Như Lai ra đời vì một nhân duyên vĩ đại, chính là chỉ bày những cái thấy cái biết để chúng sinh có thể lĩnh ngộ và hòa nhập cùng với trí tuệ của chư Phật. Nhưng để việc chỉ bày có thể phát huy hết tác dụng giúp chúng sinh nhận được lợi ích từ giáo pháp cần phải có phương tiện phù hợp với từng trình độ và căn tính. Do đó, Ngài đã dùng toàn bộ giáo điển với ba tạng và mười hai bộ, tổng cộng có đến 84.000 pháp môn khác nhau. Nhưng đích đến cuối cùng vẫn là giúp cho chúng sinh có thể lĩnh ngộ và hòa nhập cùng với trí tuệ của chư Phật, gọi đây là nhân duyên vĩ đại duy nhất của Ngài.
Kinh Pháp hoa chép rằng: “Ta dùng sức trí tuệ, biết mong muốn của chúng sinh, dùng phương tiện giảng bày các pháp, khiến cho tất cả đều được hoan hỉ tiếp thụ”. Lại nói thêm: “Nay ta vui với pháp vô úy, ở giữa đại chúng Bồ tát, thẳng thắn xả bỏ các phương tiện, chỉ nói duy nhất về đạo vô thượng”. Vậy mới nói rằng dùng phương tiện để giảng bày các pháp chỉ là phương tiện thôi. Chỉ khi thẳng thắn xả bỏ các phương tiện thì sự thật mới hiển lộ. Mở cánh cửa phương tiện để hiển bày tướng chân thật, cho nên Kinh Pháp hoa này được gọi là vua trong ba tạng. Pháp môn Tịnh độ được cho là phương tiện đệ nhất trong tất cả phương tiện, là vô thượng liễu nghĩa trong các liễu nghĩa, là viên đốn nhất trong các viên đốn. Đại sư Ngẫu Ích từng nhận định rằng: “Chư Phật thương xót quần sinh mê muội, tùy căn cơ mà ban bố giáo pháp, tuy đường về chỉ có một, nhưng phương tiện thì nhiều đến muôn nghìn cánh cửa khác nhau. Song, trong tất cả các phương tiện thù thắng đó, để cầu đi lối tắt mau đến quả vị Phật rốt ráo viên dung thì không pháp môn nào có thể thù thắng hơn pháp môn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ”. Do đó mới biết pháp môn Tịnh độ thật cũng như Pháp hoa, tức vừa là phương tiện mà cũng là chân thật cứu kính.
Đại sư Ấn Quang nói rằng: “Chúng sinh chín cõi nếu lìa pháp này thì trên không thể viên thành Phật đạo, mười phương chư Phật nếu bỏ pháp này thì dưới chẳng thể phổ lợi quần sinh”. Công dụng của pháp môn Tịnh độ thâm sâu đến nhường ấy nên mới được mười phương cùng ca tụng, chín cõi đều nương về, thiên kinh đều xiển dương, vạn luận cùng hoằng hóa.
Trong quá trình tu học pháp môn Tịnh độ, điều thiết yếu nhất là lòng tin kiên định và hạnh nguyện thiết tha, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật. Nhất là lúc lâm chung là thời khắc then chốt cấp bách hơn cả. Trước đây Đại sư Ấn Quang từng ấn hành cuốn Sức chung tân lương được lưu hành khắp trong và ngoài nước, mang đến vô số lợi ích cho quần chúng khắp nơi. Ngày nay các vị pháp sư như Tây Chấn, Thế Liễu và nhiều vị khác với mong muốn lưu thông cuốn sách rộng rãi đến tất cả mọi người, để bất kể là già trẻ lớn bé, ai cũng đều hiểu được nên quyết định biên soạn cuốn Những điều cần biết lúc lâm chung này. Lời văn trong sách mạch lạc dễ hiểu, ý tứ rõ ràng sâu sắc. Nếu vị pháp hữu nào có duyên tìm tòi và học hỏi, nương theo thực hành, tin rằng thân nhân đã mất của người đó chắc chắn sẽ được vãng sinh Tây phương. Lợi ích ấy thật vô lượng vô biên đến nhường nào!
Liên quan tới nghĩa lí hàm tàng của pháp môn Tịnh độ thì thiên kinh vạn luận đều đã nêu rõ không bỏ sót điều gì, nhưng cũng khó tránh còn có vị nghi ngờ hoặc thắc mắc, nên không thể không giải thích rõ ràng thêm. Có vị cho rằng niệm Phật thì nên niệm thật tướng Phật, chớ nên niệm sáu chữ hồng danh. Điều này quả thật sai lầm! Thật tướng là những gì, là lìa tất cả tưởng. Tức là tất cả các pháp đều vắng lặng không hai, thân và cõi nước không hai, tính và tu không hai, thân pháp môn và thân thế gian cũng không hai, không có gì không phải là thật tướng. Sao có thể nói lìa sáu chữ hồng danh mà cầu riêng được thật tướng?
