Đêm nay là đêm thứ ba trong rừng, ánh trăng treo trên ngọn cây, xiên trên những dây choại, rọi qua kẽ lá, sóng sánh trên những chiếc quạt mật cật rồi chiếu mờ ảo xuống mặt đất. Niên nhìn lên vòm trời cao xa. Đêm nay là đêm thứ ba anh ở trong khu rừng nguyên sinh này. Thời gian trôi qua từng tích tắc. Nếu không có tiếng chim dáo dác bay về tổ, tiếng côn trùng rả rích, nỉ non, Niên sẽ không biết một ngày đã trôi qua. Một ngày trôi qua trong sợ hãi của nhiều người, lo lắng của nhiều người, tuyệt vọng của nhiều người…
Trăng muôn đời vẫn đẹp. Cánh rừng bao quanh anh cũng thật đẹp, còn đẹp hơn ánh trăng kia. Hay ánh trăng làm cánh rừng trở nên huyền hoặc như thế. Thói đời “gần thường xa thương”, con người ít khi biết trân quý những thứ gần gụi với mình. Nghĩ vậy, Niên thấy thương cánh rừng quá.
Niên nghe hơi nóng từ đất bốc lên, nghe tiếng gió gào thét oán hờn trên những thân cây chằng chịt. Có những tiếng rít răng nguyền rủa, giận dữ. Vài người trong tiểu đội đang đoán già đoán non về tốc độ lan của ngọn lửa. Bất ngờ, hoang mang là cảm giác chung của mọi người vì đơn vị chỉ được lệnh vào kiểm tra rừng. Chẳng ai ngờ cuộc hành quân chuyến này lại phải đối mặt với lửa. Chẳng ai ngờ mình sẽ phải chôn chân ở đây. Vì nhiều cái không ngờ ấy nên tiểu đội rơi vào thế bị động, giống như bị giặc đánh úp bất ngờ nên không được tiếp viện; trang bị, nước, lương thực mang theo ít ỏi, không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa.
Đêm khuya, rừng sâu vọng tiếng lửa cháy. Cây cối đang rên xiết, muông thú đang hoảng loạn, giãy giụa gào thét trong biển lửa. Mọi người mệt lả, nằm rũ rượi đâu đó mê man trong những âm thanh dữ dội, chập chờn, chênh vênh thức - ngủ. Niên thoáng rùng người. Gió chạy sau lưng anh nóng ran, xông thẳng vào phổi. Niên ho sặc sụa. Khói. Khói theo làn gió rượt đuổi đến đây. Cơn gió ma mị, sương khói ma mị cuốn anh vào một con đường rậm rạp…
***
Rừng ngập đầy nước. Niên ngạc nhiên, lội bì bõm mãi xuyên qua những tán cây, hương tràm thơm phảng phất khiến anh ngây ngất, cứ thế mải miết đi mỗi lúc một nhanh hơn. Hương mời gọi thơm ngậy mật ong. Niên đã vào rừng bao lần anh không thể đếm hết nhưng anh chưa bao giờ thấy hương tràm nồng nàn đến thế. Chắc vì mỗi lần vào rừng, anh chỉ đi một hai chỗ quen thuộc. Những bông hoa vàng sáng lên dưới ánh trăng, rải mùi theo gió. Mùi hương dậy mật, anh hểnh mũi lên hít hà. Đây đúng là vương quốc của bông tràm, Niên lẩm bẩm trong ý nghĩ. Màu vàng như bất tận, càng đi càng mê mẩn. Màu vàng dịu dàng, mộc mạc, càng nhìn càng mê đắm. Sau lần này về nghỉ phép, nhất định anh sẽ kết một vòng bông tràm thật lộng lẫy, ngát hương để đội lên đầu người yêu. Ý nghĩ ấy, khiến đôi chân anh như có thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc khám phá. Giữa hai hàng tràm trải lối, với bông đua ra chen lá cành làm thành một rào chắn an toàn. Anh khẽ khàng vạch nhẹ, len lách qua những cành lá xum xuê, những dây choại giăng mắc gai góc. Thật lạ… Một mái chòi xuất hiện!
