“Tôi không biết khuyên anh điều gì ngoài điều này: đi sâu vào trong lòng mình và thăm dò những chiều sâu nơi đời sống của mình bắt nguồn, tại cội gốc đó anh sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi anh có buộc phải sáng tạo hay không. Hãy đón nhận những thanh âm của nó, không dò hỏi thêm. Có lẽ từ đó anh được gọi là một nghệ sĩ. Nếu thế thì hãy mang lấy số phận này, gánh lấy sức nặng và sự vĩ đại của nó, mà không đòi hỏi một phần thưởng nào có thể đến từ bên ngoài”
- Rainer Maria Rilke, Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi
Một điều được thừa nhận phổ biến là văn chương Nga có rất nhiều những nhân vật bất thường và phác họa chi tiết những bệnh tâm thần và thần kinh, và nó cung cấp (theo nghĩa đen) các nguyên liệu thú vị và giá trị cho nhà phân tâm học. Các ví dụ hay nhất về các nhân vật mắc bệnh tâm thần và thần kinh này được tìm thấy trong tiểu thuyết, nhưng đôi khi chúng tôi thấy khuynh hướng bệnh hoạn này cả trong thơ trữ tình Nga. Các độc giả đọc Tamara – một dạng mĩ nhân ngư42 Nga – của Lermontov, sẽ thấy một điểm giống đáng chú ý với bài thơ nổi tiếng của Heine ở chỗ: nó gắn khoái lạc với nỗi đau.
42 Thần thoại Đức: Một nàng tiên cá ở vùng biển Rhine dụ dỗ các thủy thủ va tàu vào đá ngầm.
CƠN ĐỘNG KINH CỦA NHỮNG NỖI THỐNG KHỔ
Trong các tiểu thuyết của Dostoevsky – người tô vẽ sức mạnh vĩ đại cho con người, có thể thấy các ví dụ điển hình về các chứng bệnh tâm thần. Chính ông cũng bị bệnh động kinh, do vậy hiểu căn bệnh này với mọi yếu tố gây đau khổ dẫn đến những cơn điên của con người. Dostoevsky mô tả chính xác đến kinh ngạc các chuyển đổi động kinh43, hiện tượng thoáng qua gây kích động lên cơn, lời cảnh báo các cơn điên và nhân cách động kinh. Vì lí do này, các tác phẩm của Dostoevsky cung cấp một bài giảng lâm sàng giá trị cho nhà phân tâm học44.
43 Chuyển đổi động kinh (epileptic conversion): Là một dạng rối loạn chuyển đổi, có triệu chứng động kinh.
44 Xem L. Pierce Clark, “A Study of Epilepsy of Dostoevsky” (Một nghiên cứu về chứng động kinh của Dostoevsky), Boston Medical and Surgical Journal (Tập san ý khoa và phẫu thuật Boston), 1915.
Không ai ngoài người bị động kinh lại có thể viết ra được bài mô tả một cơn động kinh chính xác và súc tích đến mức đáng kinh ngạc như vậy, giống như trong Tội ác và trừng phạt (Crime and Punishment). Với ông, một cơn động kinh – giống như mọi chứng động kinh – không có tính khách quan45, nó đơn thuần bao hàm một xúc động tác động mạnh kì lạ đến cơ thể và không thể nào mô tả nổi, và rồi làm đứt đoạn ý thức.
45 Tính khách quan (Objective): Nói về những triệu chứng bệnh mà người ngoài có thể nhận biết, nhưng bệnh nhân thì không.
Lấy ví dụ, Raskolnikov sau khi giết người, sắp sửa tự nguyện đầu thú trước cảnh sát, anh than phiền bị chóng mặt, và rồi Dostoevsky miêu tả: “Raskolnikov cầm mũ lên và đi về phía cửa, nhưng anh đã không đi được tới cửa… Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang ngồi trên một cái ghế, một ai đó phía bên phải đỡ lấy anh, người ở bên trái cầm một cái cốc vàng vàng chứa thứ nước màu vàng.”46 Đây là mô tả về một lần lên cơn động kinh thực sự, hệt như cách mà những người động kinh mô tả đặc điểm các cơn động kinh của họ – một cảm giác kì quặc và rồi thấy mình đang nằm trên sàn hay giường bệnh viện.
46 Tội ác và trừng phạt (Crime and Punishment), Phần II, Chương I, Bản dịch tiếng Anh của Constance Garnett.
CHỨNG VĨ CUỒNG CỦA NHỮNG THAM VỌNG VÀ KHÁT KHAO BỊ NGĂN TRỞ
Con quỷ nhỏ (The Little Demon) của Fyodor Sologub là một kiệt tác trong cả hai vai trò một tiểu thuyết lẫn một tài liệu bệnh tâm thần. Câu chuyện kể rằng:
Thầy hiệu trưởng Peredonov được hứa hẹn một chức thanh tra nếu anh cưới cô bồ của mình. Khi theo đuổi ý tưởng kết hôn để được thăng chức, anh rơi vào trạng thái hoang tưởng, đồi trụy tình dục, đốt phá, tra tấn và giết người. Điên rồ, mê hoặc, tàn bạo, Peredonov hành hạ học sinh của mình, có ảo giác về những hành động man rợ và suy thoái; nhưng với mọi người khác, anh ta là một thành viên nổi tiếng của xã hội.
Peredonov không biết rằng những tham vọng, khao khát bị gây trở ngại của mình đang khiến anh rơi vào một căn bệnh tâm thần được biết đến là chứng vĩ cuồng (paranoia)47.
47 Chứng vĩ cuồng (paranoia): Một trạng thái tâm thần luôn ảo tưởng rằng
Trong lịch sử tâm thần học, thuật ngữ này có nhiều biến thể mở rộng và được dùng tùy tiện, nhưng với các cá nhân có nhân cách giống Peredonov, từ này ám chỉ một dạng phản ứng tâm thần mà ở đó những chủ thể có khuynh hướng nhìn thấy sự ác độc trong mọi sự vật, sự việc, con người và diễn giải sai những sự kiện diễn ra trong thực tế.
Trong trường hợp của Peredonov, cũng giống như ở mọi bệnh nhân mắc chứng vĩ cuồng, các ảo tưởng là sự phát triển logic từ những tình huống thực tế trong cuộc sống của bệnh nhân. Những tình huống thực tế này bị diễn giải sai bởi những cảm xúc và khao khát không được thỏa mãn trở nên quá tải, như trong trường hợp của Peredonov.
Như vậy, sự hình thành ảo tưởng không phải là bệnh ảo tưởng, đó chỉ đơn thuần là triệu chứng, là sự bộc lộ ra bên ngoài của một chứng tâm thần nằm ẩn dưới.
Mọi bác sĩ đã từng phân tích cẩn thận căn nguyên và sự phát triển của các chứng ảo tưởng, hoang tưởng hẳn cũng từng nhìn thấy những Peredonov trong đời những người khác đang cố hoặc có âm mưu làm hại mình, hoặc phóng đại tầm quan trọng của chính mình. Chứng vĩ cuồng paranoia khác với chứng vĩ cuồng megalomania: Cả hai đều là bệnh tâm thần mà người bệnh cho rằng bản thân mình quan trọng; nhưng người bị paranoia lại có thêm đặc điểm là luôn nghĩ người khác có âm mưu hại mình. thực, và cũng đã để ý thấy tính đa nghi thái quá và sự diễn giải sai của họ về những tình huống trong đời sống thực tế.
Ngoại trừ Le Horla của Maupassant, tôi không biết tác phẩm văn xuôi nào mà trong đó các sự việc phức tạp rắc rối thuộc một chứng rối loạn tâm thần lại được tháo gỡ sáng tỏ một cách rất khéo léo như trong tác phẩm của Fyodor Sologub.
MỘNG TƯỞNG TUYỆT VỜI HAY SỰ BẤT MÃN CHẲNG THỂ CẤT LỜI
Một ví dụ khác là cuốn Oblomov của Goncharov, đã mô tả chính xác một tình trạng bệnh tâm thần, cả về phản ứng của bệnh nhân lẫn các phương cách giúp cá nhân đó thoát khỏi tình trạng tâm thần bất thường.
