Như Bergson nói: “Bất cứ đâu – ngoại trừ ở con người, ý thức đã đến chỗ bế tắc. Chỉ riêng ở con người, nó vẫn đi tiếp con đường của mình”
Phân tâm học không chỉ là một phương cách trị liệu còn khá mới mà thực sự đã mở ra một kỉ nguyên vì nó giúp được những người mắc bệnh thần kinh. Trong những ca rối loạn thần kinh chức năng và rối loạn tâm thần nhất định, phương pháp phân tâm hữu dụng hơn hẳn cái gọi là Liệu pháp nghỉ ngơi – phương pháp có tác động nguy hại nhất trong số các liệu pháp thần kinh.
KHÁM PHÁ VĨ ĐẠI CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI NHU CẦU THÔI THÚC CON NGƯỜI TÌM KIẾM NÓ
Dưới ánh sáng hiểu biết hiện nay của chúng ta về ý niệm vô thức, thì cái quan điểm “xem xét nội tâm không thôi là có thể hé lộ mọi điều về ý thức” mà một vài nhà tâm lí học thực nghiệm và học thuật duy trì đã bị ném vào một xó đầy các ý tưởng lỗi thời.
Chúng ta cũng biết rằng, không nên cố giảm thiểu và ngăn chặn thăng hoa ngẫu nhiên của một bệnh nhân, nó nên được khuyến khích. Thực tế trong vai trò là một dạng thăng hoa cảm xúc, tôn giáo – với ý ngĩa rộng nhất của từ này – không liên quan đến bất kì tín điều cụ thể nào, mang đến một trong những đường lối giúp thăng hoa hiệu quả và thỏa đáng nhất.
Oskar R. Pfister81 đã nói lời sau đây về giá trị của thăng hoa trong tôn giáo:
81 Oskar Robert Pfister, The Psychoanalytic Method (Phương pháp phân tâm), 1917.
“Phân tâm học cũng dạy ta đánh giá lại một lần nữa – nhưng bằng cách khác – giá trị của tôn giáo. Tôi thú nhận: vẻ đẹp và phúc lành của một lòng mộ đạo thuần khiết chỉ trở nên vô cùng rõ ràng với tôi sau khi tôi thực hiện cuộc điều tra được mô tả ở đây. Tôn giáo, trong những trường hợp thuận lợi, không để dục năng libido – bị khước từ bởi thực tại tham lam, thô lỗ – chuyển đổi thành các triệu chứng cơ thể cuồng loạn, hay hướng vào trong thành các cơn lo âu, bệnh u sầu, các hiện tượng ám ảnh, v.v.
Freud nói về sự gia tăng bất thường của chứng rối loạn thần kinh chức năng kể từ khi tôn giáo suy tàn! Tôi thà để những người thực sự không thể chữa được bằng phân tâm ở trong một môn phái cực đoan hay trong một tu viện, còn hơn là để họ mắc rối loạn thần kinh chức năng. Tất nhiên cũng có nhiều thống khổ do rối loạn thần kinh chức năng trong các tu viện và cộng đồng tôn giáo.”
Trường hợp sau đây được trích dẫn như một ví dụ về thăng hoa trong tôn giáo, một phần vì bệnh nhân hiểu rõ giá trị của phương pháp phân tâm học và một phần vì ví dụ này giúp thấu suốt cách thức hoạt động của phân tâm học.
Những lời sau do một người phụ nữ thông minh – một người mắc chứng loạn thần kinh cưỡng chế nghiêm trọng trong một năm – viết ra. Mặc dù cha cô là một linh mục và giáo sư đại học, nên khi bé cô được nuôi dạy trong môi trường tôn giáo, ấy vậy mà những thôi thúc cưỡng chế dữ dội – cụ thể là cơ thể đại tiện ngay khi cô có những ý nghĩ tục tĩu – là một rào cản giữa cô và tôn giáo của mình. Cô cảm thấy rằng căn bệnh rối loạn thần kinh chức năng của mình là tội lỗi đạo đức - phẩm hạnh, hoặc làm ô uế đạo đức - phẩm hạnh. Những giấc mơ gần đây của cô cho thấy một khuynh hướng thăng hoa vô thức nhờ vào tôn giáo và dạng thăng hoa này được khuyến khích. Ở giai đoạn đầu của phân tâm, các phản kháng đã rất mạnh mẽ, nhưng rồi chúng dần bị đánh bại và những chuyển dịch trở nên rõ rệt.