Anh đứng lặng hồi lâu, không vội đi vào trong. Một “ngôi nhà” thật đặc biệt. Ở thời bây giờ, chỉ những người có óc tưởng tượng và mơ mộng như anh mới chấp nhận đó là nhà. Những cây tràm to, thẳng bao bọc trên khoảng đất vuông, vươn cao vừa phải rồi ngả nhẹ vào nhau, quấn theo bao thân leo chằng chịt, dây này móc nối vào dây kia, lá to che lá nhỏ, lá dài lẫn lá tròn quấn quýt, nâng đỡ, bao bọc. Sự kỳ diệu của tự nhiên. Hẳn là “nhà” của bộ đội giữa rừng. Anh chắc như đinh sau khi có cơn gió thổi mạnh qua, những chiếc lá tốc lên, để lộ những tấm cao su ố vàng được giăng bịt phía trong, vòng theo những thân tràm. Dưới khoảng nước xâm xấp mặt đất, những mảnh gỗ cong cong xếp chồng lên nhau, tuyệt nhiên khô ráo trên mặt nước. Nếu đoán không lầm, thì chúng chính là gỗ tận dụng từ những chiếc xuồng di chuyển của bộ đội ở trong rừng vào mùa nước này đã bị hư hỏng. Có thể vì bị bom đạn của giặc đánh trúng, có thể vì xuồng mục không sử dụng được nữa nên bộ đội phá đi giữ lại gỗ còn tốt để kê nền nhà.
Chắc chắn nó là “nhà” của bộ đội, vì qua cánh cửa được ngụy trang khéo bằng một thân tràm, Niên đã thấy chiếc nón móp đầy nước trên một miếng gỗ làm kệ đựng đồ, một khẩu súng đã hoen gỉ và bộ quân phục vẫn còn một màu xanh nguyên vẹn. Niên xúc động, bước qua cánh cửa mà như bước vào một khoảng trời vời xa. Mấy mươi năm có thể gọi là quá khứ? Những cái đã qua có phải sẽ ngủ yên? Không, nó sống mãi, chỉ cần chúng ta còn nhớ và còn hướng về nó. Cầm bộ quân phục lên ngắm nghía, vuốt ve, Niên nghĩ về những giấc mơ của tuổi trẻ, về màu xanh bất diệt dù màu xanh ấy có lưu giữ bằng rong rêu, cây cỏ. Và đã là màu xanh ấy thì chẳng có ngọn lửa nào có thể thiêu cháy, chẳng thời gian nào làm cho bạc phai, sờn cũ được…
***
Niên choàng mở mắt, tiếng gà gáy trong thẳm sâu vọng lại. Trời sáng rồi ư? Anh buông câu hỏi khi nhìn những đồng đội đã thức dậy từ bao giờ đang bàn chuyện râm ran gần chỗ cây tràm anh dựa vào và thiếp ngủ đi. Dẫu thời gian trôi nhanh, cũng không gấp gáp đến mức vậy. “Thật lạ, chúng ta không ngủ được mà vẫn cảm giác thời gian trôi qua nhanh”. Một đồng đội của Niên lên tiếng. Thời gian nhanh hay chậm vốn do cảm nhận của mỗi người. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này, ai mà không muốn níu từng giây phút. “Lan nhanh như lửa cháy”, câu nói này dám chắc những con người đang chịu trận trong cánh rừng, một ngày phải nghĩ nhiều tương đương với ý nghĩ mong mỏi thời gian trôi qua thật chậm. Niềm mong mỏi ấy máu thịt đến mức, khi phát âm, họ cũng cố uốn lưỡi thật lâu, lộn ngược lộn xuôi, vo thật tròn trĩnh, thật chuẩn xác, đảm bảo không trật một âm, rồi mới cho thoát ra khỏi vòm miệng, dù lòng họ đang sục sôi, đang hối hả…
“Tất cả nghe lệnh tôi! Không ai được tự ý rời đội hình!”. Ánh mắt sắc lạnh và cái giọng đanh như thét ra lửa của Tiểu đội trưởng Hùng ngày đầu hành quân vào sâu, phát hiện lửa cháy, khiến ai nấy đều nể sợ, không dám tự quyết bất cứ việc gì trừ những hoạt động thiên về sinh hoạt cá nhân.
