Đêm qua, bố lẩn mẩn ngồi xem lại những bức ảnh chụp con từ ngày thơ bé...
Bố vừa soạn, vừa lẩm nhẩm trò chuyện cùng mỗi tấm ảnh, rồi tủm tỉm cười thầm, rồi nước mắt lặng lẽ ứa mi, rồi miên man dòng hồi tưởng... Tất cả đã trôi vào miền ký ức mà bố tưởng như mới hôm qua.
Có bức ảnh làm bố bật cười vì cái vẻ ngộ nghĩnh, vì nụ cười hiền ơi là hiền, vì cái đầu to và cái trán cao “giống hệt bố” của con.
Nhưng cũng có bức ảnh làm bố bần thần vì nỗi nhớ niềm thương con chứa chan chan chứa.
Những bức ảnh ấy ghi “dấu tích” những lần con bị đau.
1. Thương nhất là bức ảnh chụp hồi con bị cái mụn trên má. Năm ấy con ba tuổi. Trời mùa đông Nhật Bản lạnh giá và khô hanh nên con bị nẻ rồi dần dần mọc thành cái mụn ở ngay giữa má. Mỗi lúc con cười là cái mụn tròn xoe xoe như lúm đồng tiền. Kỳ lạ là hồi nhỏ, bố cũng bị cái nhọt to như thế trên má, cũng đúng ngay chỗ đó. Ấy là năm đầu tiên bố xa nhà xuống Nam Định học trường chuyên. Bố đau thì ít mà tủi thân thì nhiều vì đến lớp bạn bè cứ túm vào trêu chọc và đặt cho bố biệt danh “Thảo mụn”. Hôm bác Lụa xuống thăm, bố ôm bác khóc tức tưởi suốt đêm. Bao nỗi tủi thân, bao niềm đau dồn nén, đêm đó mới được dịp “tuôn trào”. Bởi vậy, nhìn cái mụn của con, bố như thấy gói cả tuổi thơ của mình trong đó. Cứ mỗi lần mẹ rửa nước muối cho con, bố lại xót xa thương con thắt ruột. Đau thế, xót thế mà con chỉ nhăn mặt khẽ kêu “á” mà không hề khóc. Con lúc nào cũng vậy, chẳng bao giờ khóc lóc, chẳng khi nào vòi vĩnh. Con càng ngoan bố lại càng thương...
2. Đó là những bức ảnh bố chụp con trong chuyến bay về Việt Nam đón Tết năm con chưa đầy tuổi. Từ khi nhỏ xíu, con không bao giờ khóc khi đi máy bay. Hễ cứ lên máy bay là líu lo, là tươi ngần mặt mũi. Nhưng trước lần bay ấy, con vừa ở viện ra, vẫn bị đi ngoài và sốt. Bố mẹ chần chừ không biết có nên cho con về hay không. Nhưng nỗi nhớ Tết, nỗi mong con được về nước đón Tết cùng ông bà nội ngoại đã lấn át lý trí. Thế là cả nhà quyết định quáng quàng đùm dúm nhau lên máy bay. Bố mẹ bồn chồn lo con mệt sẽ khóc, sẽ quấy... Vậy mà tuyệt nhiên không. Cả chuyến bay, con bị đi ngoài thêm vài lần nữa nhưng cứ ngủ thì thôi chứ lúc thức là bô lô ba la bằng những âm thanh u ơ không thể dễ thương hơn. Nhiều lúc sờ trán con thấy nóng, bố mẹ lặng lẽ nhìn nhau mà nước mắt ứa mi. Cả nhà về đến nhà ông bà nội thì chỉ còn mấy phút nữa là đến giao thừa. Con vẫn thức, vẫn mỉm cười như thiên thần trong hội hoa đăng. Bố ôm con, thấy mùa xuân dâng lên ngập lòng. Sáng mùng Một Tết năm ấy, bố không quên chụp lại cái khoảnh khắc thiêng liêng con lũn cũn rạng rỡ bên ông bà nội. Tất cả đọng lại trong tim bố như những dấu mốc vàng son năm tháng chẳng thể phai mờ.