Trong một giấc mơ gần đây, cô dường như đang đi qua lối đi giữa các dãy ghế trong một nhà thờ tráng lệ đến một cách cửa, khi đó cô thấy một linh mục mà cô quen (người yêu cũ của cô giờ đã lấy một người khác, cô thấy thất vọng và do đó không bao giờ cưới chồng) đang ngồi tại bàn làm việc của anh. Trong giấc mơ của cô, có một cảm xúc mang hơi hướm đức tin sâu sắc. Giấc mơ này không chỉ cho thấy mong muốn thăng hoa trong tôn giáo, mà còn thể hiện một sự chuyển dịch sang nhà trị liệu của cô (thực ra chính là “vị linh mục đang ngồi ở bàn làm việc”).
Trong giấc mơ này, chúng ta thấy một hoạt động sắp xếp bố trí bước đầu – vốn thuộc về chức năng điều chỉnh của vô thức – một dạng dùng biểu tượng để diễn tả tình huống tâm lí hiện tại.
Sau đây là lời bệnh nhân kể lại quá trình thăng hoa tôn giáo của cô:
“Chúng ta có thể biết Chúa duy nhất qua anh em bạn bè mình, và chúng ta có thể biết anh em bạn bè mình duy nhất qua Chúa.” Đây là lời giảng thành lời của người gọi mình là giáo sĩ Cơ-đốc, một con người thấu suốt. Giờ khi tôi bắt đầu trải nghiệm sức mạnh chữa lành của phân tâm học, chân lí đến với tôi trọn vẹn, hiện ra và chiếu rọi qua quá trình phân tâm. Vì mối liên hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu dường như có nhiều điểm chung với cách mà Chúa trời đối xử với con người.
Vậy nên, nếu nhà trị liệu muốn chữa được cho bệnh nhân, thì điều quan trọng trước tiên là bệnh nhân phải tin nhà trị liệu và hướng đến ông với toàn bộ lòng tin tưởng. Đó là lí do vì sao ở giai đoạn phân tâm ban đầu, nhà trị liệu nỗ lực khắc sâu lòng tin này với bệnh nhân, và giúp bệnh nhân cảm thấy rằng ông là một người bạn. Từng chút một, phản kháng của bệnh nhân bị đập tan bởi lực hấp dẫn này cho đến khi anh ta rốt cuộc đầu hàng không e ngại. Khả năng này của con người chẳng phải cũng giống như sức mạnh chế ngự của lòng từ bi của Thần sao?!
Lại một lần nữa, đặc biệt ở giai đoạn đầu của phân tâm, bệnh nhân như thể bị bỏ mặc cho tự xoay sở. Nhà trị liệu rõ ràng chỉ đi theo chỉ dẫn của anh. Bệnh nhân phải nghĩ và nói ra điều trong tâm trí của riêng anh đến khi anh nhận ra tới một mức độ nhất định nhu cầu của riêng mình. Chỉ đến khi bệnh nhân sẵn sàng tiếp nhận, nhà trị liệu mới đưa ám thị giúp đỡ, chẳng hạn như một suy nghĩ an ủi bệnh nhân. Đây chắc chắn là cách mà Chúa trời đối xử với thế gian.
Khám phá vĩ đại chỉ có được khi nhu cầu thôi thúc con người tìm kiếm nó.
