Hoài niệm, dường như đó là một đặc tính thuộc về con người. Một dòng sông, một bến nước, một ngọn núi, một mảnh vườn, một lối xóm, một hẻm phố... đã từng gắn bó với mình trong quá khứ đôi khi là địa chỉ tìm về của không ít người hôm nay. Tìm về để sống lại, dẫu bằng ký ức những năm tháng xa xưa trong mỗi tia nắng giọt mưa cũ kỹ, cùng những gương mặt của một thời quá vãng. Tôi coi hoài niệm như phép màu chống lại thời gian, thách thức quy luật. Khi nói về sự vận động tuyệt đối, ta hay dùng hình ảnh con người không thể tắm hai lần trên một dòng sông. Chưa hẳn thế, trong hoài niệm chúng ta có thể về ngụp lặn vô tư trên dòng sông quê hương rất nhiều lần, tuổi thơ vẫy vùng giữa làn nước mát phảng phất mùi rong trưa. Và, như một lẽ tự nhiên, trong hồi ức của không ít người những trang sách đậm màu thời gian vẫn thường hiện lên, thấp thoáng quyến rũ ta biết mấy...
Thời bé, cái hấp dẫn tôi nhiều nhất là quán sách. Cả cái xã quê tôi ở cuối dòng sông Gianh rộng lớn hồi đó chỉ duy nhất có một hiệu sách của bà Ròn nằm nơi góc chợ Thanh Khê. Trời nắng ráo, hầu như ngày nào tôi cũng có ít nhất một lần đến đấy để ngắm sách. Thi thoảng được ba mẹ cho mấy hào, tôi lại co cẳng chạy ra quán bà Ròn mua sách. Những Dế mèn phiêu lưu ký; Đất rừng phương Nam; Truyện cổ tích Việt Nam; Tam quốc diễn nghĩa; Tây du ký... tôi đã mua ở đây khi mới học cấp một, cấp hai để về đọc và kể lại với bạn bè trong xóm. Khó quên lắm những cuốn sách của cái thời công nhân nhà in còn phải tỉ mẩn ngồi xếp chữ, giấy cũng không sáng mịn như bây giờ nhưng rất ít lỗi chính tả và có nhiều minh họa đẹp theo cách cổ điển. Bây giờ, tôi ước ao có được bộ mười ba tập Tam quốc diễn nghĩa của hồi những năm sáu mươi do Nhà xuất bản Phổ thông in với các bức vẽ đẹp đến mê hồn của họa sĩ lừng danh Tạ Thúc Bình. Ai có thể biến giấc mơ của tôi thành hiện thực nhỉ? Có phải các nhà sách cũ là địa chỉ tôi cần tìm đến để có thể gặp lại những người bạn cũ thời thơ bé của mình.
Chẳng phải bỗng nhiên mà xưa nay ở nhiều nơi, nhất là các đô thị có những quán sách, sạp sách cũ tồn tại như minh chứng rõ ràng về một thứ nhu cầu của con người. Cái thú chơi sách cũ cũng không lạ lẫm với chúng ta. Cảm giác được lặng lẽ đi giữa những kệ sách ố vàng, có quyển bìa đã nhạt màu, gáy cũng bong sờn, tỏa ra mùi quá khứ thật khó tả. Nhìn sách rồi bâng khuâng nghĩ tới đời người trôi nhanh quá. Đời người muôn vàn biến động, xê dịch, đổi thay; mới oe oe, mới bé con đó bây giờ đã chạm ngưỡng rồi vượt chặng thanh xuân để làm người trung niên sau đó được xếp vào bậc cao tuổi. Những cuốn sách thì vẫn vậy, bao giá trị văn hóa đích thực có trong đó dường như vẫn vẹn nguyên, vẫn cứ lay động lòng người. Chao ôi, đời sách có lúc dài hơn đời người, dẫu sờn rách, dẫu phai màu vẫn được nhiều thế hệ cầm lên phủi sạch bụi rồi cắm cúi đọc. Những dòng chữ mang nỗi đời nhấp nhô trước mặt, khóc cười thế gian cứ thế vọng thấm vào mình như thể câu chuyện đang xảy ra.
Có mấy người bạn trung thành và hữu ích bằng sách đâu. Sách như những đứa con tinh thần của tác giả được cất tiếng chào đời từ nhà xuất bản. Mỗi cuốn sách cũng có một số phận riêng, gắn với từng tác giả, mỗi “bà đỡ” trong vai trò biên tập và hành trình đến với người đọc. Sách cũ, đấy là nói về thời gian xuất hiện, lâu hay mới thôi, còn giá trị của sách nằm ở những con chữ mang tư tưởng, tình cảm, tài hoa của người viết và trách nhiệm, tay nghề của biên tập viên, họa sĩ vẽ bìa, minh họa, trình bày, người chịu trách nhiệm xuất bản và cả người chấm, sửa lỗi chính tả nữa.