Oblomov đã đưa ra phác họa về một loại tính cách bị dồn nén, khép kín, một nhân cách hướng nội với những mâu thuẫn nội tại và những cảm xúc đau buồn. Trong đó cũng diễn tả cách làm thế nào mà tình yêu có thể tác động đến nhân cách hướng nội này, giống như cách một nhà trị liệu phân tâm làm với bệnh nhân.
Cuốn sách này do vậy có giá trị lớn đối với nhà trị liệu phân tâm. Bằng trực giác, tác giả đã mô tả lại quá trình phát triển của một chứng rối loạn thần kinh chức năng và cho ra được kết luận – mà để có được kết luận này, nhà phân tâm cần nhiều thời gian hơn, đối diện với những trải nghiệm đau đớn hơn. Rất có thể đây là kết quả những trải nghiệm riêng của tác giả. Chúng ta đang ở trước một quan điểm độc đáo và đồng thời có tính khoa học cao.
Để hiểu được cuốn sách và mối liên hệ của nó với tác giả và thời đại của ông, cần phải nói một đôi lời về Goncharov48. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Goncharov là Oblomov, cũng giống như người ta nói đến Turgeniev thì sẽ nói đến Cha và con trai (Fathers and Sons), nói đến Tolstoy với Chiến tranh và hòa bình (War and Peace), với Phục sinh (Resurrection). Đó là một trong những tác phẩm uyên thâm nhất nửa sau thế kỉ XIX. Ông nói:
48 Nhiều phần nói về Goncharov được lấy từ cuốn Ideals and Realities in Russian Literature (Lí tưởng và Thực tại của văn chương Nga) của Peter Kropotkin.
“Nó quả thực rất Nga (…) Chỉ một người Nga mới có thể thưởng thức trọn vẹn nó, nhưng nó đồng thời cũng mang tầm nhân loại, vì nó giới thiệu một mẫu hình có tính phổ quát, giống như Hamlet hay Don Quixote.”
“Con người phổ quát” này chính là đại diện cho một dạng nhân cách – thậm chí là một chứng bệnh – có đặc trưng là rút lui khỏi thực tại và sống đắm mình trong những giấc-mơ-ngày.
Có vẻ như có một kết nối chặt chẽ giữa nhân vật chính trong tiểu thuyết và bản thân tác giả ngoài đời, giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật tuyệt đỉnh, nó chẳng là gì khác hơn ngoài: Thế giới nội tại của Goncharov phóng chiếu thành một tạo tác bằng ngôn từ. Trong cuốn tự truyện ngắn của mình, Goncharov kể rằng:
“Người hầu của tôi – đứng đầu là bảo mẫu – thậm chí không để tôi có cơ hội bày tỏ một mong ước. Mọi thứ từ lâu đã được ngầm hiểu và sẵn sàng. Họ nhìn vào mắt tôi để đoán biết các ước muốn của tôi, cố gắng ghi nhớ những gì tôi thích nhất, bàn viết của tôi nên phải đặt chỗ nào, tôi thích cái ghế nào hơn, dọn giường cho tôi ra sao... Đầu bếp cố nhớ những món tôi thích thời thơ ấu… Và họ khen ngợi tôi không ngớt lời.”
Khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản ở Nga năm 1859, nó tạo ra một hiện tượng phi thường. “Mọi người Nga có giáo dục đều đọc Oblomov và tranh luận về Oblomov. Mỗi người đều thấy một chút gì đó của chính mình trong Oblomov, cảm nhận thấy căn bệnh của Oblomov chảy trong mạch máu mình… Và giờ đây sau bốn mươi năm, một người có thể đọc đi đọc lại Oblomov với cùng một niềm vui thích như gần nửa thế kỉ trước. Cuốn tiểu chuyết chưa hề mất đi ý nghĩa, trong khi lại có thêm nhiều ý nghĩa mới. Luôn có những Oblomov đang sống trong chúng ta.”
Luôn có những Oblomov đang sống! Mới đúng làm sao!
Suy nghĩ tự kỉ dưới dạng những giấc-mơ-ngày
Mỗi người trong chúng ta đều có một chút gì đó của Hamlet, của Faust. Oblomov cũng là một mẫu hình phổ quát như vậy. Nhà phân tâm học liên tục gặp gỡ những Oblomov trong khi trị liệu: Những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng sống trong những giấc-mơ-ngày của mình, ít nhiều rút khỏi thực tại, phô bày mặc cảm và sự trì trệ của tính hướng nội. Nhân vật - tính cách Oblomov là một nguyên liệu quá đỗi giá trị với nhà phân tâm, bởi nó phác họa bệnh rối loạn thần kinh chức năng của một con người thực sự.
Có thể phân tích trường hợp một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng điển hình sau:
Đây là một người đàn ông trẻ, một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng cùng cực – có thể gọi là một Oblomov thời hiện đại. Nhiều năm trời, anh ngày càng rời xa khỏi thực tại, xây nên một bức vạn lí trường thành tâm thần trong đầu. Giống như đang sống trong tử cấm thành, thích đắm mình vào những giấc-mơ-ngày hơn là tiếp xúc với thực tại.
Trường hợp của anh cũng giống như Oblomov, không hề có sự cân bằng giữa những cơn mộng mơ và hoạt động thực tế. Hoạt động thực tế không kiểm soát những cơn-mơ-ngày của anh, mà ngược lại, những cơn-mơ- ngày này choán đoạt thực tại và chi phối hoạt động thực tế. Từ thời thơ ấu, cũng như trong “Oblomov” và trong tự truyện của Goncharov, người thân của anh điều hướng tuyệt đối cuộc đời anh. Anh làm mọi thứ chậm chạp và với rất nhiều mặc cảm. Khi hoàn toàn bị những giấc-mơ-ngày của mình chế ngự, anh phô bày tính trì trệ mạnh mẽ, không chịu thay đổi và trở nên hoàn toàn chây ỳ.
Những giấc-mơ-ngày biếng nhác chính là hiện thân của các ước muốn hay khao khát không thể thỏa mãn trong thực tại. Đó được gọi là suy nghĩ tự kỉ (autistic thinking)49 – một thuật ngữ được nhà trị liệu người Thụy Sĩ Bleuler giới thiệu.
49 Suy nghĩ tự kỉ (autistic thinking): Là một tình trạng tâm thần chỉ biết đến mình, bận tâm với những ý nghĩ nội tại, những giấc-mơ-ngày, tưởng tượng, ảo tưởng, thôi thúc và logic cá nhân. Tư duy này có tính coi mình là trung tâm, chủ quan, thiếu tính khách quan và ưa chuộng một thực tại có tính cá nhân, nội tại, tự si hơn là thực tại bên ngoài.
Suy nghĩ tự kỉ này mang tính phổ quát, từ lúc còn là đứa trẻ đến khi trưởng thành. Nó tồn tại ở mọi mức độ trong con người. Ở những cá nhân bình thường và khỏe mạnh, nó bị giữ trong những giới hạn nhất định bằng suy nghĩ logic, thế nên suy nghĩ tự kỉ không chiếm được ưu thế. Khi thế cân bằng giữa hai loại suy nghĩ bị phá vỡ, một chứng rối loạn thần kinh chức năng trỗi dậy và phát triển. Người bệnh rút khỏi thực tại và sống trong thế giới phi-thực của những giấc-mơ-ngày. Nhưng anh ta luôn có thể – bằng nỗ lực của mình – đưa chính mình quay trở lại tiếp xúc với thực tại. Có thể dùng một cụm từ có phong cách tuyệt vời và trang trọng như Milton để mô tả: Bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng đang liên tục “ngấm ngầm tạo nên các đế chế hão huyền.”
Trong những ca nặng, cá nhân hoàn toàn bị tư duy tự kỉ của mình chiếm hữu. Anh ta mất mọi liên hệ với thực tại, sống trong những giấc-mơ-ngày, những câu chuyện thần tiên của mình. Và việc sống trong các câu chuyện thần tiên này có thể gây ra một tình trạng ảo tưởng mà chủ thể không thể nào tự trục xuất được. Câu chuyện là thực với anh ta, anh ta tin vào nó, và do vậy, dù lập luận có lí đến mức nào cũng không thể lay chuyển niềm tin đó của anh ta. Một người như thế, nói theo thuật ngữ chuyên ngành, là thiếu sự sáng suốt. Những người này tin rằng họ là một nhân vật lớn, một vị vua hay nữ hoàng, Napoleon hay Jesus… Đối với người bình thường, những ý tưởng, niềm tin như thế hoàn toàn vô lí, tuyệt đối bất khả thi, nhưng với người bị tư duy tự kỉ chiếm cứ, đó hoàn toàn là sự-thật.
