“Niệm Phật nên cấp tốc
Chớ bảo mình chưa già
Sống chết có ngắn dài
Hơi thở ai dám chắc
Thân này nếu mất đi
Vạn kiếp chẳng thể cầu
Khuyên răn người nhân thế
Chớ đợi nấm mồ xanh”.
Tất cả thế gian vạn tượng, đều do duyên sinh ra, biến hóa sinh diệt không ngừng mà có. Gọi là nhân duyên hòa hợp, hư vọng mà có sinh; nhân duyên tách lìa, hư vọng mà dẫn đến diệt. Duyên tụ họp thì huyễn có, duyên phân tán thì huyễn không. Vậy nên từ trước đến nay tất cả vạn vật, không có vật gì không phải là trăng trong nước, hoa trong kính. Như giấc mộng, như ảo ảnh, như bọt bóng, đều là ánh chớp xẹt từ đá lửa, như mây khói thoáng qua trước mắt. Thân thể khác nào bong bóng nước nổi trôi, tính chất hư ảo không bền chắc. Già suy bệnh chết, khổ, không, vô thường, đây chính là quy tắc sinh diệt biến đổi theo lẽ tự nhiên, lưu chuyển không ngừng trong từng sát na. Trong suốt lộ trình của kiếp người, cũng có trạm cuối cùng phải tạm dừng chân, chẳng một ai đủ may mắn để thoát khỏi. Thế gian này giống như một quán trọ ven đường, chúng ta cùng lắm cũng chỉ là một lữ khách qua đường tạm dừng chân mà thôi.
Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến ngày nay, vì một niệm bất giác mà rong ruổi mãi nơi ba cõi sáu đường, bám víu vào duyên cảnh trần thế. Các nhân duyên ngu si mê vọng được tích lũy từ nhiều đời, khiến tâm sinh diệt không ngừng, niệm khởi sinh các pháp, đủ thứ điên đảo, khiến điều chân chính trở thành hư vọng, che mờ ánh sáng chân lí vi diệu. Bởi do tâm sinh, nên muôn pháp đều sinh. Do pháp sinh nên đủ thứ tâm sinh, tâm và cảnh rượt đuổi lẫn nhau, xoay vần lây nhiễm cho nhau. Từ các phiền não tham sân si, phát ra thân miệng ý, tạo tác các hữu lậu, khởi mê hoặc gây tội nghiệp. Từ nghiệp ấy cảm ra quả báo, từ quả dẫn đến nhân, nhân quả xoay vần, không có ngày dừng nghỉ. Thế là đời đời kiếp kiếp, bỏ thân rồi thọ lấy thân, lưu chuyển không có ngày ra; trôi nổi trên dòng biển của nghiệp chướng, đắm chìm mãi trong ba cõi luân hồi. Bởi vậy, biến hiện ảo ảnh từ sáu đường thăng trầm chìm nổi, cả thân lẫn tâm chịu đựng những thống khổ đau đớn một cách oan uổng, vô lượng vô số những điều bức bách giày vò mà không hay không biết.
Nên biết, từ vọng mà có sinh, do sinh mà dẫn đến diệt, sinh diệt nên gọi là vọng, vọng ấy được diệt thì mới hiển lộ chân. Phải hiểu thấu đáo rằng duyên sinh đều là hư ảo không thật, không nên lưu chuyển dòng tâm thức của vọng niệm. Chuyên cần tu tập giới định tuệ, để mong khế nhập với chân như pháp tính, thấy rõ bản thể bất di bất dịch, liền có thể chém đứt dòng chảy của sinh tử. Cũng tức là dứt tuyệt tướng mê vọng huyễn hóa của sinh diệt, giác ngộ và hội nhập vào thể tính chân thật bình đẳng nhất như. Từ đó, nương tự lực đoạn mê hoặc chứng ngộ chân thật, trở về với bản lai diện mục thuở ban sơ, đạt đến mục đích thoát li ba cõi, vượt ra ngoài sinh tử. Trừ phi đã tiệm tu từ nhiều đời kiếp trong quá khứ, huân tập vun bồi hạt giống đạo từ lâu, nếu không chỉ e là có trải qua trăm kiếp nghìn đời cũng chẳng thể nào chứng ngộ được.