3. Rồi bức ảnh con gầy tong teo chụp ngày đầu bố mẹ cho con về nước sau khi kết thúc đợt công tác nước ngoài của bố. Vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì con nóng hầm hập, tiếp theo đó là những trận sốt dài không rõ nguyên nhân. Bao nhiêu lần bố phải hủy chuyến bay từ Sài Gòn về Hà Nội. Cả nhà ăn chực nằm chờ ở bệnh viện Nhi Đồng 2. Mấy lần ra rồi lại vào viện mà con sốt vẫn hoàn sốt. Mãi sau mới biết con bị kawasaki. Mặc bố mẹ rơi vào những cơn hoang mang dài, con vẫn líu lo, hết sốt là đọc thơ, là hát, là kể chuyện. Hệt như một con chim sẻ. Thương đến thắt cả ruột gan. Bố nhớ có hôm con bị sốt cao 40 độ, phải đưa nhập viện lại. Cô y tá đo nhiệt độ rồi hai tay ôm đầu con chúc thẳng vào vòi nước, xối ào ào. Bố tá hỏa, đau thắt ngực, chạy ra giằng lại con khỏi tay cô y tá nhưng cô không cho. Cô quát vào tai bố “Anh lui ra, thà để cháu viêm phổi còn hơn là lên cơn sốt cao co giật”. Bố lóng ngóng chẳng biết làm gì, lui vào góc hành lang khóc tu tu. Vậy mà con không khóc. Con quay ra nhìn bố, tóc ướt rượt, má đỏ bừng mà hai tay thì cứ vươn về phía bố như vẫy vẫy... Chiều hôm ấy, con vẫn sốt hầm hập, mẹ tất tưởi bế con đi xét nghiệm. Đến chân cầu thang, phần do quá mệt mỏi, phần do quá lo lắng, mẹ ngã quỵ và ngất lịm. Con lồm cồm bò dậy, khóc òa gọi bố. Bố ôm hai mẹ con mà nước mắt cũng chứa chan...
4. Đó còn là những bức ảnh chụp bố con mình ở Bình Định, Phú Yên. Trưa Phú Yên nắng như đổ lửa, bố hấp tấp đóng cái cửa xe làm cửa kẹp bầm dập ngón tay con. Suốt buổi trưa con chỉ nhăn mặt mà không hề than trách bố. Về đến khách sạn, thấy ngón tay con sưng vù tấy nhức bố mới hiểu là con đau đến mức nào. Có cái gì dâng lên từ trong sâu thẳm lòng bố rồi mắc nghẹn nơi lồng ngực... Con nhìn thẳng vào mắt bố và mỉm cười độ lượng. Buổi chiều hôm ấy, bố dẫn con đi tìm một khách sạn “xịn” hơn. Thế là con thích, con nhảy cẫng lên, quên cả cái tay đau. Buổi tối khuya hôm đó, con “trốn” bố xuống nhờ máy tính của khách sạn ở tầng 1 để làm việc. Bố đâu biết thời gian đó con đang ráo riết tự apply đi Mỹ nên thấy con đi lâu, bố đùng đùng mắng con. Giờ nghĩ lại, bố thấy ân hận và tự trách mình nhiều lắm lắm. Đã bao lần bố trách mắng nhầm con. Đã bao lần bố không hiểu con. Thế nhưng con chưa bao giờ giận bố. Con luôn dành cho bố vị trí yêu thương nhất tự trái tim con...
5. Còn rất nhiều tấm ảnh như thế nữa. Lần con chơi skate bị ngã, lần con bị sụt bùn, lần con bị đau răng... chẳng thể nào diễn tả hết nỗi lòng bố thương con như trời biển...
Thương con và có chút gì như ân hận.
Thương con và có chút gì như tiếc nuối...
Nam ơi, nếu được quay trở lại tuổi thơ con một lần nữa, bố chắc sẽ thương con nhiều hơn, hiểu con nhiều hơn và độ lượng nhiều hơn.
Con trai ơi! Đường đời con đi sẽ còn nhiều khó khăn, con rồi sẽ gặp những hoang mang, những nỗi buồn, những khó khăn, những vấp ngã... Những lúc ấy nhớ nhé, con yêu, bố lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ cùng con, thấu hiểu cùng con, cảm thông cùng con và gánh đỡ cùng con.
Bố rồi sẽ già nua, sẽ yếu đau, sẽ thêm càm ràm, thêm khó tính. Nhưng tình yêu thương dành cho con sẽ chẳng vì thế mà vơi đi. Ngược lại nó sẽ chỉ đầy thêm, đong đầy thêm mãi mãi.
Con cứ tựa vào vai bố, cứ nắm lấy tay bố, như những tháng năm còn thơ con nhé.
... Bố xếp bộ ảnh hàng ngàn bức này vào trong ngăn kí ức hồng hào tươi đẹp để mở ra những “tấm ảnh” về tương lai của con với ngập tràn niềm yêu thương...
Mỗi “sát na” thời gian có con, bố đều ghi dấu bằng những bức ảnh, bằng chiếc máy ảnh trái tim thấm đẫm tình yêu bố mẹ dành cho con muôn thương ngàn nhớ...
Nhớ nhé, Nam à!