Phương pháp phân tâm học giống như một cuộc khai quật khảo cổ học, nó đào lên các phức cảm bị chôn vùi, và rồi sau đó chúng tự phân hủy. Giá trị của nó nằm ở việc kéo các động lực, thôi thúc và xung năng bị dồn nén vào thể ý thức – được nhận biết, ở việc đối mặt và thấu hiểu những ngăn trở gây nên rối loạn thần kinh chức năng.
Một trong những vấn đề lớn nhất của phân tâm học mà chúng ta vẫn thắc mắc là: Phân tâm học hoạt động ra sao?
MỘT ĐIỀU ĐƯỢC THỪA NHẬN RỘNG RÃI LÀ:
1. Trị liệu phân tâm học thu được hiệu quả không phải nhờ ám thị. Vì trong mọi kĩ thuật điều trị phân tâm học, yếu tố ám thị lại được cẩn thận né tránh.
2. Cũng không thể nói trị liệu phân tâm học nhờ vào giải thích. Vì giải thích vô thức của một người bệnh hay đi vào tranh luận về những giấc mơ chỉ gây ra phản ứng phòng vệ và sự phản kháng thường trực ở bệnh nhân. Đó là một bức tường gần như không thể nào vượt qua được một cách bình thường chỉ bằng giải thích trong khi trị liệu.
Để nói về sự phản kháng, chuyển dịch, thăng hoa, giải tỏa cảm xúc mạnh (abreaction)67 thì không có gì khó cả. Nhưng đấy cũng chỉ là những kết quả cuối cùng của phương pháp phân tâm, chứ không phải là cơ chế hoạt động nội tại của quy trình phân tâm mà chúng ta đang muốn biết ở đây. Vậy bài kiểm tra của mọi phương pháp phân tâm là một bài kiểm tra thực tiễn.
67 Giải tỏa cảm xúc mạnh (abreaction): Là những quá trình tinh thần làm tiêu tan một cảm xúc bị dồn nén bằng cách sống lại nó một lần nữa thông qua cảm nhận và hành động. Nếu được giải tỏa hoàn toàn, một cảm xúc dồn nén sẽ bị khuếch tán và tự tiêu tan một cách vô hại. Nếu không được giải tỏa hoàn toàn, nó có thể dẫn đến những trạng thái phân li tâm thần (mental dissociation) – một quá trình tinh thần gây ra một sự thiếu kết nối trong suy nghĩ, kí ức, ý thức về bản sắc của một người (Chú thích của ND).
GIẤC MƠ: CHÌA KHÓA THĂM DÒ NHỮNG ĐỊA TẦNG CỦA VÔ THỨC
Có một điều các nhà phân tâm đều thừa nhận là: Phân tâm học – theo cách Freud nhìn nhận – hướng chủ yếu đến vô thức, vì những giấc mơ, hành vi mang tính triệu chứng, một phạm vi rộng các bệnh rối loạn thần kinh chức năng – bản thân chúng có nguồn gốc từ vô thức. Cái gọi là phản kháng đơn thuần chỉ là một lực ngăn cản việc đi sâu vào trong vô thức, vì những động cơ sâu thẳm nhất định không muốn bị vạch trần. Vô thức bảo vệ chính nó trước việc bị mang ra ánh sáng của ý thức.
Sự chuyển dịch, mặt khác, chính là chiều ngược lại của phản kháng, là khả năng đi xuyên vào các tầng vô thức sâu hơn. Vậy phân tâm học là công cụ kĩ thuật (nếu có thể gọi như vậy) được dùng cho việc đi xuyên qua các tầng hay đào sâu vào vô thức. Nếu thuật ngữ này được chấp nhận, mỗi nhà phân tâm sẽ là một nhà cổ-phân tâm, có nhiệm vụ thâm nhập vào lịch sử quá khứ sâu thẳm nhất của tinh thần một cá nhân và khám phá những trạng thái tinh thần, suy nghĩ nguyên thủy nhất.
Một điều đã được thừa nhận rộng rãi qua nghiên cứu các giấc mơ, những cấm kị và các chứng rối loạn thần kinh chức năng của người nguyên thủy: Vô thức – nơi bắt nguồn của mọi bệnh rối loạn thần kinh chức năng – có tính cổ xưa và man rợ; trong thực tế, mọi chứng rối loạn thần kinh chức năng là những biểu hiện của vô thức man rợ này. Sự xuất hiện của kiểu mẫu Oedipus trong vai trò một biểu hiện của vô thức cổ xưa và trái luân thường đạo lí đủ làm bằng chứng cho bản chất phi-văn-hóa của vô thức.