Giá trị của sách cũ được cộng thêm là... cũ, bởi nó mang trong đó dòng thời gian từng trải với cuộc sống. Cầm một cuốn sách cũ trên tay ta như nghe được bấy nhiêu mùa đi qua nó, những nắng mưa, bình yên loạn lạc được lưu giữ trong từng trang giấy mỏng, phập phồng hơi thở nóng lạnh nhân gian, cảm nhận được bao nỗi vui buồn của quá khứ. Ta gặp lại mình của ngày hôm qua, vừa đọc vừa trò chuyện với cái ngỡ không bao giờ trở lại như đang ngồi trên một con tàu ngược chiều thời gian thăm thẳm bằng tấm vé khứ hồi mang tên hoài niệm. Còn nghi ngờ gì nữa cơ, sách cũ là một phần hồi niệm của ai đó, có thể trẻ có thể già, có thể khởi đầu hay đã thành thói nết khó bỏ. Người ta nghiện sách cũ như một cách chơi, diễn đạt chính xác hơn là cách sống thú vị. Sự thú vị này cũng kỳ công và đòi hỏi tính bền bỉ.
Hay hơn nhiều những kẻ tỏ ra có chữ, sách mới tinh bày xếp cẩn thận nghiêm ngắn trên giá ở phòng khách nhưng không bao giờ đụng đến. Đời lắm sự diễn và nhiều mặt nạ; có những hình thức che khuất và phản ánh sai lệch nội dung. Kẻ trọc phú lộ nguyên hình hoặc khoác vỏ trí thức bằng sách. Sách không có tội, mới hay cũ đều chứa đựng tri thức, cảm thức của nhân loại; giá trị đích thực của ấn phẩm không phụ thuộc vào vị trí nằm ở đâu mà chỉ được đo bằng ánh sáng tư tưởng và mỹ học tỏa ra từ những dòng chữ in trên giấy. Nó bí ẩn và cũng quyền uy đến mức, có người đã giơ trang sách ra trước ánh sáng xem thử có gì trong đó. Đọc sách để giải trí và đọc sách cũng để đổi đời.
Kể cũng lạ có những người chung tình với sách cũ đến mức đắm đuối. Trong thời kỹ trị, công nghệ in ấn đã đạt tới những tầm cao ước mơ và thành tựu tin học cũng ở mức huyền thoại, có nhiều quyển sách in tuyệt đẹp hoặc sách điện tử tiện lợi có người vẫn mê sách cũ. Người ta vẫn cứ tìm đến những quầy sách cũ ở đường Trần Nhân Tông (Quận 5), Trần Huy Liệu (Quận Phú Nhuận), khu Làng Đại học Thủ Đức hay Đường Sách (Quận 1) Thành phố Hồ Chí Minh để tìm những ấn phẩm mình yêu thích đã nhuốm màu thời gian. Hà Nội cũng có những góc phố nổi tiếng về sách cũ như ở Đinh Lễ, Đường Láng... hoặc ngay trên các vỉa hè mưu sinh. Người ta mê sách cũ bởi nhiều lẽ, trong đó điều quan trọng nhất là có nhiều tác giả và dịch giả nổi tiếng. Có người sở hữu những bộ sách cũ của những nhà văn nổi tiếng trên thế giới. Họ không giấu nổi niềm tự hào khi giới thiệu với khách đến thăm nhà những giá sách cũ của mình. Trên đó, có sự góp mặt của nhiều nhà văn nổi tiếng nhân loại. Tên tuổi các vĩ nhân bừng sáng càng bừng sáng hơn trong những cuốn sách của muôn đời. Cái cũ khẳng định, tô đậm cái không bao giờ cũ đó là giá trị lâu bền của những tác phẩm hay.
Cái đẹp cứu rỗi thế giới, Dostoievski tác giả của Tội ác và hình phạt nói vậy. Ông là một trong những tác giả được người chơi sách cũ yêu thích. Có bạn ở Hà Nội đã sở hữu nguyên bộ sưu tập sách cũ những tác phẩm của ông. Sách cũng thuộc về cái đẹp của nhân loại. Tôi tin điều đó như hằng tin rằng không có sách con người chỉ là đám sinh vật đi bằng hai chân mông muội. Không có sách, con người sẽ không tiến xa được về phía trước, cả hôm qua và hôm nay. Con người tìm ra lửa để sưởi ấm thân thể và làm chín thức ăn là một dấu mốc vô cùng quan trọng của lịch sử nhân loại. Con người làm ra sách để làm sáng tư tưởng và làm đẹp tâm hồn cũng là điều vĩ đại. Vì thế, chẳng gì buồn hơn, lo hơn khi văn hóa đọc đang có những biểu hiện không sáng sủa lắm. Làm gì đây để hình ảnh con người cầm trên tay cuốn sách chăm chú đọc ở nhiều nơi như thư viện, bến tàu xe, ga hàng không... trở thành quen thuộc. Thời gian dành cho việc đọc sách phải nhiều hơn thời gian chém gió trên các mạng xã hội đang tiêu tốn rất nhiều giờ phút của chúng ta như hiện nay.
Không thể không yêu sách, một phát minh danh giá của con người. Tình yêu ấy dường như không giới hạn và có những cách thể hiện khác nhau. Trong đó không thể không nhắc tới một biểu hiện đáng yêu như tôi đã tản mạn mấy dòng trên đây. Ấy là, sách cũ... tìm về!