và con người thời kì cổ đại, chẳng hạn như người Ai Cập cổ, người tiền sử hay các động vật hóa thạch83.
83 Xem R. L. Moodie, “Studies in Paleopathology” (Các nghiên cứu trong lĩnh vực Cổ-sinh vật bệnh học), Annals of Medical History (Biên niên sử Y học), Quyển I, Số tháng 11-1917.
Theo Jelliffe:
“Lịch sử quá khứ của tinh thần nằm ở vùng vô thức, và chỉ có thể tái tạo vùng này bằng một cuộc phân tâm, một sự bóc tách hòng hé lộ các tầng của nó. Cũng hệt như, chỉ có thể tìm hiểu lịch sử vỏ trái đất bằng cách khai quật và phát hiện ra những hóa thạch còn lại trong các địa tầng. Việc khám phá ra các tầng quá khứ của vô thức, bằng phép so sánh, có thể được gọi là Cổ-tâm lí học.”
Mỗi nhà phân tâm do vậy là một nhà cổ-tâm lí học, và những giấc mơ hé lộ các tầng văn hóa khác nhau của vô thức.
Các dạng ý niệm “hóa thạch” này của loài người được bảo tồn ở các tầng khác nhau của vô thức, giống như cách mà các hóa thạch sinh vật được bảo tồn ở các địa tầng trái đất khác nhau. Như cách mà một nhà nhân chủng học điêu luyện có thể tái tạo lại hình ảnh một giống người tiền sử cụ thể từ một vài mảnh xương sọ của anh ta, một nhà phân tâm điêu luyện cũng có thể tái tạo vô thức từ một vài mảnh giấc mơ. Với nguyên lí rằng, các giấc mơ cho thấy những hệ biểu tượng cụ thể, từ đó nhà phân tâm có thể xác định được khá chính xác địa tầng của giấc mơ này trong vô thức. Vì vô thức không phải được hợp thành bởi một đống các dồn nén lộn xộn, mà bằng các dồn nén được tích tụ chồng lên nhau từng lớp từng lớp trên hành trình phát triển văn hóa của loài người từ thời tiền sử cho đến thời hiện đại.
Vô thức ra đời khi bắt đầu có dồn nén. Không có dồn nén sẽ không có vô thức.
Ở NGƯỜI LỚN VÀ TRONG NỀN VĂN MINH HIỆN ĐẠI, TÂM TRÍ TRẺ THƠ VÀ BAN SƠ BỊ CHÔN VÙI TRONG SÂU THẲM VÔ THỨC
Bằng chứng rõ nhất về sự phát triển liên tiếp của lịch sử tinh thần con người được tìm thấy ở vô thức, không phải ở ý thức, vì ý thức chỉ là lớp vỏ tinh thần gần đây của lịch sử văn hóa loài người.
Để hiểu toàn bộ tâm trí con người, chúng ta phải dùng các phương pháp phân tâm đào xuyên qua các tầng khác nhau của vô thức. Phân tâm học là công cụ đi xuống các tầng sâu bị che lấp của tinh thần cá nhân. Phương pháp phân tâm không diễn giải các động cơ thôi đẩy bề mặt, bởi vì động cơ thực sự gắn với những cảm xúc nguyên thủy của vô thức.
Khi chúng ta tiến vào đời sống người trưởng thành, vô thức trở nên ngày càng sâu hơn, có ngày càng nhiều tầng hơn. Trong khi ở đứa trẻ, tầng vô thức khá nông, ấy vậy lại đã bao chứa những mong muốn nguyên thủy và cổ xưa nhất. Các mong muốn này được thỏa mãn với rất ít phản kháng và gần như không hề có kiểm duyệt. Tâm trí thơ ấu hay con trẻ thực ra cũng có những biểu hiện trong đời sống người trưởng thành, nhưng dưới dạng ít nguyên thủy hơn. Đứa trẻ đó thực ra vẫn đang ngủ ngon lành trong vô thức của mỗi người lớn chúng ta. Nó sẵn sàng thức dậy bất kì lúc nào, sẵn sàng trở nên bất an, lo lắng. Và một khi nó đã thức dậy, thì các giấc mơ hay những biểu hiện rối loạn thần kinh chức năng khác nhau cũng phát triển.