Vô thức bắt nguồn không chỉ từ thuở ấu thơ của một con người, mà còn có thể nói nó bắt nguồn từ thời thơ ấu của nhân loại, bởi nó chứa đựng quá nhiều động cơ, thôi thúc bị dồn nén. Những động cơ, thôi thúc bị dồn nén này được hé lộ trong các giấc mơ, vì khi ngủ, cơ chế kiểm duyệt của tâm lí mặc cảm xã hội (social inhibition)68 bị loại bỏ. Những hình ảnh, biểu tượng về sự bay bổng, sự không-ngượng-ngùng khi khỏa thân khởi lên trong những giấc mơ giống như sự trả thù của vô thức.
68 Mặc cảm xã hội (Social inhibition): Là sự tránh né một tình huống hoặc một tương tác xã hội một cách có ý thức hoặc trong tiềm thức. Với những người có mức mặc cảm xã hội cao, họ né tránh các tình huống vì những người khác không đồng ý, không tán thành những cảm giác hay thái độ của họ.
Những giấc mơ mang đến điều tuyệt nhất và có thể nói chúng cũng mang đến chứng cớ không thể chối cãi về những cảm xúc, thôi thúc bị dồn nén này: vì không thể được thỏa mãn trong thực tại, nên được thỏa mãn hoặc trong các giấc mơ hay trong các chứng rối loạn thần kinh. Do vậy, một giấc mơ – trong mọi trường hợp – đơn thuần chỉ là sự thỏa mãn một mong muốn bị dồn nén của vô thức.
Như Rank và Sachs nói:
“Một cuộc khảo sát đã đủ cơ sở để khẳng định giả thiết: Các dạng tư duy, tinh thần nguyên thủy được bảo tồn trong đứa trẻ – và vẫn được giữ gìn trong vô thức của người lớn – giống hệt (trong giới hạn nhất định) trạng thái tư duy, tinh thần của người man rợ, và ở chừng mực nào đó, chúng có giá trị như một tấm gương phản chiếu tinh thần nhân loại thuở ban sơ.”69
69 The Significance of Psychoanalysis for the Mental Sciences (Vai trò của phân tâm học đối với các môn khoa học tinh thần), Sđd.
Cũng như những địa tầng khác nhau của trái đất tiết lộ cho các nhà cổ sinh vật học các nền văn minh khác nhau; thì đối với nhà phân tâm học, việc nghiên cứu những giấc mơ tiết lộ các tầng mức văn hóa khác nhau trong vô thức của con người. Do vậy mô tả về vô thức phải được trình bày, không phải theo các thời kì chạy ngang, mà được cấu thành bởi các mức địa tầng chồng lên nhau.
Tất cả những người đã từng làm việc trong lĩnh vực phân tâm đều ấn tượng với thực tế: Những động cơ, thôi thúc hay mong muốn của vô thức có tính man rợ và trái luân thường đạo lí. Giấc mơ mang cho chúng ta bằng chứng rõ nhất về tính man rợ này, vì sự hình thành giấc mơ diễn ra chỉ riêng ở vô thức.
Giấc mơ hé lộ những trạng thái tinh thần, suy nghĩ nguyên thủy đã ít nhiều bị nén lại và âm ỉ qua nhiều năm. Do vậy vô thức chứa đựng những khao khát đã tồn tại một cách có ý thức trong tổ tiên rất xa xưa của chúng ta. Giấc mơ hé lộ tâm trí của con người thời tiền sử, thay vì một tâm trí đã được lí trí hóa và được định hình bằng văn hóa - giáo dục.
Thông qua bằng chứng từ giấc mơ, việc dựng lại toàn bộ tâm trí con người là khả thi.
TRỊ LIỆU PHÂN TÂM: GIÚP VÔ THỨC THĂNG HOA ĐẾN MỘT TẦNG MỨC VĂN HÓA CAO HƠN
Vậy một câu hỏi rất quan trọng với thực tiễn được đặt ra là: Nếu vô thức hé lộ những suy nghĩ hết sức nguyên thủy và man rợ; và nếu những ước muốn ít nhiều trái luân thường đạo lí và phản xã hội duy nhất thuộc toàn quyền (quản lí) của vô thức thì những động lực, thôi thúc vô thức này có thể được xóa bỏ không? Chúng có thể được nâng lên đến một tầng mức văn hóa cao hơn không?
Quan sát phổ biến cho thấy:
Phân tâm học thực sự có thể thay đổi bản chất và những động lực, thôi thúc của các giấc mơ của một chủ thể70.
