Biển về đêm gió lạnh buốt. Tay giữ chặt chiếc Smartphone, đưa lên đưa xuống, Phú ráng ngồi để đọc một chuỗi bài báo về đất liền. Cả một mái nhà nơi đây đã chìm vào giấc say nồng cùng biển cả. Chỉ còn tiếng sóng thao thức cùng anh. Vài con ốc tìm ăn về khuya, lang thang trên biển, bám vào những hõm đá. Phú cạy lấy một con lên ngắm nghía. Con ốc có lớp vỏ cứng, trắng như vôi. Một đầu nhọn nhỏ, một đầu bung xòe to theo hình vòng cung trông như chiếc nón. Đưa con ốc lên ngang tầm mắt, Phú xoay trở các mặt của nó rồi anh lại nghiêng cổ, nghiêng đầu qua trái, qua phải. Sau cùng, Phú bắt thêm một con ốc đang cựa quậy sát gót chân, nhổm người đứng dậy, mặt hướng ra biển đêm. Mùa nước cạn, rất hiếm khi thấy loài ốc này. Chắc là mấy bữa rồi mưa nhiều, mặt nước biển dâng cao, chúng mới loay hoay bám đá vào bờ. Loáng thoáng trong ánh trăng non đầu tháng, hai tay anh cầm hai con ốc giơ lên trước mặt. Cặp ốc in vào nền đêm như hai bầu ngực của người con gái, nhấp nhô giữa mênh mông biển cả. Chẳng biết Phú nghĩ gì, chỉ thấy ánh mắt anh nhìn đăm đắm đến ngây dại. Ngoài khơi xa, vài chiếc tàu đã tung mẻ lưới đầu tiên…
Phú nhớ nàng da diết. Chiều nay chắc nàng đã vào đến đất liền. Những trận say sóng liên hồi có làm nàng mệt mỏi. Lúc đứng nấp phía xa tiễn nàng, anh đã cầu mong biển đừng nổi sóng lớn. Nàng của anh mong manh và yếu ớt sẽ khỏe mạnh bước lên bờ. Ấy vậy mà Phú để ý, từ lúc tàu rời khỏi bến, biển chào đón bằng tiếng gió vút mạnh xộc thẳng vào tai, vào mặt, sóng thì cuộn lên thành từng trận, hung hãn xô đẩy liên tiếp dưới thân tàu. Phú thấy thương, thấy xót cứ đứng chết trân, nuốt từng đợt sóng vào trong cổ nghẹn ứ. Anh tần ngần ra như thế cho đến khi chiếc tàu hút tầm mắt mới đến ngồi trên hòn đá cao, chân duỗi thẳng xuống nước. Mỗi khi đợt sóng rú gào xô vào bờ, đôi chân Phú lại được phủ đầy rong rêu và nước biển âm ấm. Rồi khi sóng vừa giãn ra, gió lập tức ập vào ướp chân anh lạnh băng. Mà dường như, anh không có cảm giác gì. Cứ phong phanh quần áo, mắt đăm đăm dõi về nơi mù khơi. Trên tay anh, cặp ốc ngọ nguậy.
Anh khẽ mỉm cười khi hai chiếc râu bé xíu thò ra thụt vào như đang định phương hướng trong lòng tay. Ngày đầu gặp nhau nơi bãi sỏi lấp lánh ánh vàng chiều, nàng đã chăm chăm nhìn anh đợi một câu trả lời: Con ốc này tên gì thế anh nhỉ? Phú thoáng đỏ mặt, ậm ừ tên là… ốc nón. Nàng thích thú lặp đi lặp lại tên một loài ốc biển vừa biết. Trong bức tranh vẽ dở trên giá đang bị gió xô nghiêng, Phú liếc thấy hai con ốc bò trên mép cát đang nhao nhao theo làn sóng nhấp nhô.