***
Đêm thứ tư… Chẳng còn ai buồn ngắm trăng, dù trăng vẫn sáng. Mười sáu, trăng vẫn níu giữ được vẻ trong trẻo. Mọi thứ chẳng bao giờ là muộn hay kết thúc nếu người ta biết trân trọng và sử dụng từng giây để níu giữ, để bảo vệ, để nâng niu. Muộn rồi ư? Niên thấy đau lắm trong ruột rà, trong tim phổi, trong từng thớ thịt đang nóng lên theo nhiệt độ bên ngoài. Người quê Niên không biết quý trọng rừng, dù rừng cư xử rất lịch sự, rất thân thiện và xởi lởi với người dân quê Niên. Rừng ơi, đừng buồn nhé. Ráng chịu đau tí nhé. Sẽ nhanh thôi, chúng tôi sẽ cứu được bạn, yên tâm nhé!
Rừng không trả lời Niên, chỉ có gió. Gió mang khói cay xộc thẳng vào phổi khiến Niên chỉ kịp ngồi dựa vào gốc một cây tràm. Trong cơn say khói chập chờn, Niên đã nhìn thấy cả một trời ký ức…
… Cậu bé ngồi trên một chiếc chiếu nhỏ được trải trong khoang xuồng, phía đầu dằm là người đàn bà cuốn trên đầu chiếc khăn rằn, tay đưa mái chèo thoăn thoắt. Hình như đây là lần đầu tiên cậu được theo mẹ vào rừng. Cậu tràn đầy hân hoan nên cứ lí lắc, nói cười, chỉ trỏ liên tục. Nhà cậu nằm ngoài bìa rừng, phía những con đom đóm vẫn lập lòe thứ ánh sáng kỳ diệu duy nhất vào đêm ở xứ rừng hẻo lánh này. Dân nơi đây không dùng lửa ban đêm, đó là một quy ước từ khi người ta đào kinh xẻ nước từ mạch nước ngầm của cánh rừng này.
Nhà cậu và những gia đình nơi đây chủ yếu sống bám rừng. Tuổi thơ cậu bé lớn lên như cây tràm non. Mẹ tính tuổi cậu bằng những mùa tràm ra bông, hay khi rừng tràm chìm trong con nước mằn mặn, chan chát. Cậu bé đưa cặp mắt tròn đen ngơ ngác nhìn những con diệc lửa, con sếu vỗ cánh trên cành tràm, vài con dơi treo ngược người đen thui vắt vẻo trên ngọn cây cao. Những con ong chăm chỉ hút mật ở bông tràm vàng xuộm giữa mùa. Bất chợt, cậu hét toáng lên và chạy về phía đầu xuồng, ôm lấy vạt áo bà ba của mẹ. Cậu nhìn thấy một con rắn thân vằn đen, có cái đầu đỏ chót, lè lưỡi đớp cá dưới làn nước cạnh be xuồng. “Đừng sợ! Nếu con bảo vệ chúng, chúng chẳng bao giờ làm hại con”. “Con sẽ bảo vệ nó. Mà bảo vệ nó bằng cách nào hả má?”. “Như cha con, yêu quý rừng”. Người mẹ dịu dàng nhìn con, rồi thoăn thoắt mái chèo. Chiếc xuồng len qua những bụi rậm, luồn dưới những búi dây xoắn cuộn, chồng chéo lên nhau. Người đàn bà ấy đi ngắt dây choại về bện thành thừng, đi tìm lá mật cật để đan nón che đầu, dừng xuồng quanh đám tràm có lẫn cần ống hái về làm rau dưa, rồi khua nhẹ mái chèo đi vào xa mãi theo những thanh âm mời gọi trong thẳm sâu hoài niệm…
***
“Nếu còn sống trở về sau lần này, anh nhất định sẽ chở con gái đi mua kẹp tóc rồi chải đầu và buộc tóc cho nó. Bé con nhà anh có lần phụng phịu, chỉ mẹ là thương con, ba đi hoài, dặn mua kẹp tóc mãi mà chẳng lần nào ba nhớ. Con bé chỉ thích kẹp tóc...”.
