Có lẽ, trong cảm nhận của nhiều người Việt thì mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm. Cái đẹp của mùa khởi niên gắn với thiên nhiên bừng sáng, tươi tắn từ ánh nắng, lá hoa đến dòng sông, rặng núi... Với tôi, mùa xuân đất nước gắn liền với tâm hồn con người Việt mà điều căn cốt nhất, không gì khác chính là lòng yêu thương.
Quá khứ và hiện tại được nối liền nhau như một dòng chảy chưa bao giờ đứt gãy; hôm qua không bị lãng quên, đó là đạo lý Uống nước nhớ nguồn mang đậm dấu ấn tình cảm của con người Việt. Tết Nguyên đán. Dẫu rằng gốc cội xuất xứ của nó không phải ở nước ta nhưng những gì thể hiện trong đó cả về nội dung lẫn hình thức đều đã được Việt hóa từ rất lâu rồi. Cặp đôi bánh chưng, bánh giầy không chỉ phản ánh tư duy của người Việt cổ về vũ trụ Trời tròn Đất vuông mà còn in dấu đậm đà trong đó ứng xử rất mực hiếu thảo của thế hệ sau với thế hệ trước. Lòng yêu thương trước hết phải được bén rễ vào nguồn cội, từ bao la trời đất đến minh chủ, người hiền tài và gần gũi hơn không ai khác chính là tổ tiên, ông bà. Mâm cỗ cúng tất niên mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc là con cháu mời tổ tiên ông bà về ăn Tết. Những gì được gọi là xa xưa, là dĩ vãng, là hư vô được kéo lại gần, được phục sinh, được hiển linh trong hiện tại. Không còn cách xa nữa giữa tổ tiên và con cháu trong những ngày đầu xuân. Trong làn khói hương bảng lảng ta như thấy thấp thoáng những bóng hình xưa, gần gũi thương mến vô cùng. Tục Tết Việt có mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà vào lúc giao thừa thật hay. Thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nhà nhà dâng lên trời đất, thần linh, tổ tiên những thứ tinh khiết nhất, từ chén nước, ly rượu, lá trầu tới hoa quả, bánh trái, lời khấn bài bản hay nôm na cũng hướng tới cầu mong sự an lành, may mắn. Trời, đất, con người luôn được đặt trong mối quan hệ liên thông; cái cao rộng sâu dày không tách rời với cái nhỏ bé mong manh, vô hình và hữu hình đan quyện. Minh triết tồn tại của người Việt luôn hàm chứa sự biết ơn vũ trụ và thể hiện bản lĩnh sống không dễ khuất phục: Còn non, còn nước, còn người... Ăn quả nhớ người trồng cây cũng là một phẩm chất đẹp trong tính cách Việt. Tết nhất, giỗ chạp là sự biết ơn những người đi trước, cái đáng nói là dân ta không coi trọng mâm cao cỗ đầy mà chú ý tới sự thành tâm.
Tôi yêu Tết Việt ở sự đoàn tụ, sum họp. Đấy chính là biểu hiện rõ nhất của lòng yêu thương. Yêu thương, bắt đầu và trước hết với những người thân của mình. Xã hội bây giờ không còn mấy gia đình tứ đại đồng đường và sự gần gũi nhau quanh năm cũng là điều khó có. Vì mưu sinh, con người tỏa đi làm ăn muôn nơi, xa cách cũng là lẽ thường, chỉ dịp Xuân về Tết đến mới có cơ hội hồi hương đoàn tụ với người thân. Chính vì lẽ đó nên những người đi xa mong muốn được về quê ăn Tết dù phải chịu cảnh tàu xe lắm khi chen chúc, đường dài mệt nhọc, hành lý lỉnh kỉnh, tay bồng tay bế. Cứ nghĩ đến cảnh được sum họp với người thân trong bữa cơm chiều Ba mươi Tết, được thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, được mừng tuổi ông bà cha mẹ, các cháu vào sáng mồng Một, được nhận lời chúc từ người khác lòng đã xốn xang rưng rưng và đủ cảm hứng và tinh thần để chịu đựng gian khó vượt muôn dặm đường xa về đón Xuân với gia đình. Cái bịn rịn, bìu ríu đáng yêu, đáng trân trọng của người Việt ta là đó. Đúng như câu ca dao này:
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua...