Để có một tác phẩm làm đề tài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, nàng đã phải lặn lội ra tới đây - một hòn đảo hoang vu, trên dưới một trăm nóc nhà. Phú quen nàng vào một chiều khi vừa tan giờ giảng ở trường. Ra đảo đã hai năm, Phú vẫn giữ thói quen lướt web. Chiều nào sau khi đợi học trò về hết, anh cũng men ra bãi sỏi, đi dọc mép biển, để sóng nước nhịp nhàng mơn man đôi chân trần. Nếu không có mưa bão, anh sẽ chọn một hòn đá cao, leo lên ngồi, mở điện thoại đón sóng wifi đọc báo.
Biển về chiều dịu dàng, êm êm vỗ từng cơn sóng nhỏ. Nắng lấp lóa ngoài trùng xa, vài chiếc tàu đã bung mẻ lưới đầu. Nước biển đan trên những mắt lưới lung linh muôn vàn ánh chớp của ngàn ngôi sao đang vội sà xuống biển trước khi màn đêm kịp kéo về. Biển gợn lăn tăn, thấy rõ những cánh chim sà xuống sát mặt nước, cá trắng nhảy vọt lên như màn biểu diễn nhạc nước giữa bao la mây biếc bay bay khuất dần phía núi. Kinh nghiệm ngắm biển bao lâu nay cho Phú biết, những ngày tới biển sẽ an nhiên, tuyệt không nổi giông bão. Cảm giác như nắng chưa bao giờ thôi tắt lâu như hôm ấy, anh nheo mắt hướng về trùng trùng ngàn dặm sóng, gió thổi làm mái tóc anh thêm bồng bềnh, vị biển nồng quyện đặc mặn mòi ướp da thịt anh rắn rỏi. Phú lặng đi thật lâu, lần đầu anh cảm được biển gần gũi đến vậy, hơi thở của anh cũng nhịp nhàng theo từng cơn sóng. Cảm giác ấy không chỉ mình anh có, sau này trong bức tranh đã hoàn thành với nhan đề Cảm xúc biển của nàng, anh đã thấy bóng dáng mình trong tranh. Cũng buổi hoàng hôn này, nàng đã vung những đường nét thật nhanh, cố gắng phác lại chân thật và tự nhiên nhất, bóng người con trai với mái tóc bồng tung bay trong gió, mắt đăm đăm hướng ra biển xa, nơi có vài chiếc nhạn chao liệng, nơi có chiếc tàu tung mẻ lưới trong chói chang ráng chiều. Biển êm như ru. Phú trở thành cảm hứng để nàng hoàn thành đề tài tốt nghiệp. Anh chỉ phát hiện ra nàng sau một khoảng rất lâu khi cảm giác đằng sau có ai đang nhìn mình. Trực giác ấy, lâu nay anh cứ tưởng chỉ có ở phụ nữ. Phú ngượng chín cả mặt. Nàng đứng ngang sườn núi, chỗ thềm đá rộng đủ dựng một khung tranh đang nghiêng nghiêng theo làn gió thốc đột ngột. Chiếc váy mềm mại tạt hết cả về phía sau, ôm sát thân người nàng, men theo những đường cong của cơ thể. Phú giữ nguyên tròng mắt dán vào sườn núi, cho đến khi thấy nàng khẽ chỉnh váy áo. Dường như nàng đã phát hiện Phú đang ngắm mình. Chẳng biết động lực nào, anh để mặc những sợi rong còn đang bám quanh bàn chân, mạnh dạn đi nhanh về hướng núi.
Nàng nhoẻn miệng cười khi thấy anh nhìn nàng và đưa mắt vào bức tranh còn đang dở đường cọ.
- Em phải trả công cho người mẫu nhé, tranh đẹp thế kia mà.
Nàng đáp lại anh bằng cái bĩu môi tinh nghịch, khẽ hất vài sợi tóc bị gió thổi tung trước mặt, ngượng ngùng mắt hướng ra biển khi thấy Phú nhìn nàng chăm chăm đợi một câu trả lời.