Trong Lễ đăng quang của ngài Thomas Shap (The Coronation of Mr. Thomas Shap)50 của lãnh chúa Dunsany – một tác phẩm văn học đương đại tuyệt đẹp, suy nghĩ tự kỉ chiếm lấy nhân cách nhân vật, và do vậy anh ta hoàn toàn rút khỏi thực tại.
50 Lord Dunsany, The Book of Wonder (Cuốn sách kì diệu), 1912.
Ngài Shap vốn sống một đời thư kí văn phòng tẻ nhạt, đơn điệu, nhàm chán cho đến khi anh lần đầu tiên lĩnh hội được “tính chất khó chịu của công việc” và từ khoảnh khắc đó, anh đã có “những giấc mơ viển vông nho nhỏ, như ngụ cả ngày mơ mộng trên những cánh đồng và con sông dưới ánh mặt trời”. Từng chút một, anh rút ngày càng xa khỏi thực tại, “tâm hồn anh không còn nằm trong thực tại”. Anh bắt đầu sống một cuộc sống khác, bỏ bê công việc. Trong trí tưởng tượng của mình, anh sống trong những viễn cảnh lộng lẫy huy hoàng kiểu phương Đông, cuối cùng thống trị nơi đó như một vị vua “ngự trên một viên thạch anh tím”.
Chúng ta có một bức tranh nội tâm tuyệt đẹp của một người mắc chứng vĩ cuồng. Nhưng ẩn sâu bên trong lại là niềm đau đớn của một nhân cách không thỏa mãn với thực tại, ở đó sự cân bằng giữa những suy nghĩ của riêng anh và việc tiếp xúc với thực tại đã hoàn toàn bị phá vỡ.
Không có ranh giới nghiêm ngặt nào giữa suy nghĩ tự kỉ, những ý tưởng bị dồn nén của những cá nhân bình thường và của những ca bệnh. Ở những cá nhân bình thường, có một thế cân bằng liên tục: vẫn luôn tồn tại nhiều điểm tiếp xúc với thực tế. Trong những trường hợp bất thường, những điểm tiếp xúc này trở nên ngày càng ít hơn, đến khi chúng hoàn toàn biến mất. Những suy nghĩ tự kỉ, nếu cân băng tốt với thực tại, tuyệt đối không nguy hiểm. Một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng khác với một cá nhân bình thường ở chỗ anh ta mất đi những điểm tiếp xúc với thực tại.
Như Bleuer nói:
“Một nhân loại không có suy nghĩ tự kỉ hẳn không thể nào phát triển được (…) Suy nghĩ tự kỉ bao hàm hầu hết các lí tưởng của chúng ta. Các dạng suy nghĩ tự kỉ hàng ngàn năm qua đã tạo nên đạo đức xử thế của con người; tạo ra các lí tưởng vốn bất khả thi dưới góc độ suy nghĩ logic. Ban đầu đó chắc chắn là những lí tưởng mơ hồ, nhưng lại là những ngôi sao dẫn lối trên con đường mà loài người dò dẫm bước đi.”51
51 E. Bleuer, “Autistic thinking” (Suy nghĩ tự kỉ), American Journal of Insanity (Tập san của Mĩ về chứng Điên), Số đặc biệt.
Suy nghĩ tự kỉ trong hình hài cổ tích “người đẹp ngủ trong rừng”
Kiểu mẫu người đẹp ngủ trong rừng chạy xuyên suốt nền cổ tích cũng là một loại suy nghĩ tự kỉ và có thể được chia thành các dạng khác nhau:
(i) Dạng thứ nhất, như câu chuyện tuyệt vời của Catulle Mendes – “Người đẹp ngủ trong rừng”. Nàng công chúa mơ những giấc mơ đẹp trăm năm, và trong những giấc mơ của nàng, nàng “được một người đẹp trai hơn bất kì hoàng tử nào trên đời này yêu tha thiết. Chẳng ích gì khi tỉnh khỏi cơn mê này.” Rồi nàng tiếp tục ngủ và mơ mãi trong những giấc mơ.
(ii) Dạng thứ hai, giống trong “Giấc mơ ngày” (Day Dream) của Tennyson, nụ hôn màu nhiệm của hoàng tử đã đánh thức công chúa khỏi giấc ngủ. Nàng tỉnh dậy và “sống hạnh phúc bên chàng đến đầu bạc răng long”.
Việc thỏa mãn ước nguyện và hệ biểu tượng trong các câu chuyện cổ tích lại tương ứng với những gì xảy ra với chủ thể rối loạn thần kinh chức năng. Ở trong những người này, suy nghĩ tự kỉ hoặc giấc-mơ-ngày cũng có thể có hai dạng:
(i) Một dạng trong đó chủ thể muốn ở tình trạng khép kín, giống như trong trạng thái ngẩn ngơ gần với vô thức của bệnh tâm thần phân liệt52.
52 Tâm thần phân liệt (Schizophrenia): Là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự suy giảm quá trình suy nghĩ và sự thiếu hụt các đáp ứng cảm xúc điển hình. Người mắc bệnh tâm thần phân liệt (còn gọi là bệnh phân tâm loạn trí) điển hình trải qua các biến đổi về hành vi, nhận thức và suy nghĩ bị rối loạn có thể làm lệch lạc nhận thức về thực tại của họ. Các triệu chứng thường gặp như: ảo giác, nghe thấy tiếng động hay giọng nói đến từ tâm trí và tự thức biến nó thành những cảm xúc tiêu cực và tích cực. Bởi sự tương tác đó đã tác động đến cảm xúc, dẫn đến phản ứng hành vi không rõ ràng của bệnh nhân, thỉnh thoảng thường có thái độ căm ghét, thù hận những người thân, gia đình và xã hội. Người bệnh không thể định được thân tâm, rối loạn suy nghĩ, vô cảm và thiếu động lực sống, bất ổn trí nhớ.
(ii) Dạng thứ hai, trong đó có một cuộc đấu tranh liên tục để đột phá cái vỏ mơ-ngày, như trong chứng cuồng loạn và các bệnh rối loạn thần kinh chức năng khác nhau. Chiến thắng quyết định chỉ có thể có được bằng một phương pháp trị liệu phân tâm thành công.
Như vậy có thể thấy, những câu chuyện cổ tích và các chủ thể rối loạn thần kinh chức năng có cùng một cơ chế tâm thần, bởi thực tế: Những người tạo nên các câu chuyện cổ tích đã vật lộn với những mâu thuẫn giống như người bệnh thần kinh, chỉ có điều khác là họ phóng chiếu các mâu thuẫn đó vào thế giới văn chương tưởng tượng.
Như Ricklin nói:
“Cổ tích là những câu chuyện kết tinh từ trải nghiệm của tâm hồn con người tiền sử, chúng được hình thành ngay lập tức trong đầu, được sử dụng trực tiếp; và đó là khuynh hướng thỏa mãn ước nguyện phổ biến của con người, mà chúng ta một lần nữa lại thấy xuất hiện trong văn chương hư cấu hiện đại – dưới các dạng thức khác nhau và phức tạp hơn.”53
53 Dr. Franz Ricklin, Wishfulfillment and Symbolism in Fairy Tales (Thỏa mãn ước nguyện và biểu tượng hóa trong các câu chuyện cổ tích), 1915.
Trong thực tế, những giấc mơ thường giống các câu chuyện cổ tích và có thể được gọi là các câu chuyện cổ tích đến từ vô thức.