Điều đẹp đẽ nhất chính là cách mà trải nghiệm phân tâm giúp bồi dưỡng đức tin. Phương pháp phân tâm giúp ta hiểu rõ nhu cầu cần có một người tri kỉ – ngoài bản thân mình – sâu thẳm trong tâm hồn con người. Người bệnh thần kinh hướng đến nhà trị liệu như một đứa trẻ hướng đến mẹ nó, tin tưởng rằng nó kiểu gì cũng sẽ được giúp đỡ. Anh biết được rằng “thú nhận tốt cho tâm hồn”, rằng gánh nặng sẽ nhẹ đi bằng cách chia sẻ nó với một người bạn. Lúc đầu rất khó để anh ta tiết lộ điểm yếu của riêng mình với người khác, nhưng rồi anh tiếp tục thấy rằng anh luôn có thể bước tiếp. Anh nhận ra là thái độ của người nghe kia không phải là phán xét mà là đồng cảm, và rằng với nhà trị liệu chân thật, thì độ sâu của sự đồng cảm được đo đếm duy nhất bằng các nhu cầu của bệnh nhân.
Tuy nhiên chẳng mấy chốc, khi cuộc phân tâm tiếp tục, bệnh nhân buộc phải nhận ra rằng: Sự phụ thuộc vào nhà trị liệu chỉ là một cách thức, không phải là mục đích. Đồng thời nghĩa vụ đạo đức - phẩm hạnh rằng phải phơi bày hết thế giới nội tại của anh ta với một người đồng đẳng chỉ là trí tưởng tượng của anh. Giờ anh ta biết rằng:
Một người đàn ông hay phụ nữ trưởng thành trọn vẹn là tự gánh lấy gánh nặng của riêng mình. Rằng, trong mối liên hệ giữa con người với nhau, mỗi người cuối cùng vẫn đứng riêng một mình.
Chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn nhu cầu sâu thẳm nhất của con người, và trải nghiệm phân tâm đã hồi sinh ý niệm quen thuộc này. Đây chính là ý niệm khiến chúng ta tự do.
Bệnh nhân giờ biết rằng mình đã tự do và cảm thấy như thể chính tự anh ta đã vươn đến được điều này. Nhưng khi anh nhìn lại quá trình phân tâm và một lần nữa nhớ lại từng bước nối tiếp nhau, anh nhận thấy con đường đó đã được mở ra để anh đi, rằng bác sĩ trị liệu của anh đã dẫn đường. Anh đã từng nghĩ dòng suy nghĩ của nhà trị liệu theo sau suy nghĩ của mình. Những lời của nhà thơ vĩ đại đó hiện lên trong đầu anh: “Có một sức mạnh đúc nặn các mục đích của chúng ta, dù chúng ta có thể đẽo gọt chúng qua loa.” Anh biết rằng trong phân tâm học của cuộc đời, trải nghiệm này là một giai đoạn mà anh được nhà phân tâm vĩ đại của tâm hồn chúng ta dẫn dắt đi.
Nhờ con người đồng đẳng này, anh đã biết được Chúa trời.
Vậy nên chúng ta biết rằng khoa học là một phần bổ sung cho tôn giáo, rằng phân tâm học chẳng khác nào thần học dẫn ta đến Đức Chúa.
TÌM THẤY NIỀM KHUÂY KHỎA GIỮA MỘT ĐỜI TRANH ĐẤU VẬT LỘN
Phân tâm học cũng có thể làm được nhiều trong việc xây dựng các quy tắc lí trí để làm sạch tinh thần và thần kinh nhưng dựa trên các nguyên lí của nó, thay vì những quan điểm lỏng lẻo về sức mạnh ý chí, v.v. Trong thực tế, phân tâm học chỉ ra rằng, cách ngăn chặn và làm chủ đích thực các bệnh rối loạn thần kinh chức năng phải đến từ bên trong, từ việc phân tâm cá nhân cùng lúc với làm sạch tinh thần, chứ không phải thông qua bất kì tuyên truyền chung chung nào – vì cách sau cùng lắm chỉ có thể đưa ra các quy tắc tập thể vốn không thể tra lắp vào các phức cảm của tâm trí cá nhân.
