Hòa thượng Tịnh Không (18/3/1927 - 26/7/2022), tục danh Từ Nghiệp Hồng (徐業鴻), pháp danh Giác Tịnh (覺淨), tự Tịnh Không (淨空), người trấn Dịch Trì huyện Lư Giang thuộc tỉnh An Huy. Sự nghiệp hoằng dương pháp môn Tịnh độ, giảng kinh của Ngài trải qua thời gian lên đến hơn 50 năm. Hòa thượng là người tiên phong trong việc áp dụng kĩ thuật truyền thông đa phương tiện Internet để phổ cập Phật học với trọng tâm là pháp môn Tịnh độ. Các bài giảng của Ngài có thể được tìm thấy phổ biến trên Youtube bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.
Hòa thượng Tịnh Không chuyên giảng Kinh Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác (佛說大乘無量壽莊嚴清淨平等覺經) do cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập thành công năm bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ (無量壽經) của năm triều đại Trung Hoa.
Hòa thượng nhấn mạnh rằng Phật giáo là lời dạy của Đức Phật dựa vào trí tuệ và từ bi, để chúng sinh được thành đạo, chứ không phải là tôn giáo mê tín dị đoan.
Thời niên thiếu, Ngài sống và học tập tại tỉnh Phúc Kiến và Quý Châu. Ðể mở rộng kiến văn, trong suốt 13 năm, Ngài đã theo học với các bậc danh sĩ thạc học thời đó là các vị Phương Ðông Mĩ, Lí Bỉnh Nam, v.v. Ngoài ra, Ngài còn theo học Mật giáo Tây Tạng với Ðại sư Chương Gia. Tuy thế, vị thầy mà Ngài kính phục nhất và học hỏi được nhiều nhất vẫn là cư sĩ Lí Bỉnh Nam. Ngài nể phục cụ Lí đến nỗi hầu như bất cứ khi nào giảng pháp, dù bất cứ đề tài nào, Ngài đều nhắc đến với lòng biết ơn vô hạn. Dưới sự giảng dạy, dìu dắt của những vị trên, Hòa thượng Tịnh Không thấu hiểu sâu xa, thâm nhập kinh điển Phật học.
Năm 1949, Ngài định cư tại Đài Loan, Trung Quốc và làm việc tại Thực Tiễn Học Xá. Từ năm 1956 đến năm 1959, Ngài học Mật tông với Đại sư Chương Gia. Từ năm 1959 đến năm 1969, Ngài học Phật học với cư sĩ Lí Bỉnh Nam.
Năm 32 tuổi, tức năm 1959, Ngài thế phát xuất gia với sư Bạch Thánh tại chùa Lâm Tế, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, pháp danh là Tịnh Giác, pháp tự là Tịnh Không. Sau khi thọ Cụ túc giới, Ngài tích cực hoằng dương Phật pháp cả trong nước lẫn hải ngoại trong suốt hàng chục năm, chưa từng lúc nào gián đoạn. Ðề tài giảng thuật của Ngài rất phong phú, Ngài liên tục giảng rộng đến mấy mươi loại kinh, luận Ðại thừa như Hoa nghiêm, Pháp hoa, Kim cương, Lăng nghiêm, Viên giác, Lục tổ đàn kinh; nhưng kinh Ngài tâm đắc nhất là Tịnh độ ngũ kinh (A Di Ðà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, chương Ðại Thế Chí niệm Phật của Kinh Lăng nghiêm và phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện).
Sau khi thọ Cụ túc giới chính là thời điểm khởi đầu trong suốt quá trình giảng kinh thuyết pháp của Ngài. Ngoài việc tinh thông kinh điển Đại thừa, Ngài còn nghiên cứu các kinh điển những tôn giáo khác như: Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Nho giáo, v.v. Từ đó, Ngài đã khởi xướng xây dựng mối đoàn kết chín tôn giáo tại Singapore như một đại gia đình, và cũng là người chú trọng thúc đẩy hòa bình đoàn kết các tôn giáo và các dân tộc khác. Ngoài ra, Ngài còn cùng đệ tử là Pháp sư Ngộ Đạo thành lập Tịnh Tông Học Hội trên toàn thế giới do cư sĩ Lí Bỉnh Nam khởi xướng; theo học Tiến sĩ Triết học với một vị giáo sư người Mỹ tại Đại học Phương Đông của Đài Loan, Trung Quốc; trước sau từng học tại Đại học Văn hóa Trung Quốc tại Đài Loan, Trung Quốc; và nhiều ngôi Phật học viện. Năm 1979, Ngài sáng lập Tinh Xá Hoa Tạng tại Đài Bắc, là người sáng lập Tịnh Tông Học Hội và hoằng dương Tịnh độ, cũng là người sáng lập Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội (Quỹ Phật Đà Giáo Dục). Ngài tinh thông tam tạng, biện tài vô ngại, giảng kinh thuyết pháp khắp các nơi tại Đài Bắc và Mĩ, Úc, các nước Đông Nam Á, v.v. Bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Hạ Liên Cư được Ngài dốc lòng hoằng dương, có ảnh hưởng vô cùng lớn đến các nơi trên thế giới. Các bài giảng kinh được ghi âm, quay video lưu truyền rộng qua CD, VCD, Youtube, v.v.