Như vậy hệ biểu tượng có tính phổ quát được tạo dựng từ vô thức và được phóng chiếu:
(i) vào các câu chuyện cổ tích và thần thoại nguyên thủy; hoặc
(ii) vào các giấc mơ; và
(iii) các chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Tiểu luận của Freud lấy tiểu thuyết Gradiva của Wilhelm H. Jensen54 làm nền tảng là ví dụ đầu tiên về việc áp dụng phân tâm học vào phân tích một cuốn tiểu thuyết. Trong Oblomov, cũng như trong Gradiva, tác giả không biết gì về phương diện lí thuyết và kĩ thuật thực tiễn của phân tâm học, nhưng trong đó không chỉ mô tả chính xác một bệnh rối loạn thần kinh chức năng, mà còn cho thấy bằng cách nào tình cảm có thể làm dịu một người bệnh mắc chứng rối loạn thần kinh chức năng. Ý tưởng Gradiva không hoàn toàn là một sản phẩm từ trí tưởng tượng của tác giả, mà nó có thể xảy ra trong một chứng rối loạn thần kinh chức năng thực sự, như tôi từng có cơ hội quan sát:
54 Gradiva là một cuốn tiểu thuyết của Wilhelm Hermann Jensen, xuất bản lần đầu năm 1902 trên tờ báo Vienna Neue Freie Presse (New Free Press). Nó được lấy cảm hứng từ một bức phù điêu La Mã cùng tên và trở thành nền tảng cho tập tiểu luận Delusion and Dream (Ảo tưởng và Giấc mơ, 1907) theo hướng phân tâm học nổi tiếng của Sigmund Freud.
Trong ca này, giấc mơ của một cô gái trẻ rối loạn thần kinh chức năng có chi tiết và hệ biểu tượng rất giống với giấc mơ của nhà khảo cổ trẻ trong “Gradiva”.
Trong một ca khác, một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng trẻ tuổi đã mơ thấy nhà trị liệu của mình ngồi ở một cái bàn gồ ghề, khắc một bông hoa sen lên mảnh gỗ nhỏ hình bầu dục bằng một con dao nhỏ giống như dao mổ.
Cách dùng biểu tượng ở đây rất rõ. Con dao mổ ám chỉ rằng nhà trị liệu phân tâm kia làm việc với con người giống như một nhà phẫu thuật. Trong thực tế, nó mô tả phân tâm học như là sự phẫu thuật tâm trí, trong đó hành động chạm khắc tượng trưng cho việc trị liệu phân tâm. Trong cả hai trường hợp (ví dụ này và cuốn tiểu thuyết), các giấc mơ đại diện cho những cảm xúc bị dồn nén của cá nhân, những cảm xúc bị dồn nén ấy được biểu tượng hóa qua nghệ thuật trạm trổ của giấc mơ.
Trong cả hai cuốn tiểu thuyết, nhân vật các cô gái hành động như một nhà trị liệu phân tâm: trong Gradiva, cô chữa lành ảo tưởng; trong Oblomov, cô gần như hoàn toàn làm dịu đi những cảm xúc bị phong bế, dồn nén của nhân vật nam.
Như Freud nói rất phải:
“Trong Gradiva, về phương diện trị liệu, cô gái ở vào một ví trí có thể gọi là lí tưởng từ nhiều góc độ. Nhà trị liệu không tìm hiểu về bệnh nhân từ trước và không có những kí ức về bệnh nhân – nơi có thể lưu giữ điều gì đó thuộc về vô thức của anh ta, thế nên phải cầu cứu đến một kĩ thuật phức tạp nhằm loại bỏ chướng ngại ban đầu để đi sâu vào những vùng kí ức đó. Khi nguồn gốc được truy nguyên thì những rối loạn cũng biến mất. Cùng lúc đó, phương pháp phân tâm mang đến sự chữa lành.”55
55 S. Freud, Delusion and Dream (Ảo tưởng và Giấc mơ), 1918.
Trường hợp Oblomov56: Ảo tưởng và Giấc mơ
56 Coriat sử dụng bản dịch Oblomov của C. J. Hogarth.
Oblomov là một quý ông người Nga với tiềm lực tài chính vừa phải, sống ở Petrograd vào khoảng giữa thế kỉ XIX. Chủ đề chính của cuốn sách nằm ở nỗ lực của bản thân Oblomov, của bạn bè anh và của cô gái Olga nhằm đưa Oblomov thoát khỏi cuộc sống hướng nội khép kín, đi đến tiếp xúc với thực tại.
Nói cách khác, cuốn sách mô tả cuộc đấu tranh giữa sự hướng nội thu mình và sự cởi mở hướng ngoại, giữa khuynh hướng chỉ sống trong chính mình với nỗ lực hướng mối quan tâm, niềm thích thú ra bên ngoài, nỗ lực gắn mình với những vật thể và sống trong các sự kiện của thực tại. Tầm quan trọng và sự thấu hiểu uyên thâm mang tính phân tâm học của cuốn sách nằm ở chính điểm này.
Thái độ tâm thần với môi trường xung quanh, tính trì trệ không chịu thay đổi của nhân vật được thể hiện rất rõ trong đoạn mô tả dưới đây:
Trên các bức tường và xung quanh các bức tranh phủ đầy mạng nhện cùng bụi bặm; những tấm gương, thay vì phản chiếu, phát huy tác dụng hơn trong vai trò tấm bảng lưu lại danh sách những thứ phải nhớ; mỗi tấm chiếu đều lốm đốm vết bẩn; trên ghế sô pha, một cái khăn tắm bị bỏ quên, và trên bàn (vào hầu hết các buổi sáng), một cái đĩa, một lọ muối, một mẩu bánh mì ăn dở, rải rác vụn bánh – tất cả chúng ở đó từ bữa tối tối qua, chưa được lau dọn (…) Mọi thứ nhìn thật bụi bặm và bạc màu, thiếu vắng sinh khí và dấu vết sự hiện diện của con người. Trên các tủ kệ, hai ba cuốn sách đang để mở, một tờ báo vứt bừa, trên bàn viết có một lọ mực và vài cái bút; các trang sách để mở đều phủ đầy bụi và bắt đầu ngả vàng (chứng tỏ chẳng ai động đến chúng từ lâu), tờ báo đề ngày tháng từ năm ngoái, và từ lọ mực nhô lên một con ruồi vô chủ, hễ một chiếc bút được nhúng vào, nó liền phát ra tiếng vo vo đáng sợ.
Hiện thực cuộc sống bên-ngoài của Oblomov chính là như vậy: trì trệ, tâm thần và lãnh đạm. Ấy vậy anh lại buông mình vào những giấc-mơ-ngày, sống và đắm chìm trong chúng. Những giấc mơ này bỗng trở thành thế-giới-thực của anh, mà chính anh - người mơ cũng không hề hay biết, giống như Raskolnikov trong Tội ác và trừng phạt không ý thức được cơn động kinh của mình.
Và đây, chi tiết hơn nữa về những giấc-mơ-ngày của Oblomov:
Trong phòng làm việc của Oblomov, mọi thứ đều yên lặng như một hầm mộ. Zakhar nhìn trộm qua khe cửa và thấy ông chủ của mình đang nằm sấp trên ghế sô pha, đầu tựa vào lòng bàn tay. Gã hầu bước vào phòng.
“Sao ngài lại nằm nữa vậy?” Anh hỏi.
“Đừng làm phiền ta! Anh không thấy ta đang đọc à?” Oblomov trả lời cộc lốc.
“Không, nhưng ngài phải rửa ráy, và rồi viết lá thư đó!” Zakhar thúc giục, kiên quyết không chịu lung lay.
“Phải, ta cho là ta phải. Ta sẽ làm ngay thôi. Còn bây giờ ta đang bận suy nghĩ.”
Thực ra, anh đã đọc một trang trong cuốn sách đang mở - một trang đã ngả vàng sau một tháng bị phơi ra. Đọc xong, anh đặt nó xuống và ngáp.
“Mọi thứ mới khiến ta mệt mỏi làm sao!” Anh thì thầm, duỗi rồi co chân lại. Liếc nhìn trần nhà, một lần nữa đắm mình vào trạng thái mê man khoái lạc tận sâu trong vô thức. Anh nói với chính mình bằng một giọng cứng rắn nhất thời: “Không, công việc trước tiên!” rồi lật người lại và đan hai tay ra sau đầu.
Khi nằm đó, anh nghĩ về kế hoạch nâng cấp cơ ngơi của mình. Nhanh chóng, anh chuyển sang xem xét lại các kế hoạch xây dựng cơ bản và quan trọng nhất định ảnh hưởng đến thửa đất cày cấy của mình và tiền thuế phải đóng cho nó. Sau đó anh dựng lên một lộ trình mới và chặt chẽ hơn để đối phó với tính lười biếng và đỏng đảnh trong vai trò người nông dân, và rồi chuyển sang những ý tưởng lặt vặt khác về việc thu xếp cuộc sống của riêng anh ở nơi thôn quê.
