Nam ơi, hôm qua trong quán ăn, bố bất chợt nhìn sang bàn bên cạnh. Chỗ ấy có hai bố con người khách đang ăn. Người đàn ông trạc tứ tuần và đứa bé chừng 10, 11 tuổi. Họ ngồi ăn cùng nhau nhưng mỗi người lại ngó lơ sang một hướng. Thi thoảng, ông bố gắp đồ ăn cho con. Đứa con cằn nhằn, phụng phịu một xíu, xem chừng không muốn ăn. Sau đó nó cúi xuống nhăn mặt, gẩy gẩy mấy cọng hành như kiểu lỗi của bố là đã gọi món ăn có lẫn hành, thứ mà nó không thích.
Ăn xong, họ lặng lẽ đứng lên, người bố hỏi: Mấy giờ con tan học để bố còn biết mà đón?
Đứa con xốc xốc lại cái ba lô, nói: Như mọi khi đấy bố.
Thế thôi, rồi hai bố con chia tay nhau. Như hai vệt nắng đi về hai hướng đường ngược chiều. Những vệt nắng rời rạc, buồn tênh.
Con trai à, lặng lẽ quan sát cảnh đó, bố tự nhiên thấy lòng chùng xuống.
Phải chi là con ngồi đây, hai bố con mình sẽ “say mê” ăn (con ăn uống lúc nào cũng ở trạng thái say mê), rồi bàn luận chuyện trên trời dưới bể, rồi cười, rồi liếc, rồi xoa đầu, ôm ấp, dặn dò...
Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Cũng có đôi khi bố con mình chẳng cởi mở được với nhau. Đó là lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà lý do phần nhiều là vì bố quá yêu con. Tình yêu đắm đuối làm bố mụ mị. Nhiều khi bố trở nên ích kỷ, không muốn ai chia sẻ tình yêu của bố kể cả mẹ con. Tình yêu bố dành cho con giống hệt tình của chàng trai dành cho nhân tình bé bỏng trong thơ Nguyễn Bính:
Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.
Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai
Đừng hôn dù thấy cánh hoa tươi
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ
Đừng tắm chiều nay biển lắm người.
.....
Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi
Và nghĩa là cô là tất cả
Cô là tất cả của riêng tôi.
Nên bố thường “gato” với mẹ con, làm con khó xử... Ai bảo mẹ được con gần gụi hơn, được con “chiều chuộng” hơn. Và con cũng ít khi “phản biện” lại với mẹ như với bố. Những lúc ấy bố cũng chạnh buồn. Nhưng bình tâm nghĩ lại bố thấy mừng nhiều hơn.
Vì như vậy, có nghĩa là con tin tưởng bố. Kiểu tin tưởng của hai người đàn ông với nhau. Chỉ khi tin tưởng người ta mới có thể bộc bạch hết những điều mình muốn nói kể cả có những ý kiến trái chiều. Với bố nhiều khi con không “ngoan” theo kiểu nói gì nghe nấy, cũng không phải kiểu như hai hạt cơm nguội đặt cạnh nhau, người này nói với người kia mà chỉ nghe thấy vọng lại âm thanh của chính mình.
Và rồi lớn lên con sẽ hiểu, trong mỗi gia đình dường như có một sự phân công công việc ngầm giữa mẹ và cha.
Nghĩ về mẹ, người ta nghĩ về cây bầu, cây bí. Bởi thế nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới có ý thơ rất hay: Lũ chúng con từ tay mẹ lớn lên/ Còn cây bí cây bầu thì lớn xuống. “Lớn lên” và “lớn xuống”, sự đối lập tự nhiên ấy đủ cho thấy mẹ đã quấn quýt với đàn con âu yếm dường nào.
Còn người cha lại như cây cổ thụ xòa bóng râm che chở cho con.
Mẹ hướng nội. Mẹ lui cui bếp núc, mẹ giặt giũ, bế bồng, mẹ chăm đàn gà, mẹ trồng cây na cây bưởi. Gian nhà, góc bếp, vuông sân nhìn đâu cũng thấy mẹ.
Cha hướng ngoại. Cha lên đông xuống đoài, đi dọc về ngang, bôn ba lặm lụi “tu thân, tề gia... bình thiên hạ” trụ cột gia đình.
Cho nên, đứa con dễ thấy mẹ hơn thấy cha.
Nên nghĩ về cha, thường là phải ngẫm thật lâu, nghĩ thật sâu mới thấy, mới ngộ, mới cảm...