Anh Hưng bỏ lửng câu chuyện sau những tiếng thở dài. Anh là người lớn tuổi thứ hai trong tiểu đội, sau Tiểu đội trưởng Hùng. Không khí đang chùng lại thì Nam lên tiếng:
- Còn em sẽ về nhà liền, chạy đi tìm mẹ, ôm mẹ, sờ ti rồi nhấc bổng mẹ lên. Em vẫn cứ thèm được sờ ti, được vùi đầu vào vú mẹ nhưng em ngại, giờ thấy tiếc quá.
Cả nhóm được một tràng cười giãn hết cả cơ mặt, vài tiếng chọc ghẹo nêm vào câu nói của Nam, rồi mỗi người lại chìm dần vào những tâm sự riêng mình. Niên bẻ một nhánh cây, ghi nguệch ngoạc trên nền đất: “Rừng U Minh muôn đời ghi nghĩa lớn/ Sông Cái Tàu vạn thuở nhớ ơn sâu”. Anh nghĩ về con sông khơi nguồn từ cánh rừng này, nhớ những làng xóm ven bờ kinh, nhớ mẹ kể chuyện thời mẹ còn nhỏ vào rừng làm liên lạc, mẹ cùng ông ngoại đi câu cá; nhớ câu chuyện xẻ cá, phơi tôm để dành khi chạy giặc vào rừng; nhớ món tôm kho tàu gia truyền của mẹ, mà khi còn sống ông ngoại bảo thời chống Pháp ăn tôm kho tàu thua ăn muối với nước dừa. Tôm cá nhiều đến thế kia mà. Người dân quê anh bao đời nay luôn nương nhờ vào rừng để sống.
Tiếng lá cây nổ lách tách vọng lại. Lửa mỗi lúc một gần… Tiếng cú mèo, cú heo kêu liên hồi trên ngọn cây chà là tức tưởi, thê thiết.
- Chúng ta sắp chết rồi, những con chim ấy chẳng phải là báo hiệu cho những linh hồn sắp từ biệt thể xác hay sao? Em chưa muốn chết, em còn trẻ, còn chưa vợ. Ba mẹ em chỉ có mình em thôi. Em không thể chết, không thể.
Tiếng Nam kêu thóc thảm thiết càng làm cho không khí thêm căng thẳng. Không ai an ủi Nam, vì chẳng ai đưa ra được lý do hay hy vọng nào đó. Người ta làm sao an ủi được ai khác khi chính mình cũng đang hoang mang, lo sợ.
- Tiểu đội trưởng, hãy cho em chạy ra ngoài, em tin mình biết đường và sẽ cứu được mọi người, cứu được rừng - Niên đứng bật lên đề nghị.
- Im đi! Tất cả các đồng chí nghe đây, không ai được hành động khi chưa có lệnh của tôi. Chúng ta nhất định phải chờ đợi bên ngoài vào cứu viện.
Niên bặm môi cúi xuống sau khi nghe nhắc nhở của Hùng. Không khí lại chùng xuống thê lương, rệu rã, chỉ có tiếng gió mang theo ngọn lửa mỗi lúc một gần hơn. Những lúc thế này, người ta cần lắm sức mạnh của niềm tin, và niềm tin ấy đôi khi cần thử thách và sự đánh đổi…
***
Niên chạy mãi, chạy mãi băng qua những dây choại, lách giữa những cây mật cật, cây tràm trĩu vàng bông. Mùa xuân đến rồi đậu trên những bông tràm nở chi chít trên thân, trên cành, cả dưới gốc cây. Tiếng chim ríu rít trên đầu, ong bướm bay dập dờn trên hoa cỏ. Gió lượn lờ xoay những điệu nhẹ nhàng cho cành lá, vờn đuổi trên mái tóc rối bám đầy phấn hoa của Niên. Anh nhắm hờ mắt, mặt hơi ngẩng lên, đưa mũi hít hà, cảm tưởng như lồng ngực căng phồng lên, bao khói bụi đã bay ra ngoài tản mát hết vào rừng xanh.