Và nàng trả công cho anh thật. Suốt một tháng ở đảo, chiều nào nàng cũng dành vài tiếng đến trường dạy vẽ cho các em học sinh. Chúng mê tít nàng. Cả hòn đảo, bây giờ mới có cô giáo. Cô giáo dịu dàng, tóc gợn buông xõa như từng đợt sóng lại vẽ tranh cực đẹp. Lũ trò nhỏ cứ vây quanh, không học vẽ thì cũng đến vuốt tóc, vuốt má nàng. Lắm lúc Phú ghen tị với chúng, anh cũng muốn được nàng dạy vẽ, được vuốt tóc, vuốt má cô giáo. Nàng đáng yêu đến thế cơ mà. Bù lại, chiều nào cô giáo cũng dạo biển cùng anh. Hôm đó, bất chợt biển đổ mưa tuyệt không giông gió, anh làm liều kéo nàng nép vào mình chạy nhanh vào sườn núi. Mưa rào nặng hạt vội đến chóng đi, để lại hai con người ướt sũng nước. Vậy mà mưa vừa tạnh, hai người lại dẫn nhau trở lại bãi sỏi. Gió thổi làn môi nàng tím lịm. Anh xót, đánh liều thêm lần nữa, kéo nàng sát vào lòng, vòng tay ôm truyền hơi ấm. Anh cảm nhận được vai nàng khẽ rung nhưng tựa vào nhẹ nhàng, đôi tay vẫn để yên cho anh nắm. Phú nghe lòng sôi sục một luồng nhiệt nóng hổi, gió sóng tạt vào người mà da thịt anh vẫn thấy râm ran. Lần đầu tiên, anh được gần gũi như thế với một người con gái. Tóc nàng vấn vít trên mặt, trên cổ anh nhồn nhột, Phú nhắm nghiền mắt hít hà hương tóc, hương da thịt nàng nhè nhẹ bao bọc mình…
- Mai em về lại trường. Tàu đón vào đầu giờ chiều. Anh đừng làm Rô-bin-xơn nữa, theo em vào đất liền nhé?
Phú chưa biết phải mở lời thế nào. Tin báo của nàng quá bất ngờ khiến Phú hụt hẫng. Anh chưa nói được gì dù trong đầu đã dự định bao câu chuyện còn dài hơn cả chiều dài hòn đảo. Một tháng trôi qua chóng vánh như tiếng sóng vừa đó còn ngoài khơi chớp mắt đã tung bọt trắng xóa vào mạn bờ. Trên đỉnh núi, tiếng chuông chùa đổ từ tốn, khoan thai nhịp nhàng, có cả tiếng mõ vẳng lại đều đều. Sư thầy chắc đã đến giờ niệm kinh. Trưa nọ, khi đang ở lưng chừng núi tìm hái lá trầm tiên về nấu nước uống, sư thầy đứng ở gốc cây trắc đưa tay ra hiệu vời anh lại. Bóng sư thầy bé nhỏ giữa một vùng bóng râm cây trắc tỏa cành sum suê. Biết Phú là giáo viên tình nguyện ra đảo dạy chữ cho trẻ con, sư thầy quý anh ra mặt. Có việc gì của đảo, của chùa, sư đều gọi anh lên bàn bạc.
Có lẽ, sư thầy là người đầu tiên đặt chân lên đảo. Từ đó đến nay, người chưa một lần quay trở lại đất liền. Những ngày đầu đặt chân lên đảo, Phú thường được sư thầy mời uống trà nói chuyện tại gốc cây trắc này. Đó là những ngày Phú nhớ quê, nhớ mẹ da diết. Ở đảo, Phú phải tự nhóm lửa nấu cơm, tự giặt giũ làm gì cũng gắng nhớ hai chữ: Tiết kiệm. Cả một trăm nóc nhà sống nhờ vào khe nước chảy rỉ rả từ núi xuống, ai cũng phải xếp hàng lấy nước và tính toán sử dụng sao cho đủ vừa ăn uống, tắm giặt. Mấy phen Phú phải “nhịn” tắm vì xài nước chưa cân đo phù hợp. Có bữa nâng chén cơm hạt sống hạt chín lại hơi mùi khắm khói, Phú thấy mắt cay xè, ở nhà mẹ có đi vắng thì cùng lắm cũng chỉ phải cắm nồi cơm điện. Ở đảo, trạm phát điện đặt trên núi chạy bằng động cơ đi-ê-zen, một ngày chỉ phát hơn một tiếng đồng hồ. Nhiều khi Phú chưa kịp sạc pin điện thoại, máy đã tắt. Chiếc Smarphone nhiều chức năng giải trí vất lăn lóc trên giường, có việc gì gấp lắm cần liên lạc về nhà, anh mới mở nguồn. Nghiền đọc báo lắm, cũng chỉ dám lướt vội vài phút, chưa kể việc phải ra tận ngoài bờ biển “hóng” wifi.