Khi kĩ thuật phân tâm trở nên hoàn thiện, chúng ta có thể trông đợi các kết quả ngày càng tốt hơn trong điều trị các tình trạng mà trước đây bị xem là vô phương cứu chữa, chẳng hạn như những ca bệnh tâm thân phân liệt hay vĩ cuồng nhẹ. Chắc chắn, việc điều trị bệnh đồng tính luyến ái sẽ có hi vọng hơn rất nhiều nhờ vào phân tâm học, hơn là các phương pháp ám thị và thôi miên cũ kĩ.
Khi các nguyên lí phân tâm trở nên phổ biến với những nhà giáo dục, họ có thể vận dụng chúng để ngăn chặn chứng rối loạn thần kinh chức năng xuất hiện trong thời kì hình thành tính cách quan trọng của một đứa trẻ. Khuynh hướng ăn cắp vặt hay nói dối tưởng tượng thường là giai đoạn bắt đầu chứng rối loạn thần kinh cưỡng chế hay chứng cuồng loạn. Mỗi nhà giáo dục nhất thiết phải biết điều này để giới thiệu đứa trẻ đến với nguồn trị liệu đúng đắn. Ở đó các khiếm khuyết được chữa lành một cách khoa học, thay vì trừng phạt đứa trẻ một cách không suy nghĩ. Chúng ta phải tìm kiếm các động lực thôi đẩy sâu hơn, thậm chí còn sâu hơn cả những gì mà tiền sử bệnh chi tiết nhất cung cấp. Trong những trường hợp cho thấy các khuynh hướng thôi thúc cưỡng chế ăn cắp, được gọi là thói ăn cắp vặt (kleptomania), hỏi đứa trẻ tại sao nó lại lấy những thứ đó cũng chẳng ích gì, vì nó không biết được động lực thực sự thôi đẩy nó làm thế. Trong khi một cuộc điều trị phân tâm ngắn thường có thể làm rõ tình huống và cung cấp các thông tin trị liệu giá trị.
Lấy ví dụ, phân tâm trường hợp một cậu bé có thói quen chôm chỉa tiền ở nhà và tiêu pha cho những ham thích trẻ con thông thường. Biểu hiện này hé lộ một phức cảm Oedipus mạnh mẽ, vì cậu bé lấy tiền của mẹ, không bao giờ lấy tiền của cha, cậu biết là mẹ sẽ không phạt cậu do bà quá nặng lòng với cậu. Liệu pháp rõ ràng nhất là đập vỡ phức cảm Oedipus kia để cậu bé cũng sợ lấy tiền từ mẹ như sợ lấy của cha. Và liệu pháp này đã thành công.
Những linh mục cũng thế, họ đã thấy được các nguyên lí phân tâm có giá trị vĩ đại trong tôn giáo của mình và trong những khuyên nhủ đạo đức - phẩm hạnh dành cho những người chuyên tâm làm theo để tìm thấy niềm khuây khỏa giữa một đời đầy tranh đấu vật lộn.
Cơ chế căn bản mà Freud gọi là mâu thuẫn được Adler diễn giải như là mặc cảm khuyết tật, có giá trị lớn cho sự phát triển trong tương lai của phân tâm học, đặc biệt là trong việc dung hòa quan điểm của những người có khuynh hướng đi theo các diễn giải chức năng hay cơ thể về quá trình hình thành bệnh rối loạn thần kinh chức năng.
PHÂN TÂM HỌC ĐÃ CHỈ RA CHO CHÚNG TA CÁI TÔI CHÂN THẬT CỦA CHÍNH MÌNH: ÍCH KỈ, MAN RỢ VÀ HẬN THÙ
Vô thức chứa đựng lịch sử tinh thần của cá nhân, bao hàm chủ yếu những cảm xúc bị dồn nén, do vậy vô thức chính là nguồn cội của tính cách. Các đặc điểm tính cách của cá nhân không phải do được kế thừa, cũng không phải do nỗ lực ý thức mà có. Tính cách của một người được tạo thành bởi các xung năng thôi thúc bị dồn nén thời thơ ấu, hay các thăng hoa của những xung năng đó. Mọi quá trình hình thành tính cách đều có nền tảng là cảm xúc thay vì lí trí.