Hòa thượng Tịnh Không được xem là người có công phục hưng Tịnh độ tông với việc cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu, thực hành và truyền bá pháp môn Tịnh độ - pháp môn mà Ngài đã đạt được những thành tựu lớn nhất. Ngài học rộng, hiểu nhiều, thâm nhập kinh tạng, hiểu rõ Thiền lẫn Mật, nhưng lại chuyên chú nơi Tịnh nghiệp. Ngài chủ trương đại chúng học kinh điển để lĩnh hội sâu rộng Phật pháp, nhưng hạnh phải chuyên nhất. Vì thế, các đạo tràng Tịnh độ của Ngài sớm tối chỉ tụng Kinh A Di Ðà hoặc Kinh Vô Lượng Thọ, mỗi tháng đều cử hành Phật thất nghiêm chỉnh. Các đạo tràng không làm gì khác ngoài việc chuyên trì hồng danh, hoằng dương Tịnh độ. Những ai tìm đến đạo tràng của Ngài nếu không thực tâm tu học sẽ chán nản, bỏ cuộc vì ngoài thời khóa Tịnh độ sớm tối, không hề có bất cứ một hình thức pháp hội nhương tai, giải hạn, lễ sám nào khác. Các pháp hội mang tính chất cầu an, giải hạn, hay thiền thất tuyệt nhiên không thấy cử hành. Ngài tuân thủ triệt để đường lối chuyên tu của Đại sư Ấn Quang: nhất tâm trì danh, vạn thiện đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh độ. Khi giảng pháp, Ngài dùng những lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, chú trọng những ý chính để người học dễ lĩnh hội và vận dụng trong cuộc sống. Tuy được coi là bậc Thái Sơn Bắc Ðẩu trong Phật giáo nhưng lúc nào Ngài cũng khiêm cung, điềm đạm. Trong các bài giảng pháp, khi mở đầu Ngài luôn xin phép vị Tăng trụ trì trung tâm và chỉ xưng là “học nhân”, không bao giờ tự xưng là “lão Tăng” hay “sư phụ”.
Khác với các đạo tràng của những giáo hội khác, đạo tràng của Ngài không trần thiết hoa mĩ, cầu kì, mà mang nặng tính thiết thực, thuận tiện cho tứ chúng vân tập niệm Phật cộng tu. Các tự viện không được phép kinh doanh buôn bán dù chỉ là các pháp khí, kinh sách. Các Tăng Ni thường trú tại các tự viện thuộc hệ thống Tịnh Tông Học Hội chỉ lo hướng dẫn đại chúng tu tập, mọi việc quản trị đã có ban hộ tự lo liệu. Ða số các Tăng sĩ thuộc hệ thống Tịnh Tông Học Hội đều được đào tạo kĩ lưỡng. Các vị pháp sư đều khiêm tốn, đạm bạc, khắc kỉ, giữ gìn giới luật, chăm tu Tịnh nghiệp, phong thái uy nghiêm mà vẫn giữ được vẻ ung dung. Ðể đào tạo tầng lớp giảng sư có đủ trình độ hoằng dương Phật pháp, Ngài đã thành lập những ban bồi dưỡng công tác giảng dạy tại các trung tâm lớn như trung tâm Tịnh Tông tại Los Angeles, Singapore, v.v. Dù tuổi tác đã cao, Ngài vẫn rất minh mẫn và tích cực hoằng pháp.
Hòa thượng Tịnh Không đã thu thần viên tịch vào lúc 2 giờ sáng ngày 26 tháng 7 năm 2022 tại chùa Cực Lạc, Đài Nam, Đài Loan, Trung Quốc, hưởng thọ 96 tuổi. Nhục thân của Ngài được di quan vào ngày 3 tháng 9 năm 2022 và làm lễ Trà tì tại chùa Đại Tiên.
Xá lợi của Ngài sau đó được đưa về an phụng tại chùa Cực Lạc. Ngài đã từng tiến cử các vị tổ sư Tịnh độ tông Trung Hoa như sau: Đại sư Huệ Viễn, Đại sư Đàm Loan, Đại sư Đạo Xước, Đại sư Thiện Đạo, Đại sư Thừa Viễn, Đại sư Pháp Chiếu, Đại sư Thiếu Khang, Đại sư Vĩnh Minh, Đại sư Tỉnh Thường, Đại sư Liên Trì, Đại sư Trí Húc, Đại sư Hành Sách, Đại sư Thật Hiền, Đại sư Tế Tỉnh, Đại sư Ấn Quang, Đại sư Hải Hiền.
Ngài cũng là tác giả của những cuốn sách sau: The Art of Living (Tạm dịch: Nghệ thuật sống); Buddhism as an Education (Tạm dịch: Phật giáo là một nền giáo dục); Buddhism: The Awakening of Compassion and Wisdom (Tạm dịch: Phật giáo: Sự thức tỉnh của từ bi và trí tuệ); The Collected Works of Master Chin Kung (Tạm dịch: Pháp ngữ của Hòa thượng Tịnh Không); Path to True Happiness (Tạm dịch: Con đường đến hạnh phúc chân thực); To Understand Buddhism (Tạm dịch: Để thấu hiểu Phật giáo), v.v. cùng vô số những tập sách được chúng đệ tử và nhóm chuyên trách giảng kí ghi chép, biên tập và in ấn.