Một năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông; điều này ai cũng biết. Nhưng trong 365 ngày ấy còn có thêm một mùa thứ năm nữa. Mùa tình yêu, các bạn ạ!
Hai người yêu nhau say đắm, hai tâm hồn đồng điệu, hai trái tim cùng chung nhịp đập đã sáng tạo ra mùa tình yêu.
Khởi đầu như thế nào nhỉ? Gặp gỡ. Làm quen. Mến nhau. Thích và… Yêu. Đấy là nói chung, còn với cánh lính mình thì có lẽ, yêu đâu phải dễ.
Cái khó đầu tiên được các chàng lính hay kể ra là “tiếp cận mục tiêu”. Mục tiêu thì nhiều, nhiều lắm đấy, thiên hạ có biết bao nhiêu bóng hồng nhưng phần đông ở ngoài vùng phủ sóng. Bởi, bộ đội ta thời gian làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, răm rắp đâu ra đấy. Khoác bộ quân phục trên mình, người lính phải luôn luôn nghĩ tới điều lệnh, kỷ luật. Không thể lơ tơ mơ với cái khoản này được vì kỷ luật là sức mạnh của quân đội như xưa nay chúng ta thường nói. Chẳng chàng lính nào dám ăn lẹm thời gian công dùng vào việc riêng. Vì thế, quỹ thời gian dành cho tình yêu của con nhà lính bao giờ, ở đâu hình như cũng thiếu thốn.
Cái khó thứ hai là phần đông bộ đội ta phải đóng quân xa nhà, có cô gái nào đó phải lòng lính thì phải chấp nhận cảnh biền biệt chia ly, thứ bảy chủ nhật nào cũng có cảm giác chống chếnh khi bao đôi lứa khác dập dìu quanh ta. Phải duyên phải số cưới nhau, người vợ trẻ không đến mức em níu giường níu chiếu đợi anh trong thời chiến tranh ác liệt như thơ bác Hữu Thỉnh viết nhưng cũng lưa thưa lắm cảnh đầu gối tay ấp nồng nàn. Viết thư kết bạn thì được nhưng chấp nhận làm người yêu, làm vợ lính thì không phải cô gái nào cũng sẵn sàng. Tôi nghĩ, yêu và lấy bộ đội là một thử thách không nhỏ với bất cứ cô gái nào.
Nói thì nói vậy thôi, chứ tình yêu vẫn cứ là tình yêu, nó luôn luôn chứa ẩn những điều kỳ diệu và sáng tạo bất ngờ. Đã phải lòng nhau thì bất chấp gian khó, cách xa; biết khó vẫn yêu, biết xa vẫn lấy. Ông cha ta thời xửa thời xưa đã:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua…
(Ca dao)
Thì nay con cháu, hậu duệ của các cụ vẫn:
Thương nhau thì em nhé
Cưỡi sóng tìm nhau thôi.
Lính biên giới, lính hải đảo và rất nhiều người lính chúng ta vẫn có mùa thứ năm đẹp đẽ, trong sáng. Người lính biết trân trọng và giữ gìn tình yêu của mình trong mọi hoàn cảnh:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên…
(Thơ Trần Đăng Khoa).
Biết yêu và lấy bộ đội là phải chịu xa cách, thiệt thòi nhiều bề nhưng không ít cô gái muốn kết duyên với các chàng mang áo lính bởi họ cảm nhận được những phẩm chất đáng quý do rèn luyện trong quân ngũ của đối tượng mình kết nối. Phải chăng, đó là sự can trường cứng rắn, kiên định và giàu tình cảm. Kiểu sống có nền nếp, nghiêm ngắn trong quân ngũ cũng là điều hấp dẫn một bộ phận phái đẹp. Chẳng phải tôi đang là lính (lính già) mà tô hồng cho đồng đội mình đâu mà thực chất là như vậy. Tôi cũng có nhiều năm xa cách người yêu sau này là vợ của mình. Thời chúng tôi yêu nhau, cưới nhau, phương tiện liên lạc duy nhất là những lá thư viết tay dán con tem in hình người chiến sĩ trên nền cờ đỏ thắm. Mỗi tháng chỉ được phát hai con tem thôi; một chiếc viết thư cho gia đình, một chiếc dành cho người yêu. Thế mà, lá thư nào cũng tha thiết nồng nàn, mỗi lần nhận được thư người yêu, lòng tưng bừng như Tết. Thế mà, hơn 30 năm thành vợ thành chồng, tình yêu chúng tôi vẫn lành lặn, mặn mà. Bây giờ, khoa học kỹ thuật phát triển, điện thoại di động nối liền những không gian cách trở, mênh mang vời vợi như quần đảo Trường Sa sóng yêu thương cũng đã phủ rồi. Còn có sóng khác nữa, vô hình mà rất nét, mỏng mảnh mà đầy tràn, đấy là tần số tình yêu. Điện thoại di động có lúc bị mất sóng còn tần số tình yêu đích thực thì bất chấp bão giông, vùng cao, vùng lõm, vùng sâu, núi rừng, khơi xa đều rõ mồn một. Trong lặng im, ngân rung những cung bậc thương mến mà khi xa cách người lính và người yêu của họ dường như nghe rất vọng.
Lại muốn kể thêm điều này nữa, khi người yêu, chồng bận việc quân chưa về được thì có các cô gái sắp làm vợ, đang làm vợ lính không nề hà đường sá xa xôi, nắng gió bão giông tìm đến những địa chỉ thương yêu của mình. Tình yêu đích thực đã tạo ra những năng lượng mới cho người phụ nữ. Thời chiến hay thời bình với người phụ nữ Việt Nam vẫn đề cao lòng thủy chung:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Đừng nghĩ rằng, tiền bạc lúc nào cũng mua được tình người, những cám dỗ vật chất đánh đổi được sự thủy chung của người phụ nữ. Tôi hằng tin vào sự tốt đẹp của con người, của cuộc sống trong đó có những người lính và người thân của họ. Tình yêu cao cả thời nào cũng có như là minh chứng về cái đẹp đã, đang và sẽ tồn tại mãi mãi.
Mùa thứ năm.
Mùa tình yêu.
Mùa nâng niu của những người lính chúng ta!