Đôi chân trần thích thú dẫm trên mặt đất mát lạnh, cỏ lá mát lạnh. Rừng trong lành và dịu dàng, rừng râm mát và tươi trẻ. Niên đưa tay ra và tưởng tượng như ngày nào cùng mẹ vào rừng khi lấy củi, khi bứt đọt choại về nấu canh; nghe mẹ kể chuyện hồi chiến tranh, ăn đọt choại thay cơm, tìm bắt đuông trên chà là chống đói, đốt cỏ tranh lấy tro thay muối mặn; thời mẹ còn là cô bé thường thích kết vòng hoa tràm đội lên đầu.
Thời mẹ là cô giao liên, ba là anh bộ đội sống chết bám rừng. Mẹ thường đưa Niên vào rừng, nơi đây ba mẹ đã cho anh thành hình, có lẽ vì thế mà anh thấy cánh rừng này đâu đâu cũng gần gũi như bàn chân, như hơi thở của mẹ, như hình bóng của ba.
Có nhắm mắt, từ chỗ gốc cây này anh cũng tìm ra được chỗ mẹ chôn tấm áo ni lông của ba. Ba không có mộ, mẹ không dựng mộ cho ba mà chỉ chôn tấm áo ấy trong rừng, tại chỗ ông hy sinh. Sau đó, mẹ thường vào rừng một mình trò chuyện với ba. Từ ngày Niên lớn, mẹ thường dắt anh theo để thắp hương. Ngày Niên mở mắt chào đời cũng là lúc đất nước vừa tàn cơn binh lửa. Nhiều cuộc kiếm tìm nhưng vẫn chưa thấy hài cốt của ba. Mẹ anh không lấy đó làm phiền muộn. Bởi mẹ nghĩ ba hy sinh cho dân tộc là trách nhiệm và vinh dự, ba đã về với đất. Xương thịt ba vẫn hiện tồn trong màu xanh cây lá tốt tươi...
Niên quỳ xuống nền rừng. Anh hình dung cảnh ba bị trúng đạn, một viên trượt giữa trán, ba lùi lại mấy bước, tựa vào thân tràm; một viên nữa trúng giữa ngực, ba ngồi phịch xuống dưới gốc cây, mắt ba khép hờ mà tay vẫn cố đưa ra sau, ôm lấy thân tràm đã hứng tiếp ba viên đạn. Cây tràm ấy không chết, như được tiếp thêm sức mạnh từ vòng tay ấy, chỗ vết đạn cây gãy ngang lòa xòa mặt đất với một phần thịt mỏng mảnh còn bám lại, mọc lên vài nhánh mới, non tơ, xanh mướt, mùa qua, tháng lại bao nhiêu hoa lại tỏa hương, bao nhiêu nhành non lại đâm chồi.
Niên không được nhìn thấy ba anh bằng xương bằng thịt, chỉ qua những tấm ảnh trắng đen và ký họa trong trí tưởng tượng qua những câu chuyện mẹ kể. Nhưng Niên hay gặp ba lắm. Khi mặt trời còn lừng lững phía trời xa, Niên đã thấy ba thức dậy, đi dạo quanh trong rừng, thăm thú một vài cây tràm non mới mọc, nhặt vài quả trứng chim bỏ lại tổ của chúng; hay ngồi thở dài trước vài con chim đã treo ngược mình trên cây, không biết chúng đã chết từ lúc nào. Khi mặt trời đứng bóng, Niên thấy ba thổi cơm. Ba thổi cơm đều đặn. Và anh luôn thấy ba rung cây để tản mát khói. Niên quặn lòng nghĩ, những năm chiến tranh, ba và đồng đội của anh đã bao lần dùng lửa trong rừng mà rừng có cháy đâu? Vậy mà hòa bình...