70 Lần đầu tiên sự chú ý đến hiện tượng này – rất có giá trị cho việc hiểu rõ cách hoạt động của phân tâm học và giá trị báo trước (triệu chứng) của nó – khởi phát từ một bài viết của tôi trên New York Medical Journal (Tập san Y khoa New York) vào tháng 3-1913. Sau đó bài viết được trau chuốt kĩ lưỡng trong nghiên cứu thống kê của tôi về phương pháp điều trị phân tâm và rồi được tóm tắt trong bài viết “Hermaphroditic dreams” (Những giấc mơ ái nam ái nữ), đăng trên Psychoanalytic Review (Phê bình Phân tâm), Số tháng 10 -1917. Ở đó nói rằng: Phân tâm học có thể thực sự thay đổi khuynh hướng luyến ái vô thức của con người, theo cùng một cách mà nó nâng những đặc điểm tính cách nguyên thủy trong vô thức của chúng ta lên một tầng mức văn hóa cao hơn.
Phân tâm học, do vậy, có thể tác động đến vô thức giống như cách mà giáo dục tác động đến ý thức của con người. Giấc mơ chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc phân tâm học chắc chắn có hiệu quả nâng cao tầng mức văn hóa của các động cơ, thôi thúc nguyên thủy trong vô thức.
Có thể lấy ví dụ từ một ca loạn thần kinh chức năng được nghiên cứu cẩn thận trong một thời gian dài:
Một người đàn ông trẻ rất thông minh và thuộc tầng lớp xã hội có giáo dục, ở giai đoạn đầu của quá trình điều trị phân tâm đã có những giấc mơ rất nguyên thủy, cho thấy bệnh rối loạn thần kinh chức năng của anh là biểu hiện của những mong ước man rợ bị dồn nén. Sau một vài tháng điều trị, một giấc mơ khác cùng loại xuất hiện. Giấc mơ này cho thấy một cơ chế kiểm duyệt rõ rệt và một nỗ lực trung hòa hình ảnh tưởng tượng, cho dù vào giai đoạn điều trị phân tâm ban đầu anh đã biết về cơ chế kiểm duyệt này bằng trí tuệ của mình, nhưng không thể sử dụng nó. Thay đổi này – như một kết quả của điều trị phân tâm – thật thú vị, vì nó biểu hiện rằng: Vô thức đã được nâng lên đến một mức văn hóa cao hơn, tại đó cơ chế kiểm duyệt trở nên năng động và hoạt động như một giới cấm tâm lí.
Cảm giác nguyên bản độc đáo trong ca này đã chứng tỏ: Vô thức của bệnh nhân là kho chứa những cảm xúc và mong ước quá đỗi nguyên thủy; những cảm xúc này xảy ra trước khi có cấm kị, vì đã không có rào cản tâm lí nào được phát triển hay dựng lên. Nhờ trị liệu phân tâm, chính vô thức – chứ không phải cơ chế kiểm duyệt – đã trải qua một cuộc cách mạng, thay đổi nâng lên một tầng mức cao hơn.
Như vậy, cách thức hoạt động của phương pháp phân tâm chính là:
Một chứng bệnh rối loạn thần kinh chức năng là biểu hiện của các động cơ, thôi thúc man rợ của vô thức. Quá trình trị liệu phân tâm học – tương đương với ảnh hưởng của giáo dục – giúp cho vô thức thăng hoa đến một tầng mức văn hóa cao hơn.
Khi những dồn nén trong vô thức trải qua trị liệu phân tâm, các động lực, thôi thúc thay đổi đến nỗi trở nên thực sự “văn minh”. Trong thực tế, một cuộc phân tâm trọn vẹn là một lần biến cải trọn vẹn con người.
Khi một bệnh rối loạn thần kinh chức năng bỗng nhiên khỏi mà không cần đến phương pháp điều trị phân tâm, đây chưa chắc đã là hồi phục hoàn toàn về mặt tâm lí thực sự. Có nghĩa là, các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh chức năng có thể biến mất theo thời gian, hoặc bệnh nhân trở lại bình thường nhờ các biện pháp giáo dục. Nhưng các trở ngại nội tâm và mâu thuẫn, dồn nén trong vô thức – nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn thần kinh chức năng – vẫn còn đó và có thể xuất hiện trở lại do các yếu tố gây rối loạn trong tương lai.
Khi bệnh rối loạn thần kinh chức năng khỏi một cách ngẫu nhiên (từ “khỏi“ được dùng vì không có từ nào phù hợp hơn), xảy ra một số diễn biến như:
1. Nếu bệnh rối loạn thần kinh chức năng là một lối thoát khỏi một tình huống không thể nào chịu đựng nổi, thì các triệu chứng sẽ dần “hạ nhiệt”, hoặc một quá trình có ý thức điều chỉnh lại hay thỏa hiệp với tình huống kia sẽ diễn ra.
2. Bản thân bệnh rối loạn thần kinh chức năng hay hạt nhân của nó vẫn còn đó, sẵn sàng bung ra vào bất kì thời điểm nào trong tương lai dưới những điều kiện thích hợp: mệt mỏi, lo âu, lo lắng, hay biến đổi cảm xúc đột ngột.