Duy chỉ có pháp môn Tịnh độ, nương nhờ vào tha lực từ bi của Phật mới có thể mang theo nghiệp mà vãng sinh, vĩnh viễn lên địa vị không thoái chuyển. Chỉ cần tin chân thành, nguyện tha thiết, chí thành niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, nhất định có thể vượt ngang ba cõi, không còn thọ thân ở đời sau. Cho nên, niệm Phật lúc lâm chung, cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc chính là chiếc chìa khóa vàng để siêu phàm nhập Thánh, cũng là con đường ngắn nhất để thành tựu chính giác, ngoài ra chẳng còn con đường nào thỏa đáng hơn để đi. Hãy dốc lòng tín nguyện trì danh, ắt sẽ cắt ngang dòng lưu chuyển của sinh tử luân hồi, vĩnh viễn xa lìa vực thẳm buộc ràng của nghiệp chướng. Lại nhờ tịnh duyên tăng thượng mà mau chứng được vô sinh, sau đó mới có thể dùng trí lực và nguyện lực hội nhập Sa bà mà cứu vớt quần sinh.
Bởi dựa dẫm vào người, mong người khác giúp mình không phải là việc đơn giản, nếu gặp phải ác duyên, nó có thể gây chướng ngại cho việc vãng sinh của ta. Vậy nên kể từ hôm nay, chúng ta phải thực sự nỗ lực tu hành, tự nắm chắc việc niệm Phật vãng sinh Cực lạc, để khẳng định ngay những thứ khác trong đời này chỉ là “lông gà vỏ tỏi”, là những việc nhỏ nhặt không đáng để tâm, tất cả đều tùy duyên là được.
Nếu như đời này chúng ta tích chứa công đức thù thắng, thì cảnh sống đời sau sẽ tốt hơn, thù thắng hơn đời này nhiều. Nếu như tạo ra nghiệp tội thì hoàn cảnh sống ở đời sau nhất định thua kém cuộc đời hiện tại, vất vả gian nan hơn cuộc đời hiện tại. Ngay cả việc thọ thân vào đường nào, chuyển kiếp vào đường nào cũng là do ý niệm của bản thân. Pháp giới vô lượng vô biên, chúng ta tương ứng với pháp giới nào, chí thú tương thích với cõi nào thì sinh vào cõi đó. Người thích niệm Phật sẽ đi đến niệm Phật đường, người thích cờ bạc thì đi đến sòng bạc, người thích nhảy thì đi đến sàn nhảy, cũng giống như việc đi thọ thân, đi chuyển thế, chuyển đến nơi nào mà tâm chúng ta ưa thích. Mỗi một người có sở thích khác nhau, vì vậy mà quả báo cũng bất đồng.
Trên thế gian này, quả thật có không ít người thích tài, sắc, danh, thực, thụy. Đức Phật nói đó là tham ái, nếu tâm tham ái nặng thì sẽ tương ứng đường quỷ. Người có tâm ganh ghét sân hận nặng thì sẽ tương hợp với địa ngục. Còn ngu si, không có khả năng nhận rõ đúng sai, tà chính, thiện ác, thì tương thích với đường súc sinh. Vậy mới hiểu được đạo lí làm người là phải giữ gìn đức hạnh và phẩm chất cơ bản của việc làm người mới không đánh mất thân người, đời sau vẫn có thể chuyển thế làm người. Nếu lí niệm về đạo đức cao thượng, thì họ sẽ chuyển kiếp lên cõi trời. Hiểu được lí niệm Phật, nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật thì chắc chắn sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Đây là sự thù thắng bậc nhất, trong các thứ chuyển thế không gì sánh bằng, chư Phật mười phương đều tán thán.
Vậy thì trong Phật pháp nói có mười pháp giới, chúng ta phải có trí tuệ để lựa chọn pháp giới Phật. Trong vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên bảo chúng ta hãy chọn Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, chúng ta phải y giáo phụng hành. Dù có đại nạn nào kéo đến ta cũng chẳng sợ hãi. Bởi vì trong ta có Phật, rõ biết rằng dẫu mình có ra đi cũng sẽ sinh sang thế giới Tây phương Cực lạc. Trong kinh thường nhắc nhở chúng ta “xa lìa sợ hãi, vọng tưởng”, dù đại nạn có xảy đến trước mắt cũng không sợ, chính mình mới làm chủ được mình. Vì một khi kinh hoàng sợ hãi sẽ phải rơi vào ba đường ác. Chúng ta là người học Phật, phải tôi luyện thành tựu công phu này, bất cứ đại nạn nào xảy ra cũng đều không sợ, không hãi, tâm luôn định, luôn làm chủ bản thân thì chắc chắn sẽ sinh vào đường lành.
