Trong những ngày lễ tết, Hà Nội thường thưa vắng đến ngỡ ngàng. Hà thành như là một nơi chốn khác, đường sá không nhộn nhịp chen chúc giống ngày thường. Ngày đầu năm, đi qua những quãng phố ít người xe, nhìn những chiếc lá vàng xao xác lăn trên đường trong gió xuân còn se lạnh, tôi chợt nghĩ Hà Nội chỉ là nơi ở trọ của những người nhà quê. Trong dịp lễ tết, nhiều người có gốc gác thôn dã đó lại trở về với quê hương bản quán, với gia đình như một nhu cầu tình cảm, một tập tục không thể bỏ qua được. Nếu vì lý do gì đấy mà không về quê được thì cảm thấy lòng dạ nao nao, hẫng hụt và cái tết phố dù mâm cỗ có cao sang đến mấy vẫn cứ thiếu hụt, chống chếnh.
Cái hồn quê khó hoặc không rời bỏ được những người phố gốc làng. Mà Hà Nội hay nhiều thành phố lớn ở nước mình thì người quê có ít đâu chứ. Không ồ ạt nhưng các cuộc chuyển cư từ làng ra phố cứ âm thầm, bền bỉ diễn ra từ hàng mấy thế kỷ nay. Trước hết, Hà Nội, trong lịch sử dựng nước của dân tộc vốn là kinh đô, thủ đô hoặc không thế thì cũng là thành phố lớn nhất nhì Việt Nam, nơi hội tụ anh tài, tinh hoa của mọi miền. Không ít tài danh từ những tỉnh lẻ, làng quê chọn Hà Nội làm đất dụng võ. Sự chọn lọc cứ thế diễn ra tự nhiên, người tài trí, bản lĩnh, khôn khéo và có thể là may mắn nữa bám trụ được nơi ngàn năm văn hiến. Từ một sẽ có hai, có nhiều người quê lên phố theo kiểu dây mơ rễ má bìu ríu và tỏa lan. Thời nay, chuyện người quê lên phố chẳng có gì lạ. Nơi đất chật người đông thành chỗ mưu sinh, lập nghiệp, lập danh, miền hứa của nhiều người sinh ra và lớn lên từ làng ruộng. Có người còn nói vui Hà Nội là khu kinh tế mới của tỉnh này, tỉnh nọ. Tôi thấy dân bắc miền Trung, nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh có mặt ở Hà Nội khá đông đúc. Người nhà quê bắt chước cách sống thị dân, nói năng cũng pha trộn giọng ta giọng người cho dễ nghe, dễ cảm. Thành thử, có khi người phố gốc quê ứng xử, phát ngôn trở nên sống sít, sượng sùng đến buồn cười.
Nói là nói vậy nhưng người phố gốc quê có những cái đáng yêu lắm. Cái cội nguồn bám rễ khá sâu vào nhiều thế hệ. Trong cuộc di cư, chuyển dịch ra phố xá nhộn nhịp họ đã gánh gồng theo làng xã của mình. Họ chẳng bao giờ quên tên làng tên xóm, tên núi tên sông, tên đồng tên ruộng. Quê hương xóm mạc vẫn thường trở lui trở lại trong nhiều câu chuyện của họ. Hoài niệm như là một phần tính cách của người Việt, tôi nghĩ thế. Những kỷ niệm xa xưa, có khi là của thời chăn trâu cắt cỏ, tắm ao lội sông được đánh thức. Nhiều bâng khuâng lắm những cánh cò, cánh vạc, hoa súng hoa sen, củ khoai, bông lúa... Chẳng phải ngẫu nhiên mà những ca khúc, thi phẩm viết về làng quê được nhiều người, nhiều thế hệ yêu thích. Những luyến láy dìu dặt của giai điệu đồng quê Việt thấm vào dân ca vẫn có đời sống tinh thần riêng trong lòng phố xá.
Bao gương mặt dầu dãi nắng sương chưa khuất mờ trong tâm trí người xa quê. Gốc đa, bến nước, sân đình ngỡ như cổ xưa sương khói lắm vẫn hiển hiện trong tâm trí người phố gốc quê như một biểu tượng khắc sâu về nông thôn Việt Nam. Vùng quê là nẻo về của phần đông người Việt. Đi đâu, ở đâu người ta vẫn khó quên hay không quên được nơi chôn nhau cắt rốn. Sợi dây huyết thống kéo từ đời này sang đời khác tưởng vô hình mong manh mà muôn vàn xoắn bện bền vững. Tình yêu xứ sở quê hương là một sợi dây khác nối liền phố với làng, gắn kết con người lại với nhau. Hầu như ở thành phố nào cũng có những hội đồng hương; đúng chất người Việt thích túm tụm, muốn cậy nhờ, nương tựa nhau để sống.
Tôi đã có hơn hai mươi năm sống và làm việc ở Thủ đô. Chừng ấy thời gian chưa thể gọi là dài nhưng cũng phần nào thấm tháp những hay dở của đất Kinh kỳ. Sàng lọc qua năm tháng, tôi cảm nhận được nhiều cái hay của cuộc sống đô thị trong đó có sự hòa trộn tự nhiên của chất người quê và kẻ chợ. Cái tháo vát, mưu lược bổ sung vào sự khuôn thức nền nếp, cái tinh tế uyển chuyển hòa trộn chất chân mộc thực thà, nhịp sống tăng tốc cũng cần lắng lại với tiết tấu chậm rãi vốn được sinh thành từ nền văn minh lúa nước ngàn năm. Nếu biết dung hòa văn hóa làng quê với văn minh phố xá chắc chắn con người ta sẽ có được đời sống tinh thần phong phú hơn và không bị bật khỏi truyền thống trong cuộc sống hiện đại của thế giới siêu phẳng hôm nay. Đó là thực tế, hoàn cảnh cũng là yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải thích nghi.
Cũng đừng so sánh, đong đo, phân cách văn hóa làng quê và phố xá theo kiểu ai hơn ai mà nên chọn lọc cái hay, cái đẹp của mỗi vùng để bổ sung cho hành trang cuộc đời mình. Qua từng trải bản thân, tôi thấy ai biết kết hợp văn hóa nông thôn và đô thị một cách nhuần nhụy sẽ sống tốt ở các thành phố. Cũng đừng nghĩ rằng, ai ra sống ở phố thì hương đồng gió nội đều bay tản đi hết. Ở chung cư tôi trú ngụ gần mười năm nay có không ít người gốc quê sống. Phần lớn họ vẫn giữ được tinh thần tối lửa tắt đèn có nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Láng giềng giao lưu thân thiện, một nhà có việc nhiều người quan tâm hỏi han, phụ giúp. Món quê mang lên cũng phân phát cho mỗi láng giềng một ít, không bao lăm về mặt tiền nong nhưng lại mang ý nghĩa tốt đẹp về ứng xử. Đó chính là sự nhân hòa thân thiện đậm đà bản sắc Việt làm cho cuộc sống ấm áp hơn. Đó là gì nếu không phải hồn quê còn lưu giữ lại trong mỗi con người ra đi từ làng.
Xã hội luôn đan cài các mặt tốt xấu, hay dở vào nhau. Phố hay làng cũng đều mang trong nó những mặt sáng, tối. Tôi nghĩ, ở đâu, khi con người ta hướng tới điều thiện thì cuộc sống sẽ thảnh thơi, thênh thoáng hơn. Lời chào cao hơn mâm cỗ, phố hay làng cũng đều cần điều đó. Trong xã hội hiện đại thì người phố mang hồn quê cũng đẹp chứ sao!