3. Trong khi các triệu chứng rối loạn này không hề biến mất, bệnh nhân có thể phát triển một sự thấu hiểu triệt để về chúng, tuy nhiên cũng sẽ phải chịu đựng chúng với một thái độ thản nhiên, bình tĩnh hơn. Đây là tình trạng thường hay xảy ra sau khi áp dụng các phương pháp tái giáo dục thông thường, bệnh rối loạn thần kinh chức năng vẫn còn đó, nhưng triệu chứng của bệnh (nỗi sợ hay các suy nghĩ cưỡng ép) được nhìn nhận từ một góc độ hoàn toàn khác.
4. Trong vô thức có thể diễn ra một sự điều chỉnh lại ngẫu nhiên trước tình huống (không thể chịu đựng nổi) đã gây bộc phát bệnh rối loạn thần kinh chức năng kia. Đó chỉ đơn thuần là một sự sắp xếp lại nguyên liệu bị dồn nén đã gây ra bệnh, hoặc chẳng qua chúng bị đẩy xuống tầng vô thức thấp hơn. Nguyên liệu bị dồn nén này có được nhân cách hợp lí hóa hay không là điều rất khó nói.
Một ví dụ cho quá trình điều chỉnh ngẫu nhiên:
Một phụ nữ – có con trai đi lính – đang cực kì thấy phiền muộn vì một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong giấc mơ này, đồng phục lính của con trai cô biến mất từng chút một.
Với ca này, giấc mơ cho thấy rằng: Dù trên bề mặt ý thức là lòng yêu nước, nhưng âm thầm trong vô thức, cô vẫn có một sự phản đối chiến tranh. Bởi như cô nói, chiến tranh đã chuyển từ lợi ích không của riêng ai thành lợi ích của một cá nhân, “bởi vì nó mang con trai tôi vào cơn lốc và cơn lốc này có thể nuốt chửng thằng bé”. Vô thức đã biểu tượng hóa suy nghĩ này bằng hình ảnh bộ đồng phục lính biến mất dần dần.
Một ca thú vị khác71 cho thấy một cách rất rõ làm thế nào mà những điều chỉnh ngẫu nhiên lại có thể diễn ra trong vô thức:
71 W. H. R. Rivers, The Repression of War Experience (Dồn nén trải nghiệm chiến tranh), Lancet, 1918.
Một sĩ quan đã bị chôn vùi một phần do một trận nổ và rõ ràng không bị thương, anh lập tức suy sụp khi trông thấy những mảnh xác còn lại của một sĩ quan đồng cấp bị nổ tan thành từng mảnh. Cảnh tượng này ám ảnh anh trong các giấc mơ khiến anh tỉnh giấc trong sợ hãi tột cùng. Sau cùng anh thấy sợ ngủ.
Sau một cuộc trò chuyện trị liệu phân tâm, đặc điểm của những giấc mơ thay đổi: Ban đầu anh trông thấy cái xác nham nhở nhưng không khiếp sợ. Sau đó trong một giấc mơ, anh lấy một vài món đồ cá nhân của bạn mình gửi về cho người thân của anh ấy. Và sau cùng anh mơ mình nói chuyện với người bạn đó. Rồi chứng mất ngủ biến mất.
Trong ca này, ở vô thức diễn ra sự điều chỉnh lại bản chất của một hành động thỏa mãn ước nguyện.
Các phương pháp “hồi phục ngẫu nhiên” này không phải là sự hồi phục thực sự. Mâu thuẫn gốc rễ của bệnh rối loạn thần kinh chức năng vẫn chưa được nhổ bỏ, chỉ là bị “ngăn cách”, điều chỉnh lại, hoặc tượng trưng bằng một biểu tượng khác.
Chỉ riêng phương pháp phân tâm không thôi cũng có thể chữa khỏi một bệnh rối loạn thần kinh chức năng, vì nó thực sự loại bỏ những cảm xúc bị dồn nén, những mâu thuẫn từ vô thức – là nền tảng của bệnh:
(i) bằng cách nâng các mong muốn man rợ lên một tầng mức văn hóa cao hơn;
(ii) bằng cách giúp bệnh nhân tiếp xúc với thực tại một lần nữa – cái thực tại mà mọi bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng đều rút khỏi; hoặc
(iii) bằng cách dạy bệnh nhân sử dụng năng lượng của những cảm xúc bị dồn nén cho các mục đích thực tế hơn.
Phương pháp phân tâm học giống như một cuộc khai quật khảo cổ học. Nó đào lên và phơi bày các phức cảm bị chôn vùi, rồi sau đó dưới ánh sáng chúng tự phân hủy.