Trước tiên, anh mê mải trong ý tưởng thiết kế một ngôi nhà mới. Anh hăm hở kề cà ở cách bố trí phòng và ghi vào đầu kích thước phòng ăn và phòng bi-a, quyết định hướng các cửa số trong phòng làm việc của anh. Quả thực, anh thậm chí đã nghĩ về đồ nội thất và thảm trải sàn. Tiếp đến, anh thiết kế một phòng khác, tính toán số lượng khách nó có thể chứa và chừa ra những vị trí thích hợp để làm chuồng ngựa, nhà để xe ngựa và khu cho người hầu; sau cùng anh chuyển sự chú ý sang cái vườn. Cây chanh già và những cây sồi nên được để nguyên như vậy, nhưng những cây táo và lê nên bỏ đi, thay bằng cây keo. Anh còn dành một chốc lát cân nhắc ý tưởng về một công viên, nhưng sau khi tính toán chi phí bảo dưỡng nó, anh đi tới kết luận rằng thứ xa xỉ như thế là quá đắt đỏ, vì thế anh chuyển sang thiết kế vườn cam và chuồng chim.
Những ảo ảnh hấp dẫn về sự phát triển tương lai của mảnh đất bay vụt qua trước mắt anh sống động đến mức anh đã tưởng tượng ra chính mình an cư ở đó, tham gia vào việc chứng kiến kết quả thực hiện trong vài năm các kế hoạch xây dựng của mình.
Vào một chiều mùa hè đẹp đẽ, anh dường như đang ngồi ở một bàn trà trên hiên của Oblomovka, dưới tán lá râm mát mà mặt trời không thể nào xuyên qua được. Từ cái tẩu dài trong tay, anh uể oải nuốt khói thuốc và say sưa với cảnh thú vị và cái mát mẻ, trầm lặng của khung cảnh xung quanh. Ở đằng xa, một vài cánh đồng đang ngả vàng, mặt trời đang lặn phía sau một lùm cây bu-lô quen thuộc, nhuộm đỏ mặt hồ phẳng lặng như gương. Từ cánh đồng, một màn sương dâng lên theo cái lạnh buổi chiều tà, và bóng tối nhá nhem đang ập đến. Chốc chốc dội vào tai anh tiếng nói chuyện ồn ào của những người nông dân trên đường về nhà, và ở các cổng vào, đám người hầu của tòa nhà đang ngồi thư giãn, tiếng đàn balalaika57 và tiếng trò chuyện của các cô gái khi họ tiếp tục chơi gorielki58. Xung quanh anh, những đứa con nhỏ của anh đang nô đùa, thỉnh thoảng leo lên đầu gối anh và bá cổ anh; trong khi đó ngồi phía sau bình trà samovar là người thống trị thực sự mọi thứ mà đôi mắt anh đang nhìn ngắm – vị thần của anh, người phụ nữ của đời anh – vợ anh!… Và trong phòng ăn – một căn phòng vừa thanh lịch vừa đơn giản, một ngọn lửa vui mắt đang rực cháy và Zakhar – giờ đây được thăng chức thành quản gia, ria mép đã ngả bạc – đang bày biện trên một cái bàn tròn lớn chỗ này một cái bình thon cổ59, chỗ kia một cái dĩa, cùng với tiếng leng keng của bạc và pha lê.
57 Nhạc cụ 3 dây giống đàn luýt.
58 Một môn thể thao dạng như môn vật tự do.
59 Bình đựng rượu, nước.
(…) Nét mặt của Oblomov ửng đỏ với niềm vui thích trước ảo cảnh đó. Thật quá sống động, quá rõ ràng, quá thơ mộng đến mức trong một chốc, anh nằm vùi mặt vào đệm sô pha. Đột nhiên trong anh nổi lên một khao khát mơ hồ về tình yêu và hạnh phúc; đột nhiên anh trở nên khao khát những cánh đồng và ngọn đồi nơi anh sinh ra, khao khát mái ấm của anh, vợ anh, con anh. Sau khi nằm sấp một hai phút, anh xoay người trở lại. Nét mặt anh sáng bừng lên với cảm xúc rộng lượng, và lúc này anh thấy hạnh phúc.
(…) Trong vùng anh sống, sẽ là những mùa hè miên man, những cuộc vui bất tận, đồ ăn thức uống ngon lành không bao giờ cạn, và những niềm vui từ sự uể oải bất diệt.
“Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi!” Anh hét lên với trọn vẹn niềm vui sướng. Và, anh tỉnh dậy! Một lần nữa dội vào tai anh là tiếng của những người bán than, cát và khoai tây rong ở trong sân. Một lần nữa anh có thể nghe thấy ai đó đang cầu xin quyên góp tiền xây nhà thờ. Một lần nữa từ một tòa nhà đang xây dựng trong khu, phát ra một mớ hỗn độn tiếng thét của những người công nhân xây dựng, trộn với tiếng dụng cụ lẻng kẻng.
Cơn ảo tưởng dần phai thành một giấc-mơ-ngày, có mọi đặc điểm của một giấc mơ thực sự – nơi đó ước nguyện hoàn thành được phóng chiếu vào tương lai.
Lời khuyên y khoa cho chứng rối loạn thần kinh chức năng này rất thú vị, nhưng không chuẩn theo như các tiêu chuẩn hiện đại của chúng ta.
“Bạn phải tránh các loại cảm xúc vì chúng chắc chắn cản trở chữa trị thành công. Thay vào đó, hãy cố tiêu khiển bằng cách đạp xe, nhảy nhót, tập thể dục điều độ ở ngoài trời, có những cuộc chuyện trò vui vẻ – đặc biệt là trò chuyện với người khác giới. Những việc này giúp cho nhịp tim của bạn nhẹ nhàng hơn và chỉ trải nghiệm những cảm xúc dễ chịu. Một lần nữa, bạn phải gác sang một bên mọi hoạt động viết và đọc. Thuê một căn biệt thự nhìn ra hướng nam, tràn ngập hoa, âm nhạc và phụ nữ.”60
60 Như đã nói, mọi thú giải trí đều chỉ là một liều thuốc xoa dịu tạm thời, nếu như không muốn nói, là thuốc độc trá hình. Chúng chẳng ích gì trong việc chữa lành (Chú thích của ND).
Nên nhớ rằng: Một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng mang theo những mâu thuẫn nội tâm của mình đến bất cứ nơi nào anh ta đi. Thế nên việc thay đổi không gian, đi du lịch không giúp ích gì cho việc chữa lành.
Trong những giấc mơ của Oblomov, anh quay trở về với cuộc sống trong quá khứ, hồi tưởng lại nó từ lúc thơ ấu, giống hệt việc một cá nhân rối loạn thần kinh chức năng luôn làm. Đây là cơ hội để làm rõ bối cảnh mà từ đó nhân cách khép kín của anh phát triển. Trong một đoạn văn đáng kinh ngạc, toàn bộ quá trình phát triển cảm xúc của Oblomov được tóm tắt và mô tả:
Hơn nữa, bất cứ điều gì chàng trai muốn, vào bất cứ lúc nào, đều có ba bốn người hầu vâng lệnh anh; thế nên anh không bao giờ học được cách phải làm gì cho chính mình.
Ấy vậy mà cuối cùng, sự lo lắng, nuông chiều của bố mẹ khiến anh mệt mỏi. Bao giờ cũng thế, anh – dù chỉ đi ngang qua sân, hay xuống cầu thang – đều nghe thấy những tiếng hét với theo “Con đang đi đâu đấy, Illya?” “Sao con có thể làm thế?” hay “Con sẽ ngã và bị đau đấy!” Được nuông chiều như thể một loài cây quý trong nhà kính, anh lớn lên chậm chạp và uể oải, dần hướng những năng lượng của mình vào bên trong, và dần khiến chúng cạn kiệt.
