Vô thức không chỉ khởi nguồn từ thuở thơ ấu của con người, mà còn có thể nói là có nguồn gốc từ thời thơ ấu của thế gian. Nếu có thể thấu suốt tâm trí và những động lực của con người từ thưở ban sơ, chúng ta cũng có thể làm sáng tỏ hệ biểu tượng vô thức ở dạng thô sơ nhất và các giai đoạn phát triển ban đầu của chúng.
Cấu trúc phức tạp của chứng rối loạn thần kinh chức năng ở người lớn là do chịu ảnh hưởng từ vô số các yếu tố của nền văn minh và các bước tiến xã hội. Ở trẻ em, cấu trúc của chứng rối loạn thần kinh chức năng thường rất đơn giản, gần như đơn chứng (có một triệu chứng). Khi lớn lên, cá nhân phải bỏ lại phía sau mọi yếu tố cuộc sống thơ ấu của mình cùng mọi trải nghiệm và khao khát bị dồn nén, để tạo ra những tính cách trưởng thành của anh ta.
Tuy nhiên, đối với người trưởng thành ở các bộ tộc nguyên thủy, cơ chế tinh thần của họ đơn giản hơn rất nhiều so với người văn minh, song vẫn phát hiện được các rối loạn thần kinh chức năng nhất định. Nếu phân tích chúng, chúng ta có thể thấy rõ cơ chế tinh thần của những rối loạn này qua những thuật ngữ đơn giản nhất.
NHỮNG CƠN ĐIÊN BỘC PHÁT
Tôi rất may mắn khi có được một số dữ liệu của nhà thám hiểm nổi tiếng Charles Wellington Furlong25 về những cảm xúc bị dồn nén, về các triệu chứng thần kinh kì lạ xảy ra trong các tộc nguyên thủy Fuegian Archipelago.
25 Nhà thám hiểm nổi tiếng Charles Wellington Furlong vào năm 1907-1908 đã phụ trách cuộc thám hiểm khoa học đầu tiên xuyên qua tâm Tiera del Fuego. Tierra del Fuego (Đất Lửa) là một quần đảo nằm ở cực nam của Nam Mĩ, dọc theo eo biển Magellan. Quần đảo này gồm một đảo chính, Isla Grande de Tier- ra del Fuego và nhiều nhóm đảo khác như Cape Horn và Diego Ramírez. Tierra del Fuego được phân chia giữa Chile và Argentina; Argentina kiểm soát phần mạn đông, còn Chile có nửa tây cùng những hòn đảo nằm ở phía nam eo biển Beagle. Điểm cực nam của quần đảo nằm ở khoảng 55 vĩ độ Nam.
Charles W. Furlong không có bất kì lí thuyết nào để giải thích cho những cơn thần kinh mà ông nhìn thấy trong các bộ lạc nguyên thủy, nhưng khả năng quan sát sắc bén của ông đã làm cho dữ liệu này trở nên trọn vẹn. Điều rất thú vị là: Một vài trong số những dữ kiện thực tế này chứng thực và củng cố cho những tư tưởng nổi tiếng của Freud về tính dục bị dồn nén. Cấu trúc tinh thần của những người này cũng có thể trở thành minh chứng cho một số quan niệm phân tâm học. Thêm vào đó, những dữ liệu về địa lí và nhân loại học cũng giúp hiểu rõ hơn những cơn bộc phát thần kinh này.
Dữ liệu này do Furlong thu thập được vào năm 1907 và 1908 qua cuộc thám hiểm xuyên qua các vùng miền của chủng người Fuegian Archipelago. Nó cho thấy tình trạng mất kiểm soát hay những cơn thần kinh bộc phát của người bộ tộc Yahgan và Ona26.
26 Người Yahgan là tộc người da đỏ “bơi xuồng”, chừng bốn mươi năm trước có khoảng 2.500 người. Vào năm 1908, con số này đã giảm xuống còn 173 người vì tiếp xúc với nền văn minh và chủ yếu là vì một nạn dịch sởi. Ngày nay (thời điểm cuộc thám hiểm diễn ra), họ sinh sống trên các bờ biển đảo từ Đảo Beale đến hết Wollastons, trong khu dân cư của Cape Horn, từ khoảng 54,50’ đến 55,56’ vĩ độ Nam, là những cư dân sống gần phía Nam nhất thế giới.