Giá trị của phân tâm học nằm ở việc:
(i) kéo các động lực, thôi thúc và xung năng bị dồn nén vào vùng ý thức – được nhận biết;
(ii) giúp bệnh nhân đối mặt và thấu hiểu những ngăn trở gây nên rối loạn thần kinh chức năng.
PHÂN TÂM HỌC: CHẶN ĐỨNG MỌI CUỘC TRỐN CHẠY HÈN NHÁT KHỎI THỰC TẠI
Thật sai lầm khi cho rằng phân tâm học chỉ toàn nhắm vào tính dục (theo nghĩa hẹp hơn của phương pháp này), hay nó chỉ đang tìm kiếm những ý nghĩ khiêu dâm ở bệnh nhân.
Trong quan điểm rộng của phân tâm học, dục tính bao hàm mọi cảm xúc, mâu thuẫn và khao khát của con người. Phân tâm học chỉ ra cách đối mặt với những vấn đề này, mà không rời xa khỏi tình trạng bị dồn nén, cũng không làm cho chúng trở nên trầm trọng trong những tưởng tượng bệnh hoạn. Một cuộc phân tâm thành công giúp cho bệnh nhân thăng hoa hoàn toàn, nghĩa là cho phép anh ta tận dụng năng lượng vô thức cho các mục đích sống cao cả, chỉ cho anh ta cách làm sao để không lãng phí năng lượng này vào việc chống lại chứng rối loạn thần kinh chức năng72.
72 Nghĩa là ở đây, bản thân những triệu chứng của bệnh không phải là vấn đề, mục đích cũng không phải là đối phó với những triệu chứng ấy. Mục đích của trị liệu phân tâm là triệt để đưa nguồn cơn gây bệnh (như từ đầu đã nói) nằm ở những cảm xúc bị dồn nén trong vô thức ra ánh sáng, đưa lên bề mặt ý thức và khiến chúng tự triệt tiêu (Chú thích của ND).
Để làm rõ hơn lợi ích của phân tâm học, tôi có thể trích dẫn trường hợp một người đàn ông trẻ theo điều trị phân tâm một vài năm để chữa một chứng rối loạn thần kinh chức năng cực kì nghiêm trọng. Phương pháp điều trị đã làm cho các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng biến mất hoàn toàn.
Khi chiến tranh thế giới bắt đầu, anh nhập ngũ. Tại thời điểm đó, tôi thấy rất chắc chắn về thành quả hữu ích của phương pháp phân tâm trong việc giáo dục lại triệt để và điều chỉnh vô thức của bệnh nhân, đến mức tôi có thể đoán trước được rằng không đời nào anh lại mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng liên quan đến chiến tranh. Vì kinh nghiệm cho thấy rằng, đây là một trong những loại nhân cách đặc biệt dễ mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng được biết đến rộng rãi với cái tên “cú sốc do đạn trái phá” (shell shock)73.
73 Rối loạn tâm lí do tiếp xúc với bom đạn chiến tranh quá lâu (Chú thích của ND).
Dự đoán này về sau đã được chứng thực. Anh đi chiến trường và tham gia vào một số những mặt trận khốc liệt nhất, phải chịu đựng nỗi mệt nhọc và lo lắng thường trực của đời sống quân ngũ, nhưng không hề có chút triệu chứng nào của rối loạn thần kinh chức năng. Tuy nhiên trong vô thức của anh lại có một triệu chứng thú vị. Tôi chắc rằng, chỉ duy nhất phân tâm học đã ngăn chặn triệu chứng đó đi vào ý thức hòng gây ra một chứng rối loạn thần kinh chức năng do chiến tranh.
Một điều được biết đến rộng rãi là: Một phần lớn các chứng rối loạn thần kinh chức năng liên quan đến chiến tranh, chẳng hạn như: rối loạn bộ phận, chức năng cơ thể (ví dụ: chân tay run rẩy), liệt hay mù… đơn thuần là những cách vô thức bỏ chạy khỏi một tình huống không thể chịu đựng được. Bệnh nhân mơ thấy anh bị mù, nhưng trong giấc mơ đó anh hoàn toàn hiểu và tự điều chỉnh đúng đắn lại ý nghĩa của việc bị mù, cụ thể là: thoát khỏi hoàn cảnh quân ngũ.
Thực tế: Mong muốn vô thức này biểu hiện ra dưới dạng một giấc mơ và được thấu hiểu ngay lập tức, đã ngăn nó chuyển đổi thành triệu chứng mù cuồng loạn phát sinh từ các chứng cuồng loạn chuyển đổi (conversion hysterias)74.
74 Giống chuyển đổi cuồng loạn (hysterical conversion), đã chú thích ở trên.
Vô thức đã được “giáo dục” nhờ phương pháp phân tâm lần trước, nó không còn muốn thỏa mãn như lúc thơ ấu, không còn khiến chủ thể chạy trốn khỏi cái thực tại mà ý thức của anh thấy rằng đó là nghĩa vụ của lòng yêu nước.