Cũng như Zoe trong tiểu thuyết Gradiva của Jensen, Olga có ảnh hưởng đến quá trình trị liệu cho Oblomov. Cô ấy tác động đến đời sống bị dồn nén và hướng nội của anh giống như men hóa học hay chất xúc tác, cô ấy muốn hút vào mình những cảm xúc bị dồn nén và khép kín của Oblomov. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, cô ấy chỉ thành công một phần, vì Oblomov được kéo ra khỏi các bức tường nhà tù tâm trí khép kín của mình một cách không trọn vẹn, và rồi chứng rối loạn thần kinh chức năng của anh tái trở lại, chìm xuống một tầng vô thức thấp hơn, anh quay trở về khuynh hướng dinh dưỡng thuần túy của tuổi thơ. Chuyện tình của hai người do vậy được mô tả:
Từ lần đó trở đi, cô sống trong riêng anh; trong khi đó về phần anh, tra tấn não mình để không khiến cô mất lòng. Bất cứ khi nào cô phát hiện trong tâm hồn anh – và cô có thể thăm dò tâm hồn đó rất sâu – dấu vết nhỏ nhất của những tính cách trước đây, cô sẽ mắng anh như tát nước vì tính thờ ơ và nỗi sợ hãi cuộc sống của anh. Ngay khi anh chuẩn bị ngáp, khi anh thực sự đang mở miệng để ngáp, cái nhìn kinh ngạc của cô khiến anh chết cứng, và miệng anh đóng lại với một tiếng cách buốt răng. Anh càng vội vàng hơn nữa để phục hồi lại sự hoạt bát của mình bất cứ khi nào anh thấy rằng nỗi mệt mỏi uể oải của anh đang truyền sang cô, có nguy cơ khiến cô trở nên lạnh lẽo và khinh bỉ anh. Ngay lập tức anh quay trở lại hoạt động hăng hái; và rồi bóng tối giữa họ biến mất, và sự thương cảm cho nhau một lần nữa lại hòa chung nhịp đập, rõ ràng và mạnh mẽ.
(…) Đúng là anh không còn ngủ cả ngày nữa; ngược lại, anh đạp xe, đọc, đi bộ và thậm chí còn định tiếp tục viết lách và những kế hoạch nông nghiệp của mình. Cho đến giờ, hướng đi sau chót, ý nghĩa cuộc sống của anh vẫn nằm trong phạm vi những ý định tốt đẹp. Anh đặc biệt thấy phiền mỗi khi Olga hỏi anh dồn dập vài câu hỏi cụ thể nào đó và đòi hỏi anh – như thể một chuyên gia – thỏa mãn trọn vẹn trí tò mò của cô.
Việc này diễn ra thường xuyên, và không phải xuất phát từ sự mô phạm của cô, mà là từ một khao khát biết được cái đúng và sai của mọi thứ.
Đôi khi một câu hỏi thu hút cô đến mức cô quên mất chiếu cố đến Oblomov. Chẳng hạn một dịp, cô đã khẩn nài anh cho ý kiến về những ngôi sao đôi, và anh đã khinh suất giới thiệu Herschel cho cô, anh đã bị phái đi mua cuốn sách của vị tác giả vĩ đại đó, bị ra lệnh đọc hết nó và giải thích tương tự từ những gì anh đọc để khiến cô hài lòng. Vào một dịp khác, anh đã thiếu suy nghĩ lỡ mồm nói một hai từ về những trường phái vẽ tranh khác nhau, do vậy anh đã phải dành một tuần đọc và giải thích, đồng thời phải có những chuyến thăm vặt vãnh đến bảo tàng Hermitage. Cuối cùng, anh mới thấy lo sợ làm sao mỗi khi cô hỏi anh một câu hỏi!
Đây là lúc sự chuyển dịch của Oblomov bị đánh bại: đây là chỗ tình yêu thất bại. Sự chuyển dịch có tính cảm xúc này thực ra chỉ là nỗi thương cảm (sự thông cảm giữa hai cá nhân – hình thành nền tảng của mọi chuyện tình), và những chuyện tình thường có kết thúc buồn bởi sự chuyển dịch này thất bại.
Tại sao? Bởi trong mọi chuyện tình, một trong các bên cần phải nỗ lực cắt bỏ sợi dây neo hay những vướng mắc với các thành viên trong gia đình của riêng họ, với những mối quan hệ máu mủ của họ. Chỗ nào việc (cắt bỏ) này thất bại hay chỉ thành công một phần, chỗ đó khởi lên một mâu thuẫn tâm thần giữa ý thức và vô thức trong suốt thời gian yêu đương. Và trong những trường hợp này, mâu thuẫn ấy gây ra lo âu nhiễu tâm (neurotic anxiety/neurosis anxiety)61. Chính vì lí do này mà nhiều người trẻ bị cái gọi là suy nhược thần kinh trong suốt giai đoạn hứa hôn. Nỗi thương cảm được chấp nhận, nhưng sự chuyển dịch giữa hai giới vẫn chưa trọn vẹn: Ở người đàn ông trẻ, nó không trọn vẹn vì mối vướng mắc nặng lòng quá mạnh mẽ với người mẹ. Ở người phụ nữ trẻ là do vướng mắc nặng lòng quá lớn với người cha.
61 Lo âu nhiễu tâm (neurosis anxiety): Là cảm giác lo sợ những bản năng của Id vượt quá tầm kiểm soát, khiến cá nhân thực hiện những hành vi dẫn đến bị trừng phạt.
Ở những trường hợp này, lo âu nhiễu tâm có tính ý thức, nhưng mâu thuẫn tâm thần, sự vướng mắc quá mức với cha hoặc mẹ rất mạnh mẽ và bị đóng sâu vào vô thức – nó chỉ có thể được dò ra thông qua một phương pháp phân tâm. Như thường lệ, sự vướng mắc quá mức này rất dễ thấy trong các giấc mơ, ở đó người cha/mẹ xuất hiện trong dạng ít nhiều bị che đậy, hoặc đôi khi trong một hình ảnh cô đọng – giống như một bức ảnh ghép giữa vị phụ huynh đó và người yêu.
Vướng mắc quá mức với gia đình này được mô tả rất đẹp trong giấc mơ đầu tiên của Oblomov. Trong giấc mơ, anh bảy tuổi và thức dậy trên chiếc giường cũi ở nhà:
Bảo mẫu của Oblomov đã chờ anh thức dậy từ lâu, và giờ bà bắt đầu đi vớ dài cho anh. Anh từ chối không để bà làm: anh đạt được mục đích đó bằng cách nhảy cẫng lên và đá chân, trong khi bà cố nắm lấy chân anh, cả hai cùng cười vui vẻ. Sau cùng, bà nâng anh ngồi lên đùi bà, rửa và chải tóc cho anh; sau đó bà đưa anh đến chỗ mẹ. Khi thấy người mẹ đã mất từ lâu của mình, Oblomov đang ngủ run lên với niềm vui sướng và cảm động, từ dưới mí mắt của anh, vô thức vẫn còn hai giọt nước mắt lặng lẽ chảy mãnh liệt…
Mẹ anh tới tấp trao anh những nụ hôn trìu mến, nhìn anh với vẻ lo âu nhẹ nhàng xem liệu mắt anh đã rõ và khỏe hay chưa. Anh có đau ốm chỗ nào không? Bà hỏi bảo mẫu: Anh có ngủ ngon không, hay nằm thức ban đêm? Anh có mơ giấc mơ nào không? Anh có sốt hay bồn chồn không? Sau cùng, bà nắm lấy tay anh, dẫn anh đến chỗ tượng thánh thiêng liêng. Quỳ xuống với một tay ôm anh, bà nhắc cho anh những lời cầu nguyện, trong khi cậu bé nhắc lại chúng chẳng mấy tập trung, vì cậu thích hướng mắt về phía cửa sổ hơn, từ nơi đó sự tươi mát và mùi hương của một cây đinh hương đang lan tỏa khắp phòng.
“Mẹ ơi, hôm nay chúng ta sẽ đi dạo chứ?” Cậu đột nhiên hỏi.
“Đúng thế, cưng à!” Bà trả lời vội vàng, tập trung nhìn bức tượng thánh, và nhanh chóng kết thúc nghi thức thiêng liêng. Tâm hồn bà phóng chiếu vào từng lời cầu nguyện kia, trong khi đó cậu bé chỉ lặp lại chúng một cách thờ ơ lãnh đạm.
Như vậy, Oblomov chỉ đơn thuần đang suy nghĩ tự kỉ và những giấc mơ của anh là những bước thoái lùi trở về những ngày hạnh phúc của thời thơ ấu – khi anh gắn bó với những thành viên trong gia đình.