Những người Ona có cơ thể cao hơn và khỏe hơn, họ là dân da đỏ “đi bộ”, chiếm cứ vùng núi rừng miền Nam Tierra del Fuego từ khoảng 53,50’ đến 55,3’ vĩ độ Nam. Người Ona trước đây chiếm đóng toàn bộ nửa Bắc của Tierra del Fuego và số lượng lên đến khoảng 3000 người. Nhưng do tiếp xúc và xung đột dữ dội với người da trắng, họ bị đánh đuổi khỏi những miền đất mở ở phía Bắc, bị đẩy về phía Nam và giảm xuống còn khoảng 300. Những người này có màu da nâu vàng sáng, tóc đen và một phong cách Mĩ da đỏ rõ rệt. Người Ona có vóc người trên trung bình, người Yahgan dưới trung bình.
Việc những người trong tộc Yahgan và Ona hay bộc phát cơn giận dữ và bạo lực không phải là chuyện hiếm. Đã thành thông lệ: Sẽ có người đi theo sát ngay đằng sau để bảo đảm người đó không bị thương, sẩy chân, hay ngã xuống vách đá. Họ chỉ đụng vào người bị bệnh khi cần ngăn chặn tổn hại, sau đó sẽ dẫn anh ta về lại trại khi cơn bộc phát qua đi, khi người bệnh đã kiệt sức. Những cơn điên như thế thường bộc phát nhiều hơn ở đàn ông trong tộc, nhất là những thanh niên khoảng 25-35 tuổi (tất nhiên có cả ở đàn bà). Bởi phong tục đàn ông già cưới nhiều vợ trẻ, rồi bỏ người phụ nữ già nua cho người đàn ông trẻ hơn đã gây nên tình trạng khan hiếm phụ nữ trong tộc.
Triệu chứng thường thấy của những cơn bộc phát này thường là điên cuồng chạy đi – như trên mô tả, gây thương tích hoặc giết hại. Chẳng hạn, một chủ trại gia súc ở Tierra del Fuego suýt bị một chiếc rìu từ đâu đến bay vào đầu, may mắn là nó chỉ sượt qua và cắm vào một khúc gỗ làm chòi. Hóa ra đấy là cơn điên bộc phát của một anh chàng bản địa mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên Furlong không thể cung cấp bất cứ dữ liệu xác thực nào về những hành vi khác trong lúc cơn điên bộc phát như: khóc, cười, kêu la, gào thét, cắn lưỡi, sủi bọt mép, hay xé quần áo…
Những cơn bộc phát như thế thường xảy ra đột ngột, nhưng tình trạng ủ bệnh có lẽ kéo dài đã lâu – đó chính là giai đoạn báo trước cho cơn bộc phát này27. Thường người ta không biết khi nào thì cơn bộc phát kéo đến. Song cũng có trường hợp một người nhận ra sự biến đổi của mình, thấy cơn bộc phát này đang được ấp ủ và giơ tay cầu xin bị trói lại để không gây hại cho chính mình hoặc người khác. Chứng tỏ rằng không có chuyện người bệnh quên sạch sẽ khi lên cơn điên. Anh chàng da đỏ kia chắc chắn nhớ được mình đã làm gì trong những lần lên cơn trước đó. Và anh ta nhận ra những dấu hiệu – dạng một cảm giác khó chịu – như là triệu chứng báo trước của cơn phát tác28.
27 Một đoạn trong bản gốc kể về trải nghiệm cá nhân của Furlong đã được lược đi.
28 Từ lời mô tả của nhà thám hiểm Donald McMillan, bệnh Eskimo có tên là Piblokto rất giống với những cơn điên của người da đỏ Ona và Yahgan, ngoại trừ một điều: bệnh Piblokto đặc biệt phổ biến ở phụ nữ. Xem thêm A. Brill, “Piblikto or Hysteria among Peary’s Eskimo” (Piblokto hay chứng cuồng loạn của người Eskimo của Peary), Journal of Nervous and Mental Disease (Tập san Bệnh thần kinh và tinh thần), 1913.
Chẳng hạn một người Ona thuộc đoàn thám hiểm của Furlong, đôi khi nhận thấy rõ ràng có một cơn bộc phát đang phát triển, với những dấu hiệu như suy nghĩ ủ ê, tâm trạng buồn rầu, u sầu. Họ đã chịu đựng trạng thái căng thẳng từ rất lâu trước đó. Song người Ona vốn không phải là những người hay gây gổ. Có lẽ vì vậy khi nhận ra và linh tính về cơn điên này, họ thường chạy xa khỏi mọi người để tránh việc tấn công hay gây thương tích cho những người xung quanh họ29.
29 Cơn điên cuối cùng kết thúc trong tình trạng người bệnh kiệt sức và đi vào giấc ngủ. Sau khi tỉnh dậy và hồi phục năng lượng, họ quay trở lại trạng thái bình thường.