Nhận thấy tầm quan trọng của thời điểm lâm chung và công đức thù thắng của câu Phật hiệu, các vị cổ đức xưa đã ghi lại những nội dung liên quan đến trợ niệm vãng sinh, viết thành một cuốn sách lấy tên là Sức chung tân lương bằng thể loại cổ văn, lưu hành khắp trong và ngoài nước, mang đến vô số lợi ích cho quần chúng khắp nơi. Sau đó các vị pháp sư như Tây Chấn, Thế Liễu với mong muốn lưu thông rộng rãi đến tất cả mọi người, để bất kể là già trẻ lớn bé, ai cũng đều hiểu được, nên quyết định biên soạn, đơn giản hóa cuốn sách bằng lối văn bạch thoại hiện đại, với tựa đề là Những điều cần biết lúc lâm chung. Lời văn của cuốn sách mạch lạc dễ hiểu, ý tứ rõ ràng sâu sắc. Cuốn sách này đã được xuất bản và tái bản nhiều lần. Do tựa đề Những điều cần biết lúc lâm chung này có vẻ sẽ khiến rất nhiều người kiêng kị, nên chư tôn đức đã đổi lại thành tựa đề khác là Niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật. Nội dung trong đó bao gồm ba chương: “Những điều cần biết lúc lâm chung”, “Việc quan trọng nhất của đời người”, “Vì sao phải làm Phật sự”.
Sau đó khi tiến hành chuyển ngữ tập sách này, chúng tôi đã gộp thêm một cuốn sách khác cũng được biên soạn lại từ những bài giảng của Hòa thượng Tịnh Không, tên là Hỏi đáp trợ niệm lúc lâm chung. Nguyên do là cả bốn chương trong tập sách này đều có chung một chủ đề về công đức niệm Phật, cách thức lo liệu hậu sự, và chuẩn bị sẵn sàng cho lúc lâm chung. Chúng tôi mong muốn cuốn sách này sẽ giải đáp được những thắc mắc trong đời sống, trả lời thỏa đáng cho những vấn đề muôn thuở của kiếp người. Để nhờ đó, quý vị tìm được chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa tử sinh, không còn phải trôi lăn lặn hụp trong ba cõi sáu đường, vừa có thể tự mình tu tập lại vừa có thể hướng dẫn người khác quay đầu hướng thiện, hướng thượng.
Hi vọng các vị nhân lúc còn đủ tâm sức, hãy sớm quay về bờ giác, dốc lòng tu tập và phát tâm Bồ đề vô thượng, nhân lúc còn đủ tâm sức để chuẩn bị cho một đời sau an lạc hơn, hạnh phúc hơn, mĩ mãn hơn. Mong rằng sẽ không có ai uổng phí phúc duyên đời này được sinh ra làm thân người!
Thành tâm ngưỡng vọng và thành kính tưởng niệm Cố đại lão Hòa thượng thượng Tịnh hạ Không. Cầu nguyện Ngài sau khi đạt đến quả vị rốt ráo sẽ hội nhập Sa bà để hóa độ cho vô vàn những chúng sinh còn u mê tăm tối. Chân thành tri ân sự trợ duyên của chư vị tôn đức đang quản lí và điều hành Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội đã trợ duyên bản quyền in ấn cho chúng con. Ngưỡng mong hồng ân Tam bảo gia hộ cho quý vị pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, luôn thuận lợi trong sự nghiệp giáo dục và phục vụ nhân sinh, đạt được nhiều thăng tiến trong quá trình tu tập và cống hiến xã hội. Cầu chúc cho Phật giáo trên toàn thế giới ngày một xiển dương rộng rãi, tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần giọt mưa giáo pháp để xoa dịu phần nào đó những nỗi khổ niềm đau của kiếp người. Nguyện cầu giá trị tâm linh được tiếp tục lan tỏa và lưu truyền đến nhiều người và nhiều đời sau nữa, để tất cả chúng ta đều được sống an lành bởi tâm từ bi và trí tuệ, để Phật pháp được trường tồn lâu dài ở nhân gian!