Nghĩa là, những giấc mơ đó đích thực mang ý nghĩa hoàn thành ước nguyện.
Nghĩa là, giờ đây anh không hạnh phúc. Anh không còn là một đứa trẻ nữa (nhưng vẫn muốn sống mãi trong niềm hạnh phúc của tuổi thơ). Thế nên anh rút vào sống trong thế giới của chính mình. Tuổi thơ thực sự của anh đang thiu thiu ngủ trong vô thức người lớn của anh và chỉ xuất hiện như một thực thể sống động dưới dạng một giấc mơ.
CHỨNG LÃNH ĐẠM CỦA OBLOMOVKA
Trong phân tâm học được gọi là một chứng rối loạn thần kinh chức năng hướng nội, có mọi loại cường độ và được thể hiện qua việc:
1. Cá nhân dần khép mình lại, ngày càng phong kín hơn trước thực tại;
2. Sau cùng chìm vào sống hoàn toàn trong những giấc-mơ-ngày của mình.
Trong tình thế đó, thực tại mất đi quyền kiểm soát, thế giới nội tại – một thế giới không-phải-thực-tại sau cùng có được một sức mạnh vượt trội và nắm quyền kiểm soát. Hậu quả không thể tránh khỏi là một tính trì trệ tâm thần, thiếu ý chí – người Pháp gọi đó là Chứng mất ý chí.
Như Jung nói:
“Những người hướng nội nào từng lấy đi một thứ gì đó khỏi một đối tượng có thực mà không có bù đắp nào thực sự, sẽ phải hứng chịu những hậu quả hướng nội không thể tránh khỏi.”62
62 C. G. Jung, Psychology of the Unconscious (Tâm lí học của vô thức), 1916.
Vậy là nó đã xảy ra với Oblomov. Những hậu quả không thể tránh khỏi của sự hướng nội được lột tả trong đoạn dưới đây:
Triết lí kiểu Plato63 trong tính cách của Oblomov được tạo ra nhằm mục đích ru ngủ chính mình giữa những vấn đề, những yêu cầu nghiêm khắc của bổn phận và định mệnh. Anh đã được cho bú và nuôi dưỡng không phải để đóng vai một đấu sĩ trên đấu trường, mà là để đóng vai một khán giả hòa bình tại cuộc đấu. Tinh thần nhút nhát, lờ phờ của anh chưa bao giờ có thể đối mặt được với những trạng thái mê li hay những cú đánh của cuộc đời. Do vậy anh bày tỏ duy nhất một phương diện của cuộc sống, và không để tâm tới việc thành công, không thay đổi bất kì điều gì trong nó, hay cảm thấy hối tiếc về quyết định của mình. Theo năm tháng, cả những cảm xúc lẫn sự không bằng lòng biểu hiện ra ngày càng hiếm hơn. Cho đến khi, dần dần, theo một cách yên lặng và không nhận thức được, anh rốt cuộc bị nhốt trong ngôi mộ lười biếng vô dụng, đơn sơ của sự nghỉ hưu do chính tay anh xây nên, thậm chí như những ẩn sĩ sa mạc – quay lưng với thế giới, tự đào một ngôi mộ thực sự cho chính mình. Anh đã từ bỏ mọi suy nghĩ về việc bố trí lại mảnh đất của mình và việc rời đến đó với những người trong nhà mình. Người quản gia mà Schtoltz đã cử đi phụ trách Oblomovka thường xuyên gửi cho anh lợi tức từ đó, những người nông dân biếu tặng anh bột mì, gia cầm và mọi thứ đang đơm hoa kết trái trên mảnh đất đó vào dịp Giáng sinh.
63 Chỉ sự lí tưởng, mơ mộng.
Từ đó tính hướng nội của anh đã ném anh xuống một tầng vô thức thấp hơn, ở đó những thăng hoa của xã hội văn minh, của tư duy trí tuệ và logic không có nghĩa lí gì với anh. Cuộc sống của anh, những phản ứng của anh, động lực sống của anh – nếu sử dụng lối nói của Bergsonian – chỉ còn là một ham muốn dinh dưỡng. “Anh đã thành công trong việc trốn chạy cuộc sống, trong việc mặc cả với nó và tự đảm bảo một sự ẩn dật tách mình không thể tránh khỏi.”
Lối nói này mới đúng làm sao!
“Anh đã thành công trong việc trốn chạy cuộc sống.” Phân tâm học cho thấy rằng, đó là mục đích của sự hướng nội: Trốn khỏi những mâu thuẫn của cuộc sống, của thực tại bằng cách dựng nên vạn lí trường thành tâm thần bao quanh tâm trí.
Trong thực tế, bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng rất khó nắm bắt hay thấu hiểu thực tại chính vì bức vạn lí trường thành này. Bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng rời xa khỏi thực tại, trốn chạy trong bệnh tật – có thể nói là trốn dưới lớp vỏ bọc và do vậy tìm được an toàn.
Hướng nội vì thế là một cách trốn chạy khỏi thực tại.
Về việc Olga thất bại khi kéo Oblomov ra khỏi sự hướng nội của anh, tự Oblomov đưa ra lí giải cho sự thất bại ấy:
“Trời ơi” là câu Oblomov thường nhắc đi nhắc lại. Olga thì luôn luôn muốn hoạt động. Rõ ràng cô ấy chẳng có chút mơ màng nào về chất thơ của cuộc sống, chẳng đánh mất chính mình trong những mộng tưởng. Cô ấy giống Schtoltz, cả hai như thể sống một cuộc sống chạy hết tốc lực.”
Giả định: Nếu tính cách của Olga lí tưởng hơn một chút, thi vị hơn một chút trong khả năng thực tiễn của cô, cô hẳn đã thành công. Do vậy sự chuyển dịch – tình yêu này – chỉ phần nào hấp dẫn Oblomov, chỉ phần nào đánh thức những cảm xúc của anh. Anh đã không thể nếm trải những phương diện thăng hoa hơn của tình yêu. Anh không thể lại được đánh thức một lần nữa từ giấc ngủ ngon lành của suy nghĩ biếng nhác, và do vậy anh tụt lùi trở lại quãng thơ ấu – nơi những giấc-mơ-ngày của anh giăng mắc. Anh đã đi con đường có sự phản kháng yếu ớt nhất và quay trở lại tính hướng nội của mình. Theo như lời của tác giả, anh “kiên quyết một cách bất lực”.
Một năm rưỡi sau, Oblomov ngồi trong những căn phòng tối tăm u ám của anh, trong cùng tình trạng khi anh lần đầu được giới thiệu với chúng ta.
Oblomov đã cưới cô chủ nhà của mình bởi những ham muốn và khao khát dinh dưỡng của anh kéo anh về thời thơ ấu của những giấc mơ. Chỉ riêng thức ăn thôi – chứ chẳng cần những khoái cảm thăng hoa cao hơn của tình yêu và sở thích trí tuệ – cũng đủ với anh rồi. Anh không cần thỏa mãn điều gì vượt quá giới hạn thân xác mình, những khoái lạc của anh nằm trong kì vọng được ăn và ở mùi vị thức ăn. Anh vì thế trở nên vô cùng hướng nội, khép kín, như những bệnh nhân tâm thần phân liệt trong các giai đoạn cuối, chỉ hứng thú với những khoái cảm tức thì của cơ thể. Môi trường xung quanh Oblomov được mô tả như sau:
Những miếng thịt xông khói treo trên trần kho thực phẩm (để tránh bị chuột ăn), cùng với chúng là phô mai, đường tảng, cá khô, những túi hạt điều và nấm được bảo quản. Trên một cái bàn đựng những khay bơ, lọ kem chua, những rổ táo và có Chúa mới biết còn có gì ngoài những thứ đó – cần đến một Homer thứ hai để miêu tả đầy đủ và chi tiết mọi thứ đã được tích lũy trong những góc khác nhau và trên những tầng khác nhau của cái tổ bé nhỏ đó.