- Con muốn rời đảo, con nhớ đất liền quá.
Sư thầy nhấp ngụm trà, tay xoa xoa lớp vỏ nâu bóng hằn nhiều vệt ngang dọc của cây trắc:
- Khi ta đặt chân lên đảo, cây trắc này mới chỉ là một thân cây èo ọt, núp dưới những dây leo lá to lòa xòa kia. Con xem, bây giờ nó đã cao quá ngọn núi, thân đã vừa vòng tay ôm. Loại cây này, khi còn nhỏ thích sống trong bóng râm, để những dây leo che mát. Nhưng khi trưởng thành, nó lại vươn ra ánh sáng và tỏa bóng che chở cho cả một vùng cây xung quanh. Những đứa trẻ ở đảo, chúng là những cây trắc non.
Từ lần ấy, Phú tuyệt không còn ý định xa đảo, có theo ngư dân đi đánh cá ngoài khơi xa, thấy bóng cây trắc reo vui, gióng cao hơn ngọn núi ở xa xa, anh chỉ muốn về ngay đảo. Tàu vừa cập bến, Phú đã chạy thật nhanh lên núi, ngả lưng vào bóng cây trắc, nghe gió núi, sóng biển rượt qua tai, qua mặt. Rồi ngủ quên lúc nào không hay, cho đến khi giật mình mở mắt bởi tiếng gọi, tiếng lay: “Thầy ơi, thầy à, chữ này đọc làm sao hả thầy?”.
Nàng xuất hiện như cơn gió lạ thổi mát cả hòn đảo những ngày nắng hè gắt gỏng. Cả tháng nay, trời dịu mát và hay có mưa bất chợt. Cây trên núi đảo nhuộm lại sắc xanh non, trôi bớt đi bụi bặm cằn cỗi. Phú cũng nghe lòng trào lên dòng nhựa mát ngọt, tươi mới. Hòn đảo này rồi sẽ đẹp hơn khi có nàng. Nàng sẽ ra đảo dạy, sẽ cùng Phú xây dựng hạnh phúc giữa mênh mông sóng biển. Anh cứ chắc như thế vì thấy nàng rất yêu lũ trẻ ở đảo, nàng cũng mến anh. Rồi Phú sẽ tìm một cơ hội thích hợp để ngỏ lời, cả hai sẽ ngồi dưới bóng cây trắc già ngắm lũ trẻ ê a đọc bài, tập vẽ… Những ý nghĩ ấy, chắc chỉ có sóng biển nghe thấy, nên khi nghe nàng nói, biển bỗng nổi gió giông. Biết nói gì với nàng lúc này, khi dường như cả anh, cả lũ trẻ và những con ốc nón vẫn đêm đêm bám vào cạnh đá không đủ sức níu chân nàng lại. Anh không phải là Rô-bin-xơn, ngay cả sư thầy cũng không phải là Rô-bin-xơn, có lẽ nàng đã không thấy những cây trắc non nấp mình dưới những dây leo chằng chịt. Anh đã định gợi cho nàng vẽ bức tranh ấy, nhưng rồi lại chưa kịp và bây giờ anh chẳng thể mở lời. Bóng chiếc tàu đã mất hút từ bao giờ. Đêm mỗi lúc thêm sâu. Tiếng mõ mỗi lúc một gần. Ngọn đèn dầu le lói ngay bóng cây trắc già. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi biển động, gió lớn, người lại ra gốc cây trắc già gõ mõ tụng kinh cầu an cho ngư dân đang chài lưới ngoài khơi xa.