Mùa xuân thắm đượm yêu thương lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Không chỉ vào dịp Tết mà hầu như bốn mùa phần đông người Việt đều sẵn lòng chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh, người gặp sự rủi ro hay những ai yếu thế. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều là cách nói của dân ta về sự cảm thông, chia sẻ đó. Không chỉ là nói mà tinh thần thương người như thể thương thân được thể hiện bằng việc làm cụ thể, thiết thực. Lớn là những dự án dành cho người nghèo, vùng khó, là các ngôi nhà tình nghĩa... nhỏ là những gói mì ăn liền, chai nước uống, tấm áo, chiếc quần, quyển vở... dành cho ai thiếu thốn. Năm qua, hạn hán rồi bão lũ nối nhau tàn phá nhiều tỉnh vùng núi Tây Bắc, miền Trung nước ta. Rất kịp thời, những đồng tiền và hàng hóa ủng hộ của nhân dân nhiều nơi đã được chuyển đến vùng thiên tai. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Trong cơn hoạn nạn mới tỏ lòng nhau. Cứ nghĩ đến sự đùm bọc, san sẻ thấm đượm nghĩa tình đồng bào đó lòng ta rưng rưng biết mấy. Thiện nguyện là từ được nhắc đến khá nhiều trong mấy năm gần đây. Không chỉ người khá giả mới làm những công việc thiện nguyện mà những người đang còn khó khăn cũng sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn hơn. Dành cho nhau một chỗ trú trong mênh mang nước lụt, chia sớt một bữa cơm sau cơn lũ quét, giúp nhau lợp lại mái nhà sau khi bão qua... Những công việc như thế làm ấm lòng người, thắp lên những vầng sáng trong cuộc đời đang bị coi là có nhiều nhiễu nhương như bây giờ.
Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới. Nhắc lại bao nhiêu lần rồi, chúng ta vẫn thấy câu này thật ý nghĩa với cuộc sống. Trong mỗi cái đẹp chắc chắn không thể không có lòng yêu thương trong đó. Một ánh mắt nhìn ấm áp, một nụ cười thân thiện, một lời nói thanh nhã, một sự nâng dìu đúng lúc, một sự sẻ chia kịp thời, một cuốn sách hay, một bài thơ xúc động... đều là nét đẹp, vẻ đẹp của cuộc sống nếu thiếu nó thì xã hội sẽ không còn hương vị nữa. Thử nghĩ xem, loài người sẽ đi về đâu khi cái ác, cái xấu thắng thế, chiếm lĩnh xã hội. Cái ác sẽ tàn phá thế giới, theo chiều ngược lại sẽ như thế, chắc chắn như thế. May thay, phần đông con người hướng về cái đẹp. Vốn chịu nhiều đau thương mất mát do địch họa, thiên tai dân tộc ta càng khát khao, trân trọng những điều tốt đẹp mang ý nghĩa nhân văn của con người. Cuộc sống hiện tại còn có những mảng tối, những điều phiền toái, nhiễu nhương nhưng phải nói ngay rằng đó không phải là tính cách, phẩm chất điển hình của người Việt. Dân tộc ta yêu hòa bình, quý trọng tình cảm, thủy chung, độ lượng. Nếu không có phẩm chất đó thì nhân dân ta đâu dễ tha thứ cho những kẻ từng là thù địch, gây ra biết bao tội ác trên mảnh đất này. Sau cuộc chiến, chúng ta đã dùng câu chào thay cho lời mắng, lấy hoa hồng thay cho nòng súng, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Bè bạn thay thế kẻ thù. Lịch sử chắc chắn phải ghi nhận điều này. Tôi nghĩ, sức hút của Việt Nam hiện tại và trong tương lai trước hết là ở đó. Bạn bè năm châu bốn biển thấy được ở Việt Nam lòng tin cậy. Tin cậy ở sự ứng xử nhã nhặn, khéo léo của dân tộc này. Tin cậy ở sự khiêm nhường, cầu tiến của con người Việt Nam. Nếu dân tộc biết gìn giữ cái này và làm cho nó tỏa sáng hơn chắc chắn sẽ dành được cảm tình rất lớn của bè bạn khắp nơi.
Lòng yêu thương đã được nhân dân ta đề cao như một phẩm chất không thể thiếu được của con người. Cuộc sống hiện tại và trong tương lai cũng cần đến phẩm chất tốt đẹp này. Nó giúp cho xã hội cân bằng về nhiều mặt và tạo sự gần gũi gắn kết giữa con người với nhau. Diện mạo cuộc sống sáng đẹp lên nhờ sự tử tế của mỗi người. Mỗi người vì mọi người; tôi nghĩ phương châm sống ấy không hề lỗi thời mặc dù nó được đề ra trong những năm đất nước còn chiến tranh. Tình yêu thương, đó chính là mùa xuân vĩnh cửu của con người, ai cũng nên góp phần vun đắp chăm sóc cho tươi sáng hơn. Đâu phải chuyện gì xa xôi, trừu tượng đâu, tình thương có trong từng việc làm tử tế, giữa cuộc sống đời thường, Tôi nghĩ, đây mới là câu chuyện cấp bách và cũng là lâu dài của cuộc sống. Một xã hội chỉ phát triển bền vững khi văn hóa đạo đức được giữ gìn tốt đẹp. Cốt lõi xuyên suốt của văn hóa chính là lòng yêu thương không bao giờ bị lụi tắt, dứt đoạn, bị coi thường, chà đạp hay bị bán rẻ vì đồng tiền, danh lợi... Hành trang của mỗi người không thể thiếu lòng yêu thương; nó như thứ tài sản vô giá càng tiêu càng đầy vậy. Sống giàu yêu thương, cuộc đời sẽ đẹp hơn, như hương sắc xuân có trong bốn mùa vậy.