Trường hợp người đàn ông xin bị trói cũng cho thấy rằng: Người Ona và Yahgan chắn hẳn đã ý thức được về sự phản kháng mang tính bạo lực của người bệnh, thế nên họ không quấy rầy người bệnh, trừ phi họ gây hại cho bản thân. Thường người xung quanh chỉ đợi đến khi cơn bùng nổ làm người bệnh kiệt sức và đi vào giấc ngủ.
GIẤC MƠ VÀ HỆ THỐNG CẤM KỊ (TABOO)
“Liệu người bản địa có giải thích cơn điên kia là do một linh hồn quỷ dữ hay không – tôi không thể nói chắc chắn. Khi có ai đó ốm bệnh, họ thường tin rằng có gì đó đã tiến nhập vào người bệnh, hoặc ai đó đã lén lút bỏ bùa ngải (đưa một số động vật nhỏ hay mũi tên) vào anh ta. Yuccamoosh (bác sĩ) hay pháp sư của người Yahgan rút những thứ đó ra dưới hình thức ôm siết bệnh nhân, cùng lúc đó thổi, huýt gió, v.v để tống thứ ma quỷ đó ra. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thấy họ làm thế với người bệnh đang lên cơn điên.
(…) Tôi cũng không thể cung cấp bất kì dữ liệu nào về mối liên hệ giữa tình yêu, tính dục, cái đói, cái chết với một cơn tâm thần. Khi một người họ hàng chết, người Yahgan niệm những câu thần chú kì lạ cho người chết; họ hát hợp xướng vào những giờ nhất định ban ngày và buổi tối; họ sơn mặt mình để giới thiệu người chết cho những người lạ; nhưng họ hiếm khi gọi tên người chết, bọn họ đều cho rằng làm như thế là xúc phạm. Họ đơn giản nói: ‘Anh ấy đi rồi’, ‘Anh ấy không còn nữa’. Họ cảm nhận rất mãnh liệt nỗi mất mát người thân và thấy đau khổ, đôi khi trở nên bạo lực vì đau khổ và phẫn nộ.”
- Theo tư liệu của Charles W. Furlong.
Để hiểu rõ về những đặc điểm tinh thần của các bộ lạc da đỏ này, đồng thời tìm ra nguồn cơn của những cơn điên, quan trọng là phải nghiên cứu những giấc mơ, hệ thống cấm kị (taboo) và thần thoại của họ.
Ở chừng mực dữ liệu đã cho, chúng ta thấy những giấc mơ của chủng tộc nguyên thủy này rất giống với những giấc mơ của trẻ em (vì các bộ lạc thổ dân này có nhiều đặc tính giống trẻ con). Trong thực tế, đến một độ tuổi nhất định, đứa trẻ văn minh thật ra có phần hơi hoang dại: tính ích kỉ nổi lên mạnh mẽ, tỏ ra đối nghịch, thích phản kháng, có cấm kị của riêng nó, ganh ghét và rất ít vị tha. Trong đứa trẻ văn minh này, cũng như trong kẻ hoang dã kia, mong muốn và hiện thực là bất phân. Cả hai đều muốn những khao khát của mình được thỏa mãn ngay lập tức, dù đôi khi ý muốn đó không khả thi trong thực tại.
Những giấc mơ của người da đỏ Yahgan đều đơn giản là sự các thỏa mãn ước nguyện30 mà không có sự che đậy hay “sửa soạn” công phu nào, cũng giống như giấc mơ của đứa trẻ văn minh.
30 Sự thỏa mãn những ham muốn vô thức (Wishfulfillment): Từ góc độ tâm lí, một mong muốn được thỏa mãn hay một bức xúc tình cảm được giải tỏa qua những giấc mơ, cơn-mơ-ngày hay những triệu chứng thần kinh.
Thái độ của người Yahgan đối với cái chết giống hệt với thái độ của nhiều chủng tộc nguyên thủy khác và sự nắm bắt của họ về ý nghĩa thực sự của cái chết rất giống với thái độ của một đứa trẻ văn minh. Việc đề cập đến cái chết bị cấm đoán mạnh mẽ. Nếu vi phạm giới luật này, họ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và có thể gặp nguy hiểm, thậm chí người ta dùng chính điều bị cấm kị để trừng phạt. Người vi phạm cấm kị này tự khắc cũng trở thành người bị kị – người khác coi anh là thứ cấm kị không nhắc tới – bởi anh ta đã khuấy động sự giận dữ hay oán giận trong những thành viên khác của bộ lạc.