Ở người lớn, tâm trí trẻ thơ bị chôn vùi sâu thẳm trong vô thức.
Theo Freud, từ lúc bắt đầu sự sống, đã sẵn tồn tại hai hệ thống hoạt động tinh thần riêng biệt, chúng là tiền thân hay người báo hiệu cho cái về sau trở thành ý niệm vô thức và ý niệm ý thức. Ông nói:
“Ước nguyện xuất hiện trong giấc mơ ắt hẳn là một ước nguyện thơ ấu. Ở người lớn, ước nguyện này xuất phát từ vô thức. Trong khi ở đứa trẻ – lúc đó chưa có phân chia, chưa có cơ chế kiểm duyệt giữa tiền-ý thức và vô thức, hoặc những cơ chế đó đang trong giai đoạn hình thành thì ước nguyện đó là ước nguyện được thỏa mãn, hay chưa bị dồn nén khi ở trạng thái tỉnh thức.”
Chẳng hạn, khi những nỗi sợ bị nhiễm bẩn hay sợ các vật nhọn xuất hiện ở các trường hợp bị rối loạn cưỡng chế, thì đó thực ra là các mệnh lệnh cấm đoán (lệnh giới cấm) xuất phát từ các tầng nguyên thủy của vô thức. Những giấc mơ nguyên thủy nhất là những ý niệm hay cấu trúc bị hóa thạch ở vô thức của chúng ta, chúng bị kéo xuống những tầng sâu nhất và xa nhất khỏi nền văn minh hiện đại.
Vô thức do vậy là chiếc chìa khóa tiến vào tâm trí con người, ở đó chúng ta có thể tìm thấy mọi đặc điểm tâm thần của con người thời tiền sử.
CHỈ RIÊNG Ở CON NGƯỜI, Ý THỨC VẪN ĐI TIẾP CON ĐƯỜNG CỦA MÌNH
Vô thức là nguyên thủy, vì nó cấu thành hoàn toàn từ những nguyên liệu bị dồn nén. Những đặc điểm tinh thần này đã biến mất khỏi ý thức và lắng đọng vào vô thức, nhờ vào khả năng luôn-hoạt-động của cơ chế dồn nén trong lịch sử phát triển nền văn minh. Đời sống ý thức của con người mất hàng nhiều thế kỉ để trau dồi, bồi đắp, ấy thế mà vô thức vẫn “già đời” hơn và lùi trở về thời kì xa xưa nhất của tổ tiên chúng ta. Thực tế, vô thức là phần già cỗi nhất trong tâm trí chúng ta.
Ở các bệnh tâm thần và chứng thần kinh, nhà trị liệu thường thấy các triệu chứng trồi lên, hành vi mang tính triệu chứng, những giấc mơ, những mẩu suy nghĩ được tìm thấy ở các dạng người rất nguyên thủy, chúng đến từ địa tầng sâu nhất vô thức. Bệnh nhân sở dĩ quay trở lại hành vi và ý niệm nguyên thủy này là vì trong họ có sẵn nguyên liệu cho suy nghĩ và hành vi như thế, chỉ có điều chúng bị nén vào các tầng vô thức sâu nhất mà thôi.
Chừng nào còn liên quan đến vô thức thì tại đó thời gian không tồn tại. Vì chỉ trong chốc lát, một giấc mơ có thể quay trở lại cuộc sống tinh thần và xã hội của cha ông chúng ta thời tiền sử. Do vậy, những ham muốn xã hội của chúng ta thường kéo theo các triệu chứng ảo tưởng hay các biểu tượng giấc mơ từ nơi sâu nhất của vô thức.
“Con người từ thời tiền sử vẫn sống tiếp – bất biến – trong vô thức của chúng ta” (Sigmund Freud).