Niên thấy ba khi bóng hoàng hôn ngả vàng trên màu lá rừng. Ngắm ở bất cứ góc độ nào, ở bất cứ đâu, trên ngọn chà là, dưới ruộng rau cần, trong tán mật cật hay um tùm của dây choại, Niên đều dễ dàng nhìn thấy ba, không rõ ràng nhưng gần gũi lắm. Rồi đêm xuống, anh lại được nắm tay ba đi dạo trong rừng. Dưới ánh trăng khuya, rừng xanh yên ả đến diệu kì. Ba thường không nói, Niên cũng im lặng, cứ thế bước giữa rừng đêm. Những cuộc dạo chơi ấy, anh luôn háo hức và chờ đợi. Ba sẽ đưa anh men theo những lối mòn bí ẩn. Con đường đó đầy mảnh bom, có những thân tràm chết khô, những thân tràm còn dính vết đạn, nhưng những dây choại thì thấp hơn, không bài binh bố trận để bắt cóc người. Điểm cuối cùng bao giờ cũng là nơi đây, nơi mà Niên đặc biệt yêu thích, nó là một công trình kiến trúc thô sơ nhưng độc đáo. Ngang giữa bốn thân tràm theo hình chữ nhật là một mái lợp tuyệt khéo được che chắn từ những vỏ tràm nằm xếp lớp lên nhau. Vỏ tràm dày gồm nhiều lớp không thấm nước. Giữa rừng, có vỏ tràm làm mái lợp còn gì thích hơn, vừa che mưa, tránh nắng, phòng sương vừa ngụy trang phòng địch phát hiện. Nối liền đó là những tấm bạt cao su được cột nối tiếp nhau, dưới mỗi tấm bạt là một chiếc võng. Ba không nói Niên cũng biết đây là nơi ba từng đóng quân, những công trình che chắn này là do những “kỹ sư” đồng đội cùng ba thiết kế. Niên tuyệt nhiên chưa hỏi vì sao ba luôn dẫn anh đến đây, chắc vì hồi nhỏ Niên thích chơi nhà chòi. Ba luôn dắt Niên đi như thế trong những đêm rừng nhuộm đầy trăng, rồi bất ngờ buông tay anh ra, tan vào sương khói khi có tiếng gà gáy từ xóm làng vọng lại…
***
“Ba! Ba!” - Tiếng gọi thất thanh vang ra rồi dội lại trong thinh không. Niên đã mơ một giấc dài, giấc mơ của những giấc mơ. Những giấc mơ rất cần để xoa dịu thực tại. Tiếng chim dáo dác kêu váng trời đêm, tiếng đập cánh loạn xạ như chạy trốn, như cầu cứu, như hấp hối. Lương thực dù đã dùng dè sẻn lắm nhưng cũng đã cạn kiệt, bụng ai nấy đều sôi réo. Đuông chà là cũng hết, những thức rau có thể ăn độn cũng không còn, rễ móp cũng teo tóp không còn một giọt nước. Cái nóng từ trên tỏa xuống, từ dưới bốc lên khiến cơ thể mất nước trầm trọng, môi khô đến rạn nứt, cổ họng nóng ran. Đến nước này chỉ có gặm gốc cây. Vừa đói, vừa khát, vừa nóng bức, ai cũng mệt mỏi rã rời.
- Các đồng chí phải vững vàng, chúng ta sẽ mau chóng được cứu viện thôi - Câu chữ của Tiểu đội trưởng Hùng xem ra vẫn khí thế lắm, nhưng giọng nói và vẻ mặt thì đã gợn vẻ phờ phạc. Có nằm mơ những người lính này cũng không thể tưởng tượng một ngày họ sẽ rơi vào cảnh đói và chết khát có thể sẽ cướp đi mạng sống của họ, dù vẫn biết thời nào đời lính cũng lắm gian nguy.