Tuy vậy, dường như có một khuynh hướng lấp lửng31 hiện diện: một mặt họ bị cấm nhắc đến từ “cái chết” và đề cập đến người chết; mặt khác họ lại không che giấu cảm giác đau khổ và buồn phiền sâu sắc về cái chết của người thân. Việc ai đó vi phạm điều cấm kị có thể khơi lên khía cạnh còn lại của thái độ lấp lửng kia, chẳng hạn thay vì buồn đau thì họ sẽ tức giận (với người phạm cấm kị) vào lúc đó.
31 Tính lấp lửng (ambivalence): Là một thuật ngữ dùng trong phân tâm học, mà theo Bleuer, “đưa ra hai sắc thái cảm giác đối nghịch nhau cho cùng một ý tưởng và khiến một suy nghĩ cùng lúc có hai đặc điểm tích cực và tiêu cực.”
Khuynh hướng hai chiều (tính lấp lửng) này và những cấm kị giống như hai mặt của một vấn đề, rất dễ thấy trong các chủng tộc nguyên thủy cũng như trong những đứa trẻ văn minh. Ví dụ như:
• Trẻ em văn minh bị cấm nói những từ nhất định, lệnh cấm này khiến chúng rối loạn lo âu (anxiety neurosis)32 – có biểu hiện là nói lắp;
32 Rối loạn lo âu (anxiety neurosis): Một dạng rối loạn có đặc điểm là các cảm giác e sợ, sợ hãi dai dẳng, hoặc nỗi sợ sự diệt vong sắp đến. Khi trở nên kịch liệt, chúng biểu hiện thành các cơn điên/tâm thần không thể đoán trước, thường kéo dài trong khoảng thời gian ngắn và xảy ra trong các tình huống không đe dọa tính mạng (Chú thích của ND).
• Hoặc chúng bị cấm tiếp xúc với các đồ vật mang ý nghĩa tính dục nên mắc chứng loạn thần kinh cưỡng chế (compulsion neurosis)33 – biểu hiện ở thói ăn cắp vặt.
33 Loạn thần kinh cưỡng chế (compulsion/compulsive neurosis), hay còn gọi là Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Một rối loạn có đặc trưng là những xung năng thôi thúc (cảm giác bị thôi thúc) thực hiện những hành động không lí trí hoặc lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa (Chú thích của ND).
Khi nền văn minh, văn hóa phát triển hay khi trẻ em trở thành người lớn, cấm kị dần giảm đi. Nhưng dưới những điều kiện nhất định, ảnh hưởng của cấm kị vẫn biểu hiện ra như một triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Khi tiếp cận vấn đề cấm kị này từ lĩnh vực phân tâm học, ở những người đang sống – chứ không phải trong môi trường nguyên thủy, trong một xã hội phức tạp và nền văn minh phát triển cao, chúng tôi thấy có những cá nhân tự tạo ra cấm kị/cấm giới cho chính mình: Họ làm theo những giới cấm này một cách nghiêm ngặt như người nguyên thủy tuân theo những cấm kị của họ. Tình trạng này có thể bắt gặp ở những người mắc chứng loạn thần kinh cưỡng chế – và như Freud khéo léo gợi ý, thuật ngữ “bệnh kiêng kị” (taboo disease)34 có lẽ là một thuật ngữ phù hợp với chứng bệnh này.
34 Người tự đặt ra giới cấm/cấm kị cho mình và tuân theo nghiêm ngặt (Chú thích của ND).
Như vậy:
• Đối với các tộc người nguyên thủy, cấm kị là một hành động ý thức tỉnh táo, ràng buộc với những nghi thức tôn giáo và có tầm quan trọng trong cộng đồng của họ.
• Đối với bệnh rối loạn thần kinh cưỡng chế, cấm kị có nguồn gốc từ vô thức. Vô thức của bệnh nhân rối loạn thần kinh cưỡng chế – như hiển thị qua các giấc mơ, chủ yếu là những mong muốn thù nghịch và man rợ – nó có cùng nghĩa với hành vi có ý thức của những tộc người nguyên thủy.
