Điều đáng buồn và đau thương nhất trên thế gian không gì hơn cái chết. Đối với việc chết chóc này, không có ai là không biết rõ, cũng không một ai có thể trốn thoát được. Nhưng nếu chỉ biết cái chết mang đến đau thương mà không biết cầu tu học pháp Phật để ra khỏi ngôi nhà ba cõi, thoát li cái chết vĩnh viễn, vậy thì chẳng khác nào đau khổ và buồn thương một cách vô ích, chẳng có chút lợi nào hay sao?
Hoặc có người cầu được pháp môn nhưng vì căn cơ trình độ không hợp, thì người ấy dẫu có tu cũng chẳng thể chứng, vẫn phải lăn lộn trong luân hồi sáu nẻo mê mờ. Vậy thì như thế cũng chẳng khác nào luống công chịu khổ mà chẳng thu được chút lợi ích gì từ giáo pháp.
Bởi thế cho nên, Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn của chúng ta từ gần 3.000 năm về trước, sớm đã trình bày rõ ràng trong Kinh Đại tập rằng: “Vào thời đại mạt pháp, hàng triệu triệu người chỉ cậy vào sức tu hành từ giới định tuệ của cá nhân, thì ít có ai đoạn trừ được gốc rễ phiền não hoặc nghiệp. Nếu muốn chứng đắc quả đạo ngôi Thánh, chỉ có nương vào tín và nguyện của pháp môn niệm Phật, lại thêm sức bản thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà, từ đó mà cầu được vãng sinh về Tây phương thì may ra mới mong được ra khỏi biển khổ sinh tử”.
Tổ thứ 13 của Liên tông là Đại sư Ấn Quang ở Linh Nham tại Tô Châu cũng đã tuyên bố rằng: “Chúng sinh chín cõi nếu lìa pháp này thì trên không thể viên thành Phật đạo, mười phương chư Phật nếu bỏ pháp này thì dưới chẳng thể phổ lợi quần sinh”. Chúng ta nên biết chư Phật chư Tổ với lòng từ bi vô lượng, đã thương xót nhớ nghĩ đến chúng sinh vào thời đại mạt pháp như chúng ta căn lành yếu mỏng, trí tuệ kém cỏi, không rõ thời cơ, dùng sai pháp môn, người tu muôn nghìn mà không được mấy người chứng đắc, hoang phí tâm tư sức lực, luống uổng một đời mà chư Phật chư Tổ mới giảng bày pháp này.
Nên biết tín nguyện niệm Phật trong pháp môn Tịnh độ phổ nhiếp mọi chúng sinh, không phân biệt là Tăng hay tục, nam hay nữ, già hay trẻ, thông minh hay khờ dại, cho đến phát tâm sớm hay muộn, tội nghiệp nặng hay nhẹ, chỉ cần đủ lòng tin chân thành, hạnh nguyện thiết tha, chuyên cần niệm Phật, mong cầu được vãng sinh Tây phương, mãi đến lúc cuối đời vẫn không thoái tâm, chắc chắn khi lâm chung, người ấy sẽ được uy lực Phật tiếp đón vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Ngay cả những người thường ngày chưa biết đến tín nguyện niệm Phật cầu sinh Tây phương, mà lúc lâm chung gặp được thiện tri thức khai thị, dẫn dắt người ấy sinh khởi lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sinh Tây phương, lại khuyên bảo người thân bạn bè đừng than van khóc lóc, không hỏi han đây kia làm trở ngại sự nhất tâm chuyên chú của người sắp mất, tất cả những người xung quanh đều hỗ trợ niệm Phật đúng như pháp, thì người ấy nhất định sẽ được vãng sinh Tây phương.
Chúng ta nhất định phải biết, mặc dù điều quyết định để khiến một người được vãng sinh Tây phương nằm ở một niệm cuối cùng của bản thân người đó, tuy nhiên cách trợ niệm đúng như pháp cũng đặc biệt quan trọng. Đáng buồn thay! Phương pháp trợ niệm lúc lâm chung này, chúng thế tục tại gia ít có ai am hiểu tường tận. Gặp lúc có người sắp mất, thường chẳng biết làm sao để giúp đỡ họ niệm Phật, tiễn đưa thần thức người mất vãng sinh về đường Thánh thế giới Tây phương Cực lạc, tận hưởng sự an lạc muôn kiếp. Ngược lại, họ thường khóc lóc bi thương, kêu gào thảm thiết, đẩy thần thức người mất đọa lạc vào các đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hứng chịu nỗi khổ đau nhiều đời. Thấy tình cảnh này, với lòng bi mẫn tha thiết nên Pháp sư Tây Chấn xót thương và cảm thông cho chúng tại gia thế tục phần nhiều chưa từng nghiên cứu Phật học, không rõ cách trợ niệm lúc lâm chung. Để giúp thay đổi thế cuộc đau lòng này, pháp sư đã giảng dạy khắp các nơi, giải thích rõ cái lợi cái hại lúc sắp mất, ra sức tổ chức các ban trợ niệm lâm chung để mọi người đều được học về phương pháp trợ niệm, chỉ để chuyên phục vụ cho đại sự nhân duyên giúp những hành giả tu theo Tịnh độ được vãng sinh Tây phương.
Vì hai cuốn sách Sức chung tân lương và Phút cuối cuộc đời lời văn khó hiểu, diệu nghĩa thâm sâu, không dễ để đọc hiểu và học tập, cho nên Pháp sư Tây Chấn nhiều lần căn dặn phải thu thập những yếu ngữ về lâm chung của các bậc cổ đức, lựa chọn những lời văn dung dị mộc mạc dễ hiểu nhất có thể để viết ra, giúp làm tư liệu hỗ trợ học tập cho đại chúng. Khổ não thay, chúng con là kẻ ít học, dẫu đã thu thập và ghi chép được mấy bản, nhưng chỉ là miễn cưỡng tạm bợ. Rất sợ văn nghĩa sai lạc, viết nhầm ý của chư Phật, dẫn dắt chúng sinh đi lầm đường, dẫu có xuất phát từ thiện tâm nhưng cuối cùng vẫn là tạo đại tội. Do đó, trước tiên dâng bản thảo kính thỉnh các bậc Cao tăng đại đức nổi danh trong nước hiệu đính giám định rồi sau mới dám ấn hành.
Cầu nguyện chư vị liên hữu đồng nguyện ở khắp nơi, khi tham khảo tập sách này xin chớ chê bai lời văn nông cạn sơ sài. Chỉ mong chư vị có thể y cứ theo thật nghĩa này mà thực hành trong đời sống, thì chắc chắn người người đều được vãng sinh, cùng nhau ra khỏi Sa bà, vượt qua biển khổ sinh tử mà sinh về cõi An dưỡng, hầu hưởng niềm vui vi diệu cõi Niết bàn muôn đời muôn kiếp!