Về các chứng rối loạn thần kinh chức năng liên quan đến chiến tranh – phổ biến là “cú sốc do đạn trái phá, một điều được tán thành là:
Các chứng rối loạn thần kinh chiến tranh đơn thuần chỉ là các biểu hiện của cơ chế phản ứng trước nỗi hoảng sợ, giống hệt như “các chứng rối loạn thần kinh chức năng sợ hãi” trong thời kì hòa bình. Những chứng rối loạn thần kinh chức năng này được phân thành: (i) cuồng loạn lo âu (anxiety hysteria) và (ii) cuồng loạn bị dồn nén (repressed hysteria)75. Giống như mọi chứng rối loạn thần kinh chức năng, chúng chỉ là những cách thức chạy trốn khỏi một tình huống không thể chịu đựng nổi. Cơ chế dồn nén đã không thể nào giải quyết mâu thuẫn vô thức và hậu quả là: chủ thể chỉ có thể thoát khỏi những cản trở kia bằng cách trốn vào căn bệnh.
75 Cuồng loạn lo âu (anxiety hysteria) là một rối loạn lo âu (anxiety disorder) và đặc biệt là một nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) nhưng các khía cạnh lo âu trong tinh thần được để tâm hơn các triệu chứng cơ thể kèm theo (nếu có), chẳng hạn: tim đập nhanh hay khó thở – đặc biệt được dùng trong thuyết phân tâm của Freud.
Trong cuồng loạn chuyển đổi/chuyển đổi cuồng loạn (conversion hysteria/hys- terical conversion), tác động của những phức cảm bị dồn nén là kích động dây thần kinh trên cơ thể, từ đó gây ra các triệu chứng bệnh trên cơ thể. Trong cuồng loạn lo âu, tác động vẫn nằm trong phạm vi tinh thần, gây nên các nỗi sợ ám ảnh khác nhau (Theo Smith Ely Jelliffe and William Alanson White, Disease of the Nervous System, 1915).
Phê bình chính dành cho phương pháp điều trị phân tâm các chứng rối loạn thần kinh chức năng là: Không hề có thống kê nào cho thấy các kết quả của phương pháp này, giống như trường hợp của các khoa y học lâm sàng khác. Dường như thái độ hoài nghi này là chính đáng, nhưng một nghiên cứu thống kê đã được thực hiện76 nhằm mục đích làm tiêu tan hay tối thiểu hóa những phê bình giống thế.
76 Xem bài viết của tôi “Some Statistical results of the Psychoanalytic Treat- ment of the Psychoneuroses” (Một số kết quả thống kê Điều trị phân tâm các chứng rối loạn thần kinh chức năng), Psychoanalytic Review, Số tháng 4-1917. Từ khi bài viết này được xuất bản, điều trị phân tâm đã được đưa vào các lĩnh vực mà cho đến nay được xem là không thể nắm bắt, và đã mở rộng phạm vi áp dụng điều trị phân tâm học.
Một vài ca rất nghiêm trọng, những ca khác thì nhẹ, nhưng trong phần lớn các ca này, đã thử các phương pháp điều trị khác – chẳng hạn như uống thuốc, nghỉ ngơi, sốc điện, giải thích, giáo dục lại, thuyết phục và nhiều liệu pháp tâm lí thông thường đa dạng khác – nhưng vô ích. Những phương pháp này chỉ đối phó với các quá trình tư duy và hứng thú ý thức, trong khi phương pháp điều trị phân tâm thành công phụ thuộc vào việc giải quyết các yếu tố tinh thần vô thức – cái nguyên nhân căn gốc của mọi chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Trong các chứng rối loạn thần kinh chức năng tính dục, chẳng hạn như đồng tính luyến ái, phân tâm học là phương pháp duy nhất mang đến hi vọng cải thiện tình trạng, hay thậm chí chữa lành. Trước khi phân tâm học xuất hiện, thôi miên được dùng để chữa trị tình trạng này, nhưng kết quả rất bình thường và bất kì cải thiện nào cũng chỉ là tạm thời. Thất bại của thuật thôi miên dưới góc độ hiểu biết của chúng ta ngày nay về đồng tính luyến ái là không có gì phải ngạc nhiên. Vì ám thị thôi miên, thay vì đập tan các phản kháng chịu trách nhiệm cho thái độ đồng tính luyến ái, lại có khuynh hướng gia tăng chúng77.
77 Một bàn luận đúng đắn về việc tại sao thôi miên thất bại trong những trường hợp này, thậm chí còn thú vị hơn vì nó được viết ở thời kì tiền-phân tâm học, ấy vậy lại nghe rất phân tâm học. Xem Sex and Character (Giới tính và tính cách), Chương IV của Otto Weininger.