Chúng ta đang tiệm cận gần hơn đến động lực tâm lí của những cấm kị/giới cấm ở những người mắc chứng rối loạn thần kinh cưỡng chế. Hãy thử quan sát từ góc độ riêng tư cá nhân lịch sử tinh thần của một bệnh nhân mắc chứng rối loạn thần kinh cưỡng chế:
Một người đàn ông trẻ tuổi nhiều năm có cảm giác là mình rất dễ bị nhiễm bẩn: khi chạm vào các đồ vật mà anh cảm thấy bẩn, khi đơn giản là đi qua một địa điểm (chẳng hạn như một con phố hay cái cống bị đào lên…) Kết quả là, anh làm mọi cách để bảo vệ mình khỏi sự nhiễm bẩn này: thường xuyên giặt quần áo, rửa tay đều đặn…
Trong quá trình trị liệu phân tâm, anh đã mơ thấy nhiều giấc mơ kì quặc – tôi gọi đó là “các giấc mơ tai ương”: Những tai nạn hoặc tai họa nghiêm trọng xảy ra với những người hoàn toàn xa lạ với anh, chẳng hạn như các bé gái bị xe tải cán qua, hay những chàng trai trẻ bị những mảnh kính vỡ cắt phải...
Loại giấc mơ này rất nguyên thủy và man rợ, rõ ràng nó chứng tỏ người mơ vô thức có một thái độ thù địch, muốn gây đau khổ cho bất kì ai. Những cảm xúc hay mong muốn này bị nén vào vô thức, và chứng rối loạn thần kinh cưỡng chế – cảm giác bị nhiễm bẩn – khởi lên như một sự tự vệ (hoặc trừng phạt) trước các xung năng thôi thúc độc ác và man rợ bị dồn nén này.
Anh ta bất an về tương lai, cảm giác rằng có những thứ trong chính anh ta sẽ trở nên bẩn thỉu. Anh ta không biết rằng, có một phần trong anh ta vốn xấu bẩn thế đấy. Không phải do anh nghĩ nó thế, mà nó vốn thế. Song chính cái suy nghĩ “lo mình bị nhiễm bẩn” của anh mới thực là làm dấy lên cái ý niệm cưỡng chế. Như những người nguyên thủy, anh ta tưởng rằng: Việc tẩy rửa cái bẩn đó sẽ giúp anh khuây khỏa, anh hành động như thể mỗi sinh thể đều là vật mang tải chất bẩn. Đây là hành động di-dời-cấm-kị điển hình của những người nguyên thủy. Để thấy thể vô thức của một bệnh nhân rối loạn thần kinh cưỡng chế mới thô sơ làm sao.
Như Freud nói:
“Các cấm đoán mang tính cưỡng chế ám ảnh có khả năng chuyển vị phi thường. Chúng tận dụng hầu hết bất kể dạng thức kết nối nào để lan từ một vật này sang vật khác. Các bệnh nhân rối loạn thần kinh cưỡng chế hành động như thể sự vật và con người luôn mang tải một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm – sẵn sàng lây lan khi tiếp xúc với mọi thứ ở gần.”35
35 S. Freud, Totem and Taboo (Vật tổ và cấm kị), 1913, tr.46.
Vì những chủng tộc nguyên thủy này không hề có khái niệm về sự bất tử, nên cấm kị này không thể nào là một nghĩa vụ, giới cấm tôn giáo, hay phẩm hạnh đạo đức, mà là một hiện tượng xã hội vì lợi ích của của bộ lạc, hay vì sức khỏe của các thành viên bộ lạc. Freud cũng chỉ ra, sở dĩ có cấm kị tránh nói tên người chết là vì “… người nguyên thủy nhìn nhận tên như một phần thiết yếu và một tài sản quan trọng của nhân cách.”
Trong xã hội văn minh cũng vậy, sau cái chết của một người yêu dấu, người ta thường rơi vào tình trạng cố tình quên (dồn nén) những gì liên quan đến người chết. Đó là một dạng tự vệ của tâm trí nhằm giảm thiểu cảm xúc đau đớn vì mất mát.
TRUYỀN THUYẾT VÀ THẦN THOẠI
Bên cạnh những giấc mơ và hệ thống cấm kị, yếu tố quan trọng thứ ba là nghiên cứu về những truyền thuyết, thần thoại của họ. Đây là những giấc-mơ-ngày của người nguyên thủy. Mối liên hệ giữa truyền thuyết, thần thoại và các giấc mơ rất nổi tiếng, cả hai đều có cội rễ từ ý niệm vô thức của chủng loài. Ở mỗi cá nhân, quá trình tinh thần vô thức này tạo ra những giấc mơ; trong chủng loài và xã hội, nó tạo ra những thần thoại.