Cởi áo rồi mặc lại áo. Đứng lên rồi ngồi xuống. Rồi lại đứng lên. Rồi lại ngồi… Thế đường cùng làm những hành động trở nên quẩn quanh. Rồi như cạn kiệt hơi lực, họ như những cây rừng chết trân một chỗ đón đợi ngọn lửa đang vần vũ kéo lại. Tiếng cây nổ cháy giòn giã trong đớn đau…
Từng đàn chim vỗ cánh bay loạn xạ vô hướng. Khoảng rừng đêm đã khuyết dần bóng trăng. Không thể ở mãi đây để đón nhận, để chứng kiến sự thiêu hủy của ngọn lửa này. Trái tim Niên thổn thức rung lên dữ dội. Anh nghe như nó đang tan ra cùng ngọn lửa. Quê! Rừng!...
“Ba!” - Niên bật dậy, mắt đăm đăm nhìn vào bóng đêm đã gần đen kịt. Anh lao đi như một mũi tên.
Ba! Ba đã tái sinh trên màu xanh cây lá. Sự tái sinh ấy phải còn mãi.
Đêm tối quá, trăng đã khuyết rồi, chỉ mình Niên bàng hoàng thở dốc đạp trên đất, trên dây, trên lá. Lẫn trong mùi lửa khô và hắc, hương tràm thấm đượm. Niên buông thõng người, chạy đi như bị thôi miên cho đến lúc anh kịp tỉnh để nhận ra đã đến gốc cây tràm. Những nén hương đã tàn tro.
Niên xúc động quỳ xuống, nước mắt anh rịn ra, răng nghiến chặt, hai bàn tay cào bới liên hồi, đất văng ra, vung lên rơi vãi bụi lòa xòa trên nền đất. Đôi tay không biết đau đớn và mệt mỏi, liên tục cào bới cho đến khi Niên lấy được chiếc áo của ba dưới đất lên, ôm vào người. Anh áp mặt vào chiếc áo mưa mát lạnh hơi đất. Tay anh sờ soạng từ gấu áo đến hai bên tay, từ phần cổ xuống hai hàng khuy nút rồi dừng lại ở bên túi áo. Anh thoáng nhíu mày rồi đưa tay vào trong móc ra một tấm giấy gấp tư ố vàng đã bong nhựa ép ở nhiều chỗ.
Niên mở tấm giấy ra xem. Những đường vẽ đứt khúc. Những dấu cộng liên tiếp nhau. Những mũi tên len lỏi giữa con đường. Những chữ V ngược san sát nhau nằm hai bên đường mũi tên, bên này hình giọt nước, những con lăng quăng, bên kia là hình mặt trời, những đường chỉ màu xanh, màu đỏ…
Niên đứng ngẩn ra, mặc vội chiếc áo vào người. Con đường này, con đường trong những giấc mơ. “Ba ơi, con nhất định sẽ cứu được đồng đội con, cứu được cánh rừng này!”.
Niên chạy băng qua những ngọn lửa, băng qua thời gian tưởng như sắp dừng lại để kết thúc sự sống nơi này; để lại trên lá, trên dây, trên đất những vết máu tứa ra từ đôi chân trần đạp gai góc, từ mười ngón tay rỉ máu…
***
Nhiều năm về sau, những người đồng đội vẫn không thể quên hình ảnh Niên khi được đưa đi cấp cứu: Tóc cháy sém khét lẹt, với đầy vết rạch xước ngang dọc trên mặt, trên thân, đôi chân chi chít gai cây rừng, nhiều cái gai đã lặn hẳn vào trong lòng bàn chân, những đốt tay xây xát, nhiều đốt lòi cả xương ra ngoài. Báo chí đưa tin, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu kỹ khu rừng hòng lí giải cuộc thoát hiểm phi thường của Tiểu đội bộ binh 3. Và rốt cuộc họ kết luận rằng, cuộc thoát hiểm ngoạn mục đó phần nhiều do sự may mắn, bởi khu rừng nguyên sinh rậm rạp ấy chỉ có một con đường để thoát ra…