Trong tương lai, phân tâm học sẽ không chỉ điều trị các biểu hiện bất thường của chứng rối loạn thần kinh chức năng, mà còn có thể tham gia cải sửa những đặc điểm tính cách không tốt của những cá nhân bình thường. Mục đích của phân tâm học trong mọi ca bệnh là đưa các dồn nén vô thức vào ý thức, để cho bệnh nhân biết đến sự tồn tại của các dồn nén này, bằng cách này, mâu thuẫn gây ra bệnh có thể được khép lại thỏa đáng.
Trường hợp sau đây là một ví dụ về việc phân tâm học có thể giúp cải sửa thành công đặc điểm tính cách không tốt của cá nhân:
Một người đàn ông trẻ than phiền về thói quen trì hoãn hình thành qua nhiều năm và gần đây đã tiến tới mức độ gây trở ngại cho công việc của anh.
Một cuộc phân tâm ngắn tình huống này đã hé lộ thực tế là: Gốc rễ của thói quen trì hoãn khởi lên từ giai đoạn đầu thời thơ ấu của anh. Anh vướng mắc nặng lòng với cha nhiều hơn với mẹ và thói quen trì hoãn bắt nguồn từ ảnh hưởng của cha.
Nguồn gốc của thói quen này bị che đậy trước ý thức của anh, cho đến khi một cuộc điều trị phân tâm hé lộ nó. Có thể quả quyết rằng, thói quen này là do một mâu thuẫn gây ra và thực ra là một phóng chiếu của thời thơ ấu – khi chịu ảnh hưởng bởi hình ảnh người cha – vào cuộc sống trưởng thành của anh.
Rốt cuộc trong quá trình phân tâm anh đã có một giấc mơ:
Trong giấc mơ này, cha anh đã chết và người làm lễ tang được cử đến. Giấc mơ này rất thú vị và quan trọng vì thực tế là cha anh vẫn còn sống.
Giấc mơ này lấy cái chết làm biểu tượng, nhưng không phải nhắm vào đối tượng là “cha anh”. Vậy cha anh tượng trưng cho điều gì? Đó là tính trì hoãn của anh. Nói cách khác, cái chết biểu trưng cho sự biến mất của tính trì hoãn trong anh. Cơ chế của giấc mơ có cùng cách thức như ở thời thơ ấu: vô thức luôn biểu tượng hóa thành cái chết của một thành viên trong gia đình. Sau khi giấc mơ này được phân tích và giải thích, tinh thần bệnh nhân trở nên hoàn toàn khỏe mạnh.
HƯỚNG ĐẾN SỰ TOÀN VẸN NỘI TẠI VÀ ĐIỀU CHỈNH ĐỂ HÒA HỢP TRỌN VẸN HƠN VỚI THẾ GIỚI THỰC TẠI
Trong vô thức là năng lượng cảm xúc bị che đậy – rất quan trọng cho quá trình thăng hoa các phức cảm cuộc đời. Sự thăng hoa này chính là nỗ lực tinh thần, đạo đức, xử thế, là khát khao hướng đến sự toàn vẹn nội tại và điều chỉnh (suy nghĩ và thái độ) để sống hòa hợp trọn vẹn hơn với thế giới thực tại của con người. Phân tâm học dạy cá nhân cách tận dụng năng lượng này cho mục đích xã hội, thay vì phí hoài nó để đơn thuần bảo vệ các dồn nén và ảo tưởng bệnh hoạn.