Hãy xem truyền thuyết sau đây của người da đỏ Yahgan về sự sáng tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên. Khi một người thuộc bộ lạc được hỏi con người đầu tiên đến thế giới như thế nào, anh trả lời rằng: Rất lâu về trước, người đàn ông đầu tiên đi xuống từ trời bằng một sợi dây thừng, rồi sau này là người phụ nữ. Đây là một ví dụ đáng chú ý về việc một người da đỏ trưởng thành áp dụng (theo nghĩa đen) hiểu biết của anh về những lần sinh đẻ vào quá trình hình thành vũ trụ, đó là một thần thoại về sáng tạo chân thật dưới dạng tư duy biểu tượng. Có lẽ không khó để giải nghĩa thần thoại này: bầu trời – vốn đối với người nguyên thủy nom giống một cái bát úp – đại diện cho tử cung, sợi dây thừng chính là dây rốn. Nét giống nhau giữa thần thoại này với những giấc mơ sinh đẻ hay sáng tạo gặp trong trị liệu phân tâm nhất định là điều đáng chú ý.
Khi phân tích các cấm kị, thần thoại và giấc mơ của họ, chúng ta có thể thấy rằng các đặc điểm tinh thần của những người này có cấu trúc rất thô sơ. Trên thực tế, chúng đại diện cho nền văn hóa nguyên thủy nhất trên thế giới. Các cá nhân có những đặc điểm tinh thần thô sơ như thế vẫn chưa học được cách dồn nén các cảm xúc của họ, và vì thế rất có thể có những cơn bộc phát cảm xúc bất ngờ. Trong thế giới văn minh, thay thế và dồn nén được tận dụng để che đậy những mong muốn, ước ao xã hội rất phức tạp và phong phú của con người. Còn đối với người nguyên thủy – họ giống như trẻ nhỏ, có rất ít hoặc không hề có dồn nén và thay thế nào, bởi vì những khao khát của họ đơn giản và dễ thỏa mãn.
Các cơn bạo lực và điên tiết của họ là những phản ứng cảm xúc đột ngột, có lẽ cuồng loạn, nhưng không có bất kì hiện tượng nào gọi là chuyển đổi cuồng loạn (hysterical conversion)36, như chuyển đổi suy nghĩ hay cảm xúc thành các triệu chứng cơ thể (tê liệt hoặc mất cảm giác).
36 Chuyển đổi cuồng loạn (hysterical conversion): Là một trong hai chứng thần kinh cuồng loạn: loại phân li và loại chuyển đổi. Rối loạn chuyển đổi (con- version disorders) xảy ra khi bệnh nhân đột ngột có các triệu chứng như mù, điếc, liệt, khó nói, co giật mà không có nguyên nhân bệnh lí rõ ràng. Các triệu chứng phát sinh một cách vô thức, thường để đáp ứng với căng thẳng tâm lí. Bệnh nhân có thể mô tả các triệu chứng với thái độ rất thờ ơ. Rối loạn này xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ, ở khoảng tuổi giữa thiếu niên và trung niên. Tỉ lệ những người có rối loạn chuyển đổi đồng thời có rối loạn tâm thần là khá cao (Chú thích của ND).
Những cơn điên này có thể xuất sinh từ ham muốn tính dục không được thỏa mãn chăng? Ghi chép cho thấy, chúng chỉ xảy ra ở những người đàn ông trẻ tuổi mà theo như tập quán bộ lạc, họ buộc phải cưới những phụ nữ già do những người đàn ông lớn tuổi hơn trong bộ lạc “bỏ rơi”. Tuy nhiên, theo những điều quan sát được, những người lên cơn điên không hề bị mất ý thức và chứng quên, cũng không có chuyện sủi bọt mép hay cắn lưỡi, chứng tỏ các cơn bộc phát này có tính cuồng loạn hơn là động kinh. Vậy là dường như các cơn điên này được thôi đẩy không hẳn bởi dục tính trắng trợn, mà bởi một tình yêu không được thỏa mãn hay chỉ được thỏa mãn một phần do ước chế của tập quán bộ lạc.
Thực tế: vô thức của con người là giống nhau trên khắp thế giới.
Và thực tế: những biểu tượng của cảm xúc bị dồn nén tương tự nhau có thể được tìm thấy trong các bộ lạc nguyên thủy cách rất xa nhau về thời gian và không gian, chẳng hạn qua truyền thuyết, thần thoại của người Pueblo ở Mĩ, người thuộc quần đảo Polynesia, người Úc và người Fuegian. Các giấc mơ và thần thoại đều là những ảo tưởng thời ấu thơ đã bị nén vào vô thức, đều mang tính biểu tượng.
(i) Trong trường hợp giấc mơ, nguyên liệu bị dồn nén này được phóng chiếu một phần vào ý thức trong giấc ngủ.