Trong khi tất cả mọi người đều có thể thực hiện được phép niệm hồng danh Phật này, pháp giới rạng soi, kiên trì tụng niệm sáu chữ, thể tính diệu dụng liền hiển chương rõ ràng đầy đủ. Há cần phân biệt thật tướng với hồng danh làm hai? Nếu chỉ dựa vào thiên kiến của mình sao có thể biết được thật tướng?
Hoặc có người lại cho rằng chỉ nên niệm Phật Tì Lư Giá Na, chứ không nên niệm Phật A Di Đà. Tì Lư Giá Na ấy là pháp thân Phật, còn A Di Đà là ứng thân Phật. Đây cũng là mê lầm! Pháp thân, báo thân và ứng thân này tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nghĩa là Tì Lư Giá Na cũng chính là A Di Đà, mà A Di Đà cũng chính là Tì Lư Giá Na, nay lại đi phân biệt thành hai, với tà kiến thiên lệch này làm sao có thể thấy được Tì Lư Giá Na?
Hoặc có người lại bảo nên cầu sinh về cõi Thường tịch quang, chớ nên cầu sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Đây cũng là thiên kiến sai lạc! Tịch quang, Thật báo, Phương tiện và Đồng cư, về mặt danh xưng thì tuy có phân thành bốn tên khác nhau, nhưng thể của chúng là một. Người chưa đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc thì sẽ sinh vào cõi Đồng cư, người đã đoạn trừ kiến hoặc, tư hoặc thì sinh vào cõi Phương tiện, người đã dứt vô minh thì sinh vào cõi Thật báo, chứng một phần nhỏ Tịch quang. Còn khi vô minh dứt sạch thì chứng toàn phần Tịch quang. Mà cõi Thường tịch quang, không sinh mà không đâu không sinh, há có thể cầu sinh được sao? Người ấy nói như vậy là hoàn toàn không hiểu gì về công hạnh đoạn trừ vô minh chứng quả vị, không hiểu gì về các thứ tự của quả vị, vọng chấp Tịch quang mà phá bỏ Cực lạc, lại không rõ biết Cực lạc Đồng cư chính là Tịch quang, vọng tưởng về Tịch quang mà chê bai Tịnh độ. Cũng vì thiên kiến sai lệch này mà không thể biết được Tịch quang.
Hoặc lại cho rằng tâm này là cõi nước, tâm tịnh thì cõi tịnh, chỉ nên cầu sinh về Cực lạc của tự tâm, cớ gì phải cầu sinh về Cực lạc ở đâu khác? Đây cũng là mê lầm! Tâm ấy tức là pháp giới, dẫu Cực lạc nằm ngoài mười vạn ức cõi nước nhưng chưa từng tách lìa pháp giới, cũng có nghĩa là chưa từng tách rời với tự tâm. Nay cưỡng cầu lấy duyên ảnh của sáu trần làm tự tâm, mà muốn sáp nhập thế giới Cực lạc vào trong vọng tâm của duyên ảnh sáu trần rồi cầu sinh về đó, há chẳng phải hoang đường lắm sao?
Những mối lầm mê này của người đời, đều là do chỉ nghe đến khái niệm câu từ, chứ chưa am hiểu tường tận về giáo nghĩa, ngờ nghệch không nghe không học giáo nghĩa mà luống công tọa thiền trong mê muội, sao có thể tránh bị chê trách là kẻ nói bừa nói bậy về giáo lí vi diệu sâu xa. Nếu là bậc trí thì không nên bị mê hoặc bởi những điều ấy! Đó hầu hết đều là những bệnh mà người tài thô trí thiển dễ mắc phải, hiếu thắng quá độ, chỉ dựa theo danh nghĩa mà lãng quên những điều chân thật, đã vất vả lao nhọc mà còn làm liên lụy vô ích đến người khác, mong chư vị học giả suy xét kĩ càng!
Ý nghĩa về việc trợ niệm khi lâm chung và phương pháp chuẩn bị đều được ghi chép rõ ràng tường tận trong sách nên ở đây không nói thêm nhiều.
Tháng 10 năm Giáp Ngọ
Diệu Chân viết lời tựa tại Thượng Hải Hoằng Hóa Xã