- Người lại cầu an cho ngư dân ạ?
- Ta cầu an cả cho con. Lòng con đang đầy giông tố.
Phú khẽ nhíu mày cười xòa, nói bâng quơ về cơn bão bất chợt chiều nay. Sư thầy vẫn nhắm nghiền mắt, chỉ một sắc mặt không thay đổi. Gió thổi dào dạt qua những cành lá trên vòm cây. Mấy lần, Phú định mở lời, nhưng lại thấy không nên, lại sợ sư thầy chê cười, mới chỉ một tháng nay… lại là chuyện yêu đương vớ vẩn.
- Theo con, trên thế gian này cái gì quý giá nhất?
Gió vù vù thổi vào chiếc áo cà sa trên người, sư thầy vẫn nhắm nghiền mắt, tay sư đã ngừng gõ mõ. Chẳng hiểu sao lúc này, hình ảnh của nàng cứ quẩn quanh trong đầu, hương tóc, hương da thịt và đôi bàn tay khi nàng chăm chú đưa những đường cọ, bờ vai nàng rung lên hôm tựa vào Phú… Nàng chỉ là cơn gió lạ đến rồi đi rất nhanh. Vậy mà Phú yêu nàng thực sự bằng rung động lần đầu của con tim trai trẻ. Lần cầm tay nàng chạy vào núi trú mưa, lòng bàn tay mỏng mảnh, những ngón mềm thuôn dài như có điện chạy dọc cơ thể anh, Phú đã muốn chở che và yêu thương đôi tay ấy. Anh đến với đảo khi chưa có một cuộc tình vắt vai, những tưởng đó sẽ là điều thuận lợi để anh dễ dàng vứt bỏ chốn phồn hoa lại sau lưng. Nhưng giờ đây, đảo lại mang đến cho anh những rung cảm tình đầu, để có thể vì mối tình ấy, anh sẽ rời xa đảo. Tiếng hắng giọng của sư thầy như muốn nhắc anh, người đang đợi câu trả lời.
- Con nghĩ thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi.
Thực ra, anh đã có quyết định từ lúc anh lẳng lặng đứng phía sau núi tiễn nàng lên tàu chiều nay. Lũ trẻ bao quanh lấy nàng khiến anh không tiện nói lời tiễn biệt, chúng còn tặng nàng bao nhiêu tôm cá của nhà phơi khô, cả những vỏ ốc xâu lại thành từng chuỗi. Anh nhìn lại hai con ốc trắng màu vôi cầm trên tay mình, đêm qua, anh đã bắt được một con không phải ở cạnh hòn đá. Nó bò ngay dưới chân anh. Anh cũng định tặng nàng làm kỷ niệm, sẽ nói cho nàng biết, loài ốc này còn có một tên gọi khác.
Sư thầy vuốt chòm râu lưa thưa vài sợi trắng cũng đang bị gió hất ngược lên mặt, rũ áo đứng dậy, tay cầm mõ, tay cầm ấm trà đi lên núi, bỏ mặc anh lại với biển đêm đang đổi gió. Phú cũng đứng dậy, mở điện thoại lên nhìn giờ, chắc giờ này nàng cũng đã về đến đất liền, trước khi biển động mạnh. Chiếc Smartphone mở nguồn chộn rộn tiếng nhạc reo vui, có tiếng tít tít báo tin nhắn:
“Em đã về đến đất liền, biển giận em thì phải. Anh nhắn lại sư thầy giúp em, thế gian này cái quý giá nhất là hạnh phúc hiện đang nắm giữ, em nhớ lũ trẻ quá, em sẽ lại ra đảo”.
Mặc gió rít vù vù qua mặt, Phú vẫn đứng mỉm cười với biển, anh thầm thì với chiếc điện thoại, anh sẽ chờ, ngay khi nàng bước chân lên đảo, anh sẽ tặng nàng đôi vỏ ốc trắng, sẽ không ngại ngùng cho nàng biết nó còn có tên gọi khác rất gần gũi: Ốc vú nàng.