Cà phê dành cho anh cũng được pha cẩn thận, chu đáo, khéo léo như lúc trước. Súp tim gan gà, mì ống với phô mai Parmesan, súp được chế biến từ nước cơ-vát64 và thảo mộc, những con gà mái tơ nuôi tại gia… Tất cả những món này lần lượt kế tiếp nhau đều đặn, và vì thế đã giúp tạo nên những giờ nghỉ ngơi trong một nhịp sống vừa dễ chịu, cũng vừa đơn điệu của gia đình nhỏ…
64 Một loại giải khát hơi chua của Liên Xô.
Tình trạng tâm thần của Oblomov được mô tả trong đoạn sau đây:
Oblomov đã sống trong một cái lồng mạ vàng. Trong cái lồng này, thay đổi duy nhất là ngày và đêm, là bốn mùa luân chuyển. Không hề có thay đổi nào làm xáo trộn cặn lắng dưới đáy chiếc bát cuộc sống – chỉ phải cái là, cặn lắng này quá thường xuyên cay đắng và khó chịu. Kể từ cái ngày Schtoltz xóa hết nợ nần cho anh, rồi Tarentiev và những người bạn của anh ta ra đi mãi mãi, mọi phần tử thù địch đã biến mất khỏi cuộc sống của anh, và xung quanh anh chỉ toàn người tốt, tử tế, biết điều – chấp nhận dùng sự tồn tại của họ làm trụ đỡ cho cuộc sống của anh, và giúp anh không để ý đến nó, cũng như không cảm thấy nó, khi nó đi theo con đường bằng phẳng trơn tru của mình. Mọi thứ, có vẻ như là vậy, yên bình, và Oblomov chính là hiện thân và biểu hiện trọn vẹn, tự nhiên của sự yên bình đó, tính trì trệ không chịu thay đổi đó.
Sau khi chuyển sang xem xét lại và cân nhắc phương thức sống của mình, anh ngày càng chìm sâu hơn vào đó. Cho đến khi rốt cuộc đi đến kết luận rằng anh không còn gì để tiếp tục, chẳng còn gì hơn để tìm kiếm. Và rằng, cái lí tưởng cuộc sống của anh tốt nhất nên được bảo quản ở chỗ mà anh đang dừng lại: chẳng có vần thơ nào, chẳng có những sắc thái tinh tế mà tại đó trí tưởng tượng của anh đã từng tô vẽ nên một lối sống vô ưu vô lo với không gian rộng rãi trong trang viên giữa những nông dân và người hầu của riêng anh.
Trong sự hướng nội, anh đi ngược trở lại con đường phát triển tâm thần của mình, anh lùi trở về tuổi thơ của anh trong những giấc mơ. Bởi anh yêu tuổi thơ mình, bởi lúc đó anh hạnh phúc, anh muốn sống trong đó một lần nữa, và vì không thể sống với tuổi thơ của mình trong thực tại, nên anh tìm đến nó trong những giấc mơ. Anh không thể hòa nhập với hoàn cảnh thực tại của mình, bởi vậy cũng chẳng có nghĩa lí gì khi tác động hay làm xáo trộn nó.
Oblomov chỉ đơn thuần là một dạng cường điệu của cái thường diễn ra tạm thời trong những cá nhân bình thường. Nhưng một cá nhân bình thường không bứt hoàn toàn ra khỏi thực tại, họ có sự cân bằng hoàn hảo giữa suy nghĩ logic và suy nghĩ tự kỉ.
Việc rút lui hay trốn tránh khỏi thực tại này còn có một tầm quan trọng xã hội. Tất cả chúng ta đều ít nhiều bị chi phối bởi những giấc-mơ-ngày. Những giấc mơ này – (theo chuyên ngành) được mô tả như là suy nghĩ tự kỉ – thực sự là thỏa mãn các ước muốn tận đáy lòng của chúng ta, đó là những ước muốn không thể nào được thỏa mãn trong thực tại. Do vậy có đôi lúc chúng ta rút khỏi thực tại, nhưng luôn duy trì những điểm tiếp xúc với thực tại ấy. Cuộc sống là một mâu thuẫn liên miên giữa thực tại và khao khát thoát khỏi nó, nhất là khi thực tại trở nên không thể chịu đựng nổi. Khi đó những giấc mơ là hiện thực duy nhất, vì trong đó những khát khao, vướng mắc thẳm sâu nhất, cũng như mọi băn khoăn và dằn vặt đều được thỏa mãn đúng theo những gì trái tim mong muốn.
Đây là giả thuyết của Freud, cụ thể là: Mọi hoạt động tinh thần của con người tương ứng với hai nguyên tắc nền tảng:
(i) Nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle)65 và
(ii) Nguyên tắc thực tại (reality principle)66.
65 Trong phân tâm học của Freud, Nguyên tắc khoái lạc là việc tìm kiếm (có tính bản năng) khoái lạc và tránh né đau khổ nhằm thỏa mãn các nhu cầu sinh lí và tâm lí. Cụ thể là, nguyên tắc khoái lạc là động lực thôi đẩy tự ngã id.
66 Trong phân tâm học và tâm lí học của Freud, Nguyên tắc thực tại là khả năng của tâm trí để đánh giá thực tại của thế giới bên ngoài và hành động theo đó, ngược lại với hành động theo nguyên tắc khoái lạc.
Nguyên tắc khoái lạc dành cho mục đích tìm kiếm khoái lạc và tránh né đau khổ, và chính ngay ở chỗ này mà khái niệm dồn nén bước vào.
Nguyên tắc thực tại là làm sao cá nhân điều chỉnh cho phù hợp với thực tại, hoặc bằng cách tiếp xúc với nó, hoặc bằng cách rút lui khỏi nó. Khi nói đến thực tại, chúng ta ám chỉ cả thế giới vật chất lẫn tinh thần.
Mọi nhà thám hiểm – những người có một thôi thúc làm theo cái gọi là tinh thần phiêu lưu – thực ra là những người rút khỏi thực tại bằng cách tìm kiếm những thế giới mới. Tuy nhiên, với một ngoại lệ: Họ cân bằng suy nghĩ logic với suy nghĩ tự kỉ. Họ giữ các điểm tiếp xúc của mình với thực tại, vì thế họ cứu được chính bản thân họ khỏi số phận trở thành bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng hay người bị ngớ ngẩn.
Có một câu hỏi: Liệu hướng nội hoàn toàn có thể nào dẫn đến một kết quả có ích và giải phóng năng lượng tinh thần tâm linh to lớn dường như vẫn âm ỉ trong vô thức?
Hướng nội luôn luôn nguy hiểm theo nghĩa: Những ham muốn nội tại của con người có một tính lười biếng quái dị.
Và hậu quả là: Bất kì khuynh hướng đánh mất mình trong sự hướng nội nào đều có thể dẫn đến sự biếng nhác bất lực, không thể làm bất cứ việc gì ra hồn, cũng chẳng thế nào sáng tạo.
Giờ chúng ta đã sẵn sàng bàn luận về việc làm thế nào để loại bỏ những dồn nén, nói cách khác, làm thế nào giúp chữa lành cho một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng hay những tâm hồn nhạy cảm, tổn thương?!
TÓM TẮT CHƯƠNG III
Những tác phẩm văn chương là sự phóng chiếu thế giới nội tại thành một tạo tác bằng ngôn từ. Đó là những cuộc thăm dò vô cùng sâu sắc vào thế giới tinh thần và vô thức của những bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng. Để thấy, giá trị đích thực của văn chương không phải nằm ở tính giải trí của nó, mà nằm ở việc nó cho thấy những mặt tối, mặt không ai biết đến, mặt bị che giấu của thực tại và bóng tối trong con người.
Một bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng khác với một cá nhân bình thường ở chỗ anh ta mất đi những điểm tiếp xúc với thực tại, mất đi ranh giới giữa thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Đó không chỉ là một cơn bệnh, đó là những cảm xúc bị dồn nén khiến con người đau khổ đến phát điên. Rút cùng, điên cũng là một cơ chế để con người ta tự bảo vệ chính mình khỏi nỗi đau khổ không thể chịu đựng nổi.
Chúng ta nhận ra rằng: Những người sáng tạo nên các câu chuyện cổ tích, những kiệt tác văn chương cũng phải vật lộn với những mâu thuẫn nội tâm chẳng khác nào người bệnh thần kinh, chỉ có điều khác là họ phóng chiếu những mâu thuẫn đó vào thế giới văn chương tưởng tượng. Và khi những tạo tác được viết lên, những cơn điên, những giấc mơ, những dồn nén được xả thoát mạnh mẽ như một phép trị liệu tinh thần.
Viết – vì vậy, chính là một liệu pháp chữa lành!