Phân tâm học là một phương pháp trị liệu có lí trí đòi hỏi một kĩ thuật đặc biệt tỉ mỉ trau chuốt và dựa trên các diễn giải tâm lí năng động hiện đại, có căn cứ về cơ chế tinh thần của các chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Những ca mà phương pháp phân tâm được đặc biệt áp dụng, chủ yếu bao gồm:
(i) các chứng cuồng loạn nghiêm trọng (chẳng hạn như cuồng loạn lo âu, cuồng loạn chuyển đổi và cuồng loạn phân li78);
78 Cuồng loạn phân li (dissociation hysteria/dissociative hysteria): Một rối loạn tâm thần, mà tại đó tồn tại hai (hoặc nhiều hơn) nhân cách riêng biệt nhau trong một cá nhân. Bất kì nhân cách nào trong số này cũng có thể chiếm ưu thế vào một thời điểm nhất định. Một cái tên khác cho chứng này là: Dissociative Identity Disorder (D.I.D). Các nhân cách có thể hoàn toàn trái ngược nhau và mỗi nhân cách có cảm xúc, hành vi, lối tư duy riêng. Tình trạng này từng được gọi là Multiple Personality Disorder (Rối loạn đa nhân cách) (Chú thích của ND).
(ii) các chứng loạn thần kinh cưỡng chế; (iii) chứng vẹo cổ tâm thần;
(iv) trầm cảm chậm (retarded depression)79;
79 Trầm cảm chậm (retarded depression): Một dạng trầm cảm mà bệnh nhân có đặc điểm chậm chạp trong suy nghĩ và hành động; đặc biệt là giai đoạn trầm cảm của chứng rối loạn tâm thần hưng trầm cảm (manic-depressive psychosis), bệnh nhân có lúc thấy cực hào hứng, lúc thì thấy cực buồn phiền (Chú thích của ND).
(v) các chứng rối loạn thần kinh chức năng tính dục (các loại đảo lộn tính dục khác nhau);
(vi) các chứng rối loạn thần kinh lo âu; nói lắp;
(vii) các chứng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như các tình trạng vĩ cuồng nhưng hình thành ảo tưởng hạn chế, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và tâm thần phân liệt.
Dường như, trong các ca tâm thần phân liệt ở giai đoạn đầu hoặc nhẹ, bệnh nhân nghe theo phương pháp phân tâm học khá dễ dàng, vì ở giai đoạn này các nội dung của chứng rối loạn tâm thần rất dễ nắm bắt. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu của căn bệnh, cách hoạt động của tinh thần tương tự chứng cuồng loạn80.
80 Isadore H. Coriat, “The Treatment of Dementia Praecox by psychoanalysis” (Điều trị tâm thần phân liệt bằng phân tâm học), Journal Abnormal Psychology (Tập san Tâm lí học bất thường), Số tháng 12-1917.
Tất nhiên, việc hồi phục một chứng rối loạn thần kinh chức năng còn phụ thuộc vào sự chuyển dịch và vào việc phân tâm có thể đập tan các phản kháng vô thức (khiến bệnh kéo dài) hay không. Những ca không lành bệnh mà chỉ có thể cải thiện, tiến bộ chậm này là do phản kháng của vô thức – nghĩa là khao khát níu giữ lại chứng rối loạn thần kinh chức năng như một tấm khiên bảo vệ, hay một cuộc trốn chạy, rút lui khỏi một thực tại không thể chịu đựng nổi.
Một ca trị liệu có thành công hay không, không thể hiện ở việc các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng biến mất, hay đặc tính các giấc mơ thay đổi. Nó nằm ở nguồn cội của cả giấc mơ lẫn chứng rối loạn thần kinh: Nó nằm ở vô thức. Các giấc mơ, đối với nhà phân tâm học lão luyện, mang đến bằng chứng khách quan nhất cho thấy bệnh nhân đang tiến triển nhanh hay đang rất chậm. Từ giấc mơ có thể xác định được các chuyển dịch và thái độ của bệnh nhân đối với chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Với bệnh tâm thần phân liệt, phương pháp phân tâm cung cấp thông tin thiết yếu, nhằm xử lí bệnh nhân một cách thông minh để từ đó đưa ra lời khuyên. Nó làm sáng tỏ các yếu tố gây ra hoặc xảy ra trước khi bị suy nhược và nhìn xuyên qua bản chất của các phức cảm. Do vậy, thay vì tiếp cận vấn đề một cách mù quáng, trị liệu phân tâm cung cấp nguyên liệu để điều trị bệnh nhân một cách thông minh. Phân tâm học sẽ định hướng nhà trị liệu cách xử lí các mối liên hệ xã hội của bệnh nhân. Cách xử lí mối liên hệ xã hội là quan trọng nhất khi chữa tâm thần phân liệt, vì mọi bệnh nhân có khuynh hướng khép mình và khó gần.