(ii) Trong trường hợp truyện thần thoại, nguyên liệu bị dồn nén được phóng chiếu thành những câu chuyện về sự ra đời của một người anh hùng, hay một tưởng tượng về chủ nghĩa anh hùng và sự cứu rỗi. Một thần thoại trở thành một giấc-mơ-ngày – “giấc mơ tỉnh thức” thực sự37. Đối với người nguyên thủy, biểu tượng chính là một ngôn ngữ của tư duy và cảm xúc, và một cách vô thức, đó cũng là ngôn ngữ của thời văn minh.
37 Xem về luận điểm này trong Dreams and Myths (Giấc mơ và thần thoại) của Abraham, Myth of the Birth of Hero (Thần thoại về sự ra đời của người anh hùng) của Otto Rank. Trong tài liệu của tôi cũng có bàn: “Dreams and Samson Myths” (Các giấc mơ và thần thoại Samson), Int. Zeit. F. Artz Psycho Analyse, Quyển II, Số 5 và “The Sexual Symbolism of Cretan Snake Godess” (Biểu tượng tính dục của Nữ thần rắn Cretan), Psychoanalytic Review, Quyển IV, Số 3. Bàn luận hay nhất về toàn bộ vấn đề này được tìm thấy trong Totem and Taboo (Vật tổ và cấm kị) của Freud.
Ngôn ngữ biểu tượng này có cội rễ từ vô thức. Loài người sở hữu thế giới biểu tượng giống nhau bởi vô thức chúng ta giống nhau.
Vô thức không chỉ khởi nguồn từ thuở ấu thơ của con người, mà còn có thể nói là có nguồn gốc từ thời thơ ấu của thế gian.
Nếu có thể thấu suốt tâm trí và những động lực của con người từ thưở ban sơ, chúng ta cũng có thể làm sáng tỏ hệ biểu tượng vô thức ở dạng thô sơ nhất và các giai đoạn phát triển ban đầu của chúng38.
38 Xem trong Men of the Old Stone Age (Con người thời kì Đồ đá cổ), 1915 của Henry Fairfield Osborne và bài phê bình của tôi về cùng chủ đề, từ góc nhìn phân tâm học, trên Journal of Abnormal Psychology (Tập san Tâm lí học bất thường), Tập II, Số 4.
Trên cơ sở nguyên liệu khá phong phú, đặc biệt là về nghệ thuật tạo hình và vẽ trong hang động, có thể thấy rằng: con người từ thưở nào đến giờ đều mang trong mình những khoái lạc và đau đớn, những khao khát, động lực mạnh mẽ và khuynh hướng nhấn mạnh yếu tố tính dục. Những bức tranh màu sắc đẹp đẽ của con người thời tiền sử trong các hang động dường như cho thấy rằng từ rất lâu rồi, con người thậm chí đã nỗ lực dồn nén thực tại, nhằm bứt ra khỏi nó trong cuộc đấu tranh sinh tồn và bứt ra khỏi sự đơn điệu của cuộc sống trong các hang động đen tối.
Một số thuộc hệ biểu tượng dương vật trong các dụng cụ hàng ngày của họ rất thú vị, đây cũng là hệ biểu tượng thường thấy trong các giấc mơ. Vì thế mà hệ biểu tượng – và ngay cả dồn nén – mặc dù với mức độ ít hơn so với trong nền văn minh hiện đại, song đã có nguồn gốc từ quá khứ xa xưa nhất. Để thấy rằng, vô thức của con người thật nguyên thủy và cổ xưa làm sao: Giấc mơ hóa ra chỉ là những mảnh rời rạc của đời sống tinh thần tổ tiên chúng ta.
Giờ chúng ta sẵn sàng bàn luận ngắn gọn về một số truyền thuyết, thần thoại của một số chủng tộc nguyên thủy dưới dạng các phóng chiếu của những cảm xúc bị dồn nén vào vô thức39.
39 Tư liệu được lấy từ bộ Mythology of All Races (Thần thoại các chủng tộc), Tập IX - “Oceanic” (Các chủng tộc vùng biển), Roland Burrage Dixon, 1916; Tập X - “North American” (Người da đỏ Bắc Mỹ), Hartley Burr Alexander, 1916 .
Trong truyền thuyết của người Pueblo:
“Theo sách Genesis của họ (Kinh thánh về Chúa sáng tạo ra thế giới), tổ tiên của người Pueblo đi ra từ thế giới địa ngục bốn tầng xuyên qua một Sipapu – một vài người coi đó như một cái hồ – và từ đó đi tìm kiếm Trung Địa - rốn trái đất.”