Vậy nên tương lai của phân tâm học sẽ là hướng đến một nhiệm vụ đạo đức - phẩm hạnh cao cả với giá trị giáo dục vĩ đại. Nó sẽ giúp cá nhân hoàn thiện mình từ bên trong. Và một khi, sự điều chỉnh nội tại nhằm hài hòa với thực tại này được hoàn thành, loài người sẽ bước lên đến các lí tưởng cao cả hơn về công lí, đạo đức và xã hội. Vì lúc đó ta sẽ không còn phản kháng dựa trên những định kiến và truyền thống nhỏ hẹp của mình; hay không còn rơi vào ảo tưởng nữa. Chúng ta sẽ không còn phản ứng như trẻ con trước các tình huống người lớn nữa, mà sẽ phản ứng như những sinh mệnh đã thoát khỏi các nhược điểm ấu thơ.
Vậy là Freud đã trao cho thế giới một công cụ mới để giải thích đời sống tinh thần vô thức ở cả cá nhân và xã hội. Để thấy các động lực thôi đẩy của tất cả chúng ta – đàn ông lẫn đàn bà, khỏe mạnh lẫn rối loạn thần kinh chức năng – đều được quyết định bởi các ý niệm vô thức mà ta không hề hay biết. Con người không hành động bởi các động lực thuộc về ý thức, mà bởi các ý niệm vô thức. Động lực ý thức chỉ đơn thuần là giải thích duy lí hay lí do bao biện mà thôi. Đây là nguyên lí nền tảng của phân tâm học Freud, mà hôm nay và trong tương lai, sẽ giải thích ngày một rõ hơn các lực thực sự điều khiển hành vi và thôi thúc con người.
Phân tâm học đang bắt đầu hình thành một nguyên tắc đạo đức - xử thế mới, cũng như một nền tâm lí học mới, một nền thần kinh học mới và một trường phái phê bình văn học mới. Mọi nguyên lí của nó đều có cùng một liên hệ với tâm trí con người, với ý thức xã hội như sinh học có mối liên hệ với thế giới hữu cơ. Nói cách khác, qua phân tâm học, tâm trí con người được phân tích, thấu hiểu; những động lực thôi đẩy nằm ẩn giấu và nguồn cội hành vi của con người được đưa ra ánh sáng.
Phân tâm học đã chỉ ra cho chúng ta cái tôi chân thật của chính mình. Tất cả chúng ta đều ích kỉ, man rợ và hận thù ra sao, nhưng lại kìm nén các bản năng nguyên thủy này vào trong vô thức của mình. Tại đó chúng chỉ xuất hiện dưới dạng các giấc mơ hay bộc phát thành các chứng rối loạn thần kinh.
Có “một tâm trí chung cho mọi con người cá nhân” – nói theo lối của Emerson, và tâm trí vũ trụ phổ quát này chính là vô thức. Về bản chất, tâm lí của mọi con người là như nhau, dù văn hóa và ý thức xã hội của họ khác nhau ra sao.
Bản sắc nền tảng của loài người chính nằm ở vô thức.
TÓM TẮT CHƯƠNG V
Khám phá vĩ đại chỉ có được khi nhu cầu thôi thúc con người tìm kiếm nó. Và phân tâm học đã làm được điều đó: Mang đến một công cụ giải thích đời sống tinh thần vô thức của con người.
Tâm lí con người chúng ta đều giống nhau: ích kỉ, man rợ và thù hận. Trò lừa tâm trí khiến chúng ta không dám đối diện với chính mình dẫn đến những dồn nén trong vô thức. Phân tâm học cho chúng ta thấy cái phần chân thật nhất của con người, trần trụi, không màu mè.
Mục đích của phân tâm học là đưa những dồn nén trong vô thức ra trước ánh sáng của ý thức. Cách ngăn chặn và làm chủ đích thực các bệnh rối loạn thần kinh chức năng phải đến từ bên trong, từ việc trị liệu cá nhân.
Ngoài việc phân tâm học có thể xây dựng các quy tắc lí trí để làm sạch tinh thần và thần kinh, nhiệm vụ tương lai của phân tâm học sẽ là giúp cá nhân đạt được sự hài hòa từ bên trong và tìm được những điểm tiếp xúc cân bằng với thực tại.