Bố có đọc đâu đó những lí giải về việc vì sao hầu hết những đứa con ít khi thân thiết với cả bố và mẹ mà chỉ là hoặc bố hoặc mẹ. Tác giả của quan niệm này cho rằng, nằm sâu trong ADN của tế bào cơ thể người, các tế bào tập hợp thành khoảng 20.000 gen. Gen gửi tín hiệu đi đến khắp cơ thể, chỉ thị bằng mệnh lệnh được soạn thảo công phu và chi tiết cho các cơ quan trong cơ thể phải thi hành những nhiệm vụ đã được vạch sẵn. Do vậy, ngay từ lúc chúng ta mới sinh ra đã có những gen áp đặt ta phải sống, phải yêu bằng cách này chứ không phải cách kia.
Ôi chao, nếu giả thuyết này là đúng thì ta sẽ biết vì sao người này “hợp” với người này mà không “hợp” với người kia...
Và nữa, đôi khi, chính những người cha hoặc người mẹ cũng không biết làm cách nào để đứa con thấy dễ chịu với kiểu thương mà mình dành cho nó.
Cho nên, để những người cha có thể làm bạn thực sự với con của mình, bố nghĩ thế này, Nam thử xem bố nói có đúng không nhé.
1. Nghĩ ra những trò chơi “kiểu đàn ông”. Bố thường không tỉ mẩn chi tiết trong chăm chút con được như mẹ nhưng lại có những trò chơi làm con mê tít. Như đá bóng, đạp xe, bơi lội, trèo cây, chơi quay, thả diều... Toàn những trò chơi mà với phái yếu của mẹ thật khó khả thi. Nhưng hai bố con chơi thì vui quên trời đất luôn.
2. Lắng nghe con theo “kiểu đàn ông”. Mỗi lần nghe con kể lể hay băn khoăn về một vấn đề gì đó, mẹ thường hay càm ràm, cằn nhằn, nhiều lúc còn xuýt xoa vì lo lắng. Nhưng bố thì khác. Mỗi lần con kể, bố thường im lặng lắng nghe. Ngay sau lúc đó có thể bố chẳng khuyên con được điều gì bổ ích. Vì bố còn phải đợi một dịp thích hợp, khi con có đủ những trải nghiệm. Nhưng bất luận con ở hoàn cảnh nào, bố cũng sẵn lòng sẻ chia an ủi. Nếu cần, con cứ im lặng tựa vào vai bố mà buồn. Nếu con vấp ngã, bố sẽ khuyên con hãy cố gắng tự mình đứng dậy. Bằng không thì con biết là luôn có cánh tay bố đang chờ để nâng đỡ con.
3. Hiểu tâm lí lứa tuổi của con theo “kiểu đàn ông”. Mẹ làm sao mà biết cảm giác của một cậu con trai mới lớn khi “thích” một cô nàng nào đó. Mẹ làm sao mà biết các chiến lược để “đốn tim” ai đó. Và mẹ cũng làm sao mà biết nỗi đau khổ của một chàng trai khi lỡ bị từ chối tình cảm. Nên bố sẽ ở bên để làm “bảo bối” cho con, con nhé.
4. Bày tỏ tình cảm với con theo “kiểu đàn ông”: Chắc không hẳn chỉ là những lời nói đâu con, nếu có sẽ rất kiệm lời. Nhưng bố sẽ mua cho con đôi giày nếu biết con thích chơi đá bóng. Bố sẽ lẳng lặng sắm cho con bộ ván trượt khi thấy con muốn chơi skate, mặc dù bố chẳng thích môn thể thao nguy hiểm này.
Bố sẽ lùng sục khắp phố phường chỉ để tìm mua cuốn sách con yêu thích. Bố nhắn tin cho con chỉ mấy dòng mà luôn viết hoa chữ CON... Nhưng con thì thấu hiểu hết thảy, phải không con.
Cứ thế, bố thực sự cầu thị được làm bạn với con.
Để không bao giờ có những khoảng lặng đến lạnh lùng như giữa bố con hai người đàn ông trong quán ăn hôm qua.
Để con dù lớn cỡ nào, cũng thích khoác vai bố, tặng bố những vần thơ đẹp đến nao lòng.
Dù có thể đôi lúc hiểu lầm, đôi lần giận dỗi...
Nhưng chúng chỉ như men trong một “cuộc tình”. Thứ men “bùa ngải” ấy làm cho cuộc tình thêm đắm, thêm say, thêm ngất ngây hạnh phúc...
Và bố biết, bố sẽ chìm trong những cơn say dịu dàng này.
Và bố biết sẽ chẳng khi nào bố ra khỏi cơn say. Cho đến tận mãi mãi sau này.
Nam à...