Ở đây, việc biểu tượng hóa sự sinh nở rất rõ ràng, và như trong mọi tư duy nguyên thủy – tương tự truyền thuyết của người Fuegian, quá trình sinh đẻ của một cá nhân được gắn với quá trình ra đời vũ trụ.
“Plumed Serpent” - con rắn có lông vũ được liên hệ với tia chớp và khả năng sinh sản trong thần thoại của người Pueblo cũng có nhận dạng giống hệt trong thần thoại Prometheus. Trong “những điệu múa rắn rất kịch tính của người da đỏ Hopi, có một vài động tác dường như mô tả con rắn lông vũ - Plumed Serpent sinh ra cây ngô. Các nhà thần thoại học so sánh40 cũng như các nhà phân tâm học đã nhận ra con rắn này liên quan đến hệ biểu tượng dương vật.
40 Thần thoại học so sánh (Comparative mythology): So sánh các truyền thuyết, thần thoại từ các nền văn hóa khác nhau để tìm ra các chủ đề và đặc tính chung.
Người bản địa Úc là một trong những chủng tộc có văn hóa nguyên sơ nhất thế giới, nhưng đồng thời họ cũng sở hữu các kết cấu tổ chức xã hội lạ thường và trau chuốt những nghi thức tôn giáo. Họ có dồn nén nhưng không nhiều, do đó các thần thoại của họ nhắc đến nguồn gốc và sự ra đời của con người rất thật theo nghĩa đen và hoàn toàn không được biểu tượng hóa, chẳng hạn kiểu tư duy “đại dương bắt nguồn trực tiếp từ nước ối”.
Trong một thần thoại của Polynesia, chúng ta thấy khuynh hướng của phức cảm Oedipus, biểu tượng hóa các mâu thuẫn gia đình bị dồn nén. Các mâu thuẫn này xảy ra rất thường xuyên trong thời thơ ấu của con người, thiết đặt nền tảng cho một chứng rối loạn thần kinh chức năng nào đó về sau và thường xuất hiện trong những giấc mơ của người trưởng thành. Trong những giấc mơ này, người cha bị giết hại hoặc không xuất hiện, còn người mẹ hân hoan chiến thắng. Những vướng mắc, hay sự nặng lòng quá mức với một trong các thành viên gia đình – thường là con trai với mẹ – bị dồn nén mạnh mẽ khi cá nhân phát triển và hình thành nên cái gọi là phức cảm Oedipus (một nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Hi Lạp).
Thần thoại này, giống như truyền thuyết Polynesia, đơn thuần đại diện cho những cảm xúc bị dồn nén của chủng tộc, đó là tình yêu quá mức dành cho mẹ và sự căm ghét đối với người cha. Truyền thuyết Polynesia này rất thú vị vì nó đến từ một chủng tộc rất nguyên thủy, lại có cùng một hệ biểu tượng giống như Oedipus của văn minh Hi Lạp vào thời kì phát triển rực rỡ. Trong truyền thuyết này, bầu trời tượng trưng cho người cha, đất tượng trưng cho người mẹ41.
41 Xem luận điểm này trong Mythology of All Races (Thần thoại các chủng tộc), Tập IX- “Oceanic” (Các chủng tộc vùng biển), Chương I- “Myths of Origins and the Deluge” (Truyền thuyết về nguồn gốc loài người và trận đại hồng thủy), 1916, Sđd.
TÓM TẮT CHƯƠNG II
Tính cách của một người trưởng thành được tạo ra bởi những trải nghiệm thời thơ ấu và những khát khao bị dồn nén. Tuy nhiên, người trưởng thành ở các bộ tộc nguyên thủy có cơ chế tinh thần đơn giản hơn rất nhiều so với người văn minh. Bởi xã hội nguyên thủy với lối sống bầy đàn ít nhiều mang tính chất cộng đồng, vô tư, hòa ái hơn.
Đối với các tộc người nguyên thủy, cấm kị là một hành động ý thức tỉnh táo, ràng buộc với những nghi thức tôn giáo và có tầm quan trọng trong cộng đồng của họ. Các giấc mơ, các truyền thuyết và thần thoại đều là những ảo tưởng thời ấu thơ (của nhân loại cũng như mỗi cá nhân) đã bị nén vào vô thức, đều mang tính biểu tượng.
Con người từ thưở nào đến giờ mang trong mình những khoái lạc và đau đớn, những khao khát, động lực và khuynh hướng tính dục mạnh mẽ. Giấc mơ hóa ra chỉ là những mảnh rời rạc của đời sống tinh thần tổ tiên chúng ta. Nói đến cùng, tất cả con người hiện đại đều đứng trước gánh nặng của mấy nghìn năm lịch sử.