Trước khi phân tâm học phát triển, Friedrich Nietzsche đã nhận ra bản chất nguyên thủy của vô thức khi được phản ánh vào trong giấc mơ. Ông viết:
“Trong khi ngủ và khi mơ, một người trải qua toàn bộ các hoạt động của loài người thời tiền sử. Thậm chí đến ngày nay, suy nghĩ của ta trong các giấc mơ cũng là suy nghĩ của loài người đang thức suốt hàng nghìn năm. Khi mơ, mảnh nhân loại cổ xưa này hoạt động trong chúng ta. Giấc mơ đưa ta về các trạng thái xa xưa của văn hóa loài người và đưa cho ta cách thức để hiểu nó rõ hơn.”
Song, nếu tâm trí không uốn nặn được, nếu nó chỉ như những mẩu xương hóa thạch của động vật gắn trong đá và sỏi, thì đã không thể nào có tiến hóa. Ấy vậy nhưng từ thời đại này sang thời đại khác, tâm trí con người mềm mỏng dễ uốn nắn kia đã và đang thay đổi. Trong các dạng hợp nhất của tâm trí đó, nó có thể tổ chức được một nền văn minh hiện đại phức tạp.
Như Bergson nói:
“Bất cứ đâu – ngoại trừ ở con người, ý thức đã đến chỗ bế tắc. Chỉ riêng ở con người, nó vẫn đi tiếp con đường của mình.”
Đó là bởi vì tâm trí có thể uốn nắn, vì nó đẩy các ước nguyện cổ xưa và bản nguyên xuống các tầng thấp hơn nữa trong vô thức. Hệ quả là, con người có thể tận dụng năng lượng vô thức một cách tốt hơn để tiến về phía trước, đi đến các hợp nhất phức tạp hơn và đến những cách biểu lộ cao hơn cái năng lượng nguyên thủy bị dồn nén đó. Năng lượng này có thể được chế ngự và hướng vào hoạt động tái tạo mang tính xã hội, đạo đức, xử thế và tinh thần. Như lời của Tennyson:
“Con người có thể đứng lên từ những viên đá đệm bước ở vũng lầy của chính bản thân họ khi chết, để đến với những điều cao hơn.”
TÓM TẮT CHƯƠNG VI
Vô thức được cấu thành từ các lớp trầm tích tinh thần tích tụ từ quá khứ, chồng chất lên nhau và cho thấy quá trình phát triển tinh thần của loài người từ thuở ban sơ.
Phân tâm học là công cụ đi xuống các tầng sâu bị che lấp của tinh thần cá nhân. Phương pháp phân tâm không diễn giải các động cơ thôi đẩy bề mặt, bởi vì động cơ thực sự gắn với những cảm xúc nguyên thủy của vô thức.
Khi chúng ta tiến vào đời sống người trưởng thành, vô thức trở nên ngày càng sâu hơn, có ngày càng nhiều tầng hơn. Trong khi ở đứa trẻ, tầng vô thức khá nông, ấy vậy lại đã bao chứa những mong muốn nguyên thủy và cổ xưa nhất. Các mong muốn này được thỏa mãn với rất ít phản kháng và gần như không hề có kiểm duyệt. Tâm trí thơ ấu hay con trẻ thực ra cũng có những biểu hiện trong đời sống người trưởng thành, nhưng dưới dạng ít nguyên thủy hơn.
Ở người lớn, tâm trí trẻ thơ bị chôn vùi sâu thẳm trong vô thức. Đứa trẻ đó thực ra vẫn đang ngủ ngon lành trong vô thức của mỗi người lớn chúng ta. Nó sẵn sàng thức dậy bất kì lúc nào, sẵn sàng trở nên bất an, lo lắng. Và một khi nó đã thức dậy, thì các giấc mơ hay những biểu hiện rối loạn thần kinh chức năng khác nhau cũng phát triển.
Vô thức do vậy là chiếc chìa khóa tiến vào tâm trí con người, ở đó chúng ta có thể tìm thấy mọi đặc điểm tâm thần của con người thời tiền sử.
Song tâm trí con người không phải là những mẩu xương hóa thạch bất động. Con người có thể tận dụng năng lượng vô thức một cách tốt hơn để tiến về phía trước, đi đến các hợp nhất phức tạp hơn và đến những cách biểu lộ cao hơn cái năng lượng nguyên thủy bị dồn nén đó. Năng lượng này có thể được chế ngự và hướng vào hoạt động tái tạo mang tính xã hội, đạo đức, xử thế và tinh thần.