Những kết quả tốt nhất từ phương pháp phân tâm học nằm trong lĩnh vực điều trị chứng cuồng loạn và các chứng rối loạn thần kinh tính dục.
Trong điều trị nói lắp cũng vậy, kết quả thu được thật đáng mừng và duy trì hiệu quả lâu dài. Nói lắp là một dạng của chứng rối loạn thần kinh lo âu và thường kết hợp với các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng khác, thế nên luyện nói để chữa nói lắp là vô ích – thực tế là có thể làm bệnh tệ hơn. Tật nói lắp xuất hiện sau khi cá nhân đã học nói, thường là sau khi trải qua một đoạn thời gian xúc động hay trong một giai đoạn phát triển quan trọng. Nói lắp không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của chứng rối loạn lo âu ẩn dưới bề mặt.
Các cơn trầm cảm định kì cũng nên chữa bằng phân tâm học, nhưng không phải trong khi đang lên cơn mà là khi đã thuyên giảm. Chữa theo như vậy là để nhổ bỏ các yếu tố có thể đột ngột gây ra các cơn trầm cảm sau này. Vậy là có thể tránh được bệnh tái phát về sau.
Trong chứng vẹo cổ tâm thần, phương pháp phân tâm có kết quả đáng mừng nhất vì nó loại bỏ co thắt cơ bắp, đặc biệt ở những ca mà các phương pháp chỉnh hình thông thường không thể làm được. Điều trị những ca này gặp những khó khăn thật kinh khủng, vì gốc rễ của chứng rối loạn thần kinh chức năng nằm ở rất sâu.
Với các trường hợp mắc chứng vĩ cuồng, phương pháp phân tâm nên thăm dò dọc theo đường biên giữa ý thức và vô thức – nơi hình thành nên những ảo tưởng, nghĩa là khám phá ra những tình huống hay sự kiện thực sự dẫn anh đến các diễn giải, ảo tưởng sai lầm đã xảy ra trên con đường sự nghiệp của bệnh nhân. Dùng những nguyên liệu được khám phá này để điều chỉnh lại suy nghĩ hoặc tinh thần của bệnh nhân.
Với bệnh động kinh, một nghiên cứu về cơn động kinh và các yếu tố kích phát bệnh đột ngột – có đề cập đến việc phân tích bản chất tinh thần của cá nhân – đã cung cấp các phương pháp tiếp cận bệnh động kinh theo lối phân tâm học, trong tương lai có thể đem lại các kết quả rất tốt.
Phương pháp phân tâm đặc biệt thích hợp với các chứng rối loạn thần kinh chức năng (đã không thể cải thiện bằng bất kì phương pháp nào khác). Đây cũng là phương pháp duy nhất thâm nhập đến những dồn nén, rối loạn nền tảng tận sâu trong vô thức, từ đó đem lại một phương cách chữa bệnh triệt để. Các liệu pháp khác đơn thuần chỉ dạy hay huấn luyện cá nhân cách lẩn tránh khỏi khó khăn của mình.
TÓM TẮT CHƯƠNG IV
Chưa bao giờ trước đó, thế giới tinh thần và những bí ẩn của vô thức được thăm dò sâu đến thế như trong phân tâm học. Chúng ta nhận ra, thì ra vô thức bảo vệ chính nó trước việc bị mang ra ánh sáng của ý thức.
Các biện pháp trị liệu thông thường không loại bỏ hoàn toàn gốc rễ các triệu chứng loạn thần kinh chức năng, nó vẫn còn đó và có thể xuất hiện trở lại gây rối loạn trong tương lai hoặc được điều chỉnh thành những triệu chứng khác. Tất nhiên, việc hồi phục một chứng rối loạn thần kinh chức năng còn phụ thuộc vào sự chuyển dịch và vào việc phân tâm có thể đập tan các phản kháng vô thức (khiến bệnh kéo dài) hay không.
Song có thể chắc chắn rằng, phân tâm học thực sự có thể thay đổi bản chất và những động lực, thôi thúc hay những mong muốn có tính man rợ và trái luân thường đạo lí của vô thức.
Xét đến cùng, trị liệu phân tâm là một cuộc đối đầu với vô thức – bóng tối thẳm sâu trong con người, “bảo thủ” và kịch liệt bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ bị phơi bày và đem ra ánh sáng. Trị liệu phân tâm giúp con người tận dụng năng lượng của vô thức, đi sâu vào căn nguyên của những rối loạn thần kinh chức năng thay vì lẩn tránh khỏi những khó khăn của căn bệnh.